TIỂu thuyết thứ NĂM



tải về 1.05 Mb.
trang1/14
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích1.05 Mb.
#17777
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14

TẠP CHÍ KHOA HỌC, TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC - SỐ 12. 2012

TUẦN BÁO “TIỂU THUYẾT THỨ NĂM”

TRONG QUÁ TRÌNH HIỆN ĐẠI HÓA VĂN HỌC DÂN TỘC
Lê Tú Anh1, Phạm Thị Hân2

TÓM TẮT

Trong quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, báo chí đóng vai trò rất quan trọng. Tiểu thuyết thứ năm – một trong ba tờ báo chuyên ngành văn chương tại Hà Nội giai đoạn 1930-1945, đã đăng tải rất nhiều tác phẩm có giá trị thuộc tất cả các thể loại văn học hiện đại. Khảo sát một số hiện tượng văn học tiêu biểu được đăng tải trên tờ báo, bài viết nhằm khẳng định phần đóng góp đáng kể của tờ báo vào sự hình thành và phát triển của hệ thống thể loại văn học hiện đại cũng như tạo nên những thành tựu rực rỡ của chặng hoàn tất quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam.

Từ khóa: Tiểu thuyết thứ năm, hiện đại hóa.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, báo chí đóng vai trò rất quan trọng. Hay, có thể nói, nếu không có báo chí quốc ngữ, văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX khó có thể đạt được những thành tựu như đã thấy để vừa hoàn thành công cuộc hiện đại hóa nền văn học dân tộc, vừa chuẩn bị cho những bước phát triển tiếp theo của nền văn học theo hướng dân chủ, khoa học, quốc tế(1). Báo chí quốc ngữ xuất hiện lần đầu tiên ở nước ta từ cuối thế kỷ XIX(2), từ chỗ chỉ đóng vai trò là một kênh giao tiếp giữa người Pháp và người Việt, báo chí đã ngày càng phát triển nhanh về số lượng, chất lượng và mang tính chuyên môn cao. Trong số những tờ báo có liên quan đến văn học hoặc chuyên về văn chương xuất hiện thời kỳ này, Tiểu thuyết thứ năm là một trong ba cơ quan ngôn luận có uy tín lớn tại Hà Nội bên cạnh tạp chí Tao đàn và tờ Tiểu thuyết thứ bảy. Mặc dù vậy, tờ báo có một chỗ đứng khá khiêm tốn trong lòng độc giả. Lý do một phần là vì sự sống của tờ báo quá ngắn ngủi, phần khác là do hoàn cảnh chiến tranh, nhiều số báo đã thất lạc mà nay vẫn chưa được tìm thấy. Trong nỗ lực tìm kiếm, khôi phục di sản của cha ông, nhà thơ Anh Chi đã sưu tập được gần 60 số báo và tuyển chọn in thành tập Tiểu thuyết thứ năm - Tác giả và tác phẩm [2], [3]. Cầm cuốn sách trên tay, chúng tôi nhận thấy, những giá trị văn chương và đóng góp của tờ báo cho nền văn học nước nhà đã đến lúc cần có một sự nhìn nhận và đánh giá thật nghiêm túc, thỏa đáng. Trong khuôn khổ bài báo nhỏ này, chúng tôi xin phép được góp bàn về điều đó.

So với Nam Phong tạp chí - tờ báo do Phạm Quỳnh làm chủ bút, có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống văn chương và học thuật nước nhà đầu thế kỷ XX - sự sống của tờ Tiểu thuyết thứ năm ngắn ngủi hơn. Không những thế, lại giống với tờ An Nam tạp chí của Tản Đà, Tiểu thuyết thứ năm còn “chết đi sống lại”. Theo Anh Chi, tờ báo hoạt động qua hai giai đoạn: từ 1937 đến đầu 1938 và từ cuối 1938 đến 1940 [2; tr.8]. Có thể nhận thấy, quãng thời gian sinh tồn của Tiểu thuyết thứ năm cũng là giai đoạn các trào lưu văn học lãng mạn và hiện thực phê phán đang phát triển đỉnh cao cả về số lượng sáng tác cũng như chất lượng nghệ thuật. Là tờ báo chuyên về văn chương, Tiểu thuyết thứ năm, do vậy, dĩ nhiên quy tụ được đông đảo các cây bút có tên tuổi. Tờ báo do Lê Cường làm chủ nhiệm, Lê Tràng Kiều làm chủ bút và Đồ Phồn làm thư ký tòa soạn. Đông Hồ, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân và một số cây bút khác đã cộng tác với tờ báo. Đây là nơi đăng tải sáng tác mới của các tác giả trên nhiều thể loại. Mục truyện ngắn và tiểu thuyết với những tên tuổi Vũ Trọng Can, Nguyễn Vỹ, Trúc Đường, Phạm Văn Kỳ, Yến Lan, Đồ Phồn, Vũ Trọng Phụng, Phạm Huy Thái, Thanh Tịnh, Bạch Yến, Tô Hoài… Mục tiểu luận, phê bình đăng nhiều bài của Chế Lan Viên, Trương Tửu, Lê Thanh, Lê Tràng Kiều, Trúc Đường, Quỳnh Dao… Đoản văn, tản văn cũng là mục có nhiều bài đặc sắc của Thâm Tâm, Nguyễn Văn Thư, Đàm Quang Thiện, Vũ Trọng Phụng, Phạm Văn Kỳ, Tô Hoài, Hạnh Đàn… Mục thơ tập hợp được đông đảo tác giả có tên tuổi như Nguyễn Bính, Bùi Hạnh Cẩn, Yến Lan, Lưu Trọng Lư, Bích Khê Lê Mộng Thu, Thanh Tịnh, Anh Thơ, Mộng Tuyết… Có thể nói đó là những gương mặt sáng giá của một thời và của nền văn học hiện đại Việt Nam. Đương thời họ đều là những văn sỹ tài năng và tâm huyết với văn chương. Trong khi các tờ báo khác có cả nhà in riêng, có ông chủ bút đặt bài, thì Tiểu thuyết thứ năm không có lương trả cho nhân viên. Ngay cả Yến Lan, Thanh Tịnh, Quỳnh Dao, Anh Thơ… khi có bài đăng cũng chỉ được lĩnh báo biếu, thư cảm ơn thay cho tiền nhuận bút. Duy có hai hàn sĩ là Nguyễn Bính và Trúc Đường được tòa soạn “đặc cách” trả mỗi tháng 5 đồng vì họ quá nghèo và cũng để họ yên tâm sáng tác. Mặc dù thiếu thốn nhưng cả ban biên tập và các cộng tác viên vẫn say sưa viết bài. Một số người sáng tác văn chương vì mưu sinh, nhưng cũng có nhiều tác giả coi việc in tác phẩm trên báo như một niềm vui sống. Niềm say mê văn chương ấy chính là động lực để họ miệt mài cày cấy trên “thửa ruộng” văn chương. Đúng như Anh Chi đã nhận định: “Tiểu thuyết thứ năm thực sự quy tụ một đội ngũ các tác giả dồi dào năng lực sáng tác và viết báo” [2; tr. 9].

Cũng cần lưu ý thêm rằng, quãng thời gian Tiểu thuyết thứ năm tồn tại nằm trong giai đoạn quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc đã đi vào chặng hoàn tất. Một trong những đổi thay quan trọng nhất của nền văn học từ phạm trù trung đại sang phạm trù hiện đại là vấn đề thể loại. Nếu hệ thống thể loại văn học trung đại mang tính chất truyền thống và khu vực, thì hệ thống thể loại đang được thiết lập trong nền văn học Việt Nam lúc này mang tính chất hiện đại và toàn cầu. Với sự thay thế hoàn toàn của hệ thống thể loại văn học mới, văn học đầu thế kỷ đã có một diện mạo khác hẳn trước đây. Đó chính là điều kiện tiên quyết để văn học Việt Nam mang tính hiện đại và có điều kiện hội nhập với văn học thế giới. Tiểu thuyết thứ năm cũng như rất nhiều tờ báo chuyên về văn chương hoặc có liên quan tới văn học đã đóng vai trò “bà đỡ” cho các thể loại văn học mới ra đời. Tuy nhiên, không giống nhiều tờ báo đầu thế kỷ, như Nông cổ mín đàm, Đông Dương tạp chí, Nam phong tạp chí… chẳng hạn, phải “cưu mang” nhiều thể loại còn trong trứng nước, Tiểu thuyết thứ năm có thể được ví như một bảo mẫu chăm sóc những đứa trẻ đã có hình hài. Bởi vậy, tờ báo không chỉ tập hợp các sáng tác thuộc hầu hết các thể loại văn học hiện đại, mà còn là nơi lưu giữ nhiều sáng tác có giá trị văn học thực sự. Có thể nhận thấy điều này bằng việc tiếp cận một số tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau đã được đăng tải trên tờ báo.

2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU



2.1. Tiểu thuyết

Về tiểu thuyết, trong tập tuyển chọn của Anh Chi, chúng tôi nhận thấy Điên của Phạm Huy Thái để lại nhiều ấn tượng. Phạm Huy Thái không chỉ là người viết báo, là biên tập viên, mà còn là một cộng tác viên văn xuôi của tờ báo. Theo Anh Chi, mặc dù không ăn lương của tòa soạn, nhưng hàng ngày Phạm Huy Thái vẫn đều đặn đến tòa báo làm việc và trong thời gian hoạt động văn học ngắn ngủi ở Hà Nội (từ 1938 đến 1939), nhà văn này hầu như chỉ đăng sáng tác trên Tiểu thuyết thứ năm. Tiểu thuyết Điên có độ dài khoảng trên 40 trang khổ 14,5 x 20,5 cm, được đăng liên tục trên Tiểu thuyết thứ năm từ số 2 đến số 6. Tuy dung lượng không lớn nhưng trong tình hình chung của văn xuôi tự sự bấy giờ, tác phẩm cũng có thể được xem là tiểu thuyết. Giống như phần lớn tiểu thuyết có tính tự thuật, tự thú đầu thế kỷ XX(3), Điên có hai người kể chuyện ngôi thứ nhất xưng “tôi”. Một người trực tiếp kể lại câu chuyện của mình. Một người nghe chuyện và kể lại cho độc giả. Kiểu kết cấu truyện trong truyện thường gặp này là nhằm tạo nên một không gian trần thuật tin cậy để nhân vật tự thú có thể đi tới tận cùng sự thật. Mặt khác, nó khiến cho câu chuyện tình ái tay ba với nhiều tình tiết ly kỳ, mang dáng vẻ của một câu chuyện mà đời thường vẫn diễn ra. Cách làm này hấp dẫn độc giả không kém gì tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn. Chưa hết, tinh thần tự thú, sám hối tràn ngập thiên truyện còn đem đến cho tác phẩm một đặc trưng rất cơ bản của tự truyện. Tác phẩm, do thế, có thể được gọi bằng một cái tên kép: tiểu thuyết thú nhận – một dạng thức tiểu thuyết rất được ưa thích hiện nay. Ngoài ra, Phạm Huy Thái còn có tiểu thuyết Tình trong giây lát. Tuy được mệnh danh là “truyện dài” nhưng dung lượng của tác phẩm còn lớn hơn cả tiểu thuyết Điên(4). Qua hai tác phẩm của Phạm Huy Thái, cũng là những tiểu thuyết đăng tải trên Tiểu thuyết thứ năm còn tìm lại được, người đọc có thể nhận thấy một cách viết rất gần gũi với văn phong lãng mạn của Nhất Linh, Khái Hưng – những cây bút chủ chốt của Tự lực văn đoàn đương thời đã làm say đắm nhiều độc giả.



2.2. Truyện ngắn

Một trong nhưng thể loại được đăng tải nhiều và có giá trị hơn cả trên tuần báo Tiểu thuyết thứ năm là truyện ngắn. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy hầu hết các tác giả cộng tác với tờ báo đều sáng tác thể văn này. Ngoài những tên tuổi quen thuộc như Vũ Trọng Phụng, Đồ Phồn, Nguyễn Đình Lạp, Tô Hoài, Thanh Tịnh…; còn có nhiều cây bút truyện ngắn lâu nay rất ít được nhắc tới như Vũ Trọng Can, Phạm Văn Kỳ (Kypa), Yến Lan, Bùi Nguyên Cát, Quang Tăng, Bạch Yến, Tình Thiên, Quốc Sĩ… Tính chuyên nghiệp của các cây bút được thể hiện từ khả năng lựa chọn và xử lý đề tài đến văn phong, điệu thức. Vũ Trọng Can được đánh giá là là một trong những cây bút xuất sắc trong nhóm bút của Tiểu thuyết thứ năm. Làm thơ, viết truyện cổ tích, truyện dài…, nhưng chỉ với truyện ngắn người đọc mới thấy hết vẻ đẹp của văn chương ông. Quan tâm sâu sắc đến thân phận của những con người nhỏ bé, bất hạnh, Vũ Trọng Can đã để lại một chùm truyện ngắn nổi tiếng gồm Bến Vị Hoàng (Số 4), Tiếng bánh xe thổ mộ (Số 15), Tết giang hồ (Số 20)… Trong đó, Tiếng bánh xe thổ mộTết giang hồ thể hiện rất rõ phẩm chất của một nhà văn tả thực sắc sảo. Đây là hai câu chuyện buồn đau về thân phận người phụ nữ mà cuộc sống đầy bất trắc nơi đô thị đã xô đẩy họ xuống hố sâu tăm tối của cuộc đời. Khai thác đề tài này, tác phẩm của Vũ Trọng Can khiến người ta không khỏi liên tưởng tới các sáng tác như Tối ba mươi (Thạch Lam); Tết cô đầu, Phấn hương (Ngọc Giao)… Trong những khoảnh khắc thiêng liêng nhất của đất trời, con người thường khao khát tìm về với tổ ấm gia đình thì những thân phận như Hương trong Tết cô đầu; Huệ, Liên trong Tối ba mươi và người thiếu nữ với đôi mắt “như ẩn bao nhiêu thống khổ, bao nhiêu chua chát của sự sống” trong Tết giang hồ... hoặc đang phải chịu đựng sự dày vò về thân xác, hoặc đang bơ vơ côi cút giữa chốn xa lạ trong đói khổ, tủi nhục... Điểm gặp gỡ giữa các nhà văn này chính là cái nhìn cảm thông, chia sẻ với thân phận bất hạnh của những cô gái giang hồ. Tình cảm ấy đã góp phần làm sáng tỏ một trong những giá trị nổi bật của văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945 – giá trị nhân bản.

Nếu những sáng tác của Vũ Trọng Can chứa đựng nội dung hiện thực khá sâu sắc, thì truyện ngắn của Phạm Văn Kỳ lại thấm đẫm màu sắc của văn chương lãng mạn. Các sáng tác của Phạm Văn Kỳ như Đôi mắt của Hiền (số 3), Nhà thi sĩ (số 6), Nhẹ nhàng (số 8), Dưới bóng tre (số 23), Băn khoăn (số 50)… đem đến cho người đọc những rung động nhẹ nhàng mà sâu lắng về con người. Nhân vật chính trong các truyện của ông thường là những thanh niên mới lớn với những cảm xúc thanh tân của tuổi hoa niên. Phạm Văn Kỳ đã thể hiện một cách tài hoa, tinh diệu những rung động rất khẽ khàng, những khoảnh khắc mong manh huyền vi của tâm hồn con người. Truyện ngắn của ông, do thế, rất giàu chất thơ. Nhưng đó không phải là chất thơ của chốn bồng lai tiên cảnh, của cõi hư vô, siêu thực mà trái lại, nó bắt nguồn từ cuộc sống thực tại, từ âm thanh của đời thường hàng ngày mà Phạm Văn Kỳ đã nghe thấu. Hãy cùng đọc một đoạn trong truyện ngắn Nhà thi sĩ: “Kim riết chặt lấy chiếc lưng thon nhỏ. Chàng im lặng để đôi tay thâu nhận những khoái cảm của lòng. Da thiếu nữ, sau lần áo mỏng, Kim thấy có một hơi thở ấm. Kim ao ước giá da nàng có thể hiểu thấu được lời nói của… những ngón tay Kim!” [2; 685]. Có thể khẳng định, Phạm Văn Kỳ đã cùng với Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh – những nhà văn mà độc giả đã quá quen biết, làm nên dòng truyện ngắn trữ tình rất đặc sắc trong một diện mạo văn học vô cùng phong phú, đa dạng, nhiều thành tựu giai đoạn 1930-1945.

2.3. Ký

Trong lịch sử văn học dân tộc, ký là một trong những loại hình văn xuôi nghệ thuật xuất hiện sớm nhất và có vai trò quan trọng. Nhiều nhà văn Việt Nam trước khi trở thành những nhà tiểu thuyết, truyện ngắn đã thử sức mình ở thể ký. Giai đoạn 1930-1945 là giai đoạn phát triển rực rỡ của thể văn này với hai dạng chính là phóng sự và tùy bút, trong đó phóng sự chiếm vị trí nổi bật. Với hàng loạt phóng sự như Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô, Lục xì, Một huyện ăn tết…, Vũ Trọng Phụng được xem là “ông vua phóng sự Bắc Kỳ”. Tiếp cận Tiểu thuyết thứ năm, chúng tôi còn được đọc thêm một tác phẩm ký đậm chất phóng sự của Vũ Trọng Phụng mà bấy lâu nay hầu như chưa được nhắc tới: Một ông nghị già… lôi thôi!. Bài ký đăng trên Tiểu thuyết thứ năm số 12, được viết dưới dạng ghi lại một cuộc phỏng vấn bất thình lình của ông V.T.P viết báo với ông Nguyễn Phương Đạm – nghị viên Từ Sơn, Gia Lâm về cái… thời cục nghiêm trọng này. Ở đây, một lần nữa người đọc được chứng kiến cái nhìn hiện thực sắc sảo vào giọng điệu châm biếm rất đặc trưng của Vũ Trọng Phụng. Bằng một thứ ngôn ngữ báo chí hết sức sắc gọn, giàu thông tin, bài ký đã cho người đọc hình dung được tình hình xã hội khi cuộc vận động dân chủ 1936 – 1939 đang diễn ra hết sức sôi nổi, những tên tuổi nghị viên lúc bấy giờ và nhất là bộ mặt giả dối của chúng. Một ông nghị già… lôi thôi! – nhan đề tác phẩm là một cái tên biết nói. “Lôi thôi” giữa lời nói và việc làm: ông nghị già hết lời bài xích nạn tranh cử lại ra ứng cử nghị viên. Bởi thế, tác giả kết luận: “Tôi chắc ông già đặc sắc ấy, một người có thể “lôi thôi” to ở viện, sẽ rắc rối cho nhiều ông nghị khác…” [3; 221].

Du ký là một trong những thể loại xuất hiện sớm nhất trong nền văn học hiện đại. Từ cuối thế kỷ XIX, người ta đã biết đến Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi của Trương Vĩnh Ký. Trên Tiểu thuyết thứ năm, thể văn này có nhiều tác phẩm rất đáng chú ý. Vài trang du ký từ Hà Nội tới Toulouse (số 7) của Phạm Huy Thông là một trong số đó. Tác phẩm được viết dưới dạng nhật ký, ghi chép lại cuộc hành trình của tác giả từ Hà Nội sang Pháp rồi chuyển thành một lá thư gửi Lê Tràng Kiều. Đọc những trang ghi chép này, độc giả tưởng như chính mình được đặt chân tới những miền đất xa xôi với niềm háo hức được khám phá nhiều điều mới lạ. Không chỉ thế, tác giả bài ký còn lắng nghe trong lòng mình những tình cảm rất đỗi thiêng liêng dành cho quê hương, đất nước mà chỉ khi đã đi xa người ta mới cảm nhận được. Phạm Huy Thông đã từng được độc giả biết đến với tư cách một nhà thơ mới bởi Tiếng địch sông Ô và giọng thơ được xem như “một luồng gió mạnh”. Và qua Vài trang du ký từ Hà Nội tới Toulouse ta còn thấy ở ông một khả năng quan sát và kể tả rất có duyên. Nghĩa là thêm một phương diện nữa của văn tài Phạm Huy Thông đã được ghi nhận trên tờ tuần báo này.

2.4. Tản văn

Trên Tiểu thuyết thứ năm chúng tôi còn được đọc nhiều sáng tác thuộc thể loại tản văn của Nguyễn Bính, Phạm Văn Kỳ, Tô Hoài, Nguyễn Hạnh Đàn… Những sáng tác này đã góp phần làm cho bức tranh văn chương trên tờ báo thêm phần phong phú về thể loại. Các tản văn của Nguyễn Hạnh Đàn được tuyển chọn vào Tiểu thuyết thứ năm tác giả và tác phẩm bao gồm: Mùa đông (số 16), Hò khoan (số 17), Tiếng thu không (số 36), Diễm Lan Tiên (số 44). Phạm Văn Kỳ cũng có hai tản văn về Hà Nội là Hà Nội đẹp trong hương cúc (số 12) và Hà Nội đẹp trong thư viện (số 15). Cũng trên Tiểu thuyết thứ năm mới thấy, Thâm Tâm - Nguyễn Tuấn Trình không chỉ là một nhà thơ. Khác với “Điệu thơ gấp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi gân guốc” (Hoài Thanh - Hoài Chân), các bài tản văn của Thâm Tâm như Những bông cỏ may (số 2), Ở trong vườn anh (số 2), Cánh bướm (số 5), Hai trái hồng (số 6)… được viết bằng một chất giọng nhỏ nhẹ mà da diết, chứa chan xúc động của một tâm hồn thi nhân say đắm cuộc đời. Tác giả đã đem đến cho người đọc cảm xúc dạt dào về mùa thu qua những bông may, những cánh bướm, trái hồng... Những sự vật có thực, rất cụ thể đã được tác giả mượn để nói về một thứ rất trừu tượng, ấy là tâm hồn con người, là số phận của những người con gái dường như chưa trọn vẹn con đường tình ái. Chẳng hạn, Hai trái hồng [3, 620-622], đó không phải chỉ là chuyện của những trái hồng vàng ngà, ròn như cùi dừa, và da bóng như nước men, mà còn là hình ảnh của Những người con gái đẹp làm sao! Những người con gái nói dịu như gió mùa thu, có những tấm lòng vừa vừa như trái hồng ngâm hay chín nẫu như trái hồng thắm… Tác giả nhận ra Người này còn son trẻ và trinh bạch như những trái hồng ngâm…, Người kia đã trụy lạc, và cầm những trái hồng chín đỏ. Một lối ví von giàu hình ảnh, đủ sức gợi lên trong lòng người đọc mối thương cảm cho số phận con người.



2.5. Nghiên cứu - phê bình văn học

Nghiên cứu - phê bình văn học là một bộ phận của nền văn học phát triển. Nghiên cứu - phê bình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX là một phần không thể tách rời của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Điều này vừa có thể hiểu là nền văn học phát triển theo hướng hiện đại đã sản sinh ra lý luận phê bình, vừa có thể được hiểu lý luận phê bình đã mang đến tính hiện đại cho nền văn học. Trên tuần báo Tiểu thuyết thứ năm, các công trình nghiên cứu - phê bình văn học chiếm số lượng khá lớn. Hầu như số báo nào cũng có mục này gắn liền với những tên tuổi mà lịch sử nghiên cứu - phê bình văn học Việt Nam hiện đại không thể không nhắc tới như Trương Tửu, Chế Lan Viên, Lê Thanh, Lê Tràng Kiều… Theo Trần Đình Sử, lý luận - phê bình văn học Việt Nam giai đoạn 1932-1945 có thể chia làm hai giai đoạn nhỏ: giai đoạn đầu từ 1932 đến 1939 chủ yếu là thời gian xuất hiện những cuộc tranh luận gay gắt, sôi nổi trên báo chí, đặt ra những vấn đề thiết thân của văn học; giai đoạn sau từ 1939 đến 1945 là giai đoạn sáng tạo, kết tinh những công trình lý luận văn học quan trọng [4, 690].

Tồn tại trong chặng sáng tạo, kết tinh của nghiên cứu - phê bình văn học trước 1945, Tiểu thuyết thứ năm có nhiều đóng góp quan trọng cho các thể loại văn học này. Phần gây được nhiều ấn tượng nhất của phê bình trên tờ báo chính là những bài phê bình tác giả. Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu là thi sĩ được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là từ sau sự ra đi vội vàng của nhà thi sĩ. Xin nghiêng mình chào một lần cuối nhà thi sĩ tài hoa mà mệnh bạc, Lê Tràng Kiều đã dành những lời thống thiết nhất thương cảm cho con người cả cuộc đời ngắn ngủi phải sống trong nghèo khổ, giàu thơ mà không giàu tiền, đến khi thác cũng chỉ là “cái chết sơ sài”. Hai bài viết của Lê Tràng Kiều: Nguyễn Khắc Hiếu không còn (số 35) và Nhân cái chết của một thi sĩ nghèo (số 36) đến nay đọc vẫn còn thấy xúc động. Cùng viết về sự kiện này, Lê Thanh đăng tới năm bài liên tiếp trên năm số báo: Một người có công với quốc văn (số 41), Nguyễn Khắc Hiếu – nhà làm báo (số 42), Công nghiệp của Tản Đà với văn xuôi ta (số 43), Nhà thi sĩ trong cõi mông lung (số 44), Tình non nước (số 45). Những bài tiểu luận của Lê Thanh được viết từ hơn 70 năm trước vẫn đem đến cho độc giả hôm nay nhiều điều bổ ích, thú vị về thi nhân “người của hai thế kỷ”. Ông đã dành những tình cảm hết sức sâu sắc ghi nhận những cá tính con người và cá tính văn chương cũng như công lao to lớn của thi sĩ đối với văn chương nước nhà. Có thể nói, đó cũng là những vấn đề mà rất nhiều nhà nghiên cứu - phê bình đương thời và hậu thế quan tâm, đề cập, vận dụng.

Bên cạnh thể phê bình, nhiều tiểu luận của Trúc Đường về đặc trưng của nghệ thuật như Cái đẹp và nghệ thuật (số 11), Nghệ sỹ (số 12), Thưởng thức nghệ thuật (số 13), Nhà văn (số 15), Làm văn không phải làm tuồng (số 18)... đã khái quát được những vấn đề cơ bản của mỹ học và lý luận văn học như: quan niệm về cái đẹp, về nghề văn, nhà văn, về quá trình sáng tạo nghệ thuật… Đặc biệt, ông là một trong số hiếm hoi những nhà nghiên cứu - phê bình văn học đầu thế kỷ XX sớm đề cao vai trò của tiếp nhận đối với sự phát triển của văn học. Qua các bài cảo luận ấy, người đọc thấy rất rõ lòng ông tôn thờ văn chương như thế nào. Ông viết: “… dù sống ở thời đại nào, dưới một chế độ nào, cái Đẹp vẫn cần cho người ta. Mà nghệ thuật, từ nghìn xưa, vẫn là câu hát hay để ru nhân loại đau khổ” [2; 515]. Và: “Văn chương có thể cứ bình tĩnh mà đi sâu vào lòng người và nhẹ nhàng mà gây nên những hoán cải, những giác ngộ, những sùng kính, và những mến yêu cho người đọc” [2; 528].



2.6. Thơ

Khi Tiểu thuyết thứ năm xuất hiện, cuộc đấu tranh giữa thơ cũ và thơ mới đã đi vào hồi kết, thơ mới đã giành thắng lợi hoàn toàn. Bởi vậy, thơ trên Tiểu thuyết thứ năm là thơ mới, thơ hiện đại, thoát ly hoàn toàn những quy phạm của thơ cũ. Hơn tất cả các thể loại đã kể trên, thơ chiếm vị trí quan trọng nhất trên những trang tuần báo này. Rất nhiều tên tuổi, quen và chưa quen, người đọc có thể gặp được ở đây. Đó là Nguyễn Bính, Thái Can, Bùi Hạnh Cẩn, Quỳnh Dao, Anh Thơ, Lê Thanh Xuyên, Thâm Tâm, Thanh Tịnh, Huy Vân, Yến Lan, Lưu Trọng Lư, Mộng Tuyết, Đỗ Huy Nhiệm, Nguyễn Hạnh Đàn, Dương Tử, Nguyễn Quang Hòa, Bích Khê Lê Mộng Thu, Phạm Huy Thông, Đồ Phồn, Phạm Văn Kỳ… Trong số này, ta dễ dàng nhận thấy không ít đỉnh cao của Phong trào thơ mới. Nguyễn Bính là một trong số đó. Thơ tình của Nguyễn Bính có phong vị rất riêng: giản dị, đằm thắm, chân quê mà không hề kém phần mãnh liệt, cháy bỏng. Và Nguyễn Bính được người đương thời mệnh danh là thi sĩ đa cảm với “mảnh hồn trong trẻo của tuổi thanh niên đã sớm theo luồng gió ái ân mà nên câu tuyệt diệu”. Rất nhiều bài thơ hay của Nguyễn Bính như Lỡ bước sang ngang (số 3), Em tôi (số 8), Cô gái lấy chồng (số 11), Cô hái mơ (số 16), Mẹ tôi (số 19), Tương tư (số 37)… đã đến tay độc giả đương thời nhờ tờ báo này.

Trong số những thi phẩm đặc sắc đăng tải trên Tiểu thuyết thứ năm, Hoàng hoa của Bích Khê được xem là một bài độc đáo. Bài thơ được đăng trong tờ báo số 30, thể hiện rất rõ ảnh hưởng của thơ tượng trưng phương Tây vào thơ Việt. Một trong những nguyên tắc sáng tác của chủ nghĩa tượng trưng là đề cao nhạc tính. Ở Hoàng hoa, chất nhạc bao trùm lên toàn bài bởi thanh bằng quán xuyến mọi âm tiết trong bài thơ. Những thanh âm rất lạ ấy lại tương giao cùng những gam màu hoàn toàn không dễ xác định: Màu ngưng lưng trời, Màu phơi nơi nơi…, Vàng phai nằm im ôm non gầy… Một thứ màu ta thường gặp trong thơ Hàn Mặc Tử (Vườn ai mướt quá xanh như ngọc), hay trong thơ Xuân Diệu (In như chiếc lá hết thì tươi xanh). Nghĩa là một thức sắc màu tượng trưng, không thể tái tạo bằng hội họa. Tính nhạc của bài thơ còn được tạo ra theo kiểu kí âm trùng điệp thường thấy trong âm nhạc: lặp ngữ, lặp từ, lặp vần. Đọc những câu như Đây mùa Hoàng hoa, mùa Hoàng hoa, hay: Ngàn khơi, ngàn khơi, ta, ngàn khơi, và: Non Yên tên bay ngang muôn đầu…, Ai xây mồ hoa chôn xuân tươi?… ta như muốn cất lên thành giai điệu. Đó là còn chưa kể cách ngắt nhịp và hợp vần cũng rất đặc sắc, tạo nên nhạc tính rất đậm đặc cho bài thơ.

3. KẾT LUẬN

Như vậy, có thể thấy, với sự hiện diện đầy đủ các thể loại văn học mới, tuần báo Tiểu thuyết thứ năm đã góp phần rất quan trọng trong việc định hình vững chắc hệ thống thể loại của nền văn học hiện đại Việt Nam. Không những thế, mỗi thể loại văn học đều đã kết tinh được nhiều tác phẩm có giá trị thực sự. Điều này không chỉ khiến cho tờ báo được bạn đọc đương thời yêu mến, mà còn góp phần tạo nên những thành tựu rực rỡ của chặng hoàn tất quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc.



tải về 1.05 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương