Phần I: Trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2 HĐnd thành phố khóa XIV


Câu số 95- Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo Tổng công ty HUD sớm bàn giao khu đô thị Văn Quán về phường quản lý



tải về 0.88 Mb.
trang8/13
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích0.88 Mb.
#16061
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   13

Câu số 95- Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo Tổng công ty HUD sớm bàn giao khu đô thị Văn Quán về phường quản lý.

Theo Điều 20, Quy chế Khu đô thị mới ban hành kèm theo Nghị định số 02/2006/NĐ-CP ngày 05/01/2006 của Chính phủ quy định:

- Căn cứ vào tiến độ đầu tư, xây dựng và kinh doanh của dự án, chủ đầu tư lập phương án chuyển giao quản lý hành chính trong khu vực thực hiện dự án khu đô thị mới đối với công trình, dự án đưa vào khai thác, kinh doanh, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt để chủ đầu tư và chính quyền địa phương có liên quan thực hiện, bao gồm:

Sự phối hợp quản lý hành chính giữa chủ đầu tư với đơn vị quản lý hành chính được xác định trong quyết định cho phép đầu tư trong giai đoạn chưa chuyển giao;

Chuyển giao quản lý hành chính khi hoàn thành xây dựng công trình và đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định;

Chuyển giao quản lý khi hoàn thành toàn bộ dự án.

- Sở Nội vụ chủ trì kết nối việc chuyển giao quản lý hành chính theo đề nghị của chủ đầu tư và phương án đã được phê duyệt.

Hiện nay, Dự án Khu đô thị mới Văn Quán – Yên Phúc Tổng công ty xây dựng HUD chưa hoàn thành đầu tư xây dựng toàn bộ nên chưa bàn giao hành chính cho quận Hà Đông và phường mặt quản lý. Tuy nhiên, để đảm bảo đủ điều kiện trước khi thực hiện bàn giao công trình, Thành phố cũng đã có chỉ đạo yêu cầu Chủ đầu tư lập phương án chuyển giao quản lý hành chính trong khu vực thực hiện Dự án gửi Sở Nội vụ, cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan để có văn bản trình UBND Thành phố xem xét, chấp thuận theo quy định.



Câu số 96- Vấn đề bán nhà cho người thu nhập thấp cần được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần kiểm tra nhu cầu sử dụng thực tế, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật

Căn cứ Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20/4/2009 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập tại khu vực đô thị; Quyết định số 67/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; Thông tư số 36/2009/TT-BXD ngày 16/11/2009 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn việc bán, cho thuê, cho thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 34/2010/QĐ-UBND ngày 16/8/2010 về quy định bán, cho thuê, thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Ngày 13/9/2010 Sở Xây dựng đã phối hợp với Ban tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức họp báo mời hơn 100 cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương công khai giới thiệu Quyết định 34/2010/QĐ-UBND ngày 16/8/2010 nói trên của Thành phố và Quyết định số 45/2010/QĐ-UBND ngày 13/9/2010 UBND Thành phố về quy định bán, cho thuê, thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Ngày 23-24/9/2010 Sở Xây dựng đã tổ chức tập huấn cho các Sở ngành liên quan và các chủ đầu tư triển khai Quyết định 34/2010/QĐ-UBND ngày 16/8/2010 và Quyết định số 45/2010/QĐ-UBND ngày 13/9/2010 của UBND Thành phố.

Ngày 18/3/2011 UBND Thành phố đã tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai Quyết định 34/2010/QĐ-UBND ngày 16/8/2010 và Quyết định số 45/2010/QĐ-UBND ngày 13/9/2010 của UBND Thành phố cho Các Sở ngành và Bí thư, Chủ tịch UBND các phường trên địa bàn Thành phố để hướng dẫn trình tự, thủ tục xét duyệt cho các hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp trên địa bàn Thành phố.

Sở Xây dựng cũng đăng các thông tin liên quan đến việc bán nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp trên địa bàn Thành phố tại Webside của Sở Xây dưng: www.soxaydung.hanoi.gov.vn để các tổ chức, cá nhân được biết các thông tin liên quan đến việc bán nhà cho người thu nhập thấp và nhà ở xã hội cũng như đề nghị các chủ đầu tư dự án nhà ở thu nhập thấp đăng tải các thông tin liên quan về dự án tại Webside của chủ đầu tư và tại Báo Hà Nội mới .

* Ngày 20/10/2010 UBND Thành phố có Quyết định số 5136/QĐ-UBND về việc Thành lập đoàn kiểm tra, kiểm tra tiến độ thực hiện tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn Thành phố.

Trên cơ sở kiểm tra một số dự án thí điểm, đoàn kiểm tra liên ngành đó đề xuất Thành phố một số nội dung bổ sung điều chỉnh Quyết định số 34/QĐ-UBND nhằm mục tiêu đưa chính sách hỗ trợ về nhà ở của Nhà nước đến đúng đối tượng, cụ thể:

- Mỗi hộ gia đình thuộc đối tượng, điều kiện mua nhà ở cho người thu nhập thấp chỉ được lập hồ sơ mua nhà 01 lần và việc xác nhận về tình trạng nhà ở của các hộ gia đình khi đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở thu nhập thấp xác nhận rừ: chưa có nhà ở, hoặc đó có nhà ở nhưng diện tích ở bình quân < 5m2/người và chỉ được xác nhận 01 lần duy nhất cho mỗi hộ gia đình đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở thu nhập thấp.

- Niêm yết công khai danh sách các dự án nhà ở thu nhập thấp đó nhận đơn mua nhà thu nhập thấp tại trụ sở UBND phường.

- Mở sổ theo dõi các trường hợp UBND phường xác nhận về hộ khẩu và thực trạng nhà ở của hộ gia đình, có đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà thu nhập thấp, thông báo công khai để người dân biết và tham gia giám sát việc thực hiện chủ trương của Thành phố.

- Đối với các trường hợp có hộ khẩu tạm trú khi lập hồ sơ mua nhà ngoài việc xác nhận về tình trạng nhà ở tại nơi tạm trú, yêu cầu bổ sung tình trạng nhà ở do địa phương xác nhận tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú."

- Giao Công an Thành phố chỉ đạo công an các phường tại nơi có dự án nhà thu nhập thấp tiến hành kiểm tra thường xuyên, nắm bắt việc thay đổi nhân khẩu, hộ khẩu để phát hiện việc mua bán nhà sai quy định, quy định nộp ảnh thành viên gia đình, và nếu sau 3 tháng mà không sử dụng nhà thỡ sẽ bị thu hồi.

Các quy định bổ sung trên đã có kết quả là một số hộ có ý định mua bán nhà thu nhập thấp kiếm lời đó có đơn xin rút khỏi danh sách.

Trên cơ sở các thông tin về mua bán trái phép nhà ở cho người thu nhập thấp, Thành phố đã chỉ đạo Công an Thành phố, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý. Đã thu hồi 02 trường hợp mua bán nhà trái phép của hộ ông Đoàn Viết Long và bà Cao Thị Loan tại dự án nhà thu nhập thấp CT1 Ngô Thị Nhậm, Hà Đông,

Đoàn kiểm tra liên ngành tiếp tục kiểm tra và đề xuất các giải pháp, bổ xung hoàn chỉnh quy định



Câu số 97: Đề nghị UBND Thành phố quan tâm đầu từ kinh phí nâng cấp cải tạo hệ thống đường giao thông; xây dựng cầu vượt đoạn từ khu đô thị Văn Quán qua đường Nguyễn Trãi.

Trong thời gian qua, hệ thống đường giao thông trên địa bàn quận Hà Đông do Sở GTVT Hà Nội quản lý đã tiến hành duy tu, cải tạo, rải BTN tăng cường mặt đường một số tuyến như: đường Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Trần Hưng Đạo, Trưng Nhị, Hoàng Hoa Thám. Sửa chữa, xử lý cao su, bù phụ ổ gà tại các vị trí cục bộ trên các tuyến Quang Trung, hai đầu đường Ngô Quyền, ngã tư Bưu điện Hà Đông góp phần nâng cao cảnh quan đô thị, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.

Đối với hệ thống đường do quận Hà Đụng quản lý: UBND quận thực hiện đầu tư nhiều công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn, trong đó chú trọng, ưu tiên 7 xã mới chuyển thành phường. Năm 2011 UBND quận đã tổ chức kiểm tra rà soát đề xuất của UBND các phường và đã lập hồ sơ đề xuất bố trí vốn cho 52 công trình giao thông với giá trị dự kiến ban đầu khoảng 163,921 tỷ đồng. Hiện nay các chủ đầu tư đang tích cực tổ chức thực hiện triển khai các dự án.

- Về việc xây dựng cầu vượt: Trong kế hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô giai đoạn 2011-2015, dự kiến xây dựng mới 15 cây cầu đi bộ, trong đó có 03 cây cầu đi bộ trên tuyến phố Nguyễn Trãi. Tuy nhiên về vị trí xây dựng cầu còn phải nghiên cứu, thống nhất với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Trong thời gian tới, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với các ngành và địa phương liên quan xác định vị trí để triển khai một số cầu cho người đi bộ trên các tuyến giao thông trọng điểm, đồng thời lập dự án đầu tư xây dựng các cầu đi bộ tại các vị trí cấn thiết để vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa đảm bảo về khoảng cách cũng như phát huy tối đa hiệu quả sử dụng.



Câu số 98- Việc thi công tuyến đường 23B hiện nay vừa chậm vừa không đồng bộ đang gây bức xúc cho nhân dân địa phương. Đề nghị UBND Thành phố sớm chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công thực hiện dự án cải tạo và nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 23B giai đoạn I (Đoạn từ Hà Nội - Nghĩa trang Thanh Tước) đồng thời đề nghị sớm cho triển khai dự án nâng cấp cải tạo đường Quốc lộ 23B giai đoạn 2 - đoạn từ nghĩa trang Thanh Tước đến Phúc Yên, Vĩnh Phúc nhằm đảm bảo thông tuyến và an toàn cho mọi người dân và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường huyết mạnh của huyện.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường 23B (Hà Nội - Nghĩa trang Thanh Tước) có tổng mức đầu tư- giai đoạn I là 189.751 triệu đồng, mặt cắt 12- :-17m với tổng chiều dài 12,48km, địa bàn huyện Đông Anh và Mê Linh. Để triển khai dự án, phải tiến hành giải phóng mặt bằng với tổng số 826 phương án đất nông nghiệp và tập thể (bao gồm 290 phương án trên địa bàn Huyện Đông anh và 536 phương án trên địa bàn Huyện Mê Linh). Dự án đã được khởi công vào Quý II/2010.

Hiện nay công tác triển khai thi công công trình đang được thực hiện theo tiến độ GPMB của Huyện Mê Linh, và huyện Đông Anh. Riêng phần tuyến triên địa bàn huyện Mê Linh đã đã thi công xong cơ bản phần nền đường, nhiều đoạn đã thảm mặt đường (đã tiến hành thảm mặt đường được 6,5Km/10,8Km).

Nguyên nhân chậm tiến độ của dự án như sau :

- Về công tác GPMB: Do khối lượng GPMB là rất lớn; một số hộ dân còn chưa chấp hành chính của nhà nước (không nhận tiền đền bù theo phương án đã được phê duyêt); Bên cạnh đó, việc xác định nguồn gốc đất còn chậm và gặp nhiều khó khăn, nhiều phương án xác định nguồn gốc đất đã được chính quyền địa phương có ý kiến nhưng một số hộ dân chưa đồng thuận.

- Nguyên nhân thi công chậm: Khối lượng công việc là khá lớn, đây là tuyến đường huyết mạch vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông phục vụ nhân dân đi lại trong khi hiện trạng tuyến đường rất hẹp (Btb=6,5m) do vậy cũng ảnh hướng đến tiến độ triển khai.

UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải tích cực phối hợp với UBND huyện Đông Anh và Mê Linh để tiến hành công tác GPMB phục vụ thi công dự án đồng thời đôn đốc đơn vị thi công tập trung tối đa nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

UBND Thành phố cũng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan có phương án cân đối bố trí bổ sung vốn để thực hiện Dự án.



Câu số 99- Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các ngành cho triển khai thực hiện Dự án cải tạo lại tuyến đường đê tả sông Hồng vì hiện nay mặt bằng đã xuống cấp nghiêm trọng gây khó khăn và nguy hiểm cho người dân cũng như các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đê này. Đề nghị UBND Thành phố xem xét đầu tư hay kiến nghị Trung ương cho đầu tư, nâng cấp và mở rộng tuyến đê này lên khoảng 24m để tạo thuận tiện cho giao thông trên địa bàn huyện (cử tri huyện Mê Linh).

Trong những năm qua việc tu bổ, cải tạo và nâng cấp đê điều đã được UBND thành phố quan tâm chỉ đạo. Tuyến đê tả Hồng huyện Mê Linh từ K28+503 đến K48+165 hàng năm đã được Trung ương và UBND thành phố Hà Nội đầu tư tu bổ gia cố toàn tuyến bằng bê tông xi măng với chiều rộng mặt đê từ 4,0 - 5,0m. Tuy nhiên đoạn đê từ K38+850 đến K39+649 được tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư từ năm 1997, kết cấu bằng bê tông xi măng mác thấp, không được gia cố nền và chiều rộng mặt đê bê tông 4,00m. Hiện nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng gây khó khăn cho nhân dân tham gia giao thông trên mặt đê. Để đảm bảo an toàn cho giao thông nông thôn trong khu vực và công tác kiểm tra đê, xử lý các tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa lũ được thuận lợi. Năm 2011 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã bố trí kinh phí để nâng cấp đoạn đê từ K38+850 đến K39+649 bằng bê tông nhựa asphal và sẽ triển khai thi công cuối tháng 9/2011 và hoàn thành tháng 12/2011.

Hiện nay, UBND Thành phố đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai lập quy hoạch Đê Điều các tuyến đê sông Hồng, sông Đà, sông Đuống; trong đó có tuyến đê Tả Hồng trên địa bàn huyện Mê Linh với xu hướng cải tạo đê điều phòng chống lụt bão và phục vụ đa mục tiêu để thúc đẩy phát triển dân sinh kinh tế trên địa bàn huyện.

UBND Thành phố tiếp thu ý kiến cử tri và sẽ đôn đốc các Sở, ngành liên quan khẩn trương trình duyệt dự án đầu tư nâng cấp cải tạo đoạn đê như cử tri huyện Mê Linh đã nêu.



Câu số 100- Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ lập và thực hiện Dự án cải tạo và nâng cấp Trạm bơm Thanh Điềm, Dự án xây dựng 01 Trạm bơm tiêu (khu vực xã Văn Khê) để khắc phục những khó khăn trong việc tiêu thoát và chống úng ngập kịp thời cho huyện Mê Linh.

1. Dự án cải tạo và nâng cấp trạm bơm Thanh Điềm để nâng cao năng lực tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Mê Linh, UBND Thành phố giao cho Công ty đầu tư phát triển thủy lợi Mê Linh làm chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án. Công ty Thủy lợi Mê Linh đã lập xong dự án, đã báo cáo các Sở ngành liên quan thẩm định để trình UBNd Thành phố phê duyệt làm căn cứ thực hiện.

2. Dự án xây dựng 01 trạm bơm tiêu (khu vực xã Văn Khê) để khắc phục những khó khăn trong việc tiêu thoát và chống úng ngập trên địa bàn huyện Mê Linh. UBND Thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu lập dự án tiêu thoát nước ra sông Hồng, với trị trí đặt công trình đầu mối tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh. Hiện nay Sở Nông nghiệp và PTNT đang khẩn trương triển khai lập dự án theo đúng quy định của Nhà nước và Thành phố.

UBND Thành phố tiếp thu ý kiến cử tri và đôn đốc các Sở ngành liên quan, Công ty đầu tư phát triển thủy lợi Mê Linh Sau khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ Thành phố giao để công trình sớm đi vào sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh trên địa bàn huyện Mê Linh.



Câu số 101- Đề nghị UBND thành phố cần quan tâm để quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị cho thị trấn Chi Đông, thị trấn Quang Minh.

Về vấn đề quy hoạch 2 thị trấn:

- Khu vực thị trấn Quang Minh và thị trấn Chi Đông nằm tại phía Bắc huyện Mê Linh giáp địa bàn huyện Sóc Sơn và huyện Đông Anh.

- Để triển khai Quy hoạch chung xây dựng (QHC) Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, UBND TP đã giao Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập các Quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn thành phố; theo đó, 2 thị trấn Quang Minh và Chi Đông nằm trong vùng phát triển đô thị (đô thị trung tâm mở rộng) và nằm trong ranh giới các Quy hoạch phân khu đô thị: N2, N3 và GN.

- Sau khi các quy hoạch phân khu đô thị liên quan được duyệt; việc đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ tại khu vực 2 thị trấn sẽ được triển khai.

- Trước mắt, đối với một số công trình cơ sở hạ tầng đô thị thiết yếu cần đầu tư xây dựng để phục vụ cho nhân dân hiện có, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các Sở, Ngành và cơ quan chức năng xem xét giải quyết ngay.

Về việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị cho 2 thị trấn:

- Theo Nghị quyết số 16/2010/NQ-HĐND ngày 12/10/2010 của HĐND TP Hà Nội và các Quyết định của UBND Thành phố: số 55/2010/QĐ-UBND ngày 15/12/2010 về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ % phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ dự toán chi ngân sách TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015, số 11/2011/QĐ-UBND ngày 02/3/2011 về Ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực KT-XH trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015, việc đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị cho 2 thị trấn Chi Đông và Quang Minh thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách huyện Mê Linh.

- Về đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của 2 thị trấn các năm qua đã được UBND huyện Mê Linh và Thành phố quan tâm đầu tư, cụ thể:

+ Các năm 2009 và 2010, trên địa bàn 2 thị trấn, UBND huyện Mê Linh đã phê duyệt 05 quyết định đầu tư, với tổng vốn đầu tư là 82.705 triệu đồng, Thành phố đã hỗ trợ đầu tư và huyện Mê Linh đã giải ngân hết năm 2010 là 19.100 triệu đồng; kế hoạch vốn năm 2011 đã bố trí cho 5 dự án là 26.000 triệu đồng, gồm các dự án: Trường tiểu học Chi Đông tổng mức đầu tư (TMĐT) 20.034 triệu đồng; Xây dựng hệ thống cấp nước sạch 2 thị trấn với TMĐT là 41.894 triệu đồng; Xây dựng đường giao thông thị trấn Chi Đông đi KCN Quang Minh với TMĐT là 4.727 triệu đồng; Xây dựng đường giao thông thị trấn Quang Minh (tuyến trục chính TDP số 9,10) đi xã Tiền Phong với TMĐT là 5.351 triệu đồng; Trường mầm non Quang Minh B, thị trấn Quang Minh (tổ dân phố số 8) với TMĐT là 10.609 triệu đồng.

+ Năm 2011, UBND huyện Mê Linh đang tiếp tục chuẩn bị đầu tư dự án xây mới Trụ sở Đảng ủy, HĐND và UBND thị trấn Chi Đông, với TMĐT dự kiến trên 30 tỷ đồng.

+ Hiện tại UBND huyện đang triển khai các nội dung: quy hoạch chi tiết 1/2.000 thị trấn Quang Minh; triển khai thi công xây dựng Công trình Hệ thống nước sạch cho 02 thị trấn với tổng kinh phí 41.895 triệu đồng. Ngoài ra, các tuyến đường theo quy hoạch đang triển khai giai đoạn chuẩn bị đầu tư và đồng thời thường xuyên được cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông.

+ Về các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã hầu như đã được bê tông hoá hoàn toàn. Hệ thống trường học, trạm y tế cũng được triển khai xây dựng đồng bộ.

+ UBND Thành phố và UBND huyện đã có chủ trương lắp đặt hệ thống chiếu sáng các tuyến đường trên địa bàn thị trấn; Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này chưa triển khai được do phải mở rộng các tuyến đường cũ (có mặt cắt hẹp), hai bên các tuyến đường lại là đất thổ cư… nên kinh phí đền bù GPMB rất lớn.



Câu số 102- Đề nghị UBND thành phố tiếp tục và kiên quyết chỉ đạo để xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công hiện còn tồn tại và đang hoạt động mạnh ở các huyện giáp ranh với huyện Mê Linh.

Đây là những tồn tại về quản lý trước khi sáp nhập địa giới hành chính. Kết quả kiểm tra đến tháng 7/2009 cho thấy trên địa bàn huyện Mê Linh có 410 lò gạch thủ công hoạt động trái phép tại 10 xã ven đê sông Hồng. Trên cơ sở nội dung phản ánh của các cơ quan báo chí, đơn thư của công dân và kết quả kiểm tra thực tế, Ủy ban nhân dân thành phố đã yêu cầu Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Mê Linh tập trung thực hiện, kiên quyết xử lý phá dỡ các lò gạch thủ công trên địa bàn huyện.

Cho tới tháng 6/2010, toàn huyện Mê Linh đã xử lý tháo dỡ triệt để 393 lò gạch, đạt 96%, còn 17 lò gạch của Công ty TNHH Sơn Tùng tại xã Văn Khê đang thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ thân thiện với môi trường theo nội dung văn bản số 7700/UBND-KH&ĐT ngày 25/9/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Về việc các địa phương giáp ranh với huyện Mê Linh hiện còn các lò gạch thủ công đang hoạt động, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo xử lý theo đúng quy định, đồng thời chỉ đạo sản xuất nông nghiệp trên diện tích vừa phá dỡ các lò gạch nói trên.



Câu số 103- Trên địa bàn huyện Mê Linh có một số di tích văn hoá, di tích lịch sử cấp Quốc gia, cấp thành phố trên địa bàn huyện hiện nay đã xuống cấp như: Nhà in Tiến Bộ, Đền Hồ Đề (xã Tráng Việt), Đình Bạch Trữ và Chùa Linh Quy (xã Tiến Thắng), Đình Cả và Chùa Diên Phúc (xã Văn Khê). Đề nghị UBND thành phố sớm quan tâm có kế hoạch và cấp kinh phí đầu tư trùng tu, sửa chữa các di tích nói trên.

- Đình Bạch Trữ là di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng tại Quyết định số 937/QĐ-BT ngày 23/7/1993 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); di tích Chùa Linh Quy đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng tại Quyết định số 06/QĐ-BVHTT ngày 13/4/2000;

- Đền Hồ Đề xã Tráng Việt, huyện Mê Linh đã được xếp hạng tại Quyết định số 993/QĐ-BVHTT ngày 18/9/1990 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch); Nhà in Tiến Bộ thuộc xã Tráng Việt đã xếp hạng là di tích Lịch sử Cách mạng tại Quyết định số 15/VH-QĐ ngày 27/01/1986 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch);

- Cụm di tích đình Cả và chùa Diên Phúc đã xếp hạng tại Quyết định số 141/QĐ-BT ngày 23/01/1997 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Các di tích này hiện do UBND huyện Mê Linh tổ chức quản lý trực tiếp theo phân cấp quản lý di tích của Thành phố.

Ngày 25/3/2010, UBND huyện Mê Linh đã có công văn 806/UBND-HC đề nghị UBND Thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội có kế hoạch đầu tư kinh phí để bảo tồn các di tích trên.

Ngày 14/4/2010 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội có Công văn số 807/VHTT&DL-QLDT về việc tu bổ di tích đình Bạch Trữ - chùa Linh Quy xã Tiến Thắng, Nhà in Tiến Bộ xã Tráng Việt và đình Phú Mỹ xã Tự Lập có nội dung: “Đề nghị UBND huyện Mê Linh chỉ đạo UBND xã Tiến Thắng, UBND xã Tự Lập, UBND Tráng Việt phối hợp với phòng VHTT huyện Mê Linh tăng cường công tác quản lý Nhà nước về di tích, điều tiết nguồn vốn ngân sách đưa di tích đình Bạch Trữ, chùa Linh Quy, đình Phú Mỹ, nhà In Tiến Bộ vào kế hoạch tu bổ bằng nguồn kinh phí của huyện.”

Ngày 28/02/1011 UBND huyện Mê Linh có công văn số 686/UBND –VHTT về việc đề nghị phê duyệt thiết kế tu bổ, tôn tạo di tích nhà máy in Tiến Bộ; kèm theo 01 hồ sơ thuyết minh dự toán, 01 hồ sơ thiết kế do Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập tháng 12/2010 gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội.

Ngày 28/3/1011 Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đã có công văn số 552/VHTT&DL-BQLDT về việc tu bổ di tích Nhà in Tiến bộ, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh có nội dung “Đề nghị Cục Di sản văn hóa có ý kiến thẩm định bằng văn bản để dự án sớm được thực hiện theo Luật định”. Vì vậy, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đề nghị UBND huyện Mê Linh tiếp tục điều tiết nguồn vốn ngân sách đưa di tích đình Bạch Trữ, chùa Linh Quy, đình Phú Mỹ vào kế hoạch tu bổ bằng nguồn kinh phí của huyện vào năm tiếp theo.

Ngày 20/7/2009 UBND huyện Mê Linh có công văn số 2220 UBND-HC đề nghị UBND Thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội xem xét có kế hoạch đầu tư nguồn lực để tu sửa cấp thiết chùa Diên Phúc.

Ngày 29/7/2009, UBND Thành phố Hà Nội có công văn số 1898/VP-VHKG về việc tu bổ chùa Diên Phúc, xã Văn Khê, huyện Mê Linh có nội dung: “Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra đề xuất giải quyết cụ thể, báo cáo UBND Thành phố Hà Nội”.

Ngày 12/8/2009 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội có công văn số 1885/VHTT&DL-QLDT về việc tu bổ chùa Diên Phúc và đình Cả xã Văn Khê, có nội dung: “Kính đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Mê Linh, các sở, ban, ngành liên quan sớm quan tâm đầu tư kinh phí để tu bổ di tích kịp thời, lưu giữ được 2 di sản quý của Thủ đô”.

Ngày 31/8/2009, Sở Kế hoạch và Đầu tư có công văn số 3069/KH&ĐT-QH về việc đầu tư cải tạo chùa Diên Phúc, đình Cả thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, có nội dung: “Thống nhất về sự cần thiết đầu tư tu bổ di tích như đề nghị của UBND huyện Mê Linh và ý kiến của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội và đề nghị UBND thành phố hỗ trợ có mục tiêu để đầu tư tu bổ 2 di tích trên”

Ngày 27/9/2010, UBND huyện Mê Linh có Công văn số 3919/UBND-HC về việc tu bổ tôn tạo di tích đình Cả và chùa Diên Phúc, xã Văn Khê, huyện Mê Linh; kèm theo 01 bộ hồ sơ thuyết minh dự toán, 01 bộ hồ sơ thiết kế do Công ty Cổ phần VDIC lập tháng 10/2009. Ngày 27/12/2010 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội có công văn số 3754/VHTT&DL về việc tu bổ di tích đình Cả, chùa Diên Phúc, xã Văn Khê có nội dung “Kính đề nghị Cục Di sản văn hóa có ý kiến thẩm định bằng văn bản để dự án sớm được thực hiện theo luật định.

Ngày 28/01/2011, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có công văn số 246/BVHTTDL-DSVH về việc thẩm định dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Cả, chùa Diên Phúc, xã Văn Khê có nội dung chỉnh sửa một số chi tiết.

Ngày 22/02/2011 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội có công văn số 284/VHTT&DL-QLDT về dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Cả, chùa Diên Phúc, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, có nôi dung: “Đề nghị UBND huyện Mê Linh chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc huyện và đơn vị tư vấn thiết kế tổ chức chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện tại hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tại công văn số 246/BVHTTDL-DSVH ngày 28/01/2011”.

Như vậy, các di tích trên đã và đang được UBND huyện Mê Linh triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư dự án tu bổ theo quy định của Luật Di sản văn hóa.




tải về 0.88 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương