Thiên Chúa và Trần Thế Hồng y Joseph Ratzinger Đgh bênêđictô XVI bản dịch của Phạm Hồng Lam



tải về 1.72 Mb.
trang1/22
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích1.72 Mb.
#3938
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22


Thiên Chúa và Trần Thế

Hồng y Joseph Ratzinger - ĐGH Bênêđictô XVI



Bản dịch của Phạm Hồng Lam

Năm 1992, nhà báo Seewald (1954) tìm tới Đức Hồng y Joseph Ratzinger, lúc đó đang là Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin tại Rôma và là nhân vật số hai trong giáo triều. Seewald mang theo một kế hoạch phỏng vấn lớn về Giáo Hội Công giáo. Anh vốn là một tín đồ nhiệt thành của phong trào phản kháng 68, bỏ đạo, hăng say theo cộng sản và dứt khoát chống lại Giáo Hội, mà theo anh, là một tổ chức phản động.

Nội dung Thiên Chúa và Trần Thế  là câu chuyện tiếp nối giữa Seewald - người con hoang giờ đây đã trở về - và Đức Hồng y Ratzinger trước khi trở thành Giáo hoàng Beneđictô. Seewald đại biểu cho lớp người (trẻ) mang tâm tư và suy nghĩ vừa thực tiễn vừa ngờ vực của con người khoa học và cuộc sống hiện đại. Còn “ông hoàng Giáo Hội” hay “đại hiền giả” (chữ của Seewald) Ratzinger không chỉ trả lời với tư cách là người thẩm quyền cao nhất của Giáo Hội trong vấn đề đức tin, mà còn như một nhà tâm lý lão luyện, biết rõ ưu khuyết điểm của phía mình cũng như khả năng và bất cập của đối phương.



LỜI GIỚI THIỆU

Năm 1992, nhà báo Seewald (1954) tìm tới Đức Hồng y Joseph Ratzinger, lúc đó đang là Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin tại Rôma và là nhân vật số hai trong giáo triều. Seewald mang theo một kế hoạch phỏng vấn lớn về Giáo Hội Công giáo. Anh vốn là một tín đồ nhiệt thành của phong trào phản kháng 68, bỏ đạo, hăng say theo cộng sản và dứt khoát chống lại Giáo Hội, mà theo anh, là một tổ chức phản động. Khi tìm tới Đức Hồng Y, lý tưởng cách mạng đập phá trong anh đã bắt đầu bốc hơi, dần nhường chỗ cho câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời đang chớm nở trong tâm trí. Câu hỏi đó bắt anh lại lên đường. Nhưng về đâu? Anh muốn làm lại cuộc đời. Và có lẽ phải trở về lại với niềm tin của thời niên thiếu. Nhưng ngôn ngữ của lần gặp gỡ đầu tiên này khét mùi tố cáo và gay gắt, nên Đức Hồng Y đã không thể tiếp tục câu chuyện.

Phải đợi tới 4 năm sau. Lần này, 2 người đã kiên nhẫn trao đổi với nhau suốt nhiều buổi cuối tuần. Và kết quả là cuốn Muối Cho Đời (1996) ra đời. Cuốn sách như một “quả bom nguyên tử” hay một “big bang” (Seewald) nổ trên đầu dân Âu châu vốn lãnh đạm với tôn giáo và nghi kỵ đối với Giáo Hội Công giáo. Hàng triệu người đã đọc nó, và nhiều người đã tìm lại được lối vào văn hoá Kitô giáo, vốn là nền tảng cuộc sống của họ. Muối Cho Đời là cánh cửa mở ra cho những kẻ tò mò từ ngoài - và cả người quan tâm trong cuộc - muốn ghé mắt nhìn vào Giáo Hội, muốn khám phá những “bí mật” cơ chế, nếp sống, thất bại, thành công và tương lai của một tổ chức trần thế. Cổng vào lâu đài huyền bí đã được mở ra. Seewald đã bước vào và đã quyết định ở lại luôn trong đó, sau một cuộc đời chỉ biết phản kháng và đập phá. Và Beckenbauer, “hoàng đế” bóng đá nước Đức nổi tiếng thế giới, cũng đã bước vào và xin ở lại với kho tàng ấy, sau một đời đi hoang.

Trong lâu đài có gì lạ, để cho bao người, khi đã bước vào, không còn muốn quay lại đường xưa lối cũ trần gian?



Thiên Chúa và Trần Thế (2000) sẽ cho ta thấy kho tàng ẩn giấu trong đó. Đây không còn là một cánh cổng đi vào (như Muối Cho Đời), mà là những cánh cửa phòng bên trong mở ra các ẩn số. Nói cách khác, không còn là chuyện tò mò của người chưa tin đứng ngoài nhìn vào nữa, mà là cuộc tra vấn giữa những kẻ tin về kho tàng niềm tin của mình.

Nói tới kho tàng niềm tin Kitô giáo là nói tới sự nối kết của hơn một tỉ người trên khắp thế giới, bất luận màu da, ngôn ngữ, quốc tịch. Cái gì đã làm họ liên đới với nhau? Hai tác giả cuốn sách bảo đó là những ẩn số Kitô giáo. Vì thế, trong lần xuất bản đầu tiên, sách mang tựa đề: Thiên Chúa và Trần Thế - Các Ẩn số Niềm tin Kitô giáo. Mà dù lý trí con người có mở khoá được các ẩn số đó, hay phải dùng đức tin để tiếp cận chúng, các ẩn số “không biết mà biết” (Beneđictô XVI, Spe Salvi) kia lại là những tấm bảng chỉ đường cụ thể cho một cuộc sống có ý nghĩa. Chúng là tiếng hát của các mỹ nhân ngư gọi mời Odysseus. Là những ẩn số biến đổi cuộc đời của những Phanxicô, Augustinô, Inhaxiô, Têrêxa Calcutta... Vì thế, trong các lần tái bản về sau, đề tựa sách đã được đổi thành Thiên Chúa và Trần Thế - Tin và Sống trong Thời đại Ngày nay.

Cánh cổng mở ra và cánh cửa dẫn vào những khám phá, tuy hai mà một, chúng bổ túc cho nhau. Cũng vì thế, trong lần tái bản thứ 9 loại sách bỏ túi, nhà xuất bản ở Đức đã gộp cả 2 cuốn in thành một tập chung. Sau khi bản dịch tiếng Việt Muối Cho Đời ra mắt vào đầu năm 2006 và đã được độc giả nhiệt liệt hưởng ứng, Thiên Chúa và Trần Thế đã được chuyển dịch ngay sau đó. Tuy nhiên, vì nhiều khó khăn, phải chờ tới nay mới phát hành được. Hai tác phẩm đã được dịch ra 24 thứ tiếng trên thế giới.

Nội dung Thiên Chúa và Trần Thế là câu chuyện tiếp nối giữa Seewald - người con hoang giờ đây đã trở về - và Đức Hồng y Ratzinger trước khi trở thành Giáo hoàng Beneđictô. Seewald đại biểu cho lớp người (trẻ) mang tâm tư và suy nghĩ vừa thực tiễn vừa ngờ vực của con người khoa học và cuộc sống hiện đại. Còn “ông hoàng Giáo Hội” hay “đại hiền giả” (chữ của Seewald) Ratzinger không chỉ trả lời với tư cách là người thẩm quyền cao nhất của Giáo Hội trong vấn đề đức tin, mà còn như một nhà tâm lý lão luyện, biết rõ ưu khuyết điểm của phía mình cũng như khả năng và bất cập của đối phương.



Thiên Chúa và Trần Thế gồm 4 chương.

Chương dẫn nhập (trang 24-78): “Đức tin, Hy vọng, Tình yêu” bàn về Tin, Cậy, Mến, những chủ đề mà ta đã thấy trong 2 Thông điệp Deus Caritas Est (2006) và Spe Salvi (2007) mới đây của Đức Giáo hoàng Beneđictô.

Chương 1 (79-205): “Thiên Chúa”: Trình bày một số quan điểm trong cuốn Nhập môn Kitô giáo (1968), tác phẩm đã làm nhà thần học trẻ Ratzinger được thế giới biết đến, cuốn sách đã trở thành loại cổ điển trong kho tàng đức tin Kitô giáo.

Chương 2 (206-353): “Đức Giêsu Kitô”. Muốn hiểu những gì Đức Beneđictô trình bày trong tác phẩm bestseller Đức Giêsu thành Nazateth mới đây, chỉ cần đọc chương này cũng đủ.

Chương 3 (354-471): “Giáo Hội”: Phản ánh và tóm tắt những suy tư của nhà thần học Ratzinger về Giáo Hội, được quảng diễn trong rất nhiều bài viết, đặc biệt trong luận án tiến sĩ Dân và Nhà Chúa theo Học thuyết Augustinus về Giáo Hội (1953).

Muốn hiểu bộ óc lớn trong con người nhỏ Beneđictô, chẳng cần phải đọc hết mấy chục cuốn sách của ngài, cũng chẳng cần phải tìm về chuyên ban nghiên cứu tư tưởng Joseph Ratzinger tại Đại học Regensburg ở Đức, mà chỉ cần đọc mấy cuốn sách trên là đủ. Ở Việt Nam đã dịch cuốn Đức Giêsu thành Nazareth. Một vị đàn anh tại Đức cho hay sẽ chuyển ngữ Nhập môn Kitô giáo, tác phẩm đã được dịch ra mấy chục thứ tiếng. Cầu mong các bản dịch tiếng Việt sớm được góp mặt trong gia sản văn hoá chung của Giáo Hội.

Trong lúc chờ đợi, chúng ta hãy tạm dùng mấy món khai vị của Thiên Chúa và Trần Thế. Chắc chắn món khai vị sẽ ngon miệng và dễ nuốt hơn các món chính. Vả lại, món chính thường để dành cho những thực khách chuyên môn. Còn hàng dân dã như đa số độc giả chúng ta hẳn cần của ăn để thoả mãn cơn đói thực tế của cuộc sống hằng ngày hơn. Chẳng hạn: Chúng ta muốn biết Đức Giêsu có phải là người Công giáo không? Muốn biết mặt mũi đức tin như thế nào, làm sao để có được nó? Thiên đàng, hoả ngục nơi đâu? Tại sao Thiên Chúa là Cha, mà không là Mẹ? Tại sao các Hội Bảo vệ Thú vật không đâm đơn kiện Chúa, khi Ngài cho phép ta ăn thịt thú? Chúa quyền năng vô cùng mà sao lại để cho sự dữ, bất hạnh, tội tổ tông vào trần gian làm khổ ta? Đã có phép tha tội rồi, cần gì thêm “ân xá” để có kẻ bày ra chuyện mua bán sinh thêm tội? Ta có thể vừa sống trái với giáo huấn về tính dục của Giáo Hội vừa là tín hữu tốt không? Thiên Chúa đã có khi nào phải tự sửa sai chưa? Vấn nạn và vấn nạn. Muốn những món khai vị đó quyến rũ và ngon miệng cho người thời nay, phải có lối dọn khác, cách chế biến mới. Nói khác đi, phải có ngôn ngữ mới, hợp thời. Thiên Chúa và Trần Thế đã thành công đáp ứng được thứ ngôn ngữ mới đó. Đọc nó, không thể có “khổ quá, biết rồi, nói mãi!”, phản ứng mà tín hữu vẫn hay thốt ra trước những bài giảng dài lời ngắn ý. Mà trái lại, nó kích thích trí hiểu, đưa ta vào những vấn nạn thiết thực phải giải quyết trên hành trình đức tin và cuộc sống. Chính Đức Hồng y Ratzinger cũng đã ưu tư tha thiết: “Ta phải làm sao dấy lên lại sự tò mò về Kitô giáo, phải làm sao cho người ta muốn tìm biết Kitô giáo thực sự là gì”. Muốn được vậy, Kitô giáo phải có hàng mới để chào thiên hạ, nó phải chứng tỏ có thể đọc được dấu chỉ thời đại, phải nói được ngôn ngữ thời đại.

Trong cuộc trao đổi về Thông điệp Spe Salvi trên mạng giữa một số anh chị, khi đề cập tới chuyện thiên đàng – hoả ngục, một tham dự viên cho hay: tôi chẳng cần phải đặt vấn đề dài dòng chi cả, vì đã được mẹ dạy rằng:



Thiên đàng địa ngục hai bên

Siêng năng kinh hạt (thì) mau lên thiên đàng.

Cứ vậy mà làm! Bao lâu còn có “hai bên”, hẳn thế giới sẽ còn ôkê. Nhưng giả như mất đi một bên, chẳng hạn không có địa ngục nữa, không còn phải sợ mấy tay quỷ đực đen thui có sừng có đuôi (hình vẽ thời Trung cổ không thấy quỷ cái!) lôi xuống lò lửa của chúng nữa thì thì thế giới sẽ ra sao đây? Nguy to! Mà quả vậy, đọc ông Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin trước đây và Thông điệp của ngài Beneđictô mới đây không thấy địa ngục ở đâu cả. Luyện ngục được ngài quan tâm, nhưng hoả ngục tìm mãi chẳng thấy. Và nữa, thiên đàng là gì, ở đâu? Có phải như trong kinh Koran Hồi giáo mô tả: là nơi các trinh nữ chín mọng (hình như có tới 72 nàng lận, con số cụ thể tôi không nhớ rõ lắm) đang lủng lẳng chờ đợi? Thật ra, đây là một lầm lẫn chết người của mấy vị chép sách Hồi giáo xưa, khi họ chuyển các đoạn Koran từ tiếng Aramê sang tiếng Ảrập. Theo tác giả (chưa dám lộ diện) Christoph Luxenberg trong công trình nghiên cứu ngôn ngữ ngoạn mục Die syro-aramäische Leseart des Koran.Ein Beitrag zur Entschlüsselung der Koransprache, Berlin 2007 (Cách đọc Koran bằng tiếng Syri - Aramê. Một đóng góp vào việc mở khoá ngôn ngữ Koran) của ông, nhiều đoạn Koran nguyên là lời kinh phụng vụ của Kitô giáo viết bằng thứ ngôn ngữ hỗn hợp giữa Syri - Aramê, tiếng của Đức Giêsu thời đó, và chữ Ảrập. Chữ “Huris” trong kinh Koran được mấy vị chú giải Ảrập hiểu ra là “các trinh nữ mắt to“ (mắt nai tơ)”, nhưng chữ này đọc theo gốc Syri - Aramê nghĩa là “những chùm nho trắng”. Nghĩa này mới đúng, vì trước đó kinh Koran mô tả thiên đường là khu vườn đầy cây trái và hoa thơm cỏ lạ. Rất nhiều chỗ trong kinh Koran hiện vẫn không ai hiểu gì cả, bởi vì người ta không chịu chấp nhận nguồn gốc cấu tạo của chúng. Chỉ tội cho bao nhiêu thanh niên Hồi giáo bị Al-Qaida và Hamas dụ vào chỗ chết oan. Cùng lắm là được uống rượu bạch nho lạ sau một cuộc đời kiêng rượu trên dương gian, chứ có em nai tơ nào chờ đợi đâu.

Còn thiên đàng của Đức Giáo hoàng Beneđictô, cũng như nhiều “món lạ” khác của ngài, như thế nào? Bạn đọc sẽ thấy trong Thiên Chúa và Trần Thế. Cuốn sách có lẽ sẽ chẳng giúp ích gì cho những ai muốn có một thế giới ai sao ta vậy, không có đổi thay, chẳng cần đặt vấn đề. Nhưng nó sẽ cuốn hút những con người đang trên đường tìm kiếm, những tâm hồn thích được ngạc nhiên. Mà thôi, nói nhiều quá chẳng ai tin. Chi bằng mời bạn tự tìm hiểu lấy thì tốt hơn.

“Vào một ngày nọ, khi đang ngồi chơi ở nhà bạn, Âutinh (Augustinus) nghe văng vẳng một giọng trẻ con từ nhà bên cạnh: Cầm lấy, đọc đi! Tưởng con trẻ nói cho mình nghe, anh ngẩng lên, nhìn thấy một cuốn sách đạo (Kinh Thánh?) trên giá, thứ sách mà anh chưa bao giờ buồn cầm đọc. Lần này anh thử cầm lên. Đọc. Rồi mê mẩn. Rồi muốn ở lại luôn trong đó. Rồi là cả một cuộc đời sa đoạ đổi thay”. Cầm lấy, đọc đi! Cầu mong bạn đọc cũng có được kinh nghiệm như Âutinh với Thiên Chúa và Thế Giới.



Joseph Ratzinger

Biển-đức XVI.

Trao đổi với Peter Seewald ,

Phạm Hồng-Lam chuyển ra Việt ngữ

******************************



§0 - DẪN NHẬP: ĐỨC TIN, HI VỌNG, TÌNH YÊU

Thưa Hồng Y, có khi nào ngài cảm thấy sợ Chúa không?

 

Có lẽ nói sợ thì không đúng. Qua Đức Ki-tô ta biết Chúa là ai rồi. Ngài yêu ta. Ngài biết ta là người thế nào. Là xác thịt, là tro bụi. Vì thế Ngài chấp nhận cái yếu đuối của ta.



Nhưng tôi luôn có cái cảm giác nóng bỏng là không chu toàn ơn gọi của mình, không đáp ứng điều Chúa muốn, và đã không cho đi cái mình có thể cho và phải cho. 

 

Đã có lần nào Chúa phiền hà ngài hay đã có lúc nào ngài quyết định sai lầm?

 

Chúa không phải là người cảnh sát, mà cũng chẳng phải vị quan toà chỉ muốn phạt mình. Nhưng, vì đức tin và nhiệm vụ được trao, mỗi ngày tôi phải xét mình, xem đã làm gì phải hay không phải. Dĩ nhiên tôi cũng thấy có điều lầm lỗi. Chuyện đó đã có bí tích hoà giải.  



 

Người ta nói, người công giáo mang mặc cảm tội lỗi trước mặt Chúa.

 

Tôi tin rằng người công giáo, trước hết nói chung, có cảm nhận là được Chúa thứ tha.  Hãy xem nghệ thuật Ba-rốc hoặc Rô-cô-cô. Ở đó toát lên nét tươi vui thanh thoát. Không phải không có lí do mà người ta bảo dân các nước công giáo điển hình như Í-đại-lợi hay Tây-ban-nha đều có tâm hồn thanh thản.



 

Có lẽ cũng có những vùng Ki-tô giáo, mà vì lối giáo dục hoặc quan niệm lệch lạc, đã đề cao sự đe doạ và hình phạt, nhưng bản chất Ki-tô giáo không phải vậy. Theo tôi thấy, nói chung, những ai sống trong niềm tin của Giáo Hội, cuối cùng đều mang cảm nhận được cứu độ: Chúa không để mình hư mất! 

 

Thỉnh thoảng Chúa có dùng thứ ngôn từ thật cụ thể để nói với ta: „Được, cứ thế mà làm“. Hay: „Này dừng tay lại, đây là lời cảnh cáo cuối cùng!“ không?

 

Tiếng Chúa nhỏ nhẹ lắm. Nhưng Ngài cho ta nhiều dấu chỉ. Có thể khi nhìn lại, ta nhận ra dấu chỉ đó qua bạn hữu, qua một cuốn sách hay qua một thất bại, thậm chí một tai nạn.  Cuộc sống thật ra đầy những dấu chỉ âm thầm như thế. Với đầu óc tỉnh táo, từ từ ta nhận ra cái toàn thể từ các dấu chỉ đó, và ta bắt đầu cảm được Chúa đang dẫn dắt ta như thế nào. 



 

Ngài trò chuyện với Chúa một cách tự nhiên như khi gọi điện thoại?

 

Cũng có thể nói được như thế, trong mức độ nào đó. Tôi biết Ngài luôn có đó. Và Ngài dĩ nhiên biết tôi là ai, và tôi là người như thế nào. Nhất là khi tôi có nhu cầu muốn kêu Ngài tới, muốn tự thông báo và muốn thưa chuyện với Ngài. Tôi có thể trao đổi với Ngài những chuyện thật đơn giản, thật riêng tư, thật khó chịu cũng như điều lớn lao. Tôi gặp Ngài dễ dàng, suốt ngày luôn có thể nói chuyện với Ngài. 



 

Chúa luôn tỏ ra nghiêm nghị, hay Ngài cũng có khi hài hước?

 

Tôi tin rằng Ngài nhiều hài hước. Đôi khi Ngài đẩy nhẹ ta một cái và nhắc, này con, đừng coi trọng mình! Hài hước thực ra là một thành phần trong bức tranh tươi vui của thụ tạo. Nếu đế í, ta thấy Chúa nhiều lúc trong cuộc sống cũng muốn ta đừng quan trọng hoá vấn đề, hãy hạ mình xuống, hãy nhìn khía cạnh tươi vui, và đừng quên mặt hài hước của cuộc sống. 



 

Đôi khi Ngài cũng phải bực bội Chúa?

 

Dĩ nhiên nhiều lúc tôi cứ loay hoay với câu hỏi: Tại sao Chúa không giúp tôi nhiều hơn? Đôi khi tôi thấy Ngài khó hiểu. Những khi bất chợt gặp bực tức, tôi cũng cảm thấy Ngài bí ẩn và xa lạ. Nhưng trực tiếp giận Chúa, như thế là ta đã kéo Ngài xuống quá thấp. Nhiều khi lỗi nằm chính nơi cơn giận. Và nếu như cơn giận có lí do, thì ta phải nên tự hỏi, phải chăng Chúa muốn dùng sự việc hay cá nhân nào đó làm ta giận để nhắn nhủ mình một chuyện gì quan trọng? Tôi không bao giờ bực chính Chúa.  



 

Mỗi sáng ngài bắt đầu làm gì?

 

Trước khi đứng dậy, tôi cầu kinh một lát. Ngày tới sẽ khác, nếu ta không nhảy bổ ngay vào nó. Rồi đến những việc khác như người ta vẫn làm lúc sáng sớm, rửa ráy, ăn sáng. Sau đó dâng thánh lễ và đọc kinh nguyện. Hai chuyện này là công việc chính trong ngày của tôi: Thánh lễ là cuộc gặp gỡ cụ thể với Đức Ki-tô phục sinh, và kinh nguyện là đi vào lời cầu lớn của lịch sử cứu rỗi. Tôi thích nhất đọc Thánh Vịnh. Đó là lời cầu ngàn năm tiếp nối, và đọc nó là ta nghe tiếng nói của các giáo phụ. Tất cả những thứ đó là cánh cửa dẫn con người bước vào một ngày. Rồi tới công việc thường nhật. 



 

Ngài cầu nguyện thường xuyên?

 

Các giờ nguyện trong ngày là buổi trưa, theo truyền thống Giáo Hội, lúc đó ta cầu cùng thiên thần Chúa (kinh truyền tin). Buổi chiều có kinh chiều, và tối có lời kinh tối của Giáo Hội. Giữa những giờ kinh đó, khi cảm thấy cần ơn Chúa, tôi đọc thêm những lần kinh ngắn. 



 

Mỗi sáng ngài cầu kinh khác nhau?

 

Không, chỉ có một bộ kinh sẵn, đó là một chuỗi lời kinh ngắn, nhưng đã được kết lại thành một công thức không đổi.  



 

Theo ngài, nên đọc kinh nào?

 

Mỗi người, tùy sở thích, có thể chọn cho mình một đôi kinh trong kho tàng của Giáo Hội. Buổi tối, khi cảm thấy mình bất an... ... thì tôi khuyên nên lần chuỗi. Ngoài tính chất linh thiêng của lời kinh, chuỗi còn có tác dụng trấn an tâm hồn. Càng để tâm lập đi lập lại lời kinh, ta quên đi những ý nghĩlàm mình nặng đầu. 



 

Nếu như có chuyện đau đầu, thì ngài tự giải quyết chúng bằng cách nào?

 

Tại sao tôi lại được miễn những chuyện đau đầu? Một mặt, tôi cố đưa chúng vào lời kinh nguyện, và cố bám chắc mình trong các lời kinh đó. Mặt khác, tôi cố đề ra cho mình một công việc khác, đòi hỏi công sức thực hiện cao hơn và đồng thời mang lại niềm vui cho mình. Và cuối cùng, nếu chưa hết, tôi có thể giải toả chúng phần nào qua gặp gỡ bạn bè. Ba yếu tố đó quan trọng.



 

Tôi tin rằng ai cũng có lúc cảm thấy mỏi mệt, bị xâu xé, bất lực, và thất vọng cũng như tức giận về số phận xem ra âm thầm, bất công của mình. Ngài bảo đưa chúng vào kinh nguyện – đưa bằng cách nào?

 

Có lẽ nên bắt đầu như ông Gióp. Thoạt tiên mình phải la Chúa: Tại sao Chúa đối xử với con như thế? Tiếng la của Gióp là một tiếng la thật, nó cũng nói cho ta biết, là mình có quyền làm như vậy – và ngay cả phải làm như vậy. Dù Gióp có than trách Chúa thật, cuối cùng Ngài cũng phải cho ông là có lí. Ngài bảo: Gióp làm đúng, còn những người khác, họ giải thích mọi chuyện, nhưng đã không nói về Ta một cách đúng đắn.



 

Gióp nhảy vào cuộc đấu với những lời than trách Chúa. Nhưng rồi dần dần ông nghe ra tiếng Ngài, và sự việc đã xoay sang một chiều hướng khác. Nhờ đó, tôi bước ra khỏi tình trạng chỉ cảm thấy bị bách hại mà thôi, và biết rằng, dù lúc này đây tôi chưa thể hiểu ra tình yêu của Chúa, nhưng tôi có thể tin tưởng vào nó, và tin rằng, tình trạng đang xẩy ra cho tôi không hẳn là xấu. 

 

Có lẽ người ta nên nghiêm khắc hơn đối với những chuyện đau đầu, đừng cho phép chúng lọt vào đầu thì hơn.

 

Chẳng ai cấm được chúng. Các quyết định phải lấy, các thất bại, hiểu lầm, thất vọng... là những thứ con người không thể tránh được, mà cũng không nên tránh. Các vấn nạn khó khăn còn có tác dụng giáo dục, chúng giúp con người tập giải quyết vấn đề. Nếu muốn trở nên hoàn toàn như thép hoặc chai cứng, con người sẽ mất đi tính người và mất khả năng nhạy cảm, ngay cả đối với tha nhân. Ông Seneca*, một người theo chủ nghĩa khắc kỉ, đã nói: Đau khổ vì kẻ khác là chuyện đáng tởm. Nhưng, nếu ta nhìn lên Chúa Ki-tô, ta thấy Ngài là đấng đã vì ta mà khổ đau, và chính cái đó làm Ngài trở nên cao trọng đối với ta. Có thể đau vì kẻ khác và có thể bị tổn thương là những thứ cũng thuộc bản chất của người theo Chúa. Như vậy, mình phải học chấp nhận tổn thương, học sống với tổn thương, và rốt cuộc phải tìm cách chữa lành chúng. 



 

Nhiều người lúc nhỏ biết cầu nguyện, tới một lúc nào đó thói quen biến mất. Phải học nói chuyện với Chúa?

 

Cái bộ phận dành cho Chúa trong ta có thể bị hư, nó làm cho ngôn ngữ đức tin mất hết ý nghĩa. Vả, ai không còn nghe được thì cũng chẳng còn nói được, bởi vì câm và điếc đi đôi với nhau.



 

Cầu nguyện cũng giống như ta học tiếng mẹ đẻ. Càng học, từ từ mình càng lần ra được ngôn ngữ của Chúa và hiểu Ngài, cho dù Ngài vẫn luôn ẩn mặt. Và lần hồi chính mình biết ra được cách cầu nguyện và nói chuyện được với Chúa, bước đầu với những lời trẻ con – trong một ý nghĩa nào đó chúng mình vẫn luôn là trẻ con –, nhưng rồi càng lúc càng có được thứ ngôn ngữ riêng của mình.  

 

Có lần ngài nói: Ai chỉ biết tin vào những gì mắt trông thấy, thì người đó mù…

 

…bởi vì người đó đã tự hạn chế mình vào một khoảng chân trời hạn hẹp, và không còn nhìn ra được cái cơ bản nữa. Có ai thấy được trí khôn mình đâu. Chính những cái quan trọng nền tảng ta không thể thấy thuần bằng mắt. Vả lại,ta cũng chẳng thấy đúng,nếu như ta không phóng tầm nhìn vượt trên những cảm nhận giác quan trực tiếp. 



 

Có người bảo, có được đức tin cũng giống như mình có cú nhảy vọt từ ao ra biển. Ngài còn nhớ biến cố đức tin lớn đầu đời của ngài không?

 

Nơi tôi, đức tin lớn lên một cách âm thầm. Dĩ nhiên có những cao điểm, chẳng hạn như qua phụng vụ, qua thần học hay lúc suy tư đào sâu thần học, mình bỗng gặp được một cái gì mới đưa mình lên và đẩy mình đi xa trong đức tin. Tôi không thấy mình có được cú nhảy như anh nói. Mà trái lại, tôi như từ vũng nước cạn dám liều lĩnh dè dặt bước ra, và từ từ cảm được đại dương đang tới.



 

Tôi cũng nghĩ, đức tin không bao giờ là cái gì đã hoàn chỉnh. Mà nó luôn phải được sống và thử thách trong cuộc sống, trong đau khổ, cũng như trong những niềm vui lớn mà Chúa trao tặng cho ta. Nó chẳng bao giờ như thể một đồng tiền mình có thể cầm bỏ túi. 




MỘT HÌNH ẢNH VỀ CHÚA

 

Thỉnh thoảng đứa con trai tôi hỏi: Ba có biết Thiên Chúa như thế nào không?

 

Có lẽ tôi sẽ trả lời nó : Thiên Chúa giống như Đức Giê-su Ki-tô. Đức Ki-tô cũng đã có lần nói: „Ai thấy tôi thì thấy Cha“. Và nếu như ta nhìn toàn bộ lịch sử Đức Giê-su - khởi đi từ máng cỏ, qua giai đoạn công khai, những lời giảng giá trị và sống động, cho tới bữa tiệc li, tới thánh giá, phục sinh và tới lệnh sai đi rao giảng -, ta sẽ nhìn ra phần nào khuôn mặt Thiên Chúa. Khuôn mặt đó một đàng nghiêm trang và cao cả, vượt lên trên mọi khuôn thước của chúng ta. Nhưng đồng thời nét tiêu biểu của khuôn mặt đó lại là thương yêu, chấp nhận, muốn điều tốt lành cho ta. 



 

Cũng có lời dạy, không nên vẽ cho Thiên Chúa một bộ mặt nào.

 

Lời dạy đó không còn đúng hẳn, vì chính Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho ta. Trong thư gởi giáo đoàn Ê-phê-sô, thánh Phao-lô nói về Đức Ki-tô: Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa. Và nơi Ngài thể hiện mọi điều đã được nói tới trong việc tạo dựng con người.



 

Đức Ki-tô là hình ảnh nguyên mẫu của con người. Thật ra, chúng ta không thể trình bày chính Thiên Chúa trong nét bất tận muôn đời của Ngài, nhưng chúng ta có thể trình bày Ngài qua hình ảnh chính Ngài đã tỏ ra. Từ đây, ta không còn tạo ra một khuôn mặt nữa, mà chính Thiên Chúa đã tỏ khuôn mặt ấy ra. Với khuôn mặt đó, Ngài nhìn ta và nói với ta.

 

Khuôn mặt Đức Ki-tô, dĩ nhiên, không đơn giản là một ảnh chụp khuôn mặt của Thiên Chúa. Nhưng qua khuôn mặt của Đấng bị đóng đinh đó, ta thấy được toàn bộ tiểu sử, nhất là tiểu sử nội tâm, của Đức Giê-su. Khuôn mặt đó dẫn ta vào một cái nhìn, trong đó các giác quan mở ra và vươn lên cao. 



 

Ta có thể phác hoạ Đức Giê-su chỉ bằng vài nét tiêu biểu không?

 

Ở đây, ngôn ngữ loài người không đủ. Căn bản mà nói, Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, Ngài vừa là Chúa vừa là người. Ngài chính là đấng không những mang nét tài ba hoặc uy dũng của phàm nhân, mà còn được Thiên Chúa xuyên chiếu. Có thể nói, khi nhìn Đức Giê-su bị banh thây trên thánh giá, ta thấy được Thiên Chúa như thế nào: là đấng đã tự trao tặng cho ta đến mức độ như thế. 



 

Đức Giê-su là một người công giáo?

 

Điều này hẳn không nói được, vì Ngài vượt trên chúng ta. Ngày nay người ta có một công thức ngược lại, bảo rằng Ngài là một người Do-thái, chứ không phải là một ki-tô hữu. Điểm này cũng không đúng hẳn. Về chủng tộc, thì Ngài là một người Do-thái. Là Do-thái, vì Ngài chấp nhận và sống theo luật do-thái, và – dù bị chỉ trích – Ngài là một người Do-thái sùng đạo, vì đã tuân giữ nội qui của đền thánh. Nhưng dù vậy, Ngài đã phá vỡ và vượt lên trên Cựu Ước – qua sự uỷ quyền của Ngôi Hai Thiên Chúa.



 

Đức Giê-su tự coi mình như là một Mai-sen mới và cao hơn. Mai-sen này giờ đây không còn chỉ có việc giải thích, nhưng là làm mới. Ngài vượt lên trên cái đã có, và qua đó tạo ra cái mới, nghĩa là mở rộng Cựu Ước ra cho một dân tộc không còn đóng khung trong Do-thái nữa, nhưng toả ra cả thế giới và không ngừng lớn rộng. Như thế, Ngài là điểm xuất phát của đức tin, và là vị mà Giáo Hội công giáo biết rằng vị đó muốn mình trở nên như thế, nhưng dù vậy, Ngài vẫn chẳng phải đơn thuần là một thành phần trong chúng ta.   

 

Bằng cách nào và từ lúc nào ngài biết được Thiên Chúa muốn gì nơi ngài?

 

Í của Thiên Chúa không dừng lại ở một lúc nào cả, thành ra để hiểu Ngài muốn gì, tôi nghĩ, mình phải luôn học đi học lại. Tuy nhiên, nếu anh muốn nói tới cái quyết định làm linh mục, cái hướng nền tảng mà tôi đã nhắm tới, thì đó là một quá trình chín muồi cao độ đã xẩy ra, cũng có khi khá phức tạp, trong những năm tôi học thần học. Tôi gặp con đường đó nhờ qua việc gần gũi với Giáo Hội, qua các vị thầy linh mục hướng dẫn và bạn đồng hành, dĩ nhiên qua Kinh Thánh. Khởi đầu là cả một mớ tương giao phức tạp, từ từ với thời gian mới rõ dần ra. 



 

Nhưng cũng có lần ngài nói, ngài đã có một „cuộc gặp gỡ thực sự“ với Thiên Chúa khi quyết định chọn nghề linh mục. Cuộc gặp gỡ đó giữa Chúa với Hồng Y Ratzinger xẩy ra như thế nào?

 

Dĩ nhiên không như một cuộc hẹn hò giữa hai con người. Có lẽ có thể diễn tả nó như có một cái gì chạm tới da mình rồi chạy vào nung đốt lòng mình. Rồi mình thấy là sự việc giờ đây không thể khác đi được, thật đơn giản, đó là con đường đúng. Không phải là một gặp gỡ theo nghĩa giác ngộ thần bí. Nó không nằm trong lãnh vực kinh nghiệm, để mình được phép ba hoa về nó. Nhưng có thể nói, toàn bộ cuộc vật lộn đó đã dẫn tôi tới một nhận thức rõ ràng và thúc bách, mà thâm tâm tôi coi đó là ý Chúa muốn. 



 

Thiên Chúa đã yêu bạn trước”, đó là lời dạy của Đức Ki-tô. Và Ngài yêu bạn bất chấp nguồn gốc và giá trị của bạn. Phải hiểu lời đó như thế nào?

 

Nên hiểu lời đó từng chữ như đã viết, và tôi cũng cố hiểu như vậy. Bởi vì đó quả thật là động lực sống lớn cho chúng ta, và cũng là niềm an ủi mà chúng ta cần. Mà ta luôn cần những thứ đó.



 

Ngài đã yêu tôi trước, trước khi chính tôi có thể yêu. Tôi sở dĩ được tạo thành, là chỉ vì Ngài đã biết và đã yêu tôi trước. Như vậy, như Heidegger* nói, không phải ngẫu nhiên mà tôi bị ném vào thế giới và phải lần mò trong đại dương cuộc sống này, nhưng đã có một nhận thức, một ý tưởng và một tình yêu đi trước. Tình yêu đó có mặt nơi nền tảng hiện hữu của tôi.

 

Điều quan trọng cho mỗi người, cái làm cho cuộc sống họ trở nên đáng trọng, là biết rằng mình được yêu. Một cá nhân có thể thắng vượt được hoàn cảnh nghiệt ngã, khi người đó biết rằng có ai đó đang chờ mình, có người thương mình, cần mình. Chúa đã có đó và yêu tôi. Và đó là cái nền khả tín tôi dựa trên đó mà sống, và cũng từ nền đó tôi hoạch định cho chính cuộc đời mình .



 


Каталог: KHANG

tải về 1.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương