Thiên Chúa và Trần Thế Hồng y Joseph Ratzinger Đgh bênêđictô XVI bản dịch của Phạm Hồng Lam



tải về 1.72 Mb.
trang8/22
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích1.72 Mb.
#3938
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   22

5 CÁC GIAO ƯỚC

GIAO ƯỚC CŨ

Giao ước cũ là câu chuyện giữa Thiên Chúa với dân riêng Ngài. Chính Chúa đã cho dân này một tên gọi. Đó là ngày Ngài đánh vật với tổ phụ Gia-cóp bên sông Gia-cóp. Gia-cóp đã không chịu thua, vì vậy từ đây ông được gọi là „Is-ra-en“, kẻ tranh cãi với Chúa.

Tại sao Chúa lại phải chọn một dân riêng? Và tại sao lại là dân Do-thái?

Cựu Ước, chẳng hạn như trong sách Dân-số, luôn nêu lên lí do đặc biệt về sự tuyển chọn đó. Qua Mai-sen Chúa nói với dân Ngài: Ta không chọn ngươi vì ngươi là một dân đặc biệt lớn và đặc biệt quan trọng, cũng không phải vì ngươi có được phẩm cách này kia, mà vì Ta yêu ngươi.

Chúng ta không thể dùng lí luận để tìm hiểu việc tuyển chọn này, đó vẫn là một ẩn số. Vấn đề là Chúa chọn. Nhưng không phải Ngài chọn để loại trừ những dân khác, mà là để qua dân này Ngài tới với các dân khác, và để Ngài bước vào sân chơi lịch sử một cách cụ thể.

Suốt 3000 năm lịch sử, dân riêng đó đã phải trải qua 2000 năm lưu đày, và cho tới ngày nay cũng còn phải đấu tranh cho nền an ninh đất nước. Phải tự hỏi: Tại sao lại là Ai-cập to lớn và hùng mạnh với các đại đế Pha-ra-ôn, và tại sao một dân tộc được tuyển chọn nhỏ bé lại bị truy nã, lưu đày và bách hại suốt bao nhiêu thế kỷ- cho tới sém bị huỷ diệt hoàn toàn bởi nạn Quốc-xã?

Thiên Chúa có những khái niệm khác. Việc tuyển chọn của Ngài không mang nghĩa to lớn như ta hiểu. Ngài không cất nhắc dân Ngài lên hàng cường quốc, nhưng Ngài tự tỏ mình và gây tác động qua cái bé nhỏ. Tiêu chuẩn quan trọng của Chúa không phải là cường quốc, mà là thực tại đức tin.

Vì đức tin mà một dân tộc được chọn. Dân tộc này nằm lọt giữa các nước lớn Ai-cập và Babylon, và luôn bị họ đe doạ xâu xé. Như vậy, Chúa làm lịch sử của Ngài một cách hoàn toàn khác, không như một quyền lực trần gian. Và đó có thể là bài học cho Giáo Hội chúng ta, để ta hiểu rằng giá trị của mình không nằm nơi quyền lực thế gian, mà nơi việc mình luôn thể hiện và đại biểu cho một Thiên Chúa khác. Thời điểm lớn lao của Giáo Hội là thời điểm đau khổ và bách hại, chứ không phải lúc có nhiều tiền và nhiều quyền lực.Đây cũng là bài học cho chính ta, để nhìn ra đâu là cái cơ bản và đâu không là cơ bản trong cuộc sống. Chứ đừng hỏi tại sao Chúa lại làm thế. Ngài đã chỉ cho ta một con đường, một hướng đi, và Ngài giữ sự độc lập của Ngài.

Quả là một lịch sử lạ lùng. Dù dân Do-thái suốt 2000 năm lang thang, bị săn đuổi từ nước này sang nước khác, tôn giáo của họ vẫn không bốc hơi. Đây là một hiện tượng có một không hai trong nhân loại. Câu hỏi: Có sự liên quan nào giữa sự phát triển đầy bí ẩn của thế giới với sự phát triển của dân tộc Do-thái?

Theo tôi, rõ ràng có. Một dân tộc tí hon, không đất, không tên tuổi, suốt 2000 năm sống rải rác khắp thế giới, vậy mà vẫn giữ được đạo, vẫn giữ được căn cước Is-ra-en và do-thái của mình, quả là một bí ẩn tuyệt đối. Điều này cho thấy có sự tác động của một bàn tay nào khác trong đó.

Chúa đã không biến dân đó thành nước lớn, mà trái lại, họ đã trở thành một dân tộc mang nhiều đau khổ nhất trong lịch sử thế giới. Nhưng họ luôn giữ được căn cước của mình. Đức tin của họ không mất. Và đức tin đó luôn là một cái gai cho hoàn vũ Ki-tô giáo, một tôn giáo thoát sinh từ lịch sử do-thái và gắn bó với lịch sử đó. Như vậy, chỉ giải thích bằng các ngẫu nhiên lịch sử không thôi thì không đủ. Mọi cường quốc thời đó đều đã suy-tàn. Chẳng còn Ai-cập xưa, mà cũng chẳng còn dân Babylon hay Assiri. Nhưng Is-ra-en vẫn còn đó. Và nó chỉ cho ta thấy chút gì bền vững, vâng, cho ta thấy cái bí ẩn của Thiên Chúa.

Is-ra-en là cái nôi của đức tin Ki-tô giáo, và ta có thể nói không ngoa rằng, hai tôn giáo lớn này đã ảnh hưởng quyết định lên nền tảng cuộc sống của nhiều vùng đất lớn địa cầu. Cho tới hôm nay, dân Do-thái còn tác động nhiều lên việc phát triển văn hoá của nhiều quốc gia, mà Hoa-kì là một điển hình đặc biệt. Có phải dân Do-thái ngày nay vẫn là dân riêng của Chúa?

Đó là câu hỏi thời gian qua đã có những tranh luận kịch liệt. Dân Do-thái có một mối liên hệ đặc biệt với Chúa và Chúa không bỏ rơi họ, đó là điểm quá rõ. Và đó cũng là hướng nhìn của Tân Ước. Phao-lô nói với ta trong thư gởi giáo đoàn Rôma: cuối cùng thì cả Is-ra-en sẽ trở về. Nhưng vấn đề là sau khi đã hình thành Giáo Hội, đã hình thành Dân Chúa bao gồm mọi dân tộc, sau khi đã có Giao-uớc mới, thì một cuộc sống theo Giao ước cũ - một cuộc sống không mở ra cho cái mới của Đức Ki-tô – tự nó có còn giá trị nữa hay không?

Ngày nay có rất nhiều luận-thuyết trả lời cho câu hỏi đó. Là ki-tô hữu, chúng ta xác tín rằng bản chất Cựu Ước là hướng về Đức Ki-tô, và nó chỉ tìm thấy lời giải đích thực cũng như đích điểm tối hậu, khi nó được đọc từ quan điểm Đức Ki-tô. Ki-tô giáo không phải là một đạo nào đó khác với đạo của Is-ra-en, nhưng nó là cách đọc Cựu Ước mới với Đức Ki-tô.

Chúng ta đã thấy qua một lô thí dụ, là những câu chuyện và bản văn Cựu Ước chỉ là nhập đề để đi tới một cái gì khác. Chỉ khi ta đọc chúng qua Tân Ước thì ý nghĩa của chúng mới sáng tỏ và toàn hảo. Tân Ước vì thế không phải là cái gì chép thêm vào. Và thái độ của ta đối với Cựu Ước không phải là thái độ của người chiếm hữu trái phép một cái gì đó của người khác. Với ta, Cựu Ước chỉ là một đoạn đường dang dở, nếu không được tiếp tục với Tân Ước. Đó là xác tín nền tảng của Ki-tô giáo.

Nhưng, cùng với xác tín đó, ta cũng tin rằng Is-ra-en ngày nay vẫn có một sứ mạng đặc biệt. Chúng ta vẫn chờ thời điểm dân tộc này về với Đức Ki-tô, nhưng chúng ta cũng biết rằng, trong giai đoạn lịch sử gọi là đứng trước cửa này, họ vẫn mang một sứ mạng có tầm quan trọng đối với thế giới. Như vậy, dân tộc này vẫn nằm trong chương trình của Thiên Chúa một cách đặc biệt.

Nghĩa Chúa không rút lại lời, Is-ra-en vẫn là dân riêng của ngài?

Không, Chúa không rút lại, vì Ngài thuỷ chung. Dĩ nhiên, ta có thể thấy là Is-ra-en còn có một đoạn đường nữa phải đi. Là ki-tô hữu, chúng ta tin rằng kết cuộc rồi họ sẽ gặp Đức Ki-tô cùng với chúng ta. Nhưng không phải vì vậy mà họ bị coi thường và đẩy ra khỏi chương trình của Chúa, trái lại họ vẫn chung thuỷ với Ngài.



Như vậy có nghĩa là dân Do-thái phải, hoặc nên chấp nhận đấng Cứu Thế?

Chúng ta tin như thế. Điều này không có nghĩa là ta được phép ép họ theo Đức Ki-tô, nhưng ta phải chia sẻ sự kiên nhẫn của Chúa. Ta cũng phải nỗ lực sống sao cho cộng đoàn ki-tô không còn chống lại họ hay trở nên quá đáng đối với họ, mà ngược lại, phải làm sao để con đường trở về mở rộng thêm cho họ. Nhưng ta vẫn luôn xác tín Đức Ki-tô cũng là vị cứu tinh của dân Do-thái. Dĩ nhiên mọi quyết định đều nằm trong tay Chúa, Ngài sẽ quyết định khi nào và bằng cách nào dân Do-thái sẽ làm một với dân ngoại, khi nào và bằng cách nào tất cả đều quy tụ thành một Dân Ngài.



Phao-lô viết trong thư gởi giáo đoàn Rô-ma: “Cả tôi cũng là dân Do-thái, cũng là một hậu duệ của Abraham theo chi Benjamin”. Dù vậy, ngài cho hay, một phần dân này vẫn “cứng đầu”. Và ngài tiếp: “Nhìn theo Tin Mừng thì họ là kẻ thù của Chúa…, nhìn theo sự tuyển chọn thì họ là dân được Chúa yêu”. Quả nặng lời.

Đó lại là một trong những nghịch lí của Tân Ước. Việc không chấp nhận Đức Ki-tô, một mặt, đẩy dân Do-thái vào một hoàn cảnh xung khắc với hành động tiếp nối của Chúa, nhưng đồng thời ta cũng biết, là Chúa vẫn chung thuỷ với họ. Họ không bị loại ra khỏi ơn cứu độ, nhưng vẫn phục vụ Ngài theo cách riêng của họ, và vì thế Chúa vẫn chờ họ, cũng như Ngài vẫn chờ ta



SÁCH CỦA MỌI SÁCH

Kinh Thánh, cuốn sách ta thường đọc, gồm 72 cuốn: 45 cuốn của Cựu Ước và 27 cuốn của Tân Ước. Lâu đời nhất là sách Mai-sen, đã có từ hơn 3000 năm. Người ta bảo, Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn và chỉ vẽ cho người viết phải viết thế nào và Ngài đã giúp họ tránh lầm lẫn: “Điều này được viết cho dòng dõi sẽ tới, để dân tộc sắp được tạo thành ca ngợi Thiên Chúa”.

Có phải tất cả Kinh Thánh thật sự đều là lời Chúa không? Nếu đúng như thế, thì lẽ ra Chúa Thánh Thần phải biết trái đất hình cầu, chứ đâu phải hình dĩa!

Vâng, người ta có thể nêu ra những thắc mắc hài hước như thế. Nhưng anh thấy đó, người ta cũng phải suy nghĩ về nét cá biệt của Kinh Thánh.

Hãy so sánh Kinh Thánh với kinh Co-ran, chẳng hạn. Tín hữu Islam xác tín rằng Co-ran do Chúa trực tiếp đọc cho viết. Chẳng cần phải thông qua lịch sử, chẳng cần môi giới con người nào, đó là lời Chúa trực tiếp. Kinh Thánh, trái lại, có một cấu trúc hoàn toàn khác. Nó được môi giới qua một lịch sử, và chính sách đó được viết trải dài hơn một ngàn năm. Việc Mai-sen hay một ai đó có thật sự là tác giả hay không, chuyện này ta tạm để qua một bên. Nhưng đúng là văn chương Kinh Thánh đã hình thành trải qua một ngàn năm lịch sử, và trong đó phản ảnh nhiều tầng lịch sử và văn minh khác nhau. Chẳng hạn trong ba chương đầu của sách Sáng-thế, ta đối diện với một hình thái văn minh khác với hình thái của thời lưu đày hay thời sách Khôn ngoan hoặc cuối cùng là thời văn chương tân ước. Như vậy, rõ ràng đây không phải là lời trực tiếp của Chúa, nhưng là lời viết về một lịch sử do Ngài dẫn lối, là chứng từ của lịch sử đó.

Đọc Kinh Thánh, người ta bắt gặp những câu chuyện thật gay cấn và những dụ ngôn ơn ích cho cuộc sống – nhưng cũng gặp vô số chuyện đầy mâu thuẫn. Tôi chỉ hiểu Kinh Thánh như là lời Chúa, khi đọc nó trong sự lôi cuốn của cái nhất thống, của cái toàn thể, chứ không phải đọc từng chữ, từng câu. Đó là một cái gì rất nền tảng và rất gây cấn. Kinh Thánh vì thế chứa đựng nhiều chuyện mâu thuẫn hoặc chắc chắn hào hứng, bởi vì, trước mắt ta, đức tin được trình bày như là một hệ thống chưa hoàn chỉnh.

Kinh Thánh không phải là sách giáo khoa về Chúa hay những chuyện của Ngài, nhưng nó chứa đựng những hình ảnh mở ra các nhận thức và những cái nhìn đang phát triển, và trong đó cũng cho thấy một lịch sử đang được hình thành. Tôi chỉ hiểu Kinh Thánh như là lời Chúa, nếu khi đọc, tôi biết nối cái này với cái kia, biết dùng hình ảnh này để sửa hình ảnh kia. Nếu khi đọc, tôi không đặt những hình ảnh đó trong liên quan với cuộc sống phúc âm, thì lúc đó tôi chỉ đọc những câu chuyện lịch sử mà thôi. Dĩ nhiên các câu chuyện đó có những trạng huống đặc biệt, nhưng chúng cũng chỉ là những câu chuyện riêng rẽ - và đó không hẳn bao giờ cũng là lời Chúa trực tiếp.

Rắc rối quá.

Một là, ta coi Kinh Thánh như những câu chuyện lịch sử thuần tuý, trong đó có thể nói các yếu tố con người được phơi bày ra một cách không che đậy. Hai là, ta nhìn nó trong tổng thể như là lời Chúa, trong đó các sự việc có liên quan với nhau và chúng mở ra từ từ. Nhìn như thế, thì tiêu chuẩn linh ứng và không sai lầm không thể áp dụng một cách máy móc được ở đây. Không thể rút ra một câu nào đó, và bảo rằng câu này trong sách Chúa và tất nhiên nó phải đúng.

Kinh Thánh là lời Chúa, khi ta nhìn nó như một lịch sử thống nhất. Người Do-thái cũng quan niệm như thế. Họ phân biệt giữa kinh Thora như là quy điển thật sự của Kinh Thánh, và các sách tiên tri và sách truyện khác như là một loại khung. Còn chúng ta, như đã nói, chúng ta xác tín Tân Ước là chìa khoá của Cựu Ước.

Đó là lí do các giáo phụ thần học và thần học thời trung cổ không bao giờ gọi Kinh Thánh là “mạc khải”. Mạc khải là cái gì lớn hơn, cái gì đứng đàng sau Kinh Thánh. Và linh ứng có nghĩa là những tác giả Kinh Thánh – nên nhớ Kinh Thánh thường là kết quả của các tập thể - đều xuất phát từ dân Chúa và viết về lịch sử của Ngài. Gọi là linh ứng, vì họ là những người, xuyên qua nhiều trung gian, đã diễn tả lịch sử dân Chúa và sự hướng dẫn của Ngài ra bằng chữ viết, trong đó có phần đóng góp của chính Chúa.



Có nghĩa là toàn bộ lịch sử nhân loại đã được ghi chép trong Kinh Thánh, từ đầu đến cuối. Trong đó đã gồm mọi khôn ngoan, mọi bí mật, và cả mọi biến cố cho tới hôm nay và cả tương lai. Muốn hiểu nó, chỉ cần thủ đắc một thứ chìa khoá. Vì thế ta chỉ cần học cách mở khoá. Ngài nghĩ gì về quan điểm này?

Nếu hiểu một cách phiến diện và máy móc thì quan điểm đó sai. Có người tin rằng đã nắm được chìa khoá, rồi bảo rằng Chúa muốn nói đến chiến tranh nguyên tử trong sách Khải-huyền, chẳng hạn, và gán cho Chúa là tác giả của những biến cố. Dĩ nhiên ta có thể theo cách đó nhìn ra nhiều tương đồng lạ lùng và thấy được nhiều chuyện đã được nói trước. Nghĩ rằng trong Kinh Thánh đã chứa sẵn mọi sự kiện thực nghiệm, là hoàn toàn sai.

Cái toàn thể và tổng thể có thật trong Kinh Thánh mang bản chất hoàn toàn khác. Kinh Thánh nói về toàn bộ lịch sử, và cũng mở ra những nguồn sáng cơ bản chiếu soi đường đi của lịch sử. Nhưng Chúa không nghĩ thay chúng ta. Ngài không thay thế khoa học, không thay thế những nỗ lực tinh thần của chính chúng ta. Ngài để cho chúng ta, như đã nói, tự do vật lộn với thế giới. Ngài không nhảy vào lỗ hổng kiến thức của ta, nhưng ban cho ta khôn ngoan - sự khôn ngoan này dĩ nhiên bao gồm cả kiến thức trong nó, vì nếu không, thì nó chẳng phải là khôn ngoan thật sự. Ngài cho ta những định hướng cần thiết để ta có thể sống đúng. Những bảng chỉ đường của Ngài có giá trị cho toàn bộ lịch sử, cho mọi nơi mọi thời, nhưng vấn đề là ta phải luôn hiểu chúng một cách mới. Sách giáo lýcó ghi lại câu của đại giáo chủ Grê-gô-ri-ô: Lời trong Kinh Thánh lớn lên với người đọc. Và người đọc cũng lớn lên với Lời đó, và chỉ như thế Lời mới cho thấy nét cao cả của nó và đồng thời lớn lên trong lịch sử.

Có người tin rằng Kinh Thánh chứa đầy bạo tàn, bất dung và thiếu độ lượng. Họ đếm được 250 chỗ nói tới việc tiêu diệt kẻ thù. Mặt khác, một thầy dòng già nói với tôi, càng đọc Kinh Thánh, cuộc sống thường nhật của ta bắt đầu càng thay đổi, tiến về hướng tốt đẹp hơn.

Đúng, tôi cũng muốn nói như thế. Nếu tôi đọc Kinh Thánh chỉ để tìm những cảnh rùng rợn, hay để thu góp những màn máu me, thì việc đọc hẳn chả giúp gì cho tâm hồn.

Một mặt, Kinh Thánh quả là tấm gương phản chiếu lịch sử, nhưng mặt khác, nó cũng là con đường dẫn đưa từng người tiến về ánh sáng. Khi tôi đọc Kinh Thánh đúng với tinh thần của nó, nghĩa là đọc trong tư thế hướng về Đức Ki-tô, cũng như khi người Do-thái đọc nó với tinh thần vô tư và tin tưởng, lúc đó Kinh Thánh có sức biến đổi thật. Nó đưa tôi vào phong cách của Đức Ki-tô, chỉ ra cho tôi ý nghĩa cuộc đời và làm chính tôi biến đổi.

Ngài có lần nói, sở hữu chủ của Kinh Thánh là dân thường, chứ không phải là hạng thông thái.

Điều đó tôi muốn nói với thần học giải phóng. Đúng là: Kinh Thánh do Dân Chúa viết ra, các tác giả riêng rẽ được linh ứng, vì thế tiếng nói của họ cũng là tiếng nói của Giáo Hội, và qua Giáo Hội Chúa nói với ta. Vì thế, Kinh Thánh cũng được trao cho đức tin của những người đơn sơ.

Dĩ nhiên cần có những chuyên viên, những học giả để diễn giải những chuyện thuần lịch sử và khoa học. Nhưng ý nghĩa quyết định của Kinh Thánh thì ngay tín hữu bình dân cũng hiểu được. Kinh Thánh thật sự được viết ra cho mọi người nên ai cũng hiểu. Thánh An-tịnh có một câu thật hay: Con thỏ và con lừa rừng đều uống từ một nguồn suối, cả hai đều đã khát. Mà quả thực như thế, thỏ và lừa đều nhận được của uống phù hợp cho mình.

Có một lô những tài liệu không được nhận vào Tân Ước. Ngày nay, những tài liệu thuộc loại ẩn thư đó đã được khai quật và được nói đến khá nhiều. Có lẽ người ta đã kết thúc công việc điển chế Kinh Thánh quá sớm?

Chuyện điển chế là một trong những vấn đề lớn, ngay cả cho Cựu Ước. Cựu Ước cũng có nhiều ẩn thư, và cũng có những quy điển khác nhau. Người ta đã phân biệt rất sớm giữa quy điển Alexandria, là tập hợp các sách Cựu Ước được dịch ra tiếng Hi-lạp, và quy điển Masora, mà đạo Do-thái đã ấn định sau thời Đức Ki-tô. Dĩ nhiên, đã có những tài liệu quan trọng – như kinh Thora và cả phần nhiều các sách Tiên tri – từ lâu đã được xếp vào loại quy điển rồi, nhưng nói chung, vào thời Đức Ki-tô công việc điển chế vẫn còn chưa xong.

Từ cái nhìn Tân Ước, hầu như toàn bộ quy điển Alexandria được công nhận là quy điển của Cựu Ước. Còn các giáo sĩ Do-thái chọn quy điển Masora, là bản mỏng hơn, vì theo họ bản Alexandria chứa quá nhiều yếu tố Ki-tô giáo. Cuối cùng, Luther chọn bản quy điển do-thái, mà ông cho là bản duy nhất đúng. Vì vậy ngày nay Cựu Ước của Tin lành mỏng hơn Cựu Ước của ta.

Lịch sử điển chế Tân Ước quả rất nhiêu khê. Dù các phần cơ bản đã định hình vào cuối thế kỷthứ hai rồi, nhưng chuyện điển chế vẫn dây dưa mãi tới thế kỷthứ năm.

Nhìn từ quan điểm thuần lịch sử, hay nói như nhà thần học tin lành Harnack[1], là nhìn từ góc độ tự do, ta có thể nói được rằng, việc điển chế Tân Ước xẩy ra một cách tình cờ, dù vậy, các tài liệu thật sự quan trọng và giá trị đều đã được nhận vào đầy đủ trong đó. Nếu xét từ góc độ đức tin, thì việc quy điển đã không do một ai làm nên cả, chẳng phải do một nhóm nhà thông thái tụ nhau lại nghiên cứu sắp đặt, nhưng nó đã được hình thành lần hồi qua việc Giáo Hội sống trực tiếp với những bản văn sống động đó, và nhất là chúng cũng đã được bảo toàn nhờ phụng vụ. Người xưa đã tự hỏi: Cái gì nên đọc? Cái gì mang giá trị phổ quát? Cái gì đã được ki-tô hữu do-thái, hi-lạp và la-tinh công nhận? Có thể nói, qua một tiến trình sàng lọc khó khăn, Giáo Hội đã chọn ra những gì là nền tảng chung (dĩ nhiên có những chút khác biệt tuỳ từng vùng trong Giáo Hội).

Ngày nay, có những nỗ lực xét lại và làm lại từ đầu một phần quy điển. Đặc biệt các phong trào nữ quyền thấy quan điểm của họ được phản ảnh trong các tài liệu ngộ giáo và những tài liệu này lại không được nhận vào Tân Ước. Vì thế, họ đòi có một quy điển khác. Nhưng, như vậy có nghĩa là chối bỏ Giáo Hội sống động để thay vào đó những tái cấu trúc của các nhà thông thái. Như vậy là người ta muốn có một cuộc trưng cầu về đức tin. Vấn đề là: Tôi tin có Giáo Hội, Giáo Hội này được nhận ra nơi một đức tin chung và đặt nền tảng trên đức tin đó. Hay tôi cho rằng việc tuyển chọn các bản văn mang tính tình cờ và lịch sử? Nếu tôi theo quan điểm thứ hai, thì tôi cứ việc tìm lấy một Ki-tô giáo khác, và cứ việc tìm cho mình những nguồn mới khác.



Mặt khác, chẳng tìm đâu ra một nguyên bản các sách Kinh Thánh nào. Lại nữa, làm sao tránh khỏi lỗi lầm khi chép lại các văn bản. Như vậy làm sao xác định được sự trung thực của Kinh Thánh?

Vẫn xác định được, đó là điều chắc chắn. Dĩ nhiên người ta vẫn còn tranh luận nhau từng chữ từng câu. Cứ đọc ấn bản Tân Ước mới và mang tính phê bình của Nestle-Aland[2] thì rõ, trong đó có biết bao điểm khác với ấn bản thường. Nhưng, dù đọc và học được nhiều cái hay trong các bản chép tay đó, dù biết được những phong trào và kinh nghiệm của Giáo Hội phản ảnh trong đó, cuối cùng ta vẫn nhận ra nét bản chất không đổi của Kinh Thánh. Dù ta chọn cho mình một bản chép tay khác hay chọn một lối đọc khác, thì Kinh Thánh vẫn vậy. Có nhiều biến thái và khía cạnh hay, nhưng bản văn và bản chất thực của nó nhìn chung vẫn không đổi. Và chính vì tính trung thực của nó được bảo đảm, nên nó có thể xuất hiện dưới nhiều biến thái khác nhau.



Phan-sinh không những đọc Kinh Thánh, mà còn dùng nó như một lối chơi bài. Tương truyền, khi lập dòng, ngài mở đại một trang sách và nói: “Chúng ta làm như thế!”. Rồi lại mở một trang khác và nói: “Đấy là luật dòng chúng ta!”. Cả thánh An-tịnh cũng có lần mở đại một trang và áp dụng cho đời mình; trang đó đã biến đổi hoàn toàn con người ngài.

Chuyện đó có lâu lắm rồi. Cả thánh An-tịnh cũng đã từng nghe chuyện đó. Trang Kinh Thánh đã đổi đời An-tịnh và Phan-sinh. Vua Baudouin nước Bỉ có lần kể cho tôi hay, ông cũng áp dụng cách thức đó, và luôn gặp được những câu ông cần, và chúng đã mang lại cho ông ơn ích không thể tưởng. Trong một cuộc khủng hoảng chính phủ thật trầm trọng, ông không còn biết làm sao để lập chính phủ, ông liền vào nhà nguyện, cầm Kinh Thánh dở ra và đã tìm được phương cách giải quyết. Chuyện có thể xẩy ra.



Và đó là lời khuyên cho những ai muốn lập chính phủ…

Dĩ nhiên. Nhưng ta không thể đơn giản dùng nó như một toa thuốc. Bằng không, Kinh Thánh trở thành sách bói toán. Điều đúng và quan trọng, là ta đọc Kinh Thánh thường đều, và để lời Chúa đồng hành và hướng dẫn ta. Cứ suy tư với nó, ta sẽ gặp được những lời thiết thực có ích cho ta trong những tình huống nhất định.



6. LỀ LUẬT

VỀ BỐN LỀ LUẬT

Giáo Hội đã lập ra bốn lề luật. Những lề luật này đặt nền tảng trật tự cho việc tổ chức cuộc sống trong thế giới. Các luật đó: thứ nhất là luật thiên nhiên; thứ hai là luật dục vọng; thứ ba là luật giao ước cũ qua Mai-sen; thứ bốn là luật giao ước mới qua Đức Giê-su Ki-tô. Tóm tắt của tôi như thế có đúng không?

Trước hết, phải nói các lề luật đó không có cùng một cấp độ ngang nhau. Luật thiên nhiên cho biết chính thiên nhiên cũng có một sứ điệp luân lí. Công cuộc tạo dựng còn mang một nội dung tinh thần, và nội dung này không chỉ mang tính cơ giới toán học. Sứ điệp luân lí là chiều kích nâng khoa học tự nhiên lên trong các luật thiên nhiên. Nhưng không phải chỉ có tinh thần, không phải chỉ có „luật thiên nhiên“ trong cuộc tạo dựng. Tạo dựng tiềm ẩn trong nó một trật tự, và nó cũng chỉ cho ta thấy trật tự đó. Qua trật tự này, ta đọc được suy nghĩ của Thiên Chúa và hiểu được mình phải sống ra sao.

Điểm thứ hai: Luật dục vọng muốn nói lên rằng sứ điệp của tạo dựng đã bị che mờ. Tội lỗi trong thế giới là một thứ đối lực chống lại sứ điệp đó. Luật này cho thấy con người, như người ta vẫn nói, đang chống lại mình. Về điểm này, Phao-lô đã nói như sau: Con người cảm thấy có sự hiện diện của một luật trong họ, nó khiến họ nhiều khi làm chuyện trái với mong muốn của mình. Điều này như vậy là một cấp độ khác. Trong khi luật thiên nhiên cho biết sứ điệp tiềm ẩn nơi tạo dựng, thì luật dục vọng cho thấy con người tự xây cho mình một thế giới riêng, và như vậy đã mang vào thế giới một chiều hướng đối nghịch.

Đó là điều đặc biệt thánh Tô-ma ở Aquino đã diễn tả và kiện toàn?

Vâng. Tô-ma là tổng hợp và kết quả của những điều trên.

Điểm ba : luật giao ước cũ. Cả luật này cũng có nhiều tầng ý nghĩa. Căn bản của luật này là mười giới răn ở núi Si-nai. Thêm vào đó, cả 5 sách của Mai-sen cũng được gọi là « luật ». Các sách này là bộ luật của Is-ra-en. Chúng đề ra những quy tắc sống, những lề lối cầu nguyện và những quy định đạo đức phải theo cho dân này. Phao-lô đã xét kĩ các luật đó, và nhận ra rằng luật Mai-sen đã là một quyền lực thật sự. Luật này vẫn còn giá trị cho dân Do-thái, và trên nhiều bình diện, cho cả chúng ta nữa, chúng ta sẽ bàn thêm chuyện này sau. Nhưng Phao-lô đồng thời cho hay, luật đó hoàn toàn không thể giải phóng được con người. Lí do: Luật càng đòi hỏi mạnh bao nhiêu thì bản năng chống lại nó càng lớn bấy nhiêu.

Chính Đức Giê-su Ki-tô, theo Phao-lô, là kẻ đã giải phóng lề luật, đã đưa tự do đức tin và tình yêu thay thế lề luật. Tiếp nối í của thánh Phao-lô, Tô-ma ở Aquino đã nói tới một luật gọi là luật Đức Ki-tô, và luật này có một bản chất hoàn toàn khác. Thánh Tô-ma nói, luật mới, luật Đức Ki-tô, là Thánh Thần, nghĩa là đó là một sức mạnh thúc đẩy ta từ bên trong, và ta không hoàn toàn bị lệ thuộc bởi bên ngoài.

Như vậy chúng ta có tất cả bốn tầng khác nhau : thứ nhất là sứ điệp của tạo dựng. Thứ hai là khuynh hướng đối nghịch của con người trong lịch sử, muốn chống lại Thiên Chúa và muốn tạo cho mình một thế giới riêng. Thứ ba là tiếng nói Thiên Chúa trong Cựu Ước, Cựu Ước đề ra cho con người một con đường, nhưng con người chống lại con đường đó và xem ra họ bất lực trong việc chống đó. Luật giao ước cũ tạm thời vẫn còn, nó mở ra cánh cửa vượt qua nó. Và cuối cùng thứ tư là Đức Ki-tô, Ngài đã đến trong ta không qua các lề luật bề ngoài, và đã mở ra một hướng nội tâm cho cuộc đời chúng ta.

Nhưng câu này của Đức Giê-su làm cho tôi khó chịu : « Đừng nghĩ rằng tôi đến để phá lề luật và các tiên tri. Tôi đến, không phải để phá, mà để làm cho trọn. Amen, tôi cũng muốn nói điều này : Cho tới khi trời đất qua đi, một nét chữ nhỏ nhất trong luật cũng không qua đi, cho tới khi tất thảy mọi sự đã xảy ra ».

Đức Ki-tô đến không như một kẻ phá luật. Ngài không đến để bãi bỏ luật hay biến nó thành ra vô nghĩa. Phao-lô cũng hành động như thế, cả cho dù một số người theo quan điểm của ngài nhận thấy có điều khó hiểu trong câu nói của Đức Giê-su được ghi lại bởi Mat-thêu trên. Đức Giê-su nói, toàn bộ luật cũ có vai trò sư phạm rất quan trọng. Và Ngài đến để làm trọn nó. Điều này cũng có nghĩa là để nâng nó lên một tầm cao hơn. Ngài làm trọn nó qua cuộc khổ nạn, qua cuộc sống và sứ điệp của Ngài. Và nhờ vậy, toàn bộ luật đó giờ đây mới có được ý nghĩa. Tất cả những gì luật cũ gói gém và muốn nói lên, đã được thực hiện nơi con người Đức Giê-su.

Đó là lí do tại sao chúng ta giờ đây chẳng cần phải thực thi từng mớ chi tiết của luật cũ nữa. Sống cộng đoàn với Đức Ki-tô có nghĩa là chúng ta đang ở nơi luật đã được nên trọn, nơi luật có chỗ đứng đúng của nó, nơi nó đã được « nâng lên », nghĩa là nơi nó được bảo tồn và đồng thời cũng được biến thể.

Có biết bao nhiêu thư viện chứa đầy những bộ luật quy định cách sống chung và cách hành xử cho con người trong các quốc gia. Nhưng ngược lại, Đức Giê-su muốn tóm tắt những luật đó trong vài câu dễ hiểu và có thể áp dụng cho mọi người trên trái đất, Ngài muốn có một bộ luật chính yếu cho thế giới.

Trước câu hỏi: Thưa Thầy, điều luật nào quan trọng nhất, Ngài trả lời : « Ngươi nên yêu Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết tâm hồn và với hết mọi ý nghĩ. Đó là điều luật thứ nhất và quan trọng nhất. Điều thứ hai cũng quan trọng không kém : Ngươi nên yêu tha nhân như chính ngươi ». Và Ngài còn nói thêm, như thể để cho mọi người có thể nắm bắt: « Hai điều luật đó là toàn bộ lề luật và các tiên tri ».

Quả thực đó là bước đột phá lớn, là tổng hợp quan trọng mà Đức Giê-su đã mang tới. Ngài giúp ta vượt qua mọi góc độ và chi tiết để nhìn vào tổng thể : tất cả mọi thứ đều nằm sẵn trong hai điều răn đó. Thiên Chúa và tha nhân gắn liền với nhau. Như vậy, Đức Giê-su đã đơn giản hoá vấn đề một cách tuyệt diệu, đây không phải là Ngài coi nhẹ hay tầm thường hoá, nhưng là cơ bản hóa vấn đề. Ngài đưa ra ánh sáng tâm điểm của vấn đề, tất cả mọi chuyện đều đặt nền trên đó, đều xoay quanh nó, không có nó là không được, như Phao-lô đã nói. Nếu không có nó như là giới răn nền tảng, thì mọi chuyện chúng ta nói đều là phèng la inh ỏi mà chẳng thực tế. Mọi hành vi sùng mộ và mọi thứ sinh hoạt sẽ là trống không, nếu trong chúng không có hồn tình yêu. Chúng không giúp ta đụng được với Chúa và cũng chẳng giúp được gì cho tha nhân. Như vậy thì việc tóm kết và đơn giản hoá đó quả là một đột phá nền tảng, nó chỉ ra sự đơn giản của Thiên Chúa và đồng thời cũng cho thấy nét đẹp và cao cả trong đòi hỏi của Ngài.

Ta hẳn biết rằng, trong Is-ra-en xưa, luật pháp và quy chế luân lí quốc gia đều hoà chung làm một với lề luật phụng tự. Qua biến cố Đức Giê-su, những thứ đó đã được tách ra. Tôn giáo có thể nói giờ đây nhận được bản chất riêng của nó. Tôn giáo vẫn là hồn cho quốc gia và luật pháp quốc gia, và nó vẫn đề ra mực thước đạo đức cho quốc gia, nhưng luật pháp quốc gia giờ đây không còn là một với những gì đạo đức hay đức tin dạy.

Với cái nhìn đó, các quốc gia càng ngày càng phải tạo ra cho mình những quy định và tiêu chuẩn pháp lí riêng. Nhưng những cái đó sẽ trống rỗng, nếu chúng không có hồn, và nếu con người từ thâm tâm không nhận ra được yêu cầu nền tảng của cuộc sống, và từ đó biến những quy định hành xử có tính cách thuần bề ngoài đó trở thành một cuộc chung sống hài hoà, công bình.



Có phải đó là điều mà ngài đã có lần phát biểu: luật thiên nhiên đúng nghĩa là một luật đạo đức?

Đúng. Như đã nói, thiên nhiên không những mang trong mình những luật diễn biến, như khoa học tự nhiên nghiên cứu, mà còn cả một sứ điệp sâu xa nữa. Sứ điệp này soi đường dẫn lối ta. Và khi Giáo Hội nói tới luật thiên nhiên, thì đây không phải là những luật của khoa học tự nhiên, mà đó là bảng chỉ đường nội tâm mà Tạo hoá đã bật sáng trong ta.



Каталог: KHANG

tải về 1.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương