Phần I: Trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2 HĐnd thành phố khóa XIV



tải về 0.88 Mb.
trang5/13
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích0.88 Mb.
#16061
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13

Câu số 48- Tiến độ thi công dự án Quốc lộ 32 đoạn Cầu Diễn - Nhổn hiện nay rất chậm, làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, an toàn giao thông, tiêu thoát nước .... Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và thực hiện khớp nối hạ tầng (hiện gây úng ngập 04 xã, thị trấn của huyện).

* Về vấn đề tiêu thoát nước Dự án cải tạo, mở rộng QL 32:

Theo hồ sơ thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật của dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, tổng chiều dài hệ thống thoát nước bẩn là 2.150m (tính cả hai bên trái và phải tuyến) trên tổng chiều dài 7.754m (tính cả hai bên trái và phải tuyến). UBND Thành phố đã cho phép bố sung hệ thống thoát nước bẩn đồng bộ trên toàn tuyến. Đến nay hạng mục bổ sung này đã hoàn thiện xong hồ sơ thiết kế kỹ thuật.

Sau khi có ý kiến của UBND huyện Từ Liêm đề nghị đấu nối các điểm thoát nước trên tuyến, Thành phố đã chỉ đạo Sở GTVT, các đơn vị tư vấn phối hợp với khảo sát hiện trường trên toàn tuyến xác định 29/41 điểm đấu nối trực tiếp vào hệ thống thoát nước mưa của dự án. Cho đến nay đã đấu nối được 20/29 điểm, còn lại 9/29 điểm đang thi công. 12/41 điểm còn lại sẽ được đấu nối vào hệ thống thoát nước bẩn bổ sung của dự án nằm trên vỉa hè.

- Ngoài ra, hệ thống cống bản 3x2,5 phục vụ thoát nước của dự án thoát ra sông Nhuệ còn một đoạn không nằm trong Chỉ giới đường đỏ. UBND Thành phố Hà Nội đã giao cho UBND Huyện Từ Liêm tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thu hồi đất bổ sung phục vụ thi công; hiện đang triển khai công tác thu hồi đất, bàn giao mặt bằng để thi công hoàn thiện hệ thống thoát nước trên tuyến đúng theo thiết kế.

* Về tiến độ thi công Dự án đường QL 32:

Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng QL32 đoạn Cầu Diễn – Nhổn được bàn giao từ Cục đường bộ Việt Nam sang Sở Giao thông vận tải Hà Nội từ tháng 10/2009. Công tác giải phóng mặt bằng Dự án gặp nhiều khó khăn, đến tháng 11/2010, đơn vị thi công mới cơ bản nhận được đủ mặt bằng để thi công; việc di dời tạm hệ thống dây điện, thông tin đến tháng 5/2011 mới hoàn thành. Điều kiện thi công khó khăn do phải tổ chức thi công trên đường đang khai thác, việc bố trí vốn của Bộ GTVT còn thiếu, bổ sung một số hạng mục không có trong thiết kế (thoát nước bẩn, đấu nối hạ tầng kỹ thuật, hạng mục giao cắt đường sắt, thu hồi đất bổ sung...), dự án đã bị chậm tiến độ. Sở Giao thông Vận tải đã tích cực phối hợp cùng các cơ quan liên quan để tháo gỡ các khó khăn tồn tại trong công tác GPMB, di chuyển công trình ngầm nổi. UBND Thành phố đã thống nhất ứng vốn cho Bộ GTVT vay để đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án.

Hiện tại, đã có bản thông xe phần mặt đường (trừ các điểm thi công hầm bộ hành) từ tháng 09/2011; các hạng mục còn lại (cây xanh, vỉa hè, hầm đi bộ, nút giao đường sắt…) dự kiến hoàn thành trong năm 2011.



Câu số 49- Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án kè bờ hữu sông Đáy đoạn xã Phù Lưu Tế (cử tri huyện Mỹ Đức).

Đoạn kè khu vực bờ hữu sông Đáy khu vực xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức (tương ứng K67+900 - K68+900 đê tả Đáy khu vực xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa). Khu vực bờ hữu sông Đáy từ trước đến nay là khu vực vùng phân lũ, chậm lũ nên không có đê.

Việc đầu tư xây dựng tuyến kè bên bờ hữu để bảo vệ tuyến đường giao thông liên xã và tạo cảnh quan 2 bên sông là cần thiết. Từ lý do đó, Năm 2011 tuyến kè này đã được UBND thành phố giao UBND huyện Mỹ Đức làm chủ đầu tư thực hiện dự án, đến nay chưa hoàn thành. UBND Thành phố tiếp thu ý kiến cử tri và sẽ chỉ đạo, đôn đốc UBND huyện Mỹ Đức yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công thực hiện đúng tiến độ dự án được duyệt.

Câu số 50- Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo việc bàn giao khu đất các cơ quan của huyện (cũ) khi đã được Nhà nước cấp đất nơi khác làm trụ sở.

Đề nghị UBND huyện Mỹ Đức rà soát, lập danh sách của các cơ quan huyện (cũ) đã được Nhà nước cấp đất nơi khác làm trụ sở; tổ chức kiêm tra hồ sơ, thẩm định nhu cầu sử dụng đất đối với diện tích (mới) và diện tích đất (cũ) của các cơ quan về quy mô, diện tích phù hợp với các quy định của Thành phố.

- Trường hợp sử dụng vượt nhu cầu thì UBND huyện Mỹ Đức có trách nhiệm thông báo, thực hiện thu hồi đất theo thẩm quyền.

- Trường hợp các cơ quan nêu trên sử dụng đất (cũ) theo quyết định giao đất của tỉnh Hà Tây trước đây, khi có Quyết định giao đất (mới) nhưng chưa thu hồi đất (cũ) thì UBND huyện Mỹ Đức có trách nhiệm báo cáo UBND Thành phố và hướng dẫn các đơn vị lập hồ sơ trình UBND Thành phố thu hồi lại đất (cũ) theo quy định.



Câu số 51- Đề nghị UBND Thành phố quan tâm mở các tuyến đường giao thông về phía Nam Thành phố; cải tạo nâng cấp đường 21B; nâng cấp đường đê Hồ Quan Sơn - Tuy Lai để khai thác, phát triển khu du lịch sinh thái của huyện.

- Về việc mở các tuyến đường giao thông về phía Nam Thành phố, bên cạnh các tuyến đường hiện có như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 21, Quốc lộ 21B, Tỉnh lộ 419 (80 cũ), đường trục phát triển phía Nam (đang triển khai thi công), trong dự kiến Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050 có nghiên cứu các tuyến: Trục dọc Hồ Tuy Lai, Trục Đỗ Xá – Quan Sơn… đây sẽ là các tuyến đường có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Nam Thành phố.

- Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 21B thuộc nguồn vốn xây dựng cơ bản trung ương do Bộ Giao thông vận tải uỷ thác cho Sở Giao thông vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện từ năm 1999 đến năm 2004 thì đình hoãn theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải. Trước khi đình hoãn dự án đã được thực hiện thi công xong cơ bản các hạng mục chủ yếu, còn lại một số đoạn như mở rộng đoạn Xốm, Bình Đà, hoàn thiện hạng mục thoát nước, đảm bảo an toàn giao thông. Dự án được khởi động lại vào năm 2009 với số vốn để đầu tư hoàn thiện là 40 tỷ. Hiện tại dự án đã mở rộng xong mặt đường đoạn Xốm, Bình Đà và hoàn thành cơ bản xong hệ thống thoát nước. Hiện nay còn một số vị trí nhỏ lẻ vướng giải phóng mặt bằng chưa thi công được như đoạn đầu của khu vực Xốm dài khoảng 500m, rãnh dọc, vỉa hè đoạn Bình Đà, đắp đất sau đê Km28 - Km31. Tuy nhiên năm 2011, Bộ Giao thông vận tải đưa dự án vào danh mục tạm đình hoãn tiến độ nên không bố trí kinh phí. Vì vậy, Sở GTVT đang thực hiện các công tác hoàn thiện để bàn giao những hạng mục đã hoàn thành, khi Bộ GTVT bố trí vốn sẽ triển khai tiếp.

Câu số 52: Đề nghị UBND Thành phố triển khai, thực hiện dự án đường gom phía Đông đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Dự án đường gom cao tốc phía Đông đã nằm trong chương trình kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông năm 2011 - 2015 của Thành phố. Dự án đã được lập, đang trình duyệt làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Dự kiến sẽ khởi công vào năm 2012.

UBND huyện Phú Xuyên đã chỉ đạo tiến hành khảo sát số hộ bị thu hồi, diện tích thu hồi và dự kiến diện tích, số hộ để bố trí khu tái định cư tại các xã, thị trấn làm căn cứ lập dự án đầu tư.

Câu số 53- Đề nghị UBND thành phố đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải phục vụ việc xử lý rác thải của huyện, đang gây ô nhiễm nghiêm trọng ở nhiều nơi.

Hiện nay UBND huyện đã xây dựng xong một điểm trung chuyển rác thải tại thị trấn Phú Minh và đang tiến hành khảo sát 02 vị trí khu đê bao xã Quang Lãng, đã có ý kiến của các sở Xây dựng, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường. Hiện đang xin ý kiến của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đối với khu đất nêu trên để triển khai chôn lấp và xử lý rác thải trên địa bàn huyện.



Câu số 54- Đề nghị UBND Thành phố phân cấp cho huyện xử lý những khu đất xen kẹt trong các khu dân cư nông thôn tạo điều kiện cho đầu tư phát triển kinh tế địa phương.

Hiện nay, UBND Thành phố đã phân cấp cho UBND các quận, huyện, thị xã lập phương án quản lý, sử dụng các khu đất nông nghiệp nhỏ lẻ, xen kẹt trong khu dân cư theo hướng: ưu tiên sử dụng vào mục đích công cộng cho nhân dân trong khu vực; trường hợp phù hợp quy hoạch đất ở thì thực hiện đấu giá để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã được quyết định dự án đầu tư và tổ chức xây dựng hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn vốn ngân sách cấp huyện, 100% kinh phí nộp ngân sách cấp huyện.

Thủ tục thu hồi đất và giao đất phải thực hiện các dự án tại khu đất nhỏ lẻ, xen kẹt theo quy định của Luật đất đai. Việc thu hồi đất và giao đất cho hộ gia đình, cá nhân do UBND quận, huyện, thị xã thực hiện; Việc thu hồi đất và giao đất cho tổ chức do UBND Thành phố thực hiện.

Câu số 55- Hiện nay trên địa bàn quận Hai Bà Trưng còn 2 phường hiện chưa có trường mầm non công lập, đó là phường Lê Đại Hành và phường Thanh Nhàn, đề nghị UBND Thành phố quan tâm giải quyết. Cử tri phường Vĩnh Tuy đề nghị UBND Thành phố quan tâm đầu xây dựng thêm nhà trẻ - mẫu giáo trên địa bàn phường và nâng cấp “tăng tầng” cho trường tiểu học Vĩnh Tuy để đáp ứng nhu cầu học sinh vào lớp 1.

a) Về việc hai phường Lê Đại Hành và phường Thanh Nhàn hiện chưa có trường mầm non công lập:

Việc đầu tư xây dựng trường mầm non và trường phổ thông các cấp trên địa bàn Thành phố đã được Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố quan tâm từ nhiều năm nay, tập trung chỉ đạo và đầu tư mọi nguồn lực (Thông báo số 135-TB/TU ngày 07/10/2011), đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố đã chỉ đạo giải quyết chung (Thông báo số 274/TB-UBND ngày 21/9/2011).

Việc giải quyết tình trạng một số phường thiếu trường mầm non công lập đã được đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc chỉ đạo giải quyết cụ thể tại Thông báo số 276/TB-UBND ngày 26/9/2011, trong đó chỉ đạo cụ thể đối với phường Thanh Nhàn và phường Lê Đại Hành của quận Hai Bà Trưng như sau:

- Đồng ý theo đề xuất của UBND quận Hai Bà Trưng về xây dựng trường mầm non phường Thanh Nhàn tại khu đất của trạm Y tế phường Thanh Nhàn cũ tại ngõ 272 Trần Khát Chân, diện tích hơn 400m2; giao UBND quận Hai Bà Trưng lập dự án đầu tư xây dựng, báo cáo UBND Thành phố.

- Đồng ý theo đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc về việc thu hồi đất của các đơn vị sau để xây dựng trường mầm non công lập phục vụ nhân dân trên địa bàn:

+ Công ty Bia Việt Hà tại 39 Ngõ Quỳnh, diện tích 1.313 m2, theo quy hoạch đã được duyệt là xây dựng trường mầm non;

+ Trung tâm điều hành chiếu sáng Thành phố tại 66 Vân Hồ 3, diện tích 1.348 m2, theo quy hoạch đã được duyệt là xây dựng trường mầm non.

UBND Thành phố đã giao UBND quận Hai Bà Trưng lập dự án đầu tư xây dựng đối với các địa điểm trên, báo cáo UBND Thành phố, giao Sở Quy hoạch Kiến trúc làm việc cụ thể với UBND quận Hai Bà Trưng và các đơn vị liên quan đề xuất, giới thiệu địa điểm để các đơn vị di chuyển, bàn giao đất xây dựng trường mầm non.

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Công ty Bia Việt Hà tại 39 Ngõ Quỳnh và Trung tâm điều hành chiếu sáng Thành phố tại 66 Vân Hồ 3 đã có công văn gửi UBND Thành phố chấp thuận di chuyển, đề nghị được giới thiệu địa điểm mới bàn giao đất xây dựng trường mầm non phục vụ nhân dân địa phương.

b) Về phường Vĩnh Tuy: Việc đầu tư xây dựng thêm nhà trẻ - mẫu giáo trên địa bàn phường và nâng cấp "tăng tầng" cho trường tiểu học Vĩnh Tuy để đáp ứng ứng nhu cầu học sinh vào lớp 1.

Trong báo cáo thống kê định kỳ đầu năm học 2011-2012, Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng báo cáo như sau:

- Trường mầm non Vĩnh Tuy (công lập): Hiện có diện tích 1.700m2 với quy mô 8 nhóm lớp và 505 cháu, bình quân diện tích đất 3,37m2/cháu và bình quân 63 cháu/nhóm lớp. Trong đó, có 46 cháu độ tuổi nhà trẻ tỷ lệ huy động đạt 3,27% (tỷ lệ chung của Thành phố đạt 26%), có 459 cháu độ tuổi mẫu giáo tỷ lệ huy động đạt 35,1% (tỷ lệ chung của Thành phố đạt 86%). Như vậy, so với tiêu chuẩn quy định trường mầm non đạt chuẩn quốc gia thì Trường mầm non Vĩnh Tuy còn thiếu diện tích đất, thiếu phòng học, tỷ lệ huy động trẻ em tới trường còn quá thấp so với mặt bằng chung của Thành phố như kiến nghị cử tri đã nêu.

- Trường tiểu học Vĩnh Tuy (công lâp): Hiện có diện tích 3.260 m2 với quy mô 21 lớp và 972 học sinh, là trường đạt chuẩn quốc gia năm 2008. Bình quân diện tích đất 3,35 m2/học sinh và bình quân 46,3 học sinh/lớp, các tỷ lệ này đều không đạt so với quy chuẩn. Hiện tại số phòng học của trường có 21 phòng, với tình trạng tuyển sinh 5 lớp 1 như hiện nay thì hai năm học tiếp theo nhà trường còn thiếu 4 phòng học. Như vậy, kiến nghị của cử tri là đúng với thực tế của trường tiểu học Vĩnh Tuy.

UBND Thành phố giao UBND quận Hai Bà Trưng sớm triển khai đầu tư xây dựng mở rộng khuôn viên trường mầm non hiện có, hoặc đề xuất vị trí quy hoạch để xây dựng thêm trường mầm non Vĩnh Tuy, triển khai đầu tư xây dựng mở rộng khuôn viên hoặc nâng thêm tầng trường tiểu học Vĩnh Tuy để có thêm phòng học đáp ứng nhu cầu tuyển sinh và học tập của con em nhân dân trên địa bàn phường Vĩnh Tuy, trình UBND Thành phố phê duyệt.

Câu số 56- Tại Quyết định số 3970/QĐ-UBND ngày 08/7/2003 của UBND Thành phố giao đất cho Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội để xây Trung tâm đào tạo và làm đường nhưng 8 năm nay vẫn còn 4.643 m2 đất thuộc các tổ dân phố số 9, 10, 12 khu dân cư số 2 chưa sử dụng, nhân dân ở đấy không được xây dựng nhà ở và không được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất gây bức xúc trong nhân dân. Đề nghị UBND Thành phố ra quyết định thu hồi đất đối với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ngày 08/7/2003 UBND Thành phố có Quyết định số 3970/QĐ-UBND về việc thu hồi 36.892m2 đất tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng; giao cho trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội để xây dựng Trung tâm đào tạo và làm đường. UBND quận Hai Bà Trưng đã thành lập Hội đồng đền bù, hỗ trợ và tái định cư để tổ chức thực hiện quyết định, trong đó tổ chức phân kỳ giải phóng mặt bằng, phần diện tích 4.643 m2 đất thuộc các tổ dân phố số 9, 10, 12 khu dân cư số 2 thuộc giai đoạn 2 chưa giải phóng mặt bằng.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ thì các hộ dân tại đây không được xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì cùng UBND quận Hai Bà Trưng kiểm tra về nguồn gốc, hiện trạng sử dụng đất, diện tích đất còn lại chưa GPMB và nhu cầu sử dụng đất và dự án đầu tư được duyệt để có phương án xử lý theo quy định của pháp luật. Kết quả UBND Thành phố sẽ báo cáo HĐND Thành phố để thông tin đến cử tri được biết.



Câu số 57- Cử tri phản ánh công trình cải tạo Công viên Thống nhất hiện vẫn còn dang dở, một số hạng mục đã xuống cấp, trò chơi nghèo nàn, vé dịch vụ cao, đề nghị UBND Thành phố quan tâm chỉ đạo.

Các Dự án triển khai trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - hà Nội trong Công viên Thống Nhất gồm:

Dự án cải tạo Hồ Bảy Mẫu (Ban QLDA Thoát nước Hà Nội thực hiện); Dự án cải tạo chỉnh trang Công viên Thống Nhất (giai đoạn 1) và Dự án xây dựng tuyến cống bao từ trạm bơm nâng đến hố ga MH6 (chủ đầu tư Ban Quản lý chỉnh trang đô thị HN); Dự án xây dựng tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn (chủ đầu tư Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Lịch sử - Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh).

Hiện các Dự án trên đã hoàn thành và đang trong thời gian bảo hành, các hạng mục công trình đã hoàn tất thủ tục và được Sở Xây dựng ra Quyết định giao cho các đơn vị chuyên ngành quản lý duy trì. Để đảm bảo công tác quản lý duy trì Sở Xây dựng đã giao Ban QLDA Hạ tầng đô thị, Công ty TNHH nhà nước một thành viên Công viên Thống Nhất tiếp nhận tạm thời quản lý duy trì các hạng mục cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa, đèn chiếu sáng và yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục để bàn giao chính thức. Hiện các hạng mục công trình đang phát huy hiệu quả đầu tư, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt nghỉ ngơi, vui chơi cho mọi tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, hiện còn Dự án Trạm xử lý nước thải Hồ Bảy Mẫu (ở phía Bắc) đang hoàn tất thủ tục đấu thầu thi công.

Tuy nhiên, Dự án chỉnh trang Công viên Thống Nhất mới hoàn thành giai đoạn 1 (thuộc một phần khu vực phía Bắc Công viên) như: sân, đường dạo, chiếu sáng, cây xanh, thảm cỏ, ghế đá… Vì vậy những khu vực tiếp giáp và phần còn lại của công viên (thuộc DA cải tạo chỉnh trang giai đoạn 2) chưa đồng bộ với các hạng mục đã được cải tạo giai đoạn 1, nhiều chỗ bị hư hỏng cục bộ, đường dạo bong bật, bãi cỏ và ghế đá thấp hơn mặt đường chính, thiết bị nhà vệ sinh cũ hỏng….

Sở Xây dựng đã kiểm tra và chỉ đạo Ban QLDA Hạ tầng đô thị, Công ty TNHH nhà nước một thành viên Công viên Thống Nhất, trong khi Dự án cải tạo chỉnh trang giai đoạn 2 chưa thực hiện, phải tăng cường dọn vệ sinh xung quanh công viên, sửa chữa vật kiến trúc để đảm bảo cảnh quan phục vụ nhân dân vào thăm quan, nghỉ ngơi trong Công viên.



Câu số 58- Đề nghị UBND Thành phố cho cải tạo chung cư E6, E7 Quỳnh Mai vì các chung cư xây dựng từ lâu hiện xuống cấp nguy hiểm.

Phường Quỳnh Mai hiện nay hầu hết là các khu nhà chung cư cao tầng được xây dựng từ những năm 1960, 1970 bao gồm 46 đơn nguyên nhà chung cư. Do được xây dựng từ nhiều năm nên đến nay các khu nhà chung cư đã xuống cấp, nhất là đối với các khu nhà E6, E7. Nhân dân tại các khu nhà chung cư liên tục có đơn kiến nghị cửi các cấp quan tâm triển khai xây dựng lại khu tập thể Quỳnh Mai. Với thực trạng các khu nhà đã xuống cấp như hiện nay thì việc sớm thực hiện quy hoạch cải tạo, xây dựng lại đồng bộ khu chung cư Quỳnh Mai là rất cần thiết.

Ngày 13/4/2009 UBND Thành phố có Văn bản số 3028/UBND-KH&ĐT chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Đầu tư xây dựng số 12 được liên doanh với Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình, Công ty CP đầu tư và xây dựng Điện lực Việt Nam thành lập Công ty cổ phần theo quy định để thực hiện dự án phá dỡ, xây dựng lại nhà E6, E7 Quỳnh Mai.

Tuy nhiên, việc cải tạo xây dựng lại nhà E6, E7 Quỳnh Mai phải được tiến hành thực hiện trên cơ sở một đề án tổng thể, theo quy hoạch chi tiết được duyệt của toàn Khu tập thể Quỳnh Mai, đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Hà Nội, gắn với việc quy hoạch nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực đảm bảo định hướng: Đồng bộ - Hiện đại - Văn minh. Trên cơ sở đề xuất của UBND quận Hai Bà Trưng, ngày 07/7/2009, UBND Thành phố có Văn bản số 6294/UBND-GT chấp thuận đề nghị của UBND quận Hai Bà Trưng giao Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (nay là Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam - HUD) là đơn vị chủ trì lập quy hoạch cải tạo, xây dựng lại, tổ chức điều tra xã hội học, khảo sát đánh giá hiện trạng tổng thể khu Quỳnh Mai, trong đó bao gồm cả việc thực hiện dự án phá dỡ, xây dựng lại nhà E6, E7 Quỳnh Mai.

Đến nay, Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam - HUD (đại diện liên danh với Công ty cổ phần Địa ốc sông Hồng) đang tiến hành khảo sát đánh giá hiện trạng tổng thể khu Quỳnh Mai, phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng hoàn thành công tác điều tra xã hội học, triển khai nhiệm vụ nghiên cứu lập quy hoạch cải tạo, xây dựng lại khu Quỳnh Mai.

Ngày 13/9/2011 Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Tờ trình số 3180/TTr-SQHKT báo cáo UBND Thành phố xem xét, phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch làm cơ sở nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của Khu tập thể Quỳnh Mai. Sau khi quy hoạch chi tiết 1/500 khu Tập thể Quỳnh Mai được phê duyệt, UBND quận Hai Bà Trưng có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện dự án phá dỡ, xây dựng lại nhà E6, E7 Quỳnh Mai theo quy định.



Câu số 59: Đề nghị UBND Thành phố cho cải tạo, sửa chữa tuyến đường 8/3, đường Quỳnh Mai, đường Quỳnh Lôi phường Quỳnh Mai; đường Bạch Đằng phường Bạch Đằng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường Trần Khát Chân.

- Dự án cải tạo đồng hộ hạ tầng kỹ thuật đường Bạch Đằng, Lãng Yên được UBND chấp thuận bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư và giao cho UBND quận Hai Bà Trưng làm chủ đầu tư. đến nay, UBND quận hoàn chỉnh các thủ tục thẩm định, phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư dự án, phê duyệt chỉ định thầu các đơn vị tư vấn lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình theo quy định.

Do quá trình lập dự án phát sinh thay đổi tổng mức đầu tư. Vì vậy, UBND quận Hai Bà Trưng đã hoàn chỉnh hồ sơ, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Trên cơ sở đó, UBND quận Hai Bà Trưng sẽ khẩn trương triển khai các thủ tục tiếp theo để sớm hoàn thành dự án.

* Đối với kiến nghị cải tạo phố Quỳnh Lôi và phố 8/3, phường Quỳnh Mai:

Quý III/2011, UBND quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng tổ chức khảo sát hai tuyến phố này. UBND quận đã có chủ trương đầu tư nâng cấp hè phố hai tuyến phố này trong năm 2012. UBND Thành phố sẽ chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng trong việc tăng cường công tác duy tu, duy trì đảm bảo giao thông êm thuận trên các tuyến đường nói trên.

Câu số 60: Đề nghị UBND Thành phố cho biết bao giờ triển khai dự án thoát nước giai đoạn 2 (cống hoá mương thoát nước ô nhiễm chạy qua các khu dân cư phường Minh Khai, Quỳnh Lôi, Quỳnh Mai, Bạch Mai, đường hai bên sông Sét).

Công tác cống hóa mương thoát nước chạy qua các khu dân cư thuộc phường Minh Khai, Quỳnh Lôi, Quỳnh Mai, Bạch Mai là các hạng mục thuộc gói thầu số 4: “Cải tạo kênh mương thoát nước hạ lưu sông Kim Ngưu” và đường hai bên bờ sông Sét thuộc phạm vi gói thầu số 5.1: Thay thế cầu qua sông Tô Lịch, Lừ, Sét và đường công vụ sông Lừ, Sétthuộc Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường thành phố Hà Nội - Dự án II.

Hiện nay, Ban QLDA Thoát nước và Liên danh Tư vấn đã mở thầu của 2 gói thầu trên, hiện đang khẩn trương đánh giá hồ sơ dự thầu của các nhà thầu. Dự kiến quý IV/2011 sẽ khởi công các hạng mục của 2 gói thầu.

Câu số 61- Trên địa bàn huyện Thường Tín có rất nhiều di tích lịch sử văn hoá được nhà nước xếp hạng nhưng hiện nay có một số công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đề nghị UBND thành phố sớm hỗ trợ kinh phí để trùng tu lại.

Trong những năm gần đây, UBND thành phố đã đầu tư tu bổ một số di tích có giá trị đặc biệt về văn hóa, khoa học trong huyện Thường Tín, như: di tích chùa Đậu, đình Khánh Vân... Hoặc đã có chủ trương đầu tư tu bổ, như: di tích đền, miếu Chương Dương, chùa Pháp Vân.

Theo Nghị quyết số 16/2010/NQ-HĐND ngày 12/10/2010 của HĐND Thành phố Hà Nội và Quyết định số 55/2010/QĐ-UBND ngày 15/12/2010 của UBND Thành phố về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ % phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ dự toán chi ngân sách thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 02/3/2011 ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015 thì việc cải tạo, nâng cấp Đình, Chùa huyện Thường Tín thuộc nhiệm vụ chi ngân sách huyện Thường Tín.

Vì vậy, UBND Thành phố giao UBND huyện Thường Tín cân đối nguồn chi tiêu ngân sách đã được phân bổ theo kế hoạch hàng năm để đầu tư tu bổ cho các di tích xuống cấp nặng theo danh mục di tích xuống cấp còn lại của huyện.



Câu số 62: Năm 2010, Thành phố đã có Quyết định thu hồi một số diện tích đất nông nghiệp của xã Ninh Hiệp để xây dựng công trình để xây dựng Cổng chào kỷ niệm 1000 năm Thăng Long -Hà Nội. Đơn vị thi công đã tiến hành đổ cát để xây dựng, tuy nhiên Thành phố đã quyết định không xây dựng Cổng chào, nhưng đơn vị thi công không xúc cát trả lại mặt bằng cho nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Đề nghị UBND chỉ đạo đơn vị thi công hoàn trả hiện trạng đất nông nghiệp cho nhân dân để sản xuất.

Thực hiện Quyết định số 3074/QĐ-UBND ngày 22/6/2010 của UBND thành phố Hà Nội về việc Giao nhiệm vụ cho UBND huyện: Phú Xuyên, Sóc Sơn, Gia Lâm làm chủ đầu tư thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, GPMB các khu đất để xây dựng các Cổng chào chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Quyết định số 3101/QĐ-UBND ngày 23/06/2010 của UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Cổng chào vào thành phố Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại địa bàn xã Ninh Hiệp, Quốc lộ 1 đi Lạng Sơn, huyện Gia Lâm.

Ngày 25/6/2010, UBND huyện Gia Lâm đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, GPMB và thành lập Tổ công tác giúp Hội đồng bồi thường, hỗ trợ GPMB xây dựng Cổng chào chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm. UBND huyện đã giao các phòng, ban chuyên môn tổ chức đo đạc, xác định diện tích đất tại thực địa và xác định các hộ gia đình có đất nông nghiệp nằm trong phạm vi GPMB xây dựng Cổng chào.

Ngày 03/7/2010, UBND xã Ninh Hiệp và Ban Bồi thường GPMB huyện Gia Lâm đã họp với các hộ dân thôn 3, thôn 7 và thôn 8 có đất nông nghiệp nằm trong phạm vi dự án để công bố chủ trương và các vấn đề có liên quan, đồng thời đề nghị các hộ có diện tích đất tạo điều kiện bàn giao đất cho đơn vị thi công để thi công ngay, đảm bảo tiến độ thời gian; sau buổi họp đơn vị thi công đã tiến hành san gạt và đổ cát tại khu vực từ km 152+520 đến km 152+600 trên tuyến Quốc lộ 1B.

Do vị trí trên có liên quan đến đường dẫn của Quốc lộ 3 đang chuẩn bị thi công; ngày 07/7/2010, UBND huyện Gia Lâm và các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã tiến hành xác định lại và chuyển vị trí Cổng chào lên km 152+350 đến km 152+430 (cách vị trí cũ 40 m), tại vị trí mới có khoảng trên 100 hộ dân thôn 8 bị thu hồi đất nông nghiệp.

Quá trình thực hiện dự án xây dựng Cổng chào, các phòng, ban chức năng của huyện và UBND xã Ninh Hiệp đã phối hợp trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của UBND TP Hà Nội về công tác GPMB và xác định diện tích đất của các hộ dân bị thu hồi phục vụ dự án.

Trong phạm vi đất thực hiện dự án xây dựng Cổng chào có khu mộ gọi là Bãi Con Rùa, diện tích khoảng 297,7m2 gồm rất nhiều mộ của các dòng họ, gia đình trong và ngoài xã. Ngày 12/7/2010, UBND xã Ninh Hiệp có Thông báo số 248/TB-UBND về việc Di chuyển mồ mả tại khu vực Bãi Con Rùa; thời gian để các gia đình, dòng họ kê khai từ ngày 12 đến ngày 16/7/2010. Trong khi chờ đo đạc, xác định diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi của các hộ gia đình, tổ chức họp dân phổ biến chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB thực hiện dự án để các dòng họ, gia đình kê khai, di chuyển mộ thì đơn vị thi công đã tự ý tiến hành san gạt, đổ cát với khối lượng lớn tại vị trí xây dựng Cổng chào, đặc biệt là san lấp vào toàn bộ khu vực Bãi Con Rùa (trên bãi còn hàng trăm ngôi mộ).

Ngày 30/7/2010, UBND TP Hà Nội có văn bản số 5965/UBND-XD về việc dừng xây dựng Cổng chào chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau khi có thông báo dừng việc xây dựng Cổng chào, hiện trạng diện tích thực hiện dự án xây dựng cổng chào, cụ thể như sau:

- Tại km 152+520 đến km 152+600 điểm xác định xây dựng Cổng chào (cũ) đơn vị thi công đổ khoảng 4.000 - 5.000m3 cát.

- Tại km 152+350 đến km 152+430 điểm xác định xây dựng Cổng chào (mới), đơn vị thi công đã san gạt và đổ cát cả 2 bên, hiện trạng khu vực mộ Bãi Con Rùa bị đổ cát lấp kín gây hư hỏng, mất nấm.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội và của UBND huyện Gia Lâm về việc khôi phục hiện trạng diện tích đất thực hiện dự án xây dựng cổng chào. Đơn vị thi công đã vét và chuyển toàn bộ phần cát, tuy nhiên việc triển khai dự án xây dựng cổng chào đã bóc hết lớp đất mầu, việc vét cát chưa được triệt để gây khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nhân dân.

UBND Thành phố sẽ chỉ đạo huyện Gia Lâm, các ngành chức năng, giải quyết triệt để, để hoàn trả đất cho nhân dân.




tải về 0.88 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương