Thiên Chúa và Trần Thế Hồng y Joseph Ratzinger Đgh bênêđictô XVI bản dịch của Phạm Hồng Lam



tải về 1.72 Mb.
trang14/22
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích1.72 Mb.
#3938
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   22

LẠY CHA CHÚNG CON

« Kinh Lạy Cha“ là lời cầu duy nhất Đức Ki-tô đã dạy cho môn đệ, và từ 2000 năm nay, kinh này là phần không thể thiếu trong thánh lễ. Kinh này – cũng như kinh tin kính, như các bộ tộc Is-ra-en, như số các tông đồ và số hình sao trên trời – có tất cả 12 câu. Và 12 câu này lại gồm đúng 7 lời cầu. Hẳn phải có một bí ẩn lớn trong đó?

Có phải gồm 12 câu hay không, tôi không biết. Và trong bản bằng tiếng Hi-lạp cũng có số câu như vậy hay không, lại là một chuyện khác nữa. Nếu quả như vậy, thì đây là một cấu trúc khá đặc biệt. Ta có hai kinh Lạy Cha, một theo Lu-ca và một theo Mát-thêu. Quả thật hay, khi toàn bộ nội dung và thứ tự mong ước được gói trọn trong bảy lời cầu, và mỗi chữ đều mang một ý nghĩa sâu xa.

Chỉ một từ Cha mà thôi, nói lên tương quan cha – con giữa Chúa và ta, đã đầy ắp ý nghĩa rồi. Từ chúng con cũng quan trọng không kém. Con cái Chúa không phải là „con“ đơn lẻ, mà là „chúng con“. Như thế, cấu trúc lời kinh đó chứa đựng một kho tàng, mà ý nghĩa chỉ được khám phá dần dần qua bao nhiêu thế kỉ.

Kinh Lạy Cha chẳng bao giờ trở nên cổ hủ…

Không biết có bao nhiêu tác giả đã viết về kinh đó, vì mỗi người có một cảm nhận riêng. Vì thế, cũng như lời Chúa và kinh Tin kính, kinh này một mặt mang một hình thù bất biến, nhưng mặt khác nó luôn mới, vì là nguồn cho những cảm nghiệm bất tận, nó luôn đẩy ta đi tới. Ta không bị trói vào quá khứ cứng đơ, nhưng kinh Lạy Cha là một vùng đất đầy khám phá, trong đó chính mỗi người cũng có thể tìm ra cho mình những điều mới.



Tại sao Giáo Hội cầu kinh đó hàng ngày trong thánh lễ? Phải chăng vì đó là lời kinh do Đức Ki-tô dạy?

Có lẽ chỉ một lí do đó thôi cũng đã đủ rồi. Đó là lời kinh nguồn cội, mà ta cùng Đức Ki-tô cầu nguyện nhiều nhất và đúng đắn nhất. Đại giáo chủ Grê-gô-ri-ô viết trong một lá thư, kinh Lạy Cha trong thánh lễ mang tầm quan trọng nền tảng, vì rốt cuộc đó là kinh do chính Đức Ki-tô dạy. Ngài nói thêm, kinh đó cao trọng hơn bất cứ một kinh nào do con người lập, và cũng quan trọng hơn những lời kinh phụng vụ.



Một chỗ trong kinh Lạy Cha: “và đừng dẫn chúng con vào chước cám dỗ”. Tại sao một Thiên Chúa nhân từ lại muốn cho chúng ta sa chước cám dỗ? Có phải đây là một lỗi dịch thuật? Sư huynh Roger, người sáng lập phong trào Taizé, một cộng đoàn đại kết ở Pháp, đề nghị nên cầu như vầy: “và đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.

Người ta đã thắc mắc nhiều về chuyện trên. Tôi biết, thủ tướng Đức Adenauer đã ép Hồng Y Frings phải xét lại câu đó. Chúng tôi vẫn luôn nhận được thư đề nghị nên đổi theo hướng trên. Dịch đúng chữ phải là “đừng dẫn chúng con vào chước cám dỗ”. Đâu là ý nghĩa của câu này?

Những người cầu xin biết rằng Chúa chẳng ép mình vào đường xấu. Ở đây, có thể nói họ khẩn cầu Ngài đi với họ trong cơn cám dỗ. Thư thánh Gia-cô-bê nói rõ, Thiên Chúa trắng ngần không một vết nhơ chẳng cám dỗ ai cả. Nhưng Chúa có thể thử thách chúng ta – như trường hợp Ab-ra-ham - để chúng ta trưởng thành hơn, để chúng ta đối diện với hố thẳm của mình, và để rồi lại đưa ta về bên Ngài. Như vậy, chữ “cám dỗ” cũng có nhiều tầng ý nghĩa. Rõ ràng Chúa chẳng bao giờ dẫn ta vào đường xấu. Nhưng có thể Ngài không cất đi khỏi ta những cám dỗ, Ngài muốn giúp và dẫn ta, như đã nói, qua thử thách.

Ta cầu Ngài đừng để ta sa chước cám dỗ, đừng để ta đi vào đường xấu, đừng thử thách ta quá sức; cầu Ngài ra tay giúp đỡ sự yếu hèn của ta, để ta khỏi mất Ngài.



Nghĩa là vẫn để nguyên câu đó?

Theo tôi nên để nguyên. Mà cũng không có việc nghiêm cấm chuyện dịch theo các lời đề nghị như kiểu của sư huynh Roger Schütz. Tuy nhiên, theo tôi, vì lòng khiêm tốn, cứ để nguyên như vậy và gắng đi vào chiều sâu của lời kinh thì tốt hơn.



NGUYÊN TẮC CHA – CON

 “Không ai biết Con hơn Cha, và không ai biết Cha hơn Con”, thánh sử Mat-thêu viết như thế. Rõ ràng tính cách Cha của Thiên Chúa cũng giống như một thứ chìa khoá giúp ta hiểu về các thế hệ hoặc về sự trở thành và sự qua đi. Các tông đồ bảo Chúa Cha là “nguồn và cùng đích mọi sự”, chỉ có trong Ngài ta mới hiểu được chính mình. Phải chăng quan hệ này, một cách nào đó, đã được khắc sâu vào cuộc sống như một nguyên tắc? 

Trước hết, điều có lẽ quan trọng với tôi, là phải làm sao nêu bật lên nét đặc thù của quan hệ Cha – Con thật đặc biệt này. Câu “không ai biết Cha ngoài Con, không ai biết Con ngoài Cha” trước hết nói lên một quy luật nhận thức tổng quát. Câu đó có í nói rằng chỉ có những gì giống nhau mới nhận ra nhau. Không thể nhận ra Chúa, nếu không có sự tương đồng nội tâm với Ngài. Thật ra, chỉ có Chúa mới có thể nhận ra Ngài mà thôi. Con người được phép nhận ra Chúa, chỉ khi họ được Chúa đưa vào một quan hệ thân thuộc với Ngài, và khi nơi con người có được nhiều tương đồng với Ngài giúp họ có thể nhận ra Ngài. Và Đức Giê-su nói tiếp: “Không ai có thể nhận ra, ngoài kẻ mà Cha muốn mạc khải cho”. Nói cách khác: Nhận thức chỉ xẩy ra khi cả hai đều muốn.

Phải chăng quan hệ Cha – Con [của Chúa] cũng không phải là một mối liên hệ tiêu biểu cho cuộc sống con người?

Có thể nói được đó là một quan hệ tiêu biểu. Trước hết, đó chỉ là một thứ khung ngôn ngữ và suy tư, một chút hé mở từ xa nhằm giúp ta hiểu được một chút về Thiên Chúa – mà vẫn luôn biết rằng, như công đồng Laterano thứ 4 nói, giữa ta với Chúa cái khác nhiều hơn gấp bội lần tất cả những cái giống. Nhưng mặt khác, có lẽ không thể dùng quan hệ Cha – Con làm hình ảnh tương đồng giúp ta hiểu từ xa cái bí ẩn bên trong của Chúa, nếu như trong quan hệ đó không ẩn chứa một vết tích nào của Thiên Chúa. Quan hệ Cha – Con đặc biệt này là một mối quan hệ uyên nguyên của con người. Đây là một quan hệ cho đi, nhận vào và trao trả lại. Nếu ta bắt đầu từ đây cứ triết lí tiếp, tất nhiên ta sẽ đề cập tới toàn bộ câu hỏi về gia đình nhân loại, và như thế chắc chắn ta sẽ gặp phải giới hạn. Nhưng đúng là ngón trỏ bàn tay ta có thể vươn lên trời được bao nhiêu, thì quan hệ rất đặc biệt kia cũng vươn xa được tới đó.



Thời đại tân tiến ngày nay đang gặp khủng hoảng về vai trò làm cha. Một khi vai trò làm cha mất, ý niệmquyền uy cũng đổ theo. Và xem ra một số lớn kiến thức cũ cũng mất hoặc bị gạt bỏ đi một cách oan uổng. Xem ra, một cách nào đó, người ta không còn dễ dàng tin vào những gì lưu truyền. Làm như thế, nói một cách bóng bẩy, là người ta hất luôn cả đứa con khi đổ chậu nước tắm.

Lời xưa có viết, Thiên Chúa đã trao cho các bậc làm cha một sứ mạng. Và quả thật, xưa nay việc chuyển tiếp gia sản đã diễn ra trong quan hệ cha con; việc chuyển tiếp này hầu như luôn là một diễn tiến căng thẳng, một cuộc chiến đấu, trong đó một phía phải được thuần hoá và được lãnh đạo, trong đó cần có phản kháng để mới lớn lên được.

Nhà tâm lí Erich Fromm đã có lần phân biệt tình cha và tình mẹ như thế này: Tình mẹ, theo ông, là đương nhiên. Tình đó được trao tặng cho người khác. Nó gần như là một thứ tình đui mù. Và tình này không đòi hỏi một bổn phận luân lí nào. Tình cha, trái lại, là một tình yêu có điều kiện. Đó là một tình yêu người ta có thể sinh lợi cho mình, nếu họ cố gắng sống theo quy luật.

Đó là những vấn nạn thâm sâu về mặt nhân chủng. Việc chuyển tiếp đời sống, khôn ngoan và kinh nghiệm xẩy ra như thế nào? Những quan hệ nguồn cội giữa cha mẹ và con cái, giữa cha với con trai, giữa mẹ với con gái hệ tại ở đâu? Chúng nói cho ta biết cái gì về bí ẩn Thiên Chúa, cái gì không? Trước hết, một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng, có một chuỗi bất tận cái không giống trong tương quan giữa ta với Chúa, rằng có cái giống nhưng lại xuất hiện hoàn toàn khác, và vì vậy ta phải vô cùng thận trọng trong việc dùng các hình ảnh tương đồng và trong những ứng dụng. Càng hiểu về con người, về quan hệ cha với con trai, về tương quan mẹ với con, ta càng nhờ đó có thể hiểu thêm chút gì về Thiên Chúa. Chẳng hạn như ta sẽ hiểu rằng Thiên Chúa cũng có một mối tình mẹ con với ta, cho dù – như đã nói – ta không dùng chữ “mẹ” đối với Ngài trong lời cầu kinh.

Về quan điểm của Erich Fromm mà tôi quả không biết, tôi thấy rất hay và đáng suy gẫm. Nhưng phải nói ngay, tôi không đồng í với tất cả những điều anh nêu. Tôi nghĩ rằng tình mẹ trước hết là một mối tình tự nhiên - là vì bà mang con trong lòng, đó là máu thịt của bà -, nhưng đó không chỉ là sự thiết thân hay tình yêu do quy luật sinh lí mà thôi. Bà còn có trách nhiệm cung cấp cho con mình cả thể lí lẫn tình yêu để nó có thể thành người.

Tôi tin rằng trong đó đã có sẵn một yêu sách đạo đức rồi. Làm mẹ chẳng bao giờ chỉ là một diễn tiến thuần sinh lí, nhưng đó cũng là một diễn tiến tinh thần. Mẹ mang con trong lòng, sinh nó ra và phải trải qua một quá trình cọ xát tinh thần với con. Đây là một quá trình có sự tham gia toàn bộ con người của mẹ.

Quan hệ giữa cha và con trai rõ ràng khác và rắc rối hơn. Một nhà thần học đã nói, ngày nay ta phải thay chuyện người con đi hoang bằng chuyện các người cha đi hoang. Cha thường bỏ hết thì giờ cho nghề nghiệp và công việc, hơn là để ý tới con, thường nghĩ tới năng xuất nhiều hơn là nghĩ tới tặng phẩm Trời cho và tới những bổn phận mình phải có đối với tặng phẩm đó. Nhưng mất vai trò cha cũng có nghĩa là con bị thiệt hại. Nhìn vào các thần thoại ngoại giáo, chẳng hạn trong câu chuyện về thần Zeus, ta thấy quan hệ ở đây được trình bày như là bất thường, bất nhất và độc đoán: Người cha ở đây tuy có sức mạnh và uy quyền, nhưng thiếu trách nhiệm cần thiết, ông dùng quyền nhiều hơn lí và tình. Còn người cha trong Cựu Ước thì khác hẳn, nhất là người cha trong dụ ngôn của Đức Giê-su lại càng khác: Ở đây có sự đồng cân giữa quyền và trách nhiệm, vừa có lí có tình, quan hệ đặt trên niềm tin chứ không trên sợ hãi. Thiên Chúa là cha có nghĩa là Ngài hướng đến ta, đón nhận ta vào lòng Ngài, khiến ta có thể lấy tình yêu con cái mà đối xử với Ngài. Thiên Chúa là cha có nghĩa là Ngài đề ra khuôn thước và cũng sửa phạt ta một cách khắt khe, nhưng khắt khe đó đồng nghĩa với yêu thương và luôn đặt nền trên tha thứ. Câu chuyện người con đi hoang trong Tân Ước qua lời kể của Đức Giê-su có lẽ cũng là một hình ảnh đánh động nhất về tư cách làm cha của Thiên Chúa.

Câu chuyện đó, như vậy, trở thành khuôn thước cho vai trò làm cha của ta, để ta tu chỉnh theo nó. Hình ảnh Thiên Chúa là Cha trong Kinh Thánh không phải là để cho ta phóng chiếu nhìn lên, nhưng ngược lại: Từ trên cao Ngài nói xuống cho ta biết vai trò làm cha thật sự ra sao, và ta có thể và nên đóng vai trò đó như thế nào với nhau.



12. SỰ SỐNG

Tôi tin ai cũng muốn biết cuộc sống rồi sẽ ra sao, nó diễn tiến như thế nào, phải sống ra sao cho đúng, và làm sao để có được một cảm giác thật tốt về nó. Cary Grant, một nghệ sĩ nổi tiếng, trước khi chết đã để lại cho con gái Jennifer một lá thư tuyệt mạng thật cảm động. Trong đó, ông còn muốn khuyên con gái một vài điều về cuộc sống. Ông viết: „Jennifer rất yêu dấu của Ba, hãy sống đầy đủ cuộc đời con, đừng vị kỉ. Hãy mực thước, kính trọng nỗ lực của kẻ khác. Hãy cố gắng làm điều tốt nhất và có được tư cách tốt. Hãy giữ cho đầu óc thanh khiết và có lối cư xử trong sáng“. Ông tiếp: „Hãy cám ơn những khuôn mặt tốt con gặp và tình yêu ngọt ngào đàng sau đôi mắt của họ… cám ơn những bông hoa đùa vui trong gió … Chỉ một giấc ngủ ngắn thôi rồi Ba sẽ thức giấc ngàn thu. Nếu Ba không thức dậy, thức dậy như ta vẫn hiểu, thì Ba sẽ tiếp tục sống mãi trong con gái yêu dấu của Ba“. Nghe có vẻ công giáo quá nhỉ.

Một bức thư tuyệt đẹp. Còn có công giáo hay không thì tôi không biết. Đó là lời nói của một người đã trở nên chín chắn, và đã có được cảm quan về cái thiện và cố gắng trao nó đi tiếp, và bằng một cung cách thân thiện tuyệt vời.



SỰ SỐNG CON NGƯỜI

Nếu đứng từ thật xa mà nhìn cuộc sống - thì nó trông ra sao? Phải chăng đó là một cái gì hơn là một trò chơi bắt buộc? Một chiếc lông đong đưa trong gió? Phải chăng cuộc sống lệ thuộc vào bản năng, bạo lực, gốc gác của một con người, lệ thuộc vào nốt chích của một chú muỗi sốt rét có thể đẩy nó ra khỏi quỹ đạo cuộc sống? Hay lí lịch của tất cả chúng ta đều đã được xác định từ lâu? Đời tôi là một thứ bản đồ dẫn đường mà Thiên Chúa vô lường từ lâu đã viết vào trong cuốn Sách Đời bí mật của Ngài? Hoạ sĩ Michelangelo nói như thế này: „Hình đã nằm sẵn từ lâu trong đá. Tôi chỉ đẽo bớt đi những gì thừa thãi mà thôi“.

Anh đã gom vào câu hỏi đó một chương trình phong phú. Tôi tin rằng, khi ta hỏi „Cuộc sống là gì?“, thì điều quan trọng trước hết là mình phải nhìn ra sự phức tạp của ý niệmđó. 

Trước hết, cuộc sống là một cái gì thuộc sinh học. Nó thoát thai từ vô cơ và rồi diễn tả một cấp độ mới của thực tại. Một trong những dấu chỉ chính nói lên sự có mặt của sự sống là khả năng tự sinh sản và tự điều hành của một guồng máy, nhưng đây không hẳn là một cỗ máy, mà là một cơ phận. Như vậy, ta có trước hết là lớp sinh vật, lớp này khởi đi từ một đơn bào rồi càng ngày càng phát triển lên thành những hình thái cao hơn, phức tạp hơn, để trở nên càng lúc càng lạ lùng, nhiệm mầu và phong phú hơn.

Nơi con người có thêm một lớp mới khác. Đó là tinh thần, sống động và là sự sống. Tinh thần tan hoà vào cơ thể sinh vật và qua đó trao cho đời sống một chiều kích mới.

Ngoài ra, đức tin Ki-tô giáo xác tín rằng chúng ta còn có thêm một lớp nữa, lớp này hình thành qua sự gặp gỡ giữa ta với Đức Ki-tô. Ta có thể thấy trước được lớp này qua tình yêu con người: Mỗi khi được yêu, trước sự hiện diện của người yêu, ta thấy có thêm một chiều kích mới đi vào động lực tinh thần ta. Điều như thế cũng xẩy ra, khi tôi được chính Thiên Chúa qua Đức Ki-tô đoái nhìn, và qua đó Ngài biến cuộc sống tôi trở thành song hành với chính cuộc sống sáng tạo của Ngài.

Như vậy, sự sống mang nhiều cấp.

Và cuộc sống vươn tới cấp cao nhất, khi cùng sống với Chúa. Đây cũng chính là nơi tiềm ẩn sự phiêu lưu liều lĩnh của con người. Con người có thể và nên là sự tổng hợp của toàn thể toà nhà nhiều tầng đó. Nó có thể và nên vươn tới Thiên Chúa hằng sống và trao lại cho Ngài những gì đã nhận được từ Ngài, sau khi đã uốn nắn chúng theo cách thế của ta. Nhưng, như chúng ta đã nói, yếu tố tự do đã đi vào động năng cuộc sống mỗi người, và yếu tố này đối kháng lại toàn bộ sự tiền định.

Theo hình ảnh Thiên Chúa Ki-tô giáo, cuộc sống không có một quy định cứng nhắc. Bởi vì Thiên Chúa quá vĩ đại và quá toàn năng trên tất cả, vì bản chất của Ngài quá yêu tự do, nên Ngài không thể và không muốn lèo lái cuộc sống con người một cách tuỳ thích. Mà dù cuộc sống này vẫn luôn được Ngài bảo bọc và nâng niu trong hai bàn tay Ngài, thì yếu tố tự do kia vẫn có chỗ đứng rõ ràng. Tự do này mở rộng tới mức con người có thể phá đổ toàn bộ kế hoạch của Chúa. Quan trọng là cuộc sống phải được diễn ra trong những lớp khác nhau đó. Nhờ các lớp bên trên mà cuối cùng con người vượt qua được sự chết để tiến vào vĩnh cửu. Lại nữa, trên thực tế, cái chết là thân phận cần có của tất cả mọi sự sống thuần hữu cơ.

Nếu tôi có tự do thật, thì làm sao tôi có thể làm chủ được cuộc sống mình, làm sao tôi có thể lái đời mình vượt qua được những bến đỗ, những đoạn đường, những ngã rẽ quan trọng trong đời? Khi nào được gọi là thành công trên đường đời? Giáo huấn Đức Ki-tô có giúp tôi xác định được điều đó không? Cuộc đời tôi phải giống như của mẹ Tê-rê-xa ở Calcutta?

Mẹ Tê-rê-xa chỉ là một mẫu mực. Nhưng khi nhìn vào cuộc đời các thánh lớn, hay nhìn vào các nhân vật có cuộc sống thành công, ta thấy ơn gọi rất khác nhau. Không phải ai cũng phải là mẹ Tê-rê-xa. Một nhà khoa học nổi danh, một học giả cao kiến, một nhạc sĩ, hay một người thợ thủ công, hay người làm công bình thường cũng có thể có một cuộc sống thành toại, họ sống đời mình một cách khiêm tốn, trung thành và ngay thẳng…



Nghe ra hơi lỗi thời…

Có thể như vậy, nhưng người ta tìm gặp trong đó một cuộc sống tràn đầy, dù là hôm qua, hôm nay hay ngày mai. Mỗi cuộc sống có ơn gọi riêng. Nó có ẩn số riêng và con đường riêng. Không cuộc đời nào là thuần bắt chước, tung tăng bước ra từ một chuỗi giống nhau. Và mỗi người cũng cần can đảm sống đời mình một cách sáng tạo mà chẳng cần bắt chước ai. Nếu anh nhìn vào dụ ngôn anh lười, hắn ta chôn tài năng mình để khỏi bị sứt mẻ, thì anh sẽ thấy điều tôi muốn nói trong đó. Hắn ta là người không muốn liều lĩnh sống và làm triển nở cuộc đời độc đáo riêng của mình; không muốn trực diện với những nguy cơ cần có trong cuộc sống.

Trong ý nghĩa đó, có nhiều loại ơn gọi. Tôi đã nói trong cuốn “Muối Cho Đời” của chúng ta, là có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu con đường tới Chúa. Ở đây phải thêm: Có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu con đường để sống thành toại.

Như vậy, có thể nói, con người là một lực sáng tạo trống rỗng?

Không, tất cả điều đó không có nghĩa là ta bị thẩy vào đại dương vô định mà chẳng hiểu tại sao, như Sartre nói, chẳng hạn. Sartre cho rằng, tự do là điều đáng nguyền rủa. Con bò không cần suy tư về số phận trâu bò của mình, nhưng con người phải tìm cho chính mình lẽ sống. Dù vậy, con người cũng không phải bị thẩy vào cuộc sống từ hư vô, mà không mang một dự án nào trước.

Có khuôn mẫu nền tảng. Mỗi người cố gắng tìm ra cho mình nguồn thông tin để hỏi, bạn đã làm như thế nào, hắn đã làm như thế nào, tôi có thể làm như thế nào? Làm sao tôi có thể nhận ra chính mình và những khả thể của mình? Chúng ta xác tín rằng Đức Ki-tô là nguồn thông tin chính của ta. Một mặt, Ngài cung cấp cho ta những đường nét chung và lớn. Mặt khác, Ngài đồng thời cũng đưa ta vào một quan hệ thật riêng tư, để ta có thể cùng Ngài và cùng cộng đoàn tín hữu nhận ra được cái độc đáo của riêng mình – và rồi độc đáo sẽ hoà giải với cộng đoàn.

Trước đây, người ta đơn giản chỉ mong sao được trở nên người ngay thẳng và cuộc sống làm sao được tương đối bảo đảm. Thế là đủ. Có một thời để dọn đất, một thời để gieo hạt và một thời để thu hoạch. Còn chuyện phải sống ra sao, thì đã có Kinh Thánh hướng dẫn. Ngày nay, mọi việc xem ra rắc rối hơn nhiều. Sợi chỉ đỏ của một cuộc đời, cái hoạ đồ sống khả dĩ làm nên cái gọi là bản sắc con người, càng ngày xem ra càng khó thấy, khó tạo.

Phải công nhận cuộc sống xã hội phức tạp ngày nay đã trở nên phức tạp hơn. Dù vậy, ta không nên quá thiển cận để phủ nhận sự hiện hữu của những hằng số. Chúng ta đã suy niệm về mười giới răn. Mỗi thế hệ và mỗi cá nhân phải khai thác từ gia tài đó một cách mới mẻ cho mình, nhưng dù vậy, chúng chứa đựng một thông điệp rõ ràng và không thể lẫn lộn được.



Có lẽ cần nhắc lại, lúc này đây Ki-tô giáo không phải đang chìm vào một thể vô hình và chẳng còn gì để nói nữa. Chính Ki-tô giáo có một chu vi đủ lớn, để có đủ chỗ cho cái độc đáo phát triển – và đồng thời nó cũng có thể đặt ra chuẩn mực cho cái độc đáo kia, nhờ đó mà sự phát triển có thể diễn ra. Chính vì đang ở trong một thế giới phức tạp và rắc rối mà ta càng nên và càng được phép dựa vào những hằng số lớn của lời Chúa, để tiếp tục tìm ra sợi chỉ đỏ. Bởi vì nếu ta không làm chuyện này, thì khả năng sáng tạo của cá nhân, trên thực tế, sẽ chóng trở thành một bản sao chỉ còn biết tuân phục những chuẩn mực chung, chỉ còn biết làm theo những gì thời thượng và những gì nó có thể làm mà thôi.

Nếu ta bỏ đi thông điệp đặc biệt của đức tin, ta sẽ không trở nên độc đáo hơn, mà trái lại, tùy theo mốt thời gian, ta chỉ càng ngày càng rơi vào đồng phục. Chúng ta đã chứng kiến rất rõ tiến trình đồng phục này trong cái đồng dạng của nếp sống tân tiến ngày nay. Vì thế, tôi tin rằng, nay là lúc hơn bao giờ hết, ta cần phải coi các hằng số của mạc khải và đức tin luôn vẫn là bảng chỉ đường, nó giúp tôi những điểm mốc để đi lên, và tặng tôi ánh sáng để có thể triển nở ơn gọi riêng của mình.



NGUYÊN TĂC CỦA ĐỨC GIÊ-SU

Đức Giê-su luôn muốn chỉ cho con người đường ngay nẻo chính; Ngài muốn chỉ ra những điểm mốc để họ theo đó mà thành người, như Hồng Y nói. Một lần Ngài đi lên núi, và bài giảng trên núi đó coi như đã mở ra một chương mới. Bài giảng hẳn đã có tác động mạnh vào thời đó, vì Kinh Thánh chép rằng: “Khi Đức Giê-su giảng xong, đám đông rất xúc động; bởi vì Ngài dạy họ như thể là một người được Thiên Chúa uỷ quyền, chứ không phải như những luật sĩ của họ”.

Ngọn núi nơi Ngài giảng chắc chắn có một ý nghĩa tượng trưng. Ở đây Đức Giê-su hiện thân như một Mai-sen mới. Và thay vì núi Si-nai thì giờ đây là ngọn núi chỉ đường mới, núi của các mối phúc. Thoạt tiên, Ngài dựa vào cấu trúc một cuộc đối thoại, nhưng đồng thời đã đào sâu, làm mới và đưa vào bài giảng một chiều rộng mới, một đòi hỏi mới. Thêm nữa, Ngài còn mở ra một cấp độ nhân bản mới, qua đó con người có thể nối kết được với Thiên Chúa.



Đức Giê-su tuyên bố công khai: “Những lời dạy không phải là của tôi, nhưng của Đấng đã sai tôi. Ai thực hành ý Thiên Chúa, người đó sẽ nhận ra được những lời đó là do tự tôi nói ra hay là lời dạy của Thiên Chúa”.

Không những Ngài tự coi ngang hàng với Mai-sen, hẳn điều này đã khiến người nghe không dễ chấp nhận rồi, mà còn ngang hàng với kẻ ra luật, là chính Thiên Chúa. Đức Giê-su giảng dạy qua sự uỷ nhiệm của Thiên Chúa. Ngài nói: “Quý vị đã được nói cho hay” có nghĩa là “Thiên Chúa đã nói cho quý vị hay”, rồi tiếp: “Còn tôi, tôi nói cho quý vị hay”. Như vậy, nhìn từ nhiều mặt, bài giảng trên núi nói lên cách mạnh mẽ nhất tư cách Thiên Chúa của Đức Ki-tô; Ngài muốn cho thấy rằng, giờ đây không phải do trung gian con người nữa, nhưng là do chính Thiên Chúa, mà lề luật cựu ước có được những diễn giải sâu xa nhất và có được giá trị phổ quát.

Người nghe cảm được điều đó. Và họ cũng cảm được rất mạnh cái gọi là ý nghĩa đôi của bài giảng. Họ hiểu rằng, thông điệp đó một mặt chứa đựng một tinh thần mới, một nét trưởng thành mới và sự nhân hậu, một giải thoát mới đưa ta ra khỏi cái hời hợt và bề ngoài, nhưng mặt khác, nó cũng là một đòi hỏi mới. Và đòi hỏi này quá lớn đến độ có thể đè bẹp con người, nếu như họ bị bỏ mặc một mình.

Nếu giờ đây thay vì nói: ngươi không được xé bỏ hôn ước, mà lại nói, ngươi không được nhìn đàn bà với lòng ham muốn. Thay vì: ngươi không được giết người, mà lại nói, ngươi không được nổi giận về một người nào; thay vì: mắt đền mắt, răng đền răng thì chưa đủ, mà trái lại, ai vả má phải thì hãy đưa thêm má trái cho họ - thì lúc đó ta sẽ đứng trước một đòi hỏi rất đặc biệt, đòi hỏi này có thể tạo nên sự thán phục đấy, nhưng đồng thời nó lại xem ra quá sức đối với con người. Ít nhất, nó sẽ quá sức đối với những ai đã không bước đi cùng với Đức Giê-su Ki-tô và đã không đặt toàn bộ đòi hỏi đó như là hệ quả của cuộc gặp gỡ giữa họ với Chúa. Quả thật, chúng ta thấy sự uỷ quyền của Thiên Chúa trong đòi hỏi đó. Đức Giê-su chẳng phải là một trong những sứ giả của Thiên Chúa. Nhưng Ngài là đấng Tối hậu, và chính Thiên Chúa đã dùng miệng Ngài để phát biểu.

Đoạn Tin Mừng Gio-an mà anh vừa đề cập một lần nữa đã tóm tắt toàn bộ những điều trên đây vào một công thức. Công thức đó muốn nói với ta: Bạn phải thử sống, và khi bạn sống lời tôi, bạn sẽ thấy là bạn đang bước đi trên đường đúng.

Bài giảng trên núi không nhất thiết phù hợp với những suy nghĩ thông thường. Nó còn phản lại định nghĩa của ta về hạnh phúc, về giá trị, về quyền lực, về thành công hoặc công lí. Rõ ràng Đức Giê-su có những phạm trù khác. Vào cuối bài giảng Ngài còn tóm tắt cho người nghe biết cái gì thật sự quan trọng, có thể nói đây là một lề luật của các lề luật, đây là luật vàng của cuộc sống: “Như vậy, tất cả những gì các ngươi mong kẻ khác làm cho mình, thì cũng hãy làm cho họ! Lề luật và các tiên tri là đó”.

Luật vàng đã có từ trước thời Đức Ki-tô rồi, nhưng nó được diễn tả một cách phủ định: “Cái gì ngươi không muốn người khác làm cho mình, thì cũng đừng làm cho kẻ khác”. Đức Giê-su đã chuyển nó lên thành thể xác định, thể này dĩ nhiên mang yêu sách cao hơn. Ngài nói, những gì ngươi muốn người khác làm cho mình, thì cũng hãy làm cho họ. Đó có thể nói là một thách đố cho trý tưởng tượng sáng tạo của tình yêu. Như vậy, luật vàng trở thành Luật Tự do; thư thánh Gia-cô-bê đã tóm tắt bài giảng trên núi, mà cũng là tóm tắt toàn bộ thông điệp của Đức Giê-su, như thế. Sở dĩ gọi Luật Tự do là vì thông điệp đó rốt cuộc đã mở ra một không gian lớn vô tận, trong đó lực sáng tạo của sự thiện có thể triển nở.

Tôi tin cái tuyệt vời ở đây là người ta không còn phải hỏi: ai đã làm gì cho ai khi nào ra sao, không còn phải bận rộn với những cái khác biệt. Mà trái lại, người ta thấy được cái gì cơ bản đã được uỷ thác cho mình, đó là: hãy mở mắt ra, mở lòng ra và tìm ra những phương cách thực thi cái thiện. Không còn chuyện hỏi mình mong gì, mà vấn đề là làm cho người khác những gì mình mong. Và cái cho- mình- đi thật sự đó với tất cả trý tưởng tượng sáng tạo của nó, với tất cả những khả thể mà cá nhân có thể có, đã được tóm lại trong một quy luật hoàn toàn thực tế, chứ không còn chỉ là một giấc mơ lý tưởng nào nữa.

Bài giảng khởi đầu với những lời chúc phúc. Lạ thật, có chín lời chúc tất cả. Số chín cũng là con số các thiên thần, bởi vì thế giới của thiên thần được chia ra chín tầng. Số đó cũng là biểu tượng của sự hoàn thiện.

Những câu chúc phúc quả đặc biệt, vì chúng vượt ra ngoài rất xa chuẩn mực của ta. Không phải những kẻ giàu, mà là kẻ nghèo, được chúc phúc – có sự khác biệt giữa phúc và hạnh phúc; và không phải những ai không đau khổ mới được phúc, nhưng là những kẻ khổ đau. Bản văn cũng đề cập tới nỗi khao khát công chính, tới việc cần có quả tim tinh tuyền, và nhiều điều khác nữa.

Trong một thông điệp, giáo chủ Gio-an Phao-lô II nói rằng, bản chúc phúc thật ra là bản tự thuật tiểu sử kín đáo của Đức Giê-su. Chúng ta nhận ra từng lời chúc thể hiện thực sự trong con người Ngài. Ngài là kẻ nghèo trong Thánh Thần. Là người xuất thân từ hạng nghèo hèn. Là kẻ nỗ lực tìm công lí cho người khác. Là kẻ tạo hoà bình. Là người chịu đau khổ vì sự thật. Tôi tin rằng, ta chỉ hiểu đúng các lời chúc, một khi ta hiểu chúng từ con người Đức Ki-tô. Ngài đã sống những lời chúc đó, và qua Ngài mà chúng cũng đã trở thành những bảng dẫn đường cho ta. Dĩ nhiên, trên con đường Ngài chỉ, mỗi người đi theo một ơn gọi khác nhau, mỗi người có một thứ tự ưu tiên khác nhau. Quan trọng là ta đọc những ơn gọi đó qua hình tượng Đức Ki-tô, và rồi cũng theo Ngài sống ơn gọi đó.

Có thể nói được rằng mỗi lời chúc là chìa khoá đi vào một bí mật đặc biệt?

Vâng, có điều là ta không nên hiểu nó theo nghĩa huyền bí. Đó là chìa khoá đi vào cuộc sống, và rồi những cánh cửa bí mật sẽ đương nhiên mở ra, những bí mật mà trước đó ta không rõ. Đây không hẳn là một sự khai sáng dưới dạng huyền bí hay một giải toả bí mật. Nhưng đúng hơn, đó là một cái nhìn vào cuộc đời, và mỗi một bước song hành đi vào cuộc đời đó cũng sẽ mở ra cánh cửa hiểu và biết.



Каталог: KHANG

tải về 1.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương