Tăng cường hợp tác tư pháp giữa hai nước Việt Nam-Algeria



tải về 69.66 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu13.05.2018
Kích69.66 Kb.
#38230

BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 2015

ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 10/6 ĐẾN SÁNG NGÀY 11/6/2015

Trong ngày 10/6 đến đầu giờ sáng ngày 11/6/2015, một số báo đã có bài phản ánh những thông tin liên quan đến công tác tư pháp như sau:



I- THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Vietnam Plus có bài: Tăng cường hợp tác tư pháp giữa hai nước Việt Nam-Algeria. Bài báo phản ánh: Chiều 10/6, tại trụ sở Bộ Tư pháp Việt Nam đã diễn ra buổi Hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Tư pháp - Chưởng ấn Tayeb Louh. Trên cơ sở điểm lại những hoạt động đã được tiến hành theo Bản ghi nhớ và Kế hoạch hợp tác giữa hai Bộ trong thời gian qua, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định hoạt động hợp tác giữa hai Bộ được tổ chức khá hiệu quả, đạt nhiều kết quả tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực công chứng. Đánh giá cao những chia sẻ của Bộ Tư pháp Việt Nam, Bộ trưởng Tư pháp - Chưởng ấn Tayeb Louh đã thông tin về quá trình cải cách tư pháp của Algeria và cho biết cải cách tòa án là nội dung quan trọng trong công cuộc cải cách tư pháp tại Algeria với mấu chốt là giảm số lượng vụ án phải trình lên Tòa án Tối cao.Về hợp tác giữa hai Bộ, Bộ trưởng Tayeb Louh nhấn mạnh, hoạt động hợp tác pháp luật và tư pháp là hoạt động nền tảng để tiến hành các hoạt động hợp tác trong những lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa…Trên cơ sở những kết quả tốt đẹp từ thực hiện Bản ghi nhớ và Kế hoạch hợp tác giữa hai Bộ, Bộ trưởng Tayeb Louh mong muốn sự hợp tác giữa hai Bộ ngày càng phát triển, củng cố sâu sắc hơn, góp phần đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh thế giới đang có nhiều chuyển biến.

Sau hội đàm, hai bên đã tiến hành ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ Tư pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Algeria Dân chủ và Nhân dân giai đoạn 2016-2017. Theo đó trong năm 2016, hai bên sẽ trao đổi văn bản quy phạm pháp luật thông qua các hình thức phù hợp, theo yêu cầu của mỗi bên. Các bên sẽ trao đổi cho nhau các thông tin cập nhật về tình hình ban hành các văn bản luật thuộc thẩm quyền của mình.

2. Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh có bài: Ngân hàng ‘lờ’ quyết định phong tỏa, xử lý sao?. Bài báo phản ánh: Cơ quan thi hành án phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, mấy ngày sau ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền thì ngân hàng từ chối, cho biết đã “xử lý” số tiền trong tài khoản…


Mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (ngụ thị trấn Đức Phổ huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã gửi đơn khiếu nại tới nhiều cơ quan chức năng đề nghị xem xét, giải quyết dứt điểm việc tổ chức thi hành bản án đã có hiệu lực hơn sáu năm nay của bà. Bà Thúy cũng yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với người có thẩm quyền của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Đức Phổ (gọi tắt là Agribank Chi nhánh Đức Phổ) về hành vi không thực hiện việc phong tỏa của cơ quan thi hành án (THA).

Trước đây, năm 2008, TAND huyện Đức Phổ đã tuyên buộc Công ty TNHH Trường Sơn phải trả cho bà Thúy gần 500 triệu đồng. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, theo yêu cầu của bà Thúy, tháng 1-2009, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Đức Phổ đã ra quyết định THA.

Qua xác minh, chấp hành viên biết rằng Công ty Trường Sơn sẽ được UBND xã Phổ Ninh chuyển trả gần 96 triệu đồng tiền thi công xây dựng công trình kiên cố hóa kênh An Nhơn ở xã này. Do vậy, chấp hành viên đã có văn bản yêu cầu UBND xã Phổ Ninh chuyển số tiền trên vào tài khoản của Chi cục THA huyện để THA.

Ngày 20-12-2010, Kho bạc Nhà nước huyện Đức Phổ có thông báo gửi cho Chi cục THA huyện Đức Phổ về việc sẽ chuyển số tiền 96 triệu đồng này vào tài khoản số 4508201000168 mở tại Agribank Chi nhánh Đức Phổ. Ngay hôm sau, chấp hành viên đã ra quyết định phong tỏa tài khoản trên với thời hạn kể từ thời điểm Kho bạc Nhà nước huyện chuyển số tiền trên vào tài khoản cho đến khi có quyết định chấm dứt phong tỏa. Đồng thời, chiều cùng ngày, chấp hành viên cũng lập biên bản phong tỏa tài khoản với sự tham gia của đại diện VKS huyện Đức Phổ và ông Huỳnh Tấn Minh (Giám đốc Agribank Chi nhánh Đức Phổ). Đến ngày 27-12-2010, chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản số 4508201000168 để THA. Đến lúc này, phía Agribank Chi nhánh Đức Phổ từ chối thực hiện quyết định cưỡng chế, cho biết vào ngày 23-12-2010 (hai ngày sau khi chấp hành viên ra quyết định và lập biên bản phong tỏa tài khoản), Agribank Chi nhánh Đức Phổ đã xử lý số tiền gần 96 triệu đồng trên vào việc thu nợ quá hạn của Công ty Trường Sơn theo hợp đồng tín dụng giữa hai bên.

Ngày 23-4-2014, Chi cục trưởng Chi cục THA huyện Đức Phổ đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi, Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị xử lý kỷ luật người đứng đầu Agribank Đức Phổ do đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phong tỏa tài khoản, xâm phạm tiền phong tỏa và phải bồi thường thiệt hại theo quy định. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay không cơ quan nào hồi âm cho Chi cục THA.

Từ vụ việc trên, một vấn đề đặt ra: Theo quy định hiện hành, việc người có thẩm quyền của ngân hàng không chấp hành quyết định phong tỏa tài khoản của cơ quan THA có vi phạm hay không? Nếu vi phạm thì xử lý sao?

Ông Hồ Quân Chính (Phó phòng Nghiệp vụ 1 Cục THA TP.HCM) cho biết: Theo Điều 67 Luật THADS, quyết định phong tỏa của cơ quan THADS là biện pháp bảo đảm THA. Hành vi xâm phạm vào tài khoản đã bị phong tỏa của người có thẩm quyền của ngân hàng là vi phạm pháp luật THADS.

Về mặt hành chính, người có thẩm quyền của ngân hàng có thể bị xử phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng về hành vi “không thực hiện việc phong tỏa tài khoản” theo quy định tại khoản 7 Điều 52 Nghị định 110/2013 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THADS, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã). Những người có thẩm quyền xử phạt là chánh Thanh tra Bộ Tư pháp, tổng cục trưởng Tổng cục THADS (điểm b khoản 4 Điều 67, điểm b khoản 5 Điều 68 Nghị định 110/2013).

Ông Chính cũng nhận xét pháp luật chưa quy định trong trường hợp sau khi đã bị xử phạt hành chính mà ngân hàng vẫn không chịu giao trả số tiền trong tài khoản bị phong tỏa thì xử lý sao. Về mặt hành chính thì không có quy định để xử lý tiếp, về mặt hình sự thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự người có thẩm quyền của ngân hàng. Bởi trong trường hợp này, họ không phải là chủ thể của tội không chấp hành án (Điều 304 BLHS) vì không thuộc đối tượng liên quan trong vụ án. Mặt khác, hành vi không thực hiện việc phong tỏa khác với hành vi vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản nên cũng không thể truy cứu họ về tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản theo Điều 310 BLHS.

Từ đó, ông Chính đề nghị các nhà làm luật bổ sung quy định cụ thể hơn để có thể xử lý triệt để những trường hợp bất chấp quyết định phong tỏa tài khoản của cơ quan THA tương tự, đồng thời để giúp các cơ quan THA có căn cứ áp dụng thống nhất.



Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Tổng cục THADS kiểm tra thông tin, chỉ đạo xử lý đúng pháp luật, đề xuất hoàn thiện thể chế.

3. Báo điện tử VOV có bài: Bản án hơn 10 năm chưa được thi hành vì "cấp trên" can thiệp. Bài báo phản ánh: Theo Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bến Tre, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các cơ quan hữu quan không chịu phối hợp với cơ quan Thi hành án.


Liên quan  vụ bà  Nguyễn Thị Mãng, ở phường 8, thành phố Bến Tre khiếu nại đến nhiều ngành, nhiều cấp về việc bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã có hiệu lực trên 10 năm mà cơ quan Thi hành án địa phương chưa thi hành, mới đây Tổng Cục THADS có công văn gửi đến Cục THADS tỉnh Bến Tre yêu cầu đơn vị này kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong việc chậm tổ chức thi hành bản án, không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Tổng Cục THADS; đồng thời chỉ đạo Chi cục THADS huyện Giồng Trôm tổ chức thi hành dứt điểm vụ việc này.

Tuy nhiên  theo ông Nguyễn Văn Tu, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bến Tre, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các cơ quan hữu quan không chịu phối hợp với cơ quan Thi hành án; và mới đây còn có kiến nghị của một cơ quan chức năng của tỉnh can thiệp, làm trì hoãn việc thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Năm 1989, bà Nguyễn Thị Mãng cho ông Nguyễn Văn Bòn và bà Nguyễn Thị Mật (ngụ xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giao, tỉnh Bình Dương) thuê 3.000 m2 đất vườn tại ấp 3, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Sau đó ông Bòn và bà Mật tự ý bán diện tích đất này cho bà Châu Thị Yến, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm.  

Năm 2014, vụ việc được Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm và Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử hủy hợp đồng sang nhượng đất bất hợp pháp này. Tòa án buộc ông Nguyễn Văn Bòn và bà Nguyễn Thị Mật phải trả tiền lại cho bà Yến và hoàn trả lại đất cho chủ đất là bà Nguyễn Thị Mãng. Tuy nhiên Chi cục THADS huyện Giồng Trôm triển khai tổ chức cưỡng chế thi hành án nhiều lần nhưng không thực hiện được do bị chỉ đạo từ “cấp trên”.

Bà Nguyễn Thị Mãng đã gửi đơn khiếu nại đến Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân Tối cao, Tổng cục THADS... Các cơ quan Trung ương cũng đã có văn bản chỉ đạo Cục THADS tỉnh Bến Tre phải thi hành bản án có hiệu lực pháp luật này, nhưng đến nay cơ quan Thi hành án Dân sự tỉnh Bến Tre và huyện Giồng Trôm chưa thể thi hành do các nguyên nhân cản trở của một số cơ quan của tỉnh Bến Tre.

Hiện nay, gia đình bà Nguyễn Thị Mãng tiếp tục gửi đơn “kêu cứu” đến các vị lãnh đạo Đảng - Nhà nước và các cơ quan TW, mong được sự quan tâm, chỉ đạo giải quyết bản án này theo quy định của pháp luật./.    



Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Tổng cục THADS theo dõi, kiểm tra thông tin, chỉ đạo xử lý đúng pháp luật.

4. Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh có bài: Muốn tạm hoãn thi hành án nhưng chưa được giải quyết. Bài báo phản ánh: Độc giả Huỳnh Ngọc Mỹ, tạm trú 334 Phạm Thế Hiển, phường 3, quận 8, TP.HCM hỏi: Tôi phải thi hành án (THA) hơn 1,4 tỉ đồng theo bản án của TAND TP.HCM đồng thời cũng sẽ được nhận bản chính giấy tờ nhà. Bản án chưa được thi hành thì tôi bị TAND quận 8 triệu tập với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà. Sau đó tôi gửi đơn xin tạm hoãn THA đến Chi cục THA dân sự quận 8 để chờ kết quả xét xử của tòa nhưng họ không giải quyết. Cho tôi hỏi việc không giải quyết này có đúng không?

Ông Trần Quốc Học, Chi cục phó Chi cục THADS sự quận 8, cho biết: Bản án phúc thẩm của TAND TP HCM công nhận hợp đồng mua bán nhà của ông Hoàng, bà Xem và bà Mỹ. Buộc bà Mỹ phải thanh toán cho ông Hoàng, bà Xem số tiền mua nhà còn thiếu hơn 1,4 tỉ đồng. Đồng thời án cũng tuyên phía ông Hoàng, bà Xem phải giao lại toàn bộ bản chính giấy chủ quyền và các giấy tờ liên quan khác của căn nhà cho bà Mỹ.

Đây là vụ nghĩa vụ song phương nên chấp hành viên đã yêu cầu các bên thực hiện các nghĩa vụ theo bản án tuyên. Phía ông Hoàng, bà Xem đã giao bản chính giấy tờ trên cho chi cục THA để giao lại cho bà Mỹ. Đối với bà Mỹ, do hết thời gian tự nguyện THA, bà vẫn không thi hành nên chấp hành viên đã ra quyết định kê biên, xử lý tài sản căn nhà của bà Mỹ để THA. Sau đó bà Mỹ gửi đơn xin tạm hoãn THA vì tài sản kê biên đang có tranh chấp ở tòa. Chi cục đã có công văn hỏi TAND quận 8 về việc này. Tuy nhiên, nội dung trả lời của tòa có một số nội dung chưa rõ trong việc tranh chấp quyền sở hữu như việc bà Mỹ với ông Hoàng đã giải quyết bằng một bản án có hiệu lực pháp luật, vụ án này đưa bà Mỹ vào với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có phù hợp hay không… Như vậy, để có cơ sở ra quyết định việc hoãn THA của bà Mỹ, ngày 18-5, chi cục đã có công văn gửi Cục THA dân sự TP HCM xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ về vấn đề trên. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Cục thì chúng tôi sẽ xử lý vụ việc. Được biết hiện nay Cục THA đang xem xét sự việc trên nên chưa thể có thông tin gì cho các bên liên quan.

Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Tổng cục THADS theo dõi, kiểm tra thông tin, chỉ đạo xử lý đúng pháp luật.

5. Báo điện tử Vietnamnet có bài: ‘Cho cải chính tuổi, mấy ông cán bộ cứ ăn gian’. Bài báo phản ánh:  Thảo luận tại tổ về bộ luật Dân sự sửa đổi sáng 10/6, các ĐBQH băn khoăn về quy định quyền thay đổi họ, tên, ngày tháng năm sinh.


ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng một người vừa thay đổi họ tên, vừa sửa ngày tháng năm sinh mà được chấp nhận thì hoàn toàn thành một người khác.

Không đồng tình quy định cho phép cải chính tuổi, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) phản ánh: "Trước ta để bên Tư pháp có quyền cải chính tuổi, thành ra mấy ông cán bộ cứ ăn gian. Nếu tôi làm tổ chức, tôi không bao giờ đề bạt những người đi xin giảm tuổi để ngồi chiếm ghế”. Ông Khanh cho rằng, việc cải chính tuổi phải đưa ra tòa án xác định, điều tra, xem xét rõ ràng, không để ở sở, phòng Tư pháp như hiện nay sẽ bị "làm bừa".

Xung quanh quy định liên quan họ và tên, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý các mẫu bản khai lý lịch vẫn lạc hậu khi đặt câu hỏi trước và sau Cách mạng tháng 8 bố mẹ làm gì, trong khi lúc đó bố mẹ còn chưa sinh ra. Bà Nga cũng phản đối việc đặt ra các quy định pháp luật để hạn chế việc đặt tên. ĐB cho rằng, lấy lý do mẫu các bản khai lý lịch phần họ và tên thường trống chỗ ngắn, không đủ khai tên dài không phải lý do thuyết phục. 

Liên quan quy định về chuyển đổi giới tính, ĐB Trần Thanh Hải (TP.HCM) chỉ ra mâu thuẫn trong dự thảo bộ luật khi "không thừa nhận nhưng cho những người đã chuyển đổi giới tính được được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan". Theo ĐB, quy định như trên còn khiến chuyển đổi giới tính nhiều, đề nghị nếu không cho chuyển đổi giới tính thì cấm luôn, còn cho chuyển đổi thì phải quy định hợp lý.

Trưởng đoàn TP HCM Huỳnh Thành Lập cho rằng ai cũng có quyền sống, lỡ "lén" chuyển rồi thì nhà nước tìm cách gỡ cho người chuyển giới.

ĐB Nguyễn Sơn ủng hộ việc chuyển đổi giới tính theo nhu cầu như một chính sách nhân đạo. ĐB Lê Đình Khanh nhận định quan trọng nhất phải xác định giới tính như thế nào, theo nhiễm sắc thể, hay theo cấu tạo cơ thế, phải quy định rõ trong luật.



Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế theo dõi.

II- PHẢN HỒI CHÍNH SÁCH

1. Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh có bài: Quản lý dịch vụ internet: Lo ngại thông tư không khả thi. Bài báo phản ánh: Thông tư quy định chi tiết về hoạt động cung cấp thông tin qua biên giới lần này quy định cụ thể hơn những quy định của Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Có nhiều nội dung cấm, tuy nhiên không phải nội dung nào cũng có thể giải thích rõ ràng, mà phải tùy vào từng trường hợp. Đối với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật đối với internet, bà Huyền nói, quốc gia nào cũng áp dụng trong trường hợp cần thiết để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực.

Tuy vậy, nhiều đại biểu cho rằng, có thể thông tư lần này sẽ ảnh hưởng không tốt đến môi trường kinh doanh internet và khả năng thu hút đầu tư của VN. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, VCCI, cho rằng, internet đối với DN cũng quan trọng như đường sá, và việc kinh doanh internet cũng phải tuân thủ Luật Đầu Tư 2014. “Một số quy định trong thông tư thực chất là các điều kiện kinh doanh. Trong khi Luật Đầu tư quy định, Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND, HĐND các cấp, cơ quan, tổ chức cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện kinh doanh. Một số nội dung của thông tư cần phải được quy định ở cấp Nghị định trở lên”, ông Tuấn cho hay.



Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế theo dõi.

2. Thời báo Kinh tế Sài Gòn có bài: Định giá đất vẫn... khó!. Bài báo phản ánh: Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định về giá đất và Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30-6-2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phương pháp định giá đất có một số bất cập về cả mặt lý luận và thực tiễn.


Việc tồn tại cùng lúc hai hệ thống văn bản cùng điều chỉnh một vấn đề (hệ thống các tiêu chuẩn thẩm định giá và quy định về định giá đất theo Nghị định số 44/2014/NĐ-CP và Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT), với những quy chuẩn không đồng nhất sẽ gây rất nhiều bất cập. Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá hiện tại tuy còn tồn tại một số vấn đề nhất định, nhưng hoạt động thẩm định giá đang từng bước hoạt động theo các cơ sở, các tiêu chuẩn phù hợp với các thông lệ của quốc tế. Đây là điều cần cho tiến trình hội nhập đang diễn ra. Nên chăng sử dụng luôn một quy chuẩn chung, phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn thế giới và mang tính đại diện hơn? Hoặc để đảm bảo cho mục tiêu quản lý nhà nước thì nên chăng xây dựng lại các cách tính, các phương pháp mang tính “mở” hơn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam hiện tại.

Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế theo dõi.

III- THÔNG TIN KHÁC

1. Báo Nhân dân điện tử có bài: Thông cáo số 16 Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII. Bài báo phản ánh: Ngày 10-6-2015, buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã nghe:

- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2013 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2013.

- Ủy viên Đoàn Thư ký kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã trình bày dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013. Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 1 và toàn văn Nghị quyết.

- Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Khí tượng thủy văn.

- Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khí tượng thủy văn.

Tiếp theo, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán.



2. Báo VOV điện tử có bài: Công bố Quy hoạch chung xây dựng Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Bài báo phản ánh: Sáng 10/6, tại thành phố Đồng Hới, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ công bố Quy hoạch chung xây dựng Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng đến năm 2030. Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng nằm cách thành phố Đồng Hới 50 km về phía Tây Bắc có tổng diện tích hơn 344 ngàn hécta trải dài ở 3 huyện Bố Trạch, Minh Hóa và Quảng Ninh, trong đó có hơn 123 ngàn ha vùng lõi. Diện tích lập quy hoạch khoảng 40.860 ha gồm các xã Phúc Trạch, Hưng Trạch, Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Đây là khu vực sinh thái quan trọng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, cần được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị.  Mục tiêu việc quy hoạch nhằm gắn bảo tồn di sản với phát triển kinh tế và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng trở thành một trong những vùng du lịch sinh thái hấp dẫn bậc nhất khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Dự kiến đến năm 2030 có khoảng 135 vạn lượt khách đến khu vực này tham quan du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 5,5 vạn.


3. Báo Tiền phong có bài: Làm tàu điện ngầm kết nối sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày 10/6, UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ KH-ĐT đăng ký đề xuất hỗ trợ kỹ thuật từ Chính phủ Hàn Quốc cho một số dự án đường sắt đô thị (metro) ở TPHCM, trong đó có tuyến nhánh metro vào sân bay Tân Sơn Nhất. Tuyến metro vào sân bay dài khoảng 2 km đi ngầm dưới lòng đất, kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với ga Lăng Cha Cả (ga Cộng Hòa của tuyến metro số 5). Trước mắt, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại của Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) cho nghiên cứu tiền khả thi.

4. Báo Người lao động có bài: Trung Quốc sẽ nắm quyền phủ quyết tại AIIB. Bài báo phản ánh: Trung Quốc sẽ có “quyền phủ quyết” đối với những quyết định lớn của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Báo Wall Street Journal hôm 9-6 dẫn nguồn tin từ AIIB cho biết thông tin trên. Theo nguồn tin này, cấu trúc bỏ phiếu của ngân hàng có 57 thành viên này sẽ trao cho Trung Quốc ưu thế vượt trội với vai trò là cổ đông lớn nhất và từ đó Bắc Kinh có thể dễ dàng có quyền phủ quyết cao nhất.


Trung Quốc đóng góp khoảng 30 tỉ USD trong số 100 tỉ USD vốn cơ bản của ngân hàng này. Điều đó giúp nước này nắm khoảng 25-30% tổng số phiếu, đủ để phủ quyết bất cứ quyết định nào liên quan tới cấu trúc, thành viên, tăng vốn và các vấn đề quan trọng khác trong các vấn đề đòi hỏi số phiếu “siêu đa số” tức đòi hỏi ít nhất 75% số phiếu hay sự tán thành của cổ đông lớn.

AIIB là kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc khởi động từ năm ngoái được cho là nhằm đối trọng với Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan ngại đối với sự minh bạch của các bên cho vay đối với các dự án tập trung phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á, cũng như những quan ngại rằng Bắc Kinh sẽ dùng tổ chức này để đẩy mạnh lợi ích kinh tế và địa chính trị của một cường quốc đang nổi.



5. Báo điện tử Chính phủ phản ánh: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khẩn trương thực hiện việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, điều kiện thi, xét thay đổi chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định của Luật viên chức và các văn bản quy định chi tiết.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ căn cứ Kết luận số 37-TB/TW ngày 16/5/2011 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012 của Chính phủ về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập rà soát các quy định hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn yêu cầu quản lý công chức, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Trước mắt, Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền sửa đổi Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 của Chính phủ quy định những người là công chức theo hướng thu hẹp đối tượng là công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, xử lý những bất cập trong việc xác định công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Trên đây là thông tin báo chí trong ngày 10/6 và đầu giờ sáng ngày 11/6/2015, Văn phòng Bộ xin báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo./.

Nơi nhận:

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- Các Thứ trưởng (để báo cáo);

- Lưu: LTQHCC.



VĂN PHÒNG BỘ






Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 69.66 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương