Thiên Chúa và Trần Thế Hồng y Joseph Ratzinger Đgh bênêđictô XVI bản dịch của Phạm Hồng Lam



tải về 1.72 Mb.
trang5/22
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích1.72 Mb.
#3938
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22

LINH HỒN 

Ta từ đâu tới, ta như thế nào, đó là những câu hỏi nền tảng của con người. Thánh An-tịnh đã nói lên thao thức đó. Rất lâu trước Sigmund Freud*, An-tịnh đã thích thú tìm hiểu hai điều, như chính ngài nói: “Tôi chỉ muốn biết Chúa và linh hồn mà thôi, ngoài ra chẳng có gì nữa”.

Câu chuyện tạo dựng phân biệt ra hai thế giới lớn. Thế giới của những gì thuộc thân xác, và thế giới những gì thuộc thần linh. Con người ở giữa, dự phần cả hai thế giới. Nó được tạo thành bởi xác và hồn. Và hồn này mang tính thiêng liêng. Tắt lại, có thể nói được đó là hai thành tố chính của con người không?

Đúng. Con người là cây cầu nối liền hai thế giới. Nó là nơi hội tụ của hai thế giới vật chất và tinh thần, và nhờ vậy, nó có một vị trí đặc biệt trong toàn bộ cấu trúc của tạo dựng.

Qua con người, vật chất tự nâng mình lên nhập vào lãnh vực tinh thần, và qua sự nối kết đó, cả hai cho thấy cũng phù hợp với nhau. Vật chất không còn được xem là cái gì biệt lập và không thể nối kết được với tinh thần. Qua nối kết này, sự nhất thống của tạo dựng đã tỏ hiện ra nơi con người. Con người, nhờ vậy, đã nhận được một nhiệm vụ rất đặc biệt: Là kẻ đồng mang sự nhất thống của tạo dựng, nó nhập thể tinh thần vào mình, và ngược lại, nâng vật chất lên tới Chúa. Và như vậy, tất cả trong mọi sự, con người góp phần vào bản đại hoà tấu của tạo dựng.

Người ta gần như đã giải mã được hết hệ thống di tử của con người. Nhưng có một câu hỏi có lẽ các nhà khoa học luôn vẫn còn đặt ra: Linh hồn con người nằm ở đâu? Đức tin có trả lời được câu hỏi này không?

Chẳng ai xác định được Thiên Chúa ở đâu, chẳng hạn trên hành tinh nào. Linh hồn cũng thế, chẳng ở trong tim, mà cũng chẳng ở trong đầu, đó là hai nơi mà người xưa vẫn quan niệm. Linh hồn không thể xác định được vị trí, nhưng nó xuyên thấm toàn bộ con người. Kinh Thánh Cựu Ước đưa ra nhiều biểu tượng về linh hồn: gan, thận, lòng mẹ, tim, nghĩa là nó khoác áo nhiều thứ cơ phận khác nhau. Toàn bộ thân xác mang nhiệm vụ của linh hồn. Mỗi cơ phận biểu trưng cho một khía cạnh hiện hữu con người và biểu trưng cho hồn người. Điều đó nói lên rằng, toàn thân con người đều đượm hồn, và hồn, nói chung, tự thể hiện ra theo những cách thế khác nhau. Như vậy, có thể nói: Hồn có những tụ điểm, nhưng nó không có vị trí địa dư.



Có phải lương tâm - thứ thỉnh thoảng vẫn gây phiền toái kinh khủng cho con người - là một thành phần của hồn? Hay lương tâm chỉ là cái gì được tạo thành theo thời gian, như một số người vẫn tin?

Lương tâm, dĩ nhiên, là một cái gì sống động. Vì thế, nó có thể trở nên chín chắn hay bị méo mó trong một người. Không thể chối cãi, là lương tâm cũng bị các thực tế xã hội quanh tôi ảnh hưởng lên cách hoạt động cụ thể của nó. Môi trường xã hội vừa có những hỗ trợ giúp nó hình thành và triển nở, mà cũng có những nguy cơ bào mòn hay khiến nó chệch đường, những nguy cơ có thể tạo nên thứ lương tâm sai trái, dửng dưng hay bất nhẫn.



Có những người không có lương tâm?

Tôi dám nói rằng, không thể có ai tự í giết người, mà không biết rằng đó là điều xấu cả. Thế nào người đó cũng biết, đó là việc không nên. Thấy một người trong cơn vô cùng quẫn bách, tôi không thể không cảm thấy phải làm một cái gì cho họ. Có thể nói, có một tiếng gọi uyên nguyên nằm sẵn trong con người, có một cảm thức nguồn cội về điều tốt, điều xấu. Ngay dù người ta huấn luyện mật vụ quốc-xã giết người để phục vụ chủng tộc Đức, và bảo đó là tốt, và dù Göring* bảo, lương tâm của chúng ta mang tên Adolf Hitler, và chỉ có Hitler là chuẩn mực, thì những tay quốc-xã đó cũng hiểu, đó không phải là cái gì tốt. Và vì thế, ngay trong những hoàn cảnh xâm phạm sự sống nghiệt ngã như thế, ta vẫn thấy con người thật sự mang sẵn một hiểu biết nền tảng nội tâm sâu xa. Như vậy, đạo đức không chỉ là cái gì bên ngoài được tạo thành do giáo dục, nhưng khả năng phân biệt nền tảng giữa tốt và xấu là một thành phần của cấu trúc tinh thần con người.



Trong thánh lễ, có câu thưa: “Xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành”. Phải chăng chỉ có Chúa mới cứu độ được hồn ta?

Vâng, chỉ có Ngài mà thôi. Nhưng để cứu độ hồn, Ngài cũng dựng lên quanh ta những lực chữa trị. Và ở đây, ta lại thấy quan hệ giữa ta với Chúa được phát triển thông qua con người. Chúa muốn vậy, Ngài muốn tới với ta qua con người. Và rồi, qua con người, Ngài cũng nói lên lời tha thứ trong bí tích hoà giải, sự tha thứ thật ra chỉ có Ngài mới có quyền mà thôi. Chỉ có Chúa mới có thể nói lên lời tha tội, vì tội rốt cuộc là cái gì chống lại chính Ngài.

Việc cứu độ luôn cần sự đồng gánh vác của kẻ khác, cần sự thứ tha, chấp nhận, lòng tốt của họ. Chỉ trong tiến trình đồng hành với nhau, được soi sáng bởi niềm tin vào Chúa, ta mới có được những cứu độ cần thiết.

Các nhà phê bình đức tin, sau khi trình bày về một tổng kết khủng khiếp của Ki-tô giáo đối với văn minh nhân loại, cho rằng, những khái niệm như tội tổ tông là một trong những “tật bẩm sinh” của một “tôn giáo thế giới đã trở nên cằn cỗi”. Họ cho rằng, các ý tưởng đó chỉ là bịa đặt và chúng khinh miệt con người, vì chúng tạo cho con người định kiến là mình đã bị “hư mất”.

Và một triết lí sống tân thời ngày nay nói: Mày làm được mọi chuyện, nếu mày muốn; hãy quẳng gánh lo đi và vui sống. Giáo huấn nền tảng Ki-tô giáo về nguyên tội và về sự ăn năn xem ra khá yếu trước những lập luận đó. Chẳng mấy ai màng tới nó nữa.

Nietzsche* cũng đã đặc biệt nói tới điều đó. Ông bảo rằng, Ki-tô giáo là một tôn giáo tình cảm, nó bị thiệt thòi nên giờ đây muốn rửa hận, bằng cách đề cao sự lớn lao của cái bé nhỏ và làm chuyện ngược đời, là thay vì tôn vinh kẻ mạnh, thì lại xiển dương người đau khổ. Như vậy, nó là triết lí của bọn nô lệ, chúng muốn trả thù bằng cách đổ tội lỗi trên đầu con người.

Ý nghĩcho rằng Ki-tô giáo nô lệ hoá con người và Giáo Hội tìm cách trấn át tín hữu, bằng cách luôn nói tới tội và rồi lại tự cho mình có quyền tha tội, quả rất phổ biến. Đúng, nơi đâu con người không còn nhìn ra Chúa, nơi đó đương nhiên tội lỗi mất hết ý nghĩa. Bởi vì, khi Chúa chẳng đụng gì tôi cả, khi Ngài chẳng quan tâm gì tới tôi, thì cũng chẳng có quan hệ đổ vỡ nào giữa Ngài với tôi – bởi thật ra hai bên chẳng có quan hệ nào nữa cả. Như vậy, xem ra tội đã được đẩy qua một bên. Và thoạt nhìn, người ta có thể nói, giờ đây cuộc sống quả thật vui, thật nhẹ nhàng, đời ta lên hương.

Nhưng người ta sẽ sớm thấy ngay, cuộc lên hương chỉ là thoáng chốc. Ngay cả khi người ta chẳng còn muốn biết gì về tội, và đầu óc của họ xem ra chẳng còn phải nhọc mệt nghĩ ngợi gì nữa, thì họ vẫn nhận ra có sự hiện diện của tội. Cuối cùng rồi họ cũng phải nhận ra rằng, giữa tôi và anh còn có những hoá đơn chưa thanh toán, và còn có những nợ nần phải trả. Từ đó, những tội tập thể cũng lần hiện ra.

Ta hãy nhìn vào cảnh quan hiện tại. Con người thời nay gần như không còn ý thứcgì về tội chống lại Chúa nữa. Nhưng đồng thời họ lại nhất quyết vạch ra tội lịch sử. Dân tộc Đức, có thể nói, cứ gặm nhấm tội lỗi mình và đau khổ vì chúng. Ta thấy, như thế, vấn đề không dễ gì giải quyết được. Khi người ta chối Chúa và từ chối một í muốn của Ngài, người ta có thể gạt bỏ được ý niệmtội qua một bên, nhưng không thể gạt bỏ được vấn nạn của nhân sinh thể hiện trong đó.

TỰ DO 

Theo giáo huấn Ki-tô giáo, năng khiếu là những món quà Chúa tặng cho cuộc sống. Để làm hoa trái cho cuộc sống con người. Vậy tự do cũng là quà tặng, hay nó đúng hơn là một hồng ân của Chúa?

Ta hiểu hồng ân là sự thân thiện của Chúa đối với con người. Trong hồng ân, sự ân cần của Chúa tỏ ra một cách mới và đặc biệt đối với con người, và Ngài ban tặng cho họ một cái gì, có thể nói, chưa có trong tạo dựng. Tự do, trái lại, là cái đã có trong cấu trúc tạo dựng, là một thực thể của tinh thần con người. Chúng ta đã không được tiền định, và đã không được tạo thành theo một khuôn mẫu nhất định nào đó. Tự do có mặt, là để giúp mỗi người có thể tự hoạch định cuộc đời mình, và, cùng với tiếng Vâng nội tâm, nó giúp ta có thể bước theo con đường phù hợp với chủng loại mình. Với ý nghĩa đó, tôi cho rằng, tự do không phải là một hồng ân, nhưng đúng hơn là một quà tặng tạo dựng.



Nhưng câu hỏi đặt ra, đâu là giá trị thật sự của tự do đó? Phải chăng khi người ta cố tình dùng tự do đó làm chuyện không hợp í Chúa, người ta sẽ bị phạt muôn đời muôn kiếp?

Phạt có nghĩa là gì trong ngôn ngữ của Chúa? Có phải Ngài phạt những ai cố tình làm theo í riêng mình không? Không. Phạt là tình trạng xẩy ra khi một người nào đó không hành động hay sống xứng hợp với bản chất con người. Chẳng hạn như khi người đó giết người. Hay khi anh ta miệt thị phẩm giá kẻ khác, khi anh ta sống trái với chân lí v.v. Khi đó, đúng là đương sự đang sử dụng tự do của mình đấy, nhưng anh ta đồng thời lạm dụng tự do đó. Anh ta phá vỡ và dày đạp lên kế hoạch sống đã được dự thảo cho anh. Và như vậy, anh ta cũng làm hại chính anh. Tự do có nghĩa là tôi tự nguyện chấp nhận những gì con người tôi có thể làm. Và những gì có thể làm ở đây không chỉ hạn chế vào trong một chọn lựa giữa cái có và cái không mà thôi. Bởi vì, bên trên cái không, còn mở ra muôn vàn khả thể mang tính sáng tạo của sự thiện, mà ta có thể chọn lựa. Như vậy, trên căn bản, khi tôi từ chối nói không với sự dữ, lúc đó tôi mất tự do, tự do trở thành sa đoạ. Tự do chỉ tìm được không gian sáng tạo lớn trong lãnh vực sự thiện mà thôi. Tình yêu mang tính sáng tạo, chân lí mang tính sáng tạo - chỉ trong lãnh vực đó mắt tôi mới mở ra, nơi đó tôi mới nhận ra được rất nhiều thứ.

Khi ta nhìn vào gương sống của những mẫu người lớn, của các thánh, ta sẽ thấy, suốt dọc dài lịch sử, họ đã mở ra cho ta một cách sáng tạo những khả năng hoàn toàn mới của con người, khả năng mà những kẻ có tâm đui mù hay cằn cỗi không thể nhận ra được. Nói cách khác: Tự do đạt tới tác động đích thực, khi nó mở ra cái chưa được khám phá hay cái có thể khám phá trong vùng trời rộng lớn của sự thiện, và qua đó, nó mở rộng thêm những khả thể của các tạo vật. Tự do tự đánh mất mình, khi nó chỉ biết nói không mà thôi, mà cứ tưởng rằng í mình là đúng. Bởi vì lúc đó, quả thật tôi sử dụng tự do, nhưng cũng là lúc tôi bóp méo tự do.

2. THIÊN CHÚA

Ta hãy bàn tới chuyện cốt yếu đích thực, như ngài vẫn nói, đó là Thiên Chúa, nguồn gốc và mục tiêu của sự sống. Kinh tin kính của Ki-tô giáo bắt đầu bằng câu “Tôi tin”. Nhưng ki-tô hữu đâu có tin một cách chung chung vào một quyền lực cao hơn, vào một bản thể cao hơn.

Câu “Tôi tin” này là một hành vi ý thứccủa tôi. Một hành vi trong đó quyện lẫn cả ý chí, trí hiểu, sự soi sáng và dẫn dắt, đó là những thứ đã được ban tặng cho tôi. Câu đó cho thấy niềm tín thác hay cả việc tôi bước ra khỏi chính mình để hướng tới Chúa. Và ở đây, không phải là tôi hướng tới một quyền lực nào đó cao hơn, nhưng là hướng tới Chúa, đấng biết tôi và chuyện trò với tôi. Ngài thật sự là một Tôi, dù cái Tôi đó mang bản chất cao hơn bình thường nhiều, tôi có thể vươn tới cái Tôi đó và cái Tôi đó cũng đi đến với tôi.



Ngài muốn nói gì khi bảo Chúa cũng là một “Tôi”?

Tôi muốn nói rằng Ngài là một con người. Chúa không phải một phép tính đại cương của vũ trụ. Ngài không hiện diện trong trần gian như một tinh thần nào đó. Ngài không phải là một hoà hợp vô định của thiên nhiên, hay một “vô cùng” không thể gọi tên, nhưng Ngài là đấng tạo dựng thiên nhiên, là nguồn cội của hoà hợp, là đấng hằng sống, là chúa tể.



Khoan, ngài tin Chúa là một con người? Chúa biết nghe, thấy, cảm…?

… Đúng. Chúa có tất cả những gì cơ bản mà con người có, như í thức, nhận biết và tình yêu. Như vậy, Ngài là người có thể biết nói biết nghe. Tôi tin đó là cái cơ bản nơi Chúa.

Thiên nhiên có thể tuyệt diệu. Bầu trời tinh tú có thể lạ lùng. Nhưng đó cũng chỉ là một lạ lùng tuyệt diệu thiếu chất người, bởi vì rốt cuộc chúng cũng làm tôi thành một cơ phận nhỏ trong một bộ máy vĩ đại.

Nhưng Chúa còn hơn nhiều. Ngài không đơn giản là thiên nhiên, nhưng là đấng đi trước và cưu mang thiên nhiên. Ngài là đấng có thể biết nói, biết nghe, biết yêu, biết nghĩ. Và đức tin cho ta hay, bản chất của Chúa là quan hệ. Đó là điểm mà chúng ta muốn nói tới khi gọi Ngài là ba ngôi. Vì chính Ngài là quan hệ, nên Ngài cũng có thể tạo ra vật mang quan hệ, và tạo vật này được quan hệ với Ngài, vì Ngài đã quan hệ với nó trước.



Ngài có lần nói: “Ai bước vào kinh tin kính này, thì thoát ra khỏi những quy luật của thế giới hiện tại”.

Í tôi muốn nói rằng, huyền nhiệm phục sinh của Đức Ki-tô nâng ta lên trên sự chết. Dĩ nhiên, là người, chúng ta vẫn luôn sống theo quy luật tự nhiên của thế giới này. Thiên nhiên vận hành theo quy luật chết và sinh trưởng. Nhưng nơi Đức Ki-tô, ta thấy con người là cái gì viên mãn. Con người không chỉ là một thành tố của quá trình chết và sinh trưởng lớn lao đó, nhưng nó là và vẫn là một đích điểm riêng của tạo dựng. Vì thế, nó được bốc ra khỏi cơn lốc sinh tử muôn đời và được nhận vào trong sự bền vững của tình yêu sáng tạo của Chúa.



Tại sao lại dùng hình tam giác và một con mắt ở giữa chòng chòng nhìn ta để làm biểu tượng cho Chúa?

Hình tam giác là một cố gắng diễn tả sự hợp nhất trong bí ẩn ba ngôi. Người ta dùng hình đó để nói lên một thực thể duy nhất trong ba ngôi, và để diễn tả sự hoà tan của quan hệ tình yêu tay ba này vào trong một hợp nhất tối cao. Biểu tượng con mắt đã có từ rất xa xưa, và trong suốt lịch sử tôn giáo, nó được dùng để nói lên sự nhận thức. Con mắt cho ta biết, Chúa là đấng nhìn thấy, và con người là kẻ được nhìn thấy, và nhờ Chúa, chính con người cũng có thể trở nên nhìn thấy. Biểu tượng trên, dĩ nhiên, cũng có mặt nguy hiểm.

Thời Khai sáng, người ta bỏ Chúa một phần lớn cũng vì nó. Bởi vì người ta không chấp nhận một Chúa luôn chằm chằm nhìn tôi mọi nơi mọi lúc, dõi mắt luôn cả vào chỗ riêng tư của tôi. Vì thế, nếu ta xem cái nhìn đó là sự đe doạ, là một cái nhìn nguy hiểm, nó lấy mất tự do của tôi, thì đó là một quan niệm sai và đi ngược lại với hình ảnh Chúa. Phải hiểu con mắt đó là hiện thân của sự quan tâm đời đời của Chúa đối với ta, nó cho ta hay: Tôi không bao giờ bị bỏ rơi, có ai đó luôn luôn mến tôi, đón lấy tôi và đỡ nâng tôi.

Truyền thống do-thái bảo rằng, trước khi Thiên Chúa tạo dựng thế giới, Ngài chỉ hiện diện một cách ẩn kín. Hình tượng của Ngài không hiện thực. Vì thế, Ngài cần thế giới để thể hiện ra bộ mặt của Ngài. Cũng như một vị vua mà không có dân thì làm sao gọi là vua? Làm sao Chúa có thể yêu, nếu không có ai để yêu? Câu hỏi: Tình trạng trước khi Chúa tạo dựng vũ trụ như thế nào? Ai đã dựng nên Chúa?

Quan điểm trên xuất phát từ một trong nhiều truyền thống của Do-thái. Sau này, những í

nghĩ tương tự cũng xuất hiện nơi thần bí Ki-tô giáo, chẳng hạn nơi sư phụ Eckart*. Tuy nhiên, những quan điểm coi Chúa chỉ trở nên Chúa sau khi Ngài đã tạo dựng một cái gì, không phù hợp với hình ảnh nguyên mẫu của Kinh Thánh. Không, Thiên Chúa của Ki-tô giáo, đấng đã tỏ ra cho chúng ta thấy, là Thiên Chúa. Ngài nói : “Ta là Ta”. Vì thế, chẳng cần phải thắc mắc với câu hỏi luôn được đặt ra : Ai đã tạo nên Chúa, ai đã tạo nên kẻ tạo nên Chúa và vân vân. Hay cả câu hỏi : Có thật Tinh Thần Tạo Dựng đã tự mình hiện hữu trọn vẹn rồi không, một sự trọn vẹn vượt trên cái chết và sự sinh trưởng ?

Tôi nghĩ, ta có thể nói như vầy : Chính trong thực tại đã mang tính sáng tạo. Chúa không cần trần gian. Đó là điểm đức tin Ki-tô giáo và cả đức tin trong Kinh Thánh Cựu Ước luôn nhấn mạnh. Các thần linh cần con người, để được trò chuyện và được nuôi ăn. Trái lại, tự thân Chúa chẳng cần gì tới con người. Ngài là đấng duy nhất, đời đời, là toàn bộ hiện hữu. Đức tin Thiên Chúa ba ngôi cho ta hay, chính Ngài là đấng yêu thương, yêu thương qua lại và bên nhau giữa ba ngôi, nhưng đồng thời Ngài cũng là một hợp nhất tối cao.

Mặt khác, câu nói « Chúa là tình yêu » cũng hàm chứa một câu hỏi khác: ai được yêu ? Và câu hỏi này đã tự biến tan đi trong ba ngôi Thiên Chúa, đấng đã tự trao tặng mình và trở thành người Con, và rồi Ngài rút lui và trở nên một Thánh Thần. Xem như thế, thì tạo dựng là một hành vi tự do, và truyền thống Ki-tô giáo cũng luôn nhấn mạnh điều này: Việc tạo dựng, đối với Chúa, không phải là điều bó buộc, nhưng là một hành vi tự do.

Thế thì tại sao Chúa lại phải phiêu lưu tạo dựng thế giới và con người?

Rô-mano Guardini, người đã nhìn ra tất cả nỗi đau trong cuộc tạo dựng, đã phải dằn vặt ghê gớm với thắc mắc này: Tại sao Chúa lại làm điều, mà nếu không có nó, thì cũng chẳng sao ? Chúng ta không thể trả lời được câu hỏi đó. Ta chỉ biết chấp nhận, là Ngài hẳn muốn điều đó, Ngài muốn có tạo vật đối diện với Ngài, có thể nhận ra Ngài, và như thế vòng đai yêu thương của Ngài được nới rộng.

Người xưa đã cố diễn tả điều đó bằng một tư tưởng triết học : Tự thân cái Thiện có nhu cầu thông tin. Và vì Chúa là đấng tuyệt đối thiện hảo, nên đã có sự tuôn trào ra từ Ngài. Tư tưởng này cũng không giúp ta câu trả lời rốt ráo. Nhưng quan trọng ở đây : Tạo dựng là một hành vi tự hiến nhưng không, chứ không phải là một thứ nhu cầu của Chúa, vì nếu không, thì chính Chúa sẽ chỉ là Chúa nửa vời và, như thế, hi vọng của ta cũng có thể chỉ là hi vọng nửa vời.

THIÊN CHÚA ĐÀN ÔNG HAY ĐÀN BÀ ?

Thiên Chúa là nam hay nữ ?

Thiên Chúa là Thiên Chúa. Ngài chẳng phải nam mà cũng chẳng phải nữ, mà là Chúa trên đàn ông và đàn bà. Ngài hoàn toàn khác. Đức tin Kinh Thánh luôn nói rõ : Thiên Chúa chẳng phải nam mà cũng chẳng phải nữ, nhưng Ngài là Chúa, và cả nam lẫn nữ đều được tạo nên theo hình ảnh Ngài. Cả hai xuất thân từ Ngài, và mọi khả năng phát triển của họ đều múc từ nơi Ngài. Tôi tin, đấy là điều quan trọng, cần phải nắm vững.



Nhưng Kinh Thánh gọi Chúa là Cha, và như thế đã khoác vào Ngài tấm áo đàn ông.

Trước hết phải nói rằng, quả thật Kinh Thánh đã dùng hình ảnh người cha, chứ không phải người mẹ, trong ngôn ngữ cầu nguyện, nhưng đồng thời Kinh Thánh cũng dùng nhiều thuộc tính nữ giới khi nói về Chúa. Chẳng hạn, khi nói về sự thương cảm hay cùng đau khổ của Chúa đối với con người, Cựu Ước không dùng từ «thương cảm» hay «đồng khổ» trừu tượng, nhưng dùng một từ có liên quan tới cơ thể con người, « Rachamin », có nghĩa là « lòng mẹ / bụng mẹ » của Chúa. Như vậy, trong ý nghĩa tinh thần, từ đó cũng nói lên mẫu tính của Chúa. Mọi hình ảnh nói về Chúa được dùng trong Kinh Thánh, nói chung, đều cho ta thấy con người cả nam lẫn nữ đều là hình ảnh của Ngài. Chúa dựng nên cả hai giới. Như vậy, cả hai ở trong Ngài – nhưng đồng thời Ngài vượt lên trên họ.



Thế thì tại sao điều đó không được diễn tả ra trong các lời nguyện ?

Vâng, tại sao người ta vẫn hạn chế cứng nhắc vào từ Cha ? Và câu hỏi tiếp nhức nhối hơn : Tại sao Thiên Chúa xuống trần như một «nam nhi » ? Tại sao Thiên Chúa làm người như một người nam ? Và tại sao người Con Chúa đó lại dạy ta, cùng với Ngài gọi Thiên Chúa là Cha, để cho từ đó chữ « Cha » trong suốt dòng lịch sử đức tin không còn chỉ là một hình ảnh nữa, mà mãi mãi ở lại như một lời dạy của Chúa Con ?



Ngài có thể trả lời được chứ ?

Trước hết, tôi muốn xác định từ « Cha » dĩ nhiên vẫn là một hình ảnh. Đúng là Chúa chẳng phải nam mà cũng chẳng phải nữ, Ngài là Chúa. Đó cũng chỉ là một hình ảnh, mà Đức Ki-tô đã dùng trong lời nguyện, để giúp ta hiểu đôi chút về khuôn mặt Thiên Chúa.

Nhưng tại sao ? Câu hỏi này hiện nay đang dẫn chúng ta bước vào một giai đoạn suy tư mới, nhưng tôi tin, rốt cuộc thì ta cũng không thể trả lời được nó. Có lẽ ta có thể nói được hai điều. Thứ nhất : Các tôn giáo trong vùng quanh Is-ra-en xưa tin Thiên Chúa có đôi, Chúa nam và Chúa nữ. Trái lại, tôn giáo độc thần không chấp nhận hình ảnh cặp đôi đó, và thay vào đó, tôn giáo này coi nhân loại được chọn, cũng như dân Do-thái được chọn, là hiền thê của Chúa. Lịch sử tuyển chọn này cho thấy Chúa yêu dân Ngài như yêu một người vợ. Như vậy, hình ảnh người nữ được khoác cho Is-ra-en và Giáo Hội, và cuối cùng, hình ảnh đó một lần nữa lại được hiện thân một cách đặc biệt nơi mẹ Maria.

Thứ hai : Nơi đâu các hình ảnh Thần Mẹ được dùng, nơi đó người ta buộc phải tạo nên những mô hình phiếm thần. Là vì các hình ảnh này làm cho tư tưởng tạo dựng biến đổi, thay vì tạo dựng, người ta giờ đây chỉ nghĩ tới sự phát sinh, việc sinh đẻ. Thiên Chúa, trái lại, dưới hình ảnh người cha, được tạo ra do Lời – và chính vì vậy nổi bật lên sự khác biệt giữa tạo dựng và tạo vật.



THIÊN CHÚA NHƯ THẾ NÀO ?

Dù Chúa không là nam hay nữ, ta vẫn có thể hỏi, Ngài như thế nào ? Cựu Ước kể chuyện bụi gai cháy và tiếp đó là những bản án. Ngài nói : « Bởi vì Ta là chúa tể, là Chúa ngươi, là Thiên Chúa ganh tị : Ai thù địch Ta, Ta sẽ truy tội đời cha, đời con đến đời thứ ba, thứ bốn của chúng ». Thiên Chúa ngày nay còn thịnh nộ như xưa, hay Ngài đã đổi khác ?

Trước hết, tôi muốn hoàn chỉnh câu trích dẫn. Câu đó như sau : « Ta sẽ phạt tới đời thứ ba, thứ tư, Ta sẽ đổ thứ tha xuống trên ngàn đời ». Ta thấy, qua câu tiên tri này, đã có sự bất cân xứng giữa thịnh nộ và thứ tha. Thứ tha nhiều gấp ngàn lần thịnh nộ, và nếu đọc đầy đủ, thì đây là một câu đong đầy hi vọng. Dù tôi có đáng phạt, dù tôi vấp ngã rơi khỏi tình yêu, tôi vẫn biết rằng, lòng nhân Chúa lớn gấp ngàn lần cơn bực bội của Ngài.



Nhưng quả Thiên Chúa của Do-thái giáo và Ki-tô giáo đó cũng tỏ ra thịnh nộ.

Cơn giận của Chúa là dấu chỉ cuộc sống sai trái của ta, ta chống lại tình yêu, nghĩa là chống lại Ngài. Ai sống xa Chúa, sống xa sự thiện, kẻ đó đang bước vào thịnh nộ. Ai rời khỏi tình yêu, kẻ đó đang bước vào vùng phủ định. Vì thế, đây không phải cái gì như hành vi của một tay độc tài hám quyền đánh vào người nào đó, nhưng chỉ nói lên cái lô-gích nội tại của hành động. Khi tôi hành động ngược lại ý nghĩcủa tạo dựng, khi tôi tách khỏi tình yêu là nền tảng đỡ nâng tôi, lúc đó tôi rơi vào khoảng không, vào vực tối. Và lúc đó, có thể nói, tôi không còn ở trong không gian tình yêu, nhưng ở trong một không gian mà ta có thể gọi là không gian thịnh nộ.

Hình phạt của Chúa không giống như việc mấy ông bà cảnh sát bắt nộp tiền phạt hoặc thích dí người khác. « Chúa phạt » thật ra là một lối nói nhắc nhở về việc lệch hướng sống của ta, và qua đó, ta sẽ nhận thấy hậu quả sai trái của hành động mình. 

Nhưng làm sao không tránh khỏi cảm giác bị lệ thuộc, hay cả cảm giác bị xỏ mũi, khi đọc câu : « Chúa là đấng tác động í muốn và hành động trong các ngươi ». Đây là Thiên Chúa nào đây, khi Ngài lúc nào cũng bảo, nếu không có Ta thì ngươi không làm được gì hết ? Tại sao Ngài lại không mang lấy trách nhiệm cho ta ? Bởi có ai trong ta ảnh hưởng được gì trên việc có mặt của mình trên mặt đất này đâu.

Quan trọng là Giáo Hội trình bày hình ảnh Chúa đủ lớn, và Giáo Hội không gán Ngài với những đe doạ sai trái. Trước đây giáo lýcó đôi chỗ như vậy thật, và ngày nay có lẽ cũng còn sót lại đây đó đôi chỗ. Trái lại, ta phải luôn nhìn Ngài qua Đức Ki-tô và trình bày Ngài như một đấng luôn dẫn ta đi với một sợi dây thật dài. Đôi lúc có người lại bảo, lẽ ra Ngài phải nói rõ hơn cho tôi hay. Có người lại tự hỏi : Tại sao Ngài để tôi quá tự do như thế này ? Tại sao Ngài để cho sự dữ lộng hành và quyền năng như thế ? Tại sao Ngài không ra tay nhiều hơn, sớm hơn ?



THIÊN CHÚA Ở ĐÂU?

Làm sao gặp Chúa, và tìm Ngài ở đâu? Có một câu chuyện ngắn: Ngày nọ bà mẹ dẫn đứa con trai tới gặp giáo trưởng (do-thái). Thầy hỏi cậu bé : « Nếu cháu trả lời được Chúa ở đâu thì thầy cho cháu một đồng tiền ». Cậu chẳng phải suy nghĩ lâu, nói ngay: « Và con sẽ cho thầy hai đồng, nếu thầy trả lời được Ngài không ở những nơi nào ». Sách Khôn ngoan viết, Thiên Chúa «để cho những người không thử thách Ngài gặp Ngài, và Ngài tỏ mình ra cho những ai không ngờ vực Ngài ». Nhưng Chúa thật sự ở đâu ?

Ta bắt đầu với sách Khôn ngoan. Tôi nghĩ, lời « Chúa không để cho những ai thử thách Ngài có thể gặp Ngài » mang nghĩa rất thời sự. Lời đó có nghĩa, là những ai muốn đem Ngài lên bàn thí nghiệm thì sẽ không gặp được Ngài. Trong thế giới do-thái xưa và cả mãi đến ngày nay, người ta đã biết rất rõ chân lí đó rồi. Nếu ta muốn thử thách Ngài, bằng cách hỏi Ngài có ở đó hay ở kia không, và muốn làm những điều mà ta nghĩ là Ngài sẽ phản ứng, nếu ta muốn đưa Ngài lên bàn thí nghiệm, thì đó là lúc ta bước vào một hướng chắc chắn sẽ không gặp được Ngài. Chúa không thể thử nghiệm. Ngài không phải là vật ta có thể cầm trong tay.



Một người bạn của tôi nói: Chính tôi đã chẳng thấy gì trong một lần bước vào nhà thờ ngày chủ nhật. Tôi chỉ thấy hoàn toàn không có gì cả.

Chúa không phải là cái gì có thể áp đặt, Ngài chẳng phải là kẻ một lúc nào đó sẽ la lên: « Này, Ta đây này ». Sẽ gặp được Ngài, khi ta xem Ngài là Chúa, chứ không phải khi ta biến Ngài thành tiêu chuẩn đúng sai của lối thí nghiệm tân tiến và tiêu chuẩn để bám giữ sự sống. Và, xem Ngài như là Chúa, có nghĩa là ta có một thái độ hoàn toàn khác đối với Ngài.

Với vật chất, ta có thể khảo nghiệm và áp đặt chúng, vì chúng là những gì thấp hơn ta. Nhưng ta không thể hiểu một con người, nếu ta cũng dùng lối đó để đối xử với họ. Trái lại, ta chỉ có thể hiểu họ được đôi chút, khi ta bắt đầu đi vào tâm họ với một thứ thiện cảm nào đó.

Với Chúa, cũng thế. Ta có thể tìm Ngài, khi ta gạt bỏ thói ngự trị ra khỏi đầu óc ta. Thay vào đó, khoác vào mình tinh thần sẵn sàng mở lòng mình ra, sẵn sàng tìm kiếm. Tôi phải sẵn sàng chờ đợi trong khiêm tốn để đón nhận điều Ngài muốn, chứ không phải để có được điều tôi muốn.



Nhưng Chúa thật sự ở đâu ?

Ngài chẳng ở chỗ nào xác định cả, như đã hàm ý trong câu chuyện trên rất hay của anh. Nói một cách tích cực : Không có chỗ nào cho Ngài cả, vì Ngài ở trong mọi sự. Tiêu cực mà nói thì : Ngài chắc chắn không hiện diện ở nơi nào có tội lỗi. Ngài không có mặt khi phủ định nâng cái không lên thành quyền lực.

Chúa ở khắp mọi nơi. Và có nhiều cấp độ khác nhau đưa ta đến gần Ngài, vì mỗi cấp sống cao hơn lại đưa ta tới gần Ngài hơn. Nhưng ở đâu mở ra tình yêu và trí hiểu, ở đó có một cách mới để gần Ngài, ở đó đạt tới một hình thức gần Ngài mới.

Như vậy, ở đâu có lòng tin, hi vọng và tình yêu, ở đó có Chúa, bởi vì những thứ này, khác với tội lỗi, là không gian đưa ta vào những chiều kích của Chúa. Như vậy, ở đâu có thiện hảo, ở đó có Chúa hiện diện, hiện diện một cách đặc biệt, vượt lên trên mọi hiện hữu và hiện tại thường tình. Ta gặp Ngài trong sâu thẳm, khi ta tới gần những chiều kích tương ứng nhiều nhất với bản chất nội tại của Ngài, đó là chiều kích của sự thật, của tình yêu, của sự thiện.



« Gặp Ngài trong sâu thẳm » phải chăng có nghĩa là Chúa không lơ lửng đâu đó ngoài vũ trụ, nhưng Ngài ở trong chính ta, ở trong mỗi người chúng ta ?

Đúng, thánh Phao-lô cũng đã nói điều đó với dân Athen nơi toà án thượng thẩm. Ngài đã trích dẫn câu của một thi sĩ Hi-lạp: Chúng ta chuyển động trong Chúa, chúng ta sống và hiện hữu trong Ngài.

Chúng ta chuyển động và hiện hữu trong bầu khí của Chúa là đấng tạo hoá. Điều này, trước hết và nhìn chung, đã được thể hiện trong đời sống sinh lí của ta. Và điều đó càng đúng, khi ta càng tiến sâu vào cái đặc thù của Chúa.Ta có thể diễn tả điều đó như thế này : Ở đâu một người làm điều tốt cho tha nhân, ở đó đặc biệt có sự gần gũi Chúa. Ở đâu con người mở lòng mình ra với Chúa trong lời nguyện, ở đó đặc biệt có sự gần gũi với Ngài.

Chúa không có độ lớn kiểu không gian vật lí. Ngài không ở cao trên hàng trăm ngàn cây số hay ở xa hàng nhiều năm ánh sáng. Trái lại,gần gũi của Ngài mang tính chất một tình trạng sống. Ở đâu khuôn mặt và sự hiện diện của Ngài được thể hiện nhiều nhất, ở đâu có tình yêu và sự thiện, ở đó ta sờ được đấng vô biên một cách đặc biệt.



Nếu như vậy thì cũng có nghĩa Chúa không hiện diện một cách đương nhiên, bởi vì Ngài

không phải bao giờ cũng có mặt sẵn đấy.

Chúa vẫn có đó, cả khi ta không cần đến Ngài để rồ máy cuộc sống của ta, nếu muốn nói như thế. Như vậy, có sự hiện diện của Ngài khắp mọi nơi. Nhưng, món quà được gần Chúa một cách thâm sâu của ta có thể nhỏ lại hoặc mất đi, mà cũng có thể trở nên lớn hơn.

Người được Chúa thấm nhập hoàn toàn đương nhiên ở gần Ngài hơn là kẻ xa hẳn Chúa. Ta hãy nghĩ tới việc truyền tin cho Maria. Chúa muốn Maria trở thành đền thờ sống động của Ngài. Đền thờ đó không chỉ là một chỗ ở nơi thân xác Mẹ mà thôi. Và Mẹ đã trở nên chỗ ở của Chúa, vì Mẹ đã mở lòng ra cho Ngài, vì tâm Mẹ đã hoàn toàn hoà hợp với tâm Chúa.

Nhưng, có thể có chuyện thỉnh thoảng Chúa lui mình vào bóng tối không? Einstein* chẳng hạn, ông tôn thờ Chúa như một bậc thầy kiến trúc của vũ trụ, nhưng cuối cùng ông cũng cho rằng, Ngài chẳng còn thú vị gì nữa với tạo dựng của Ngài và với số phận của con người. 

Tư tưởng coi Chúa là một nhà đại kiến trúc trên làm cho ý niệmThiên Chúa bị gò bó. Chúa ở đây chỉ là một giả thuyết bên lề, mà người ta còn cần để có thể giải thích sự hình thành vũ trụ. Theo đó, có thể nói, Thiên Chúa thoạt tiên phác thảo ra vũ trụ, và rồi sau đó vũ trụ tự nó cứ việc tiếp tục chuyển động. Ở đây, bởi vì Chúa thuần tuý chỉ là một căn nguyên vật lí cuối cùng đối với thế giới, nên Ngài cũng có thể đương nhiên rời khỏi sân khấu. Thiên nhiên giờ đây đã có được sự độc lập của nó, còn Chúa thì hết nhiệm vụ. Và cũng theo tư tưởng trên, mối liên hệ tiếp tục của Chúa với tâm con người – nghĩa là với một chiều kích khác của hiện hữu - tới đây cũng hết, vì nó đã không được dự trù ngay từ đầu trong chương trình tạo dựng. Như vậy thì Chúa chẳng còn là đấng « sống động » nữa, mà thật ra chỉ là một giả thuyết, mà người ta rốt cuộc sẽ tìm cách loại trừ.



Nhưng nhiều nhà thần học cũng nói về « sự vắng mặt của Thiên Chúa ».

Điều này lại hơi khác. Kinh Thánh đã nói tới chuyện Chúa dấu mặt. Chúa ẩn mặt trước đám dân bất tuân. Ngài im tiếng. Ngài không gởi tiên tri đến. Và cả trong cuộc sống các thánh cũng có những đêm tối. Có thể nói, các ngài bị đẩy vào một thứ vắng mặt, một thứ im lặng của Chúa, như trường hợp thánh Thérèse ở Lisieux chẳng hạn, và rồi phải cùng đau khổ cảnh đêm đen của những kẻ không tin.

Nhưng điều đó không có nghĩa là không có Chúa. Cũng không có nghĩa là Ngài kiệt sức, Ngài chẳng còn là tình yêu nữa. Đây là những hoàn cảnh của lịch sử con người hoặc của cuộc sống con người, trong đó vì bất lực không nhận ra Chúa, nên con người đã tạo ra « bóng đêm Thiên Chúa », như Martin Buber nói. Trong cảnh bất lực hay cố chấp không muốn nhận diện hay liên hệ với Chúa này của con người, xem ra Chúa ẩn mặt.


Каталог: KHANG

tải về 1.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương