Phần I: Trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2 HĐnd thành phố khóa XIV



tải về 0.88 Mb.
trang6/13
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích0.88 Mb.
#16061
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13

Câu số 63- Đề nghị UBND Thành phố xem xét có biện pháp ngăn chặn việc làng nghề Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh và khu công nghiệp Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên xả rác thải xuống hệ thống mương cấp I (Mương Bắc Hưng Hải) gây ách tắc dòng chảy, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới sản xuất và nhân dân khu vực xã Dương Quang.

Về nội dung trên, theo chỉ đạo của UBND Thành phố, Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, phòng Tài nguyên môi trường của UBND huyện Gia Lâm đã trực tiếp khảo sát tại hiện trường. Hiện trạng cho thấy dòng kênh dẫn nước trong hệ thống mương Bắc Hưng Hải có một phần chảy qua các xã: Dương Quang, Kim Sơn và một phần chảy qua địa phận xã Minh Khai thuộc thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Đây là địa bàn giáp ranh giữa huyện Gia Lâm Hà Nội và thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Trên địa phận thuộc xã Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh đang tồn tại rất nhiều cơ sở sơ chế phế thải, bao bì … nằm sát dọc bờ kênh, được khai thác từ khu công nghiệp thị trấn Như Quỳnh. Các hộ dân đã xả bừa bãi rác thải, bao bì và túi nilon xuống dòng kênh. Vì vậy, việc phản ánh của cử tri huyện Gia Lâm là đúng.

UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên cùng UBND xã Dương Quang và UBND thị trấn Như Quỳnh đã tích cực giải quyết, đến nay tình trạng xả rác thải đã được hạn chế. Khu bãi rác thải không có phát sinh mới và hiện do UBND xã Dương Quang quản lý.

Việc ách tắc dòng chảy trên mương Bắc Hưng Hải thuộc địa phận xã Dương Quang là do một số hộ dân tại thị trấn Như Quỳnh xả rác thải xuống mương, UBND Thành phố giao UBND huyện Gia Lâm làm việc với đơn vị quản lý kênh mương Bắc Hưng Hải để có biện pháp giải quyết, báo cáo UBND Thành phố.



Câu số 64- Việc sản xuất của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Dương, tại thôn Dương Đình, xã Dương Xá gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới khu vực dân cư xung quanh. Đề nghị UBND Thành phố xem xét, có biện pháp xử lý dứt điểm.

Về việc giải quyết tình trạng sản xuất gây ô nhiễm của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Dương, UBND Thành phố đã có Văn bản số 5305/UBND-TNMT ngày 27/6/2011 giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Gia Lâm để kiểm tra và kết luận. Kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy:

Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Dương đã dừng hoạt động SXKD tại thôn Dương Đình, xã Dương Xá từ ngày 13/5/2011. Tuy nhiên quá trình sản xuất kinh doanh từ việc “đúc phôi từ phế liệu nhôm kẽm” tại thôn Dương Đình, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, trên phần đất ở của gia đình của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Dương, nằm trong khu dân cư và không chấp hành các quy định của Luật Bảo vệ môi trường như: không đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, khai thác nước ngầm, xả thải không xin phép đã gây ô nhiễm không khí, nước ngầm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư, gây bức xúc, khiếu kiện và các hành động tự phát của nhân dân can thiệp vào hoạt động của Doanh nghiệp. Để xử lý triệt để việc gây ô nhiễm của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Dương, UBND Thành phố đã yêu cầu UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo Công an huyện Gia Lâm thường xuyên kiểm tra, giám sát việc dừng dừng hoạt động SXKD, nếu hoạt động trở lại phải xử lý kiên quyết theo quy định của Pháp luật; đồng thời rà soát quỹ đất trong các Khu, cụm công nghiệp để di dời Nhà xưởng của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Dương.

Câu số 65- Đề nghị UBND Thành phố kiểm tra việc sử dụng đất không đúng mục đích của Công ty Vật tư nông nghiệp Gia Lâm, thôn Dương Đình, xã Dương Xá. Hiện nay, Công ty đã sử dụng một phần diện tích đất cho các cá nhân thuê để xây 01 nhà 05 tầng, 01 ga ra để xe ô tô gây búc xúc cho nhân dân.

Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Hà Nội trước đây là Công ty vật tư nông nghiệp Hà Nội. Sau khi cổ phần hóa, Công ty này được quản lý nhà đất tại một số địa điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có nhà làm việc và kho với diện tích 278,91m2 trên diện tích đất 740,3m2 đất tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm.

Tại các buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Gia Lâm, cử tri có phản ánh nhiều về việc quản lý, sử dụng đất của Công ty này. Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm thực hiện việc kiểm tra theo chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn, kết quả bước đầu cho thấy trên khu đất có 01 nhà văn phòng làm việc cao 5 tầng, 1 tum (có phép xây dựng), xây dựng phòng chờ để lắp đặt hệ thống thang máy (xây dựng không đúng giấy phép); 01 khu nhà xưởng 01 tầng mái tôn sản xuất cám gia súc và sản xuất chai nhựa để đựng thuốc bảo vệ thực vật; trên khu đất không có gara ô tô.

Ngày 12/9/2011, UBND thành phố có văn bản số 7752/UBND-TNMT giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các ngành liên quan kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Hà Nội tại địa chỉ trên. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức thực hiện. Khi có kết quả, Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố.



Câu số 66- Đình, chùa Nghè Dương Đình, xã Dương Xá đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Đề nghị UBND Thành phố quan tâm, đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích.

Cụm di tích đình, chùa, nghè Dương Đình, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm được xếp hạng tại Quyết định số 315 QĐ-BVHTTDL ngày 22/01/2009 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hiện do Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm trực tiếp quản lý toàn diện theo phân cấp.

Theo Nghị quyết số 16/2010/NQ-HĐND ngày 12/10/2010 của HĐND Thành phố Hà Nội và Quyết định số 55/2010/QĐ-UBND ngày 15/12/2010 của UBND Thành phố về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ % phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ dự toán chi ngân sách thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 02/3/2011 ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015 thì việc cải tạo, nâng cấp Đình, Chùa Nghè Dương Đình xã Dương Xá thuộc nhiệm vụ chi ngân sách huyện Gia Lâm.

Do vậy, UBND Thành phố giao UBND huyện Gia Lâm kiểm tra, rà soát các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn huyện; chủ động cân đối nguồn vốn từ ngân sách huyện để có phương án cải tạo, nâng cấp đối với các công trình đã xuống cấp nghiêm trọng theo đúng các quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước, Thành phố về phân cấp quản lý đầu tư xây dựng công trình.



Câu số 67- Tuyến đường 179 đoạn qua xã Kiêu Kỵ hiện đang xuống cấp nghiêm trọng do việc thi công dự án nước sạch xã Kiêu Kỵ, gây mất an toàn giao thông. Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, hoàn trả mặt đường.

Công ty Nước sạch Hà Nội được UBND Thành phố giao làm chủ đầu tư trực tiếp quản lý tổ chức thực hiện dự án xây dựng Hạ tầng cấp nước cho xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm. Công ty Nước sạch Hà Nội cùng các nhà thầu đó tổ chức triển khai thi công xây dựng và hiện đã cơ bản hoàn thành việc lắp đặt các tuyến ống phân phối DN90-DN250. Trong đó, có đoạn tuyến ống phân phối chính DN250 trên trục đường 179 (đoạn qua chợ Kiêu Kỵ).

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Công ty đã cùng với các bên liên quan tổ chức kiểm tra công tác hoàn trả mặt đường sau khi thi công tuyến ống, đánh giá thực trạng và nguyên nhân xuống cấp của đoạn đường trên. Theo đú, tuyến đường 179 là tuyến đường giao thông chính của khu vực có rất nhiều phường tiện ô tô tải trọng lớn lưu thông. Đoạn đường khu vực chợ Kiêu Kỵ bị xuống cấp nguyên nhân chính do nền đất yếu, hai bên đường không có hệ thống thoát nước đã gây ngập úng cục bộ. Đặc biệt tại những vị trí trũng xe tải trọng lớn đi qua dẫn đến việc phá hỏng mặt đường gây xuống cấp.

Hiện nay, cỏc đơn vị của Sở Giao thông vận tải đang thực hiện Sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông đường Kiêu Kỵ đoạn từ km1+600 - km2+300 (đoạn qua chợ Kiêu Kỵ), bắt đầu được triển khai thi công từ thỏng 9/2011, dự kiến hoàn thành trong Quý IV/2011.



Câu số 68: Hiện nay, đường Yên Thường, xã Yên Thường xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn giao thông. Đề nghị UBND Thành phố quan tâm, đầu tư cải tạo, nâng cấp.

UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở GTVT thường xuyên kiểm tra, tiến hành duy tu duy trì đảm bảo giao thông êm thuận. Về tuyến đường Yên Thường, giao Sở GTVT phối hợp với UBND huyện Gia Lâm khảo sát thực tế, nếu điều kiện hạ tầng, quy hoạch phù hợp, sẽ đề xuất lập dự án cải tạo, nâng cấp, báo cáo UBND Thành phố.

UBND huyện Gia Lâm đã có văn bản số 700/UBND-QLĐT tổng hợp nhu cầu đầu tư các tuyến đường giao thông trên địa bàn Huyện gửi Sở Giao thông vận tải Hà Nội xem xét, tổng hợp các dự án đầu tư; trong đó có tuyến đường Yên Thường.

Câu số 69- Cung trượt, xã Bát Tràng tại đầu cửa sông Bắc Hưng Hải đã có kế hoạch đầu tư xây dựng, nhưng đến nay còn 25m chưa được thực hiện. Đề nghị UBND Thành phố sớm đầu tư thực hiện.

Dự án đường liên xã Bát Tràng - Xuân Quan được UBND huyện Gia Lâm quyết định đầu tư và giao cho Ban QLDA huyện tổ chức thực hiện, điểm đầu tuyến đường là Đình Bát Tràng, điểm cuối tuyến đường nối với cống Xuân Quan; về cơ bản, công trình hoàn thành theo thiết kế phê duyệt và bàn giao đưa vào khai thác sử dụng. Tuy nhiên, đoạn cung trượt cuối tuyến đường (khoảng 25m) do đất lở nên không thi công được. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Dự án cứng hóa bờ kênh Bắc Hưng Hải, trong đó có việc xử lý cung trượt này. Dự án sẽ được thi công trong thời gian tới.



Câu số 70- Cảng du lịch Bát Tràng đã hoàn thành giai đoạn 1 nhưng không hoạt động do mực nước sông Hồng thấp, tàu thuyền không cập cảng được. Đề nghị UBND Thành phố xem xét, có biện pháp giải quyết.

Cảng du lịch Bát Tràng hiện do Cục đường Thủy nội địa Việt Nam quản lý đầu tư và khai thác. UBND Thành phố giao Sở GTVT làm việc với Cục đường Thủy nội địa Việt Nam để giải đáp kiến nghị của cử tri.



Câu số 71- Dự án Chiêm Mai có diện tích gần 20ha tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã tiến hành xây dựng hệ thống cống tiêu thoát nước có cao trình đáy cống cao hơn cao trình mặt bằng xã Bát Tràng gây ảnh hưởng đến tiêu thoát nước của 1/2 diện tích trên địa bàn xã trong mùa mưa, úng. Đề nghị UBND Thành phố có hướng giải quyết (cử tri huyện Gia Lâm).

Xã Bát Tràng- Huyện Gia Lâm có vị trí ở ngoài đê Sông Hồng, Phía Đông giáp Kênh Bắc Hưng Hải (địa phận xã Xuân Quan), Phía Nam giáp sông Hồng, Phía Bắc và phía Tây giáp đê Tả Sông Hồng. Dân cư xã Bát Tràng chủ yếu thu nhập từ nghề sản xuất đồ gốm sứ và các dịch vụ phục vụ cho sản xuất và kinh doanh đồ gốm sứ. Diện tích sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cây ngô, gieo trồng ngoài đất bãi, nhu cầu sử dụng nước tưới không đáng kể. Công tác tiêu cho khu vực này hoàn toàn tiêu tự chảy ra ngoài sông Hồng. Do đặc điểm đó nên hàng năm, xã Bát Tràng không sử dụng dịch vụ tưới tiêu nước của Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội. Bên cạnh đó dự án Chiêm Mai xây dựng tại xã Xuân Quan do Tỉnh Hưng Yên đầu tư xây dựng trên địa phận của tỉnh nên không có ý kiến thỏa thuận với Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội về việc tiêu thoát nước.

UBND Thành phố tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ chỉ đạo UBND Huyện Gia Lâm kiểm tra làm rõ báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo cụ thể.

Câu số 72- Năm 2009, làng nghề Giang Cao, xã Bát Tràng đã được UBND thành phố công nhân là Làng nghề gốm sứ truyền thống nhưng đến nay vẫn chưa có địa điểm để trưng bày, giới thiệu và kinh doanh sản phẩm gốm sứ. Đề nghị UBND Thành phố quan tâm, đầu tư xây dựng, tạo điều kiện phát triển cho làng nghề truyền thống.

Làng nghề gốm sứ Giang Cao xã Bát Tràng được TP công nhận là làng nghề truyền thống Hà Nội năm 2009. Sở Công Thương, UBND xã Bát Tràng, UBND huyện Gia Lâm đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất ở làng nghề từ chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại: tổ chức các lớp đào tạo nghề, xây dựng thương hiệu, tham gia hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề… Đảng ủy, UBND xã Bát Tràng đã có chủ trương và đang tìm địa điểm phù hợp để lập dự án xây dựng trung tâm trưng bày giới thiệu và kinh doanh sản phẩm gốm sứ làng nghề truyền thống tại thôn Giang Cao, Bát Tràng.



Câu số 73- Hiện nay, việc sản xuất các ngành nghề truyền thống của các hộ gia đình xã Đình Xuyên đang gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, ảnh hưởng tới sức khoẻ của nhân dân. Đề nghị UBND Thành phố sớm triển khai đầu tư xây dựng làng nghề sản xuất tập trung xã Đình Xuyên.

Xã Đình Xuyên huyện Gia Lâm có diện tích tự nhiên 314,5 ha, dân số hiện tại 9.695 người là xã có nhiều ngành nghề phát triển như chế biến dược liệu, chế biến gỗ, sản xuất diêm…Từ nhu cầu thực tế của nhân dân làng nghề xã Đình Xuyên muốn có khu vực sản xuất tập trung nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 5053/UB-KH&ĐT ngày 15/11/2005 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Kim Lan và xã Đình Xuyên huyện Gia Lâm;

- Ngày 21/7/2010 UBND Thành phố có văn bản số 6001/UBND-KH&ĐT“ Giao UBND huyện làm bên mời thầu, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Đình Xuyên”; Tuy nhiên, thời điểm đó quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng như Quy hoạch tổng thể phát triển Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chưa được phê duyệt nên Cụm công nghiệp làng nghề Đình Xuyên chưa có điều kiện thực hiện

Hiện nay, UBND huyện đã giao các ngành chức năng phối hợp với UBND xã Đình Xuyên khảo sát, đẩy nhanh tiến độ lập dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Câu số 74: Việc thực hiện cải tạo, nâng cấp tuyến đường nối từ Quốc lộ 5 vào khu công nghiệp Hapro do Ban quản lý dự án Giao thông đô thị làm chủ đầu tư tiến độ thi công rất chậm, nhiều diện tích đất đã được GPMB nhưng chưa được thi công, gây khó khăn cho việc tham gia giao thông của nhân dân. Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Việc triển khai thi công tuyến đường từ Quốc lộ 5 vào khu công nghiệp Hapro (do Sở GTVT làm chủ đầu tư) theo cử tri nêu còn chậm là đúng, trong đó có các nguyên nhân cơ bản sau: Tuyến đường hiện trạng còn hẹp, vừa thi công vừa phục vụ nhân dân đi lại; khối lượng công việc GPMB là rất lớn; Dự án tái định cư do Huyện Gia Lâm triển khai chưa hoàn thành; tuyến đường điện cao thế 22Kv dẫn vào khu công nghiệp Hapro không được đơn vị quản lý di chuyển kịp thời theo cam kết; khi thi công phải hoàn trả các hệ thống công trình tưới tiêu nông nghiệp; việc di chuyển hệ thống công trình ngầm nổi (điện, thông tin…) chậm; năng lực triển khai thi công của một số nhà thầu còn hạn chế; chủ đầu tư chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Để đẩy nhanh tiến độ Dự án, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cấp các ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ GPMB; UBND Huyện Gia Lâm khẩn trương hoàn chỉnh dự án xây dựng khu tái định cư để bố trí cho các hộ dân; chủ đầu tư làm việc cụ thể với ngành điện di chuyển tuyến điện 22KV ra khỏi phạm vi mặt đường theo cam kết; Huyện Gia Lâm tiếp tục vận động thuyết phục các hộ dân chấp hành chính sách của nhà nước, kịp thời giải thích làm rõ các vấn đề mà người dân bị thu hồi mặt bằng còn chưa rõ và còn thắc mắc, tăng cường đối thoại với dân trong công tác GPMB.

Sở GTVT tổ chức rà soát và thay thế kịp thời các nhà thầu thi công chưa đáp ứng được yêu cầu; khắc phục các khó khăn khi vừa thi công vừa khai thác đường; tăng cường công tác duy tu duy trì, đảm bảo giao thông đối với những đoạn tuyến chưa thu hồi được mặt bằng thi công để phục vụ nhân dân đi lại.



Câu số 75- Đề nghị Thành phố quan tâm, bố trí đất để xây dựng chợ Dược liệu xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm).

Khu đất để bố trí xây dựng công trình Chợ Dược liệu tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm đã được Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo đầu tư từ năm 2008, giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án này.

Cho tới nay, một số văn bản pháp quy để triển khai công tác đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có thay đổi, thời hạn thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng kinh doanh chợ dược liệu Ninh Hiệp, Gia Lâm đến nay (theo các văn bản chỉ đạo của Thành phố) đã hết hiệu lực. Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm cần căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung, quy hoạch ngành, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 để lập hồ sơ đề xuất danh mục dự án lựa chọn nhà đầu tư, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

Câu số 76- Dự án tu bổ, tôn tạo Đình thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn đã được Thành phố quyết định đầu tư vốn, song đến nay chưa triển khai thi công. Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo, đôn đốc Chủ đầu tư tiến hành thi công.

Đình Ngọc Động, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm được Bộ Văn hóa- Thông Tin (nay là Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng tại Quyết định số 34/VH-QĐ ngày 09/01/1990, hiện do Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm trực tiếp quản lý toàn diện theo phân cấp. Trong các năm 2009, 2010 Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm đã chỉ đạo Ban quản lý dự án huyện Gia Lâm thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư tu bổ di tích; Qua đó đã phê duyệt Quyết định đầu tư tu bổ trong tháng 12/2010; Ban quản lý dự án huyện đã tổ chức chọn thầu, thời hạn thực hiện dự án là 310 ngày; Thời gian động thổ trong dịp Tết nguyên đán Xuân Tân Mão. Tuy nhiên, sau khi tiểu ban di tích đình Ngọc Động đã chuyển đồ thờ ra khỏi di tích để bảo quản được khoảng 5 tháng, đến ngày 15/6/2011, Ban quản lý dự án huyện Gia Lâm mới phối hợp với UBND xã Đa Tốn tổ chức khởi công dự án tu bổ đình Ngọc Động, hiện nay công trình đang được thi công hạng mục tường rào.

Như vậy, dự án đã được triển khai quá chậm so với quy định, UBND Thành phố giao Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm kiểm tra, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện theo đúng tiến độ.

Câu số 77- Hiện nay, chỉ gần 20% dân số của huyện Gia Lâm được sử dụng nước sạch sinh hoạt, trong khi đó tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư ngày càng gia tăng, nguồn nước giếng khoa có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ của nhân dân. đề nghị UBND Thành phố xem xét đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các hệ thống cung cấp nước sạch cho nhân dân huyện Gia Lâm.

Huyện Gia Lâm hiện có 20 đơn vị hành chính (19 xã và 1 thị trấn). Dân số: 204.294 người với 49.219 hộ dân. Theo số liệu điều tra toàn huyện hiện có 97% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh trong đó có khoảng 30% dân số được sử dụng nước sạch.

Mục tiêu của chương trình nước sạch đã được UBND thành phố phê duyệt đến năm 2015 là: Tỷ lệ dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh là 100%. Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch là 60%. Để giải quyết vấn đề nước sạch nông thôn cho huyện Gia Lâm, trong những năm qua Thành phố đã quan tâm đầu tư hỗ trợ xây dựng các nhà máy cung cấp nước sạch cho nhân dân huyện Gia Lâm (3 trạm: xã Ninh Hiệp, xã Phù Đổng và xã Kim Lan). Ngoài ra trên địa bàn huyện Gia lâm có nhà máy cấp nước số 2 hiện đang hoạt động cấp nước cho một số xã của huyện Gia Lâm và khu vực nội thành. Theo kế hoạch nhà máy cấp nước số 2 đã xây dựng hệ thống đường trục từ nhà máy nước đến các xã: Đa Tốn, Trâu Quỳ, Kiêu Kỵ. Ngoài 3 xã trên, các xã nằm trên đường trục có thể đấu nối và sử dụng nước sạch từ nhà máy nước số 2. Trong quy hoạch sẽ xây 01 nhà máy xử lý nước mặt sông Đuống tại xã Phù Đổng dẫn nước về cấp cho khu vực phía Nam Thành phố (Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì…). Như vậy theo quy hoạch tổng thể cấp nước của Thành phố, sau khi nhà máy nước mặt sông Đuống đi vào hoạt động thì các xã nằm dọc theo đường trục Phù Đổng- Thanh Trì sẽ được sử dụng nước từ nhà máy nước sạch sông Đuống.

Câu số 78- Đề nghị UBND Thành phố khi thu hồi đất ở phục vụ xây dựng các dự án trên địa bàn huyện (Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, Nâng cấp và mở rộng tuyến đường nối từ quốc lộ 5 vào khu công nghiệp Hapro…) cần xem xét giá bồi thường đất ở sát với giá thị trường, nâng định mức tái định cư cho các hộ dân bị di dời, đồng thời công khai quy chế tái định cư (đối tượng được tái định cư, số tiền phải nộp, định mức tái định cư) nhằm đảm bảo quyền lợi và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình thực hiện.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án này đã được Ủy ban nhân dân thành phố quan tâm chỉ đạo, nhằm đảm bảo giải quyết quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất được hưởng với mức cao nhất.

Về mức giá đất ở để tính bồi thường, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 “Trường hợp thời điểm quyết định thu hồi đất, mức giá đất đã ban hành chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì UBND huyện đề xuất, báo cáo Sở Tài chính chủ trì thẩm tra, trình UBND Thành phố xem xét quyết định”.

- Về tái định cư: Căn cứ vào điều kiện quỹ đất tái định cư của dự án và căn cứ hạn mức giao đất ở mới theo quy định, UBND Thành phố đã quy định hạn mức giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Điều 47 Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của UBND Thành phố nhằm đảm bảo mặt bằng chính sách chung khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn toàn Thành phố.

Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm có trách nhiệm công khai các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; quyết định phê duyệt và công khai quy chế tái định và phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (trong đó có diện tích được bố trí tái định cư, số tiền sử dụng đất phải nộp...) theo quy định.

Câu số 79- Đề nghị UBND Thành phố kiểm tra, phân định rõ ranh giới giữa xã Dương Quang, huyện Gia Lâm và thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Địa giới hành chính giữa xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội và xã Như Quỳnh, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng (nay là thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đã được các cấp chính quyền thống nhất xác định và ký kết hoàn thiện hồ sơ, bản đồ, cắm mốc địa giới hành chính theo Chỉ thị 364/CT ngày 06 tháng 11 năm 1991 của Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ).

Theo báo cáo của UBND huyện Gia Lâm, hiện nay một số hộ dân thuộc thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh ở khu vực giáp ranh đã cạp lấp lấn sông Thiên Đức và xả rác thải gây ôn nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của các hộ dân của xã Dương Quang ở khu vực giáp ranh.

UBND huyện Gia Lâm đã chỉ đạo UBND xã Dương Quang thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc cạp lấp và đề nghị UBND thị trấn Như Quỳnh và các cơ quan chức năng phía tỉnh Hưng Yên phối hợp giải quyết trong tháng 10 năm 2011.



Câu số 80- Việc hoàn trả một số công trình đã giải phóng mặt bằng cầu Nhật Tân, đường nối cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài như: THCS Vĩnh Ngọc, tiểu học Tô Thị Hiển, Trạm Y tế xã Vĩnh Ngọc tiến độ quá chậm dẫn đến việc học sinh 2 trường phải học nhờ các phòng học tạm gây ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Trạm Y tế xã Vĩnh Ngọc phải thuê mượn nhà cấp 4 để khám chữa bệnh làm ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Đề nghị UBND Thành phố sớm ghi vốn để khởi công xây dựng hoàn trả các công trình nói trên.

Theo quy định tại các Nghị định và văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để phục vụ các công trình công cộng (Nghị định số 197/2004/NĐ-CP, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP và một số thông tư hướng dẫn) và của UBND Thành phố tại Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hà Nội thì:

- Các nội dung di dời công trình HTKT và HTXH là một nội dung trong công tác GPMB khi triển khai các công trình xây dựng và nằm trong nguồn kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong tổng mức đầu tư của các dự án này.

- Quy trình bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo trình tự: Lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ do chủ đầu tư GPMB thực hiện và UBND cấp quận, huyện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. Các nội dung bồi thường đối với nhà cửa, công trình xây dựng (trường học, trạm y tế) và di dời công trình HTKT và HTXH (nghĩa trang) được quy định tại Điều 31 Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND của UBND Thành phố.

Do vậy, kinh phí di dời các công trình THCS Vĩnh Ngọc, tiểu học cơ sở Tô Thị Hiển, Trạm y tế xã Vĩnh Ngọc để phục vụ công tác GPMB các dự án xây dựng cầu Nhật Tân, xây dựng tuyến đường nối cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài thuộc nguồn kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án này.

Trong thời gian qua, để giải quyết những vướng mắc có liên quan trong công tác giải ngân từ nguồn kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án cho việc thực hiện di dời các công trình HTKT và HTXH, UBND Thành phố đã có văn bản số 2529/VP-GT ngày 19/7/2011 giao Ban chỉ đạo GPMB Thành phố chủ trì rà soát các hồ sơ, quy trình, thủ tục GPMB để kịp thời giải quyết việc thanh toán đền bù, hỗ trợ. Ngày 17/8/2011, Ban chỉ đạo GPMB Thành phố đã có văn bản số 559/BCĐ-NV2 hướng dẫn giải quyết các tồn tại này.

UBND huyện Đông Anh đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án trường THCS Vĩnh Ngọc, Tiểu học Tô Thị Hiển và Trạm y tế xã Vĩnh Ngọc; các dự án đang trong giai đoạn thực hiện dự án. Tuy nhiên, nguồn vốn để thực hiện dự án hiện nay gặp khó khăn do kinh phí đền bù GPMB đối với các dự án này chưa đáp ứng để xây dựng các công trình mới, hoàn trả sau GPMB.



tải về 0.88 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương