CÔng tác thị trưỜng châu phi, TÂY Á, nam á



tải về 0.97 Mb.
trang1/9
Chuyển đổi dữ liệu15.11.2017
Kích0.97 Mb.
#34304
  1   2   3   4   5   6   7   8   9

BỘ CÔNG THƯƠNG



VỤ THỊ TRƯỜNG CHÂU PHI, TÂY Á, NAM Á
*

* *

CÔNG TÁC THỊ TRƯỜNG CHÂU PHI, TÂY Á, NAM Á
(Tài liệu Hội nghị Tham tán Thương mại)

Tp Hồ Chí Minh, tháng 12 năm 2011

MỤC LỤC


LỜI MỞ ĐẦU
PHẦN I: CÁC BÁO CÁO CHUNG 1

1. Thực hiện kế hoạch công tác của Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á 2

2. Công tác Thị trường khu vực Châu Phi, Tây Á, Nam Á 12

3. Công tác Thương vụ khu vực Châu Phi, Tây Á, Nam Á 25



PHẦN II: THAM LUẬN TẠI HỘI NGHỊ THAM TÁN THƯƠNG MẠI 30

1. Tham luận của Thương vụ Ai Cập 31

2. Tham luận của Thương vụ An-giê-ri 33

3. Tham luận của Thương vụ Ma-rốc 43

4. Tham luận của Thương vụ Nam Phi 46

5. Tham luận của Thương vụ Ni-giê-ria 50

6. Tham luận của Thương vụ Ả-rập Xê-út 60

7. Tham luận của Thương vụ I-ran 64

8. Tham luận của Thương vụ Ít-xra-en 67

9. Tham luận của Thương vụ Thổ Nhĩ Kỳ 71

10. Tham luận của Thương vụ U.A.E 76

11. Tham luận của Thương vụ Ấn Độ 78

12. Tham luận của Thương vụ Pa-kit-xtan 81

PHẦN III: CÁC THÔNG TIN THAM KHẢO 84

1. Danh sách cán bộ Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á 85

2. Danh sách các Thương vụ khu vực Châu Phi, Tây Á, Nam Á 86

3. Danh sách Đại sứ quán Việt Nam tại khu vực Châu Phi, Tây Á, Nam Á 89



4. Danh sách Đại sứ quán các nước Châu Phi, Tây Á, Nam Á tại Việt Nam 92

LỜI MỞ ĐẦU



Năm 2011, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới và tại khu vực Châu Phi, Trung Đông, Nam Á trải qua nhiều biến động lớn. Khủng hoảng nợ công Châu Âu, sự hồi phục chậm của nền kinh tế Mỹ, thiên tai sóng thần, hạt nhân tại Nhật Bản, lạm phát cao tại nhiều quốc gia trên thế giới là các nguyên nhân chính tác động tiêu cực đến tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế toàn cầu nói chung và các nước trên thế giới nói riêng. Bên cạnh đó, khủng hoảng chính trị, xã hội sâu sắc tại một số nước Bắc Phi, Trung Đông, Nam Á mặc dù đã phần nào được giải quyết tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát trở lại.

Trước những khó khăn của kinh tế thế giới, với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng, kinh tế Việt Nam đã phải chịu những ảnh hưởng nhất định. Các vấn đề của phát triển kinh tế trong nước cũng là những thử thách khắc nghiệt đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, triển khai thực hiện các định hướng hoạt động cụ thể đối với công tác thị trường theo kết quả Hội nghị giao ban TTTM lần hai vào năm 2010 tại Nam Phi, các mục tiêu của chương trình công tác năm, kế hoạch trung và dài hạn; Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á và các Thương vụ trong khu vực đã thể hiện quyết tâm cao, bằng trí tuệ, tâm huyết, phấn đấu đạt được các mục tiêu cụ thể đề ra. Nhiều hoạt động, sự kiện về khu vực thị trường được tổ chức; công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh,.. góp phần vào sự tăng trưởng, bứt phá mạnh mẽ của kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và thị trường khu vực.

Năm 2012, bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp không thể dự báo đầy đủ. Việc tổng kết, đánh giá công tác thị trường, công tác thương vụ,... trong khuôn khổ Hội nghị Tham tán Thương mại là việc làm hết sức cần thiết. Trong phạm vi Hội nghị, Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á và các Thương vụ trong khu vực sẽ có điều kiện nhìn nhận, xem xét các kết quả thực hiện năm 2010- 2011. Trên cơ sở các phân tích, dự báo tình hình, Vụ sẽ tiến hành xây dựng định hướng mục tiêu, chương trình hành động cụ thể cho năm 2012 và giai đoạn tiếp theo.

Nội dung trình bày trong Tài liệu khu vực thị trường nhằm cung cấp các thông tin tổng quát về tình hình kinh tế khu vực, đánh giá những hoạt động do Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á và các Thương vụ trong khu vực đã triển khai, những kết quả đạt được, những tồn tại cần khắc phục, và định hướng hoạt động trong thời gian tới. Ngoài ra, tài liệu còn cung cấp những phân tích, nhận định xác thực về cơ hội thị trường, ngành hàng, công tác XTTM, rào cản thương mại, vấn đề nhập siêu,.. thể hiện qua tham luận của các đồng chí Tham tán Thương mại.

Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á trân trọng giới thiệu đến Qúy độc giả và các doanh nghiệp quan tâm.

Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á

PHẦN I:

CÁC BÁO CÁO CHUNG


BỘ CÔNG THƯƠNG

VỤ THỊ TRƯỜNG

CHÂU PHI, TÂY Á, NAM Á

­­­­­

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

––––––––––––––––––––––––––






Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2011

BÁO CÁO

THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CÔNG TÁC 2011

I. Khái quát tình hình chính trị, kinh tế, xã hội tại các nước khu vực:

Điểm nổi bật nhất tại thị trường khu vực trong giai đoạn các tháng đầu năm 2011 là tại một số nước Bắc Phi, Trung Đông, Bờ Biển Ngà và Pa-kit-xtan xảy ra những biến cố phức tạp về chính trị, xã hội kéo dài từ nửa cuối năm 2010. Đến nay tình hình tại các nước này đã có dấu hiệu ổn định, tuy nhiên tại các nước như Ai Cập, Li-bi, Xi-ri, Y-ê-men, Pa-kit-xtan tình trạng bất ổn vẫn chưa chấm dứt. Riêng tại I-ran, do bị Liên Hiệp quốc xiết chặt các biện pháp trừng phạt (Nghị quyết 1929 của Hội đồng Bảo an có hiệu lực từ ngày 09/6/2010) và bị Mỹ và các nước phương Tây cấm vận, làm ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán giữa các ngân hàng của hai nước. Những diễn biến tại khu vực đã gây tác động tới quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước này.

Hàng loạt các vụ bạo động xẩy ra gần như đồng thời cho thấy tình trạng khủng hoảng kinh tế, xã hội đang xảy ra trên toàn khu vực Bắc Phi, Trung Đông. Sự phân chia giai cấp ngày càng rõ rệt, giới trẻ ngày càng thất vọng với chính quyền; đồng thời phản ánh thực tế trình độ, năng lực quản lý kinh tế của các Chính phủ đã lỗi thời, kém hiệu quả, vẫn mang đậm dấu ấn duy ý chí và chưa mở cửa nhiều ra bên ngoài. Hầu hết những biến cố tại các nước bắt nguồn do bất bình của dân chúng vì đời sống khó khăn, giá cả leo thang, thất nghiệp trầm trọng, chính phủ cầm quyền quá lâu, tạo ra phản ứng dây chuyền sang nước láng giềng.

Bạo loạn, bất ổn xã hội đã trở thành một hiện tượng chung tại các quốc gia Bắc Phi, Trung Đông và vẫn đang tiếp diễn tại một số nước như Ai Cập, Y-ê-men, Xi-ri. Hiện tại, các nước này đang lo ngại bất ổn xã hội gây nhiều căng thẳng và đe dọa chính quyền. Tình hình chính trị và xã hội tại một số nước khu vực vốn tồn tại những mâu thuẫn âm ỉ từ lâu, sẽ khó có khả năng ổn định trong thời gian tới nếu như Chính phủ các nước không có những biện pháp thay đổi triệt để.

Trước sức ép của dư luận quốc tế cả về mặt ngoại giao lẫn các biện pháp trừng phạt về kinh tế và quân sự, Chính phủ một số nước đã có những động thái thỏa hiệp nhằm xoa dịu tình hình. Tuy nhiên, tình hình bất ổn về chính trị ở một số nước chưa thể giải quyết trong thời gian ngắn vì thực tế chưa có những chuyển biến, thay đổi đáng kể về đời sống của người dân. Cuộc chiến ở một số nước có tác động mạnh đến tình hình kinh tế và chính trị của các nước láng giềng, phá hủy nền kinh tế của một số quốc gia như Li-bi, Y-ê-men, Xi-ri,…

Những vụ bạo loạn đã và đang xảy ra tại các nước Bắc Phi, Trung Đông đã ảnh hưởng khá tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và đối với hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng của các nước này trong thời gian vừa qua và ngắn hạn sắp tới. Về lâu dài, Chính phủ các nước này bắt buộc phải có những giải pháp, chính sách nhằm giải quyết khủng hoảng, ổn định và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

II. Kết quả trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước khu vực:

1. Tác động của tình hình chính trị tới trao đổi thương mại với Việt Nam:

Đối với Việt Nam, do hàng hóa của Việt Nam xuất sang các nước Bắc Phi chủ yếu là những mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm chế biến, trà, cà phê, nông sản, thủy sản,…) cũng bị ảnh hưởng trong thời gian diễn ra biến cố nhưng đã dần khôi phục và ổn định trở lại do nhu cầu đối với các mặt hàng này không bị tác động nhiều. Trước sức ép của người dân, Chính phủ các nước này buộc phải mở cửa thị trường, nhập khẩu hàng tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu của dân chúng; chính sách hạn chế nhập khẩu, bảo hộ kinh tế sẽ được nới lỏng, tạo điều kiện để cung cấp đủ hàng hoá thiết yếu.

Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước có biến cố chính trị, xã hội đã chậm lại trong thời gian cuối năm 2010 và quý I năm 2011, sau đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Bắc Phi và Trung Đông dần khôi phục trở lại từ quý II năm 2011.

Dự kiến trong ngắn hạn, tình hình bất ổn tại khu vực sẽ vẫn tiếp diễn do một số nước chưa giải quyết được khủng hoảng chính trị, tôn giáo, sắc tộc. Tuy nhiên, về dài hạn, dự báo đến năm 2015, Trung Đông sẽ dần đi vào ổn định hơn do một số nước sẽ thay đổi Chính phủ, tập trung phát triển kinh tế, đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, tiếp tục cải cách hệ thống chính trị-xã hội theo hướng trao thêm quyền tự do dân chủ cho người dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực dự báo khoảng từ 4-5% đến năm 2015.

Tại khu vực Châu Phi, tình hình bất ổn về chính trị, xã hội tại một số nước Bắc Phi đã có dấu hiệu lắng dịu và dần đi vào ổn định, các nước Bờ Biển Ngà, Xu-đăng đã tránh được nguy cơ nội chiến và có thể dự báo tương lai lạc quan và bắt đầu thời kỳ ổn định phát triển. Các nước khu vực khác chưa thấy có dấu hiệu bất ổn và xung đột. Đây là điều kiện rất tốt để nối tiếp đà tăng trưởng kinh tế khá cao của Châu Phi trong thời gian qua. Dự báo trong thời gian tới, tăng trưởng GDP của Châu Phi vẫn duy trì ở mức 5 đến 7%, nhiều nước có tốc độ tăng trưởng cao.

Tại khu vực Nam Á, theo dự báo của các nhà phân tích kinh tế thế giới, sau khi kinh tế toàn cầu hồi phục, GDP của các nước khu vực Nam Á sẽ tăng từ 6% lên 7,4% năm 2011 và xu hướng tăng cao hơn nữa trong khoảng thời gian từ tới 2012- 2015 do nhu cầu tiêu dùng trên thế giới đang dần hồi phục.



2. Kim ngạch xuất nhập khẩu:

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước khu vực Châu Phi, Tây Á, Nam Á trong 9 tháng đầu năm 2011 đạt 11,28 tỷ đô-la Mỹ, tăng hơn 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực đạt 6,43 tỷ đô-la Mỹ, tăng hơn 83%, bằng 110% kế hoạch cả năm của Bộ giao. Nhập khẩu đạt 4,85 tỷ đô-la Mỹ, tăng hơn 58% so với cùng kỳ năm 2010.

Ước tính cả năm 2011, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực đạt khoảng 8 tỷ đô-la Mỹ, bằng 136% so với kế hoạch được giao và kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 14,4 tỷ USD.

Tại khu vực Châu Phi, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt 3,08 tỷ đô-la Mỹ, tăng 125% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 1,05 tỷ đô-la Mỹ, tăng 90%. Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Nam Phi với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,71 tỷ đô-la Mỹ, tăng 318 % so với cùng kỳ năm trước (tương đương 408,30 triệu đô-la Mỹ), trong đó đá quý và kim loại quý chiếm tới 1,47 tỷ đô-la Mỹ. Đứng thứ hai là Xê-nê-gan với kim ngạch xuất khẩu đạt 183,29 triệu đô-la Mỹ tăng 305% so với cùng kỳ năm 2010 (tương đương 45,28 triệu đô-la Mỹ), trong đó gạo chiếm 168,50 triệu đô-la Mỹ. Tiếp theo là Ai Cập với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 181,59 triệu đô-la Mỹ, tăng 40%; Bờ Biển Ngà với 138,54 triệu đô-la Mỹ, tăng 24%; Gha-na với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 103,15 triệu đô-la Mỹ, tăng 38%...

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường cũng bị giảm mạnh. Xuất khẩu sang Ăng-gô-la chỉ đạt 54,84 triệu đô-la Mỹ, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu sang Ni-giê-ria cũng chỉ đạt 46 triệu đô-la Mỹ, giảm 51%, nguyên nhân của sự sụt giảm này là do không xuất khẩu được hàng dệt may trong khi 9 tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu dệt may lên tới 70,70 triệu đô-la Mỹ.

Dự báo cả năm 2011, xuất khẩu sang Châu Phi đạt 3,5 tỷ đô-la Mỹ, tăng 97% so với năm 2010; nhập khẩu từ Châu Phi đạt khoảng 1,4 tỷ đô-la Mỹ, tăng 80% so với năm 2010.



Tại khu vực Trung Đông, xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt 1,76 tỷ đô-la Mỹ, tăng 50% so với cùng kỳ 2010, nhập khẩu đạt 1,96 tỷ đô-la Mỹ, tăng 68%. Các thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là U.A.E (589 triệu đô-la Mỹ, tăng 68%), Thổ Nhĩ Kỳ (573 triệu đô-la Mỹ, tăng 61%), Ả-rập Xê-út (183 triệu đô-la Mỹ, tăng 92%), I-rắc (108 triệu đô-la Mỹ), Ít-xra-en (98 triệu đô-la Mỹ, tăng 46%),… Các thị trường có kim ngạch xuất khẩu giảm gồm Cô-oét, I-rắc. Thị trường I-ran kim ngạch xuất khẩu tăng so với năm trước, tuy nhiên hoạt động xuất khẩu vào thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn do lệnh cấm vận. Xuất khẩu sang Y-ê-men hầu như không tăng so với năm 2010, trong khi đó xuất khẩu sang Xi-ri trong các tháng đầu năm 2011 không có.

Với đà tăng trưởng hiện tại, ước tính cả năm 2011, xuất khẩu sang Trung Đông đạt 2,4 tỷ đô-la Mỹ, tăng 45,4%. Nhập khẩu từ Trung Đông đạt khoảng 2,6 tỷ đô-la Mỹ, giảm 10% so với năm 2010.



Tại khu vực Nam Á, xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt 1,59 tỷ đô-la Mỹ, tăng 63% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu đạt 1,83 tỷ đô-la Mỹ, tăng 35%. Các thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất gồm Ấn Độ (1,05 tỷ đô-la Mỹ, tăng 65%), Băng-la-đét (347 triệu đô-la Mỹ, tăng 85%), Pa-kit-xtan (128 triệu đô-la Mỹ, tăng 37%). Trong đó, ta đã thu hẹp đáng kể tình trạng nhập siêu từ thị trường Ấn Độ so với các năm trước, nhiều mặt hàng tiêu dùng đã xuất khẩu được vào thị trường. Đối với Băng-la-đét, riêng mặt hàng gạo chiếm 180 triệu đô-la Mỹ, bằng 60% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường.

Dự kiến cả năm 2011, xuất khẩu sang Nam Á đạt 2,1 tỷ đô-la Mỹ, tăng hơn 46% so với năm 2010; nhập khẩu từ Nam Á ước đạt 2,44 tỷ đô-la Mỹ, tăng hơn 27% so với năm 2010.



Về mặt hàng xuất khẩu, các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 100 triệu đô-la Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2011 gồm: đá quý và kim loại quý (1,48 tỷ đô-la Mỹ, chủ yếu xuất khẩu sang Nam Phi); gạo (950 triệu đô-la Mỹ, trong đó kim ngạch lớn nhất là Băng-la-đét, Senegal, Bờ Biển Ngà, Guinee, Ghana), điện thoại di động và linh kiện (667 triệu đô-la Mỹ, chủ yếu sang các thị trường Ấn Độ, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi), hải sản (277 triệu đô-la Mỹ), tiêu (206 triệu đô-la Mỹ), máy vi tính và linh kiện (190 triệu đô-la Mỹ), máy móc thiết bị phụ tùng (178 triệu đô-la Mỹ), dệt may (158 triệu đô-la Mỹ), cà phê (112 triệu đô-la Mỹ), cao su (106 triệu đô-la Mỹ),…

Về mặt hàng nhập khẩu, mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ khu vực là nguyên liệu thức ăn gia súc, chủ yếu từ thị trường Ấn Độ. Mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Trung Đông là chất dẻo nguyên liệu, khí đốt, phân bón, các sản phẩm hóa chất chiết xuất từ dầu mỏ, sắt thép, chủ yếu tập trung vào Ả-rập Xê-út, Ca-ta, Cô-oét, UAE, I-ran. Mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Châu Phi là hạt điều các loại, chủ yếu là điều thô phục vụ ngành sản xuất và chế biến trong nước, tiếp theo là bông, gỗ nguyên liệu.

3. Tình hình hợp tác công nghiệp:

Hợp tác công nghiệp giữa Việt Nam với các nước khu vực thời gian qua vẫn còn ở mức độ rất hạn chế. Hiện tại, mới có một số hoạt động hợp tác trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí. Ngoài ra mới chỉ có một số nhà máy liên doanh sản xuất hàng tiêu dùng tại các nước do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện.

Hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và đối tác tại I-ran để thực hiện dự án phát triển dầu khí lô Danan tại I-ran tiếp tục gặp khó khăn do I-ran bị Liên hiệp quốc, Mỹ và các nước phương Tây cấm vận.

Tập đoàn Viễn thông Quân đội-Vietel đã được cấp giấy phép và tiến hành các hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ và cơ sở hạ tầng viễn thông tại Mô-dăm-bích. Dự kiến mạng di động này sẽ khai trương và đi vào hoạt động trong năm 2011.

Tiếp theo Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa FPT và đối tác 21st Century của Ni-giê-ria, FPT đã triển khai một số hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại tại Ni-giê-ria trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ, hợp tác về công nghệ thông tin, đào tạo, cung cấp dịch vụ viễn thông, xuất khẩu thiết bị… Tính từ tháng 8/2011 đến nay, FPT đã đưa khoảng 5 đoàn công tác với gần 100 lượt cán bộ sang khảo sát tại thị trường Ni-giê-ria và dự kiến sẽ tiếp tục trong thời gian tới nhằm đầu tư lâu dài tại thị trường.

III. Tình hình thực hiện kế hoạch công tác năm 2011:

1. Công tác quản lý nhà nước và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thương mại với các nước khu vực:

Trong năm 2011, Vụ KV4 đã thực hiện được các công việc sau:

Vụ KV4 đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất UBHH với Ô-man vào tháng 1, kỳ họp thứ năm UBHH với Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2, họp UBHH với Ả-rập Xê-út vào tháng 5 và là đầu mối đôn đốc và giám sát việc triển khai các thoả thuận đã ký kết sau các Kỳ họp UBHH này. Phối hợp tham gia kỳ họp UBHH với các nước An-giê-ri, I-rắc, Ăng-go-la, Ma-rốc, Mô-dăm-bích, I-ran, Ấn Độ do các Bộ ngành khác chủ trì. Tại các kỳ họp này hai bên đã xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung vào việc tăng cường quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Tham mưu, chuẩn bị và cùng Lãnh đạo Bộ đón đoàn Thứ trưởng Thương mại Pa-kit-xtan sang họp Tiểu ban Thương mại Hỗn hợp, trong khuôn khổ UBHH Việt Nam – Pa-kit-xtan. Phối hợp với một số cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường hợp tác thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên trong thời gian họp Tiểu ban.

Vụ KV4 đã chủ trì đón Bộ trưởng Lương thực và Quản lý thiên tai Băng-la-đét và hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ về Thương mại gạo, theo đó phía Việt Nam sẽ cung cấp cho Băng-la-đét 1 triệu tấn gạo/năm trong giai đoạn 2011-2013 và ký hợp đồng mua 300.000 tấn gạo trong năm 2011. Từ thành công của Biên bản ghi nhớ này, theo đề xuất của Vụ KV4 và được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ, Vụ đã gửi công hàm cho các Đại sứ quán một số nước tại Châu Phi có kim ngạch nhập khẩu gạo lớn từ Việt Nam trong thời gian qua để đề xuất nghiên cứu đàm phán ký kết các biên bản ghi nhớ về thương mại gạo giữa Việt Nam với các nước này. Kết quả bước đầu là Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Xiêra Lêôn đã sang thăm Việt Nam, ký MOU nhập khẩu mỗi năm khoảng 100 nghìn tấn gạo. Trong thời gian tới, Vụ sẽ tiếp tục đôn đốc đàm phán ký MOU về thương mại gạo với một số nước Châu Phi.

Về hoạt động đàm phán ký kết các thỏa thuận, Vụ đã chuẩn bị tổ chức đoàn công tác của Bộ đi tham vấn khả năng khởi xướng đàm phán FTA tại Thổ Nhĩ Kỳ và chuẩn bị hoàn tất nội dung báo cáo tổng hợp của Nhóm nghiên cứu khả năng đàm phán FTA Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ. Trong năm 2011, đã có các nước Mô-dăm-bích, Xri-lanca công nhận nền kinh tế thị trường đầy đủ tại Việt Nam, Vụ cũng đã tham mưu kiến nghị Lãnh đạo Bộ đề nghị các nước như Ni-giê-ria, Ca-mơ-run, CH Trung Phi, Thổ Nhĩ Kỳ,… xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường trong các cuộc tiếp xúc làm việc với phía Bạn. Tính đến nay đã có 6 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ là Nam Phi, Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích, Ấn Độ, Pa-kit-xtan và Xri-lanka. Vụ đã chủ trì chuẩn bị và cùng Lãnh đạo Bộ tham gia đoàn công tác tại CH Trung Phi và Ca-mơ-run, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác thương mại Việt Nam – CH Trung Phi vào tháng 8/2011.

Đang hoàn thành việc xây dựng và trình phê duyệt Đề án xúc tiến xuất khẩu vào các bang của Ấn Độ; đang khẩn trương hoàn tất Đề án đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Đông, trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt. Tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao vai trò của các Tổng Công ty, Công ty XNK tổng hợp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Phi trong năm 2011.

Vụ cũng chủ trì đón đoàn Bộ trưởng Nông nghiệp và An ninh Lương thực Ma-la-uy sang thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 4/2011, hai bên đã trao đổi và nhất trí về thúc đẩy hợp tác, đặc biệt trong ngành sản xuất thuốc lá. Phối kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thành công đón và bố trí chương trình làm việc cho đoàn Bộ trưởng Công thương và Bộ trưởng Nông nghiệp Ả-rập Xê-út sang Việt Nam khảo sát thị trường, tìm hiểu cơ hội đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp để sản xuất hàng hóa nông sản cung cấp cho thị trường này. Chủ trì đón đoàn Quốc Vụ khanh phụ trách thương mại và đầu tư Ni-giê-ria sang Việt Nam thăm và làm việc tại Việt Nam kết hợp dự hội thảo doanh nghiệp 2 nước vào cuối tháng 11.

2. Công tác xúc tiến thương mại:

Trên tinh thần triển khai công tác theo Nghị quyết số 02/NQ-CP và số 11/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, cắt giảm chi tiêu, tuy vậy, trong năm 2011, Vụ KV4 đã nỗ lực vượt qua những khó khăn để tổ chức thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó nổi bật là những hoạt động sau:

- Chuẩn bị và cùng tham gia đoàn đi dự Hội chợ ASEAN - Ấn Độ do Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên dẫn đầu;

- Phối hợp với Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) và Hiệp hội dệt may tổ chức đoàn công tác đi Mali và Burkina Faso khảo sát thị trường bông sợi; tham gia các diễn đàn doanh nghiệp tại UAE và A-rập Xê-út.



- Chủ trì tổ chức mời một số doanh nghiệp tham gia đoàn công tác đi CH Trung Phi và Ca-mơ-run khảo sát thị trường và hợp tác về các mặt hàng gạo, điều, gỗ, thương mại tổng hợp và chuyển giao công nghệ.

- Tổ chức đoàn nghiên cứu chính sách thương mại và nghiên cứu thị trường tại Ấn Độ vào tháng 9/2011.



- Tổ chức thành công đoàn giao thương, xúc tiến thương mại kết hợp tham quan hội chợ quốc tế tại Lagos, Ni-giê-ria trong khuôn khổ chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia 2011.

- Tổ chức mời các đoàn doanh nghiệp Pa-kit-xtan, U.A.E, Thổ Nhĩ Kỳ, Ni-giê-ria vào Việt Nam tham dự Hội chợ EXPO 2011 và gặp gỡ doanh nghiệp trong nước. Hỗ trợ nhiều lượt doanh nghiệp các nước như Ni-giê-ri-a, Gha-na, Ca-mơ-run, Thổ Nhĩ Kỳ, An-giê-ri,… vào Việt Nam để gặp gỡ đối tác và mua hàng.

- Phối hợp với các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số doanh nghiệp liên quan đón đoàn I-rắc sang làm việc liên quan đến chương trình trả nợ bằng hàng hóa cho I-rắc.

- Phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại U.A.E vận động các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Triển lãm và Hội thảo quốc tế về Gạo tại Dubai tháng 11/2011.



3. Công tác thông tin tuyên truyền và nghiên cứu khoa học:

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu thông tin về thị trường các nước khu vực của các doanh nghiệp trong nước, tiếp theo nhiều hoạt động tuyên truyền và tổ chức hội thảo giới thiệu thị trường trong năm 2010 và những năm trước, từ đầu năm 2011, Vụ đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động, trong đó tập trung vào việc tổ chức các hội thảo và cung cấp tin, bài, tài liệu thị trường để thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.



Đối với hoạt động hội thảo giới thiệu thị trường, tính từ đầu năm 2011 đến nay, Vụ đã chủ trì, phối hợp tổ chức và tham gia trình bày tại 30 hội thảo tại nhiều địa phương trong cả nước. Cụ thể:

- Trong khuôn khổ chương trình hợp tác với Trung tâm Thương mại Thế giới ITC và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ OIF, Vụ đã chủ trì tổ chức 5 hội thảo gồm: 2 hội thảo phổ biến nội dung hợp đồng thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại với các đối tác Châu Phi, 2 hội thảo các nhà xuất nhập khẩu bông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 1 hội thảo về mặt hàng gỗ với đối tác Tây Phi tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Phối hợp với VCCI tổ chức 10 hội thảo về thị trường Ấn Độ, cung cấp thông tin về thị trường và cơ hội kinh doanh, FTA ASEAN-Ấn Độ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tại Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Bình, Sóc Trăng. Tổ chức tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Ô-man, tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Ả-rập Xê-út; phối hợp tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ”.

- Phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức hội thảo India Calling vào tháng 10/2011; Phối hợp với Đại sứ quán Ít-xra-en tổ chức tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Ít-xra-en; phối hợp với Đại sứ quán Ni-giê-ria tổ chức hội thảo doanh nghiệp Việt Nam – Ni-giê-ria tại Hà Nội.

- Phối hợp với VCCI, Văn phòng Cục Xúc tiến thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 8 hội thảo giới thiệu thị trường Trung Đông, Châu Phi tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu.

- Phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Pa-kit-xtan, Sở Công thương Thái Nguyên tổ chức hội nghị trực tuyến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chè hai nước. Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức giao lưu trực tuyến về thị trường Ấn Độ,…

- Phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương tổ chức 2 hội thảo về thị trường Ấn Độ tại Đà Nẵng và Tiền Giang.

Trung bình, mỗi hội thảo thu hút được khoảng từ 70 đến 120 khách tham dự, cùng với đó, thông tin cũng được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần đưa thông tin về thị trường đến với nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp các doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội kinh doanh và mạnh dạn triển khai xúc tiến các hoạt động kinh doanh thương mại tại thị trường.

Về công tác thông tin tuyên truyền, Vụ đã phối hợp với Báo Công Thương mở chuyên mục “Mở cửa thị trường Châu Phi” trên báo Công Thương điện tử từ tháng 6/2011, trung bình mỗi tháng cung cấp khoảng 20 tin bài và đến nay đã có khoảng 100 tin, bài, tài liệu giới thiệu thị trường được đăng tải trên chuyên mục này.

Vụ cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Cục Công nghiệp địa phương tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền về thị trường cho doanh nghiệp. Hàng tháng, Vụ thường xuyên cung cấp tin bài để đăng tải trên website và Tạp chí của Cục.

Duy trì việc cung cấp tin bài và cập nhật tài liệu thị trường trên trang thị trường nước ngoài của Bộ. Tính từ đầu năm 2011 đến nay, có khoảng 570 tin bài của Vụ được đăng trên trang thị trường nước ngoài, là một trong hai đơn vị cung cấp nhiều tin bài nhất trên trang này. Ngoài ra, những hoạt động của Vụ có sự tham gia của lãnh đạo Bộ cũng được cung cấp kịp thời trên trang chủ của Bộ Công Thương.

Phối hợp thường xuyên để trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin thị trường trên một số báo đài có uy tín và đông độc giả như báo Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao động, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam (VTV1, VTV4, Infotv) VTC, VITV, Báo Công Thương, Tạp chí Công nghiệp, báo VEN,… Một số tin bài của Vụ đã gây được sự chú ý và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía độc giả như loạt bài cảnh báo về tình trạng lừa đảo thương mại, bài về đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Châu Phi, Ấn Độ.

Phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ, Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập, Ả-rập Xê-út cập nhật, tái bản sách về các thị trường này trong năm 2011, thiết thực phục vụ cho các hoạt động hội thảo mà Vụ chủ trì, tham gia và Hội nghị Tham tán Thương mại. Phối hợp với Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) biên soạn và xuất bản sách song ngữ Việt-Pháp giới thiệu tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với các nước thuộc Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA) và Cộng đồng Kinh tế, Tiền tệ Trung Phi (CEMAC).

Về công tác nghiên cứu khoa học: Hoàn thành đề tài khoa học cấp bộ năm 2011 mang tên “Nghiên cứu thị trường, chính sách đối với hàng hoá nhập khẩu của khu vực Tây Phi nhằm đưa ra giải pháp xâm nhập thị trường”.



tải về 0.97 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương