ĐẤt bình đỊnh trong tiến trình lịch sử chữ quốc ngữ ThS. Nguyễn Văn Biểu



tải về 1.01 Mb.
trang1/9
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích1.01 Mb.
#30041
  1   2   3   4   5   6   7   8   9



HỘI THẢO KHOA HỌC "CHỮ QUỐC NGỮ TẠI BÌNH ĐỊNH" ­­­­­­­­­­­­­­­­­

ĐẤT BÌNH ĐỊNH TRONG TIẾN TRÌNH

LỊCH SỬ CHỮ QUỐC NGỮ
ThS. Nguyễn Văn Biểu*
Sự ra đời và phát triển của chữ Quốc ngữ là cả một công trình tập thể của nhiều Linh mục dòng Tên1 (Francisco de Pina, Christoforo Borri, Francesco Buzomi…), với sự cộng tác âm thầm của một số thầy giảng Việt Nam vào thế kỷ XVII sáng tạo ra, nhưng người có công tập đại thành là Thừa sai Alexandre de Rhodes và được Pigneau de Behaine, Taberd kế thừa. Trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, thứ chữ này chủ yếu được dùng trong giáo hội Công giáo. Nhờ tính ưu việt của nó, chữ Quốc ngữ dần dần chiếm ưu thế và qua nhiều lần cải tiến, đã được sử dụng phổ biến ở đầu thế kỷ XX. Kể từ khi ra đời ở Nước Mặn (Bình Định) tới nay đã 400 năm, để chữ Quốc ngữ được hoàn chỉnh và sử dụng như ngày nay.

1. Địa danh Quy Nhơn và Bình Định

Có nhiều nguồn sử liệu chép về địa danh Quy Nhơn2. Ngoài nguồn sử liệu chính sử của Việt Nam chép về Quy Nhơn (Hoài Nhơn, Hoài Nhân, Qui Ninh…), thì phần lớn các tư liệu là của các giáo sĩ, thương nhân phương Tây khi đến Đàng Trong của Đại Việt hồi thế kỉ XVI-XVII ghi chép lại; trong số đó có khá nhiều là những ghi chép bằng chữ Quốc ngữ, chép tới địa danh “Nước Mặn”, “Thị Nại”, “Qui Nhơn”,… những ghi chép này có giá trị rất quan trọng về vùng đất Đàng Trong, Quy Nhơn và nhất là quá trình phôi thai, ra đời của chữ Quốc ngữ.

Tỉnh Bình Định ngày nay, khi xưa là đất “hai thành Chà Bàn và Thi Nại3 (Chiêm Thành). Năm Bính Dần, Thái Hòa năm thứ 4 (1446), nhà Lê cho “Nhập nội đô đốc bình chương Lê Thụ, Lê Khả, Nhập nội thiếu phó tham dự triều chính Lê Khắc Phục đem hơn 60 vạn quân đi đánh Chiêm Thành…thừa thắng đánh thẳng đến cửa biển Thi Nại…tiến công thành Chà Bàn4.

Lịch sử vùng đất này gắn với sự kiện nổi tiếng khi vua Lê Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành vào tháng 11 năm Canh Dần (1470), do Trà Toàn ở Thi Nại mang hơn 10 vạn quân đánh úp châu Hóa, quấy nhiễu vùng biên viễn5. Ngày 27 tháng hai năm Tân Mão (1471), “vua tự mình đem đại quân đánh phá thành Thi Nại6, “Tháng 6, lấy đất Chiêm Thành đặt làm thừa Tuyên Quảng Nam7, “chia đất này làm 3 huyện Bồng Sơn, Phù Li và Tuy Viễn, đặt phủ Hoài Nhân, lệ vào Quảng Nam thừa tuyên8.

Năm 1602, chúa Nguyễn đặt dinh Quảng Nam, phủ Hoài nhân vẫn lệ thuộc vào dinh này9. Cũng trong năm này (1602), chúa Nguyễn cho “đổi phủ Hoài Nhân làm phủ Qui Nhân (Nhơn)”10.

Năm Tân Mão, Thái Tông thứ 3 (1651), đổi phủ Qui Nhơn làm phủ Qui Ninh11. Theo Đại Nam thực lục chép: “Tân Mão, năm thứ 3 (1651), đổi phủ Hoài Nhân làm phủ Qui Ninh12. Như vậy, cả 2 sách Đại Nam nhất thống chíĐại Nam thực lục đều nhắc về sự kiện năm 1651, nhưng nội dung không hoàn toàn giống nhau.

Năm Nhâm Tuất, Thế Tông thứ 4 (1742) “lại đổi phủ Qui Ninh làm Qui Nhơn13. Đến năm Kỷ mùi, năm thứ 20 (1799), tháng 6, quân của chúa Nguyễn chiếm được thành Qui Nhơn, Nguyễn Ánh cho đổi tên Qui Nhơn thành Bình Định14, sai Chưởng Hậu quân là Võ Tánh và Lễ bộ Ngô Tòng Chu đóng giữ. Năm Minh Mạng thứ 12 đổi phủ Qui Nhơn thành phủ Hoài Nhơn15.

Như vậy trong chính sử triều Lê và triều Nguyễn sau đó nhắc nhiều đến địa danh lịch sử Quy Nhơn, gắn liền với quá trình ra đời của chữ Quốc ngữ. Tên gọi Bình Định xuất hiện thời gian sau đó, khi mà Nguyễn Ánh chiếm được thành Quy Nhơn sau đó đến năm 1832 vua Minh Mạng chia đặt các tỉnh phía Nam, sách Đại Nam thực lục chép “Tỉnh Bình Định: thống trị 2 phủ, An Nhân, Hoài Nhân và 5 huyện…”16, đặt chức Tổng đốc Phú Bình thống hạt 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên. Tỉnh Bình Định xuất hiện từ đấy cho đến nay.

Địa danh Thị Nại17 xuất hiện nhiều trong sử triều Nguyễn, nhất là giai đoạn giao tranh giữa quân Nguyễn và Tây Sơn. Cửa biển Thị Nại là một trong những địa danh xuất hiện từ khá sớm, là một trong những thương cảng sầm uất sau Hội An hồi cuối thế kỉ XVI, đầu thế kỉ XVII. Tuy nhiên, cái tên Thị Nại và Nước Mặn được ghi chép nhiều và phổ biến nhất trong thời kỳ đầu của sự ra đời của chữ Quốc ngữ, ở thư từ, tường trình ghi chép của các giáo sĩ.

2. Quy Nhơn trong quá trình ra đời và phát triển của chữ Quốc ngữ

Khi các nhà truyền giáo phương Tây đến nước ta truyền đạo để thuận lợi cho việc rao giảng, trao đổi trong cuộc sống hàng ngày, họ đã La tinh chữ viết cho đơn giản, dễ học, dễ sử dụng, với mục đích ban đầu “là giúp người ngoại quốc học tiếng Việt chứ không phải là phổ biến chữ Quốc ngữ cho người Việt18, “Các giáo sĩ không có ý đồ dùng chữ Quốc ngữ thay chữ Nôm. Thực tế là sau khi có chữ Quốc ngữ, đến suốt thế kỉ XIX, chữ Nôm và cả chữ Hán vẫn tiếp tục được dùng trong giáo hội ở Việt Nam19.

Một số tài liệu ghi chép, về quá trình đến Đàng Trong của các giáo sĩ phương Tây từ cuối thế kỉ XVI. Năm 1580, hai linh mục có tên là Luis Fonséca (người Bồ Đào Nha), và Grégoire de la Motte20, người Pháp, lại sang truyền giáo ở Cao Miên. Nhưng một vài tác giả khác lại nói “họ truyền giáo ở Quảng Nam vào năm và trong một cuộc giao tranh giữa quân Chiêm Thành và quân chúa Nguyễn, đã bị bắt đem về Qui Nhơn, rồi Fonséca bị hạ sát, còn De la Motte thì bị thương, trốn thoát về Malacca nhưng đã chết dọc đường21.

Quy Nhơn là một trong những tỉnh được đặt giáo phận, kiêm hạt mấy tỉnh (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên), sớm nhất ở Đàng Trong. Tới nay còn 3 di tích lịch sử ghi lại quá trình truyền giáo, La-tinh hóa tiếng Việt, sáng tạo ra chữ Quốc ngữ của các Linh Mục dòng Tên tại Đàng Trong vào thế kỷ XVII. Các di tích nổi bật nhất lưu giữ dấu tích về quá trình này tại Giáo phận Quy Nhơn thuộc về 3 địa danh, đó là: Cảng thị Nước Mặn, Chủng viện Làng Sông và nhà thờ Mằng Lăng.



Năm 1615, các tu sĩ đầu tiên của dòng Tên đã theo thuyền buôn Bồ Đào Nha từ Ma Cao cập bến Đàng Trong tại cửa Hàn (Đà Nẵng). Linh mục Busomi(*) được chúa Nguyễn Phúc Nguyên (trị vì 1614-1635) tiếp đãi và việc truyền đạo khá thuận lợi. Các giáo sĩ xây dựng được giảng đường đầu tiên, sau đó đi tiếp vào Hội An - nơi có nhiều người Bồ buôn bán.

Năm 1617, các nhà truyền giáo Dòng Tên theo đường biển đến đặt cơ sở truyền giáo ở Nước Mặn theo lời mời của Trần Đức Hòa22 Khám lý phủ Hoài Nhơn, “Năm 1618, Khám lý Trần Đức Hoà mời giáo sĩ Borri đến lập giáo xứ ở phố Nước Mặn để truyền đạo và cho xây dựng “một ngôi nhà thờ bằng gỗ khá tiện nghi tại thành phố Nước Mặn”23. Tháng 7 năm 1618, các giáo sĩ khác như: Buzomi, Pina, Augustin cũng được Trần Đức Hoà mời từ  Hội An vào Nước Mặn để truyền giáo. Các giáo sĩ này cho biết:“Quan trấn thủ cho xây một ngôi nhà bằng gỗ rộng rãi ở Nước Mặn. Ông dùng voi đưa các linh mục tới nhà mới, từ đó các linh mục có cơ sở hoạt động và được dân chúng kính nể. Cũng năm đó Thánh đường làm sẵn dựng lên ở phố Nước Mặn và ráp trong vòng 1 ngày trước sự bỡ ngỡ và thán phục của những nhà truyền giáo24. Thời điểm các giáo sĩ dòng Tên tới truyền đạo, ngoài việc 1 số quan lại tạo điều kiện thuận lợi, họ còn được cả chúa Nguyễn cho phép Chúa Sãi tiếp các Linh Mục rất tử tế và việc truyền đạo được triển khai khả quan, vì vậy tới giữa năm 1616, có thêm Linh Mục Andrea Fernadez, người Bồ Đào Nha sang thay Linh Mục Diego Carvalho, được gọi về, để tìm đường sang Nhật, làm phụ tá cho Busomi. Đến Năm 1617, lại có hai Linh mục nữa là Francesco Barreto, người Bồ Đào Nha và Francisco de Pina người Ý, cùng đến đất thuộc quyền Chúa Nguyễn - Linh mục Francisco de Pina là người duy nhất trước Linh mục Alexandre de Rhodes, giảng cho dân chúng mà không cần thông ngôn, đồng thời là thầy dạy tiếng Việt Nam cho Linh mục De Rhodes sau này25.

Các nhà truyền giáo Dòng Tên khi ở Nước Mặn đã có những đóng góp nhất định vào quá trình La-tinh hóa tiếng Việt, đó là: Francesco Buzomi, Christoforo Borri, Francisco de Pina. Linh mục Christoforo Borri góp công khởi đầu chữ Quốc ngữ trong thời gian này và là người viết cuốn “Xứ Đàng Trong” năm 1621, trong đó có giới thiệu nhiều về Nước Mặn, “trước ông phải kể các linh mục Francesco Buzomi và Francisco de Pina, những người thật sự phụng sự ở Đàng Trong…chính ông và với những linh mục mà tôi vừa kể tên là những người đầu tiên cải đạo cho người Việt Nam theo Thiên Chúa giáo, nếu không ở Đà Nẵng, Hội An, Quảng Nam, thì ít nhất cũng ở Nước Mặn tỉnh Bình Định26, “Tám ngày qua đi, chúng tôi cho ông(*) biết là chúng tôi thích ở trong thành để dễ bề rao giảng Phúc Âm hơn,…ông nghe theo điều chúng tôi sở nguyện và tức khắc truyền cho người ta chọn cho chúng tôi một địa điểm rất tiện để làm nhà cho chúng tôi ở, trong vùng gọi là Nước Mặn… Sau khi từ biệt, chúng tôi leo lên lưng voi để cùng đoàn tùy tùng đi tới Nước Mặn, một địa điểm dài chừng hai dặm và rộng tới một dặm rưỡi27.

Trong Lời tựa cuốn Những người bạn cố đô Huế, (tập XVIII), L.Cadière, có nói đến nội dung một bức thư nhắc đến địa danh Nước Mặn “…Bức thư thứ hai kể chuyện cùng thời kỳ đó, nghĩa là vào cuối 1620 và năm 1621 ở Nước Mặn thuộc tỉnh Quy Nhơn hiện nay thời đó được gọi là Poulocambi28. Về những đóng góp của Christofo Borri cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ Cadière nói “Ông đã để cho chúng ta trong bản tường trình của ông những tiêu bản quý báu về các phác thảo đầu tiên của chữ “Quốc ngữ”, một thứ “quốc ngữ tiền A.De Rhodes”. Khi người ta dò tìm đến việc nghiên cứu sự hình thành chữ “quốc ngữ”, những phác thảo của linh mục Christofo Borri sẽ là một lợi ích lớn lao29.

Linh mục Christofo Borri, người đã hoạt động ở Quảng Nam – Qui Nhơn (trong những năm 1618-1622), viết: “Trước khi các linh mục Dòng Tên chúng tôi tới Đàng Trong, thói quen của người Bồ Đào Nha từ Malacca và Macao, của người Tây Ban Nha từ Manila, tới đây buôn bán là đem theo họ một vài tuyên úy để dâng thánh lễ và cử hành các bí tích cho họ trong suốt thời gian họ ở đó, thường là ba, bốn tháng. Các linh mục tuyên úy này không có trách nhiệm nào khác ngoài việc phục vụ người Bồ Đào Nha nên không quan tâm đến việc lo lợi ích thiêng liêng của dân địa phương, do đó không tìm cách học tiếng của người bản xứ… Những người thông ngôn của các tuyên úy thường chỉ biết một vài tiếng Bồ Đào Nha để mua bán và một vài câu vài lời để hỏi xem người bản xứ là người có muốn theo đạo không. Do đó mà họ có làm được cho một vài người theo đạo, nhưng chỉ là mang danh có đạo, chứ không biết gì về đạo30…”.

Tới sau các linh mục Dòng Tên đi trước, giáo sĩ Alexandre de Rhodes cũng thường vào Nước Mặn (phủ Quy Nhơn) để giảng đạo và trở thành một trong những nơi ra đời Từ điển tiếng Việt - Bồ - la đầu tiên ở Việt Nam. Quy Nhơn là nơi góp phần hình thành chữ Quốc ngữ dưới thời các giáo sĩ phương Tây mà tiêu biểu là Alexandre de Rhodes31.

Cuối năm 1624 đầu năm 1625 Alexandre de Rhodes(*) đến Đàng Trong cùng với Linh mục Gabriel de Mattos, người Bồ Đào Nha, với 5 giáo sĩ dòng Tên khác, trong đó có một người Nhật giỏi chữ Hán. Tới Đàng Trong, sau 6 tháng Alexandre de Rhodes đã thạo tiếng bản xứ để giảng kinh… Ông nhiều lần bị trục xuất khỏi cả Đàng Trong và Đàng Ngoài, vì có những lúc cấm đạo, tới lần thứ 4 thì ông bị trục xuất hoàn toàn khỏi Việt Nam (1645), “Trong suốt 17 năm ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, giáo sỹ Alexandre de Rhodes tìm hiểu ngôn ngữ, phong tục và lịch sử nước ta và tỏ ra rất thông suốt32. Sau khi bị trục xuất khỏi Đại Việt, ông đi Rô-ma để trình lên Giáo Hoàng một dự định thành lập ở Việt Nam các Tòa Giám mục Pháp, tới 1649 thì ông tới Va-ti-can. Tuy nhiên, kế hoạch của ông không thành công, ông lại quay về Pháp. Sau đó, ông được cử đi Ba Tư truyền đạo và mất ở đấy vào năm 1660.

Quá trình Alexandre de Rhodes ở Rô-ma và về Pháp, do có nhiều thời gian, nên “Ông viết nhiều sách về nước ta và xuất bản ở châu Âu... Ngoài những sách viết về nước ta, ông còn cho in tại La Mã sách kinh bằng tiếng Việt Nam, để cho người Việt dùng, và một cuốn Tự điển Việt Nam - Bồ Đào Nha - Latinh cho các giáo sĩ dùng. Ông là người có công làm giàu cho chữ Quốc ngữ của chúng ta, sau các Linh Mục Francesco de Pina và Christoforo Borri là những người đã La Mã (La-tinh) hóa cuốn kinh đầu tiên bằng tiếng Việt vào năm 1621 - trước ngày Alexandre de Rhodes đến nước ta 4 năm. Rất tiếc cuốn kinh nói trên hiện thất lạc chưa tìm ra, mà chỉ còn lại nhiều kinh sách của Alexandre de Rhodes nên người ta cho rằng Alexandre de Rhodes là “thủy tổ chữ Quốc ngữ”, trong khi ông chỉ có công kế tục tu chỉnh và phong phú hóa chữ Quốc ngữ mà thôi33. Như vậy có thể nói việc Nhà xuất bản của Thánh Bộ Truyền giáo cho in các tác phẩm đầu tiên của Alexandre de Rhodes: một Relazioze de’felici successi della fede nel regno di Tunchino (1650), một cuốn giáo lý bằng tiếng La Tinh và tiếng Việt (chữ Quốc ngữ)* và nhất là cuốn Dictionarium annamiticum, lusitanum et latinum (Từ điển Việt-Bồ-La, 1651). Lần đầu tiên, chữ cái La Tinh được sử dụng một cách có hệ thống chuyển tải âm ngữ của người Việt. Thời điểm này đánh dấu sự khởi đầu chính thức của chữ Quốc ngữ34.

Cảng thị Nước Mặn xưa nay đã bị bồi lấp và lùi vào trong đất liền, không còn dấu tích gì nữa(*), “Nước Mặn là tên gọi của một phố thị cảng sông nằm bên đầm Thị Nại của phủ Qui Nhơn vào thế kỷ XVII-XVIII…là nơi đóng bản doanh của các tu sĩ Dòng Tên ở xứ Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII. Cảng thị Nước Mặn xưa kia bao gồm các thôn: An Hòa, Lương Quang thuộc xã Phước Quang và thôn Kim Xuyên thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định ngày nay35.

Bình Định còn là nơi đặt Tiểu chủng viện Làng Sông(**) (nay thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), là một trong 3 xưởng in chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam (hai nhà in kia là nhà in Tân Định, Sài Gòn – nhà in của Giáo phận Tây Đàng Trong, nhà in Ninh Phú, Tây Đàng Ngoài, Hà Nội. Nhà in của Giáo phận Đông Đàng Trong được đặt ở Tiểu Chủng viện Làng Sông (thuộc thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định). Cho đến năm 1922 nhà in Làng Sông đã in được 18.000 tời báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác. Báo Lời Thăm phát hành mỗi tháng hai lần, mỗi số ra 1.500 bản và phát hành cả Đông Dương, tổng cộng các ấn phẩm trong năm lên tới 63.100 ấn phẩm. Ngoài sách tiếng La-tinh và tiếng Pháp, nhà in Làng Sông đã in một số lượng lớn sách Quốc ngữ đa dạng về các thể loại. Tới năm 1932, nhà in Làng Sông bị bão đánh sập, sau đó được sáp nhập vào nhà in Qui Nhơn. Đến nay, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (tại Hà Nội) còn lưu giữ được hàng trăm cuốn sách quý do Nhà in Làng Sông và Qui Nhơn xuất bản như: Đức Cha Thể (Cuénot) xuất bản 1907; Tập đánh vần chữ quốc ngữ cho mau biết coi sách (Qui Nhơn: Impr. de Qui Nhơn, 1925); Sách địa dư: Có bản đồ (In lần thứ 7. Impr. de Qui Nhơn, 1926); Sử ký nước Annam kể tắt (Impr. de qui Nhơn, 1930); Địa dư nông học tỉnh Bình Định (Tác giả: Bùi Văn Lăng, Qui Nhơn: Impr. de Qui Nhơn, 1933),…



3. Một vài nhận xét

Qui Nhơn trước đây mà ngày nay là Bình Định là nơi chứng kiến sự ra đời của chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai, thời kỳ hình thành, phát triển và hoàn tất. Có thể xem địa danh Nước Mặn thuộc Qui Nhơn hồi đầu thế kỷ XVII là một trong những nơi đầu tiên ra đời chữ Quốc ngữ. Thanh Chiêm và Nước Mặn hồi thế kỷ XVII là những đơn vị hành chính thuộc dinh Quảng Nam. Ngày nay cảng thị Nước Mặn khi xưa thuộc huyện Tuy Phước của tỉnh Bình Định là những nơi có điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ, và cùng với đó là sự du nhập của đạo Công giáo vào Việt Nam.

Xét trên nhiều yếu chúng ta có thể phần nào đi đến những kết luận Bình Định là một trong những cái nôi của chữ Quốc ngữ. Điều đó được thể hiện qua việc các Linh mục Dòng Tên đến nước ta hồi nửa đầu thế kỉ XVII đã có thời gian lâu dài ở lại Đàng Trong, am hiểu tình hình xã hội và sáng chế ra chữ Quốc ngữ, để cho người nước ngoài học tiếng Việt, mà trước tiên là các giáo sĩ không cần qua thông ngôn có thể nói chuyện và giảng đạo được. Việc chữ Quốc ngữ ngày càng được phổ biến và thông dụng, trở thành chữ viết của Việt Nam sau đó, nằm ngoài ý muốn ban đầu của các Linh mục Dòng Tên, vì chữ viết phổ biến lúc bấy giờ là chữ Hán và chữ Nôm.

Các di tích lưu giữ dấu tích về quá trình ra đời và phát triển của chữ Quốc ngữ như cảng thị Nước Mặn, Chủng viện Làng Sông, Giáo phận Đông Đàng Trong ở Qui Nhơn trước đây mà ngày nay là Bình Định là những minh chứng còn lại của lớp bụi thời gian của suốt 400 năm tiến trình lịch sử chữ Quốc ngữ cũng như lịch sử vùng đất Bình Định. Từ những phôi thai ra đời đầu tiên cho đến việc chữ Quốc ngữ được phổ biến, sự ra đời của nhà in Làng Sông, sau đó là nhà in Qui Nhơn, là một trong 3 nhà in đầu tiên đã chứng tỏ Bình Định là một trong những trung tâm ra đời và phát triển nhất của chữ Quốc ngữ.

Từ chỗ kì thị khinh miệt thứ chữ của bọn Tây dương “ngoằn nghèo như rau muống”, tới công nhận nó, lại còn nhận là chữ của mình “chữ Quốc ngữ” thì cũng thật là sự biến chuyển rất lớn. Thậm chí có ý kiến còn nói “Chữ Quốc ngữ là hồn của nước”, “nước ta sau này hay hay dở đều ở chữ Quốc ngữ”,36 thì đó là thành công lớn, mà công lao, đóng góp thuộc về nhiều người. Điều đó, ít nhiều đã làm cho xã hội Việt Nam có những biến chuyển, diện mạo mới. Nhìn lại lịch sử dân tộc, suốt một nghìn năm phong kiến, và cũng có những lúc đạt được văn minh, tác giả Lương Đức Thiệp trong cuốn Xã hội Việt Nam xuất bản cách nay 65 năm có viết rằng “… nước Việt Nam ngàn năm văn hiến mà không sản xuất nổi một học thuyết mới lạ nào, một trào lưu tư tưởng hoặc nghệ thuật mạnh mẽ nào… đẳng cấp nho sỹ Việt Nam bị ý thức hệ Nho giáo bảo thủ lung lạc, bị chế độ thi cử chi phối không còn một chút hoạt lực nào, không có được một tính cách cấp tiến nào nữa!”37. Thì sự ra đời của chữ Quốc ngữ được sử dụng như ngày nay đã đóng góp vào văn hóa Việt Nam và Bình Định là một trong những nơi góp phần vào văn hiến, văn minh ấy.
------------------------------------------------------------------------

 

CHỮ QUỐC NGỮ VỚI BÌNH ĐỊNH NHƯ LÀ MỘT ĐỊNH MỆNH

QUA BẢN TƯỜNG TRÌNH VỀ KHU TRUYỀN GIÁO ĐÀNG TRONG

PGS.TS. Võ Xuân Hào, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Quy Nhơn

Báo cáo khoa học này không tranh luận về công và tội của các giáo sĩ Dòng Tên trong công cuộc truyền giáo và sáng tạo chữ Quốc ngữ nhằm mục đích truyền giáo của họ. Người viết cũng không có điều kiện tiếp cận với nguồn ngữ liệu gốc và vốn ngoại ngữ cũng không đủ để tham khảo các văn bản gốc ngõ hầu luận bàn một cách thấu suốt quá trình hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ. Đó là chưa nói đến việc nhiều văn bản sơ khai về sự hình thành chữ Quốc ngữ được các nhà nghiên cứu xác định là đã thất lạc từ lâu. Dưới đây là những cảm nhận của người viết về chữ Quốc ngữ với Bình Định như một định mệnh dựa trên những tài liệu đã được tham khảo. Đặc biệt là dựa vào bản Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong của Christophoro Borri.

1. Miền đất và con người được sinh ra từ nơi ấy gắn kết keo sơn như một định mệnh. Vùng đất và con người Bình Định – một trong ba cư sở truyền giáo lớn của xứ Đàng Trong đã có ảnh hưởng rất lớn nếu không muốn nói là quyết định đến công cuộc truyền giáo và việc sáng tạo chữ Quốc ngữ phục vụ cho công cuộc ấy. Tại sao cư sở Nước Mặn, Bình Định (1618) - một vùng đất tận cùng của phương nam xa xôi, cách trở thời bấy giờ được thành lập trước cư sở Thanh Chiêm, Quảng Nam (1623) đến 5 năm, dẫu biết rằng Thanh Chiêm – trung tâm hành chính của Quảng Nam lúc đó gần với Cửa Hàn và Cửa Đại – nơi các giáo sĩ phương Tây đặt chân đến đầu tiên trong công cuộc truyền giáo của mình? Tại sao Cư sở Hội An được thành lập đầu tiên (1615), vào năm 1920 các cha chỉ rửa tội được 82 người Việt Nam và 27 người Nhật nhưng cũng trong năm 1620 các cha ở Nước Mặn rửa tội cho 180 người Việt? [3; 66, 68]. Câu trả lời chắc hẳn có liên quan đến vùng đất và con người nơi đây. Cũng chính vì lẽ đó, các giáo sĩ Dòng Tên đã dành nhiều trang viết giới thiệu về vùng đất và con người mà ở đó họ sống và truyền giáo.

1.1. Bản “Tường trình về Khu Truyền giáo Đàng Trong -1631, được viết từ những năm 1621 – 1622, khi Christophoro Borri hoạt động truyền giáo tại Nước Mặn (Bình Định) và được xuất bản năm 1631 tại Roma. Christophoro Borri - một giáo sĩ Dòng Tên người Ý được cử đến truyền giáo tại xứ Đàng Trong từ năm 1618 đến năm 1621, đã miêu tả một vùng đất phương Nam có khí hậu bốn mùa nắng ấm, cây cối xanh tươi, đất đai trù phú, cảnh vật hữu tình, con người chân chất thân thiện, chan hòa cùng nhau vui sống. Với năm năm sống tại xứ Đàng Trong, Cha Christophoro đã có một cái nhìn hết sức trìu mến về vùng đất và con người nơi đây. Ông viết: “Xứ này về hướng nam thì ở cạnh Chăm, vào vĩ tuyến 11, về hướng bắc xế về đông bắc, thì là xứ Đàng Ngoài, về hướng Đông là biển Trung quốc và về hướng tây, xế về tây bắc thì là nước Lào… Xứ Đàng Trong rộng hơn một trăm dặm theo bờ biển, bắt đầu từ nước Chàm ở vĩ tuyến 11, cho tới vịnh Hải Nam vào khoảng vĩ tuyến 17. Bắt đầu là xứ của chúa Đàng Ngoài. Về bề ngang thì không rộng, thu hẹp chỉ chừng hai mươi dặm Ý, đất bằng, một bên là biển và một bên là dãy núi chạy dài có Kẻ Mọi ở, nghĩa là man di. Mặc dầu họ là người Đàng Trong, nhưng họ không nhận chúa cũng không thần phục ngài. Họ đóng đô và chiếm giữ miền núi rất hiểm trở... Xứ Đàng Trong chia làm năm tỉnh. Tỉnh thứ nhất là nơi chúa ở ngay sát xứ Đàng Ngoài gọi là Thuận Hóa, thứ hai là Quảng Nam, nơi hoàng tử làm trấn thủ, thứ ba là Quảng Nghĩa, thứ tư là Quy Nhơn người Bồ đặt tên là Pulucambis, thứ năm là ở sát nước Chàm gọi là Phú Yên” [2; 10 – 11]. Quy Nhơn thuộc xứ Đàng Trong và những ân tình của giáo xứ Đàng Trong được nhắc đến trong bản tường trình của giáo sĩ Dòng Tên khởi nguồn ở xứ Nước Mặn, Quy Nhơn chắc hẳn in đậm bóng hình nước non Bình Định.



Với bổn phận là người đi truyền giáo, C. Borri viết tường trình tường tận gửi về cho Cha bề trên. Từ khí hậu, vùng lãnh thổ của xứ Đàng Trong ông đều tường trình khá cặn kẽ dưới con mắt của người lần đầu đến với xứ sở này. Ông tả mùa nước lụt ở xứ sở Đàng Trong hết sức kì lạ: “Trước hết ở đây mọi người đều mong nước lũ, không những để được mát mẻ và dễ chịu, lại còn cho đồng ruộng được mầu mỡ. Thế nên khi tới mùa nước thì họ rất bằng lòng và rất vui mừng tỏ hẳn ra bề ngoài: họ thăm hỏi nhau, chúc mừng nhau, ôm nhau hò hét vui vẻ nhắc đi nhắc lại: “đã đến lụt, đã đến lụt” có nghĩa là đã bắt đầu mưa các nơi. Nói tóm lại không có ai là không tỏ niềm vui, cả kẻ có thế gia đến chúa cũng vậy” [2; 13]. Nhờ hàng năm có mưa và nước lũ đem phù sa về nên đất đai màu mỡ phì nhiêu, khí hậu ôn hòa nên vùng đất Đàng Trong được thiên nhiên ưu ái “mỗi năm có ba vụ lúa, mỗi năm đầy đủ và dồi dào đến nỗi không ai phải lam lũ vất vả để sinh sống, ai cũng sung túc” [2; 15]. Theo C. Borri xứ Đàng Trong ngập tràn cây trái thơm ngon và tình người xứ này thấm đậm qua miếng trầu cay: “Trước khi người khách đến thăm hay từ biệt ra về thì chủ nhà sai người têm trầu của nhà mình đem ra một khay để mời khách đến thăm, như thể đáp lại sự lịch thiệp mình đã nhận được” [2; 18]. Những năm tháng sống cùng dân bản địa đã cho C. Borri những nhận xét chi tiết về cách sống của con người ở vùng đất này. Họ sống chan hòa với đất trời thiên nhiên xung quanh họ. Họ biết làm “balaciam” từ cá ướp với muối thành thứ sốt để ăn với cơm cho đỡ nhạt nhẽo. Họ biết lấy một sản phẩm rất quý từ “một loài chim be bé giống như chim én, nó làm tổ ở các cồn đá và hốc đá sóng biển vỗ vào. Con vật nhỏ này dùng mỏ lấy bọt biển và với chất từ dạ dày toát ra, cả hai thứ trộn lại làm thành một thứ tôi không biết là bùn hay nhựa để làm tổ. Khi đã khô cứng thì trong suốt và có sắc vừa vàng vừa xanh”. Người dân xứ này đi nhặt tổ của chúng về chế biến thành món ăn mà theo ông không phải thêm một thứ gì khác thì nó đã có “hương vị của hết các món thơm ngon nhất, chỉ khác một đàng là do công trình của một con chim bé nhỏ và một đàng là do tay các Thiên thần của Thượng đế nhào nặn” [2; 20]. Xứ Đàng Trong thực sự là xứ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” như cách nói của dân gian và cảm nhận của Christophoro Borri.

1.2. Không phải vùng đất nào cũng được thiên nhiên ưu đãi như Bình Định và xứ Đàng Trong để sản sinh ra những con người hào phóng, rộng lượng như quan trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa. Trần Đức Hòa người xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Hy Văn, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Là bề tôi trung tín của Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng, 1600 – 1613) và Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên, 1613 – 1635). Trong thời gian nhậm chức Tuần phủ khám lý phủ Quy Nhơn, ông có công giữ yên trấn lị, tích trữ lương thực cung ứng cho nhu cầu “Định Bắc” của Chúa Nguyễn. Được Nhà Nguyễn phong Đệ nhất đẳng khai quốc công thần [7]. Đọc những dòng dưới đây của Christophoro Borri ta hiểu thêm về một giai đoạn cực kỳ khó khăn của các nhà truyền giáo Đàng Trong và việc gặp một tấm lòng nhân ái như quan trấn Trần Đức Hòa thực sự là một định mệnh mà Chúa giao ban. Định mệnh này quyết định sự tồn tại một cư sở truyền giáo Nước Mặn, quyết định sự ra đời và phát triển của chữ Quốc ngữ ngày ấy và bây giờ: “Chúng tôi bỏ Hội An, cha Buzomi, cha Đơ Pina và tôi, để đi Quy Nhơn theo quan trấn thủ của tỉnh đó. Suốt cuộc hành trình, ông đối đãi với chúng tôi rất lịch sự và tỏ ra hết sức tử tế. Ông luôn luôn để chúng tôi ở cùng nhà với ông và tiếp đãi chúng tôi rất đặc biệt. Thực ra chúng tôi chẳng có thể giá gì về mặt con người bắt ông phải xử như thế. Cho nên rất rõ ràng và hiển nhiên là những sự ông săn sóc phải coi như hiệu quả của Thiên Chúa quan phòng. Ông dành riêng cho chúng tôi một chiếc thuyền để phục dịch một mình chúng tôi và các người thông ngôn, không muốn cho chúng tôi để đồ đạc ở đó, đã có một thuyền riêng dành cho việc này. Chúng tôi trẩy đi suốt mười hai ngày với đầy đủ tiện nghi, sáng chiều đậu bến. Thường thì những hải cảng ở những thành phố đẹp nhất thuộc tỉnh Quảng Nghĩa. Nơi đây, ông cũng có quyền như ở Quy Nhơn, mọi người đều ra đón, chúc mừng và tỏ rõ lòng qui phục cùng nhận quyền với nhiều lễ vật quí và chúng tôi cũng là những người thứ nhất được dự phần, do lệnh quan trấn thủ muốn thế…Tới đâu ông cũng cho tổ chức trò chơi và hội vui công cộng, khi thì đấu chiến ghe thuyền, lúc thì đua chèo thuyền…cứ thế, rồi chúng tôi tới tỉnh Quy Nhơn, nhưng còn phải đi mấy ngày đường trước khi về tới dinh quan trấn thủ…” [2; 72, 73]. Đoạn trích trên giúp chúng ta biết thêm thông tin về quyền lực và uy tín của quan trấn thủ Trần Đức Hòa không chỉ giới hạn ở địa phận Quy Nhơn. Đoàn rời Hội An đến Nước Mặn trong cơn hoạn nạn, ngoài các cha còn có “các người thông ngôn”. Không phải một mà nhiều thông ngôn chứng tỏ các cha trước khi đến Bình Định chưa biết sử dụng tiếng Việt. Và, sự cưu mang, cứu giúp của quan trấn thủ đối với đoàn truyền giáo trong việc đưa họ đến xứ Quy Nhơn thực sự là một vận may mang tính định mệnh mà Christophoro Borri “coi như hiệu quả của Thiên Chúa quan phòng”. Về đến Quy Nhơn, quan trấn còn đáp ứng sở nguyện của các nhà truyền giáo: “Ông nghe theo điều chúng tôi sở nguyện và tức khắc truyền cho người ta chọn cho chúng tôi một điểm rất tiện để làm nhà cho chúng tôi ở, trong vùng gọi là Nước Nặn”. Việc xây cất nhà thờ cũng được tiến hành khẩn trương ngay sau đó: “tức thì chúng tôi phát giác ra trong cánh đồng kia một đạo quân lớn hơn một nghìn người đi tới khuân vác các bộ phận của nhà thờ. Mỗi cột có ba mươi người lực lưỡng và khỏe mạnh khuân vác. Còn những người khác thì vác xà, người đem ván đến lắp, người đem nóc, kẻ mang sàn, người khuân cái này kẻ mang cái khác. Tất cả đều trật tự mang đến, mỗi người một bộ phận. Sân nhà chúng tôi chật ních người […] Cứ thế tất cả đều làm có trật tự không nhầm lẫn. Ai cũng làm đúng cách thức, tất cả khối lớn lao đó được dựng nội nhật trong một ngày, làm cho chúng tôi rất mực sung sướng” [2; 77].

Về mặt tinh thần, quan trấn thủ Quy Nhơn còn có ý thức tạo uy tín cho các cha trong sự nghiệp truyền giáo bằng một phiên tòa: “Để tỏ lòng kính trọng chúng tôi và cho chúng tôi được uy tín nơi mọi người, ông muốn một hôm ông lập phiên tòa trong sân nhà chúng tôi, theo cách thức chúng tôi đã nói về tục lệ xứ Đàng Trong. Trong phiên tòa này ông xử mấy người trọng tội, mỗi người đều được xử theo phẩm chất của tội phạm. Trong số đó có hai người bị xử tử bằng võ khí và phải chịu hình tên bắn. Nhưng trong khi người ta đang trói thì chúng tôi can thiệp xin ân xá. Quan tòa liền tha ngay. Ông tuyên bố lớn tiếng là chưa bao giờ ông ban ân xá này cho một người nào cả. Nhưng vì những vị nhân đức này, ông nói, những vị giảng đàng thật cứu rỗi linh hồn, ta không thể khước từ được” [2; 75-76]. Trong tình cảnh bị trục xuất ở một miền xa lạ như vậy, trong tình cảnh khốn cùng, khốn khó, trong tình cảnh thể xác khó giữ, Tin Mừng sắp lụi tàn ấy không những các cha mà ngay cả Đức Thánh Cha và toàn thể giáo giới đều mừng vui, hạnh phúc với những ân tình của người con Bình Định. Christophoro Borri một lần nữa cảm tạ Chúa như chúng ta vẫn thường cảm ơn số mệnh do một lực lượng huyền bí định sẵn - định mệnh tạo hóa ban cho: “Chúng tôi cảm tạ thiên chúa quan phòng vì trong khi giáo dân chểnh mảng việc phụng sự Người thì Người kích động lòng lương dân và thúc đẩy họ sốt sắng dựng nhà thờ để kính thờ Thiên Chúa cao cả” [2; 77]. Niềm tin được thắp sáng, sự sáng tạo được nhân lên. Trong niềm tin ấy có niềm tin truyền giáo. Trong ước mong sáng tạo ấy chắc hẳn có ước mong sáng tạo chữ Quốc ngữ làm phương tiện chuyển tải niềm tin, mang Tin Mừng đến với người bản xứ.



Theo tường trình của Christophoro Borri, sự sống còn của ông quan trấn tỉnh Quy Nhơn gắn liền với sự sống còn trong nghiệp truyền giáo Đàng Trong của các giáo sĩ Dòng Tên ở xứ Nước Mặn. Cũng có nghĩa là, gắn liền với sự tồn vong của chữ Quốc ngữ buổi ban đầu. Có lẽ vì thế C. Borri đã dành chương đầu tiên và chương tiếp theo của Phần II trong 18 chương của Bản tường trình viết về quan trấn thủ tỉnh này như một sự hàm ơn của định mệnh dành cho ông và các cộng sự của ông. Quan trấn thủ tỉnh này là đại diện tiêu biểu cho tính cách người Đàng Trong, một người thuộc hàng ngũ quý tộc theo cách nghĩ của người Âu châu. Vậy mà qua câu chuyện kể của C. Borri chúng ta có thể hình dung ra một quan võ nhưng cử chỉ và tính tình hết sức nho nhã và ân tình. Qua những con người cụ thể, qua thực tế đời sống, Christophoro Borri nhận xét khi so sánh người Đàng Trong với người Nhật: “Người Đàng Trong dịu dàng hơn và lịch thiệp hơn khi đàm đạo, hơn tất cả các dân Đông Phương nào khác, tuy một đàng họ hiên ngang về giá trị của họ, nhưng đàng khác họ lại có cái tội là dễ nổi giận”. Khác với các dân tộc Đông phương khác là xa lánh người Âu châu và ghét mặt đến nỗi khi người Âu châu vào xứ sở của họ, họ đều bỏ trốn thì “ở xứ Đàng trong, họ đua nhau đến gần chúng ta, xin chúng ta trăm nghìn thứ, họ mời chúng ta dùng cơm với họ. Tóm lại họ rất xã giao, lịch sự và thân mật đối với chúng ta”… “Khi lần đầu tiên chúng tôi vào xứ này, người ta đã coi chúng tôi như những người bạn rất thân và như thể người ta đã quen biết chúng tôi từ lâu. Đó là một cửa rất tốt đẹp mở ra cho các nhà truyền giáo của Chúa Kito đến rao giảng Phúc âm người.” [2; 32]. Tính cách con người gắn liền với điều kiện và môi trường sống. Thiên nhiên ưu đãi, tính cách phóng khoáng, rộng lượng, bao dung của con người xứ sở này rất phù hợp với những con chiên ngoan đạo và mục đích truyền giáo của các nhà truyền giáo châu Âu. Kết luận của C. Borri: “Đó là một cửa rất tốt đẹp mở ra cho các nhà truyền giáo của Chúa Kito đến rao giảng Phúc âm người” là một kết luận có cơ sở thực tiễn của đời sống Đàng Trong.

2. Phố cổ Hội An vẫn còn in bóng nhà xưa với nhiều công trình kiến trúc phủ bụi thời gian, gọi mời du khách. Hội An vẫn là trung tâm văn hóa và du lịch của tỉnh Quảng Nam thời hiện đại. Hội An đã trở thành thành phố vào tháng 01 năm 2008 trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Hội An, với 6.146,88 ha, 121.716 nhân khẩu và một phần nhỏ huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn). Hiện nay, mật độ dân số Hội An cao gấp 6 lần mật độ dân số cả nước. Nước Mặn phồn hoa với nhà cửa liền kề, san sát của một bến cảng tấp nập ngày xưa như trong các bản tường trình của Giáo xứ Đàng Trong chỉ còn là một vệt chấm trên bản đồ truyền giáo Đàng Trong thế kỷ thứ XVII hay chỉ được nhắc đến trong các hội thảo bàn về chữ Quốc ngữ. Nhưng vào thế kỷ thứ XVII, Nước Mặn – một trong những cái nôi khởi sinh ra chữ Quốc ngữ là thủ phủ hành chính của phủ Quy Nhơn lúc bấy giờ, là thương cảng lớn thứ ba sau Hội An và Đà Nẵng ở xứ Đàng Trong. Christophoro đã nhận xét về các thương cảng ở xứ Đàng Trong “trong hơn một trăm dặm một chút mà đếm được sáu mươi hải cảng, tất cả đều rất thuận tiện để cập bến và lên đất liền… Hải cảng đẹp nhất, tất cả người ngoại quốc đều tới đó và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chúng tôi vừa nói, chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam. Người ta cập bến bằng hai cửa biển: một gọi là Đà Nẵng và một gọi là Hội An” [2; 56]. Ngoài ra, sau hai cảng kể trên còn một cảng có tên là Nước Mặn thuộc phủ Quy Nhơn. Khi viết về cảng thị này, C. Borri còn thiết tha xin với cha Bề trên rằng: “Tôi xin nói rằng ngài nên ra lệnh cho người Bồ nhận lời đề nghị rất lịch thiệp chúa Đàng Trong đã đưa ra và sớm xây cất ở đó một thành phố đẹp, làm nơi an toàn và cư trú, lại dùng để nhanh chóng bảo vệ hết các thuyền tàu đi từ Trung Quốc. Cũng có thể giữ một hạm đội hoàn toàn sẵn sàng chống lại người Hòa Lan đi Tàu đi Nhật, dù muốn dù không bó buộc họ phải qua eo biển nằm trong bờ biển xứ này thuộc về các hoàng tử trấn thủ tỉnh Phú Yên và Quy Nhơn với những quần đảo Chàm” [2; 57].

Khi đoàn truyền giáo của các cha tới Nước Mặn thì đây đã là một thương cảng sầm uất trên bến dưới thuyền. Theo C. Borri thì Nước Mặn có diện tích dài chừng hai dặm, rộng tới một dặm rưỡi, còn theo Giáo hội Công giáo Việt Nam thì nơi này có diện tích “dài 5 dặm, rộng 2,5 dặm” [5 ;113] mà người các nơi gọi là Pulucambi theo gốc Chàm, nằm ở phía Bắc của Quy Nhơn ngày nay. Nghiên cứu của Nguyễn Xuân Nhân về “Cảng thị Nước Mặn và Văn hóa cổ truyền”[6] cho rằng, cảng thị này nằm ở bờ phía Nam sông Hà Bạc xưa, kéo dài từ thôn An Hòa tới thôn Nho Lâm, thuộc Phước Hưng trải qua thôn Lương Quang (Phước Quang), thôn Kim Xuyên (Phước Hòa) và chạy dài ra đến tận cửa sông Hà Bạc ghép vào với sông Nam phái tại thôn Tùng Giảng, Tuy Phước. Vùng này vào thế kỉ thứ XVII là vùng trung tâm Nước Mặn có nhiều cảng nhỏ dọc theo bờ tây của cửa Thử kéo dài tới cửa Quy Nhơn gồm có cảng lớn nhỏ như: An Lợi, Gò Bồi, Dương Thiện, Vinh Quang, Lòng Sông, các thị trấn vùng hạ lưu sông Côn như Gò Bồi, Cảnh Hàng, Phú Đa, Đại An, Đập Đá, Gò Găng, An Thái đều là vệ tinh của Nước Mặn. Theo nhiều tài liệu, thưở phồn vinh ấy, dân số của Nước Mặn có thể lên đến vài ngàn người kể cả người nước ngoài. Vì thế, theo chúng tôi cảng Nước Mặn là một địa danh gắn liền với văn hóa và lịch sử Bình Định. Trong đó có lịch sử chữ Quốc ngữ. Chúng ta không thể không nhắc đến bến cảng đã đi vào lịch sử này. Chính nơi đây một thời đã là một trong những cái nôi truyền giáo, xây dựng và phổ biến chữ Quốc ngữ.

BảnTường trình về Khu Truyền giáo Đàng Trong – 1631” xác nhận, xứ Đàng Trong có nhiều thứ thuận lợi cho sinh hoạt con người cho nên người dân xứ này không ưa và không có xu hướng đi đến các nơi khác để buôn bán, họ “chỉ đi gần gần để trông thấy bờ biển và ven lãnh thổ thân yêu của mình” [2; 54]. Nhưng người ngoại quốc và những xứ khác lại mong muốn đến xứ sở của họ để buôn bán và trao đổi những thứ sẵn có ở Đàng Trong. “Họ đem theo bạc để trao đổi hàng hóa, lúc cao lúc hạ tùy theo lượng hàng hóa có sẵn như tơ lụa và những mặt hàng khác” [2; 55]. Cho đến cuối thế kỷ XVI, người Việt chủ động mở rộng địa bàn cư trú xuống phương Nam. Dần dần những thương cảng mới hình thành, trở thành những địa bàn giao thương mới cho người Việt với các dân tộc khác. Sự ra đời và hưng thịnh của thương cảng quốc tế Hội An thế kỷ thứ XVII là công cuộc tái sinh thần kỳ. Người Tàu và người Nhật là những người làm thương mại chính yếu ở Đàng Trong. Thời bấy giờ, người Đàng Trong không có đồ kĩ nghệ và thủ công, thêm nữa họ cũng là những người chuộng của lạ từ những nơi khác đem tới cho nên việc trao đổi, mua bán trở nên rất sầm uất. “Tôi nhớ một người Bồ đem từ Macao tới Đàng Trong một lọ đầy kim khâu, tất cả chỉ giá hơn ba mươi “êcu”, thế mà được lời tới hơn một ngàn, bán mỗi chiếc một đồng “rêan” ở xứ Đàng Trong” [2; 55].

Đến giữa năm 1618, Nước Mặn là nơi nhóm họp Đại hội của các nhà truyền giáo để hoạch định chương trình và phương pháp truyền đạo, cùng phân chia sứ vụ tông đồ. Cha Buzomi rất chú trọng đến bậc nho gia trí thức và cũng không xa rời quần chúng. “Một số họ đạo được thiết lập, ban đầu với con số năm sáu gia đình, rồi dần dần thêm lên ” [5 ;116]. Mở đầu cho lớp trí thức công giáo ở Quy Nhơn chịu phép rửa tội là một vị đại thần, sinh quán tại Nước Mặn, sứ giả triều Nguyễn sang cao Miên. Phu nhân của ông đại sứ là con gái của quan phủ Quy Nhơn, trước khi theo chống đi sứ sang Cao Miên bà cũng xin được rửa tội. Bà được cha Buzomi rửa tội tại nhà thờ Nước Mặn, có tên thánh là Ursula [5 ; 117]. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng ngay từ những buổi gặp gỡ ban đầu đó, đất và người Quy Nhơn đã nặng ân tình với các cha truyền giáo Dòng Tên, để mọi người có thể gọi nơi này như cái nôi để manh nha ra chữ Quốc ngữ. Theo chúng tôi, Quy Nhơn với trung tâm truyền giáo Nước Mặn là miền đất hứa cho những ý tưởng sáng tạo chữ Quốc ngữ của các nhà truyền giáo tâm huyết đâm chồi nảy lộc, ra hoa kết quả và tỏa hạt giống ra xa.

Cái nhìn lần đầu tiên từ phương xa, từ nửa phần trái đất bên kia đại dương của các thừa sai không khỏi ngạc nhiên đầy thích thú về những ước mơ tốt đẹp pha lẫn một chút huyễn hoặc về tương lai sáng lạn khi đặt chân lên mảnh đất nắng ấm và đầy gió phương Nam này. Những con mắt nhìn nhau xa lạ, e ngại dọ dẫm. Những cử chỉ, ra dấu bằng đủ mọi cách để bước đầu làm quen. Công việc truyền giáo bắt đầu. Và hiển nhiên, người đến trước, người gặp đầu tiên, người có cái cơ duyên như tiền định trong chuyến tao ngộ trở thành những người đồng hành, những người mở đầu cho kỷ nguyên Thiên Chúa giáo vào Việt Nam là những dân thuyền chài ở ven biển này. Họ có khác chi 12 môn đồ của Chúa lúc bắt đầu ngày Chúa đi rao giảng Tin Mừng. Để rồi đến một ngày các thừa sai nhận thấy cách nói chuyện bằng cử chỉ, ra dấu, hoặc phải nhờ thông ngôn khi rao giảng lời Chúa thật là bất tiện, và đôi khi còn có những sự nhầm lẫn chết cười. Cho nên họ bắt tay vào học tiếng nói của dân bản địa với sự giúp sức của những người dân bình dị nơi đây. Sự manh nha hình thành một thứ chữ viết mới cũng bắt đầu từ đây. Sự trù phú của vùng đất Bình Định gắn liền với thương cảng Nước Mặn và sự độ lượng, hào phóng của con người nơi đây mà tiêu biểu đó là những ân tình của quan trấn thủ Quy Nhơn dành cho các cha Dòng Tên như đã trình bày là cái nôi nuôi dưỡng những nhà truyền giáo với công cuộc sáng chế chữ Quốc ngữ nhằm mục đích truyền giáo. Sản phẩm chữ Quốc ngữ là một may mắn lịch sử gắn với vùng đất và con người nơi này như một định mệnh của tạo hóa giao ban.



3. Gặp quan trấn thủ Quy Nhơn trong tình huống “nghìn cân treo đầu sợi tóc”, theo chúng tôi là một định mệnh đối với các nhà truyền giáo. Hành trình truyền giáo của các nhà truyền giáo Dòng Tên gắn liền với việc sáng tạo chữ Quốc ngữ có biết bao điều không thể giải thích khi đột nhiên “gió đổi chiều” nếu không quy về định mệnh? Từ thế kỉ thứ XVI - XVII, công cuộc truyền giáo của các thừa sai dòng Đa minh và Phanxico tại Đông Nam Á đã gặp nhiều trắc trở. Đó không phải xuất phát từ những người bản địa, là những người hết sức dễ thương và trìu mến khi gặp người nước ngoài, mà do từ chính các cha không có sự chuẩn bị cho việc lưu lại dài ngày ở vùng đất mới. Hoặc cũng có thể do sự khác biệt về khí hậu, về tập quán ăn uống và những trắc trở không mong đợi. Thỉnh thoảng họ lại gặp sự đụng độ giữa chính những người ngoại quốc với nhau “giữa người Bồ Đào Nha và Tây ban Nha”. Kể về chuyến đi của mình tới xứ Đàng Trong, cha Christophoro đã viết về sự xung đột kiểu như thế này: khi tới xứ Đàng Trong, trong lúc có hai người Bồ vì một lý do nào đó đánh nhau một kẻ chết, một kẻ không muốn chìm xuống đáy biển sâu đã chạy đến thuyền của các cha cầu cứu, cha Christophoro dưới hình dạng của một đày tớ đã xuất hiện “Thấy người khốn nạn này gặp cảnh nguy hiểm thì tôi lấy hết sức bình sinh ra để giúp hắn” [2 ; 68]. Cũng chính vì sự ra tay cứu giúp của C. Borri mà ông đã gặp rắc rối. Hành trình đến với Đàng Trong trải qua nhiều gian khó nhưng đó là hành trình mở tràn trề hy vọng khi công cuộc truyền giáo ở Nhật gặp quá nhiều khó khăn.

Năm 1613, phong trào bài ngoại nổi dậy ở Nhật. Ngày 14/02/1614, Nhật Hoàng Daifusana, tướng quân Tokugawa Ieyasu, ban lệnh cấm giảng đạo, trục xuất hết các nhà truyền giáo ra khỏi xứ sở Nhật. Nhưng 47 thừa sai đã lén lút ở lại, đợi chờ có ngày quay trở lại Nhật. Để khỏi lãng phí thời gian và sức người vì tình hình khó khăn ở Nhật, trong khi các nhà truyền giáo bị trục xuất về Ma Cao quá đông, Dòng Tên cử 4 thừa sai sang Đàng Trong (phía nam Việt Nam) gồm linh mục Francisco Buzomi (người Ý), Diego Carvalho người Bồ Đào Nha, hai trợ sĩ José và Paolo người Nhật Bản. Phái đoàn của Cha Buzomi tới Hải Phố (Hội An) ngày 18/01/1615 (gần tết Nguyên đán) sau 12 ngày ròng rã trên biển cả.

Theo nhiều tài liệu, khi những cha Thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến xứ Đàng Trong, thưở ban đầu họ được tiếp đón trọng thị trong sự hân hoan của người dân bản địa do bản tính hiếu khách. Lúc bấy giờ chúa Nguyễn ở Đàng Trong đang yếu thế cần củng cố chính quyền để sau này có thể chống lại chúa Trịnh ở Đàng Ngoài nên họ tìm cách giao thương với người Bồ Đào Nha để mua súng ống đạn dược. “Người Bồ còn giúp nhà chúa lập xưởng đúc súng ở Phú Xuân, nơi gọi là Phường Đúc hay Thợ Đúc ngày nay” [5; 109]. Chính vì vậy, các cha được tự do truyền đạo, lại còn được kính nể. “Bởi vì đối với chúa Nguyễn, sự có mặt của các nhà truyền giáo trong nước là sự bảo đảm trở lại của tàu buôn người Bồ, và nếu cần nhà chúa rất có thể nhờ các ngài làm trung gian điều đình”.

Theo Linh mục Gioan Võ Đình Đệ: “Lúc bấy giờ việc truyền giáo trong vùng tam giác Đà Nẵng – Hội An – Thanh Chiêm có kết quả tốt. Đầu năm 1617, từ Macao cha Pina đến Đàng Trong để tiếp sức với cha Buzomi. Tưởng chừng công việc truyền giáo như đang thuận buồm xuôi gió, nhưng gió đã đổi chiều. Mùa thu năm 1617, trời hạn hán. Dân không có nước làm mùa, nạn đói đe dọa. Họ cho rằng thần phật nổi giận, không cho mưa vì mấy người ngoại quốc truyền bá một thứ đạo hoàn toàn trái ngược với việc thờ cúng thần phật. Họ yêu cầu chúa Nguyễn phải trục xuất những người ngoại quốc nầy. Dù chúa Nguyễn nhận định được vấn đề, nhưng để hợp lòng dân trong lúc nầy, chúa Nguyễn đành ra lệnh trục xuất các thừa sai. Các thừa sai xuống thuyền nhưng trời ngược gió, không thể nhổ neo, đành lên bờ tá túc trên một cánh đồng xa cách dân chúng. Cũng theo Cha Christophoro Borri là không có gì tốt mãi được khi có một sự cố không hay xảy ra do bị xúi giục của kẻ xấu mà người dân đốt nhà thờ ở Đà Nẵng. “Đây là một sự rất đau lòng đối với các Cha. Từ ở nơi đày ải, các cha nhìn thấy cảnh tan tác mà không sao chữa chạy được” [2 ; 67]. Lúc bấy giờ Christophoro theo dự định được cắt cử đi Trung Quốc nhưng do sự cố kể trên nên cha được phái đến xứ Đàng Trong “Tôi có cơ hội tự hiến thân cho Thiên Chúa vì xứ Đàng Trong và để an ủi các cha đang chịu khổ sở”. Lúc bấy giờ các cha phải sống tạm bợ “ở một khu rừng hoang ven biển”. Trong cảnh tạm bợ thiếu thốn mọi bề, cha Buzomi lâm bệnh sưng màng phổi, kiệt sức. Cha bề trên ở Ma Cao nắm được tình hình đã cắt cử hai cha khác đến thay cha Buzomi để cho cha về Macao chữa bệnh. Đó chính là cha Pedro Marques (người Bồ lai Nhật và cha Christophoro Borri. Trong cuộc hành trình từ Macao đến xứ Đàng Trong đã nhắc tới ở trên, C. Borri gặp rắc rối khi cứu giúp một trong hai kẻ người Bồ đang đánh nhau, ông đã lộ diện chính vì thế mà ông bị người dân phát giác rằng ông chả phải đày tớ, cũng chẳng phải thương gia như những người khác mà là một trong những tu sĩ muốn cưỡng lại sắc lệnh của Chúa để ẩn nấp trong xứ này. May mắn làm sao, khi ông biết sự thể và cầm chắc cái chết trong tay thì ông đi đến một quyết định muốn chết cho mọi người biết ông là ai. “Thế là tôi liền mặc áo trùng thâm theo kiểu các cha Dòng Tên và mặc thêm áo dòng trắng với giây stola quàng cổ và trong phẩm phục này tôi bắt đầu công khai giảng đạo Kito, qua trung gian các người thông ngôn… Tôi chuẩn bị nhận tất cả những gì Thiên chúa gửi cho tôi thì bỗng dưng trời đổ mưa như trút ngay đêm không ngừng, làm cho mọi người đều bắt tay vào việc cày bừa và gieo mạ” [2 ; 69]. Kể từ đó họ cho phép các cha hoàn toàn tự do đi lại trong toàn cõi.

Nhắc đến cha Buzomi, ân tình của xứ Đàng Trong với ngài chưa cạn, trước khi tàu nhổ neo đi Macao thì ngài khỏi bệnh, thay vì đi Macao như dự tính thì Ngài đi về Nước Mặn, phủ Quy Nhơn đem theo hai cha De Pina và C. Borri, bắt đầu một thời kì truyền giáo mới. Kể về chuyện này, C. Borri viết sau khi nghe mọi người kể về bệnh tật của cha Buzomi và việc bị trục xuất của ngài vì việc trời hạn hán quan trấn thủ bỡ ngỡ về tất cả câu chuyện, nhưng ông phải phì cười về việc người ta vu cáo cho một tu sĩ ngoại quốc bần cùng về một việc không thuộc về quyền lực và không hệ chi đến ngài  [2;70].



4. Lịch sử của chữ Quốc ngữ gắn liền với công cuộc truyền giáo của các tu sĩ Dòng Tên. Những chứng cứ lịch sử cho thấy những dấu ấn còn sót lại trong các bản tường trình của các cha gửi về cho các cha Bề trên còn được lưu giữ tại Roma là những chữ cái phiên âm tiếng Việt theo kí tự kiểu Bồ Đào Nha hoặc Latinh, dù là rất ít ỏi nhưng đó là những nỗ lực của các cha nhằm phiên âm các địa danh nơi bản địa. Dần dần số lượng các từ xuất hiện nhiều hơn. Ví dụ như trong bản viết tay của Cha Buzomi còn lưu tại Roma có từ Thienchu (Thiên chủ) hoặc có một vài từ được xem là phiên âm tiếng Việt của J. Baldinotti. Mặc dù đến Việt Nam muộn hơn so với một số giáo sĩ khác, nhưng Francisco de Pina lại là giáo sĩ Châu Âu đầu tiên nói thành thạo tiếng Việt, điều này đã được các giáo sĩ đến sau như: Gaspar Luiz và Alexandre de Rhodes xác nhận. Những bản dịch các văn bản Ki-tô giáo đầu tiên ra tiếng Việt có từ năm 1618, và công đầu thuộc về Francisco de Pina. Trong công việc của mình, linh mục Pina nhờ đến sự giúp đỡ rất hữu hiệu của một văn nhân Việt Nam trẻ tuổi có tên thánh là Phê-rô; kiến thức uyên bác về chữ Hán của người trẻ tuổi này rất hữu ích trong công việc của cha Francisco de Pina.

Để phục vụ cho việc truyền giáo được thuận lợi, các cha đã dày công học tiếng Việt và soạn Phúc âm “Kinh bổn’ bằng chữ Nôm. Cùng với Francisco de Pina, C. Borri có công sức trong việc ghi chép nhiều từ được cho là tiền thân của việc sáng chế chữ Quốc ngữ. Theo Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam [8], người ta đã thống kê được trong các văn bản viết tay của C. Borri có 24 lượt trang có xuất hiện các từ được cha phiên âm từ tiếng Việt. Mặc dù lần đầu tiên cuốn sách của C. Borri viết bằng tiếng Ý xuất bản năm 1931 tại La Mã và đã sơ khởi xuất hiện những từ tiếng Việt, nhưng những từ tiếng Việt này (chữ Quốc ngữ) là những thứ chữ ông viết trong khoảng năm năm tại xứ Đàng Trong (1618 – 1621). Cụ thể như:

Anam (An Nam), Tunchim (Đông Kinh), Lai (Lào), Ainam (đảo Hải Nam), Kemoi (Kẻ Mọi), Quamguya (Quảng Nghĩa), Quignin (Qui Nhơn),Renran (Ren ran –sông Đà Rằng ở Phú Yên), Dà dèn Lùt, Dà dèn Lùt (đã đến lụt, đã đến lụt),Nayre(naì, nài voi), doij (đói), scin mocaij (xin một cái),chìa(trà, uống trà, cây trà), Sayc Kim (sách Kinh, tứ thư, Ngũ kinh), sayc Chiu (sách chữ), cò (có), con gno (con nhỏ), chiam (chăng) … Con gno muon bau tlam laom Hoalaom chiam (con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng. Theo Linh mục Đỗ Quang Chính, người thông ngôn đã dùng lầm câu này để hỏi người khác có muốn gia nhập đạo Công giáo không thì lại gọi nhầm sang đạo Hoa Lang, mà đạo Hoa Lang có nghĩa là đạo của người Bồ Đào Nha. Vì thời bấy giờ thương nhân Bồ Đào Nha thường bán một loại vải có in hoa to như Hoa Lang (thiển nghĩ đây có thể là cách phát âm của người Đàng Trong về Hoa lan ?).

Theo Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam [8; 189 - 190], chúng ta có thể đưa ra một vài nhận xét về cách thức phiên âm tiếng Việt trong buổi ban đầu ấy như sau:

1. Phiên âm tiên khởi của tiếng Việt theo giọng Ý hay giọng Bồ? Theo Nguyễn Khắc Xuyên, C. Borri là người Ý nên cách thức phiên âm có xu hướng theo tiếng Ý, nh được viết thành gn (Quignin - Qui Nhơn), gnoo (nho, nhỏ), x – sc (xin –scin),ch –c( Chiêm – ciam). Ngược lại Thanh Lãng lại chỉ ra có nhiều từ C. Borri lại phiên âm theo kiểu Bồ. Ông đưa ra một số dẫn chứng như Chiampa, chiu (chữ), chiuua (vua chúa), chiam (chăng). Ông lý giải những từ kể trên đều đọc theo tiếng Bồ vì phụ âm kép ch trong tiếng Ý đọc cứng như k của tiếng Việt, còn ch trong tiếng Bồ đọc như ch trong tiếng Pháp.

2. Các kí hiệu ghi các thanh tiếng Việt chưa được đầy đủ. Một số chữ được phụ vào cuối chữ thay cho dấu giọng. Ví dụ như j thay cho dấu hỏi và ngã (doij – đói, onsaij – ông sãi), o thay cho dấu hỏi (gnoo – nhỏ khác với gno – nho). Hoặc có nhiều chữ chưa có kí hiệu ghi thanh như lut (lút), da (đã).

3. Chữ Quốc ngữ thời C. Borri còn thiếu một số nguyên âm như ă, â, ê, ô, ơ, ư. Cho nên mặn thì viết man, muốn – muon, biết – biet, nước – nuoec, ôn – on.

4. Chữ Quốc ngữ thời C. Borri chưa đầy đủ phụ âm. Cụ thể như đ – d (doij – đói), x – sc (scin – xin), v-b (bũa – vua, bau – vào). Hoặc có nhiều phụ âm kép được sử dụng và đã bị đào thải sau này như tl – tr, gn – nh, ngh.

5. Giọng tiếng Việt miền Trung đã được phiên âm trong văn bản của C. Borri với các từ như tui (tôi), gnin (nhơn) thể hiện rằng các cha đã chịu ảnh hưởng nhiều của tiếng Việt ở xứ Đàng Trong.

Chúng tôi chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ càng về phương ngữ Đàng Trong, đặc biệt là tiếng địa phương Bình Định trong các văn bản của các giáo sĩ Dòng Tên. Nhưng thiết nghĩ, đó là một công việc bổ ích và lý thú, góp phần xác định nguồn gốc chữ Quốc ngữ. Với những gì trình bày trên, chúng ta có thể khẳng định, Bình Định là một trong ba trung tâm truyền giáo lớn của xứ Đàng Trong. Gắn liền với công cuộc truyền giáo là sự ra đời của chữ Quốc ngữ như một phương tiện hữu hiệu nhằm thực hiện mục đích truyền giáo của các giáo sĩ Dòng Tên. Chúng ta chưa đủ nguồn ngữ liệu để chứng minh Bình Định là nơi đầu tiên hình thành chữ Quốc ngữ. Nhưng theo chúng tôi, Bình Định với trung tâm truyền giáo Nước Mặn và những điều kiện thuận lợi như đã trình bày, cùng với nỗ lực của tập thể các nhà truyền giáo giàu tâm huyết và uyên bác, thực sự là miền đất hứa cho những ý tưởng sáng tạo chữ Quốc ngữ. Trải qua hơn 400 năm phôi thai và hình thành, rèn giũa và phát triển, vượt qua bao sự khó khăn gian khổ, ngày nay chúng ta có được một thứ chữ viết ghi âm vị - một loại hình chữ viết tiến bộ nhất trong quá trình sáng tạo chữ viết của nhân loại. Hơn nữa, chúng ta tự hào vì Bình Định là một trong những cái nôi hình thành nên chữ Quốc ngữ của dân tộc.
Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.01 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương