VỤ thị trưỜng châu phi – TÂY Á – nam á TÀi liệu cơ BẢn nưỚc cộng hòa hồi giáo ap-gha-ni-xtan



tải về 79.62 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu06.11.2017
Kích79.62 Kb.
#34146
BỘ CÔNG THƯƠNG

VỤ THỊ TRƯỜNG CHÂU PHI – TÂY Á – NAM Á
TÀI LIỆU CƠ BẢN

NƯỚC CỘNG HÒA HỒI GIÁO AP-GHA-NI-XTAN




A.THÔNG TIN VỀ AP-GHA-NI-XTAN
I. Khái quát

  • Tên nước : Cộng hòa Hồi giáo Ap-gha-ni-xtan

  • Thủ đô :  Ka-bun

  • Địa lý : Ap-gha-ni-xtan thuộc khu vực Nam Á, phía Tây bắc giáp với Pa-ki-xtan, phía Đông giáp với I-ran. Ap-gha-ni-xtan là đất nước không có đường bờ biển, nhiều đồi núi và nằm sâu trong đất liền.

  • Diện tích : hơn 652.230 km2 (2013)

  • Dân số : hơn 31,1 triệu người (2013), gồm các dân tộc Pushtun (42%), Tajik (27%), Hazara (9%), Uzbek (9%), Aimak (4%), Turkmen (3%), Baloch (2%) và một số dân tộc khác.

  • Khí hậu: do là quốc gia có nhiều đồi núi nên khí hậu thường khô và rất lạnh vào mùa đông. Chỉ có những vùng thấp, khí hậu có mưa nhiều và ẩm ướt. Nhiệt độ chệnh lệch giữa ngày và đêm lớn.

  • Năm độc lập : 19/8/1919

  • Tôn giáo : Hơn 99% người dân Áp-gha-nix-tan là người Hồi giáo, trong đó 80% thuộc hệ phái Sunni và 19% thuộc hệ phái Shia.

  • Ngôn ngữ : Tiếng Ba Tư (hay còn gọi là Dari) chiếm 50% và Pashto chiếm 35% là các ngôn ngữ chính thức của quốc gia. Cả hai đều là các ngôn ngữ Indo-European từ tiểu hệ ngôn ngữ Iran. Tiếng Hazaragi của cộng đồng thiểu số Hazara là một thổ ngữ của tiếng Ba Tư. Số người thạo nhiều ngôn ngữ rất đông.

  • Đơn vị tiền tệ : Afghanis (AFA)

II. Lịch sử:

Ahmad Shah Durrani đã xây dựng Bộ tộc Pashtun và thành lập nước Cộng hòa Hồi giáo Ap-gha-ni-xtan vào năm 1747. Sau đó, Ap-gha-ni-xtan bị Anh và Nga chiếm đóng. Đến năm năm 1919, Ap-gha-ni-xtan đã giành được độc lập từ Anh.

Nội chiến diễn ra khắp nơi Ap-gha-ni-xtan và chỉ đến năm 1996, đội quân Taliban mới thống nhất đất nước dưới sự ủng hộ từ phía Pa-ki-xtan.

Ngày 11/9/2001, cuộc tấn công khủng bố trên không vào nước Mỹ do quân đội Taliban – mà người đứng đầu là Osama Bin Laden - đã khiến cho cả thế giới rung động. Hành động này bị lên án mạnh mẽ. Ngay sau đó, Mỹ đã đưa quân đội vào Ap-gha-ni-xtan và lật đổ chính quyền Taliban.

Cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên kể từ khi chính quyền Taliban bị lật đổ được tiến hành vào năm 2004. Tháng 12/2004, Hamid Karzai đã được bầu là Tổng thống dân chủ đầu tiên tại nước này và một Quốc hội dân chủ cũng ra đời từ đây. Năm 2009, ông Karzai đã tái đắc cử sau 5 năm cầm quyền. Tuy nhiên, nhiều làn sóng biểu tình, khủng bố của tàn quân Taliban đòi xây dựng một chính quyền trung lập ổn định đã đưa đất nước này rơi vào tình trạng bất ổn triền miên. Các cuộc đụng độ giữa dân thường, cảnh sát và tàn quân Taliban xảy ra ở khắp mọi nơi nhưng tập trung chủ yếu là ở vùng Đông Nam của Ap-gha-ni-xtan. Hiện nay, tình hình an ninh, chính trị vẫn diễn ra trong tình trạng bất ổn.

III. Chính trị:

Thể chế cộng hòa Hồi giáo. Hệ thống chính trị của Áp-gha-nix-tan phân chia rõ ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tổng thống là người đứng đầu quốc gia. Quốc hội là cơ quan lập pháp, theo lưỡng viện gồm Viện Dân cử (Hạ viện) và Viện Trưởng lão (Thượng viện). Viện Trưởng lão (gồm 102 ghế, 2/3 thành viên từ các hội đồng địa phương có nhiệm kỳ 4 năm, và 1/3 thành viên được Tổng thống chỉ định có nhiệm kỳ 5 năm). Viện Dân cử (không quá 250 ghế, thành viên được cử tri bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm). Bầu cử gần đây nhất vào ngày 18 tháng 9 năm 2010, lần tới vào năm 2015.

Tổng thống hiện thời Hamid Karzai được bầu tháng 10 năm 2004. Quốc hội hiện tại được bầu năm 2005. Trong số những đại biểu có cả các cựu thành viên Mujahadeen, Taliban, cộng sản, những người cải cách, và những người theo trào lưu chính thống Hồi giáo. 28% đại biểu là phụ nữ, lớn hơn 3% so với con số 25% tối thiểu do hiến pháp quy định. Điều này khiến Áp-gha-nix-tan, một nước từ lâu đã nổi tiếng về sự đàn áp phụ nữ thời Taliban, trở thành một trong những nước đứng đầu về số đại biểu nữ giới.

Nội các gồm 25 bộ trưởng do Tổng thống chỉ định và Quốc hội thông qua.



IV. Chính sách đối ngoại:

Áp-gha-nix-tan là thành viên của Liên hiệp quốc từ năm 1946 và hiện duy trì mối quan hệ tốt với Mỹ và các nước thành viên NATO. Ngoài ra, Ấn Độ là nhà tài trợ lớn nhất trong khu vực cho nước này. Từ năm 2002, Ấn Độ đã cung cấp 2 tỷ USD hỗ trợ kinh tế cho Áp-gha-nix-tan và đã tham gia vào những nỗ lực tái thiết kinh tế-xã hội, gồm có năng lượng, đường giao thông, các dự án nông nghiệp và giáo dục. Ấn Độ cũng có quan hệ khăng khít về quân sự với Áp-gha-nix-tan, mong muốn tăng cường sau hiệp ước chiến lược tháng 10 năm 2011 ký giữa Tổng thống Karzai và Thủ tướng Manmohan Singh.

Áp-gha-nix-tan trước đây luôn phụ thuộc vào quan hệ thương mại với Pa-kít-xtan để xuất và nhập khẩu nhưng đã thay đổi trong thập kỷ qua với việc mở tuyến Trung Á và Iran. Ngược lại, Pa-kít-xtan phụ thuộc vào nguồn nước từ Áp-gha-nix-tan và coi nước này như là một tuyến thương mại duy nhất tới các thị trường Trung Á.

Áp-gha-nix-tan cũng là thành viên đầy đủ của Tổ chức hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) và Tổ chức hợp tác kinh tế (ECO), các tổ chức khu vực, cũng như Tổ chức hội nghị Hồi giáo.



V. Tổng quan kinh tế Ap-gha-ni-xtan.

Áp-gha-nix-tan là một trong những nước nghèo và kém phát triển nhất thế giới. Hai phần ba dân số nước này sống với chưa đến 2 USD một ngày. Nền kinh tế nhiều năm qua đã phải chịu rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ tình trạng bất ổn chính trị và quân sự từ cuộc chiến tranh với Liên Xô năm 1979 và những cuộc xung đột tiếp sau đó, ngoài ra tình trạng hạn hán nặng nề cũng gây rất nhiều khó khăn cho đất nước này.

Sau nhiều thập kỷ xung đột, kinh tế Áp-gha-nix-tan đang dần hồi phục, nhất là sau sự sụp đổ của lực lượng phiến quân Taliban năm 2001. Với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, khu vực nông nghiệp và dịch vụ đang có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế Áp-gha-nix-tan vẫn phụ thuộc chủ yếu vào viện trợ nước ngoài, hoạt động ngoại thương chủ yếu diễn ra với các quốc gia láng giềng. Tại ba Hội nghị các nhà tài trợ cho Áp-gha-nix-tan kể từ năm 2002, Áp-gha-nix-tan đã nhận được cam kết tài trợ lên đến 57 tỷ USD. Tuy vậy, những vấn đề chính mà chính phủ đang phải đối mặt là tình trạng an ninh bất ổn, phần lớn dân số sống trong nghèo khổ, nguồn thu của chính phủ rất hạn chế, thất nghiệp triền miên, tỷ lệ tham nhũng rất cao, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, năng lực quản lí điều hành của chính phủ yếu kém.

Áp-gha-nix-tan sở hữu nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản quan trọng, có giá trị trên thị trường thế giới. Nước này có tới 36 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên, 3,6 tỷ barrel dầu mỏ và 1.325 triệu barrel khí gas hóa lỏng. Điều này có thể đánh dấu bước ngoặt trong những nỗ lực tái thiết Áp-gha-nix-tan. Xuất khẩu dầu mỏ có thể mang lại nguồn thu lớn cho Áp-gha-nix-tan để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế đất nước. Ngoài ra, còn có khá nhiều nguồn tài nguyên vàng, đồng, than, quặng sắt và các khoáng sản giàu khác. Tháng 12 năm 2011, Ápganixtan đã ký một hợp đồng khai thác dầu khí với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) để phát triển 3 mỏ dầu dọc sông Amu Darya. Ápganixtan sẽ có nhà máy lọc dầu đầu tiên trong vòng 3 năm tới, bổ sung cho ngành dầu khí và khí đốt, tăng thêm thu nhập cho quốc gia.

GDP năm 2012/13 của Áp-gha-nix-tan đạt khoảng 19 tỷ USD, với GDP bình quân đầu người đạt khoảng 779 USD/người. GDP bình quân đầu người đã tăng nhanh từ chỉ khoảng 207 USD/người vào thời kỳ đầu của Chính phủ chuyển tiếp của Áp-gha-nix-tan lên gần 779 USD/người vào năm tài khóa này. Tỷ lệ tăng trưởng GDP qua 3 năm tài khóa 2010/11, 2011/12 và 2012/13 đạt tương ứng là 3,2%, 8,7% và 10,9%.

Ngành nông nghiệp vẫn đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế Áp-gha-nix-tan. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp là sinh kế chính của đa số người dân nước này, với 55% tổng số hộ gia đình tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Hầu hết nguồn thu nhập của các hộ là từ nông nghiệp. Một phần chủ yếu của ngành này là sản xuất ngũ cốc, đặc biệt là lúa mỳ, ngoài ra còn có các loại ngũ cốc khác chủ yếu phục vụ nhu cầu lương thực trong nước. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2012/13 ước đạt 4,8 tỷ USD, chiếm khoảng 25% GDP.

Ngành công nghiệp Áp-gha-nix-tan chủ yếu bao gồm sản xuất hàng dệt may, xà phòng, đồ nội thất, giày dép, phân bón, đồ thủ công, lương thực,… Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2012/13 đạt 3,9 tỷ USD, đóng góp 20,5% trong GDP. Ngành công nghiệp nước này so với năm ngoái đã tăng 7,8%, nhờ các ngành chế tạo kim loại thường, khoáng sản, trừ xăng dầu và than đá, lương thực, đồ uống và thuốc lá. Kim loại thường có mức tăng cao nhất (gấp 7,6 lần) nhờ việc thành lập mới một nhà máy luyện kim.

Ngành dịch vụ trong những năm gần đây tiếp tục có mức tăng đáng khích lệ. Giá trị của ngành này đạt 9,6 tỷ USD)với mức tăng mạnh 16%, và đóng góp 50,29% vào GDP. Ngành giao thông vận tải và bưu chính viễn thông đã đóng góp 22,3% vào GDP trong đó riêng ngành giao thông vận tải chiếm 18%.



B. QUAN HỆ VIỆT NAM - AP-GHA-NI-XTAN

I. Quan hệ chính trị ngoại giao:

Việt Nam và Áp-gha-nit-xtan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 16 tháng 9 năm 1974. Tháng 11 năm 1978, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Ca-bun; đến tháng 6 năm 1992, Việt Nam đóng cửa Đại sứ quán do khó khăn về kinh tế và nội chiến tại Áp-gha-nit-xtan. Tháng 8 năm 1993, Áp-gha-nit-xtan đóng cửa Đại sứ quán tại Việt Nam.

Việt Nam công nhận Chính phủ do Tổng thống Hamid Karzai đứng đầu và đã viện trợ nhân đạo 300.000 USD cho Áp-gha-nit-xtan thông qua tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đầu năm 2002. Việt Nam cũng đã tham dự Hội nghị Tokyo vể tái thiết Áp-gha-nit-xtan (2001) và một số Hội nghị khác về Áp-gha-nit-xtan. Ta đã cam kết tổ chức một Chương trình đào tạo ngắn hạn cho các quan chức Chính phủ Áp-gha-nit-xtan.

II. Quan hệ kinh tế- thương mại giữa Việt Nam và Áp-gha-nit-xtan những năm gần đây:

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Áp-gha-nit-xtan trong vòng 5 năm trở lại đây không có nhiều trao đổi. Do những căng thẳng về tình hình chính trị và xung đột ở đất nước này nên quan hệ thương mại song phương đôi lúc đã bị gián đoạn. Từ năm 2010 đến nay, hai nước không có quan hệ ngoại thương trực tiếp, một số mặt hàng chè được chuyển khẩu qua Pa-kít-xtan để xuất khẩu sang đây.



Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Áp-gha-nit-xtan là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như sản phẩm dệt may, chè, cà phê, sợi các loại, giày dép các loại, sản phẩm gốm sứ, gỗ & sản phẩm gỗ. Việt Nam nhập khẩu từ Áp-gha-nit-xtan các loại hàng hóa nguyên phụ liệu phục vụ các ngành chế tạo như máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện, thép phế liệu, chất dẻo nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may, da & giày, bông các loại,…

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Áp-gha-nit-xtan (2008-2009)

Đơn vị: nghìn USD

Năm

Tổng kim ngạch

Xuất khẩu

Nhập khẩu

2008

6.651

4.362

2.289

2009

9.036

8.669

367

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Nguyễn Minh Phương

Hà nội, tháng 01 năm 2014
Каталог: uploads -> news -> file
file -> ĐẢng cộng sản việt nam
file -> BỘ CÔng thưƠng vụ thị trưỜng châu phi – TÂY Á – nam á
file -> Danh sách doanh nghiệp xnk sản phẩm Giày dép, da, phụ kiện ở Braxin Mã số thuế (cnpj)
file -> Danh sách một số doanh nghiệp xnk dược phẩm – y tế Braxin (07/07/009)
file -> Giới thiệu thị trường algeria vụ châu phi – TÂY Á – nam á BỘ CÔng thưƠng mục lụC
file -> Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á TÀi liệu cơ BẢn cộng hoà djibouti
file -> TÀi liệu tóm tắt cộng hòa djibouti
file -> Danh sách một số doanh nghiệp xnk săm lốp ôtô, xe, máy Braxin ( 02/06/2009)
file -> Một số triển lãm chuyên ngành lớn nhất tại Nam Phi đã có lịch tổ chức trong năm 2009

tải về 79.62 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương