VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 59.32 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích59.32 Kb.
#23341


BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Hà Nội, ngày 24 tháng 7 năm 2013

ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 23/7 VÀ SÁNG NGÀY 24/7/2013

Trong ngày 23/7 và đầu giờ sáng ngày 24/7/2013, một số báo đã có bài phản ánh những thông tin liên quan đến công tác tư pháp như sau:



I- THÔNG TIN NỔI BẬT

Báo Điện tử Chính phủ đưa tin Chủ tịch nước lên đường thăm chính thức Hoa Kỳ. Ngày 23/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Hoa Kỳ, theo lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama.

Theo kế hoạch, trong thời gian thăm chính thức từ ngày 24-26/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ hội đàm, hội kiến với lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội Hoa Kỳ, gặp gỡ chính giới, doanh nghiệp, học giả, bạn bè, lãnh đạo một số tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ.

Các thành viên chính thức của đoàn cũng sẽ có các cuộc gặp gỡ trao đổi với đại diện các cơ quan đối tác đối tác, nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước.

II- THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Lao động có bài Nhiều hộ dân nguy cơ mất nhà, đất. Bài báo phản ánh: Nhiều hộ dân mua nhà, đất của chi nhánh Cty CP xây dựng công trình giao thông 586 tại Cần Thơ (Cty 586 Cần Thơ) có nguy cơ mất trắng nhà, đất.

Nguyên nhân vì tài sản mà Cty 586 Cần Thơ bán cho họ đã bị Cty mẹ là Cty CP xây dựng công trình giao thông 586 (Cty 586, trụ sở tại Q.Bình Thạnh, TPHCM) đem thế chấp, bảo lãnh cho một Cty con khác là Cty CP đầu tư và kinh doanh điện 586 (Cty CP ĐTKD điện 586) vay tiền ngân hàng, đến nay bị phát mại tài sản thế chấp...

Tháng 9.2008, Cty CP ĐTKD điện 586 ký hợp đồng tín dụng vay Ngân hàng Liên doanh Việt Nga (quận 3, TPHCM). Tài sản thế chấp bao gồm một số tài sản hình thành từ vốn vay là một số hạng mục công trình tại Nhà máy thủy điện Đan Sách tỉnh Bình Thuận và Cty 586 thế chấp 18 thửa đất tại KDC Phú An (P.Phú Thứ, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) để bảo lãnh.

Tuy nhiên, khi đến hạn thanh toán, Cty CP ĐTKD điện 586 không trả vốn và lãi. nên ngân hàng đã khởi kiện ra TAND TPHCM. Ngày 15.8.2012, TAND TPHCM đã ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, theo đó Cty CP ĐTKD điện 586 xác nhận và cam kết chịu trách nhiệm trả số nợ còn thiếu cho Ngân hàng liên doanh Việt Nga hơn 36,4 tỉ đồng. Hạn chót thanh toán là ngày 8.11.2012. Đến hạn thanh toán mà Cty CP ĐTKD điện 586 không thanh toán thì phải chịu biện pháp cưỡng chế thi hành án.

Đến hạn, Cty CP ĐTKD điện 586 không trả nợ như thỏa thuận nên ngày 7.3.2013, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TPHCM đã ban hành quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 1276/QĐ-CTHA. Hết thời gian tự nguyện THA nhưng Cty CP ĐTKD điện 586 vẫn không THA nên Cục THADS TPHCM làm các thủ tục để tiến hành kê biên, phát mại tài sản thế chấp. Ngày 18.7.2013, chấp hành viên của Cục THADS TPHCM đến TP.Cần Thơ để tiến hành đo đạc, làm thủ tục phát mại tài sản thế chấp mới phát hiện toàn bộ 18 căn nhà và đất tại KDC Phú An đã bị Cty 586 Cần Thơ bán cho người dân.

Một trong những người mua nhà đất của Cty 586 Cần Thơ - bà Huỳnh Thị Giăng - cho biết: Ngày 10.3.2009, bà và Cty 586 Cần Thơ có ký hợp đồng mua bán nhà. Theo hợp đồng, Cty 586 Cần Thơ bán cho bà một căn nhà xây thô thuộc KDC Phú An với giá 1.010.000.000 đồng, được thanh toán làm 2 đợt: đợt 1 thanh toán 960.000.000 đồng ngay sau khi ký hợp đồng, đợt 2 thanh toán 50.000.000 đồng khi làm xong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đứng tên bên mua. Bên bán sẽ giao nhà cho bên mua ngay sau khi ký hợp đồng; còn giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất được giao sau đó 12 tháng khi bên mua đã hoàn thiện nhà và hoàn công xong.

Sau khi ký hợp đồng, bà đã thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký. Riêng giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, đến nay Cty 586 Cần Thơ vẫn chưa giao cho bà. Tuy nhiên, đến sáng 18.7 vừa qua, khi chấp hành viên của Cục THADS TPHCM đến nhà bà để đo hiện trạng nhà, đất nhằm phát mại tài sản thì bà mới biết rằng nhà, đất của bà đã bị Cty 586 đem thế chấp.

Nhà của chị Trang Thị Ngọc Trinh ở bên cạnh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chị Trinh cho biết, ngày 29.10.2012, chị đã ký hợp đồng mua căn nhà xây thô 4,5 tầng với giá hơn 1,8 tỉ đồng. Sau khi mua, chị bỏ thêm mấy tỉ đồng nữa để hoàn thiện trở thành khách sạn. Tuy nhiên, cho đến nay, Cty 568 Cần Thơ vẫn chưa giao giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Nay, không ngờ nhà đất của chị lại bị cơ quan thi hành án đến đo đạc, phát mại để thu hồi nợ cho ngân hàng.

Hiện tại, bà Giăng, chị Trinh và nhiều người dân khác mua nhà, đất nằm trong số 18 nhà, đất đã bị Cty 586 đem thế chấp rất hoang mang lo lắng vì không biết có còn giữ được tài sản đã bỏ tiền tỉ ra mua hay không.

Về vấn đề này, Văn phòng Bộ đề xuất Tổng cục Thi hành án dân sự kiểm tra thông tin, chỉ đạo giải quyết.

2. Báo Pháp luật Việt Nam có bài Giấy chứng nhận người bào chữa: “Bỏ thì thương, vương thì… khốn“. Bài báo phản ánh: Kể cả khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư (LS) và Thông tư 70/2011/TT-BCA thì dường như quá trình xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa (GCN NBC) vẫn luôn là “thử thách đầu tiên và khó khăn nhất” của LS khi hành nghề...

“Tấm giấy thông hành” cho mỗi LS để bắt đầu hành nghề, thực hiện quyền bào chữa là GCN NBC do các cơ quan tiến hành tố tụng cấp. Theo Điều 5 TT 70, để được cấp GCN này, LS phải có 4 loại giấy tờ là: Thẻ LS, Giấy yêu cầu LS của bị can, người bị tạm giữ, người thân, người đại diện hợp pháp của bị can, người bị tạm giữ, Giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề LS (hoặc Đoàn LS), văn bản phân công của Đoàn LS (đối với trường hợp bào chữa chỉ định).

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, LS còn phải cung cấp thêm các giấy tờ “ngoài luật” như chứng chỉ hành nghề LS, hợp đồng dịch vụ pháp lý và chứng từ thanh toán phí dich vụ theo hợp đồng dịch vụ pháp lý. Cá biệt, một vài LS còn được yêu cầu phải cung cấp đơn xin cấp GCN NBC, giấy đăng ký hoạt động, chứng minh nhân dân… mà theo nhiều LS, “đây là cách cơ quan điều tra “làm khó”, thậm chí “ngăn cản” LS thực hiện quyền bào chữa”.

Các LS cũng phản ánh, có sự khác biêt giữa qui định của TT 70 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LS về vấn đề các giấy tờ cần xuất trình để được cấp GCN NBC. Luật đã “mở rộng” quyền được yêu cầu LS cho cả “người khác”, chứ không chỉ “bó hẹp” cho bị can, người bị tạm giữ, người thân, người đại diện hợp pháp của bị can, người bị tạm giữ.

Đồng thời Điều 27 của Luật cũng qui định rõ nếu LS hành nghề với tư cách cá nhân trong trường hợp tham gia án chỉ định hoặc trợ giúp pháp lý thì cần có thêm văn bản phân công của Đoàn LS, còn LS hành nghề trong các tổ chức hành nghề LS thì phải có “văn bản cử LS của tổ chức hành nghề LS”.

Như vậy, so với qui định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LS, qui định như của TT 70 rất dễ khiến LS bị “hoạnh họe” về các loại giấy tờ cần xuất trình để xin cấp GCN NBC. Song điều khiến các LS chưa thực sự an tâm là việc 2 văn bản qui định về việc cấp GCN NBC không thống nhất về danh mục giấy tờ cần xuất trình là “lý do” để LS vẫn bị khó khăn trong quá trình xin cấp GCN NBC.

Đa số các vụ án, quá trình tố tụng không chỉ dừng ở giai đoạn điều tra mà sẽ kéo dài cả đến giai đoạn truy tố, xét xử. Nghĩa là tối đa mỗi LS phải xin cấp 3 GCN NBC cho 1 vụ án vì GCN của giai đoạn trước không được chấp nhận trong giai đoạn sau. Cách làm như vậy không phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp, cho thấy sự thiếu thống nhất trong cả quá trình tố tụng và sự “rời rạc, mạnh ai nấy làm” của các cơ quan tiến hành tố tụng. Quan trọng nhất là thủ tục cấp GCN NBC rườm rà, nhiều điều kiện và “ẩn chứa” nhiều khả năng “cản trở” LS, như vậy đã hạn chế LS thực hiện quyền bào chữa và ảnh hưởng đến quyền được bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Thực tế, đa số LS được cấp GCN NBC sau 10 ngày đến 1 tháng, nhất là với những án theo yêu cầu của bị can. Đối với trường hợp tạm giữ, chưa có quyết định khởi tố, nhiều LS vẫn phải chờ ít nhất 9 ngày mới được cấp GCN NBC. Cá biệt, LS Lê Hồng Nguyên (Văn phòng LS Hồng Nguyên ở TP.HCM) đã phải “mòn mỏi” chờ GNC NBC suốt hơn 1 năm. Và dù có công văn của Liên đoàn LS Việt Nam đến điều tra viên phụ trách vụ án nhưng đến khi kết thúc điều tra, hồ sơ đã chuyển sang Tòa án, LS vẫn chưa được cấp GCN NBC.

Nhưng, đối với các vụ án có quyết định khởi tố, có khoảng 50% LS được hỏi cho biết được cấp GCN NBC đúng theo qui định pháp luật. Mặc dù vẫn có đến hơn 10% LS khẳng định, thời gian cấp GCN NBC “lâu hơn” kể từ khi TT 70 có hiệu lực.

Lý giải về tình trạng vi phạm thời hạn cấp GCN NBC tràn lan như vây, ông Nguyễn Chiến Thắng (đại diện Cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công an) thừa nhận còn nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề xem xét cấp GCN NBC do luật qui định thời gian quá ngắn đã hạn chế việc thực thi, nhất là khi quá trình cấp GCN NBC phải qua nhiều khâu, điều tra viên không có quyền ra quyết định cấp GCN NBC mà phải là thủ trưởng cơ quan điều tra…

Rất khó khăn để có được GCN NBC nhưng có được rồi, việc hành nghề của LS vẫn “gian truân” bởi những qui định hay cách vận dụng pháp luật “riêng có” của mỗi cơ quan tiến hành tố tụng. Nhiều LS đã bức xúc: “Nếu đã qui định về GCN NBC thì nên cho nó có quyền thực chất, không chỉ là một thủ tục hành chính như vậy”. Và giới LS đề nghị, khi đã được một cơ quan tiến hành tố tụng cấp thì GCN NBC nên có giá trị xuyên suốt quá trình tố tụng hoặc bỏ loại giấy tờ này. Tuy nhiên, Liên đoàn LS Việt Nam cho biết, “mong muốn này sẽ phải trông chờ vào việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự”.

Về vấn đề này, Văn phòng Bộ đề xuất Cục Bổ trợ tư pháp theo dõi, đề xuất hoàn thiện pháp luật.

3. Báo Sài Gòn giải phóng Online có bài Nhấp chuột làm thủ tục hành chính. Bài báo phản ánh: UBND quận 3 TPHCM vừa triển khai dịch vụ công qua mạng thực hiện các thủ tục hành chính về cấp giấy đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng, tư pháp và hộ tịch. Người dân ngồi nhà vào trang web: ww.quan3.hochiminhcity.gov.vn là được hướng dẫn đầy đủ các thủ tục. Sau đó, nếu có yêu cầu, nhân viên bưu điện sẽ đến tận nhà nhận bổ sung các giấy tờ cần thiết đem nộp UBND quận rồi hẹn ngày gửi kết quả đến tận nhà, bảo đảm không trễ hẹn dù chỉ nửa ngày.

Ông Võ Khắc Thái, Phó Chủ tịch UBND quận 3 cho biết, trong tháng 8 sẽ thử nghiệm mô hình giải quyết hồ sơ “hai trong một” cho khoảng 12 loại giấy tờ của các lĩnh vực nhà đất, tư pháp, hộ tịch. Sau đó, quận sẽ triển khai mô hình giao trả kết quả hồ sơ hành chính tại nhà cho tất cả các lĩnh vực mà người dân có yêu cầu. Với phương thức này, người dân không phải đi lại, chờ đợi mất thời gian, tốn kém chi phí như trước kia nữa. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức thừa hành công vụ sẽ tránh được tiêu cực, nhũng nhiễu và thể hiện trách nhiệm hơn với dân trong giải quyết các hồ sơ hành chính, giảm tình trạng trễ hẹn, phiền hà cho dân.

Cùng với việc triển khai các mô hình cải cách thủ tục hành chính trên, UBND quận 3 đã đầu tư xây dựng mới phòng tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính với nhiều thiết bị hiện đại để theo dõi quy trình giải quyết hồ sơ của từng lĩnh vực. Cụ thể, tất cả các phòng ban trong quận có chức năng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân được bố trí tập trung tại một nơi. Người dân chỉ đến một nơi là phòng tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính trực thuộc Văn phòng UBND quận để nơi đây hướng dẫn thủ tục đến từng bộ phận tiếp nhận theo lĩnh vực yêu cầu. Tất cả đều được công khai qua mạng từ hồ sơ, thủ tục, tiến độ giải quyết của từng khâu, vướng mắc gì… đến ngày nhận kết quả. Người dân có yêu cầu thực hiện các dịch vụ bảo đảm đều được đáp ứng nhanh nhất.

Với mô hình và phương thức này, UBND quận 3 mong muốn tạo điều kiện để người dân thực hiện các thủ tục hành chính một cách thuận tiện nhất; qua đó từng bước tiếp cận với nền hành chính công hiện đại, nhanh chóng và hiệu quả.



Về vấn đề này, Văn phòng Bộ đề xuất Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực theo dõi, đề xuất nhân rộng.

III- THÔNG TIN KHÁC

1. Báo Dân Việt có bài Bỏ quy định xử phạt xe không chính chủ và đội mũ bảo hiểm rởm. Bài báo phản ánh: Ngay sau khi tiếp nhận đại đa số ý kiến của người dân không đồng tình với quy định này, Bộ GTVT đã đề nghị bỏ xử phạt, trong khi đó ngành công an kiên quyết muốn giữ nguyên quy định này trong dự thảo nghị định mới.

Tại dự thảo nghị định lần 6 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt mà Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa công bố, quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện (còn gọi là xe không chính chủ) và hành vi đội mũ bảo hiểm rởm đã bị loại bỏ.

Trước đó, trong Dự thảo Nghị định 71 sửa đổi của Bộ GTVT tải từng quy định mức phạt đối với hành vi sử dụng xe không chính chủ, trong đó xe máy từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng và ôtô từ 6-10 triệu đồng.

Ngay sau khi tiếp nhận đại đa số ý kiến của người dân không đồng tình với quy định này, Bộ GTVT đã đề nghị bỏ xử phạt, trong khi đó ngành công an kiên quyết muốn giữ nguyên quy định này trong dự thảo nghị định mới. Liên quan đến các ý kiến trái chiều trên, trong hội nghị thẩm định Dự thảo Nghị định 71 sửa đổi diễn ra ở Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp đã nêu lên ý kiến phải xử phạt và phải đưa vào nghị định nhưng thời điểm phạt và mức phạt như thế nào cần nghiên cứu cho hợp lý.

Mặc dù Bộ Tư pháp, Bộ Công an đều đồng tình xử phạt xe không chính chủ nhưng tại dự thảo mới nhất này, Bộ GTVT vẫn kiên quyết bỏ xử phạt xe không chính chủ. Riêng về mũ bảo hiểm rởm, Bộ GTVT cho rằng, việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm là không đủ căn cứ pháp lý và không phù hợp nên đã bị loại bỏ trong dự thảo lần 6. Tuy nhiên, đối với các trường hợp không đội hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai thì vẫn bị phạt theo quy định hiện hành

Về vấn đề này, Văn phòng Bộ đề xuất Vụ Pháp luật hình sự - hành chính theo dõi.

2. Báo Đất Việt Online có bài Bộ GD lộ ’bí mật quốc gia’ khống chế trần tốt nghiệp?. Bài báo phản ánh: Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo 63 tỉnh thành đã tuân theo “chỉ đạo mật” của Bộ để giữ cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2012 không được cao hơn tỷ lệ các năm trước. Bí mật này mới được lộ ra trong hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 mới đây, giống như một quả bom gây sốc cho dư luận.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức tại Đà Lạt, Lâm Đồng, ngày 20/7 vừa qua, ngành giáo dục đã làm cho dư luận một phen té ngửa. Đó là trong phần tổng kết, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Trong năm học vừa qua, toàn ngành giáo dục đã quyết định tỷ lệ tốt nghiệp THPT không được vượt quá tỷ lệ tốt nghiệp những năm trước, nhằm chống căn bệnh thành tích và siết chặt giám sát thi cử.  

Thêm một thông tin động trời khác nữa là một lãnh đạo Sở GDĐT đã tỏ thái độ rất bức xúc vì Sở này bị cắt thi đua do để tỷ lệ tốt nghiệp năm 2012 cao hơn năm trước thay vì đáng lẽ họ phải được khen theo lẽ thường.

Đọc những thông tin tường thuật về phiên tổng kết năm học của ngành giáo dục trên các báo, tôi thực sự choáng váng đến nỗi không dám tin vào mắt mình. Tại sao một chuyện phản giáo dục như vậy lại diễn ra ngay trong chính môi trường giáo dục? Tại sao lại có chuyện ngược đời: bị cắt danh hiệu thi đua vì để cho học sinh đỗ tốt nghiệp cao hơn năm trước?

Có nền giáo dục của nước nào được (hay bị) chỉ đạo một cách trớ trêu như nền giáo dục nước ta không? Tôi tự hỏi, bao nhiêu học sinh đã bị trượt oan, đã bị các thầy cô của họ đánh cho kỳ trượt để đảm bảo số lượng học sinh đỗ không “vượt trần” do Bộ quy định? Bao nhiêu cuộc đời có thể đã có một hướng rẽ khác, nếu như các thầy cô tôn trọng kết quả thật của bài thi các em?

Theo như báo cáo tổng kết của Bộ, thì việc “quyết định tỷ lệ tốt nghiệp THPT không được vượt quá tỷ lệ tốt nghiệp những năm trước, nhằm chống căn bệnh thành tích và siết chặt giám sát thi cử”. Nghe thật nực cười, có phải Bộ đã “làm xiếc” với kết quả thi cử, kìm giữ tỷ lệ đỗ không cho vượt quá cao để chứng minh rằng ngành mình không chạy đua với căn bệnh thành tích? Nhưng đó chính là bệnh thành tích nặng đến mức vô phương cứu chữa chứ còn gì?

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT là kết quả phản ánh trung thực nhất tình hình học hành của một lứa học sinh sau 12 năm đèn sách. Bởi vậy nó không thể đều chằn chặn như những viên gạch đúc cùng một khuôn, phải có năm thấp, năm cao tùy theo học lực của từng lứa học trò, vậy mà Bộ lại có một chỉ đạo thật nực cười: quyết không để cho tỷ lệ đỗ năm nay cao hơn năm trước.

Vậy là đã rõ, tất cả chỉ là trò diễn mà thôi, và học sinh vừa là diễn viên chính, diễn viên phụ kiêm luôn cascadeur đóng thế và những em bị trượt oan là “vật hy sinh” giúp cho những vị lãnh đạo ngành giáo dục muốn xã hội nhìn vào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp “ảo” đó để thừa nhận họ đã có một nhiệm kỳ “thành công, hiệu quả”.

Lãnh đạo Bộ GDĐT, lãnh đạo các Sở GDĐT sẽ phải trả lời ra sao đây trước những bậc phụ huynh đội mưa đội nắng thấp thỏm và lo lắng thắt lòng ngoài cổng trường thi, trước những đứa học trò gò lưng học hành ngày đêm để mong có một kết quả thi tốt nghiệp như ý? Họ sẽ trả lời sao với những người đã trót đặt niềm tin vào sự công minh và chính trực của những con điểm được viết vào bài thi, đâu có ngờ nó là vô nghĩa, khi mà tỷ lệ trần đỗ tốt nghiệp đã bị khống chế rồi, địa phương nào trót để học sinh đậu cao thì sẽ bị cắt thi đua.

Cứ nhìn vào cái cách người ta điều hành ngành giáo dục thế này, đừng hỏi tại sao mỗi năm lại càng thấy xã hội một tồi tệ đi. Học sinh học vì điểm giả, giáo viên dạy vì thành tích giả, Sở chỉ đạo tỷ lệ đỗ hay trượt, Bộ lấy yếu tố thành tích làm đầu, những nhân cách bị bóp méo, tri thức và học vấn bị đánh tráo bằng những trò mèo.

Càng ngày người dân càng mất lòng tin vào môi trường giáo dục, còn đâu nghĩa thầy trò cao đẹp khi tiêu cực núp bóng những chủ trương, chính sách len lỏi vào khắp nơi. Mới đây Sở GDĐT Hà Nội đã cho phép mô hình “giáo dục chất lượng cao” ngay trong chính trường công để cho trẻ biết thế nào là sự sung sướng mà chỉ có đồng tiền mới có thể đem lại. Rồi một trường ở Bà Rịa- Vũng Tàu lọc học sinh thông qua sổ đỏ, nhà nào chưa có sổ đỏ thì xin mời đem con về, muốn xoay sở ra sao thì xoay, chúng tôi không cần biết.

Càng nghĩ càng thấy rối bời, hoang mang và thương cho những đứa trẻ, nhân cách của chúng rồi sẽ ra sao trong một môi trường giáo dục tiềm ẩn bao nhiêu chuyện có thể khiến tâm hồn non nớt của chúng bị tổn thương. Nếu biết rằng Sở GDĐT 63 tỉnh thành đã bắt tay nhau để khống chế tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT một cách vô nhân như vậy, chúng có còn lòng tin vào xã hội nữa không?

Thế mới biết có nhiều ý kiến đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng không phải là vô căn cứ, vì cứ điểm ảo, tỷ lệ ảo, thành tích ảo nhưng tiêu cực thì năm nào cũng thật thế này, tổ chức làm gì cho hao tiền, tốn của, hại tâm tư của toàn xã hội.

Mà tốt nhất là hàng năm, thay vì tổ chức cho trò đi thi, nên tổ chức những đợt sát hạch lương tâm của những đấng bậc làm thầy, lúc ấy chắc là có khối chuyện hay ho để nói.

Trên đây là thông tin báo chí trong ngày 23/7 và đầu giờ sáng ngày 24/7/2013, Văn phòng Bộ xin báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo./.























































Nơi nhận:

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- Các Thứ trưởng (để báo cáo);

- Lưu: TH.



VĂN PHÒNG BỘ



Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 59.32 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương