PHẦn I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri



tải về 3.72 Mb.
trang8/48
Chuyển đổi dữ liệu09.07.2016
Kích3.72 Mb.
#1608
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   48

Trả lời: (tại công văn số 3790, 3787/BTC-QLCS ngày 2/4/2008)

- Về khái niệm “sát giá thị trường”: Theo quy định tại khoản 2 Điều 1, Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27/7/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất thì: “Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường tại một thời điểm xác định là số tiền Việt Nam tính trên một đơn vị diện tích đất theo từng mục đích sử dụng hợp pháp, được hình thành từ kết quả của những giao dịch thực tế đã hoàn thành, mang tính phổ biến giữa những người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng trong điều kiện thương mại bình thường, không chịu sự tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến không hợp lý như: đầu cơ, thiên tai, địch họa, khủng hoảng kinh tế, tài chính, thay đổi quy hoạch, chuyển nhượng trong tình trạng bị ép buộc, có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi...”

- Về giá bồi thường hiện nay:

Tại khoản 1, Điều 9 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định: “Giá đất để tính bồi thường là giá đất theo mục đích đang sử dụng tại thời điểm có quyết định thu hồi đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố theo quy định của Chính phủ; không bồi thường theo giá đất sẽ được chuyển mục đích sử dụng”.

Theo quy định trên thì khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp và thực hiện chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp, đất ở thì Nhà nước thực hiện bồi thường theo giá đất nông nghiệp, không bồi thường theo giá đất phi nông nghiệp, đất ở.

Để giá đất phù hợp và sát giá thị trường trong điều kiện bình thường, Chính phủ có quy định sửa đổi, bổ sung tại khoản 12, Điều 1, Nghị định 123/NĐ-CP ngày 27/7/2007 như sau: “Trường hợp tại thời điểm có quyết định thu hồi đất mà giá này chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường tại địa phương để quyết định mức giá cụ thể cho phù hợp”.

Theo các quy định trên đây, thì giá đất để tính đền bù là phù hợp. Thực tế người dân thắc mắc là do có sự hiểu lầm, cho rằng phải được đền bù theo giá đất của mục đích sử dụng mới (đã được Nhà nước quyết định chuyển mục đích sử dụng hoặc đã được đầu tư cơ sở hạ tầng...) có giá cao hơn.

Thực tế thực hiện theo quy định của Chính phủ về khung giá các loại đất trong thời gian qua cho thấy: Khung giá đất do Chính phủ ban hành là không thấp, chủ yếu do các địa phương quy định thấp. Giá đất do các địa phương công bố ngày 1/1 hàng năm hầu hết chưa sử dụng hết khung giá do Chính phủ quy định.

Giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định và công bố vào ngày 1/1 hàng năm, nếu thỏa mãn nguyên tắc xác định giá đất nói trên và phù hơp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trong điều kiện bình thường thì được sử dụng để tính bồi thường. Trường hợp tại thời điểm thu đất, giá đất đã công bố không còn phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải xác định lại giá đất để bồi thường cho phù hợp. Nếu thực hiện đúng theo các quy định này thì giá đất tính bồi thường là không thấp.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho người dân sớm ổn định sản xuất và đời sống, ngoài việc bồi thường theo giá đất quy định như đã nêu ở trên, Nhà nước còn quy định các chính sách hỗ trợ gồm: hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm, hỗ trợ sản xuất và đời sống tại khu tái định cư và hỗ trợ khác.



16/ Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: “ Nghị định của Chính phủ và Thông tư số 116/2004 của Bộ Tài chính không hướng dẫn bồi thường, hỗ trợ cho các Hợp tác xã khi bị thu hồi đất, ảnh hưởng đến quyền lợi của xã viên có đất đưa vào Hợp tác xã. Đề nghị Bộ xem xét vấn đề này”.

Trả lời: (tại công văn số 3788/BTC-QLCS ngày 2/4/2008)

Tại Điều 12, Nghị định số 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã quy định cụ thể việc bồi thường đối với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp của tổ chức (trong đó bao gồm cả hợp tác xã) như sau:

+ Tổ chức đang sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đã nộp tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng từ người sử dụng đất hợp pháp mà tiền sử dụng đất đã nộp, tiền trả cho việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

+ Tổ chức được Nhà nước cho thuê đất hoặc giao đất không phải nộp tiền sử dụng đất hoặc đã nộp tiền sử dụng đất bằng tiền có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất; nếu tiền chi phí đầu tư vào đất còn lại không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì tiền chi phí đầu tư này được bồi thường.

- Tại Điều 26 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định trường hợp Hợp tác xã phi nông nghiệp đang sử dụng đất mà đất đo do xã viên đóng góp vào Hợp tác xã nhưng đã chuyển sang thuê đất theo Chỉ thị số 245/TTg ngày 22/4/1996 và Nghị định số 85/CP ngày 17/12/1996 thì nay không phải thuê đất của Nhà nước. Hợp tác xã có quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 110 Luật Đất đai.

Theo các quy định trên, khi Nhà nước thu hồi đất của hợp tác xã, hợp tác xã được bồi thường về đất trong các trường hợp sau:

+ Đất được Nhà nước giao đã nộp tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

+ Đất do chuyển nhượng từ người sử dụng đất hợp pháp mà tiền trả cho việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

Khi đất của Hợp tác xã bị thu hồi là đất của các hộ xã viên góp vào Hợp tác xã thì Hợp tác xã có trách nhiệm phân chia số tiền bồi thường về đất đã được nhận để trả cho các hộ xã viên theo quy định của Hợp tác xã.

17/ Cử tri tỉnh Đồng Tháp kiến nghị: “Đề nghị Chính phủ triển khai phân bổ vốn cho chương trình mục tiêu sớm hơn hiện nay để địa phương có thời gian thực hiện”.

Trả lời: (tại công văn số 3839/BTC-NSNN ngày 2/4/2008)

Theo Điều 45, Luật Ngân sách Nhà nước và Điều 40, Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước đã quy định:

- Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương năm sau trước ngày 15/11 năm trước. Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước ngày 20/11 năm trước.

- Trên cơ sở giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm sau trước ngày 10/12 năm trước.

Thực hiện Luật Ngân sách nhà nước, dự toán ngân sách nhà nước năm 2006, 2007 và 2008, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách hàng năm (trong đó có nhiệm vụ chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, một số chương trình mục tiêu, nhiệm vụ khác) cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đảm bảo đúng thời gian theo quy định. Cụ thể: ngày 09/11/2005 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1194/QĐ-TTg về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2006; ngày 14/11/2006 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1506/2006/QĐ-TTg về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2007; ngày 19/11/2007 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1569/QĐ-TTg về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2008.

Trên cơ sở dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định dự toán, phân bổ dự toán chi cấp tỉnh (trong đó có chi Chương trình quốc gia, chương trình mục tiêu, nhiệm vụ khác) đảm bảo đúng thời gian quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đối với tỉnh Đồng Tháp, dự toán Ngân sách năm 2006, 2007 và năm 2008, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chưa bảo đảm đúng thời gian quy định của Luật Ngân sách nhà nước (dự toán năm 2006 quyết định vào ngày 25/1/2006; dự toán năm 2007 quyết định vào ngày 18/12/2006 và dự toán năm 2008 quyết định vào ngày 13/12/2007).

Về đề nghị Chính phủ triển khai phân bổ sớm vốn Chương trình mục tiêu của cử tri tỉnh Đồng Tháp nêu trên, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ liên quan tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi cơ chế giao dự toán, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện các chương trình, dự án.

18/ Cử tri thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: “Đề nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ vốn cho thành phố Hồ Chí Minh đối với các dự án xây dựng đường sắt đô thị, các tuyến đường vành đai, trục hướng tâm và các trục chính đô thị; chỉ đạo các bộ, ngành sớm di dời hệ thống cảng biển ra khỏi khu vực trung tâm thành phố theo đúng lộ trình để giải quyết tình hình ùn tắc giao thông”.

Trả lời: (tại công văn số 3837/BTC-NSNN ngày 2/4/2008)

- Về chính sách hỗ trợ vốn cho thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện các dự án giao thông trọng điểm: Theo quy định của Luật NSNN thì đối với các đường giao thông do địa phương quản lý thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Vì vậy, trước mắt đề nghị thành phố cần chủ động cân đối vốn để triển khai thực hiện các dự án này. Đối với các dự án đường sắt đô thị, các tuyến giao thông trọng yếu (tuyến đường trên cao, đường cao tốc liên vùng, ...) của thành phố, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 278/TB/VPCP ngày 31/12/2007 và Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã có chỉ đạo tại Thông báo số 55/TB-VPCP ngày 05/3/2008 của Văn phòng Chính phủ theo đó UBND thành phố phối hợp với Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính, ... lập dự án, xác định cơ chế huy động nguồn vốn (trong đó bao gồm cả vận động nguồn vốn ODA) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Vì vậy, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện.

- Về chỉ đạo các Bộ, ngành sớm di dời hệ thống cảng biển ra khỏi khu vực trung tâm thành phố: Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến tại Văn bản số 4192/VPCP ngày 31/8/2007 của Văn phòng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai thực hiện di dời cảng biển ra khỏi trung tâm thành phố. Đồng thời, để giải quyết vướng mắc về nguồn vốn đối với các cảng biển phải di dời, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý áp dụng cơ chế toàn bộ giá trị đất chuyển đổi mục đích sử dụng được ưu tiên dành cho các cảng thuộc diện di dời để xây dựng cơ sở mới (Thông báo số 278/TB-VPCP ngày 31/12/2007 của Văn phòng Chính phủ). Vì vậy, đề nghị UBND thành phố phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

19/ Cử tri các tỉnh, thành phố Quảng Ngãi, Phú Thọ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Ninh Thuận, Long An, Hòa Bình kiến nghị: “Nhiều cử tri phản ánh, hiện nay người dân phải đóng góp nhiều loại quỹ, trong khi đời sống của người dân rất khó khăn. Đề nghị Chính phủ quy định thống nhất danh mục các quỹ và các khoản đóng góp khác chỉ trong phạm vi quy định tại Nghị định 177/1999/NĐ-CP ngày 22/12/1999 của Chính phủ và cấm các trường hợp lập quỹ hoặc đặt ra những khoản đóng góp khác ngoài danh mục đã quy định nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân. Đồng thời cũng quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng các loại quỹ nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch và hiệu quả”.

Trả lời: (tại công văn số 3838/BTC-NSNN ngày 2/4/2008)

Việc thực hiện chính sách huy động sức dân thông qua các khoản đóng góp tự nguyện dưới hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ, đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ yêu cầu phát triển của các địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại là trong khi thu nhập của người dân tăng chậm (nhất là vùng miền núi, khó khăn) việc định ra nhiều khoản thu sẽ ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; ở một số địa phương còn tình trạng ban hành chế độ thu hút không đúng thẩm quyền; một số khoản thu mang tính chất xã hội, từ thiện (như việc thành lập các Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện) nhưng triển khai, vận động đã thực hiện theo hình thức “bắt buộc”.

Để chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí cũng như chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg ngày 01/11/2007 về việc tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân, theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã quy định miễn một số khoản phí, lệ phí cho nhân dân, gồm: phí an ninh, trật tư; phí phòng chống thiên tai; lệ phí hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân và lệ phí địa chính. Đồng thời, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bãi bỏ các quy định thu không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền; đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện, không được áp dụng hình thức bắt buộc nhân dân đóng góp.

Như vậy, Chính phủ đã thực hiện miễn, giảm và chấn chỉnh công tác thu phí, lệ phí, các khoản đóng góp của nhân dân nhằm giảm bớt khó khăn cho nhân dân, nhất là đối với các hộ dân nghèo.

Thời gian tới Chính phủ sẽ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Pháp lệnh phí, lệ phí để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

20/ Cử tri thành phố Hà Nội, Hải Phòng kiến nghị: “Có ý kiến của cử tri cho rằng khi thu hồi đất của nông dân các nhà đầu tư chỉ đầu tư ngược lại cho người dân một tỷ lệ rất nhỏ, trong khi đó lại mang đến cho họ nhiều vấn đề cần phải giải quyết như ô nhiễm môi trường, đường xá chất lượng thấp, giáo dục quá tải... Đề nghị Chính phủ cần quy định tỷ lệ % thuế hàng năm của các khu công nghiệp để đầu tư cơ sở hạ tầng của người dân mất đất”.

Trả lời: (tại công văn số 3835/BTC-NSNN ngày 2/4/2008)

Theo quy định hiện hành thì thuế đối với khu công nghiệp (thuế thu từ các cơ sở sản xuất kinh doanh ở khu công nghiệp) được thực hiện thu theo quy định của các Luật thuế như: thuế TNDN, thuế GTGT, thuế môn bài, tiền thuê đất, ... Các khoản thuế này được nộp toàn bộ vào NSNN và thực hiện phân chia cho các cấp ngân sách theo quy định tại Điều 30 và Điều 32 – Luật NSNN để thực hiện các nhiệm vụ chi được phân cấp theo quy định tại Điều 31 và Điều 33 Luật NSNN. Trong đó, đối với nhiệm vụ chi đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được phân cấp như sau: ngân sách trung ương bố trí vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội do trung ương quản lý và ngân sách địa phương bố trí vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội do địa phương quản lý. Đối với ngân sách địa phương, việc phân bổ vốn đầu tư cho các công trình, dự án của địa phương do Hội đồng nhân dân địa phương quyết định phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Đề nghị UBND địa phương cần có kế hoạch lập các dự án đầu tư hạ tầng tại địa phương trong đó ưu tiên các nơi nhà nước thu hồi đất, ổn định đời sống dân cư để chủ động bố trí vốn đầu tư.

Vì vậy, đối với các địa phương có thu hồi đất của nông dân để thực hiện các khu công nghiệp, đề nghị Hội đồng nhân dân cần ưu tiên, bố trí ngân sách theo nguồn thu đã được phân cấp để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nơi người dân bị thu hồi đất theo phân cấp nhiệm vụ chi của Luật NSNN nhằm đảm bảo điều kiện đời sống và sinh hoạt của người dân.



21/ Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: “Cử tri thị xã Móng Cái đề nghị Chính phủ có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng riêng cho Móng Cái để thị xã sớm phát triển thành thành phố, tương xứng với sự phát triển đô thị của phía Trung Quốc”.

Trả lời: (tại công văn số 3836/BTC-NSNN ngày 2/4/2008)

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước thì vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của thị xã Móng Cái do ngân sách địa phương đảm bảo. Vì vậy, căn cứ nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của thị xã Móng Cái và khả năng cân đối của ngân sách địa phương hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định mức đầu tư cụ thể cho thị xã Móng Cái.

Ngoài ra, đối với khu kinh tế cửa khẩu, thực hiện Quyết định số 273/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu biên giới, căn cứ vào khả năng của ngân sách trung ương và nhu cầu đầu tư, khả năng của ngân sách tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2006 đến năm 2008, ngân sách trung ương đã bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh để đầu tư hạ tầng Khu kinh tế cửa khầu là 45.000 triệu đồng.

Đồng thời, quyết định số 273/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định Ủy ban nhân dân các tỉnh được sử dụng tiền sử dụng đất để xây dựng kết cấu hạ tầng và tạo nguồn vốn để giải phóng mặt bằng cho đầu tư phát triển tại địa pương, ưu tiên cho các Khu kinh tế cửa khẩu.

Đối với thị xã Móng Cái được nâng cấp là đô thị loại 3 theo Quyết định số 864/QĐ-BXD ngày 08/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Căn cứ Quyết định số 151/2006/QĐ-TTg ngày 29/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của ngân sách nhà nước năm 2007; Bộ Tài chính bổ sung có mục tiêu cho tỉnh từ năm 2007 đến 2010 mỗi năm 5.000 triệu đồng để hỗ trợ chi sự nghiệp kinh tế của thị xã Móng Cái theo quy định.

22/ Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: “Đề nghị Bộ Tài chính có quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng nguồn vốn do thu xổ số kiến thiết để lại cho địa phương”.

Trả lời: (tại công văn số 3817/BTC-NSNN ngày 2/4/2008)

Thực hiện Nghị quyết số 68/2006/QH ngày 31/10/2006 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2007 và Nghị quyết số 08/2007/QH12 ngày 12/11/2007 của Quốc hội về dự toán ngân sách ngân sách nhà nước năm 2008; Nghị quyết số 02/2008/NQ-CP ngày 09/1/2008 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; Bộ Tài chính có Thông tư số 107/2006/TT-BTC ngày 20/11/2006 hướng dẫn một số điểm về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2007 và Thông tư số 135/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 hướng dẫn một số điểm về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2008; đồng thời để triển khai thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2008 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có công văn số 82/BTC-NSNN ngày 03/1/2008 hướng dẫn về phân bổ và sử dụng nguồn thu xổ số kiến thiết; theo đó, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp giao dự toán thu xổ số kiến thiết phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương; đồng thời sử dụng số thu này để đầu tư các công trình thuộc lĩnh vực giáo dục- đào tạo và y tế, sau khi bố trí vốn đảm bảo hoàn thành cơ bản cho hai mục tiêu này mới đầu tư cho các công trình phúc lợi xã hội khác của địa phương (các công trình thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương). Đề nghị UBND tỉnh thực hiện việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết theo đúng quy định tại các văn bản nêu trên.



23/ Cử tri tỉnh Hà Giang kiến nghị: “Đề nghị hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Hà Giang trả nợ và tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng để giúp tỉnh Hà Giang phát triển”.

Trả lời: (tại công văn số 3814/BTC-NSNN ngày 2/4/2008)

Về xử lý nợ xây dựng cơ bản của tỉnh Hà Giang, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ cho tỉnh 165 tỷ đồng để thanh toán trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản (Văn bản số 1875/TTg-KTTH ngày 15/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 42/TB-VPCP ngày 14/3/2007 của Văn phòng Chính phủ). Ngoài ra, về xử lý nợ cho các công trình trên địa bàn các xã đã hoàn thành mục tiêu đầu tư của Chương trình 135 (giai đoạn I), Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ từ nguồn dự phòng của Chương trình 135 (giai đoạn II) cho tỉnh Hà Giang để thanh toán các công trình trên (văn bản số 1568/TTg-KTTH ngày 19/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ).

Đồng thời đối với tỉnh Hà Giang là tỉnh vùng cao, điều kiện kinh tế xã hội có nhiều khó khăn, vì vậy trọng dự toán ngân sách giao hàng năm Bộ Tài chính phối hợp các bộ liên quan trình Chính phủ trình Quốc hội bổ sung có mục kien kinh phí thực hiện một số chính sách ưu tiên cho các tỉnh miền núi vùng cao, trong đó có chính sách ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí đã hỗ trợ từ năm 2005 đến năm 2008 là 1.645 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, căn cứ khả năng nhà nước và các nguồn lực tài chính của nhà nước, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ liên quan báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tiếp tục ưu tiên các nguồn lực tài chính đầu tư cho các tỉnh nghèo, trong đó có Hà Giang.

Đề nghị tỉnh chủ động bố trí từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ để thanh toán trả nợ xây dựng cơ bản, không để phát sinh nợ mới và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương.

24/ Cử tri tỉnh Phú Thọ, Yên Bái kiến nghị: “Đề nghị Chính phủ bổ sung đầy đủ kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương hàng năm, bỏ cơ chế dành 50% tăng thu, 10% tiết kiệm, 35 – 40% nguồn thu để lại để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương nhằm giảm bớt áp lực cho ngân sách địa phương”.

Trả lời: (tại công văn số 3799, 3796/BTC-NSNN ngày 2/4/2008)

Trong bối cảnh lương của cán bộ, công chức, viên chức nhìn chung còn thấp và số lượng đối tượng hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước còn lớn, nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách trung ương thì sẽ không thể có đủ nguồn để cải thiện cơ bản tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức. Việc sử dụng đa dạng hóa các nguồn đảm bảo thực hiện chính sách cải cách tiền lương là cần thiết.

Thời gian qua, theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Tài chính..., việc sử dụng nguồn thu sự nghiệp và chi ngân sách vẫn còn lãng phí. Vì vậy, để quản lý chặt chẽ thu, chi và huy động một phần bổ sung thực hiện cải cách tiền lương, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có Nghị quyết: trong giai đoạn 2003 – 2007 thực hiện các giải pháp sử dụng 50% tăng thu NSĐP, 10 % tiết kiệm, 35 – 40 % nguồn thu để lại của các cơ quan, đơn vị để thực hiện cải cách tiền lương.

Kết quả thực hiện cho thấy, các nguồn này đã đóng một vai trò quan trọng để cùng với nguồn ngân sách trung ương điều chỉnh lương, góp phần cải thiện một cách đáng kể đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, tình trạng lãng phí trong sử dụng tiền của NSNN dần được khắc phục; ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, ý thức tiết kiệm trong việc sử dụng điện, điện thoại, nước, vật tư của nhà nước đã có những chuyển biến tích cực.

Trong giai đoạn tới, để từng bước điều chỉnh tiền lương của cán bộ, công chức đạt đến mức trung bình khá trong xã hội thì tiếp tục phải đa dạng hóa nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo hướng: tiếp tục sử dụng các giải pháp như giai đoạn 2003 – 2007 (50% tang thu NSĐP, 10% tiết kiệm, 35-40% nguồn thu để lại của các cơ quan, đơn vị) là cần thiết; đồng thời phải thực hiện đổi mới một cách căn bản cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với khu vực sự nghiệp công lập. Sau khi các Bộ, địa phương thực hiện các giải pháp trên mà còn thiếu nguồn để thực hiện cải cách tiền lương thì ngân sách trung ương sẽ bổ sung đảm bảo đủ nguồn để thực hiện.

25/ Cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị:

1. Đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung nguồn kinh phí hàng năm cho tỉnh để thanh toán các khoản nợ xây dựng cơ bản, nợ đọng ngân sách xã từ năm 2006 trở về trước của tỉnh Phú Thọ.



2. Đề nghị bỏ khoản thu hoa lợi từ công sản tại xã vì hiện nay quỹ đất để thu hầu như không có”.

Trả lời: (tại công văn số 3796/BTC-NSNN ngày 2/4/2008)

1. Về nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản, từ năm 2004 đến nay, hàng năm Quốc hội và Chính phủ đều có Nghị quyết chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động ưu tiên, bố trí dự toán ngân sách để thanh toán dứt điểm nợ xây dựng cơ bản, không để phát sinh nợ mới. Đối với nợ ngân sách xã, theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

2. Theo quy định của Luật NSNN, thu hoa lợi công sản tại xã là khoản thu NSNN và được phân cấp 100% cho ngân sách địa phương (đây là nguồn thu để ngân sách xã thực hiện các nhiệm vụ chi của xã theo phân cấp). Những năm vừa qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, vì vậy quỹ đất công ích tại xã ngày càng giảm nên số thu hoa lợi công sản tại xã phát sinh giảm dần (đối với Phú Thọ năm 2005 thực hiện là 14.280 triệu đồng; năm 2006 là 13.358 triệu đồng).

Xuất phát từ thực tế đó, trong dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2008 của tỉnh Phú Thọ, mức thu hoa lợi công sản tại xã được xác địn là 10.000 triệu đồng, thấp hơn những năm trước. Đề nghị tỉnh thực hiện nhiệm vụ thu hoa lợi công sản tại xã theo chế độ nhà nước quy định và thực tế phát sinh ở địa phương.



26/ Cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị: “Đề nghị Bộ không nên giao tiền sử dụng đất cho ngân sách địa phương thành chỉ tiêu pháp lệnh khi trình Quốc hội thông qua phân bổ dự toán ngân sách hàng năm”.

Каталог: content -> vankien -> Lists -> DanhSachVanKien -> Attachments
Attachments -> KỲ HỌp thứ TÁm quốc hội khoá XII (20/10/2010 26/11/2010)
Attachments -> Đa dạng sinh họC Ở việt nam
Attachments -> CHÍnh phủ Số: 62/bc-cp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc Hà Nội, ngày 5 tháng 5 năm 2008 BÁo cáO
Attachments -> BỘ giao thông vận tảI 1/ Cử tri tỉnh Đắk Lắc kiến nghị
Attachments -> QUỐc hội khóa XI uỷ ban về các vấn đề xã hội
Attachments -> QUỐc hội số: CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> 210/bc-btnmt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> KỲ HỌp thứ TÁm quốc hội khoá XII (20/10/2010 26/11/2010) TẬp hợP Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
Attachments -> Ủy ban thưỜng vụ quốc hội số: 365/bc-ubtvqh12
Attachments -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn số: 1588

tải về 3.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   48




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương