Phần I: Trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2 HĐnd thành phố khóa XIV



tải về 0.88 Mb.
trang1/13
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích0.88 Mb.
#16061
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13
Phần I: Trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2 HĐND Thành phố khóa XIV


Câu số 1: Đề nghị UBND TP qui hoạch các khu chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, tránh ô nhiễm môi trường và dịch bệnh; có chính sách hỗ trợ cho nhân dân vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại...thuộc các vùng chuyển đổi.

Ngày 19/8/2009, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 93/QĐ-UBND về chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, cụ thể như sau:

- Về quy hoạch khu chăn nuôi: Các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư phải nằm trong quy hoạch phát triển Nông nghiệp ổn định của các huyện, thị xã và phù hợp với quy hoạch của Thành phố.

- Về vốn vay: Được vay vốn các tổ chức tín dụng và được hỗ trợ 100% chênh lệnh lãi suất tiền vay so với lãi suất của Ngân hàng chính sách trong 3 năm đầu kể từ ngày có hợp đồng vay vốn.

Năm 2011 trên cơ sở quy hoạch chung Thủ đô được Chính phủ phê duyệt, UBND Thành phố đã giao Sở Nông nghiệp &PTNT xây dựng quy hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn Thành phố. Sở Nông nghiệp và PTNT đang triển khai thực hiện, dự kiến trình TP vào Quý II/2012.

Tuy nhiên các huyện, không nhất thiết chờ quy hoạch chăn nuôi của TP được duyệt, căn cứ quy hoạch chung Thủ đô được duyệt và Quyết định số 93/QĐ-UBND của UBND Thành phố chủ động xây dựng, trình duyệt các dự án phát triển khu chăn nuôi ngoài khu dân cư theo quy định.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện từng bước di chuyển di dời các khu chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Câu số 2- Đề nghị UBND Thành phố giải thích tại sao chỉ số xếp hạng cạnh tranh của Thủ đô (xếp thứ 43) lại thấp hơn nhiều so với các tỉnh Thành phố khác.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI (Provincial Competitiveness Index) là kết quả điều tra các doanh nghiệp dân doanh trong nước (khu vực kinh tế tư nhân) do Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) và Dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (USAID/VNCI) thực hiện và được tính toán nhằm “đánh giá chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh (nhân tố chủ quan) dựa trên môi trường kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân thông qua cảm nhận của các doanh nghiệp dân doanh được điều tra” ở mỗi tỉnh, thành phố. Kể từ năm 2006, việc điều tra, tính toán chỉ số PCI được tiến hành hàng năm cho tất cả tỉnh, thành phố trong cả nước. Bắt đầu từ năm 2009, PCI được tính trên 9 chỉ số thành phần: (1) chi phí gia nhập thị trường, (2) tiếp cận và sự ổn định trong sử dụng đất, (3) tính minh bạch và tiếp cận thông tin, (4) chi phí thời gian thực hiện các quy định của nhà nước, (5) chi phí không chính thức, (6) tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh, thành phố, (7) dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, (8) đào tạo lao động, (9) thiết chế pháp lý. Mỗi chỉ số thành phần lại bao gồm từ 3 đến 17 chỉ số tiêu. Tổng cộng có 70 chỉ tiêu. Bằng phương pháp điều tra xã hội học, kết hợp với các thuật toán kinh tế, VCCI tính toán số điểm và trọng số của mỗi chỉ số thành phần. Trên cơ sở đó, VCCI tính chỉ số PCI tổng hợp cuối cùng.



Báo cáo PCI năm 2010 được thực hiện dựa trên điều tra của 7.300 doanh nghiệp trong toàn quốc, trong đó có 302 doanh nghiệp ở Hà Nội. Hà Nội đạt 55,73 điểm, xếp ở vị trí thứ 43/63. Hà Nội nằm trong nhóm các địa phương điều hành khá (năm 2008 Hà Nội nằm trong nhóm các địa phương điều hành trung bình). Các chỉ số thành phần chia theo nhóm như sau:

1. Nhóm chỉ số mà Hà Nội xếp hạng kém:

  1. Tiếp cận và sự ổn định trong sử dụng đất: xếp hạng thứ 63/63. Tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh vẫn là vấn đề nan giải của doanh nghiệp tại Hà Nội. Năm 2009, Hà Nội xếp vị trí thứ 55/63 nhưng năm 2010, Hà Nội trở lại vị trí cuối bảng xếp hạng của chỉ số này. Phần lớn các doanh nghiệp đánh giá thấp về khả năng tiếp cận, cũng như tính ổn định của mặt bằng sản xuất đang sử dụng. Nhiều vấn đề trong lĩnh vực đất đai của Thành phố xếp ở vị trí nhóm cuối, như tỷ lệ doanh nghiệp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều kiện và thời hạn thuê đất…Còn có tới 46,1% doanh nghiệp tại Hà Nội tham gia điều tra không đồng ý rằng sự thay đổi khung giá đất của Thành phố phù hợp với sự thay đổi giá thị trường; có tới 91,1% doanh nghiệp gặp cản trở về mặt bằng kinh doanh.

  2. Tính năng động và tiên phong của chính quyền Thành phố: xếp hạng thứ 60/63. Kết quả điều tra PCI cho thấy, nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo và cán bộ, công chức trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đã được nâng lên một bước. Đã có gần 67,56% số doanh nghiệp tham gia cuộc điều tra của VCCI về đánh giá PCI năm 2010 cho rằng cán bộ của Thành phố đã nắm vững các chính sách, quy định hiện hành trong khung khổ pháp luật để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (năm 2009 chỉ có 35,88% doanh nghiệp đánh giá như vậy). Tuy nhiên, kết quả đánh giá cảm nhận về thái độ tích cực của chính quyền đối với khu vực tư nhân năm 2010 lại thấp hơn năm 2009 và so sánh với các tỉnh, thành phố khác, chỉ số này của Hà Nội đều ở mức dưới trung bình và bị xếp hạng ở nhóm cuối. Đặc biệt, đánh giá của doanh nghiệp về tính sáng tạo và sáng suốt trong việc giải quyết những trở ngại đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân của Thành phố bị giảm sút nhiều: năm 2010, chỉ có 37,79% doanh nghiệp trả lời đồng ý với nhận định rằng Thành phố có sáng tạo trong việc giải quyết những trở ngại đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân (trong khi năm 2009 tỷ lệ này là 64,41%). Điều này cho thấy Hà Nội cần có những cải thiện mạnh mẽ hơn nữa trong nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.

  3. Chi phí thời gian thực hiện các qui định của Nhà nước: xếp hạng thứ 53/63. Kết quả điều tra PCI cho thấy, với việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC), doanh nghiệp cho rằng nhiều thủ tục giấy tờ và các loại phí, lệ phí đã giảm và số lần đi xin dấu và xin chữ ký cũng giảm. Tuy vậy, so với các tỉnh, thành phố khác thì Hà Nội vẫn chưa có sự cải thiện rõ nét. Hà Nội xếp thứ 61/63 về chỉ tiêu “cán bộ nhà nước làm việc hiệu quả hơn sau khi thực hiện CCHC”, chỉ tiêu “số lần đi xin dấu và xin chữ ký giảm sau khi thực hiện CCHC” xếp thứ 59/63, 25,17% doanh nghiệp cho rằng không có bất kỳ sự thay đổi nào sau khi thực hiện CCHC và chỉ tiêu này xếp thứ 53/63.

  4. Chi phí không chính thức: xếp hạng thứ 51/63. Hầu hết các chỉ tiêu của chỉ số thành phần này đều có xếp hạng ở mức trung bình và kém so với cả nước, như: 72,8% doanh nghiệp cho rằng các doanh nghiệp cùng ngành phải trả chi phí không chính thức, 73,11% doanh nghiệp cho rằng chính quyền dùng các quy định riêng của địa phương để trục lợi, 63,18% doanh nghiệp cho rằng công việc được giải quyết sau khi đã trả chi phí không chính thức. Riêng lĩnh vực đăng ký kinh doanh được doanh nghiệp đánh giá cao, chỉ tiêu “doanh nghiệp trả chi phí không chính thức khi đăng ký kinh doanh” xếp thứ 18/63 là chỉ tiêu cao nhất của chỉ số thành phần này.

2. Nhóm chỉ số mà Hà Nội xếp hạng ở mức trung bình:

  1. Chi phí gia nhập thị trường: xếp hạng thứ 49/63. Những nỗ lực của Thành phố trong cải cách hành chính nhằm giảm chi phí thời gian của doanh nghiệp để khởi sự doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả cụ thể và được các doanh nghiệp đánh giá tốt. Theo báo cáo PCI, để chính thức hoạt động, doanh nghiệp chỉ cần 2 giấy đăng ký và giấy phép cần thiết (giấy chứng nhận ĐKKD đồng thời là đăng ký thuế, giấy chứng nhận mẫu dấu, giấy phép của một số lĩnh vực, ngành nghề đặc thù như: kinh doanh xăng dầu, kinh doanh rượu, thuốc lá....). Chỉ tiêu này Hà Nội xếp thứ 5/63. Chỉ có 7,08% doanh nghiệp cho rằng cần phải thêm giấy phép kinh doanh khác, xếp thứ 7/63. Tuy vậy, thời gian đăng ký, thay đổi đăng ký kinh doanh, thời gian chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, thời gian phải chờ đợi để hoàn thành tất cả các thủ tục để bắt đầu hoạt động đều xếp ở mức trung bình thấp so với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

  2. Tính minh bạch và tiếp cận thông tin: xếp hạng thứ 40/63. Doanh nghiệp đã ghi nhận sự tiến bộ trong công khai, minh bạch hoá thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước Thành phố. Kết quả điều tra PCI cho thấy, năm 2010 đã cải thiện được 14 bậc trong việc doanh nghiệp có khả năng dự đoán được thực thi pháp luật của Thành phố. Hà Nội cũng là 1 trong số 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ tiêu độ mở trang web của tỉnh theo đánh giá của các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa tiếp cận được các thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước. Có tới trên 79% doanh nghiệp Hà Nội trong điều tra PCI năm 2010 trả lời rằng việc cần phải có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của Thành phố là rất quan trọng.

(7) Thiết chế pháp lý: xếp hạng thứ 27/63, cải thiện được 4 bậc so với năm 2009, chứng tỏ doanh nghiệp có niềm tin hơn đối với hệ thống toà án, tư pháp của thành phố, tin tưởng vào khả năng bảo vệ của pháp luật.

3. Nhóm chỉ số mà Hà Nội dẫn đầu:

(8) Đào tạo lao động: xếp hạng thứ 2/63. Với việc triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo báo cáo PCI năm 2010, đào tạo lao động là chỉ tiêu được các doanh nghiệp đánh giá cao và có mức cải thiện đáng kể. Hà Nội đã tận dụng được lợi thế là địa phương có chất lượng đào tạo phổ thông tốt và có nhiều cơ sở đào tạo cả công lập và ngoài công lập, cùng với việc phát triển các dịch vụ tuyển dụng và giới thiệu việc làm, nhất là do khu vực tư nhân cung cấp. Thêm vào đó, việc các doanh nghiệp chú trọng đầu tư cho đào tạo lao động đã góp phần làm cho chỉ số này của Hà Nội năm 2010 tăng 7 bậc so với năm trước.

(9)Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: xếp hạng thứ 2/63. Kết quả điều tra PCI cho thấy doanh nghiệp tiếp tục đánh giá tốt về các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của Hà Nội. Theo chỉ số thành phần dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Hà Nội năm 2009 và 2010 đều xếp thứ 2 cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh. Trả lời của các doanh nghiệp cho thấy, việc tổ chức các hội chợ thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường của Thành phố là khá tốt. Năm 2009, Hà Nội đứng thứ hai và năm 2010 đứng đầu cả nước về số lượng hội chợ thương mại do tỉnh tổ chức. Các hoạt động hỗ trợ về cung cấp thông tin thị trường, về hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh của Hà Nội bước đầu cũng được doanh nghiệp ghi nhận.

Kết quả điều tra PCI được UBND Thành phố quan tâm và coi trọng như một kênh thông tin hữu ích đo lường cảm nhận của doanh nghiệp đối với môi trường kinh doanh nói chung cũng như đối với những cố gắng của chính quyền Thành phố trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển nói riêng. UBND Thành phố đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn phân tích và nhận thấy nguyên nhân chính của việc chỉ số PCI của Hà Nội còn thấp hơn các địa phương khác là do: khối lượng công việc phải giải quyết trên địa bàn Thủ đô rất lớn, đa dạng, phức tạp, trong khi sự phân công, phân cấp và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ở một số lĩnh vực ban hành chậm, thiếu đồng bộ, không ít nội dung còn chồng chéo, bất hợp lý. Sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành Trung ương với Thành phố một số việc chưa đồng bộ, hoặc chưa thống nhất, nhất là trong việc xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ những khó khăn từ thực tiễn. Quy hoạch chung xây dựng và phát triển Thủ đô chậm được phê duyệt, thiếu các quy hoạch chi tiết và quy hoạch ngành trên địa bàn cũng là một yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư của Hà Nội. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của Thành phố trên một số lĩnh vực còn hạn chế. Một số địa phương, sở, ngành còn thiếu năng động, quyết liệt, chưa theo kịp yêu cầu chỉ đạo của Thành phố. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc, có việc chưa tốt; việc xem xét, xử lý trách nhiệm còn thiếu kiên quyết. Phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, làm giảm sút lòng tin của nhân dân.

UBND Thành phố đang chỉ đạo các ngành, các cấp có Đề án cụ thể để cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội giai đoạn 2011-2015, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chính như sau: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ công chức trong việc hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm tối đa chi phí thời gian của doanh nghiệp để khởi sự kinh doanh và trong thực hiện các quy định của nhà nước; có đột phá về công khai, minh bạch hoá thông tin cho doanh nghiệp; phát triển hạ tầng kỹ thuật và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có mặt bằng sản xuất kinh doanh dịch vụ; tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về công tác đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.



Câu số 3: Cử tri đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành cơ quan có liên quan thành lập đoàn kiểm tra các sàn giao dịch bất động sản vì thời gian gần đây nhiều sàn giao dịch hoạt động không đúng với đăng ký

Thực hiện Luật Kinh doanh bất động sản; Nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản và Thông tư số 13/2008/TT-BXD ngày 21/5/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 153/2007/NĐ-CP; Từ năm 2010, Sở Xây dựng đã phối hợp và đề nghị Thanh tra Bộ Xây dựng chủ trì kiểm tra hoạt động của 62 sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn thành phố Hà Nội. Năm 2011, Sở Xây dựng đã xây dựng kế hoạch kiểm tra 40 sàn giao dịch bất động sản và sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện kiểm tra trong quý 4/2011.



Câu số 4: Đề nghị UBND Thành phố quan tâm chỉ đạo, có biện pháp giải quyết ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch đảm bảo sức khỏe cho nhân dân .

Việc xem xét để từng bước giảm thiểu các nguồn nước gây ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch đã được UBND Thành phố đưa vào Kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc. Trong 03 năm UBND Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các chương trình, dự án cụ thể như sau :



Các dự án, chương trình xử lý nước sông, hồ trong khu vực nội thành nhằm giảm nguồn gây ô nhiễm nước sông Tô Lịch.

- Dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường bờ phải sông Tô Lịch (khoảng 7 km- đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến Trung Hòa – Nhân Chính) xây dựng đường và cống gom nước thải dọc tuyến sông kết hợp xử lý các nguồn nước thải trước khi đổ vào sông. Giao UBND các quận tổ chức quản lý thu gom rác thải để chấm dứt tình trạng đổ rác thải bừa bãi hai bên bờ sông. Dự án trên đã giúp cải thiện một phần môi trường, cảnh quan sinh thái của sông Tô Lịch.

- Trong năm 2010 đã triển khai chương trình thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước sông, mương, hồ trên địa bàn Thành phố ( 7 hồ gồm: hồ Quỳnh, hồ Ngọc Khánh, hồ Xã Đàn, hồ Hai Bà Trưng, hồ Hữu Tiệp, hồ Kim Liên, hồ Ao Đình Ngọc Hà), đã nhân rộng kết quả đạt được của công nghệ xử lý cho 15 hồ khác vào năm 2011. Đã bàn giao 04 hồ được xử lý xong năm 2010 cho Công ty TNHH NN MTV Thoát nước Hà Nội và UBND quận Hai Bà Trưng để tiếp tục thực hiện công tác quản lý và duy trì. Triển khai phát chế phẩm làm sạch nước tại hộ gia đình cho trên 10.000 hộ thuộc 04 phường dọc tuyến đầu nguồn sông Tô Lịch gồm: Nghĩa Đô, Quan Hoa (quận Cầu Giấy), Vĩnh Phúc, Cống Vị (quận Ba Đình) để giảm ô nhiễm nguồn nước xả vào sông Tô Lịch.

Xử lý ô nhiễm nước sông:

Để xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, UBND Thành phố đã mời các chuyên gia của Nhật Bản, Hàn Quốc tiến hành khảo sát, nghiên cứu để giúp công nghệ xử lý ô nhiễm nước phù hợp. Đồng thời, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Quy hoạch kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập quy hoạch toàn tuyến sông Tô Lịch để tách nguồn nước thải sinh hoạt đang đổ trực tiếp vào sông đưa về các nhà máy xử lý tập trung gồm : Phú Đô và Yên Xá; Nghiên cứu quy hoạch, xây dựng để bổ sung nguồn nước cho sông Tô Lịch từ sông Nhuệ thuộc cụm công trình đầu mối Liên Mạc dự kiến qua trạm bơm Thuỵ Phương xả vào sông Tô Lịch qua cửa cống đầu nguồn của sông tại đường Hoàng Quốc Việt.



Câu số 5: Đề nghị Thành phố có chính sách hỗ trợ tạo việc làm thêm cho người lao động từ 50 tuổi trở lên bị thu hồi đất. Đồng thời thực hiện chính sách tái định cư đối với những hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp như quy định tại Quyết định số 33 và Quyết định số 18 năm 2008 UBND Thành phố.

1- Chính sách hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động khi Nhà nước thu hồi đất luôn được Thành uỷ, HĐND và UBND Thành phố quan tâm theo nguyên tắc vận dụng tối đa theo quy định của Chính phủ và thẩm quyền của Thành phố. Thực hiện Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ, UBND Thành phố đã quy định cụ thể chính này tại Điều 40 Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp (không thuộc trường hợp: đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở trong khu dân cư nhưng không được công nhận là đất ở; đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở dọc kênh mương và dọc tuyến đường giao thông; đất nông nghiệp thuộc địa giới hành chính phường, trong khu dân cư thuộc thị trấn, khu dân cư nông thôn; thửa đất nông nghiệp tiếp giáp với ranh giới phường, ranh giới khu dân cư), ngoài việc bồi thường bằng tiền theo giá đất nông nghiệp công bố hàng năm còn được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tại việc làm bằng 05 lần giá đất nông nghiệp (mức tối đa theo quy định của Chính phủ) đối với diện tích đất nông nghiệp thực tế bị thu hồi nhưng tối đa không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương (diện tích tính hạn mức bao gồm cả diện tích đã thu hồi trước đây); các trường hợp đã hưởng chính sách hỗ trợ này bằng các hình thức giao đất dịch vụ, đất ở, mua căn hộ chung cư, hỗ trợ bằng tiền thì không được hưởng (trường hợp đã giao đủ đất hoặc mua căn hộ hoặc hỗ trợ bằng tiền một lần) hoặc hưởng hỗ trợ bằng 3,5 lần giá đất bồi thường (trường hợp được giao đất chưa đủ tiêu chuẩn).

2- Thực hiện Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 và Điều 48 số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 33/2008/QĐ-UBND ngày 09/6/2008 và Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND ngày 29/9/2008 của UBND Thành phố, trong đó quy định hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm khi Nhà nước thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp bằng các hình thức: giao đất hoặc bán căn hộ chung cư hoặc bằng tiền.

Qua đánh giá kết quả triển khai thực tế tại các địa phương, trong đó có Thành phố Hà Nội, ngày 13/8/2009 Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2009/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/10/2009), theo đó cho phép thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng hình thức hỗ trợ bằng tiền cho người bị thu hồi đất (với mức bằng 1,5 đến 5 lần giá đất nông nghiệp) để người bị thu hồi đất chủ động học nghề, chuyển đổi nghề. Thực hiện quy định này, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009, trong đó quy định mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm khi thu hồi đất nông nghiệp được giao theo quy định tại Nghị định số 64/CP cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp bằng tiền với mức bằng 5 lần giá đất nông nghiệp bị thu hồi (trường hợp chưa được giao đủ đất hoặc mua căn hộ hoặc hỗ trợ bằng tiền một lần) hoặc bằng 3,5 lần giá đất bồi thường đối với trường hợp được giao đất nhưng chưa đủ tiêu chuẩn. Chính sách hỗ trợ này đã được đại đa số người bị thu hồi đất nông nghiệp đồng thuận, ủng hộ chủ trương thu hồi đất của Nhà nước để thực hiện các dự án trên địa bàn.



Câu số 6: Đề nghị UBND Thành phố điều chỉnh giá đền bù khi lấy đất thổ cư của dân theo giá thị trường, bởi giá của Nhà nước chỉ bằng 1/10 giá thị trường.

Căn cứ theo quy định của Luật đất đai 2003 ngày 26/11/2003; Nghị định 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất; Nghị định 123/2007/NĐ-CP ngày 27/7/2007 của Chính phủ về việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004, UBND Thành phố ban hành giá các loại đất hàng năm để phục vụ cho nhiều mục đích trong đó có bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giải phóng mặt bằng.

Trong tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tại Điều 12 Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của UBND Thành phố quy định: Trường hợp thời điểm quyết định thu hồi đất, mức giá đất đã ban hành chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì UBND cấp huyện đề xuất, báo cáo sở Tài chính chủ trì thẩm tra, trình UBND Thành phố xem xét, quyết định. Nhiều dự án đã được UBND Thành phố đã xem xét (hoặc xin ý kiến Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố) điều chỉnh giá khi Nhà nước thu hồi đất (dự án xây dựng các cầu: Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân; dự án cải tạo, mở rộng đường 32, đường Ngô Gia Tự; xây dựng đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng ....) được các hộ dân đồng thuận, bàn giao đất cho Chủ đầu tư để thực hiện dự án. Đồng thời với chính sách nêu trên, các trường hợp được bố trí tái định cư mức giá thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư đều không cao hơn mức bồi thường thiệt hại đất.

Câu số 7: Đề nghị UBND Thành phố cần quyết liệt hơn nữa trong thanh tra, kiểm tra việc cấp “sổ đỏ”, xử lý nghiêm các vi phạm để nhân dân tin tưởng hơn đối với chính quyền các cấp.

Ngày 01/12/2009, UBND Thành phố đã ban hành quyết định số 117/2009/QĐ-UBND Quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đăng ký biến động về sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo quy định của luật, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của UBND các quận, huyện, thị xã. Qua kiểm tra, chỉ đạo cho thấy, UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các phường, xã, thị trấn nhìn chung chưa thực hiện tốt, chưa quan tâm nhiều cho công tác này.

Ngày 07/4/2011, UBND Thành phố có Văn bản số 2449/UBND-TNMT về thanh tra công vụ và chấp hành các quy định của pháp luật về cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn Thành phố Hà Nội. UBND Thành phố đã có văn bản chỉ đạo, xử lý khắc phục các sai phạm sau thanh tra (trong đó có việc chậm giải quyết hồ sơ) tại 16 phường, xã, thị trấn và 11 Phòng Tài nguyên và Môi trường của 11 quận, huyện.

Ngày 28/6/2011, UBND Thành phố có Quyết định số 3068/QĐ-UBND và số 3065/QĐ-UBND ngày 05/8/2011 thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc UBND quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho hộ gia đình cá nhân. Kết quả kiểm tra, đôn đốc, UBND Thành phố sẽ báo cáo HĐND Thành phố để thông tin đến Cử tri.

Ngoài ra, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các Sở, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất UBND Thành phố bổ sung, điều chỉnh quyết định số 117/2009/Q§-UBND của UBND Thanh phố theo hướng tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm.

Câu số 8: Cử tri có ý kiến về quy hoạch của Thành phố Hà Nội cần đạt được các tiêu chí đảm bảo hiện đại giữ được bản sắc dân tộc. Đặc biệt các dự án lớn khi mời chuyên gia nước ngoài cần quan tâm đến bản sắc dân tộc một cách đúng mức, tránh tình trạng ta lệ thuộc quá nhiều vào chuyên gia nước ngoài. Kết quả là công trình được xây dựng không mang bản sắc dân tộc Việt Nam mà mang hoàn toàn "màu sắc" nước ngoài. Công tác quy hoạch cần được quan tâm hơn nữa để khi triển khai thực hiện các dự án không bị cái sau phủ định cái trước (đặc biệt là các công trình giao thông, cầu) cụ thể: Nên xác định trung tâm hành chính Quốc gia trước khi xây dựng Thủ đô theo quy hoạch mới đến năm 2030...

1. Về tiêu chí đảm bảo hiện đại giữ được bản sắc dân tộc: Các quy hoạch gần đây của Thành phố Hà Nội, từ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 1998 đến Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được phê duyệt tại quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, các đồ án quy hoạch chi tiết các quận huyện cho đến các khu đô thị mới... đều quan tâm thích đáng đến việc giữ gìn bản sắc dân tộc, cụ thể:

- Các quy hoạch đều tôn trọng khu vực đô thị cũ, bảo tồn các khu vực truyền thống và di sản lịch sử như các khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình, khu Hoàng thành Thăng Long, khu vực phố cũ, phố cổ, Khu vực Hồ Tây, Hồ Gươm và phụ cận.., xa hơn là các khu vực các không gian văn hóa truyền thống luôn được lưu ý, tôn tạo, giữ gìn, chỉnh trang như các khu vực làng nghề, làng cổ.. bảo tồn các không gian nông nghiệp truyền thống bằng hành lang xanh..

- Trong các nội dung thuyết minh, điều lệ đồ án quy hoạch đều nhấn mạnh phát triển không gian quy hoạch, kiến trúc hiện đại nhưng phải mang đậm bản sắc dân tộc. Đặc biệt tại đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã xây dựng 9 chiến lược phát triển không gian Thủ đô với mục tiêu để đưa Hà Nội trở thành thành phố Xanh-Văn hiến-Văn minh-Hiện đại và đạt được các mục tiêu theo Pháp lệnh Thủ đô. Trong đó đã xác định 02 chiến lược "Tăng cường bản sắc, hình ảnh riêng về Thành phố” và "Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản”.

- Đối với các đồ án Quy hoạch khu đô thị mới, các yếu tố liên quan đến phong tục, tập quán và khí hậu gồm cây xanh, mặt nước luôn được chú ý, các công trình văn hóa, xã hội được bổ sung; các làng xóm hiện hữu được kết nối.

- Riêng các đồ án kiến trúc công trình, đặc biệt các công trình trọng điểm có thiết kế của nước ngoài, về bản chất đều được đánh giá cao phần ý tưởng tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc mới trở thành các phương án được lựa chọn, có thể thấy các tòa nhà có thiết kế nước ngoài như Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Tòa nhà Quốc hội , phương án Tòa nhà Bông lúa, một số Ngân hàng lớn.. đều có các ý tưởng lớn về bản sắc dân tộc, song song với những ứng dụng tiến bộ về công nghệ hiện đại.

Nghiêm khắc nhìn lại, cũng còn có một số ít công trình đã xây dựng chỉ mới đạt được tính hiện đại, thiếu bản sắc nói chung và tính dân tộc nói riêng. Các cơ quan quản lý kiến trúc- quy hoạch của Thành phố sẽ nâng cao hơn nữa việc kiểm soát, định hướng, kể cả đối với các phương án công trình đã được tuyển chọn, đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, quy hoạch hoặc xin thỏa thuận kiến trúc -quy hoạch.

2. Liên quan đến câu hỏi "công tác quy hoạch cần được quan tâm hơn nữa để triển khai thực hiện các dự án không bị cái sau phủ định cái trước (đặc biệt là các công trình giao thông, cầu)”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 240/TB-VPCP ngày 5/9/2008 và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại thông báo số 208/TB-VPCP ngày 22/7/2010 về thực hiện rà soát các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở ngành liên quan để tiến hành rà soát các đồ án, dự án để đảm bảo khớp nối các dự án với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và sử dụng đất của toàn Thành phố theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là những công việc cần thiết góp phần đảm bảo triển khai các loại quy hoạch theo đúng Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng được đồng bộ, tránh sự chồng chéo, phù hợp với định hướng của đồ án Quy hoạch chung đã được phê duyệt nhằm mục tiêu phát triển bền vững, đầu tư hiệu quả. Trong quá trình rà soát, triển khai đầu tư các dự án xây dựng công trình trên địa bàn Thành phố được cập nhật, đề xuất hướng xử lý cụ thể theo hướng vừa đảm bảo phù hợp với Quy hoạch chung được duyệt, phù hợp điều kiện thực tiễn, tránh lãng phí. Đặc biệt là các công trình có nguồn đầu tư lớn, công trình hạ tầng kỹ thuật. Trong quá trình nghiên cứu đề xuất lập quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư xây dựng cụ thể luôn yêu cầu xem xét cụ thể các vấn đề về hiện trạng xây dựng trong khu vực, cơ sở pháp lỹ liên quan... để tránh gây lãng phí, đạt hiệu quả đầu tư.

3. Về việc "nên xác định Trung tâm hành chính Quốc gia trước khi xây dựng Thủ đô theo quy hoạch đến năm 2030...”. Tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung đã xác định rất cụ thể, rõ ràng "Các cơ quan đầu não của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ đặt tại khu vực Ba Đình”.



tải về 0.88 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương