TỔng giáo phận huế khai sinh và phát triển I. LỊch sử khai sinh giáo phận huế



tải về 49.16 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích49.16 Kb.
#10039
TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ

KHAI SINH VÀ PHÁT TRIỂN

I. LỊCH SỬ KHAI SINH GIÁO PHẬN HUẾ

1. Huế thuộc Giáo phận Đàng Trong (1659-1844):

Cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn đến những năm 1655-1659 lâm vào thế giằng co giữa hai bên đã kéo dài hơn 30 năm (1627-1659). Trong tình hình đó của Đại Việt và trong tình hình mới của Vatican: Đức Innocent X tạ thế ngày 7-1-1655, Đức Hồng Y Fabio Chigi được bầu lên ngôi giáo hoàng. Tân Giáo Hoàng Alexandre VII (1655-1667) cho công bố đoản sắc Apostolatus Officium, ký ngày 29-7-1658 bổ nhiệm linh mục François Pallu làm Giám mục hiệu tòa Heliopolis và linh mục Pierre Lambert de la Motte làm Giám mục hiệu tòa Berythe, đều là Giám mục “trong phần đất dân ngoại” ở Việt Nam - Đại Việt.

Hơn một năm sau, ngày 9-9-1659, Đức Alexandre VII lại công bố đoản sắc Super Cathedram phân chia “phần đất dân ngoại” ở Việt Nam - Đại Việt rõ ràng:



  • Giám mục Pallu coi sóc giáo phận Đàng Ngoài.

  • Giám mục Lambert coi sóc giáo phận Đàng Trong.

  • Ranh giới giữa 2 giáo phận được xác định là dòng sông Gianh.

Sự xác định phù hợp với hoàn cảnh biên giới địa dư chính trị thời bấy giờ.

Phần đất của giáo phận Đàng Trong từ mạn Nam sông Gianh ở Quảng Bình, huyện Quảng Trạch, trên phần đất gọi tên là Nam Bố Chính, huyện địa đầu của giáo phận Đàng Trong, chạy dài dọc theo Trường Sơn ở miền Trung bao gồm Quảng Bình, Thuận Quảng vào đến Cà Mau - Hà Tiên. Miền Trung dài và nhỏ hẹp, bị chia cắt bởi các hoành sơn, đã ghìm Giáo Hội Đàng Trong vào đêm dài đầy biến động, long đong gian khổ trong nhiều cuộc chiến tranh giữa nhiều thế lực cát cứ, thật sự gây khó khăn cho công việc điều hành quản lý giáo phận, giao thông liên lạc, bố trí nhân sự.

Không như giáo phận anh em song sinh Đàng Ngoài, chỉ 20 năm sau (1659-1679) đã tách lập thành 2 giáo phận Tây Đàng Ngoài và Đông Đàng Ngoài. Sự tách lập chỉ dấu sự ổn định của Giáo Hội phía Bắc. Giáo phận Đàng Trong mãi 185 năm sau (1659-1844) mới có biến chuyển lớn: tách lập thành 2 giáo phận mới Tây Đàng Trong và Đông Đàng Trong vào tháng 9-1844. Đây là một thay đổi đầu tiên mang tính đột phá sau đêm dài 185 năm giáo phận bị vùi dập trong bão táp chính trị, chiến tranh khói lửa, bắt bớ khủng bố người công giáo qua các triều Chúa Nguyễn, qua 3 triều Vua Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

2. Huế thuộc Giáo phận Đông Đàng Trong (Quy Nhơn) (1844-1850):

Đức Cha Taberd, vị Giám mục chính thứ 10 giáo phận Đàng Trong qua đời năm 1840, Đức Cha phó Cuénot kế nhiệm. Sau cái chết của vua Minh Mạng đầu năm 1841, vua Thiệu Trị lên kế vị. Nắm lấy thời cơ bằng vàng này, Giám mục Cuénot triệu tập Hội nghị Gò Thị tháng 10-1841 quyết định tách lập 2 giáo phận mới:


  • tháng 9-1844, tân giáo phận Tây Đàng Trong ra đời,

  • đồng thời tân giáo phận Đông Đàng Trong được thành lập, Giám mục Cuénot lãnh đạo.

  • 3. Huế thuộc Giáo phận Bắc Đàng Trong (1850):

Từ “cứ địa Gò Thị”, Giám mục Cuénot có tầm nhìn xa tận Quảng Trị, mặc dầu chưa một lần đặt chân lên đất Ái Tử - Thuận Hóa. Để chuẩn bị cho một tách lập giáo phận mới ở phía Bắc của giáo phận Đông, Đức Cha có những động thái:

  • cho lập Chủng viện Di Loan (Quảng Trị), Kẻ Sen (Quảng Bình);

  • cuối tháng 9-1846 cho mời thừa sai Pellerin đang ở vùng Bình Định vào Gò Thị.

Vào đêm 4-10-1846 mưa gió tầm tã, dưới mái lều rơm tu viện Mến Thánh Giá, Đức Cha Cuénot cử hành lễ tấn phong giám mục cha Pellerin, làm giám mục phó đặc trách địa bàn truyền giáo mạn Bắc giáo phận.

Ngày 28-8-1850, Đức Pio IX ban hành Sắc chỉ Postulat Apostolici, Đức Hồng Y A. Picchiani thừa lệnh ký tên, đóng dấu ấn Ngư phủ, chấp thuận thành lập giáo phận mới có danh xưng là Bắc Đàng Trong...

Ranh giới phía Bắc giáo phận mới vẫn là dòng sông Gianh - Nguồn Son, có huyện địa đầu Bố Trạch. Phía Nam giáp ranh giới giáo phận Đông có núi Hải Vân giữa phủ Thừa Thiên và tỉnh Quảng Nam. Nửa đèo phía Bắc núi Hải Vân thuộc địa phận huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên; nửa đèo phía Nam thuộc địa phận huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

Đức Cha Pellerin lãnh đạo tân giáo phận Bắc Đàng Trong đã thừa kế một gia tài của giáo phận rộng chừng 11.666,6 cây số vuông, hiện diện 2 thừa sai Pháp Jean Paul Galy và Joseph Sohier, 12 linh mục người Việt mà có đến 6 vị bệnh hoạn già yếu, 2 chủng viện Di Loan và Kẻ Sen, 6 tu viện Mến Thánh Giá Nhu Lý, Di Loan, Dương Sơn, Phủ Cam, Kẻ Bàng, Mỹ Hương, 24.000 giáo dân và một số ruộng đất chung quanh Kinh Thành Huế.

Tháng 8-1850, tân giáo phận Bắc Đàng Trong được thành lập, Đức Cha phó Pellerin đang ở Dinh Cát, Quảng Trị, đi vào nhận bàn giao giáo phận mới với Đức Cha Cuénot. Đầu năm 1951, Đức Cha Pellerin ra nhận nhiệm sở cũng là lúc Sắc dụ Cấm đạo của Vua Tự Đức 30-3-1851 được ban hành. Tuy nhiên, Đức Cha vẫn hoạt động tích cực với 3 chương trình trọng điểm:


  • Đào tạo tông đồ giáo dân: Đức Cha theo một phương thức về cơ cấu tổ chức là lấy cán bộ giáo dân ở địa phương làm nòng cốt và là chỗ dựa. Đặc biệt quan tâm công tác đào tạo hàng ngũ cán bộ giáo dân đã có gia đình, lập thành đoàn “Thầy giảng bậc nhì”. Họ là những ông Câu, ông Biện, ông Trùm ở các họ đạo. Chính họ là nền tảng cho sự hình thành và phát triển của các cộng đoàn giáo xứ. Đức Cha chia giáo phận làm 3 giáo Hạt: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Mỗi Hạt chọn lấy một người biết chữ, đạo đức, khôn ngoan, từng trải việc đời, giỏi việc đạo... và nhất là luôn trung tín tận tụy phụng sự Giáo Hội trong quá trình thử thách gian khổ.

  • Đào tạo linh mục: chăm lo vun trồng chủng sinh 2 chủng viện Di Loan, Kẻ Sen. Gửi chủng sinh du học chủng viện Penang (Malaysia), truyền chức linh mục cho 23 thầy. Đức Cha thường xuyên có mặt ở chủng viện.

  • Củng cố 7 cộng đoàn nữ tu Mến Thánh Giá Di Loan, Nhu Lý, Bố Liêu, Mỹ Hương, Dương Sơn, Kẻ Bàng, Phủ Cam.

Ba chương trình trọng yếu trên đây là 3 hòn đá tảng Đức Cha xây nền móng Giáo Hội Bắc Đàng Trong đi đến bền vững: đào tạo linh mục là thượng tầng kiến trúc, đào tạo cán bộ nòng cốt giáo dân và củng cố các cộng đoàn nữ tu Mến Thánh Giá là sức mạnh ở cơ sở, là nền móng vững chắc để xây dựng Giáo Hội. Giáo dân với linh mục luôn gắn bó chặt chẽ trong chí hướng phụng sự Giáo Hội.

Đêm 17-8-1851 tại Di Loan, Đức Cha tấn phong thừa sai Joseph Sohier làm giám mục phó kế vị.

Tháng 12-1856 Đức Cha trốn khỏi Huế vào Đà Nẵng và lên tàu La Capricieuse của Hải quân Pháp đi Hương Cảng, rồi đi Pháp.

Tháng 11-1860 Đức Cha đi Penang. Công việc điều hành giáo phận, Đức Cha giao phó trong tay Đức Cha phó Sohier. Đức Cha sống lưu vong, qua đời tại Penang ngày 13-9-1862 lúc 49 tuổi, được 27 năm linh mục, 17 năm giám mục, có 5 năm lưu vong (trích bài của Lê Ngọc Bích, Lịch sử khai sinh giáo phận Huế, đã viết cho đến hết đời Đức Cha Caspar).



  • 4. Giáo phận Huế từ năm 1924

Giáo phận có 44 thừa sai, 83 linh mục, 35 sư huynh, 500 nữ tu, 68.000 giáo dân.

Năm 1950, giáo phận mừng kỷ niệm 100 năm thành lập, số giáo dân là 78.500.



  • 5. Tổng Giáo phận Huế từ năm 1960

Ngày 24-11-1960, ĐTC Gioan 23 ra Tông Thư “Venerabilium Nostrorum” thiết lập Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam với 3 Giáo tỉnh Hà nội, Huế, Sài gòn.

Ngày 8-12-1960 ban Sắc lệnh nâng Giáo phận Huế lên Tổng Giáo phận và đặt Đức Cha Phêrô Martinô Ngô Đình Thục làm Tổng Giám mục.

Tổng Giáo phận gồm 162 linh mục triều và dòng với hơn 100.000 giáo dân.

Đức Tổng đến nhận Tòa Huế ngày 12-4-1961 thì ngày hôm sau 13-4-1961 các Đức Giám mục miền Nam Việt Nam họp tại Huế quyết định thiết lập Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc tại La Vang. Ngày 22-08-1961, Đền thờ La Vang được Cung hiến trở thành Tiểu Vương Cung Thánh Đường do Tông Thư Magno Nos của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII.

Đức Tổng lo kiến thiết và tổ chức giáo phận. Ngài đi kinh lý mục vụ các giáo xứ, cho xây Tiểu Chủng viện Hoan Thiện và lập lại Đại Chủng viện Phú Xuân.

Cuối năm 1962, Đức Tổng đi dự Công đồng chung Vaticanô II và ở lại Rôma do biến cố 1963. Năm 1968, Đức Tổng từ chức, hưu trí và từ trần tại Hoa Kỳ ngày 13-12-1984.

Từ 1964 – 1968, Tòa Thánh đặt Đức Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền làm Giám Quản Tông tòa Giáo phận Huế. Năm 1968 ngài mới chính thức trở thành Tổng Giám mục của Huế. Đức Tổng Philipphê trải qua các biến cố lớn: 1968, 1972, 1975. Tình hình chính trị bất ổn tác động trên tình hình tôn giáo. Giáo dân Huế nhiều lần ra đi và trở về. Ngày 7-9-1975 Đức Tổng tấn phong giám mục phó là Đức Têphanô Nguyễn Như Thể với châm ngôn: “Để cho trần gian được sống” (Ga 10,10b). Đức Tổng Philipphê cai quản giáo phận cho tới khi ngã bệnh trầm trọng vào Sài gòn chữa bệnh và qua đời tại Sài gòn ngày 8-6-1988, an táng trong nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, Huế.

Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Tổng Giám mục Hà Nội làm Giám quản Tông tòa Huế. Năm 1990 Đức Hồng Y qua đời đột ngột tại Hà Nội. Sau đó, Linh mục Giacôbê Lê Văn Mẫn được bổ nhiệm làm Giám quản Giáo phận. Ngày 22-04-1994 Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể làm Giám quản Tông tòa.

Ngày 01-09-1994 Đức Tổng Têphanô phong chức linh mục cho 5 thầy. Cũng năm này Đại Chủng viện Huế mở cửa lại do các linh mục Hội Xuân Bích điều khiển, với 39 thầy thuộc 3 Giáo phận Huế, Đà Nẵng, Kontum.

Ngày 01-03-1998 Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể chính thức cai quản giáo phận. Ngài là vị Giám mục thứ 11 của Tổng Giáo phận Huế kể từ ngày thành lập năm 1850, tách khỏi giáo phận Quy Nhơn. Đức Tổng Têphanô nhậm chức ngày 9-4-1998 tại nhà thờ Chính tòa Phủ Cam.

Ngày 19-02-2005, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm Cha FX. Lê Văn Hồng làm Giám mục Phụ tá Giáo phận, có Hiệu tòa Gadiaufala. Ngày 07.04.2005, Thánh lễ Tấn phong giám mục tại Phủ Cam. Ngài lấy khẩu hiệu giám mục: “Sicut qui ministrat - ... như một người phục vụ”.

Đức Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng sau 7 năm 6 tháng làm Giám mục Phụ tá, ngày 18-08-2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ban hành Tông sắc bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám mục Giáo phận Huế. Nghi thức Nhậm chức đã được cử hành tại TTGM Huế vào ngày 20-08-2012, trước mặt Hội đồng Tư vấn và Chưởng ấn Giáo Phủ, theo Giáo luật số 382 §3.

Ngày 12-09-2012, Thánh lễ Tạ ơn được cử hành tại nhà thờ Chính toà Phủ Cam để chúc mừng Đức Tân Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng khởi đầu sứ vụ mới, và cám ơn Đức Tổng Têphanô Nguyễn Như Thể 77 tuổi, được Đức Thánh Cha Bênêđictô phê chuẩn theo như đơn xin hưu. Đồng tế Thánh lễ có ĐTGM Leopoldo Girelli, Đại diện Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tại Việt Nam, ĐTGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, Chủ tịch HĐGMVN, Đức Hồng y G.B. Phạm Minh Mẫn, TGM Sài Gòn, ĐTGM Têphanô Nguyễn Như Thể, và 10 vị Giám mục Việt Nam cùng các linh mục trong ngoài Tổng Giáo phận với sự tham dự dông đảo của giáo dân xa gần.

II. CÁC VỊ GIÁM MỤC VÀ GIÁM QUẢN COI SÓC GIÁO PHẬN HUẾ:

1850: Giám mục François Marie Pellerin (Phan).

1862: Giám mục Joseph Sohier (Bình).

1878: Giám mục Martin Pontviane (Phong).

1880: Giám mục Marie Antoine Caspar (Lộc).

1908: Giám mục Eugène Allys (Lý).

1930: Giám mục Alexandre Chabanon (Giáo).

1937: Giám mục François Lemasle (Lễ).

1948: Tổng Giám mục Hiệu tòa: Jean Baptiste Urrutia (Thi).

1960: Tổng Giám mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục.

1964: Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền.

1975 : Tổng Giám mục phó Têphanô Nguyễn Như Thể

1988: Hồng y Giám quản Tông tòa Giuse Maria Trịnh Văn Căn.

1990: Linh mục Giám quản Giáo phận Giacôbê Lê Văn Mẫn.

1994: Tổng Giám mục Giám quản Tông tòa Têphanô Nguyễn Như Thể.

1998: Tổng Giám mục Chính tòa Têphanô Nguyễn Như Thể.

2005: Giám mục Phụ tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng.

2012: Tổng Giám mục Chính tòa Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng.


III. CÁC VỊ GIÁM MỤC GỐC GIÁO PHẬN HUẾ:

1. ĐGM. Đa-minh Hồ Ngọc Cẩn (Ba Châu): GM Bùi Chu 1935 (+).

2. ĐGM. Pr. Martinô Ngô Đình Thục (Đại Phong): GM Vĩnh Long 1938 (+).

3. ĐGM. Tađêô Lê Hữu Từ (Di Loan): GM Phát Diệm 1945 (+).

4. ĐGM. Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền (Nhu Lý): GM Sàigòn 1955 (+).

5. ĐHY. TGM FX. Nguyễn Văn Thuận (Phủ Cam): GM Nha Trang 1967 (+).

6. ĐGM. Alexis Phạm Văn Lộc (Kẻ Hạc, QB): GM Kontum 1975 (+).

7. ĐTGM. Têphanô Nguyễn Như Thể (Nho Lâm): TGM Huế 1998.

8. ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (An Truyền): TGM Hà Nội 2010.

9. ĐGM. Phaolô Bùi Văn Đọc (An Lộng): TGM Sài gòn 3/2014.

10. ĐGM. Giuse Võ Đức Minh (Mỹ Đức, QB): GM Nha Trang 2009.

11. ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Đệ (Thạch Hãn): GM Thái Bình 2009. 

12. ĐGM.Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng (Trí Bưu): TGM Huế 2012.
IV. TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG:


      1. Sự tích Đức Mẹ La Vang

Dưới triều đại vua Cảnh Thịnh (lên ngôi năm 1792), với chiếu chỉ cấm đạo ngày 17 tháng 8 năm 1798, một số các tín hữu ở gần Dinh Cát (nay là thị xã Quảng Trị) phải tìm nơi trốn ẩn. Họ đã đến lánh nạn tại núi rừng La Vang. Nơi rừng thiêng nước độc, hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu ăn, bệnh tật, sợ hãi quan quân, sợ thú dữ, các tín hữu chỉ biết một lòng tin cậy phó thác vào Thiên Chúa và Đức Mẹ. Họ thường tụ tập nhau dưới gốc cây đa cổ thụ, cùng nhau cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ nhau.

Một hôm đang khi cùng nhau lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ, bỗng họ nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng Giêsu, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Họ nhận ra ngay là Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ bày tỏ lòng nhân từ, âu yếm, và an ủi giáo dân vui lòng chịu khó. Mẹ dạy hái một loại lá cây có sẵn chung quanh đó, đem nấu nước uống sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ lại ban lời hứa: “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”.

Sự kiện xảy ra trên thảm cỏ gần gốc cây đa cổ thụ nơi giáo dân đang cầu nguyện. Sau đó, Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy để nâng đỡ và an ủi con cái Mẹ trong cơn hoạn nạn.

Từ đó đến nay sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại núi rừng La Vang, qua các thế hệ được loan truyền khắp nơi, và nhiều người chân thành tin tưởng, đến cầu khấn Đức Mẹ.

Năm 1924, nhận thấy ngôi nhà thờ ngói quá chật hẹp, lại đã xuống cấp cho nên một đền thánh La Vang theo đồ án của kiến trúc sư Carpentier được dựng lên thay thế và được khánh thành vào ngày 20 tháng 08 năm 1928, nhân dịp Đại hội La Vang 9. Thánh đường này được trùng tu năm 1959. Trong phiên họp ngày 13 tháng 04 năm 1961, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (Miền Nam) đã đồng thanh quyết định La Vang là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc. Trong chiến cuộc Mùa Hè 1972, bom đạn đã làm sập đổ hoàn toàn Vương Cung Thánh Đường, chỉ còn lại di tích tháp chuông loang lở. Từ năm 1995, tháp chuông và những công trình liên hệ như Nhà nguyện Đức Mẹ (một mái nhà tôn sau tháp cổ), Nhà nguyện Thánh Thể (xây từ năm 2002), Công trường Mân Côi, Lễ đài, Nhà hành hương (xây từ năm 2004), 3 cây đa (nơi Đức Mẹ hiện ra)... được tu sửa hay dựng mới.


      1. Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang ngày nay

Diện tích đất: 19 hectares 106m2.

Có hai con đường từ Quốc Lộ dẫn vào Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang: Phú Lệ A (4 cây số) và Phú Lệ B (2 cây số) đã được mở rộng và được rải nhựa.

Ngày 15-08-1998, dịp La Vang kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra (1798-1998), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban tặng Chén Thánh và Huy Hiệu Giáo Hoàng của ngài.

Ngày 01-12-2005, Đức Hồng y Crescenzio Sepe chủ sự nghi lễ Khánh thành Nhà Hành Hương.

Ngày 13-06-2008, phái đoàn Tòa Thánh, do Đức Ông Pietro Parolin (nay là HY Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh 2/2014) dẫn đoàn đã chủ tế Thánh lễ tại Linh đài Mẹ La Vang. Dịp này, ngài trao tặng La Vang món quà của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, là chiếc Hào Quang dùng cho việc suy tôn Bí Tích Thánh Thể.

Ngày 28.12.2010, ĐTC Bênêđictô XVI bổ nhiệm Đức Hồng y Ivan Dias làm Đặc sứ Chủ toạ Đại lễ Bế mạc Năm Thánh của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và Đại Hội Đức Mẹ La Vang lần thứ 29, tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang, từ ngày 04 đến 06-01-2011. Sau bài giảng Lễ Bế Mạc Năm Thánh (06-01-2011), Đức Hồng y Đặc sứ trao tặng La Vang món quà của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, là một Chén Thánh. Và sau Thánh lễ Bế mạc, Đặc sứ của Đức Thánh Cha đã chủ sự Nghi thức Làm Phép Viên Đá Đầu Tiên xây dựng Vương cung Thánh đường, ghi dấu khởi đầu biến cố xây dựng Đền Thánh.

Hội đồng Giám mục Việt Nam xét cần ưu tiên và đặc biệt tái thiết, phát triển Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang (Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc) thành một Trung tâm của cả Giáo Hội tại Việt Nam.

Ngày 15-08-2012, tại La Vang, ĐTGM. Leopoldo Girelli, đại diện Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tại Việt Nam, ĐTGM. Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM. Hà Nội, Chủ tịch HĐGMVN, ĐTGM. Têphanô Nguyễn Như Thể, TGM. Huế và 17 vị Giám mục Việt Nam đã cử hành và tham dự Nghi lễ long trọng Đặt Viên Đá Đầu Tiên xây dựng Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang.



Ngày 14.03. 2013: Khởi công xây dựng công trình Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang.

Nguồn: Lịch Công Giáo - Giáo phận Huế (2014 - 2015)

tải về 49.16 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương