Phần I: Trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 2 HĐnd thành phố khóa XIV



tải về 0.88 Mb.
trang4/13
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích0.88 Mb.
#16061
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13

Câu số 38: Đề nghị UBND Thành phố quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc lấn chiếm đất đai của gia đình bà Nguyễn Thị Thạch, phường Phương Liệt; vụ việc của gia đình bà Ngô Việt Vân, bà Lê Thị Kim Hoa và ông Cao Minh, phường Khương Trung.

1) Việc xử lý lấn chiếm đất đai đối với gia đình bà Nguyễn Thị Thạch

Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân đã ban hành Quyết định số 1729/QĐ-UB ngày 08/9/2004 thu hồi 3.600m2 đất tại phường Phương Liệt do bà Thạch san lấp, chiếm dụng sử dụng sai mục đích. Bà Nguyễn Thị Thạch khiếu nại, UBND quận Thanh Xuân đã giải quyết khiếu nại của bà Thạch theo quy định ;UBND Thành phố đã giải quyết và ban hành quyết định số 2635/QĐ-UBND ngày 10/6/2010, đồng ý với Quyết định số 337/QĐ-UB ngày 17/3/2005 của UBND quận Thanh Xuân về việc giải quyết khiếu nại của bà Thạch. Tuy nhiên tại văn bản số 5335/BTNMT-TTr ngày 31/12/2010 của Bộ Tài nguyên và môi trương về việc giải quyết khiếu nại của bà Thạch lại kiến nghị Thủ Tướng Chính phủ yêu cầu UBND Thành phố ban hành Quyết định giải quyết lại nội dung giải quyết khiếu nại của bà Thạch theo hướng công nhận QSD đất 3600m2 mà gia đình bà Thạch khai hoang. Hiện tại cử tri phường Phương Liệt vẫn tiếp tục kiến nghị thực hiện Quyết định số 1729/QĐ-UB ngày 08/9/2004 của UBND quận Thanh Xuân thu hồi phần đất lấn chiếm của bà Thạch.

Ngày 10/3/2011, UBND Thành phố Hà Nội có văn bản số 1615/UNBD-TNMT giao Thanh tra Thành phố chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Thanh Xuân kiểm tra, đề xuất việc tổ chức thực hiện theo kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan của Nhà nước và kiến nghị của cử tri; với những căn cứ do bà Thạch nêu ra thì chưa đủ cơ sở pháp lý để công nhận quyền sử dụng đất nên các Sở, ngành và UBND quận Thanh Xuân đang tiếp tục kiểm tra, xác minh theo quy định.

2) Đối với gia đình ông Cao Minh

Ngày 15/01/2009 UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định số 267/QĐ-UBND về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở do UBND Thành phố Hà Nội cấp cho ông Cao Minh và bà Lê Thị Kim Hoa tại 56A, 57B tập thể phát hành phim ngõ 73, đường Nguyễn Trãi , quận Thanh Xuân. Hiện nay, Sở Xây dựng và Công ty TNHH 1TV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đang thực hiện việc thu hồi.

Nhà ông Cao Minh đã được UBND Thành phố cấp Giấy chứng nhận QSD đất ở và QSH nhà ở tại địa chỉ 56A, 57B Tập thể phát hành phim ngõ 73, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Sau khi có khiếu nại của công dân về diện tích đất cấp Giấy chứng nhận gồm cả diện tích đất ông, Thanh tra Thành phố đã kết luận và UBND Thành phố đã có Quyết định số 267/QĐ-UBND ngày 15/01/2009 thu hồi Giấy chứng nhận QSH nhà ở và QSD đất ở đã cấp cho gia đình ông Cao Minh tại địa chỉ trên. Đồng thời, UBND quận có Quyết định số 249/QĐ-UBND ngày 12/02/2009 thu hồi Giấy phép xây dựng số 206-2005/GPXD do UBND quận cấp cho gia đình ông Cao Minh. Sở Xây dựng đang chủ trì cùng các đơn vị có liên quan thực hiện việc thu hồi và hủy GCN đã cấp cho gia đình ông Cao Minh; thực hiện thủ tục bán nhà và cấp lại GCN cho gia đình ông Cao Minh theo quy định.

3) Đối với gia đình bà Ngô Việt Vân

Ngày 04/01/1999, UBND Thành phố đã cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại phường Khương Trung cho gia đình bà Ngô Việt Vân. Tuy nhiên, sau khi nhân dân có kiến nghị, các cơ quan chức năng đã thanh tra, kết luận, trong diện tích cấp Giấy chứng nhận có 78m2 đất công, không nằm trong diện tích nhà đất mà gia đình đang thuê của Nhà nước được mua theo Nghị định 61/CP nên UBND Thành phố đã Quyết định số 1570/QĐ-UB ngày 22/3/2004 thu hồi 78 m2 đất tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân do gia đình bà Ngô Việt Vân đang sử dụng; tạm giao cho UBND phường Khương Trung quản lý, chống lấn chiếm để thực hiện dự án đầu tư sử dụng vào mục đích công cộng trong khu vực. Đến nay, các Sở, ngành và UBND quận Thanh Xuân chưa thực hiện dứt điểm. UBND Thành phố đã có các văn bản số 6587/UBND-TNMT ngày 9/8/2011 và số 8828/UBND-TNMT ngày 17/10/2011 chỉ đạo các Ngành và UBND quận Thanh Xuân khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Quyết định số 1570/QĐ-UB ngày 22/3/2004 của UBND Thành phố.

Câu số 39- Đề nghị UBND Thành phố quan tâm đến quy hoạch, mở rộng, nâng cấp hệ thống giáo dục, đặc biệt hệ thống trường mầm non, sử dụng khu đất hoang hóa phường Vĩnh Phúc, dự án hồ Thương Binh, phường Kim Mã (dự án treo từ năm 1991) để xây dựng trường và nhà văn hóa phục vụ nhu cầu nhân dân.

Thực hiện chủ trương của Nhà nước, đưa giáo dục là quốc sách hàng đầu, ngay sau khi mở rộng địa giới Thành phố Hà Nội, tháng 3/2009 UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục và đào tạo lập quy hoạch mạng lưới giáo dục trên toàn thành phố (đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế năm 2009). Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lập quy hoạch, xin ý kiến các ngành và địa phương, hiện đang nghiên cứu cập nhật với đồ án Quy hoạch chung Thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7/2011, Uỷ ban nhân dân Thành phố đang chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn chỉnh để trình Uỷ ban nhân dân Thành phố phê duyệt, làm cơ sở triển khai xây dựng đồng bộ trên toàn thành phố.

Việc đề xuất sử dụng các quỹ đất hoang hóa tại phường Vĩnh Phúc và hồ Thương binh tại phường Kim Mã để xây dựng trường và nhà văn hóa là phù hợp với chủ trương của thành phố và nhu cầu thực tế tại địa phương. Riêng khu vực tại ao Thương binh, ngày 13/02/1999, UBND Thành phố có quyết định số 887/QĐ-UBND thu hồi 2862m2 đất tại địa điểm trên giao Công ty xây dựng phát triển nhà Ba Đình là chủ đầu tư xây dựng nhà ở bán cho cán bộ quận Ba Đình, nhưng đến nay, Công ty chưa thực hiện GPMB xong. Theo điều IV của Quyết định 887/QĐ-UBND thì quyết định số 887/QĐ-UBND nói trên đã hết hiệu lực. Về việc này, UBND Thành phố giao UBND quận Ba Đình kiểm tra và đề xuất giải quyết.

Câu số 40- Thành phố hiện nay có những biệt thự bỏ hoang, các phương tiện thông tin đại chúng đã kêu nhiều nhưng việc xử lý quá chậm gây bức xúc trong nhân dân. Cần tăng cường giám sát kiểm tra việc quản lý sử dụng các ngôi nhà bị thu hồi tại 110 Quán Thánh, 46 Phan Đình Phùng.

Tại địa điểm 110 Quán Thánh, 46 Phan Đình Phùng, quận Ba Đình hiện do Nhà khách UBND Thành phố (thuộc Văn phòng UBND Thành phố) quản lý theo Quyết định số 4287/QĐ-UBND ngày 01/9/2010 của UBND Thành phố. Theo đó, UBND Thành phố điều chuyển nguyên trạng các địa điểm trên là tài sản nhà nước nguyên là trụ sở UBND phường Quán Thánh cho Nhà khách UBND Thành phố quản lý sử dụng.

Thực hiện Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về sử lý, sắp xếp lại tài sản thuộc sở hữu nhà nước, ngày 13/9/2011, Ban chỉ đạo 09 Thành phố đã tiến hành kiểm tra rà soát các địa điểm do Nhà khách UBND Thành phố quản lý trong đó có các địa điểm nêu trên để trình UBND Thành phố phương án xử lý các địa điểm trên cho hiệu quả, phù hợp thực tế và đúng quy định hiện hành.

Câu số 41- Cử tri đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng lại các nhà chung cư cũ xuống cấp ở phường Thành Công, Giảng Võ.

- Đối với một số chung cư ở phường Thành công:

Ngày 10/12/2007 UBND Thành phố có Văn bản số 6980/UBND-KH&ĐT giao Công ty TSQ Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch cải tạo xây dựng lại khu tập thể Thành Công.

Đến nay, Công ty TSQ Việt Nam đã hoàn thành công tác điều tra XHH, đo đạc hiện trạng 1/500, xác định ranh giới n/c quy hoạch và được UBND Thành phố phê duyệt nhiệm vụ Thiết kế quy hoạch tại Quyết định số 309/QĐ-UBND ngày 19/8/2008; đã hoàn thành đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, đã công khai xin ý kiến của cộng đồng dân cư và Bộ Xây dựng,

Hiện Công ty TSQ Việt Nam đang phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc hoàn thiện đồ án quy hoạch cải tạo xây dựng lại khu tập thể Thành Công, đáp ứng các yêu cầu nâng cấp đồng bộ về HTKT, HTXH và phù hợp với định hướng phát triển đô thị, tuân thủ Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ để Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, trình UBND Thành phố xem xét trong năm 2011.

- Đối với một số chung cư ở phường Giảng Võ:

Ngày 06/8/2007, UBND Thành phố có Văn bản số 4241/UBND-XDĐT giao Liên danh Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và Tổng công ty đầu tư Phát triển nhà Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch cải tạo xây dựng lại khu tập thể Giảng Võ.

Đến nay, Liên danh đã hoàn thành công tác điều tra XHH, đo đạc hiện trạng 1/500, xác định ranh giới n/c quy hoạch và được UBND Thành phố phê duyệt nhiệm vụ Thiết kế quy hoạch tại Quyết định số 2875/QĐ-UB ngày 26/12/2008. Hiện, Liên danh đang phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc hoàn thiện đồ án quy hoạch cải tạo xây dựng lại khu tập thể Giảng Võ, đáp ứng các yêu cầu nâng cấp đồng bộ về HTKT, HTXH và phù hợp với định hướng phát triển đô thị, tuân thủ Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến sẽ hoàn thiện đồ án công khai xin ý kiến của cộng đồng dân cư và trình UBND Thành phố xem xét trong năm 2012.

Tại Thông báo số 220/TB-UBND ngày 10/8/2011, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm tra rà soát các công trình chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp để thực hiện công tác kiểm định chất lượng hiện trạng, Sở Xây dựng đã lập kế hoạch số 5963/KH-SXD ngày 22/8/2011 và đã tổ chức thực hiện công tác kiểm tra rà soát các chung cư cũ từ cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2011. Sở XD đã báo cáo danh mục các chung cư cũ hiện hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn Thành phố Hà Nội cần tổ chức kiểm định đánh giá chất lượng hiện trạng để có kế hoạch cải tạo, xây dựng lại.



Câu số 42- Đề nghị UBND Thành phố:

+ Xây dựng cầu vượt từ đầu phố Tân Ấp sang đường Yên Phụ

+ Mở rộng đường La Thành quan Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

+ Cải tạo hạ tầng đô thị khu dân cư Ngũ Xã (làm hệ thống cống ngầm, trải lại đường, làm vỉa hè và con đường ven Sông Hồng.

+ Việc xây dựng cầu vượt từ đầu phố Tân Ấp sang đường Yên Phụ: Thành phố chưa có phương án xây dựng cầu vượt tại địa điểm này. Tuy nhiên, để đảm bảo giao thông tại khu vực, Thành phố đã giao Sở GTVT Hà Nội phối hợp với các ngành, UBND quận Hoàn Kiếm để có phương án đảm bảo giao thông cho người đi bộ sang đường.

+ Việc mở rộng đường La Thành quan Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: UBND Thành phố đã giao Ban QLDA Trọng điểm PTĐT làm chủ đầu tư dự án đường Vành đai I đoạn Ô chợ Dừa - Hoàng Cầu và đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục. Dự kiến sẽ triển khai trong giai đoạn 2011-2015; trước mắt, đã lập dự án, đang thực hiện GPMB để triển khai thi công đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu từ năm 2012.

+ Cải tạo hạ tầng đô thị khu dân cư Ngũ Xã: UBND quận Ba Đình đã giao nhiệm vụ lập đề xuất dự án chuẩn bị đầu tư cải tạo, nâng cấp hè và một số công trình hạ tầng kỹ thuật năm 2011, trong đó có cải tạo hè, đường và hệ thống thoát nước các tuyến phố Ngũ Xã, Lạc Chính, Nam Tràng, Nguyễn Khắc Hiếu, Mạc Đĩnh Chi, Trần Kế Xương. Hiện nay đang thoả thuận với các ngành liên quan để đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ; sau khi có ý kiến thỏa thuận của các ngành sẽ lập đề xuất chuẩn bị đầu tư các hạng mục trên.

+ Về ý kiến cử tri đề nghị cho làm đường dọc bờ sông Hồng:

Quy hoạch chi tiết 1/2000 quận Ba Đình được UBND Thành phố phê duyệt theo Quyết định số 68/2000/QĐ-UB ngày 14/7/2000. Theo quy hoạch được duyệt thì dọc bờ sông Hồng có đường giao thông đô thị và khu vực phường Phúc Xá thuộc dự án quy hoạch Thành phố ven sông Hồng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Quy hoạch- Kiến trúc rà soát lại quy hoạch tổng thể để điều chỉnh về quy hoạch và giao nhiệm vụ quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Tháng 5/2008, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã trưng bày mô hình toàn cảnh quy hoạch phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội tại Cung thể thao Quần ngựa để lấy ý kiến người dân thủ đô, các nhà khoa học và đã báo cáo, trình UBND Thành phố dự án quy hoạch xây dựng Thành phố ven sông Hông.

Ngày 26/07/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1259/ QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hoá, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô. Khai thác, kế thừa Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội (đã được Thành phố Hà Nội tổ chức nghiên cứu) tiếp tục nghiên cứu phát triển đồng bộ hai bên đoạn tuyến chảy qua Thành phố, ảnh hưởng trực tiếp tới trục không gian cảnh quan văn hoá- đô thị Hồ Tây- Cổ Loa.

Thực hiện Quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND Thành phố đã giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội được UBND Thành phố Hà Nội giao chủ trì nghiên cứu giai đoạn 2 đồ án phát triển đồng bộ hai bên sông Hồng đoạn tuyến chảy qua Thành phố. Sau khi điều chỉnh quy hoạch Đề án phát triển đồng bộ hai bên sông Hồng được duyệt, Thành phố sẽ chỉ đạo việc nghiên cứu, đầu tư xây dựng các tuyến đường theo quy hoạch



Câu số 43- Đề nghị UBND Thành phố quan tâm xây dựng cho xã Mỹ Lương 01 trạm bơm tại khu vực Đầm mới và nâng cấp hệ thống kênh mương để phục vụ sản xuất nông nghiệp (cử tri huyện Chương Mỹ).

Trạm bơm Đầm Mới trên địa bàn thôn Khôn Duy, xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ được xây dựng từ năm 1993 với 4 tổ máy, công suất mỗi tổ máy 1.500 m3/h phục vụ tiêu chủ động cho 250 ha. Xí nghiệp Đầu tư phát triển thuỷ lợi huyện Chương Mỹ thuộc Công ty Đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Đáy quản lý. Do công trình xây dựng đã lâu, nhà Trạm và máy bơm xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống kênh tiêu bị sạt trượt do nền đất yếu, không đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất.

Ngày 17/6/2011, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận điều kiện bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tưới, tiêu trạm bơm Đầm Mới. Giao Công ty TNHH 1 TV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy làm Chủ đầu tư (Công văn số 4902/UBND-KHĐT). Hiện nay, Công ty đã và đang lập, trình duyệt, trình khai dự án đầu tư theo quy định.

Câu số 44- Đề nghị UBND Thành phố quan tâm sớm cho xử lý ô nhiễm môi trường dòng sông Bùi và nguồn nước thôn Khôn Duy thuộc xã Mỹ Lương.

Sông Bùi bắt nguồn từ Lương Sơn - Hoà Bình đổ ra hợp lưu với sông Tích tại thị trấn Xuân Mai chảy về Ba Thá hợp với sông Đáy. Sông Bùi hàng năm chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ Lương Sơn-Hoà Bình đổ xuống. Do vậy nguồn nước thường xuyên được thau rửa, cho đến nay chưa có báo cáo về ô nhiễm nguồn nước ở sông Bùi. Hiện sông Bùi vẫn đang phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp,

Qua kiểm tra cho thấy hiện nay nhân dân thôn Khôn Duy vẫn đang sử dụng nguồn nước ngầm tự khai thác và nguồn nước mưa tự nhiên để sinh hoạt.

UBND Thành phố tiếp thu kiến nghị cử tri thôn Khôn Duy, xã Mỹ Lương và sẽ chỉ đạo UBND huyện Chương Mỹ cùng các Sở ngành liên quan nghiên cứu, khảo sát đánh giá đề xuất xử lý ô nhiễm môi trường dòng sông Bùi và nguồn nước thôn Khôn Duy thuộc xã Mỹ Lương.



Câu số 45- Hiện nay vẫn còn nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho nhân dân như việc tách, nhập khẩu. Đề nghị UBND Thành phố quan tâm chỉ đạo.

1. Luật Cư trú quy định việc tách, nhập khẩu như sau:

Điều 24: Quy định thủ tục tách sổ hộ khẩu gồm:

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu sộ hộ khẩu.

- Ý kiến đồng ý vào văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản b Điểm 1 Điều này.

- Thời gian trả kết quả: 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.



Điều 21: Quy định hồ sơ đăng ký thường trú gồm:

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

- Bản khai nhân khẩu.

- Giấy tờ chuyển khẩu.

- Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc TW phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.

- Thời gian trả kết quả: 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.



2. Bộ Công an có hướng dẫn việc thực hiện Luật Cư trú, Công an Thành phố Hà Nội đó yêu cầu Công an các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm các quy định. Đồng thời, tổ chức tiếp dân tất cả các ngày làm việc trong tuần (kể cả ngày thứ 7).

Qua kiểm tra, tại các huyện, thị xã (thuộc Hà Tây cũ) mới hợp nhất, một số hồ sơ tách sổ hộ khẩu, hồ sơ nhập khẩu (theo quy định của Luật Cư trú và Hướng dẫn của Bộ Công an) còn thiếu Bản khai nhân khẩu (đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên).

Vì vậy, những trường hợp công dân làm thủ tục tách sổ hộ khẩu, nhập hộ khẩu, đổi sổ hộ khẩu chưa có Bản khai nhân khẩu lưu trong hồ sơ tàng thư hộ khẩu, cần khai bổ sung để đưa vào tàng thư hồ sơ hộ khẩu quản lý theo quy định hồ sơ nghiệp vụ. Bản khai nhân khẩu có nhiều hạng mục, nhận thức của nhân dân còn hạn chế, việc hướng dẫn của cán bộ Công an xã chưa rõ ràng nên một số nội dung khai chưa đầy đủ, đúng yêu cầu, phải viết lại nhiều lần gây phiền hà cho nhân dân. Công an thành phố đã chỉ đạo Công an các huyện, thị xã rút kinh nghiệm, chấn chỉnh việc tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn cụ thể nhân dân bằng văn bản, đảm bảo đúng thủ tục, trả kết quả đúng thời gian.

Câu số 46- Đề nghị UBND Thành phố cần có chính sách bồi thường đất nông nghiệp cho người dân được thỏa đáng như:

+ Đối với các dự án phúc lợi, UBND Thành phố nên thực hiện chế độ thỏa thuận với người dân có đất bị thu hồi để đảm bảo người dân không bị thiệt thòi khi bị thu hồi đất;

+ Đề nghị Thành phố có cơ chế đảm bảo cho người dân khi bị thu hồi đất đều được hưởng 10% đất dịch vụ; khi giao đất cho nhân dân cần tiến hành nhanh chóng và kịp thời.

+ Đề nghị Thành phố có cơ chế hỗ trợ xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ của người dân có đất bị thu hồi.

+ Trong giá bồi thường, hỗ trợ GPMB Thành phố nên tách theo từng loại đất thu hồi.

1- Nhà nước thực hiện thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Chi tiết các trường hợp Nhà nước thu hồi đất được quy định cụ thể tại Điều 36 Nghị định số 181/2004/NĐ-Cp ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai 2003. Những dự án do Nhà nước thu hồi đất thì phải thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Các dự án không thuộc một những trường hợp nhà nước thực hiện thu hồi đất nêu trên thì thực hiện bằng việc nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất...

2- Cơ chế giao đất dịch vụ 10% trên địa bàn Tỉnh Hà Tây (cũ) được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1098/2007/QĐ-UBND ngày 28/6/2007 của UBND tỉnh Hà Tây. Sau khi hợp nhất về Hà Nội, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm được thực hiện theo quy định tại Điều 40 quyết định 18/2008/QĐ-UBND ngày 29/9/2008 của UBND Thành phố, đối tượng được hưởng là trường hợp bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp được giao - thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 và Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ.

Ngày 13/8/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2009/NĐ-CP, trong đó chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm được quy định tại Điều 22 (thay thế quy định về chính sách này tại Nghị định 17 và Nghị định 84). Trên địa bàn thành phố Hà Nội, chính sách này được thực hiện bằng tiền với mức hỗ trợ là 05 lần giá đất nông nghiệp bị thu hồi (đối với các hộ trước đây chưa được hưởng chính sách chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm) và mức hỗ trợ là 3,5 lần giá đất nông nghiệp bị thu hồi (đối với các hộ đã được giao đất dịch vụ làm trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh nhưng chưa đủ hạn mức quy định).

Như vậy, từ thời điểm Nghị định số 69/2009/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 01/10/2009), trên địa bàn Thành phố chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm là bằng tiền thay hình thức giao đất. Trường hợp các hộ dân trước đây đã được Nhà nước phê duyệt phương án giao đất nhưng thực tế chưa được nhận đất (do chưa chuẩn bị xong khu đất để giao) thì nay tiếp tục thực hiện giao theo phương án. UBND Thành phố đã chỉ đạo UBND các huyện khẩn trương chuẩn bị quỹ đất và thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ để giao cho các hộ dân.

3- Trước đây, trên địa bàn tỉnh Hà Tây thực hiện hỗ trợ xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ theo quy định tại quyết định số 371/2008/QĐ-UBND ngày 22/02/2008 (mức hỗ trợ là 96.000 đồng/m2 từ nguồn ngân sách Nhà nước). Theo quy định hiện hành, khi các hộ dân được nhận đất dịch vụ phải nộp tiền sử dụng đất bằng giá đất nông nghiệp tương ứng đã thu hồi cộng với suất đầu tư san nền, xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên đất (nếu có) nhưng không cao hơn giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tương ứng. Nhiệm vụ xây dựng khu đất dịch vụ để giao cho các hộ dân được Thành phố quy định cụ thể; trong đó phần chi phí để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất còn thiếu (so với số tiền thu được khi giao đất cho các hộ dân) thì sẽ được ngân sách cấp bù (đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách) hoặc chủ đầu tư dự án phải chi bù (đối với các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, khu công nghiệp..sử dụng vốn ngoài ngân sách). Như vậy, hiện nay khi các hộ dân được giao đất dịch vụ vẫn được hỗ trợ chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhưng hình thức hỗ trợ là theo từng dự án cụ thể, không áp dụng việc hỗ trợ bình quân 96.000 m2 như quy định cũ của Tỉnh Hà Tây trước đây.

4- Theo quy định hiện hành, giá đất làm căn cứ tính bồi thường, hỗ trợ về đất được quy định cụ thể cho từng loại đất (đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp..), theo từng đường, phố, đoạn, khu vực ... cho từng quận, huyện, từng xã, phường, thị trấn.



Câu số 47- Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo khi quy hoạch, xây dựng các khu đô thị nên có sự khớp nối và thống nhất về hệ thống tiêu thoát nước đặc biệt là nước thải sinh hoạt của nhân dân. Hiện nay do chưa có sự khớp nối tiêu thoát nước giữa các dự án khu dô thị tại khu vực giáp ranh giữa huyện Hoài Đức và huyện Đan Phượng nên đã xảy ra ngập úng tại khu vực có kênh tiêu đi qua .

Trong quá trình hình thành các khu đô thị đã nảy sinh một số bất cập việc khớp nối hạ tầng của các khu đô thị với hạ tầng xung quanh. Vấn đề này UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các chủ đầu tư trong quán trình triển khai các dự án các khu đô thị phải có các giải pháp khớp nối hạ tầng kỹ thuật nhằm đảm bảo việc tiêu thoát nước cho khu đô thị và khu vực lân cận không làm ảnh hưởng đến an ninh xã hội và UBND các huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện khớp nối hạ tầng kỹ thuật của các chủ đầu tư.

Hiện nay các dự án Khu đô thị lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung và huyện Hoài Đức, Đan Phượng nói riêng cơ bản đang tạm dừng để triển khai rà soát, khớp nối hạ tầng kỹ thuật (trong đó có khớp nối với cao độ san nền và hệ thống thoát nước mưa, nước thải) để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất chung trong khu vực trên toàn thành phố, đảm bảo sự tương quan phù hợp, không gây úng ngập cục bộ. Về nguyên tắc, các đồ án quy hoạch các khu đô thị tiếp giáp, có liên quan với các khu dân cư hiện có đều được UBND Thành phố, các sở chuyên ngành liên quan chỉ đạo, yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn phải nghiên cứu các giải pháp khớp nối hạ tầng kỹ thuật, giải pháp cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường cho các khu vực dân cư làng xóm hiện có. Do điều kiện thoát nước hiện trạng trong các khu dân cư, nên thường sử dụng giải pháp thoát nước nửa riêng (nước thải đoạn đầu được thoát chung với hệ thống thoát nước mưa rồi qua giếng tách, tách nước thải vào hệ thống thoát nước thải riêng xây dựng mới để xử lý) đảm bảo điều kiện vệ sinh cho khu đô thị cũng như cho khu làng xóm hiện có.

Một số dự án đã triển khai đầu tư xây dựng ngoài hiện trường tại khu vực giáp ranh giữa huyện Hoài Đức và huyện Đan Phượng, như Khu đô thị mới Bắc Quốc lộ 32 (huyện Hoài Đức), Dự án Khu nhà ở Tân Lập (huyện Đan Phượng) và với khu vực ruộng canh tác địa phương ở giáp khu vực các dự án nêu trên có tình trạng các chủ đầu tư xây dựng các khu đô thị chưa khớp nối, thiếu đồng bộ về hệ thống thoát nước, cao độ san nền dẫn đến hiện tượng ngập úng cục bộ.

UBND Thành phố đã có công văn số 675/UBND-XD ngày 27/01/2010 chỉ đạo kịp thời các Sở ngành, UBND huyện Hoài Đức, UBND huyện Đan Phượng phối hợp với các chủ đầu tư của Dự án liên quan nghiên cứu xử lý điều chỉnh khớp nối hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thoát nước một số khu đô thị thuộc địa bàn huyện Hoài Đức và huyện Đan Phượng. Theo chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh khớp nối Hạ tầng kỹ thuật thoát nước, cao độ san nền cho khu vực nêu trên, trong đó có sự đồng thuận cao của các đơn vị liên quan (UBND huyện Hoài Đức, UBND huyện Đan Phượng, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, các chủ đầu tư Dự án liên quan).

Hiện nay, trên cơ sở Quy hoạch điều chỉnh khớp nối Hạ tầng kỹ thuật thoát nước, chủ đầu tư các dự án đang triển khai thực hiện để đảm bảo yêu cầu tiêu thoát nước chung cho khu vực. Giải pháp tiêu thoát nước tổng thể cho cả khu vực sẽ được nghiên cứu xác định khi lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch phận khu do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đang triển khai nghiên cứu.




tải về 0.88 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương