Thiên Chúa và Trần Thế Hồng y Joseph Ratzinger Đgh bênêđictô XVI bản dịch của Phạm Hồng Lam



tải về 1.72 Mb.
trang4/22
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích1.72 Mb.
#3938
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22
§1 - THIÊN CHÚA

Thưa Hồng Y, tiến bộ khoa học ngày càng lột trần những bí ẩn của tạo dựng. Dù vậy, tạo dựng luôn vẫn là một ẩn số đối với ta. Tại sao Chúa không hiện ra một lần và nói: „Này các con hãy nghe! Hôm nay Ta cho các con biết vũ trụ đã hình thành như thế nào và trái đất tí hon của các con vận hành ra sao“?

Quả thật tạo dựng là một ẩn số; và ta càng biết thêm về nó, khoa vật lí càng đi sâu vào cấu trúc tế vi của vật chất, tạo dựng càng trở nên bí ẩn. Thêm nữa, lịch sử không thể hiểu và không thể lường của loài người cũng là một vũ trụ đầy bí ẩn.

Hẳn nhiên, cuối cùng rồi thì ta vẫn không thể trả lời được câu hỏi: "Tại sao Chúa lại làm như thế?” Tại sao Ngài lặng lẽ như thế? Tại sao Ngài bất lực như thế trong trần gian? Đó là câu hỏi mà chính người có đức tin luôn phải đặt ra. Hay: Tại sao Ngài không tỏ ra dứt khoát và rõ ràng hơn? Nhưng mặt khác, ta phải biết phận ta là hữu hạn. Nếu bỗng dưng thế giới bị lột trần hoàn toàn ra trước mắt ta, và việc lột trần đó vượt quá trí hiểu của ta, thì rồi các thắc mắc trên cũng vẫn không thể lí giải. Thành ra, ta chỉ có thể cố gắng chấp nhận Chúa như Ngài vẫn là, và rồi qua Ngài ta tìm ra ý nghĩa.

Ý nghĩa nào?

Tôi tin rằng, khi ta mạo hiểm vào một lịch sử mà rốt cuộc vẫn không thể hiểu nó nổi, nhưng biết rằng lịch sử đó được tình yêu Chúa nâng đỡ và hướng dẫn, thì rồi với thời gian, ta sẽ nhìn ra từng phần. Mạo hiểm đó là một công tác phù hợp Chúa trao cho loài người chúng ta. Vấn đề không phải là để ta có được một sản phẩm tính toán tiền chế ẩn dấu đâu đó, nhưng là ta bước vào một con đường, và trên con đường đó, chính chúng ta có thể đóng góp vào cái bí ẩn và lớn lao của thế giới. Tôi nghĩ, Chúa đã ban cho ta đủ vốn liếng để ta có thể sống. Và giới hạn nhận thức của ta không chỉ là một thách đố, mà cũng là một quà tặng. Nó dẫn ta vào cuộc phiêu lưu của tiếp tục lên đường, của học hỏi, nhờ đó các chiều kích nơi ta lớn lên dần. Nhưng điều kiện đặt ra ở đây, là phải luôn khiêm tốn cúi mình trước Thiên Chúa, đấng mà ta không thể thấu hiểu.



1. CON NGƯỜI

Nhà thần học Hans Urs von Balthasar* cho rằng, mọi điều có thể được nhìn dưới hai mặt, chúng vừa là dữ kiện vừa là bí ẩn. Ông nói: con người, nếu nhìn như một dữ kiện, thì nó là một sản phẩm ngẫu nhiên bên lề vũ trụ. Nhưng nếu nhìn như một bí ẩn, thì đó là tạo vật được Chúa sinh ra vì chính ơn ích của nó. Lối nhìn đó có phải là nền tảng giúp ta tiếp cận được nhân sinh quan và thế giới quan Ki-tô giáo không?

Đúng, tôi muốn nói như thế. Thoạt tiên, chúng ta thấy những dữ kiện, nghĩa là thấy được thực tại như nó có. Lịch sử cũng được nhìn như vậy, trong đó thật ra mọi chuyện cũng có thể xẩy ra một cách khác. Nhưng con người không ai bằng lòng mình chỉ là dữ kiện. Là vì, ngoài việc biết mình tiên vàn là một dữ kiện thuần tuý, mọi người trong chúng ta đồng thời cũng biết mình không phải chỉ có thế, mà còn là gì hơn thế nữa, và sự có mặt của mình không phải là một ngẫu nhiên.

Vì thế, không nhất thiết phải nhìn con người dưới khía cạnh dữ kiện thuần tuý, rồi bảo rằng, con người chỉ là sinh vật bị trò chơi tiến hoá ném vào thế giới. Không, mọi người đều là sản phẩm mong muốn. Mỗi người là một ý nghĩ của Thiên Chúa. Tất cả mọi sự, thoạt tiên xuất hiện như một dữ kiện, đều được tác động bởi một chương trình và một ý nghĩ. Và nhờ có ý nghĩnày mà cuộc tìm kiếm ý nghĩ riêng của tôi, và việc tôi bước đi cùng với toàn thể cũng như với đường đi của lịch sử trở nên có ý nghĩa.

Mỗi người là một ý nghĩ của Chúa. Nghiã là sao?

Vâng, đó là xác tín nền tảng của Ki-tô giáo. Khi Kinh Thánh dùng hình ảnh để trình bày việc tạo dựng con người: nó được người thợ Thiên Chúa nặn ra và thổi tinh thần vào, thì đó là hình ảnh mẫu được áp dụng cho từng người một. Con người nói về mình trong Thánh Vịnh: Ngài đã tạo ra tôi bằng bùn đất ; Ngài đã thổi hơi cho tôi. Điều này nói lên rằng, mỗi người có một giao tiếp trực tiếp với Chúa. Và như vậy, mỗi người đều mang một vai trò đầy ý nghĩa trong cấu trúc to lớn của lịch sử thế giới, mỗi người đều được đặt để vào một vị trí riêng, và với vị trí đó, nó có thể đóng góp phần không thể thay thế được của mình vào cái toàn thể của lịch sử.



HƠI THỞ THIÊN CHÚA

Sách Sáng Thế viết: Lúc đầu, địa cầu lạnh lẽo và trống không. Thiên Chúa chưa cho mưa xuống. Giờ đây Ngài dựng nên con người, và để làm chuyện đó, Ngài lấy „bụi đất và thổi hơi sự sống vào mũi, nhờ vậy con người trở thành vật sống động“. Hơi sự sống – có phải là câu trả lời cho ta về phát nguyên của con người?

Tôi tin đó là một hình ảnh hết sức lớn và là một tiên đoán quan trọng về con người. Theo đó, con người bắt nguồn từ đất và từ các khả thể của đất. Đoạn phim này ta cũng có thể đọc nó như một thứ tiến hoá. Nhưng không chỉ có thế mà thôi. Một thứ gì nữa đã được thêm vào; nó chẳng phải là đất mà cũng không thể tự phát triển thêm, nhưng là một cái gì hoàn toàn mới: và đó chính là hơi thở Thiên Chúa.

Cơ bản của bức tranh trên là tính hai mặt của con người. Con người vừa thuộc vào vũ trụ, vừa trực tiếp với Chúa. Đức tin Ki-tô giáo cho hay, điều được thông báo cho con người đầu tiên ở đây cũng có giá trị cho từng người một. Nghĩa là mỗi người là một sinh vật, nhưng đồng thời nó còn có cái gì hơn là một sản phẩm gồm những di tử (Gene) và chuỗi DNA, nó là cái gì đến trực tiếp từ Thiên Chúa.

Con người mang hơi thở Thiên Chúa. Nó có thể giống Thiên Chúa, nó có thể vượt lên trên vật chất, vượt lên trên cái được tạo thành. Nó là thứ có một không hai. Nó được Thiên Chúa đoái hoài và được xếp một cách đặc biệt vào cùng loại với Ngài. Qua con người, quả thật một hơi thở mới, hơi thở Thiên Chúa, đã đi vào tạo dựng. Có nhìn con người là tạo vật đặc thù của Chúa như thế, ta mới thấy được nét độc nhất và phẩm giá của nó, và qua đó, mới nhận ra được nền tảng của mọi nhân quyền. Có như thế, con người mới có được sự kính trọng đối với chính mình và với kẻ khác. Nó mang hơi thở của Chúa. Nó biết rằng, nó không chỉ là một kết hợp các vật liệu kiến trúc, mà còn là một ý nghĩriêng tư của Thiên Chúa.



Con người đầu tiên được Chúa thở hơi mang tên Adam,theo tiếng Hi-lạp nghĩa là người, đồng thời cũng là Adama, một lối chơi chữ, có nghĩa là đất. Sách ghi, Thiên Chúa đã lập nên một mảnh vườn trong địa đàng cho con người đó. Có phải hình ảnh biểu trưng đó đã nói lên mục đích sinh thành của con người?

Hẳn nó cho chúng ta biết về chuyện đó. Vườn biểu tượng cho tạo dựng lành lặn và cuộc sống an toàn. Trong đó tạo dựng không bị phá hoại hay bị lợi dụng, nhưng được chăm sóc và che chở - và được tiếp tục hình thành về mặt tinh thần. Hình ảnh đó nói lên tất cả tầm xa, nét tươi vui và sự chở che trong tạo dựng. Nó cho hay, Chúa muốn cho ta sống hài hoà với tạo dựng và được sống an toàn bên Ngài. Như thế, nó cho thấy hai khía cạnh nơi con người: là kẻ canh giữ tạo dựng, đồng thời có quan hệ trực tiếp với Chúa, để có thể nhờ Ngài và cùng với Ngài chia sẻ gánh tạo dựng.



Sách Khởi-nguyên cho thấy tạo dựng là một tiến trình. Mọi chuyện được hình thành từng bước. Và trong tiến trình đó Chúa nhận thấy „con người ở một mình không tốt. Ta muốn giúp nó có đối vật để hỗ trợ nó“. Vì thế Ngài đã dùng đất tạo ra muôn thú trên đồng và muôn chim trên trời và đưa chúng cho con người, để xem con người muốn đặt tên gì cho chúng. Một cơ hội tốt để nói về thú vật, là loài sống gần với ta. Adam đặt cho mỗi loài một tên. Ta có được phép sử dụng thú vật và ăn thịt chúng không?

Đây là một câu hỏi rất nghiêm túc. Rõ ràng loài vật được trao cho ta canh giữ, và ta không được đối xử một cách tuỳ tiện với chúng. Cả loài thú cũng là tạo vật của Chúa, tuy chúng không được tạo ra trực tiếp như con người, nhưng vẫn là những vật do Ngài muốn, và ta phải quý trọng chúng như là những kẻ đồng hành và như những thành tố quan trọng của tạo dựng.

Về câu hỏi có được phép giết và ăn thịt thú không, đã có câu trả lời lạ lùng trong Kinh Thánh. Theo đó, thoạt tiên của ăn của loài người là cây cỏ. Chỉ sau khi xẩy ra nạn hồng thuỷ, nghĩa là sau cuộc đứt đoạn mới giữa con người với Chúa, Ngài mới để cho con người tự quyết định việc ăn thịt thú vật. Điều này có nghĩa là, ăn thịt thuộc vào trật tự hạng hai và nó cũng chỉ được thông báo về sau. Dẫu sao, nếu việc ăn thịt thú có làm buồn lòng một người nào, ta cũng không nên để mình trở nên môn đồ của phái thờ thú vật.

Nghĩa là con người cũng được phép ăn thịt thú. Không ai cấm họ dùng thú làm của ăn, nhưng khi làm điều đó, họ nên giữ lòng quý trọng thú vật. Còn cái lối dùng thú như kĩ nghệ làm, như nhồi nhét cho ngan ăn để có gan lớn, hay khoá gà trong chuồng biến chúng thành những con vật dị hợm, cái lối hạ sinh vật xuống thành hàng hoá đó, tôi cho rằng phản lại sự tương thuộc giữa người và thú, như Kinh Thánh đã chỉ cho ta thấy.



Thế giới thú vật quả là một tạo dựng đầy man rợ. Ai cũng biết, có những loài thú có thể bất cứ lúc nào cũng săn đuổi, cắn xé và giết đồng loại. Con nào thoát, con đó thật sự có được cơ hội lớn để huỷ diệt con khác.

Quả là một ẩn số của tạo dựng, khi xem ra trong tạo dựng có sự hiện diện của quy luật bạo tàn. Nhà văn công giáo Reinhold Schneider, người vốn có khuynh hướng suy nhược thần kinh, đã lột trần mọi cái khủng khiếp trong thiên nhiên và trong thế giới loài thú ra cùng với cái nhìn thật chi li của một con người đau khổ. Và ông đã tuyệt vọng về Chúa và về tạo dựng.

Giáo Hội vẫn luôn tin rằng, sự rối loạn của tội tổ tông ảnh hưởng cả lên tạo dựng. Nó khiến cho tạo dựng không còn phản ảnh í định trong suốt của Thiên Chúa nữa. Nó làm cho mọi thứ, một cách nào đó, bị biến dạng. Thành ra chúng ta đứng trước những bí ẩn. Dù sao, thế giới loài vật cũng đã gợi lên cho ta thấy trước những nguy hại có thể có nơi con người.

NGƯỜI NAM VÀ NGƯỜI NỮ

Theo sách Khởi-nguyên, kể từ đây thế giới có lẽ mới được trở thành là thế giới loài người. Chúa tiếp tục tạo ra các đối vật cho con người, và Kinh Thánh khoác cho hành vi đó một bức tranh tuyệt mĩ. Kinh Thánh viết: „Nhưng con người không tìm thấy sự hỗ trợ trong đối vật“. Chúa liền để cho con người ngủ say, rút một xương sườn ra và lấy thịt lấp chỗ đó lại. Thiên Chúa dùng xương sườn này làm thành một người nữ và đưa tới cho Adam. Và con người thốt lên: „Đây mới thật xương của xương tôi, thịt từ thịt tôi“. Kinh Thánh tiếp, từ đó người nam bỏ cha mẹ và hợp với vợ mình để thành một xương thịt.

Adam, theo ngữ nghĩa là „người”, gọi vợ mình là Eva. Eva có nghĩa là sự sống, và như thế Eva là mẹ của mọi loài sinh vật. Có lẽ cho tới ngày nay, các ông vẫn còn cảm thấy mất mát về vụ tặng xương đó, hình như trong chuyện này ẩn chứa một bí mật lớn nào đó ?

Đây cũng là một trong những hình ảnh nguyên mẫu mà Kinh Thánh đã tặng cho ta, để nhờ đó ta hiểu được những điều khó hiểu. Trước hết, ở đây nhấn mạnh tới sự bình đẳng giữa nam và nữ. Cả hai là một bản chất và cùng có một phẩm giá. Dù sao, ở đây, sự bình đẳng phẩm giá đã được trình bày một cách thật tài tình. Điểm thứ hai là sự tương thuộc lẫn nhau. Điều này thể hiện qua vết thương hiện hữu trong mỗi chúng ta và nó dẫn ta đi tới với người khác.

Hình ảnh, mà ta gặp trong Kinh Thánh ở đây, đã xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau trải dài trong toàn bộ lịch sử tôn giáo. Cả Platon cũng đã kể về huyền thoại con người cắt đôi và mỗi nửa trở thành người nam và người nữ. Nhìn như thế, thì mỗi người chỉ là một nửa, và nửa này luôn trên đường đi tìm nửa kia của nó. Dịch chữ „xương sườn“ không chắc lắm. Có lẽ ở đây cũng là hình ảnh tương tự như trên, trong đó con người tự phân đôi và nửa này được tạo thành cho nửa kia. Người nam cho người nữ, người nữ cho người nam. Họ tìm kiếm nhau, để gặp lại cái toàn thể của họ.



Và nếu làm khác đi thì không có cái toàn thể đó?

Con người được tạo ra trong nhu cầu cần tới người khác, để nó vượt qua được chính mình. Nó cần sự bổ túc. Nó không được tạo ra để sống đơn độc, điều này không tốt cho nó, mà để sống vì nhau. Nó phải tìm và gặp nó trong người khác.Sau đoạn sách Khởi-nguyên đó, ta cũng thấy tiếp câu tiên tri: vì thế người nam sẽ bỏ cha mẹ để cùng với vợ mình kết thành một thân xác. Họ trở thành một thân xác với nhau, cùng nhau thành một con người. Toàn bộ bi kịch về nhu cầu của phái tính, về sự cần nhau, về tình yêu đều nằm trong đó. Ngoài ra, trong đó cũng nói tới việc hai người trao thân cho nhau, để chính từ việc trao thân này phát sinh một sự sống mới, và cả hai rốt cuộc hiến mình cho sự sống mới đó. Như thế, ở đây, bí ẩn hôn nhân cũng đã được nói tới, và cả chuyện gia đình cũng đã được nhắm tới.



Lắm lúc người ta có thể nghĩ rằng, đàn bà là tạo vật thành công và tốt hơn đàn ông, vì họ được tạo dựng sau. Họ xem ra không những đẹp hơn, mà cả phát triển hơn.

Tôi không muốn mở ra đề tài tranh luận này. Không chối cãi là đàn bà có nhiều khả năng đặc biệt, và trong một khía cạnh nào đó, giỏi chịu đựng và dai sức hơn. Và với khả năng yêu đặc biệt trời cho, họ có thể mang trong mình một con người mới và trao đi chính mình, máu thịt mình cho con người mới đó, tất cả những thứ đó làm cho người đàn bà có được sự tôn vinh và nét cao cả riêng. Còn những thứ khác, chúng ta nam hay nữ nên trao lại cho Chúa, và cả hai nên cố gắng cùng nhau sống sao cho đời mình được tốt đẹp.



Trên thực tế, có lẽ cả nam lẫn nữ không phải là hai bản chất hoàn toàn khác nhau?

Đúng, nhưng chúng ta cứ muốn chống lại điều đó. Cả hai đều là một con người. Và vì thân xác không chỉ là một phụ phẩm bên ngoài thêm vào cho con người, nên sự khác biệt thân xác dĩ nhiên là một khác biệt xuyên suốt toàn thể con người, và có thể nói, nó biểu hiện cho hai cách thế làm người. Tôi nghĩ, ta phải chống lại những thuyết sai trái về quan niệm bình đẳng cũng như về khác biệt.

Sai, nếu ta chủ trương đánh đồng nam nữ, rồi bảo rằng mấy cái khác biệt thể lí lẻ tẻ đó chẳng ăn nhập gì. Đây là khuynh hướng ngày nay đang chiếm thế thượng phong. Cá nhân tôi vẫn chưa hết rùng mình trước cảnh người ta muốn gọi nữ giới nhập ngũ. Đúng ra, họ là người canh giữ hoà bình, và chúng ta muốn thấy họ là lực lượng đối địch lại với tính ham gây gỗ và thích chiến tranh của nam giới. Vậy mà giờ đây họ lại ôm súng lang thang đây đó, cho thấy mình cũng có khả năng đánh nhau không thua gì nam giới. Cũng như cảnh phụ nữ có “quyền” làm phu đổ rác và làm thợ mỏ. Tất cả những gì lẽ ra người ta không nên làm cho họ, vì kính trọng nét cao cả, kính trọng sự khác biệt lớn lao và phẩm giá của họ, thì giờ đây người ta lại làm vì nhân danh bình đẳng. Theo tôi, đó là cái nhìn của chủ nghĩa ma-ni-kê, một chủ nghĩa chống lại thân xác.

Nhưng đó nhất định không phải là một khám phá của thời đại chúng ta.

Platon bảo, người ta nên đẩy cả nam lẫn nữ vào trại lính, cả hai nên làm công việc như nhau, vì cơ thể chẳng có gì quan trọng. Con người chỉ quan trọng nơi trí tuệ, và khi có con cái, nên đưa chúng vào vườn trẻ của nhà nước. Trên căn bản, ý hệbình đẳng này là một chủ trương duy linh, một thứ khinh miệt thân xác, ý hệđó không muốn công nhận chính thân xác cũng là con người. Vì thế, theo tôi, loại bình đẳng đó không nâng cao nữ giới, nhưng lấy đi nét cao cả nơi họ. Nó kéo họ xuống hạng tầm thường, khi muốn họ trở thành nam giới.

Mặt khác, cũng có một ý hệgiả tạo về khác biệt. Nó thường nhìn phái nữ như là hạng người thấp kém, chỉ có nấu nướng và quét dọn, trong khi đó các ông có quyền ăn nói, ra trận và tự coi mình ở vào một giai cấp cao hơn. Nó coi phái nữ chỉ là xác thịt, nhục dục, trí tuệ hẹp hòi, kém sáng tạo, và nhiều thứ khác nữa. Như thế, ý hệkhác biệt đã vươn lên thành chủ trương giai cấp mang tính tôn giáo. Nhận thức đó che lấp đi tính cách độc đáo của tạo dựng. Tạo dựng của Chúa thật đa dạng, nhưng vẫn mang tính thống nhất và bổ túc cho nhau.

Dù vậy, không ít khi các đôi vợ chồng thường chia tay bằng cuộc cãi cọ nhuốm màu phái tính.

Nam và nữ thuộc vào nhau. Họ có những năng khiếu cần được phát huy, để nhờ đó, đời người mới toả rộng chân trời và mới trưởng thành. Dĩ nhiên, ta biết cái khác biệt trong sự nhất thống đó có thể đưa tới căng thẳng và thử thách. Trong mỗi tình bạn cũng thế. Càng gần nhau, người ta cũng có thể bực bội nhau nhiều hơn.

Tình yêu là một đòi hỏi không cho phép tôi được yên thân nguyên vẹn một mình. Trong tình yêu, tôi không thể đơn giản vẫn là tôi, nhưng tôi luôn phải bỏ mình bằng cách bị gọt dũa, bị thương tích. Và tôi nghĩ, chính điều đó cũng là thành phần của tầm lớn và sức mạnh chữa trị của tình yêu, nó chấn thương tôi, để làm thức dậy những khả thể lớn hơn trong tôi. Vì thế, không được nghĩ rằng tình yêu chỉ có tính lãng mạn mà thôi, nghĩa là bầu trời đã ập xuống trên hai người khi họ hợp í nhau, và từ lúc đó trở đi, chỉ còn toàn là điều tốt mà thôi.

Phải coi tình yêu như đam mê. Chỉ khi ta sẵn sàng chịu đựng nó như đam mê, và luôn chấp nhận nhau một cách mới mẻ, thì cuộc tình duyên suốt đời mới có thể trưởng thành. Nếu không như thế, khi gặp khủng hoảng, ta sẽ tìm cách tránh né và rã nhau. Và như vậy, ta đánh mất cơ hội đích thực nằm sẵn trong sự kết hợp nam nữ, cũng là cơ hội nằm sẵn trong thực tại tình yêu.  



BÊN KIA ĐỊA ĐÀNG - TỘI TỔ TÔNG

Chúng ta đã nói tới một chệch hướng nào đó đã xẩy ra trong tạo dựng. Cái nhìn đó là nền tảng cho giáo huấn về tội tổ tông, do thánh An-tịnh hình thành. Giáo huấn dạy, vì tội Adam ngảnh mặt lại với Chúa và Eva bị cám dỗ ăn trái cây hiểu biết, nên sự chết và tội đã đi vào thế gian. Xưa nay, người ta vẫn luôn tranh cãi gay gắt về giáo huấn này, kể cả trong Giáo Hội. Sách Khởi-nguyên còn nói, con người bỗng dưng sợ Chúa. Phải chăng tội tổ tông quả là nét bản chất nền tảng nhất của con người không?

Không, tội tổ tông không phải là nét bản chất nền tảng nhất, nhưng nó là một thực tại mà ta có thể cảm nhận được sự hiện diện của nó – cả cho dù ta chỉ nhận ra nguồn gốc phát sinh của nó qua hình ảnh mà thôi. Một người bạn tôi đã khuất, ông ta là tay phê phán rất gay gắt, có lần nói với tôi: Tôi quả gặp khó khăn với nhiều tín điều. Nhưng có một tín điều mà tôi chả cần phải tin, là vì tôi cảm nhận nó hàng ngày, đó là tội tổ tông.

Qua những suy tư về con người trên đây, ta luôn nhận ra một nếp gẫy, một gián đoạn nào đó nơi con người, khiến nó không trở nên được như nó có thể trở nên. Sách Khởi-nguyên xem nếp gẫy đó như thể là một thời điểm khởi đầu lịch sử. Kinh Thánh Cựu Ước chưa coi điều đó là hậu quả của tội nguyên, nhưng Cựu Ước càng ngày càng gây nơi ta ý thứcrằng, con người luôn hướng về sự dữ. Và trong Kinh Thánh, chính Chúa đã nói trước và sau cơn hồng thuỷ: “Ta thấy chúng chỉ là xác thịt, chúng yếu ớt, chúng ngã theo sự dữ”.

Giáo huấn tội nguyên do An-tịnh đưa ra, đúng, nhưng căn bản nội dung của nó đã nằm sẵn trong thư gởi Rô-ma của thánh Phao-lô. Phao-lô một lần nữa đọc câu chuyện trong Khởi-nguyên dưới ánh sáng Đức Ki-tô. Và ngài nhận ra toàn bộ lịch sử đã được kể ra qua câu chuyện khởi đầu đó. Ngài bảo, ngay từ đầu, con người đã mang nỗi kiêu căng cho rằng mình đã nắm được chìa khoá hiểu biết, chẳng cần gì Chúa nữa, cũng chẳng cần chìa khoá mở ra sự sống, chẳng phải chết nữa, và vân vân. Từ việc rút lui khỏi Chúa, con người rốt cuộc trốn mặt Ngài. Lòng tín thác của tình yêu bỗng dưng trở thành nỗi sợ hãi trước một Thiên chúa đáng sợ và quá quyền uy.



Nghĩa là, ngay từ đầu, con người bị khống chế bởi ám ảnh của sự hiểu biết, và đó là tất cả cái bất hạnh của con người?

Đối với Phao-lô, câu chuyện trong sách Khởi-nguyên rõ ràng minh chứng cho thấy cái gián đoạn nơi con người, lạ thay, đã có ngay từ đầu. Nó là kết quả của toàn bộ lịch sử con người, mà ta phải biết tới. Tuy nhiên, kết quả đó chỉ có thể được trình bày ra và nghĩ ra một cách rõ ràng đầy đủ, một khi lực đối đầu xuất hiện. Nghiã là chỉ sau khi Đức Ki-tô đến và đi ngược lại nó, thì cái gián đoạn kia mới có thể gánh chịu được, và có thể nói, mới được công nhận, vấn đề là thế.

Cũng thuộc thư gởi Rô-ma của Phao-lô còn có thư gởi Phi-líp, chương hai, như một bài thánh ca của Ki-tô giáo sơ khai, (thư này) xuất hiện trước Phao-lô. Theo thư này, Adam giờ đây muốn giật lấy chìa khóa hiểu biết cho mình, và như vậy là muốn chiếm đoạt những gì dành riêng cho Chúa. Adam muốn cao bằng Chúa và chẳng cần Ngài nữa.

Nhưng Thiên Chúa đã tạo ra một lịch sử đối nghịch, khi Ngài xuống trần qua Đức Ki-tô, sống thân phận nghèo hèn con người cho tới chết trên thập giá. Qua đó, Ngài lại mở ra cánh cửa giúp ta có thể quay về với Chúa, và giúp ta nhận ra kiêu căng chính là hạt nhân mọi tội lỗi. Ngài đã cùng đau với ta, để kéo ta vào lại trong cộng đoàn gia đình Ngài. Vì thế, tôi tin rằng, ta không bao giờ được tách tường thuật Khởi-nguyên ra khỏi lịch sử Đức Ki-tô, khi đọc sách đó.



Nhưng, sau cái chết của Đức Ki-tô chết trên thập giá, tội tổ tông vẫn không được bứng ra khỏi thế gian.

Không, nó vẫn còn đó, ai cũng thấy. Nhưng trước đây, nó là vật cản bí ẩn và là nếp gẫy mà ta không vượt qua được, thì giờ đây đã có câu trả lời qua sức mạnh thứ tha của Chúa. Sức mạnh này làm cho hoạt động của ta, cuộc sống ta, việc làm của ta trở nên không phải vô ích. Nhưng nó đưa chúng vào một nội dung khác, và như vậy, nó cũng đề ra cho chính chúng ta một mẫu sống đức tin. Nếu ta sống theo nó, nghĩa là cùng bước đi với Đức Ki-tô, ta sẽ vượt qua được mọi vật cản, mọi nếp gẫy.



Tuy nhiên, Thiên Chúa không những cất đi ơn nên thánh khỏi Adam và Eva, mà còn khỏi cả nhân loại. Tại sao? Chúng ta là hậu sinh, đâu có tội tình gì?

Quan trọng là phải hiểu chữ tổ tông hay sự hiện hữu liên tục của nếp gãy nơi con người như thế nào. Chắc chắn các câu trả lời của ta cũng chẳng giải toả được hết mọi điều. Nhưng ta hãy bắt đầu với từ ơn nên thánh.

Mất ơn đó, có nghĩa là tương giao bị gián đoạn. Ta mất sự liên lạc đầy tin cậy và sống động với Chúa. Liên lạc này là cội nguồn và có lực chữa lành mọi liên lạc giữa người với người. Mất liên lạc, Chúa trở thành lu mờ trong ta. Ta trốn Ngài, và vì lô cốt của ta xây kĩ quá, nên ta cũng chẳng còn thấy Ngài nữa.

Chúng ta sinh ra trong gián đoạn liên lạc đó, trong thế giới đổ vỡ quan hệ đó. Và ta thấy Kinh Thánh diễn tả điều đó một cách tâm lí tuyệt hay, khi kể rằng, sau vụ phạm tội, Adam và Eva lập tức đổ lỗi cho nhau trước mặt Chúa. Như thế, gián đoạn tương giao với Chúa tức khắc khiến con người đâm ra chống đối nhau. Bởi vì ai chống Chúa, kẻ đó cũng chống lại người khác.

Như vậy, mất ơn nên thánh như là hạt nhân của tội nguyên tổ có nghĩa là một gián đoạn tương giao đã xẩy ra, và gián đoạn này đã trở thành một thành phần của cấu trúc lịch sử con người. Dĩ nhiên, mỗi chúng ta chẳng có lỗi gì trong chuyện này, nhưng vì chúng ta được sinh ra trong đó, nên ta cần đến người tái lập tương giao kia. Và vì Chúa chẳng muốn hành hạ hay tra tấn hoặc phạt con người, nên Ngài đã tự mình nối lại tương giao, và qua đó, sửa lại cái đã đổ vỡ. Khi ta nói về tội nguyên tổ, nghĩa là nói về cái tương giao đổ vỡ mà ta bị thẩy vào trong đó, ta phải luôn nói thêm, là Chúa cũng đã khởi sự lập tức nối lại và chữa lành lại tương giao đó. Nếu nói tới tội nguyên, mà không đề cập gì tới câu trả lời của Chúa, thì quả ta rơi vào vòng phi lí.

Kinh Thánh viết tiếp, cả hai liền mở mắt ra “và nhận thấy mình trần truồng. Họ kết lá cây vải làm khố che thân”. Tôi nghĩ, quả là chuyện khó chấp nhận, một huyền thoại thật cổ xưa và cơ bản như thế mà lại dính tới chuyện đạo đức thái quá như thế?

Không, chắc chắn không. Bức tranh đó nói lên rằng, con người không còn ở trong hào quang của Chúa nữa, họ cũng không còn nhìn nhau dưới hào quang đó nữa, họ thấy nhau như trần truồng và chẳng còn có thể chấp nhận nhau dễ dàng nữa. Tình trạng bình thường của tương giao, cả ở đây nữa, cũng bị chấn thương. Chúng ta dấu mặt nhau qua tấm áo, hay nói khác đi, phải chứng minh cho nhau qua những yếu tố xã hội bên ngoài. Như vậy, tấm áo trở nên biểu trưng cho chính con người đó, ta muốn dùng nó để tạo lại một cách bề ngoài phẩm giá bên trong đã bị thương tích của ta.Bức tranh hàm chứa một khoa thần học hay triết học về quần áo. Bức tranh đó hẳn cũng nói lên một cái nhìn thâm sâu về nhân chủng, mà tôi tin rằng, ta còn phải suy nghĩ lại trong từng điểm một. Nhưng, bảo rằng tội nguyên tổ đã tạo ra cái đạo đức quá đáng kia, thì chắc chắn không đúng.



Каталог: KHANG

tải về 1.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương