Thiên Chúa và Trần Thế Hồng y Joseph Ratzinger Đgh bênêđictô XVI bản dịch của Phạm Hồng Lam



tải về 1.72 Mb.
trang7/22
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích1.72 Mb.
#3938
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   22

THIÊN ĐÀNG VÀ ĐỊA NGỤC

Một trong những thành tố cơ bản của đức tin là quan điểm về thiên đàng, hoả ngục, và ngay cả luyện ngục. Quan điểm này ngày càng trở nên xa lạ và bị ngờ vực.

Chết không phải là hết, đó là xác tín của đức tin Ki-tô giáo. Ngoài ra, đây cũng là niềm tin chung của nhân loại, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Một cách nào đó, con người biết rõ: còn có một cái gì thêm, còn có một cái gì hơn nữa. Điều đó có nghĩa là chúng ta có trách nhiệm trước Chúa, có nghĩa là có một toà án, có nghĩa là cuộc sống con người có thể được cứu rỗi hay bị hư mất.

Liên quan tới việc được cứu rỗi, mà chúng ta ai cũng hi vọng đạt đến, dù mình vẫn còn nhiều thất bại, thì lửa luyện ngục đóng vai trò quan trọng. Nào ai trong chúng ta có được cuộc sống toàn hảo. Và hi vọng cũng không có nhiều người trong chúng ta hoàn toàn bị hư mất. Dù gặp nhiều thất bại, đa số chúng ta vẫn ao ước điều tốt. Chúa có thể đưa tay đón lấy bình vỡ và hàn gắn nó lại. Nhưng với điều kiện là ta phải có một sự thanh tẩy cuối cùng nào đó, tức là lửa luyện ngục; ánh lửa nhìn của Đức Ki-tô này, có thể nói, sẽ uốn ta lại cho đúng, và nhờ đó ta mới có thể gặp được Chúa, và có thể bước vào được trong nhà Ngài.

Nghe ra vừa khiêu khích vừa cổ hủ.

Tôi tin đó là một cái gì rất người. Có thể nói, ngay cả nếu không có luyện ngục thì cũng nên lập ra nó, vì ai dám bảo mình đã toàn hảo, có thể trực diện với Chúa. Và ta cũng chẳng muốn mình, nói như trong Kinh Thánh, là chiếc “bình bất hạnh” phải bị bỏ đi, nhưng muốn mình được cứu độ. Lửa luyện ngục thật ra có nghĩa là Chúa hàn gắn lại những mảnh vỡ, là Ngài có thể thanh tẩy ta thật sạch, để ta có thể tới được bên Ngài và có được một cuộc sống dư đầy.

Còn các tín hữu Phật giáo hay Tin lành làm gì ở thế giới bên kia? Một vở kịch xưa của tiểu bang Bayern bảo rằng, dân Phổ có riêng một thiên đàng, bởi vì nếu không, thì thiên đàng của Bayern không còn là thiên đàng nữa.

Tôi muốn nói rằng, với cái nhìn thật người, thì lửa luyện tội cũng giúp ta bỏ đi được các chủ trương cá biệt kiểu đó. Nó giúp ta quẳng đi những gì không kham nổi, và tẩy sạch những gì không thể chịu đựng, để trong ta chỉ còn hiện ra cái tâm trong sáng, và ta nhận ra rằng, tất cả mọi người đều thuộc vào một bản đại hoà tấu chung.

Còn các Phật tử, họ quan niệm tất cả chỉ là khổ đau, nên cũng muốn bước ra khỏi bánh xe khổ đau của quá khứ, để bước vào một cõi không tinh tuyền, nhưng cõi không này, một cách nào đó, cũng không phải là hoàn toàn hư vô. Vì thế, dù với một lối diễn tả hoàn toàn khác ta, đạo đó cũng dạy một cái gì như hi vọng vào một hiện hữu tối hậu chân thực.

Chúng ta chia sẻ với tín hữu tin lành niềm tin có thiên đàng và hoả ngục. Vì nhiều lí do, trong đó có giáo huấn về công chính hoá, nên họ đã không thể chấp nhận lửa luyện tội. Và có lẽ ta cũng chẳng nên tranh luận nhiều về chuyện này. Trên căn bản, mọi người chúng ta đều mừng, khi biết Chúa sẽ uốn nắn lại những gì ta không thể uốn nắn được.



Cầu nguyện cho kẻ chết hẳn cũng bắt nguồn từ đó?

Có một lực thôi thúc uyên nguyên nơi con người, khiến họ muốn làm một cái gì thêm cho người đã khuất, cũng như để nói lên tình yêu đối với người đó, nhất là khi họ cảm thấy mình có lỗi với người quá cố. Chúng ta tin rằng, mình còn có thể gởi một món quà sang bên kia thế giới cho người đã mất. Nếu chỉ có thiên đường và hoả ngục không thôi, thì điều đó quả vô nghĩa.

Như vậy, cầu nguyện cho người chết hàm chứa nhận thức sâu xa, là ta còn có thể làm điều tốt cho họ. Và tôi tin rằng, cái khía cạnh rất nhân bản này chính là luyện ngục. Những người chết đang ở trong một tình trạng, mà lời cầu của ta có thể giúp họ.

An-tịnh có lần phân biệt « tạo dựng ban đầu » và « tạo dựng tiếp tục ». Giáo Hội thì nói tới « chương trình cứu độ lớn của Chúa ». Như vậy, có nghĩa là trước sau Chúa vẫn ngồi trước tập sách của Ngài và viết tiếp trang lịch sử sự sống, hết chương này tới chương khác ?

Trong Tin Mừng Gio-an, Đức Ki-tô cũng có lần nói : « Cha Ta đã tác động, và Ngài vẫn luôn tác động ». Ngài dùng cả chữ « làm việc », vì Ngài được nói tới như một người làm công, và Ngài nói : Chúa đã làm việc và Ngài luôn còn làm tiếp. Điểm này hoàn toàn giống như điều chúng ta có thể thấy được trong khái niệm « Thiên Chúa sống động ».

Chúa không rút lui. Trong Ngài, chỉ cần một nháy mắt là mọi sự đã có. Và mọi sự diễn ra không bao giờ như một bánh xe quay nhàm chán, mà trái lại, luôn tiếp diễn như một hiện tại sống động. Như thế, đúng là Chúa luôn hiện diện trong lịch sử. Lịch sử thâu tóm sự duy nhất của ý nghĩvà lời nói của Ngài, tắt lại, thâu tóm toàn bộ hiện tại của Ngài trong từng cấp phát triển của nó.

Người ta cũng có thể nghĩ rằng, giờ đây, chính con người là kẻ viết tiếp chương tạo dựng. Bởi vì thiên nhiên cho tới nay đã cần hàng triệu năm để làm điều, mà ngày nay các nhà nghiên cứu di tử và các nhà hoạ mẫu sinh học, chỉ bằng qua một nháy mắt lịch sử, đã tạo ra nơi các loại thực phẩm và sinh vật mới.

Việc ráp nối di tử đó dĩ nhiên là một vấn nạn lớn. Một mặt, đó là một cơ may. Nhờ đó, chúng ta đã tiến sâu vào cơ cấu uyên nguyên của sự sống, để có thể nhận ra được những mật mã, và có thể cùng cấu trúc hoặc ngay cả tái cấu trúc các di tử. Việc làm này tốt, bao lâu nó có tác dụng chữa lành và còn tôn trọng tạo dựng. Nhưng khi con người tin rằng, chính mình là tạo hoá, là thợ cấu trúc thế giới, lúc đó nó có thể trở nên kẻ phá hoại.

Vấn đề quan trọng ở đây, là phải biến sự kính trọng trước những gì không được đụng đến thành một hiến chương cho mọi hành động con người. Ta phải biết, con người không thể và không được phép trở thành thí vật cho kế hoạch lắp ráp của chính con người. Ta phải ý thứcrằng, ngay khi bắt đầu lắp ráp là trong ta có thể đã manh nha tư tưởng muốn cai trị thế giới, và điều này đồng thời cũng có nghĩa là một tiềm năng phá hoại đã chớm nở.

Con người không thể tạo ra một cái gì cả, nó cùng lắm chỉ có thể kết hợp một cái gì đó thôi. Với khả năng đó, nó có thể là một người giúp việc và bảo vệ khu vườn Thiên Chúa, bao lâu nó còn tỏ ra khiêm tốn và kính trọng đối với những ý nghĩđã có trong tạo dựng. Nhưng khi nó muốn làm tạo hoá, lúc đó tạo dựng sẽ bị đe dọa.

CÂY SỰ SỐNG

Việc hái trái cây hiểu biết đã là một tội tầy đình. Chúa đã cảnh cáo điều đó trong trình thuật Kinh Thánh, và Ngài còn cảnh cáo tiếp về một chuyện tày đình hơn, chuyện cấm kị tuyệt đối, đó là việc nhúng tay vào cây sự sống.

Sách Khởi-nguyên viết, Chúa đã sai các thiên thần Che-ru-bim cầm gươm lửa đứng canh phía đông vườn địa đàng, để không ai được tới gần cây đó, cho tới khi ngày phán xét đến. Chúa nói trong Kinh Thánh «Vâng, con người giờ đây đã trở thành giống Ta, vì nó nhận ra sự lành sự dữ. Giờ đây, chỉ còn việc là không để nó vươn tay tới cây sự sống, hái trái ăn và sống đời đời!» Phải chăng Chúa muốn dựng lên một biên cương cuối cùng ở đây ? Nếu vượt qua, đương nhiên con người sẽ tự huỷ diệt mình ? 

Những hình ảnh lớn trên đây của Khởi-nguyên, rốt cuộc, không thể giải thích hết được và sẽ không bao giờ hoàn toàn cạn ý nghĩa. Chúng còn bao gồm các chiều kích khác vượt lên trên mọi nhận thức của ta.

Trước hết, tôi muốn trình bày cái nhìn cổ điển do các giáo phụ khai triển về những hình ảnh đó. Các ngài cho rằng, con người không được gần cây sự sống, là vì con người đã ăn trái cây hiểu biết, và do đó tự đưa mình vào một tư thế không còn xứng hợp. Khi đưa tay hái trái cây đó, con người đã chuốc vào mình một số phận thảm thương. Trước hoàn cảnh mới này, Chúa bảo, con người không được gần cây sự sống nữa, bởi vì, nếu như nó bất tử trong tình trạng này, thì quả đó là điều khốn nạn cho nó.

Như vậy, việc cấm tới gần cây sự sống, là nơi gắn liền với số phận sự chết, là một ân huệ. Nếu chúng ta phải bất tử trong tư thế ta đang sống, thì đó không phải là một tình trạng đáng mong. Trong một cuộc sống với quá nhiều hỗn mang, thì cái chết là một hồng ân, tuy nó vẫn là một mâu thuẫn và là một biến cố bi thảm đối với từng người. Bởi vì nếu không, cuộc sống theo kiểu đó sẽ nên bất tử, và thế giới như thế sẽ trở thành nơi hoàn toàn không thể dung thân được.



Phải chăng sứ điệp của hình ảnh trên ngày hôm nay phải được lưu tâm hơn bao giờ hết ?

Dĩ nhiên ta có thể đi sâu hơn vào ý nghĩa của những hình ảnh đó. Nếu giờ đây ta thấy con người, khi đã nắm được các mật mã di tử, bắt đầu chiếm hữu cây sự sống, và tự coi mình là chúa sự sống, có thể lắp ráp sự sống ra mới, thì như vậy, họ đã thật sự vượt qua lằn biên cuối cùng mà đáng lẽ họ phải giữ.

Với kĩ năng xảo thuật đó, con người biến con người thành tạo vật của mình. Do đó, con người không còn xuất phát từ bí mật tình yêu, nghĩa là không còn được hình thành từ tiến trình tạo thai và sinh hạ vốn đầy bí ẩn nữa, nhưng là một sản phẩm kĩ nghệ. Nó được tạo ra bởi người khác. Như vậy, nó bị cướp mất phẩm giá và hào quang tạo dựng riêng của nó. Ta không biết tương lai của lãnh vực này rồi sẽ ra sao, nhưng ta có thể xác tín : Chúa sẽ ra tay chống lại tội ác tự huỷ của con người. Ngài sẽ chống lại việc dày đạp con người, sẽ chống lại việc con người tạo ra những đồng loại nô lệ. Có những đường biên cuối cùng, mà nếu ta bước qua, ta sẽ trở thành những tên phá hoại tạo dựng, và lỗi phạm của ta còn vượt xa tội tổ tông và các hậu quả tiêu cực của nó.

Vấn đề dùng xảo thuật để cải biến sự sống con người đã trở nên cấp tính.

Sự sống con người là bất khả nhượng, không thể có chọn lựa nào khác ở đây. Phải dựng lên nơi đây một biên giới cho hành động, khả năng, khuôn phép và thí nghiệm của con người. Con người không phải là một đồ vật. Song mỗi người là đại biểu cho sự hiện diện của Chúa trên trần gian.



Đôi lúc xem ra đường ranh đó không còn ở trước ta nữa, nhưng đã bị ta vượt qua rồi. Với kĩ thuật di tử, con người có được một dụng cụ mới cho phép họ lần đầu tiên toàn quyền sử dụng toàn bộ vật liệu di truyền trên hành tinh này.

Sự sống đã bị biến thể từ khá lâu rồi. Đã có tới hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn bào thai không được hình thành qua hành động giao phối bình thường, nhưng qua việc kết hợp tinh trùng và trứng bên ngoài dạ mẹ. Có những đứa trẻ có tới ba mẹ : mẹ cho trứng, mẹ mang thai và mẹ nuôi. Có những trẻ có cha đã mất nhiều năm trước khi chúng sinh ra.

Trong tương lai, rất có thể người ta sẽ tạo ra trẻ theo í muốn, theo phái tính, màu mắt, chiều cao, sức nặng, hay có thể kéo dài sự sống với một thân xác khác. Cuối 1999, khi một nhóm nhà khoa học đã hoàn tất mở khoá được một trong 24 chromosomen của con người (tuy là một trong những chromosomen nhỏ bé, nhưng mỗi cái chứa khoảng 30 triệu thông tin di truyền), một bà trong nhóm đã nói với phóng viên : Quả là một « công việc hỏa ngục ». Có thể nhà khoa học đó có lí ?

Đúng, rất tiếc có thể đúng như vậy. Nhưng trước hết, ta phải phân biệt giữa cái con người làm và cái con người là. Bất cứ ai được sinh ra từ ống nghiệm đều cũng là người, và ta vẫn yêu và chấp nhận họ như là người. Việc ta phải chống lại lối tạo người bằng ống nghiệm không có nghĩa là ta đóng ấn những người được sinh ra bằng cách đó. Dù vậy, ta vẫn nhận ra nơi họ cái bí ẩn của con người và chấp nhận họ như là người. Đó là điều rất quan trọng, tôi tin như thế.

Quả thật đã có sự vượt rào gia trọng, như anh nói. Giáo Hội công giáo, ngay từ đầu, đã cảnh báo việc chế tạo con người. Lối chế tạo đó, thoạt tiên, diễn ra dưới những hình thức vô tội, như mọi chuyện vẫn luôn khởi đầu một cách vô tội. Trước hết, người ta bảo là để giúp cho những cặp vợ chồng không con. Vấn đề ở đây chưa phải là gia trọng, nếu quả thật đó là những vợ chồng thành tâm muốn có được con bằng cách ấy. Tuy nhiên, ở đây, người ta cũng bắt đầu tuột dốc, khi tin rằng, mình phải có con bằng bất cứ giá nào, mình phải có quyền có con. Với kiểu đó, đứa con trở thành một của cải thuần tuý. Nó không còn được sinh ra từ tự do của Tạo hoá nữa, tự do này cũng được thể hiện nơi sự bất lường của tự do nơi thiên nhiên.

Tôi nghĩ, cái nguy cơ lớn của ngày nay, nói chung, là xem con như một quyền, như một của cải. Các cha mẹ không những muốn phô trương chính họ qua của cải đó, mà còn qua đó nhắm vớt vát lại những gì họ chưa thành đạt. Có thể nói, qua con cái, họ lặp lại chính cuộc đời mình một lần nữa và để được xã hội công nhận. Vì vậy mới có sự chống đối của con cái. Chúng chống cha mẹ, vì chúng muốn thể hiện quyền muốn được là chính chúng.

Chính mỗi người được sinh ra từ tự do của Chúa, và ở trong tự do đó với quyền riêng của mình. Giáo dục gia đình là để hướng trẻ tới cái riêng tư của chúng, chứ không phải là để cho cha mẹ, đó là trọng điểm đích thực của các chương trình giáo dục phản quyền uy hiện nay. Nhưng điểm sai của các chương trình này là chủ trương hoàn toàn vứt bỏ giáo dục, với lập luận rằng, giáo dục sẽ lèo lái tự do và có thể bóp chết tự do. Tự do cần được giúp đỡ để cất cánh, nó cần được nâng đỡ qua sự đồng hành. Và một lối giáo dục thật sự cảm thông sẽ không nhắm lái trẻ theo mình, nhưng là giúp chúng phát triển hình hài và mở ra con đường riêng của chúng.

Xin trở lại một lần nữa về việc lắp ráp, chế tạo con người …

Như đã nói, việc làm khởi đầu vô hại, tỏ ra vì con người, nhưng khi coi đứa con không còn là quà tặng nữa, mà là sở vật phải tạo ra nếu cần, lúc đó là ta đã bước qua lằn biên. Hành vi kĩ thuật, bao gồm cả việc thụ thai ống nghiệm, giờ đây thay thế cho một hành vi tình yêu. Từ đây, những vấn nạn kế tiếp sẽ được đặt ra. Trước hết, làm gì với số phôi gọi là thặng dư, phôi đó đã là người, nhưng lại bị xử lí như là những sản phẩm dư thừa.



Với lối xử lí hiện tại, hàng ngàn sự sống đã bị giết hàng loạt.

Nhiều hậu quả khác cứ thế theo nhau xẩy ra, chúng rốt cuộc từng bước làm biến đổi tương quan đối với con người. Rồi cái gì sẽ diễn ra tiếp, bắt đầu từ lúc nào sẽ nổ ra tai hoạ kiểu nào, ta chưa biết được. Cám ơn Chúa là ta không biết. Nhưng ta biết, ta phải chống lại việc dùng xảo thuật cải biến sự sống và việc tuỳ nghi sử dụng sự sống. Không phải ta chống lại tự do của khoa học hay cản ngăn những khả thể của kĩ thuật, nhưng là bảo vệ tự do của Chúa và phẩm giá con người, vì hai thứ đó đang gặp nguy. Ai có được lối nhìn đó nhờ đức tin – khá nhiều người không phải ki-tô hữu cũng có cái nhìn như vậy -, đều có bổn phận làm nổi bật lằn biên đó lên và làm cho người khác chấp nhận dừng lại trước lằn biên đó.



4 . TRẬT TỰ TỰ NHIÊN

NHỮNG BẰNG CHỨNG HIỂN NHIÊN CỦA VŨ TRỤ

Ngay cả khi chúng ta không thể nhìn thấu được Chúa, chúng ta vẫn có thể, qua những gì dưới đây, thấy được ít nhiều về việc cấu tạo thế giới và về những gì được trao tặng cho con người trong vũ trụ thần thánh này. Nhưng luôn với điều kiện là Chúa hiện hữu thật sự. Về điểm này, ngài nhiều lần nói tới những giá trị khách quan, tới « bằng chứng hiển nhiên của sự sống con người » và tới những sứ điệp của vũ trụ. Ngài bảo rằng, vấn nạn của thời đại tân tiến là con người đã xa lìa khỏi bằng chứng hiển nhiên đó. Có những thái độ tuyệt đối đúng và luôn đúng, có những thái độ khác đương nhiên sai và luôn sai, vì chúng đi ngược lại sự sống và con người. Nghĩa là thế nào ?

Ki-tô giáo quan niệm thế giới, trong từng chủng loại, được hình thành qua một quá trình tiến hoá rất phức tạp, nhưng nó chung quy lại cũng được phát sinh ra từ cội nguồn Logos (Lời). Như vậy, thế giới mang trong mình không những một lí trí toán học – không ai chối cãi được rằng thế giới được cấu tạo theo toán học -, nghĩa là một lí trí trung lập và khách quan, mà với tính cách là Logos, nó còn mang một lí trí đạo đức nữa.

Làm sao biết được điều đó ?

Chính tạo dựng giúp ta hiểu và chấp nhận điều đó. Ngay người ngoài Ki-tô giáo cũng hiểu được điều này. Song, nhờ đức tin bật mí, ta thấy được trong lí trí của tạo dựng không những chỉ có sứ điệp toán học, mà còn có cả sứ điệp đạo đức nữa.

Cái bật mí thứ nhất gọi là lương tâm. Lương tâm là nhận thức cội nguồn, nó cho ta biết có những sự việc không bao giờ là tốt cả. Giết một người vô tội, dù với lí do nào đi nữa, là điều đương nhiên ai cũng thấy sai, với điều kiện người đó không bị giáo dục sai lầm. Nói chung, tôn trọng sự sống là tốt. Hoặc giữ lời hứa, nghĩa là trọng tính chân thật và sự thật, cũng vậy.

Dĩ nhiên đó là những giá trị rất chung. Ta biết, Hans Küng* muốn hoà trộn chúng lại dưới dạng một nền đạo đức thế giới, nghĩa là lập chúng thành một bảng điều lệ chung áp dụng cho hết mọi người. Ta chưa cần tranh luận chuyện này ở đây. Nhưng dù vậy, nỗ lực của ông cũng hé cho ta thấy có một nét trong sáng nào đó trong tạo dựng, xuyên qua đó ta nhìn ra được những huấn lệnh của Tạo hoá. Và nữa, các hằng số giá trị chung - cho dù trong mỗi cái riêng còn chứa những khác biệt lớn - xưa nay vẫn hiện diện xuyên suốt qua các tôn giáo lớn và qua toàn bộ lịch sử tri thức của nhân loại. Hãy lấy nói dối làm thí dụ. Có người cho rằng, đôi lúc nói dối là đúng, là cần. Nhưng chẳng ai muốn xác định nói dối tự nó là đúng cả.

Để các bằng chứng hiển nhiên đó trở nên tác dụng và trong sáng, chúng ta cần được giáo huấn. Nhờ giáo huấn, các kiến thức tổng quát và chưa rõ ràng sẽ được cụ thể hoá và trở nên có thể thực hiện được. Việc giáo huấn đó là một phần của con đường dẫn ta tới Đức Ki-tô. Giáo Hội gọi con đường đó là sự soi sáng, bởi vì nhờ đó mà một cá nhân dần dần nhìn ra được rõ hơn về một điều nào đó đã tiềm tàng nơi mình.

Phải chăng những «bằng chứng hiển nhiên của vũ trụ», cái « hiến chương sự sống » đó (mà ta vẫn luôn hay quên và thường không nghĩ đến) đã nằm sẵn trong những huyền thoại xa xưa như lũ lụt, tháp Babylon, hay thành Sodom và Gomorrha ? Phải chăng sứ điệp của các câu chuyện đó quả là một thứ kiến thức sống còn cho cả nhân loại ?

Lạ thật, những câu chuyện đó có mặt khắp nơi trong lịch sử tôn giáo. Chúng hiển nhiên là những tiếng còi báo động. Chuyện lũ lụt có mặt trong nhiều vùng địa lí hoàn toàn biệt lập, không liên hệ gì tới nhau. Một cách nào đó, chúng nói lên một kinh nghiệm và nhận thức chung của nhân loại, một hồi tưởng còn đọng lại nơi con người. Ta có thể khám phá ra nhiều sứ điệp ẩn tàng trong các câu chuyện đó. Chẳng hạn việc xây tháp Babylon, ở đây con người muốn dùng kĩ thuật để kiến tạo cho mình một văn minh chung. Họ muốn dùng sức mình và khả năng xây dựng của mình để thực hiện giấc mơ – chính đáng - về một thế giới, về một nhân loại. Và qua tháp cao chạm trời đó, họ muốn chứng tỏ quyền năng mình và muốn nhảy vào lãnh vực thiên chúa. Trên căn bản, điều đó cũng giống như giấc mơ của nền kĩ thuật hiện nay: nắm được quyền năng thiên chúa và tìm ra được chốt khoá của thế giới. Như vậy, các hình ảnh trên đúng là những lời cảnh cáo vang lên từ nhận thức cội nguồn của ta.



Hãy bàn tiếp chuyện tháp Babylon. Ở đây, Kinh Thánh cho ta một thông tin lạ lùng «Chúa nói, xem kìa, chúng là một dân tộc, và chúng tất cả chỉ có một tiếng nói. Nhưng đó mới là khởi đầu công việc của chúng. Không có gì chúng muốn mà chúng không làm được. Thôi, Ta hãy xuống đó! Ta sẽ làm rối loạn ngôn ngữ của chúng, để chúng không thể nghe hiểu nhau nữa ». Nghe ra thật chuyên quyền.

Vâng, nghe như giọng ganh tị, cơ hồ Chúa không muốn để cho con người ngẩng cao đầu. Dĩ nhiên đây là một ngôn ngữ hình ảnh, rút ra từ kho văn hoá do-thái xưa. Một số yếu tố ngoại giáo lúc đầu vẫn còn hiện diện trong đó, nhưng qua những đợt giải thích chúng dần dần được gột bỏ hết. Vấn đề ở đây không phải là Chúa sợ con người trở nên quá lớn rồi giành ngai Ngài, nhưng Ngài thấy được ước vọng sai trái và tiềm năng tự huỷ của họ.

Có lẽ ta nên giải thích hình ảnh trên như thế này : Tháp Babel tượng trưng cho việc con người muốn chỉ dùng khả năng kĩ thuật để hợp nhất nhân loại và để vươn tới Chúa, trở thành như chính Ngài. Nhưng giờ đây Chúa nói cho ta biết, một hợp nhất trên căn bản như thế sẽ không vững, nó sẽ tạo ra hỗn-loạn.

Bài học đó có thể áp dụng cho ngày nay. Một mặt, thế giới hôm nay có sự hợp nhất đó. Trọng điểm của mọi thành phố đều giống nhau, dù ở Nam Phi hay Nam Mĩ, ở Nhật hay Mĩ châu, Âu châu. Đâu đâu con người cũng bận quần bò (Jeans), hát một thứ nhạc, cùng theo dõi một chương trình truyền hình và cùng chiêm ngưỡng những ngôi sao màn ảnh. Như thế, có thể nói, nhân loại có một thứ văn minh chung, kể cả một thứ thức ăn chung là McDonalds.

Thoạt nhìn, cảnh đồng phục đó là một thứ lực dung hoà khá hiệu nghiệm – cũng giống như cái ngôn ngữ chung khi xây Babel -, nhưng cùng lúc đó con người trở nên xa lạ nhau. Họ không tới gần nhau được nữa. Thay vào đó, ta thấy nổi lên các chủ trương độc lập vùng, các văn hoá chống đối nhau, ai cũng muốn mình chỉ là mình hoặc cảm thấy mình bị văn hoá khác đàn áp.

Có phải đó là một bản luận chứng chống lại nền văn minh chung không?

Đúng, bởi vì nó làm người ta mất nét riêng, mất nét đích thực của họ. Mất thông tin chiều sâu giữa người với người. Thông tin này không thể tạo ra được bằng những cách cư xử bề ngoài, phiến diện và bằng những máy móc kĩ thuật giống nhau. Nếu người ta chỉ hợp nhất trên bề mặt đó, thì cùng lúc thâm tâm họ sẽ chống lại sự đồng phục, vì họ nhận ra chính sự đồng phục đó làm cho họ bị nô lệ.

Có thể nói, dạng thống nhất và tư tưởng muốn làm chủ thế giới cũng như làm chủ sự sống theo kiểu Babel của con người cần phải xét lại. Đây chỉ là một thứ hợp nhất giả hiệu, một thứ giả nâng con người lên mà thôi. Thật ra nó cướp đi chiều cao và độ sâu của con người. Ngoài ra, nó cũng biến con người thành nguy hiểm, vì một mặt con người có thể làm được rất nhiều chuyện, nhưng mặt khác khả năng đạo đức của họ không tương ứng được với khả năng kĩ thuật. Sức mạnh đạo đức không lớn kịp với khả năng hành động và đập phá, mà con người đã tạo ra. Đó là lí do, tại sao Chúa ra tay chống lại thứ hợp nhất kia và mở ra một loại hợp nhất hoàn toàn khác.

Ngài muốn nói gì ?

Với ki-tô hữu chúng ta, Tân Ước và Cựu Ước luôn là một. Các sách Cựu Ước là bước đầu. Theo xác tín của ta, các sách đó không thể hiểu, nếu ta không đọc tiếp bước thứ hai. Ta cũng sẽ thấy điểm này trong các chương sau, khi bàn đến liên hệ giữa Adam và Đức Ki-tô và qua các thí dụ khác. Chúa đã mở ra một mô hình hợp nhất qua diễn tiến câu chuyện ngày lễ ngũ tuần. Mô hình đó là đối cực của Babel, chỉ nhờ nó ta mới hiểu được Babel. Lúc đó, các tông đồ tuy không nói chung một thứ tiếng, nhưng tất cả đều hiểu nhau. Vẫn giữ đa dạng, như giờ đây sự hợp nhất con tim đã tạo thành một hợp nhất nội tâm.

Mô hình ngũ tuần đối lại với Babylon : một sự hợp nhất vẫn bảo tồn được kho tàng của nhân loại. Chúa muốn hợp nhất. Đó là mục tiêu của toàn bộ hành động của Ngài trong lịch sử; đó là lí do xuống thế của Đức Ki-tô; đó là lí do Ngài lập Giáo Hội. Nhưng sự hợp nhất mà Ngài muốn phải có một độ sâu và một tầm cao khác.

Lời cảnh báo của Babylon khiến ta phải nghĩ tới cuộc cách mạng điện tử hiện tại, một cuộc cách mạng làm thay đổi và đảo điên thế giới như chưa từng có. Xem ra chúng ta muốn tạo một vũ trụ hoàn toàn mới. Những hiện thực trên mạng lưới và những cái gọi là công ti thương mại điện tử không còn chỉ là trò chơi giải trí, mà đã trở thành một trò chơi ăn thua đủ với rất nhiều tiền, với quyền lực và với kinh tế quốc dân, chúng nắm trong tay số phận của hàng triệu con người.

Và thêm nữa : Ngày nay, đa phần dân tây phương mất nhiều thì giờ cho máy móc điện tử hơn là cho việc tiếp xúc với thực tế « thường nhật », nghĩa là tiếp xúc với con người và thiên nhiên. Những thực tế ảo trên mạng đang thay thế cho các thực tế thường nhật. Càng ngày, chúng ta buộc phải bỏ thêm công sức ra để chống trả lại những hình ảnh thôi miên trong cái thế giới hợp nhất đó.

Ở đây, nhờ diễn tiến lịch sử, ta lại nhận ra được những trực giác của một hình ảnh, mà trước đây ta không thể nghĩ tới được. Dĩ nhiên, đó không phải là nghĩa chữ của nội dung câu chuyện Babylon. Song, nếu ta đọc nó với ánh sáng kinh nghiệm, ta sẽ nhận ra cái trực giác chứa đựng trong đó, nó cụ thể hoá ra trước mắt ta ngày hôm nay. Nhờ đó, ta hiểu được ý nghĩa của những biến chuyển hiện tại, hiểu được tại sao việc tạo nên thứ thống nhất kia là một mối nguy.



Có thể so sánh một hình ảnh huyền thoại lớn khác của Kinh Thánh, đó là lụt hồng thuỷ, với những thứ lụt khác trên thị trường tư bản: lụt hình ảnh khích dâm, lụt tuyên ngôn, lụt quảng cáo… không ?

Nước cũng là một hình ảnh mang nhiều chiều kích. Nước luôn có hai nghĩa. Với nghĩa là nguồn, là mưa, thì đó là một quà tặng, một yếu tố cần cho sự sống. Khi nó mang hình ảnh đại dương hay lũ lụt, thì đó lại là mối nguy cho trái đất, nó có thể nuốt luôn sự sống. Lụt hồng thuỷ như vậy là biểu tượng nguyên mẫu cho những thế lực phá hoại, chúng vùi chôn sự sống, xoá đi biên cương bảo vệ sự sống mà Chúa đã vạch ra. Đê vỡ cuốn theo sự sống. Nhìn như thế, thì cơn hồng thuỷ vẫn là một hình ảnh rất nhiều nghĩa đối với con người. Bao nhiêu cảnh tượng ta thấy ngày nay : lũ lụt, đê vỡ, phá hoại sự sống, phá hoại văn hoá, phá hoại con người.



Каталог: KHANG

tải về 1.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương