TẠp chí khoa họC, trưỜng đẠi học hồng đỨc số 10. 2012


Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả rèn luyện KNTT trong sinh hoạt học thuật của SV năm thứ 2 ngành TLH- QTNS



tải về 2.69 Mb.
trang11/16
Chuyển đổi dữ liệu26.03.2018
Kích2.69 Mb.
#36665
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16
3.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả rèn luyện KNTT trong sinh hoạt học thuật của SV năm thứ 2 ngành TLH- QTNS

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả KNTT trong sinh hoạt học thuật của SV năm thứ 2 ngành TLH- QTNS. Qua nghiên cứu chúng tôi thấy có một số yếu tố sau:



3.3.1. Các yếu tố chủ quan

Chúng tôi tiến hành điều tra SV để tìm hiểu các yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến kết quả KNTT của SV và thu được bảng 6.



Bảng 6. Các yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến KNTT trong sinh hoạt học thuật của SV năm thứ 2 ngành TLH- QTNS

TT

SL

Yếu tố chủ quan



SL

%

TB

1

Chưa nhận thức được vài trò, tác dụng của hoạt động thuyết trình trong cuộc sống và nghề nghiệp

15

15,30

5

2

Thiếu tự tin khi đứng trước đông người

83

84,70

2

3

Khó khăn khi sử dụng ngôn từ (sử dụng từ, cách phát âm…)

91

92,86

1

4

Chưa chuẩn bị đầy đủ nội dung thuyết trình

60

61,22

3

5

Chưa có phương pháp tiến hành thuyết trình hiệu quả

48

49,00

4




Tổng cộng

297







Ở bảng 6 ta thấy có nhiều yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến KNTT trong sinh hoạt học thuật của SV năm thứ 2 ngành TLH- QTNS, tuy nhiên mỗi yếu tố ảnh hưởng ở mức độ khác nhau, trong đó: Yếu tố chủ quan cản trở lớn nhất tới kết quả KNTT của SV là: Khó khăn khi sử dụng ngôn từ (sử dụng từ, cách phát âm…) có 91 ý kiến đánh giá chiếm 92,86%- xếp TB 1. Để khắc phục tình trạng này, bản thân mỗi SVphải chủ động tích cực rèn luyện tiếng nói chuẩn phổ thông để mang lại hiệu quả cao cho hoạt động thuyết trình. Còn yếu tố ảnh hưởng ít nhất đến KNTT của SV là: Chưa nhận thức được vài trò, tác dụng của hoạt động thuyết trình trong cuộc sống và nghề nghiệp: Có 15/ 98 SV chiếm 15,30% lựa chọn- xếp TB 5.

3.3.2. Các yếu tố khách quan

Các yếu tố khách quan có ảnh hưởng nhất định đến kết quả KNTT trong sinh hoạt học thuật của SV năm thứ 2 ngành TLH- QTNS.



Bảng 7. Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến kết quả KNTT trong sinh hoạt học thuật của SV năm thứ 2 ngành TLH- QTNS

TT

SL

Yếu tố khách quan



SL

%

TB

1

Chưa có nhiều điều kiện, cơ hội để thuyết trình

30

30,01

3

2

Phương tiện, thiết bị hỗ trợ trình bày còn hạn chế

34

34,69

2

3

Chưa được hướng dẫn rèn luyện về KNTT

28

28,57

4

4

Ảnh hưởng của môi trường ( ánh sáng, nhiệt độ, tiếng ồn, màu sắc…)

39

39,80

1

5

Thái độ, mục đích, khả năng tiếp nhận thông tin của đối tượng

27

27,55

5




Tổng cộng

158







Nhìn vào bảng 6 chúng ta thấy, yếu tố khách quan cản trở lớn nhất đến kết quả kết quả KNTT trong sinh hoạt học thuật của SV năm thứ 2 ngành TLH- QTNS là: Ảnh hưởng của môi trường (ánh sáng, nhiệt độ, tiếng ồn, màu sắc…) có 39 lựa chọn chiếm 39,80%. Như vậy, để hoạt động thuyết trình diến ra có hiệu quả thì ngoài việc bản thân SV phải chuẩn bị tâm thế, làm chủ được cảm xúc của mình thì khoa và nhà cần có sự quan tâm, chú trọng nhiều hơn nữa đến việc rèn luyện một cách có hệ thống KNTT cho SV nhằm giảm tối đa những tác động khách quan ảnh hưởng tới kết quả KNTT. Đó là điều kiện quan trọng để SV dễ dàng thành công trong hoạt động thuyết trình.

Các yếu tố khách quan còn lại: Chưa có nhiều điều kiện, cơ hội để thuyết trình; Phương tiện, thiết bị hỗ trợ trình bày còn hạn chế; Chưa được hướng dẫn rèn luyện về KNTT; Thái độ, mục đích, khả năng tiếp nhận thông tin của đối tượng có độ lệch không cao bởi vì: SV năm thứ 2 ngành TLH- QTNS được học theo phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, vì vậy các bạn có nhiều điều kiện để thuyết trình trong các giờ thảo luận, giảng viên cũng đã hướng dẫn SV khi trình bày một bài thảo luận như thế nào cho để đạt hiệu quả... Đối tượng trong các buổi sinh hoạt học thuật chủ yếu là SV, giảng viên. Chính vì vậy các yếu tố khách quan này có độ lệch không cao và được đa số SV đánh giá là ít ảnh hưởng tới kết quả KNTT của mình.

4. KẾT LUẬN

Nghiên cứu thực trạng KNTT trong sinh hoạt học thuật của sinh viên năm thứ hai ngành Tâm lý học- Quản trị nhân sự trường Đại học Hồng Đức cho thấy: KNTT trong sinh hoạt học thuật của SV năm thứ 2 ngành TLH- QTNS ở mức độ trung bình. Trong 3 nhóm KN thành phần của KNTT thì nhóm KN giao tiếp trong thuyết trình và nhóm KN thực hiện nội dung thuyết trình đạt mức độ trung bình, nhóm KN lập kế hoạch đạt mức thấp.

Có nhiều yếu tố chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến KNTT trong sinh hoạt học thuật của sinh viên năm thứ hai ngành Tâm lý học- Quản trị nhân sự trường Đại học Hồng Đức. Trong đó các yếu tố chủ quan ảnh hưởng nhiều hơn các yếu tố khách quan. Yếu tố chủ quan ảnh hưởng nhiều nhất là: Khó khăn khi sử dụng ngôn từ (sử dụng từ, cách phát âm…) còn yếu tố khách quan ảnh hưởng nhiều nhất đến KNTT trong sinh hoạt học thuật của SV năm thứ 2 ngành TLH- QTNS là: Ảnh hưởng của môi trường (ánh sáng, nhiệt độ, tiếng ồn, màu sắc…).

Việc hướng dẫn cho sinh viên biết phát âm đúng tiếng phổ thông, biết lựa chọn từ ngữ hợp lý, đắt.. và thường xuyên tổ chức các buổi luyện tập thuyết trình cho sinh viên sẽ góp phần nâng cao KNTT trong sinh hoạt học thuật của sinh viên năm thứ hai ngành Tâm lý học- Quản trị nhân sự trường Đại học Hồng Đức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Clough Barry. Nghệ thuật nói trước công chúng - Phương pháp nói chuyện hiệu quả, NXB. Hồng Đức, 2008.

[2] Dale Carnegie. Thuật hùng biện - Tăng khả năng nói trước đám đông, NXB. Hồng Đức, 2008.

[3] Dale Carnegie. Phát triển lòng tự tin và tạo ảnh hưởng bằng diễn thuyết, NXB. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2009.

[4] Hồ Thị Dung. Thuyết trình - một kỹ năng quan trọng của những người làm công tác quản lý. Tài liệu hội thảo khoa học: Các biện pháp rèn luyện kỹ năng QTNS cho sinh viên ngành TLH - QTNS trường đại học Hồng Đức Thanh Hoá, Bộ môn TL- GD, 12/ 2009.

[5] Đổng Quân. Bí quyết để thành công trong hùng biện, đàm phán và thuyết trình, NXB. Thời Đại, 2009.

[6] Nguyễn Khắc Viện, Từ điển Tâm lý, Trung tâm N.T, NXB. Ngoại văn, 1991.
STUDY OF THE PRESENTATIONNAL SKILLIN THE ACADEMIC ACTIVITIES OF THE SECOND YEAR STUDENTS OF PSYCHOLOGY- PERSONNAL ADMINISTRATION

ABSTRACT


Skill is the condition for the succcess of an individual in every activity. One of the most important skills which greatly affects the success of an individual and his/her group is the presentational skill. As for the students, presentation is an indispensable activity in studying and training. This skill is particularly necessary when they present their research papers, thesis, reports, speeches, discussions.. inside or outside class. After graduating, the presentational skill will help the students feel more confident and get more success in their lives and work. From these reason, we decided to choose and carry out a reseach on “The presentationnal skill in the academic activityes of the second of Psychology- personel Administration” in order to study th real situation of the presentational skill among the second year students of Psychology- personel Administration and the factor affecting their presentational skills and thence, provide suggestions and petitions to enchance the effect of the students’presentational skill in particular and occupational skills as a whole.

ỨNG DỤNG MÔ HÌNH THỰC HÀNH THEO DỰ ÁN TRONG ĐÀO TẠO CHUYÊN NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC

Phan Như Đại1, Hoàng Thanh Hải2

TÓM TẮT


Từ phân tích những ưu điểm, hạn chế của các mô hình thực hành Công tác xã hội trên thế giới. Bài viết đưa ra những thuận lợi, khó khăn trong đào tạo thực hành ngành Công tác xã hội. Từ đó, đưa ra cách thức, quy trình ứng dụng mô hình thực hành theo dự án trong đào tạo chuyên ngành CTXH ở trường Đại học Hồng Đức.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Công tác xã hội là một ngành khoa học ứng dụng. Vì vậy, đào tạo CTXH chủ yếu là đào tạo tay nghề chứ không chỉ lý thuyết hàn lâm. Do đó, chư­ơng trình đào tạo CTXH bao gồm cả lý thuyết và thực hành. Ng­ười học CTXH ngoài việc học lý thuyết trên lớp, phải thực hành để rèn luyện các kỹ năng làm việc với cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng. Trong ch­ương trình đào tạo của các tr­ường CTXH trên thế giới, thời l­ượng thực hành cho hệ cử nhân không d­ưới 450 giờ, cho đào tạo thạc sỹ trên d­ưới 900 giờ. Chẳng hạn, tại trường Đại học Regina Canada sinh viên CTXH hệ cử nhân phải thực hành 700 giờ tư­ơng đ­ương với 20 tuần. Thời gian giành cho thực hành chiếm 35% toàn thời gian của các môn chuyên nghiệp.

Trong chương trình đào tạo ngành Xã hội học (CTXH) tại trường Đại học Hồng Đức, ngoài thời gian học lý thuyết sinh viên phải học thực hành 5 tín chỉ cho học phần CTXH với cá nhân và Nhóm; 5 tín chỉ cho thực hành học phần Tổ chức và Phát triển Cộng đồng và 8 tín chỉ thực tập. Các cơ sở để sinh viên thực hành bao gồm: trường học (từ cấp I đến cấp III); các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng; các phường, xã. Vì vậy, phải áp dụng một trong những mô hình thực hành cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của hiện tại của Nhà trường.

2. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Mục tiêu nghiên cứu

- Đưa ra quy trình ứng dụng mô hình thực hành theo dự án.

- Đưa ra các giải pháp để biến đổi ý tưởng ứng dụng mô hình thực hành theo dự án ở Khoa KHXH trường Đại học Hồng Đức.

2.2. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

2.2.1. Đối tượng nghiên cứu

- Ứng dụng mô hình thực hành theo dự án trong đào đạo chuyên ngành CTXH.



2.2.2. Phạm vi nghiên cứu 

- Nghiên cứu các ưu điểm và nhược điểm của các mô hình thực hành và vận dụng mô hình thực hành theo dự án trong đào đạo chuyên ngành Công tác xã hội ở trường Đại học Hồng Đức.



2.3. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp nghiên cứu tài liệu: nghiên cứu lý thuyết các mô hình thực hành Công tác xã hội và rút ra mặt ưu và nhược điểm của những mô hình này.

- Phương pháp lượng giá: Lượng giá kết quả thực hành của sinh viên lớp K1 (A+B) Xã hội học.

- Phương pháp phỏng vấn nhóm: Phỏng vấn nhóm sinh viên lớp K1 A đã đi thực hành mô hình theo dự án tại Xã Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Khái quát các mô hình thực hành Công tác xã hội

Hiện nay trên thế giới, các trường đại học đào tạo ngành CTXH đã ứng dụng nhiều mô hình thực hành khác nhau. Mỗi mô hình đều có thế mạnh và nhược điểm của nó. Sau đây, chúng tôi xin tóm tắt một số mô hình đang được ứng dụng phổ biến tại nhiều trường đại học trên thế giới.



3.1.1. Mô hình tập trung

Mô hình này sẽ được triển khai theo từng nhóm, từng đoàn sinh viên cùng một khóa, cùng thời điểm và địa bàn (xã/phường, cơ sở xã hội) giống nhau. Giáo viên đóng vai trò là người liên hệ và lựa chọn địa bàn, hướng dẫn trực tiếp cho từng nhóm sinh viên. Do đó, mỗi nhóm sinh viên phải thiết lập được mô hình làm việc theo kế hoạch được lên sẵn, có sự thống nhất giữa giáo viên và sinh viên. Với mô hình này, sinh viên có cơ hội được làm việc cùng nhau, cùng kết hợp để nhận biết và giải quyết một vấn đề tại cơ sở thực tập theo yêu cầu của giáo viên hướng dẫn.



- Ưu điểm:

+ Tạo ra được sự đoàn kết, hợp tác trong sinh viên khi cùng thực hành chung một chủ đề tại cơ sở thực hành/thực tập.

+ Giáo viên dễ dàng giám sát, theo dõi từng nhóm sinh viên và kịp thời trợ giúp sinh viên trong khi gặp khó khăn khi đi thực hành.

+ Sinh viên cùng có cơ hội được theo dõi, giám sát chéo nhau để hoàn thành tốt công việc.



- Nhược điểm:

+ Việc tổ chức cần nhiều thời gian và kinh phí thì mới đạt được kết quả tốt.

+ Dễ nảy sinh hiện tượng lây lan tâm lý khi 1 nhóm sinh viên nào đó có vấn đề

+ Giảng viên phải thường xuyên ở địa bàn thực hành để trợ giúp sinh viên.



3.1.2. Mô hình tự lựa chọn địa bàn

Mô hình này được áp dụng khi số lượng sinh viên thực hành cùng một khóa học quá nhiều, trong khi giáo viên lại ít. Vì vậy, giáo viên không thể đáp ứng được nhu cầu cần được hướng dẫn của sinh viên. Việc sinh viên tự tổ chức thành các nhóm học tập, tự bàn bạc, tìm kiếm và quyết định lựa chọn địa bàn thực hành phù hợp với điều kiện của sinh viên và đạt hiệu quả nhất.



- Ưu điểm:

+ Sinh viên sẽ phát huy được tính tích cực chủ động, sáng tạo khi chọn địa bàn thực hành phù hợp với khả năng, và điều kiện của mình.

+ Giảng viên hướng dẫn không mất nhiều thời gian ở địa bàn thực hành cùng với sinh viên.

+ Sinh viên sẽ thiết lập được các mối quan hệ tốt đẹp tại địa bàn thực hành để giúp sinh viên có cơ hội kiếm được một công việc phù hợp khi ra trường.



- Nhược điểm:

+ Sinh viên thường làm việc độc lập, gặp khó khăn khó có cơ hội được chia sẻ với giáo viên hướng dẫn và bạn cùng nhóm, nên kết quả thực hành thường không đạt được mục tiêu đề ra.

+ Việc kiểm tra, giám sát và hướng dẫn của giảng viên đôi khi không kịp thời, không sâu sát.

3.1.3. Mô hình thực hành linh hoạt

Đây là mô hình nhóm sinh viên hoặc cá nhân có thể tự tìm kiếm địa điểm thực hành, tự sắp xếp thời gian thực hành sau khi được phép của giáo viên hướng dẫn.



- Ưu điểm:

+ Phát huy tính tích cực, tự nguyên tự giác sáng tạo

+ Không bị gây sức ép về thời gian

+ Sinh viên chủ động, có kế hoạch phù hợp với từng nhóm



- Nhược điểm

+ Địa bàn thực hành của SV rộng gây khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của sinh viên

+ Nếu sinh viên không quyết tâm dễ chán nản bỏ cuộc hoặc kéo dài thời gian

3.2. Ứng dụng mô hình thực hành theo dự án cho sinh viên học chuyên ngành CTXH (cụ thể là môn học thực hành Phát triển Cộng Đồng) tại trường Đại học Hồng Đức

3.2.1. Khái quát về môn học thực hành Tổ chức và phát triển cộng đồng

Thực hành Tổ chức và phát triển cộng đồng là một trong những môn học bắt buộc đối với sinh viên chuyên ngành CTXH ngành Xã hội học tại trường Đại học Hồng Đức. Môn học nhằm giúp sinh viên liên hệ lý thuyết phát triển cộng đồng với thực tế và từ thực tiễn giúp sinh viên hiểu rõ hơn, sâu hơn những lý thuyết phát triển cộng đồng đã được học. Ngoài ra, đây là cơ hội để sinh viên rèn luyện những kỹ năng chuyên môn về phát triển cộng đồng (kỹ năng làm việc với cộng đồng, xây dựng hồ sơ cộng đồng, nhận diện nhu cầu, tổ chức cộng đồng, truyền thông giao tiếp, huấn luyện cộng đồng,…. )

Theo Th.S Nguyễn Thị Oanh  “PTCĐ là một tiến trình làm chuyển biến cộng đồng nghèo, thiếu tự tin thành cộng đồng tự lực thông qua việc giáo dục gây nhận thức về tình hình, vấn đề hiện tại của họ, phát huy các khả năng và tài nguyên sẵn có, tổ chức các hoạt động tự giúp, bồi dưỡng và củng cố tổ chức, tiến tới tự lực, phát triển”. {trích tr.21, giáo trình Phát triển Cộng đồng, Nguyễn Thị Oanh chủ biên, NXB. ĐH QG. TPHCM}  

Thực hành phát triển cộng đồng chính là ứng dụng phương thức công tác xã hội để làm việc với cộng đồng. Với các giá trị:  1/ An sinh cho tất cả mọi người; 2/ Công bằng xã hội; và 3/ Tinh thần trách nhiệm, phát triển cộng đồng nhằm đạt được: 

- Sự tham gia tối đa, bình đẳng của người dân vào suốt tiến trình thay đổi, phát triển của cộng đồng.

- Các thiết chế được củng cố cho việc chuyển biến xã hội.

- Cả điều kiện vật chất lẫn tinh thần của người dân, của cộng đồng được cải thiện.

Để giúp sinh viên học thực hành đạt kết quả tốt, trong chương trình đào tạo ngành Xã hội học (chuyên ngành CTXH) tại trường Đại học Hồng Đức, thời gian học thực hành của môn học Tổ chức và phát triển cộng đồng là 5 tín chỉ, tương đương với 75 giờ học thực hành tại cơ sở. Tại cơ sở, sinh viên phải ứng dụng một trong các mô hình thực hành phù hợp và hiệu quả nhất mà giáo viên hướng dẫn đưa ra.

Tuy nhiên, hiện nay việc đưa sinh viên đi thực hành còn gặp nhiều khó khăn, thứ nhất là chưa có một tài liệu, giáo trình chuẩn về nội dung và phương pháp cho môn học này. Thứ hai là chưa có nhiều cơ sở thực hành nơi mà có các dự án đang triển khai để cho sinh viên thực hành. Thứ ba là, đội ngũ kiểm huấn viên và giáo viên hướng dẫn còn thiếu về số lượng và thiếu về kinh nghiệm chuyên môn.

Từ thực tế nêu trên, thiết nghĩ rằng việc ứng dụng mô hình thực hành theo dự án cho môn học thực hành phát triển cộng đồng là một giải pháp tốt nhất cho sinh viên chuyên ngành Công tác xã hội tại trường Đại học Hồng Đức.

Vậy, câu hỏi đặt ra là mô hình thực hành theo dự án có những ưu nhược điểm gì? Tiến trình tổ chức cho sinh viên thực hành như thế nào? Để làm rõ những vấn đề này, sau đây chúng tôi xin trình bày như sau:

3.2.2. Ứng dụng mô hình thực hành theo dự án cho sinh viên học thực hành môn học Tổ chức và phát triển cộng đồng

Mô hình thực hành theo dự án được áp dụng khi nhà trường hoặc giáo viên hướng dẫn có sự hợp tác với một số tổ chức phi chính phủ đã tạo điều kiện cho một số sinh viên được tham gia các hoạt động của dự án đang được triển khai ở địa phương. Sinh viên có cơ hội được xuống địa bàn dự án tìm hiểu về nội dung, các hoạt động của dự án đang triển khai tại địa phương. Từ đó, sinh viên sẽ có cơ hội được giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm và kiến thức từ các nhân viên dự án đã chia sẻ.



- Ưu điểm

+ Sinh viên có cơ hội được hướng dẫn, chỉ bảo chu đáo của cán bộ dự án khi tham gia các hoạt động của dự án.

+ Sinh viên được trải nghiệm thực sự, phong phú thông qua việc tham gia các hoạt động của dự án.

- Nhược điểm:

+ Số lượng sinh viên hạn chế

+ Sinh viên chỉ được tham gia một số hoạt động nhỏ trong dự án nên không thể có cơ hội được thực hành cả quá trình dự án.

- Cách thức triển khai mô hình thực hành theo dự án:

Thông thường mô hình thực hành theo dự án được triển khai theo 4 giai đoạn như sau:



Thứ nhất, giáo viên hướng dẫn sẽ cùng với sinh viên liên lạc với cơ quan, tổ chức nơi đang có dự án triển khai tại một cộng đồng.

Hiện nay, việc liên hệ với các tổ chức phi chính phủ cũng không có nhiều khó khăn. Hiện tại Thanh Hóa có trên 10 tổ chức phi chính phủ đang triển khai các dự án phát triển tại nhiều huyện, thị xã của tỉnh Thanh Hóa, tiêu biểu như tổ chức Care, World Vision, Plan, Bánh mì thế giới, CRS, Unicef, World Bank…Đây là những tổ chức phi chính phủ có kinh nghiệm hoạt động lâu năm, kinh phí lớn. Do đó, việc tiếp nhận sinh viên xuống địa bàn dự án thực tập thông qua việc tham gia những hoạt động của dự án là điều có thể thực hiện được. Trong gia đoạn này, giáo viên dựa trên các mối quan hệ để liên lạc với người quản lý dự án và chính quyền địa phương nơi dự án đang triển khai để nhận được sự đồng ý và giúp đỡ là tốt nhất.



Thứ hai, Giáo viên cùng với sinh viên xuống địa bàn thực hành dự án.

Trong giai đoạn này, giáo viên hướng dẫn cùng với sinh viên xuống địa bàn thực hành dự án để tiếp nhận nội dung công việc và nội dung dự án sẽ tham gia thực hành.



Hoạt động 1: Sinh viên xuống gặp chính quyền địa phương để thiết lập mối quan hệ tin cậy với chính quyền, ban ngành, cán bộ và người dân địa phương để có thể hội nhập vào cộng đồng nơi sinh viên thực hành. Trong giai đoạn này sinh viên sẽ

- Nghe chính quyền địa phương giới thiệu về địa bàn thực hành (kinh tế, chính trị, văn hóa – phong tục tập quán, xã hội, nguồn lực....).

- Chính quyền địa phương giới thiệu từng nhóm xuống các cộng đồng cụ thể (thôn, bản, làng...) để sinh viên tiếp nhận địa bàn thực hành.

- Chính quyền địa phương chia sẻ nội dung dự án đang triển khai tại địa phương. Và cán bộ dự án tại địa phương sẽ là người giám sát thực tế và hướng dẫn trực tiếp sinh viên thực hành.



Hoạt động 2: Sinh viên sẽ tìm hiểu nội dung, chương trình dự án đã và đang triển khai tại địa phương.

Sinh viên tìm hiểu trong cộng đồng hiện có những hoạt động, chương trình/dự án nào liên quan đến PTCĐ (như hoạt động tín dụng, xoá đói giảm nghèo, khuyến nông, chương trình 135, …)? Từ lý thuyết đã học sinh viên tham gia cùng với cán bộ dự án lên kế hoạch và thực hiện những hoạt động liên quan đến dự án, sinh viên cũng sẽ quan sát và đánh giá các hoạt động, dự án PTCĐ đó dưới cái nhìn của một tác viên phát triển cộng đồng (kết quả/tác động; mặt mạnh/mặt yếu; phương pháp thực hiện; lý giải nguyên nhân....).

Để thu được kết quả tốt khi tham gia vào các hoạt động của dự án, sinh viên phải lên kế hoạch chi tiết hằng ngày, hằng tuần phải làm gì? Làm như thế nào? Kết quả mong đợi sau khi tham gia một hoạt động đó là gì? Và kế hoạch này sẽ được chuyển cho giáo viên hướng dẫn và nhân viên của dự án để theo dõi và giám sát hỗ trợ sinh viên trong thời gian sinh viên thực hiện các hoạt động thực hành tại địa bàn dự án.

Sau mỗi ngày làm việc, nhóm sinh viên phải họp lượng giá để chia sẻ những kết quả đạt được của từng cá nhân cho thành viên trong nhóm. Nếu có gặp khó khăn gì, các thành viên trong nhóm sẽ trợ giúp lẫn nhau, trong trường hợp vấn đề khó khăn của cá nhân chia sẻ mà nhóm không giải quyết được, nhóm trưởng phải báo cáo lại cho cán bộ dự án tại địa phương hoặc giáo viên hướng dẫn cùng nhóm giải quyết.

Sau khi kết thúc mỗi tuần thực hành, sinh viên phải báo cáo kết quả thực hành trong tuần đó cho giáo viên hướng dẫn và cán bộ dự án được biết. Giáo viên hướng dẫn và cán bộ dự án sẽ đối chiếu với kế hoạch để xem xét sinh viên có thực hiện và đạt được những mục tiêu và kết quả mong đợi hay không? Sinh viên còn gặp những khó khăn nào trong khi tham gia thực hiện các hoạt động của dự án? Kinh nghiệm của sinh viên sau một tuần làm việc là gì?

Tóm lại, thông qua việc tham gia các hoạt động của dự án, sinh viên sẽ được trải nghiệm thực tế, học hỏi được nhiều kiến thức và kinh nghiệm từ người cán bộ dự án, người quản lý dự án, và từ chính quyền địa phương. Thậm chí sinh viên cũng sẽ học được nhiều bài học quý giá như cách tổ chức họp dân, phương pháp cho người dân tham gia tích cực từ chính những lãnh đạo nòng cốt từ địa phương.



Hoạt động 3: Sinh viên cùng với chính quyền địa phương, người dân và cán bộ dự án cùng lượng giá tổng kết mỗi hoạt động của dự án.

  • Căn cứ những kết quả đạt được ở những hoạt động trên, sinh viên sẽ tham gia đóng góp ý kiến về nội dung, phương pháp đã thực hiện những hoạt động của dự án cho chính quyền địa phương và cán bộ dự án tham khảo và rút kinh nghiệm.

  • Sinh viên sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương và người dân thực hiện những hoạt động nhỏ như tổ chức giao lưu văn nghệ, họp dân, làm vệ sinh môi trường…Lưu ý đến yếu tố giới trong cộng đồng: sinh viên phải giúp người dân tham gia đặc biệt là phụ nữ trong gia đình cũng như trong các hoạt động của cộng đồng, sự phân chia lao động trong gia đình…

Thứ ba, tổng kết đánh giá tại cơ sở thực hành

- Các hoạt động thực hành

+ Sinh viên cùng giáo viên hướng dẫn, cán bộ dự án và chính quyền địa phương, người dân họp và cùng tổng kết đánh giá đợt thực hành của sinh viên, từ đây sinh viên sẽ rút ra những bài học, kinh nghiệm cho bản thân.

+ Sinh viên sẽ có những sáng kiến đóng góp cho chính quyền địa phương và cộng đồng nhằm khắc phục những vấn đề khó khăn tại cộng đồng và hướng tới một cộng đồng tự lực.

Thứ tư, sinh viên viết báo cáo thực hành

Sau khi kết thúc quá trình thực hành tại tại cộng đồng, nhóm sinh viên sẽ bắt tay vào viết báo cáo thực hành. Báo cáo thực hành là kết quả tóm tắt mà sinh viên gặt hái được trong thời gian thực hành. Báo báo thực hành cũng được làm theo mẫu sẵn của giáo viên hướng dẫn.

4. KẾT LUẬN

Có rất nhiều mô hình ứng dụng cho việc thực hành của sinh viên chuyên ngành Công tác xã hội. Tuy nhiên, với điều kiện và chương trình đào tạo ở trường Đại học Hồng Đức, việc ứng dụng mô hình thực hành theo dự án là phương thức đạt được nhiều hiệu quả nhất. Qua một năm đưa sinh viên đi thực hành môn học Tổ chức và phát triển cộng đồng, trong số 130 sinh viên, chia làm 6 đoàn, trong đó có 2 đoàn sinh viên được thực hành theo mô hình theo dự án. Sau khi kết thúc, lượng giá kết quả thực hành, chúng tôi đã nhận thấy rằng, những sinh viên thực hành theo mô hình dự án đã gặt hái được nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn, họ được trải nghiệm kinh nghiệm phong phú hơn so với những sinh viên thực hành theo các mô hình khác.

Qua đây, chúng tôi cũng đưa ra một số giải pháp nhằm giúp sinh viên thực hành theo mô hình dự án đạt được kết quả tốt nhất.

Thứ nhất: Xây dựng mạng lưới liên kết giữa Nhà trường và Các cơ quan tổ chức có thực hiện các dự án phát triển.

- Việc thiết lập mối quan hệ và kết nối với cơ quan, tổ chức phi chính phủ là vô cùng quan trọng để giúp cho sinh viên có nhiều thuận lợi khi đi thực hành và cũng là cơ hội tốt khi họ tốt nghiệp ra trường đi xin việc làm.

- Việc thiết lập bằng việc hàng năm Nhà trường nên tổ chức các hội thảo chuyên ngành CTXH mang tính cấp trường, tại hội thảo này sẽ mời các đại diện là những cán bộ, lãnh đạo của cơ quan thực hành tham dự nhằm tạo mối quan hệ tốt và giúp họ nhìn nhận được tầm quan trọng của việc thực hành cho sinh viên cũng như hiểu được các nhiệm vụ, công việc cần giúp đỡ sinh viên khi họ xuống cộng đồng thực hành.

Thứ 2: Sớm hoàn thiện nội dung và bộ tài liệu hướng dẫn thực hành, thực tập.

Để giúp sinh viên có được kết quả tốt trong tiến trình thực tập, ngoài việc dưới sự hướng dẫn của giáo viên và kiểm huấn viên tại cơ sở, cần phải có bộ tài liệu hướng dẫn thực hành thực tập với nội dung chi tiết. Bộ tài liệu này được sử dụng như cuốn cẩm nang cho sinh viên trong suốt quá trình thực tập tại cơ sở. Ngoài ra bộ tài liệu này cũng sẽ giúp cho giáo viên và kiểm huấn viên có được sự thống nhất trong hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ và đánh giá việc thực tập của sinh viên.



Thứ 3: Nhà trường, Khoa KHXH nên mời các chuyên gia nước ngoài, hoặc trong nước (người có kiến thức, kinh nghiệm làm kiểm huấn) để tổ chức các khóa học tập huấn ngắn hạn về đào tạo đội ngũ kiểm huấn viên tại địa bàn thực hành cho sinh viên.

Chúng ta biết rằng, việc thực hành CTXH cho sinh viên ngành CTXH khác với một số chuyên ngành khác là ngoài có sự hướng dẫn của giáo viên chuyên ngành tại trường Đại học còn phải có một đội ngũ kiểm huấn viên - người theo dõi, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho sinh viên thực hành trực tiếp tại cơ sở mà họ thực tập. Hơn nữa, sinh viên thực hành CTXH sẽ can thiệp trực tiếp đến tâm tư, tình cảm, vấn nạn của thân chủ. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề dễ dàng cho sinh viên khi mới bắt đầu đi thực hành. Vì vậy, sinh viên cần phải có những kiểm huấn viên, người có kinh nghiệm và kiến thức hướng dẫn, giúp sinh viên giải quyết những khó khăn, khúc mắc khi họ tiếp cận, giải quyết vấn đề cho thân chủ. Chúng tôi nghĩ rằng, việc mở ra các khóa học tập huấn cho các kiểm huấn viên tại cơ sở là điều nên làm vì nó cũng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên ngành XHH – CTXH tại trường Đại học Hồng Đức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đề án nghiên cứu Đánh giá thực trạng và định hư­ớng chiến l­ược phát triển Công tác xã hội ở Việt Nam ĐH LĐ-XH và UNICEF -2005

[2] Doug Durst- Đại học Regina Canada “Đào tạo thực hành thực tập – phần thiết yếu của đảm bảo chất l­ượng Công tác xã hội chuyên nghiệp” Hội thảo Thực hành, thực tập trong đào tạo công tác xã hội ở Việt Nam Hà Nội 17-18/10/2006

[3] Hepworth D.J. (1997), Direct social work practice - theory and skills, Brooks/Cole publishing Company.

[4] “Phát triển công tác xã hội theo h­ớng chuyên nghiệp - một đòi hỏi khách quan trong quá trình đổi mới của nư­ớc ta”, Tạp chí Lao động-Xã hội, (số 307 tháng 3/2007).

[5] Coyle, D., Edwards, D., Hannigan, B., Fothergill, A., & Burnard, P. (2005). A systematic review of stress among mental health social workers. International Social Work, 48(2), 2001-211.

[6] Fahy, A. (2007). The unbearable fatigue of compassion: Notes from a substance abuse counselor who dreams of working at Starbuck’s. Clinical Social Work Journal, 35(3), 199-205.

[7] Jaffe–Gill, E., Smith, M., Larson, H., & Segal J. (2007). Understanding stress: Signs, symptoms, causes, and effects. [Online]. Retrieved from:



http://www.helpguide.org/mental/stress_signs.htm on January 4, 2008.

[8] National Institute for Occupational Safety and Health (NIOSH). (nd). Stress...at work (Report No.99-101). [Online]. Retrieved from: http://www.cdc.gov/niosh/stresswk.html on January 2, 2008.

[9] Naturale, A. (2007). Secondary traumatic stress in social workers responding to disasters: Reports form thPe field. Clinical Social Work Journal, 35(3), 173-181.

[10] Ting, L., Saunders, S. Jacobson, J., & Power, J. (2006). Dealing with the aftermath: A qualitative analysis of mental health social workers reactions after a client suicide.



APPLYING PRACTIAL MODELS WITH PROJECT IN TRAINING ON SOCIOLOGY (SOCIAL WORK) AT HONG DUC UNIVERSITY

ABSTRACT


By analysing advantages and weaknesses of social work practical models in the world. The article offers a process to apply practical models with the project in training sociology (Social work) at Hong Duc University.

PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CHO TRẺ MẪU GIÁO THÔNG QUA

HOẠT ĐỘNG LÀM QUEN TÁC PHẨM VĂN HỌC

Lê Thị Tuyết1, Tạ Mai Anh1

TÓM TẮT


Phát triển ngôn ngữ cho trẻ ở trường mầm non không tồn tại như một hoạt động riêng biệt mà được lồng ghép, đan xen trong các hoạt động khác. Giáo dục trẻ theo hướng tiếp cận tích hợp chủ đề tạo nhiều cơ hội giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Hoạt động Làm quen tác phẩm văn học đặc biệt có lợi thế trong vấn đề này. Người giáo viên mầm non hoàn toàn có thể phát huy lợi thế đó nếu biết vận dụng những biện pháp phù hợp. Các biện pháp phát triển ngôn ngữ thông qua hoạt động làm quen văn học cần dựa trên những yêu cầu cần đạt về ngôn ngữ của độ tuổi, dựa trên những đặc trưng ngôn ngữ của tác phẩm và chương trình làm quen tác phẩm văn học dành cho trẻ theo chủ đề, chủ điểm đã được xác định.

Từ khóa: Phát triển ngôn ngữ, hoạt động làm quen tác phẩm văn học.

1. MỞ ĐẦU



Làm quen tác phẩm văn học là hoạt động được tổ chức thường xuyên ở trường mầm non. Trong tổng thể cấu trúc chương trình giáo dục mầm non theo hướng đổi mới, hoạt động Làm quen văn học không tồn tại một cách độc lập, riêng lẻ mà được liên kết với các hoạt động cùng hướng tới một chủ đề, chủ điểm được xác định. Đây là hoạt động cụ thể góp phần hữu hiệu vào việc giúp trẻ phát triển ngôn ngữ nếu giáo viên biết vận dụng những biện pháp phù hợp. Sử dụng ngôn từ làm chất liệu xây dựng hình tượng, văn học có những tác động đặc biệt đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Cũng do vậy, hoạt động Làm quen văn học mang những đặc trưng riêng. Đó chính là sự tích hợp văn học và tiếng Việt trong tổ chức hoạt động. Khi tổ chức hoạt động này, người giáo viên không những phải thực hiện nhiệm vụ giúp trẻ tiếp cận và cảm thụ tác phẩm mà còn cần biết khai thác những lợi thế của tác phẩm để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Nói cách khác, cần gắn làm quen văn học với nhiệm vụ phát triển ngôn ngữ, với việc rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ cho trẻ. Từ đó mà xác định, tìm kiếm các phương pháp, biện pháp thích hợp để tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen văn học có hiệu quả.

2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU



2.1. Thực trạng phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo thông qua hoạt động Làm quen tác phẩm văn học theo hướng tích hợp chủ đề

Hoạt động Làm quen tác phẩm văn học có ưu thế đặc biệt trong việc giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Tuy nhiên, ưu thế ấy được phát huy ở mức độ như thế nào lại phụ thuộc khá nhiều vào cách khai thác ngôn từ của tác phẩm để phục vụ mục đích phát triển ngôn ngữ.

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát thực trạng phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo thông qua hoạt động Làm quen tác phẩm văn học ở 9 trường mầm non trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (bao gồm các trường ở vùng núi, vùng đồng bằng và TP Thanh Hóa).

2.1.1. Thực trạng việc lựa chọn tác phẩm văn học phù hợp với chủ đề, độ tuổi và mục đích phát triển ngôn ngữ cho trẻ

* Quan niệm của giáo viên về việc lựa chọn tác phẩm

Do chưa có những quy định cụ thể về tiêu chí, mỗi giáo viên tự lựa chọn tác phẩm cho trẻ theo kinh nghiệm và cách nghĩ riêng của bản thân. Theo khảo sát:

- 54,3% giáo viên cho rằng: Nên lựa chọn tác phẩm từ các tuyển tập truyện thơ dành cho trẻ và phải phù hợp với chủ đề.

- 28,6% giáo viên lựa chọn tác phẩm dựa trên các tiêu chí: phù hợp với chủ đề, phù hợp với tầm nhận thức của độ tuổi.

- 17% giáo viên lựa chọn tác phẩm dựa trên các tiêu chí: độ hấp dẫn của tác phẩm, sự phù hợp với chủ đề, phù hợp với tầm nhận thức, với khả năng ngôn ngữ của từng độ tuổi.

* Mức độ phù hợp

- Mức độ phù hợp với chủ đề

Triển khai chương trình theo chủ đề được các trường mầm non đặc biệt quan tâm. Mỗi chủ đề được ấn định trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 tuần. Thời gian dài ngắn phụ thuộc vào số lượng chủ đề nhánh và sự hứng thú của trẻ. Do đó, tác phẩm phù hợp với chủ đề đạt tỷ lệ 100 %



- Mức độ phù hợp với nhận thức của trẻ ở từng độ tuổi

Ở góc độ này, mức độ phù hợp được xem xét dựa trên các tiêu chí: độ dài (ngắn) của tác phẩm, nội dung tác phẩm, thể loại, sức hấp dẫn của tác phẩm đối với trẻ. Trong số tác phẩm được lựa chọn cho các độ tuổi, có 58,5% (38/65) phù hợp với tầm nhận thức của độ tuổi, số còn lại không phù hợp.

- Mức độ phù hợp với mục đích phát triển ngôn ngữ

Lựa chọn tác phẩm phù hợp với mục đích phát triển ngôn ngữ cần chú ý đến các vấn đề: từ ngữ, kiểu cấu trúc câu, cách thức diễn đạt . Tiếp xúc và làm quen với một tác phẩm vượt quá khả năng ngôn ngữ của lứa tuổi, trẻ sẽ khó khăn trong việc nắm bắt nội dung tác phẩm, giáo viên cũng sẽ khó khăn trong việc thực hiện mục đích phát triển ngôn ngữ. Xem xét việc lựa chọn tác phẩm cho các chủ đề thuộc các lớp mẫu giáo, mức độ tác phẩm phù hợp/không phù hợp với mục đích phát triển ngôn ngữ như sau:

- 61,5% (40/65) tác phẩm phù hợp.

- 39,5% (25/65) tác phẩm không phù hợp



2.1.2. Thực trạng sử dụng các biện pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ thông qua hoạt động Làm quen văn học

*Lựa chọn tác phẩm phù hợp với đặc điểm nhận thức, phù hợp với chủ đề và mục đích phát triển ngôn ngữ.

Có tới 40% (14/35) giáo viên không coi trọng biện pháp này; họ chưa từng quan niệm đây là một biện pháp có những tác động hữu ích đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Những giáo viên này cho rằng, hiệu quả cảm thụ tác phẩm hay những tác động liên quan chủ yếu phụ thuộc vào phương pháp truyền đạt, cách tổ chức các hoạt động; không cần quá kỹ lưỡng trong việc lựa chọn tác phẩm.



*Biện pháp luyện phát âm

Cách thức được giáo viên sử dụng nhiều nhất để giúp trẻ luyện phát âm trong giờ Làm quen văn học là luyện đọc từ khó trong tác phẩm (khó về phương diện phát âm) để luyện phát âm. Cách này có 57,1% giáo viên sử dụng.

Hướng dẫn trẻ trình bày tác phẩm để khắc phục các lỗi phát âm được 42,9% (15/35) giáo viên sử dụng nhưng không thường xuyên.

*Biện pháp phát triển vốn từ ngữ nghệ thuật

Từ ngữ trong tác phẩm dành cho trẻ tuổi mầm non thường trong sáng, dễ hiểu, giàu sức gợi. Nếu biết khai thác, hoạt động Làm quen văn học sẽ giúp trẻ thu nhận một lượng từ ngữ đáng kể. Tuy nhiên, trên thực tế, giáo viên các lớp mẫu giáo chưa tích cực khai thác lợi thế của văn học trong việc phát triển vốn từ cho trẻ. Theo khảo sát, chỉ có 34,3% giáo viên sử dụng biện pháp một cách có ý thức và khá thường xuyên.



* Biện pháp khai thác mô hình câu trong tác phẩm để dạy trẻ nói đúng ngữ pháp

Tùy từng độ tuổi, trẻ mầm non có thể sử dụng câu theo những kiểu cấu trúc nhất định. Nếu chú ý dạy trẻ nói theo những mô hình câu phù hợp, trẻ sẽ có thói quen nói câu đúng, biết sắp xếp đúng trật tự ngữ pháp các từ trong câu. Không chú ý vấn đề này, trẻ sẽ dễ vấp các lỗi, như: nói trống không (thiếu chủ ngữ hoặc vị ngữ), sắp xếp sai vị trí các thành phần hoặc các từ trong câu… Thực tế cho thấy: 25,7% giáo viên quan tâm đến việc khai thác mô hình câu trong tác phẩm để dạy trẻ nói đúng ngữ pháp. Ở những lớp do các giáo viên này phụ trách, 73% số trẻ không nói câu thiếu thành phần chính, không nói trống không, biết sử dụng khá thành thạo mẫu câu phù hợp với độ tuổi.



* Biện pháp phát triển lời nói mạch lạc

Tác phẩm tự sự dành cho trẻ tuy dung lượng nhỏ nhưng tình tiết hấp dẫn, tái hiện những cảnh huống khác nhau trong đời sống. Ngoài lời người kể, mỗi tác phẩm thường có những đoạn hội thoại khá ấn tượng và gần gũi với trẻ. Tự tái hiện tác phẩm bằng hình thức kể lại truyện hoặc đóng kịch được trẻ rất yêu thích. Trẻ chỉ tự tin tái hiện tác phẩm khi hiểu, nhớ tác phẩm và biết diễn đạt một cách trôi chảy, biểu cảm. Trẻ nhận ra rằng, mỗi cảnh huống có một cách thức sử dụng ngôn ngữ khác nhau; điều này có những tác động đáng kể đối với sự biểu đạt bằng ngôn ngữ của trẻ. Dạy trẻ kể lại truyện và đóng kịch là việc làm khá thường xuyên của giáo viên các lớp mẫu giáo. Tuy nhiên, có tới 54,2% (19/35) giáo viên chưa nhận ra những tác động tích cực của việc kể lại truyện hay đóng kịch đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, đặc biệt là phát triển ngôn ngữ mạch lạc.



2.2. Các biện pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ thông qua hoạt động Làm quen văn học theo hướng tích hợp chủ đề

2.2.1. Lựa chọn tác phẩm phù hợp với chủ đề, đặc điểm ngôn ngữ của trẻ và mục đích phát triển ngôn ngữ.

Tác phẩm văn học được lựa chọn cho trẻ làm quen phải phù hợp nhận thức và mục đích giáo dục trẻ. Lựa chọn tác phẩm văn học cho trẻ mẫu giáo làm quen cần xuất phát từ các tiêu chí: phù hợp với độ tuổi, phù hợp với chủ đề, có giá trị về nội dung và hình thức nghệ thuật, phù hợp với mục đích phát triển ngôn ngữ.

Để đáp ứng mục đích phát triển ngôn ngữ cho trẻ, khi lựa chọn tác phẩm, giáo viên cần chú ý đến yếu tố ngôn ngữ. Tác phẩm văn học được lựa chọn phải là mẫu mực về ngôn ngữ: trong sáng, dễ hiểu, giàu nhạc điệu, giàu tính biểu cảm... Không những thế, ngôn ngữ trong tác phẩm cần giàu sức gợi, mang đến cho trẻ những hiểu biết và những liên tưởng thú vị.

2.2.2 Thông qua việc hướng dẫn trẻ trình bày tác phẩm văn học để luyện cho trẻ phát âm đúng.

Hoạt động cho trẻ làm quen tác phẩm văn học ở trường mầm non giúp trẻ biết trình bày TPVH qua ba hình thức: đọc, kể và đóng kịch phân vai theo tác phẩm văn học. Đây thực sự là những hoạt động thiết thực, có tác dụng tốt trong việc luyện phát âm cho trẻ mẫu giáo, phù hợp với đặc điểm phát âm của lứa tuổi.

Trẻ mẫu giáo chưa biết đọc, vì vậy, giáo viên có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đưa tác phẩm văn học đến với trẻ. Hoạt động này trước hết là giúp trẻ làm quen với âm thanh ngôn ngữ làm cơ sở để dạy trẻ phát âm đúng. Qua giọng đọc, lời kể của giáo viên, trẻ có thể nhận biết cách sử dụng ngữ điệu giọng để bộc lộ được đặc điểm, tính cách nhân vật, học được cách sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật.

Cần tổ chức các trò chơi luyện phát âm khi cho trẻ làm quen tác phẩm văn học. Chọn các trò chơi có ý nghĩa và tác dụng về mặt ngữ âm phù hợp với đặc điểm ngôn ngữ và nội dung tác phẩm, chú ý giúp trẻ khắc phục các lỗi về phát âm.

Trò chơi đóng kịch phân vai được coi là có tác dụng tốt trong luyện cho trẻ phát âm biểu cảm. Khi đóng vai nhân vật trẻ phải hiểu được tính cách nhân vật, từ đó thể hiện ngữ điệu giọng phù hợp tính cách nhân vật.

2.2.3. Khai thác vốn ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm để phát triển vốn từ cho trẻ.

Cùng với việc mở rộng nhận thức cho trẻ về thế giới xung quanh, văn học cũng cung cấp cho trẻ một vốn từ vô cùng lớn. Khi cho trẻ làm quen văn học, người giáo viên có thể căn cứ vào nội dung tác phẩm và chủ đề giáo dục để phát triển từ cho trẻ theo một trường nghĩa. Phát triển từ cho trẻ ở lứa tuổi này chủ yếu là các từ định danh, từ miêu tả các sự vật hiện tượng. Đối với trẻ lớn cần phát triển thêm những từ gợi cảm, có hình ảnh, âm thanh đậm nét, những cặp từ biểu hiện các tính chất đối lập ( khỏe - yếu, hiền - dữ, tốt - xấu, ngoan - hư, hèn nhát - dũng cảm….). Ngoài ra, cần cung cấp cho trẻ các quan hệ từ (thì, vì, mà, là, vì vậy, vì thế, nhưng mà,..), các trạng từ để trẻ có thể sử dụng vào việc diễn đạt và kể chuyện. Đặc biệt, giáo viên cần phát triển cho trẻ vốn từ ngữ nghệ thuật. Đó là vốn từ ngữ đã được chọn lọc, tinh luyện và sáng tạo của các nhà văn. Khi cho trẻ làm quen văn học, giáo viên cần giúp trẻ hiểu nghĩa của những từ mới, từ khó, giúp trẻ khắc sâu ấn tượng về cách sử dụng những từ ngữ mang tính gợi tả và biểu cảm. Giảng giải nghĩa của từ, giáo viên không nên tách biệt từ để giảng mà nên đặt vào ngữ cảnh của tác phẩm. Làm như vậy chính là đã thực hiện chủ trương dạy từ cái chung đến cái riêng, từ khái quát đến cụ thể của các nhà giáo dục ngôn ngữ học. Cho trẻ phát hiện những cụm từ miêu tả vẻ đẹp của sự vật hiện tượng kết hợp với việc quan sát tranh minh họa, sau đó, đọc và ghi nhớ; trẻ sẽ khắc sâu ấn tượng về cách sử dụng từ và có thể vận dụng vào tình huống giao tiếp phù hợp.

Hoạt động cho trẻ làm quen văn học cần được tổ chức dưới những hình thức khác nhau, ở mọi lúc, mọi nơi kết hợp với các hoạt động giáo dục khác để giúp trẻ củng cố và tích cực hóa vốn từ.

2.2.4. Khai thác các kiểu câu tiếng Việt được sử dụng trong văn bản tác phẩm để dạy trẻ nói đúng ngữ pháp.

Trước hết, cần cho trẻ tiếp xúc với những tác phẩm có chứa các mô hình câu tiếng Việt phù hợp với đặc điểm ngôn ngữ của từng độ tuổi. Nghe đọc tác phẩm, trẻ được tiếp xúc, làm quen với văn bản nghệ thuật mạch lạc, giàu sức biểu cảm, một văn bản có mối liên kết chặt chẽ giữa các từ, các câu theo một trình tự nội dung nhất định. Đây là những cơ sở đầu tiên, rất quan trọng để dạy trẻ nói đúng ngữ pháp.

Để tạo cho trẻ thói quen nói đúng ngữ pháp giáo viên phải cho trẻ được tập nói theo mô hình câu tiếng Việt trong quá trình trao đổi với trẻ về nội dung tác phẩm. Qua đó giúp cho tư duy và ngôn ngữ của trẻ phát triển. Hệ thống câu hỏi gợi mở có ưu thế đặc biệt trong việc làm sâu sắc sự cảm thụ văn học, tích cực hóa ngôn ngữ và phát huy sáng tạo của trẻ. Trước hết, hệ thống câu hỏi phải chứa đựng các mô hình câu tiếng Việt mà giáo viên muốn luyện tập cho trẻ. Việc đặt câu hỏi có chứa các mô hình câu tiếng Việt nhằm mục đích dạy trẻ nói đúng ngữ pháp phải phù hợp với đặc điểm phát triển ngôn ngữ của độ tuổi. Đây chính là cách định dạng câu trả lời của trẻ theo đúng ngữ pháp mà giáo viên muốn luyện tập cho trẻ. Quá trình trao đổi, trò chuyện về tác phẩm giúp trẻ được lặp lại mô hình câu với những nội dung khác nhau tạo cho trẻ thói quen nói đúng ngữ pháp.

2.2.5. Thông qua việc cho trẻ tiếp xúc, tìm hiểu nội dung tác phẩm và dạy trẻ kể lại tác phẩm văn học để phát triển ngôn ngữ mạch lạc.

Một trong những biện pháp cơ bản để phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ thông qua hoạt động làm quen với văn học chính là việc giúp trẻ kể lại truyện. Giáo viên cần khuyến khích trẻ kể lại cốt truyện theo cách diễn đạt riêng của mình không cần nhắc lại nguyên văn ngôn ngữ của tác phẩm.

Tổ chức trò chơi đóng kịch phân vai theo tác phẩm văn học là một phương pháp tốt để phát triển ngôn ngữ đối thoại cho trẻ. Nội dung kịch được chuyển thể từ tác phẩm văn học mà trẻ đã được làm quen. Trẻ làm quen với các mẫu câu văn đã được gọt giũa, chọn lọc. Khi nhập vai trẻ cố gắng thể hiện đúng ngữ điệu, tính cách nhân vật, giúp cho ngôn ngữ của trẻ mang sắc thái biểu cảm rõ rệt.

Đối với trẻ lớn, để phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ cần áp dụng biện pháp kể chuyện sáng tạo. Yêu cầu: kể mạch lạc, logich, các câu nói đúng ngữ pháp, thể hiện rõ ngôn ngữ đàm thoại hay độc thoại trong khi kể. Các dạng kể chuyện sáng tạo: Kể nốt truyện, kể theo đề tài và dàn ý cho trước, kể theo chủ đề tự chọn, kể theo mô hình.

Việc tích hợp các môn học khác, các trò chơi vào cho trẻ kể chuyện sáng tạo là việc cung cấp thêm một số kiến thức bổ trợ cho câu chuyện sinh động hơn. Giáo viên phải linh hoạt, lựa chọn nội dung sao cho phù hợp với nội dung câu chuyện, giúp trẻ tham gia vào hoạt động một cách tích cực nhất và ngôn ngữ của trẻ được phát triển mạnh mẽ nhất.



2.2.6. Gắn làm quen văn học với rèn luyện kỹ năng đọc, viết.

Để tích hợp dạy văn học và tiếng Việt chuẩn bị cho trẻ đến trường phổ thông phải gắn làm quen văn học với rèn luyện kỹ năng đọc, viết. Khi cho trẻ làm quen TPVH, giáo viên cần cho trẻ quan sát văn bản tác phẩm. Giáo viên có thể viết bài thơ một cách ngay ngắn đúng mẫu chữ cái, đúng khuôn khổ của thể loại thơ treo lên bảng để trẻ trực tiếp quan sát. Giáo viên đọc diễn cảm kết hợp với việc chỉ những dòng chữ từ trái sang phải, từ trên xuống dưới để giúp trẻ vừa được tiếp xúc với tác phẩm vừa được làm quen với chữ cái ghi âm tiếng Việt. Trẻ sẽ cảm nhận được mối quan hệ giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, hiểu được ý nghĩa của chữ viết chính là các ký hiệu ghi âm tiếng nói. Đối với trẻ mẫu giáo, việc gắn văn học với chữ viết sẽ khơi gợi, hình thành ở trẻ niềm say mê hứng thú với việc “đọc” sách và hình thành khả năng đọc, viết. Nhất là khi trẻ được tiếp xúc với truyện tranh, với truyện thơ tranh chữ to có sẵn, tự tạo....Nhiều lần được tiếp xúc với truyện đọc, dưới sự hướng dẫn cả giáo viên trẻ sẽ nhận ra chữ cái trong từ, từ trong câu, rồi tập ghép chúng lại với nhau để đọc ra được các dòng chữ.

Có thể phát triển ngôn ngữ và làm giàu vốn từ cho trẻ qua việc gắn tên, gắn ký hiệu ngôn ngữ vào các mô hình nhân vật trong tác phẩm. Khi gắn ký hiệu ngôn ngữ cho các mô hình nhân vật giáo viên cần trò chuyện với trẻ. Giúp trẻ nhớ lại tên nhân vật trong truyện. Cho trẻ nhìn giáo viên viết (hoặc ghép) từ. Hỏi trẻ chữ cái đầu tiên trong từ là chữ gì?...Nhiều lần như vậy, trẻ ghi nhớ và thuộc các ký hiệu các chữ cái và sắp xếp thành từ có thể trẻ tự đọc được, có thể tự viết hoặc ghép chữ cái rời thành từ đó và phát âm, "đọc" rất thành thạo.

2.2.7. Chuẩn bị môi trường giáo dục để phát triển ngôn ngữ cho trẻ khi tiến hành hoạt động làm quen văn học

Tạo môi trường cho trẻ hoạt động là rất cần thiết trong chương trình đổi mới. Nếu giáo viên tạo được môi trường cho trẻ hoạt động tốt thì sẽ kích thích trẻ tham gia vào các hoạt động tạo cơ hội và phát triển ngôn ngữ đạt được kết quả rất cao. Có thể tạo môi trường bằng cách đưa hình ảnh nhân vật của các câu chuyện nổi bật vào góc văn học hoặc thể hiện trên các mảng tường. Vẽ và sưu tầm một số bộ truyện tranh ngoài chương trình để đưa vào giảng dạy; vận động phụ huynh đóng góp truyện tranh đưa vào góc văn học cho trẻ hoạt động thường ngày. Ngoài ra còn phải làm một số đồ dùng trực quan cho trẻ hoạt động như: một số con rối dẹt, tận dụng những truyện tranh cũ, những sản phẩm vẽ của trẻ, cắt dán bồi bìa cứng cho trẻ ghép tranh kể chuyện sáng tạo Đặc biệt cần đầu tư suy nghĩ làm các loại rối tay cho trẻ hoạt động. Việc tạo ra một góc văn học với đầy đủ chủng loại về đồ dùng trực quan đa dạng phong phú sẽ giúp trẻ hứng thú tham gia vào hoạt động và tạo nhiều ý tưởng hay khi trẻ kể chuyện sáng tạo.

Trong giờ hoạt động ngoài trời cần tận dụng những bức tranh tường ở trong trường gợi mở cho trẻ cùng nhau kể chuyện; cũng có thể gợi ý để trẻ kể chuyện về các con vật gắn với những tác phẩm trẻ đã được làm quen… Giáo viên cần biết giúp trẻ có cảm xúc tích cực khi tham gia hoạt động kể chuyện sáng tạo.

Cần phải phát huy, khai thác hiệu quả phòng thư viện đồ chơi, nhằm tạo điều kiện để trẻ được thực nghiệm. Đây là môi trường phong phú giúp trẻ làm quen với việc “đọc sách” từ tuổi mầm non. Trong góc sách cần sưu tầm, lựa chọn nhiều loại sách theo chủ đề, chủ điểm, những bộ tranh truyện có hình ảnh minh hoạ. Cần trang bị phương tiện nghe, nhìn đầy đủ với băng tiếng, băng hình các tác phẩm trong chương trình như: Tích Chu, Cô bé quàng khăn đỏ, Nhổ củ cải… Trẻ nghe kể rồi thích xem phim, hiểu rõ nội dung câu chuyện, kể lại cho ông bà cha mẹ và bạn bè nghe.

Việc trang trí góc sách, đồ dùng đồ chơi phải phù hợp đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Tăng cường các điều kiện cho trẻ được hoạt động cá nhân và theo nhóm nhỏ. Trẻ được rèn luyện khả năng quan sát, cảm thụ, giúp trẻ yêu thích văn học, phát triển năng khiếu.

3. KẾT LUẬN

Phát triển ngôn ngữ cho trẻ là khâu trọng yếu của hoạt động giáo dục trong trường mầm non, là tiền đề giúp trẻ phát triển và hoàn thiện về mặt nhân cách. Chương trình đổi mới (tiếp cận tích hợp theo chủ đề) đòi hỏi ở giáo viên sự nhạy bén, linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động. Việc lồng ghép nội dung giáo dục ngôn ngữ trong các hoạt động ở trường mầm non cần đảm bảo tính khoa học, phù hợp với đặc trưng từng môn học. Làm quen tác phẩm văn học là hoạt động có nhiều lợi thế trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ, vấn đề là ở chỗ giáo viên nhận thức đúng và biết cách khai thác những lợi thế này.

Chúng tôi đề xuất hệ thống biện pháp phát triển ngôn ngữ thông qua hoạt động Làm quen văn học theo hướng tích hợp chủ đề dựa trên những yêu cầu cần đạt về ngôn ngữ ở độ tuổi mẫu giáo, dựa trên những đặc trưng ngôn ngữ của tác phẩm văn học và chương trình Làm quen văn học dành cho các độ tuổi theo chủ đề. Để sử dụng một cách hiệu quả các biện pháp, giáo viên mẫu giáo cần nắm vững khả năng ngôn ngữ của từng độ tuổi, cần xem xét đặc trưng ngôn ngữ của từng tác phẩm, như: từ ngữ, cách sử dụng các kiểu cấu trúc câu, cách thức diễn đạt Giáo viên có thể vận dụng các biện pháp này trên cơ sở kiến thức và kinh nghiệm đã có để góp phần nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động làm quen tác phẩm văn học ở trường mầm non, đặc biệt là hiệu quả phát triển ngôn ngữ cho trẻ thông qua hoạt động này./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] E.I.Tikhova. Phát triển ngôn ngữ trẻ em (Dưới tuổi đến trường phổ thông). Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1977.

[2] Vygotsky, L. Mind and Society. Cambridge, MA: Harvarrd University Press. 1978

[3] Phạm Thị Mai Chi - Lê Thu Hương - Trần Thị Thanh. Đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ mẫu giáo theo hướng tích hợp chủ đề. NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2006.

[4] Nguyễn Xuân Khoa. Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo. NXB. ĐHQG, Hà Nội, 1999.

[5] Hoàng Thị Oanh, Phạm Thị Việt, Nguyễn Kim Đức. Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ dưới 6 tuổi. NXB. ĐHQG, Hà Nội, 2001.

[6] Nguyễn Thu Thuỷ. Giáo dục trẻ mẫu giáo qua truyện thơ. NXB. Giáo dục, Hà Nội, 1986.

[7] Đinh Hồng Thái (Chủ biên). Giáo trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non. NXB. Giáo dục, 2009.



tải về 2.69 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương