BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn số: 1588



tải về 386.01 Kb.
trang1/10
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích386.01 Kb.
#11659
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

BỘ NÔNG NGHIỆP

VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
_________

Số: 1588/BNN-VP

V/v trả lời chất vấn của ĐBQH Lê Dũng
Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang.


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________


Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 2010




Kính gửi:

- Đại biểu Quốc hội Lê Dũng;

- Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang;

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;

- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;

- Ban Công tác Đại biểu Qốc hội.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được Phiếu chất vấn số 11/CV-KH7, ngày 22/5/2010 của Văn phòng Quốc hội, xin được trả lời như sau:



Câu hỏi:

Nước ta hàng năm có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu nhưng cũng nhập khẩu lượng lớn hàng nông sản mà trong nước có thể sản xuất được như ngô, đậu, bông…Một trong các nguyên nhân phải nhập khẩu các mặt hàng này là giá cả của hàng sản xuất trong nước chưa cạnh tranh được với mặt hàng cùng loại trên thế giới.

Nhiều cử tri rất bức xúc với việc này. Bộ trưởng có giải pháp chiến lược gì có thể đẩy mạnh sản xuất các hàng nông sản này vừa đáp ứng được nhu cầu của nước ta, vừa có giá cả cạnh tranh để không phải nhập khẩu.

Trả lời:

Lý do chính để nước ta nhập khẩu số lượng lớn ngô, đỗ tương, bông…những sản phẩm mà nước ta có trồng là do sản xuất trong nước đã không theo kịp mức tăng nhu cầu làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu công nghiệp. Nguyên nhân chính để sản xuất tăng chậm là do nước ta có điều kiện thiên nhiên ít thuận lợi so với các nước sản xuất chính; nước ta chưa có giống đạt năng suất cao để nông dân có lợi hơn nhiều so với các loại cây có thể trồng trên cùng mảnh đất, trong khi khả năng mở rộng diện tích rất hạn chế.

Một số thông tin để so sánh như sau:

- Năng suất ngô bình quân thế giới đạt 5,2 tấn/ha; các nước có năng suất cao như Mỹ đạt 89 tạ/ha, Italy đạt 99 tạ/ha, Pháp đạt 87 tạ/ha... năng suất ngô bình quân nước ta chỉ đạt 40 tạ/ha;

- Đậu tương: năng suất bình quân thế giới đạt 23 tạ/ha, nhiều nước đạt năng suất rất cao: Georgia đạt 40 tạ/ha; Thổ Nhĩ Kỳ đạt 36,2 tạ/ha; Bhutan đạt 35,5 tạ/ha, Italy đạt 33,3 tạ/ha…Trong khi đó năng suất đậu tương của nước ta hiện mới đạt 14 tạ/ha;

- Bông năng suất bình quân thế giới đạt 22 tạ bông hạt/ha, Israel đạt năng suất cao nhất 450 tạ bông hạt/ha; Mỹ và Trung Quốc đạt khoảng 28 tạ bông hạt/ha... Trong khi bông của Việt Nam chỉ đạt bình quân 14 tạ/ha.

Hướng chính để khắc phục tình trạng này là đầu tư nghiên cứu chọn tạo, nhập nội các giống ngô, đậu tương, bông… phù hợp với điều kiện từng vùng và có năng suất cao hơn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hỗ trợ mạnh cho các Viện Khoa học đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và phổ biến các giống mới, kể cả dùng công nghệ sinh học. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, hỗ trợ nông dân phát triển công nghệ sau thu hoạch.

Xin cảm ơn Đại biểu đã quan tâm đến các vấn đề nông nghiệp và phát triển nông thôn và hỗ trợ cho Bộ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao./.




Nơi nhận:

- Như trên;

- Bộ trưởng;

- TT Diệp Kỉnh Tần;

- TT Bùi Bá Bổng;

- Cục TT, CBTMNLTS&NM;

- Lưu VT, TH.


BỘ TRƯỞNG

(đã ký)

Cao Đức Phát



BỘ NÔNG NGHIỆP

VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
_________

Số: 1595 /BNN-TCLN


V/v trả lời chất vấn của ĐBQH Lê Thành Tâm, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh.

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________


Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 2010




Kính gửi:

- Đại biểu Quốc hội Lê Thành Tâm;

- Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh;

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;

- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;

- Ban công tác Đại biểu Quốc hội.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được Giấy chất vấn số 26/CV-KH7, ngày 24 tháng 5 năm 2010 của Văn phòng Quốc hội, xin được trả lời như sau:



Câu hỏi:

Cử tri thắc mắc thời gian qua nhiều địa phương đã cho người nước ngoài thuê đất trồng rừng với diện tích rất lớn, thời gian 50 năm, ở đây phần nhiều người thuê nhận đất trồng rừng là nhà đầu tư Trung Quốc. Từ trước đến giờ ai cũng biết rừng ở đất nước chúng ta có vị trí đặc biệt không những về môi trường, kinh tế mà còn có ý nghĩa lớn trong bảo vệ tổ quốc, lịch sử để lại nhiều bài học mất cảnh giác dẫn đến mất nước.

Vậy Bộ có lường hết việc này chưa? Đề nghị giải thích cho cử tri được rõ. Đồng thời cũng cho biết thêm việc thực hiện 5 triệu ha rừng đến nay được bao nhiêu rồi?

Tr li:

1. Về diện tích rừng, đất rừng đã cho thuê và các vấn đề liên quan.

Theo báo cáo của các địa phương, đến tháng 12/2009, đã có 11 doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để khảo sát và đầu tư trồng rừng trên địa bàn của 10 tỉnh gồm: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Khánh Hoà và Bình Dương. Trong đó: có 8 doanh nghiệp đã được UBND các tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư, bao gồm: 1 doanh nghiệp của Nhật Bản; 2 doanh nghiệp của Hàn Quốc và 5 doanh nghiệp từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông.

Tổng diện tích đất lâm nghiệp của các dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn 10 tỉnh là 305.353,4 ha. Sau khi cấp phép đầu tư, UBND các tỉnh đã quyết định cho thuê, liên doanh liên kết là 33.824,45ha/305.353,4ha đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích đất cho thuê là 15.664,45 ha; diện tích liên doanh, liên kết với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước là 18.160 ha. Như vậy, đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp thuê rừng mà chỉ có doanh nghiệp thuê đất để trồng rừng.

Riêng 5 doanh nghiệp từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông: Diện tích đã được thuê là 5.664,45 ha/15.664,45 ha diện tích đã cho thuê. Diện tích đã trồng rừng là 3.006,1 ha.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra tình hình tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư và thuê đất trồng rừng tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra thực tế tại một số tỉnh. Sau khi tổng hợp tình hình từ các địa phương, Bộ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư và Uỷ ban kinh tế của Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 405/TTg-KTN ngày 9/03/2010 về việc kiểm tra việc thực hiện các dự án nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ ngành liên quan lập đoàn công tác tiến hành rà soát kiểm tra, đánh giá và báo cáo Thủ tướng về việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản; Thủ tướng cũng yêu cầu, trong thời gian thực hiện việc rà soát, kiểm tra, đánh giá, UBND các tỉnh không cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và không ký hợp đồng thuê đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong phạm vi lĩnh vực lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

2. Về kết quả thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, sau 12 năm thực hiện Dự án (1998-2009) kết quả đạt được như sau:

- Khoán bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ (bình quân): 2.598.210 ha/năm; trong đó từ 2006 – 2009 bình quân khoảng 2,5 triệu ha/năm so với Nghị quyết 73 của Quốc hội là 1,5 triệu ha/năm;

- Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh: 1.088.000 ha; riêng 4 năm 2006 – 2009 bình quân là 868.336 ha/năm so với NQ 73 của QH là 803.000 ha;

- Trồng mới: 2.176.318 ha (trong đó có 834.439 ha rừng phòng hộ, đặc dụng; 1.341.879 ha rừng sản xuất); riêng 4 năm 2006 – 2009 trồng mới 866.947 ha (trong đó rừng trồng phòng hộ, đặc dụng 189.625 ha, rừng trồng sản xuất 677.322 ha) so với chỉ tiêu trong NQ 73 của QH: trồng mới 1 triệu ha rừng, đạt 86,6%.

Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 73 của QH, đến nay hầu hết các chỉ tiêu chính đều đạt và vượt: Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh đã đạt 94%, trồng rừng đạt 86,6% (riêng trồng rừng phòng hộ, đặc dụng mới đạt 74%, trồng rừng sản xuất đã đạt 90,3%). Các chỉ tiêu còn lại Bộ Nông nghiệp và PTNT đang tiếp tục chỉ đạo các tỉnh phấn đấu hoàn thành trong kế hoạch năm 2010.

Xin cảm ơn Đại biểu đã quan tâm đến các vấn đề nông nghiệp và phát triển nông thôn và hỗ trợ cho Bộ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao./.





Nơi nhận:

- Như trên;

- Bộ trưởng;

- Thứ trưởng Hứa Đức Nhị (để b/c);

- Văn phòng Bộ (Phòng TH);

- Lưu VT, TCLN.


BỘ TRƯỞNG


(đã ký)

Cao Đức Phát




BỘ NÔNG NGHIỆP

VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
_________

Số: 1630/BNN-PC

V/v trả lời chất vấn của ĐBQH
Thanh Phong, Đoàn đại biểu
Quốc hội tỉnh Lâm Đồng


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________


Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 2010




Kính gửi:

- Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Phong;

- Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng;

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;

- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;

- Ban Công tác Đại biểu Quốc hội.


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được Phiếu chất vấn số 59/CV-KH7 ngày 27 tháng 5 năm 2010 của Văn phòng Quốc hội, xin được trả lời như sau:

Câu hỏi:

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định 380/QĐ-TTg, thu tiền của các doanh nghiệp hưởng lợi từ các nguồn nước để làm thủy điện, sử dụng nước đầu nguồn...... để chi trả cho các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng đầu nguồn. Mặc dù mới thực hiện thí điểm ở Lâm Đồng năm 2009 nhưng qua nắm được thì nguồn thu này rất khá. Kinh phí chi trả cho các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý bảo vệ rừng tăng hơn các năm trước tạo sự phấn khởi cho các tổ chức, cá nhân đặc biệt là đối với bà con là người dân tộc thiểu số, trách nhiệm tuần tra, bảo vệ rừng, ngăn chặn phá rừng những nơi này có hiệu quả rõ rệt.

Xin hỏi Bộ trưởng: đến khi nào thì chủ tương này được triển khai đại trà trên toàn quốc?

Bộ có ý định xây dựng Quyết định 380/QĐ-TTg sớm thành Nghị định của Chính phủ không?



Trả lời:

- Ngày 10 tháng 4 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng với thời gian thực hiện thí điểm 02 năm (05/2008-05/2010) và được áp dụng thí điểm trên địa bàn 02 tỉnh Lâm Đồng và Sơn La. Mục đích của chính sách này là huy động nguồn lực của xã hội, đặc biệt của các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trưòng rừng, tạo nguồn tài chính đảm bảo đầu tư ổn định, lâu dài trực tiếp vào việc bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện xã hội hoá nghề rừng.

- Tính đến tháng 03/2010, đã có 7/7 đối tượng là các cơ sở sản xuất thuỷ điện, sản xuất và cung cấp nước sạch đã cam kết thực hiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2009 với số tiền 234, 421 tỷ đồng. Tỉnh Lâm Đồng còn nhận được tiền chi trả từ một số đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn với số tiền cam kết chi trả 300 triệu đồng.

- Trên thực tế, tại các vùng thí điểm, tiền do bên sử dụng dịch vụ chi trả đã đến được với người dân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng. Mức chi trả cho 01 ha rừng đã tăng hơn so với các chương trình thực hiện trước đây, góp phần ổn định và cải thiện đời sống cho các chủ rừng, hộ nhận khoán rừng. Tỉnh Lâm Đồng, người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng tại lưu vực hồ thuỷ điện đã nhận được mức chi trả từ 270.000 đ- 290.000 đồng/ha/năm. Tỉnh Sơn La, chủ rừng đã nhận được mức chi trả từ 80.000đ-150.000đ/ha/năm tuỳ theo từng loại rừng.

- Trong vùng thực hiện thí điểm, ý thức của người dân về rừng ngày càng được nâng cao, thực hiện tuần tra, kiểm tra rừng thường xuyên hơn; có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị chủ rừng, hộ nhận khoán với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng, rừng được bảo vệ tốt hơn; do vậy, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép đã giảm đáng kể, nhiều hộ gia đình có nguyện vọng được giao hoặc nhận khoán thêm rừng hoặc đất lâm nghiệp.

Để chính sách này được triển khai đại trà trên toàn quốc, Thủ tưóng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cho đến nay, Dự thảo Nghị định đã được gửi lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành, các địa phương trong toàn quốc, đang được chỉnh sửa, hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào tháng 6/2010. Dự kiến tháng 7/2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Chính phủ xem xét, ký ban hành Nghị định này.

Xin cảm ơn Đại biểu đã quan tâm đến các vấn đề nông nghiệp và phát triển nông thôn và hỗ trợ cho Bộ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao./.


Nơi nhận:

- Như trên;

- Bộ trưởng;

- Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực (để b/c);

- Văn phòng Bộ (Phòng TH);

- Lưu VT, đơn vị soạn thảo.


BỘ TRƯỞNG


(đã ký)

Cao Đức Phát



BỘ NÔNG NGHIỆP

VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
_________

Số: 1648/BNN-VP

V/v trả lời chất vấn của ĐBQH Danh Út
Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang.


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________


Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2010




Kính gửi:

- Đại biểu Quốc hội Danh Út;

- Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang;

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;

- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;

- Ban Công tác Đại biểu Quốc hội.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được Phiếu chất vấn số 05/CV-KH7, ngày 20/5/2010 của Văn phòng Quốc hội, xin được trả lời như sau:



Câu hỏi:

Sản lượng nông sản, thuỷ sản nước ta có bước phát triển vượt bậc. Nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức, xuất khẩu ngày càng bị áp lực cạnh tranh. Xin chất vấn Bộ trưởng:

- Nhiều năm qua, có nhiều văn bản về xây dựng “thương hiệu” cho nông thuỷ sản Việt Nam nhưng đến nay thực hiện ra sao? Nếu chưa thực hiện được thì ách tắc ở đâu, do các tổ chức cơ quan nào.

- Với trách nhiệm là Bộ chủ quản, Bộ trưởng có giải pháp gì? Làm như thế nào để hàng hoá nông thuỷ sản xây dựng được thương hiệu, cụ thể trong năm 2010.



Trả lời:

Về xây dựng “thương hiệu”, Chính phủ đã giao cho Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) chủ trì "Chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia”. Bộ Công Thương" đang triển khai thực hiện và đã thành lập Hội đồng Thương hiệu quốc gia với sự tham gia của các Bộ ngành trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời cũng đã có các văn bản hướng dẫn doanh nghiệp về xây dựng thương hiệu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông lâm thuỷ sản Việt Nam. Cụ thể như sau:

- Tuyên truyền cho các doanh nghiệp thuộc ngành thấy rõ vai trò của xây dựng “thương hiệu”, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm phát triển bền vững;

- Tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn về xây dựng “thương hiệu” cho các doanh nghiệp, cán bộ quản lý ở địa phương (Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông quốc gia chịu trách nhiệm);

- Phối hợp xây dựng một số thương hiệu quốc gia cho Chè Việt, Bưởi Năm Roi…và nhiều thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý như Chè San Tuyết Mộc Châu, Thanh Long Bình Thuận, Nước mắm Phú Quốc, Gạo Tám xoan Hải hậu, Hồ Tiêu Chư-Sê…Năm 2010 Bộ đang tổ chức giới thiệu các sản phẩm nông, thủy sản Việt Nam có các thương hiệu uy tín tới các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng ở các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc. Thời gian tới sẽ tiếp tục được giới thiệu, quảng bá rộng rãi tới các nước Châu Âu: Ba Lan, Bỉ và Trung Đông (Ai cập và Ả rập).

Trên thực tế đã bắt đầu xuất hiện một số thương hiệu lớn: Vinafood; Vinacafe…làm nòng cốt nâng cao uy tín nông lâm thuỷ sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy vậy, số lượng thương hiệu có uy tín cao chưa nhiều.

Việc xây dựng thương hiệu là vấn đề phức tạp cần nỗ lực lớn lâu dài của doanh nghiệp và Nhà nước. Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tiếp tục hỗ trợ tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện chủ trương này.

Xin cảm ơn Đại biểu đã quan tâm đến các vấn đề nông nghiệp và phát triển nông thôn và hỗ trợ cho Bộ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao./.


Nơi nhận:

- Như trên;

- Bộ trưởng;

- TT Diệp Kỉnh Tần;

- TT Vũ Văn Tám;

- Tổng cục TS, CBTMNLTS&NM;

- Lưu VT, TH.

BỘ TRƯỞNG


(đã ký)

Cao Đức Phát




BỘ NÔNG NGHIỆP

VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
_________

Số: 1653/BNN-KL

V/v: Trả lời chất vấn của ĐBQH
Lê Bộ Lĩnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội
tỉnh An Giang.


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________


Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2010




Kính gửi:

- Đại biểu Quốc hội Lê Bộ Lĩnh;

- Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang;

- Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;

- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;

- Ban Công tác Đại biểu Quốc hội.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được câu hỏi chất vấn của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, xin được trả lời như sau:



Câu hỏi:

Gần đây báo chí và cử tri phản ánh việc Vườn Quốc gia Chư Mong Ray (Kon Tum) – nơi có đa dạng sinh thái lớn nhất Việt Nam bị xâm hại để khai thác Vonfram, đặc biệt là việc chuyển đổi 198ha rừng đặc dụng thành địa điểm thăm dò và sau này khai thác Vonfram, chuyển trên 1.600ha rừng đặc dụng vùng lõi Vườn quốc gia thành rừng sản xuất.

Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành trong quá trình xây dựng và thực thi dự án này, những biện pháp giải quyết các vấn đề về bảo vệ tài nguyên môi trường và đa dạng sinh học mà cử tri phản ánh.

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 28, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 về việc thi hành Luật bảo vệ và Phát triển rừng, việc chuyển mục đích sử dụng từ loại rừng này sang loại rừng khác phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Việc chuyển đổi rừng đặc dụng mà đại biểu Quốc hội nêu trên sang rừng sản xuất do Uỷ ban Nhân dân tỉnh Kon Tum thực hiện.

Năm 2007, trên cơ sở rà soát quy hoạch 3 loại rừng, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét chuyển tiểu khu 663, thuộc phân khu phục hồi sinh thái Vườn Quốc gia Chư Mom Ray sang rừng sản xuất. Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum chấp thuận tại văn bản số 50/TB-HĐND ngày 06/9/2007. Trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh tại văn bản số 1873/ UBND – NL ngày 10 tháng 9 năm 2007, ngày 15/10/2007 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 2833/BNN-LN về việc chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc tiểu khu 663 Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Ngày 01/11/2007 Uỷ ban Nhân dân tỉnh Kon Tum có văn bản số 2318/UBND-NL đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng thành rừng sản xuất. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1880/TTg-NN, ngày 03/12/2007 đồng ý chuyển 1.686 ha rừng đặc dụng thuộc tiểu khu 663 Vườn Quốc gia Chư Mom Ray sang loại rừng sản xuất.

Trên cơ sở đó Uỷ ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo, tổ chức lập dự án thăm dò khu vực mỏ với diện tích 198 ha thuộc tiểu khu 663.

Theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, ngày 08/02/2010 Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản số 315/GP-BTNMT cho phép Công ty Cổ phần khai khoáng sản Hoà Phát – SSG được phép tổ chức các hoạt động khoan thăm dò trên diện tích 198 ha thuộc tiểu khu 663.

Theo báo cáo của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, đến thời điểm này Công ty Cổ phần khai khoáng sản Hoà Phát – SSG đang lập dự án thăm dò khoáng sản, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa tổ chức hoạt động thăm dò trên thực địa.

Về các biện pháp giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học: theo quy định tại Nghị định số 80/2006/NĐ – CP ngày 9 tháng 8 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 80/2006/NĐ – CP ngày 9 tháng 8 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, trước khi triển khai dự án phải xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong đó quy định và biện pháp cụ thể về giảm thiểu và ứng phó sự cố môi trường.

Xin cảm ơn Đại biểu đã quan tâm đến các vấn đề về nông nghiệp và phát triển nông thôn và hỗ trợ cho Bộ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao./.





Nơi nhận:

- Như trên;

- Thứ trưởng Hứa Đức Nhị (để b/c);

- Phòng TH Văn phòng Bộ;

- Lưu VT, KL.


BỘ TRƯỞNG

(đã ký)

Cao Đức Phát




BỘ NÔNG NGHIỆP

VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
_________

Số: 1674/BNN-BVTV

V/v trả lời chất vấn của ĐBQH
Nguyễn Lân Dũng, Đoàn đại biểu
Quốc hội tỉnh Đăk Lăk


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________


Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2010




Kính gửi:

- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng;

- Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Lăk;

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;

- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;

- Ban công tác Đại biểu Quốc hội.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận được Phiếu chất vấn số 57/CV-KH7, ngày 27 tháng 05 năm 2010 của Văn phòng Quốc hội:



Câu hỏi: Bọ rầy đang gây tác hại lớn trong việc truyền virut gây bệnh nghiêm trọng cho lúa. Tại Trung Quốc người ta đã xử lý thành công việc sử dụng nấm Metazhizium anisopliaeBeauveria bassiana để diệt bọ rầy. Ở nước ta nhiều nơi cũng đã xây dựng thành công quy trình thủ công (rất nhỏ bé) để sản xuất chế phẩm bào tử các nấm này. Kinh phí của chương trình công nghệ sinh học do Bộ quản lý là rất lớn. Đề nghị Bộ trưởng xem xét cho sản xuất công nghiệp chế phẩm này. Hiện nay Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, Đại học Quốc Gia Hà Nội đã có nồi men 1001. Xin kính mời Bộ trưởng tham quan và trao nhiệm vụ này để sản xuất.

Trả lời:

Về vấn đề Đại biểu đề cập, Bộ Nông nghiệp và PTNT xin trả lời như sau: Các loài ký sinh thiên địch có vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế số lượng quần thể các loại rầy trên ruộng lúa. Có rất nhiều loại thiên địch trên ruộng lúa, như: nhện, bọ xít mù xanh, bọ rùa, bọ cánh cứng, ong ký sinh trứng, nấm ký sinh, trong đó có thành phần nấm nấm xanh (Metarhizium anisopliae), nấm trắng (Beauveria bassiana), nấm tua (Hirsutella citriformis), v.v.

Để tăng cường ứng dụng các tác nhân sinh học phòng trừ sâu hại cây trồng, ngày 19 tháng 6 năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc Hội thảo về “Định hướng phát triển ứng dụng biện pháp sinh học trong phòng chống dịch hại cây trồng” nhằm đánh giá các nghiên cứu, ứng dụng các tác nhân sinh học đã và đang được triển khai tại Việt Nam; đồng thời, định hướng nghiên cứu, phát triển trong thời gian tới cho phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của việc ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đối với chế phẩm sinh học Metarhizium anisopliae, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ủy quyền cho Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT) có Quyết định số 2006/QĐ-BVTV ngày 30 tháng 12 năm 2009 công nhận “Ứng dụng quy trình sản xuất nấm xanh tại nông hộ để phòng trừ rầy nâu hại lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là tiến bộ kỹ thuật mới”. Quy trình sản suất nấm nêu trên đã được chuyển giao rất có hiệu quả đến hộ nông dân để phòng trừ rầy ở các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ và một số tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, tại tỉnh Sóc Trăng từ vụ Đông Xuân 2008 – 2009, đã chuyển giao thành công đến 221 hộ nông dân ứng dụng trên tổng diện tích 278,8 ha lúa, đạt kết quả tốt, tiết kiệm chi phí phun thuốc trừ sâu hóa học từ 100.000 – 900.000 đồng/ha, năng suất lúa được đảm bảo (báo cáo của Sở NN PTNT Sóc Trăng, 2009). Thực hiện sử chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ vụ lúa Hè Thu, Mùa năm 2010, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục hỗ trợ mở rộng mô hình ứng dụng sản suất Metarhizium anisopliae Beauveria bassiana tại nông hộ ra các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh phía Bắc.

Về việc Đại biểu đề nghị cho sản xuất công nghiệp chế phẩm nấm Metazhizium anisopliaeBeauveria bassiana nêu trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT rất hoan nghênh. Tuy nhiên, việc sản xuất chế phẩm sinh học theo quy trình công nghiệp đòi hỏi phải được nghiên cứu sâu hơn nữa, để đảm bảo chất lượng đồng đều ở các mẻ sản suất cho việc sử dụng trong thực tế sản suất vụ Đông xuân ở các tỉnh phía Bắc trong điều kiện thời tiết lạnh. Mặt khác, việc sử dụng chế phẩm sinh học có những hạn chế nhất định như: Hiệu quả sử dụng chế phẩm phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện ngoại cảnh (nhiệt độ, ẩm độ), hiệu lực diệt rầy biểu hiện chậm hơn so với thuốc trừ rầy hóa chất… Vì vậy, cần phải xây dựng quy trình sử dụng cho phù hợp, tăng cường tập huấn cho người nông dân hiểu biết về tính năng, tác dụng, kỹ thuật sử.dụng.

Xin cảm ơn Đại biểu đã quan tâm đến các vấn đề nông nghiệp và phát triển nông thôn và hỗ trợ cho Bộ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao./.





Nơi nhận:

- Như trên;

- Lãnh đạo Bộ;

- Văn phòng Bộ (Phòng TH);

- Lưu VT, BVTV.


BỘ TRƯỞNG

(đã ký)

Cao Đức Phát



BỘ NÔNG NGHIỆP

VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
_________

Số: 1686/BNN-TCTL

V/v: Trả lời chất vấn của đại biểu
Quốc hội Bùi Quang Bền,
Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang.


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________


Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2010




Kính gửi:

- Đại biểu Quốc hội Bùi Quang Bền;

- Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang;

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;

- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;

- Ban công tác đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được Phiếu chất vấn số 19/CV-KH7 ngày 24/05/2010 của Văn phòng Quốc hội, xin được trả lời như sau:



Câu hỏi:

Tỉnh Kiên Giang cũng như các tỉnh ven đồng bằng sông Cửu Long, khi đến mùa khô thì bị nước mặn xâm nhập sâu, có nơi không kiểm soát được, đã gây thiệt hại nặng nề về sản xuất và đời sống cho bà con nông dân ven biển, gần ven biển. Nguyện vọng và kiến nghị của cử tri là làm sao ổn định nước ngọt và kiểm soát nước mặn một cách vững chắc ở vùng ven biển.

Xin đồng chí Bộ trưởng cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chủ trương, giải pháp gì để giải quyết kiến nghị của cử tri nêu trên ?.

Trả lời:

Kiên Giang là tỉnh thuộc vùng Bán đảo Cà Mau, để tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương “ngọt hoá bán đảo Cà Mau” nhằm kiểm soát mặn, tăng cường nguồn nước ngọt (nhất là vào mùa khô) phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân. Từ chủ trương này, nhiều công trình thuỷ lợi được xây dựng trên địa bàn tỉnh, đáng kể là hệ thống đê, các cống dưới đê biển Tây làm nhiệm vụ giữ ngọt và điều tiết mặn...

Tuy nhiên, một số hệ thống công trình hiện còn dở dang, chưa khép kín nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc ngăn mặn, giữ nguồn nước ngọt trên địa bàn tỉnh, hiện tại cùng với việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành của cống Biện Nhị, cần sớm đầu tư xây dựng cống, âu Xẻo Rô để khép kín hệ thống.

Hiện nay, cùng với việc tổ chức xây dựng các công trình phục vụ ngọt hoá bán đảo Cà Mau theo Quyết định 84/2006/QĐ-TTg ngày 19/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Quy hoạch thuỷ lợi bán đảo Cà Mau và có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất danh mục các công trình ưu tiên đến năm 2015 để đầu tư, xây dựng, trong đó có tính đến yêu cầu đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Một số công trình thuỷ lợi quy mô vừa và lớn được ưu tiên đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang gồm: cống, âu Xẻo Rô, cống Cái Lớn, cống Cái Bé, hệ thống kênh KH (KH1, KH3, KH5, KH6, KH7..).

Xin cảm ơn Đại biểu đã quan tâm đến các vấn đề nông nghiệp và phát triển nông thôn và hỗ trợ cho Bộ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao./.



Nơi nhận:

- Như trên;

- Bộ trưởng;

- TT. Đào Xuân Học;

- Văn phòng Bộ (Phòng TH);

- Lưu VT, TCTL.



BỘ TRƯỞNG

(đã ký)

Cao Đức Phát




BỘ NÔNG NGHIỆP

VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
_________

Số: 1687/BNN-VP

V/v trả lời chất vấn của ĐBQH
Bùi Thị Hoà, Đoàn ĐBQH tỉnh Đăk Nông.


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________


Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2010




Kính gửi:

- Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Hoà;

- Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Nông;

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;

- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;

- Ban công tác đại biểu Quốc hội.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được Phiếu chất vấn số 49/CV-KH7, ngày 26/5/2010 của Văn phòng Quốc hội, xin được trả lời như sau:



Câu hỏi:

1. Xin Bộ trưởng cho biết quyết định tạm trữ 200.000 tấn cà phê niên vụ 2009-2010 người dân trồng cà phê được hưởng lợi gì?

Bộ trưởng có giải pháp gì giúp cho người sản xuất cà phê ở Tây Nguyên yên tâm, gắn bó và làm giàu từ sản xuất, kinh doanh cà phê?

2. Chủ trương của Chính phủ đảm bảo cho người sản xuất lúa có lãi bình quân hàng năm tối thiểu 30% so với giá thành sản xuất nhưng với giá 4000 đ/kg lúa trong khi chi phí sản xuất đều tăng thì khó có thể đảm bảo để người nông dân trồng lúa có lãi? Bộ trưởng có suy nghĩ vấn đề này như thế nào? làm sao để chủ trương của Chính phủ trở thành hiện thực. Đối với nông dân trồng cà phê, diêm dân…cũng rất cần một chủ trương hỗ trợ của Chính phủ, Bộ có đề xuất gì với Chính phủ?



Trả lời:

1. Niên vụ 2009/2010, tình hình thị trường cà phê thế giới có diễn biến xấu, giá cà phê liên tục giảm, các doanh nghiệp đối diện với nhiều rủi ro thua lỗ trong xuất khẩu cà phê, dẫn đến việc tiêu thụ cà phê cho nông dân cũng khó khăn. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 481/QĐ-TTg ngày 13/4/2010 về hỗ trợ thu mua tạm trữ cà phê niên vụ 2009-2010.

Tuy đối tượng hỗ trợ trực tiếp của Quyết định là các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, nhưng đối tượng hưởng lợi chính vẫn hướng đến người dân trồng cà phê. Khi doanh nghiệp mua vào sẽ làm giảm áp lực cung, tạo điều kiện nâng giá mua cà phê cho nông dân.

Sau hơn một tháng triển khai thực hiện, tuy các doanh nghiệp có khó khăn về vốn, mua chưa nhiều (khoảng 15.000 tấn) nhưng chủ trương này đã có tác động duy trì và nâng đỡ giá trên thị trường, giá mua hiện khoảng 24.000 đồng/kg, đảm bảo cho người dân có lãi. Mức chênh lệch giá cà phê Việt Nam (giá FOB) so với giá cà phê thế giới giảm từ hơn 120 USD/tấn xuống còn 50-60 USD/tấn.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của chính sách này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, đó là xây dựng Cơ chế, chính sách nhằm tăng nhằm tăng khả năng dự trữ cà phê khi giá thế giới xuống thấp; kiểm soát giá xuất khẩu cà phê; kiểm soát, ngăn ngừa hiện tượng ép giá thu mua; hỗ trợ trực tiếp cho người trồng cà phê khi có rủi ro về thị trường, giá cả; trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2010.

Đồng thời Bộ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu và chuyển giao các giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất cà phê:

- Năm 2009-2010 Bộ đã tiến hành rà soát quy hoạch phát triển cà phê trong đó có rà soát phân loại diện tích cà phê ghép cải tạo, trồng tái canh, diện tích cà phê vối ở những địa bàn ít thích hợp, không có tưới, năng suất thấp; nhằm ổn định diện tích cà phê cả nước khoảng 500 nghìn ha, theo Quyết định số 150/2005/QĐ-TTg ngày 20 /6/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tăng cường công tác quản lý kỹ thuật sản xuất, chất lượng sản phẩm thông qua triển khai áp dụng tiêu chuẩn chất lượng TCVN4193:2005 và QCVN 01:07 - Cơ sở chế biến cà phê - Điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời Bộ tiếp tục soạn thảo ban hành Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho cà phê VietGAP; khuyến khích và hỗ trợ mở rộng nhanh diện tích sản xuất cà phê có chứng chỉ và truy nguyên nguồn gốc theo bộ nguyên tắc 4C, Utz (năm 2009 gần 200 nghìn tấn cà phê nhân đã được chứng nhận chất lượng).

- Chỉ đạo chuyển đổi giống mới và thâm canh: củng cố các cơ sở nhân giống cây cà phê, kịp thời phục vụ ghép cải tạo, trồng tái canh, qua việc triển khai Dự án phát triển giống cà phê tại Viện Khoa học KTNLN Tây Nguyên. Tiếp tục đào tạo hướng dẫn người sản xuất thâm canh, thu hái cà phê theo đúng quy trình thông qua chương trình khuyến nông.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chất lượng vật tư, ngăn chặn các đối tượng kinh doanh vật tư kém chất lượng, hàng giả gây thiệt hại cho người sản xuất.

- Chỉ đạo Tổng Công ty Cà phê Việt Nam phối hợp Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, UBND các tỉnh trồng cà phê đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.



2. Theo Bộ Tài chính, cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì chỉ đạo xác định giá thành lúa hàng vụ: giá thành lúa vụ Đông xuân 2009-2010 các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long trung bình giao động từ 2.600-3.000 đ/kg. Như vậy với giá lúa trên thị trường hiện nay khoảng 4.000 đ/kg thì mức lãi của nông dân đã gần với mức 30% giá thành. Tuy nhiên, hiện nay lúa Hè Thu đang vào vụ thu hoạch rộ, nông dân rất cần bán được lúa ngay. Bộ Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các Bộ liên quan theo dõi sát sao diễn biến của thị trường để có biện pháp chỉ đạo phù hợp thực hiện chủ trương trên.

Nói chung, lợi ích của nông dân là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Các chính sách nêu trên là những việc làm cụ thể để thực hiện chủ trương này. Về lâu dài, biện pháp chính để đảm bảo lợi ích của nông dân là tiếp tục thực hiện các chính sách đồng bộ hỗ trợ nông dân sản xuất theo nhu cầu của sản xuất cũng như thị trường với năng suất cao, giá thành hạ, việc tiêu thụ nông sản phải tuân thủ theo các quy luật của thị trường. Nhà nước chủ yếu can thiệp vào thời điểm thu hoạch chính vụ hoặc khi có biến động của thị trường, tiêu thụ không kịp, giá xuống thấp quá mức bất lợi cho nông dân.

Xin cảm ơn Đại biểu đã quan tâm đến các vấn đề nông nghiệp và phát triển nông thôn và hỗ trợ cho Bộ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao./.



Nơi nhận:

- Như trên;

- Bộ trưởng;

- TT Diệp Kỉnh Tần;

- TT Bùi Bá Bổng;

- Cục TT, CBTMNLTS&NM;

- Lưu VT, TH.


BỘ TRƯỞNG

(đã ký)

Cao Đức Phát


Каталог: content -> vankien -> Lists -> DanhSachVanKien -> Attachments
Attachments -> KỲ HỌp thứ TÁm quốc hội khoá XII (20/10/2010 26/11/2010)
Attachments -> Đa dạng sinh họC Ở việt nam
Attachments -> PHẦn I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
Attachments -> CHÍnh phủ Số: 62/bc-cp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc Hà Nội, ngày 5 tháng 5 năm 2008 BÁo cáO
Attachments -> BỘ giao thông vận tảI 1/ Cử tri tỉnh Đắk Lắc kiến nghị
Attachments -> QUỐc hội khóa XI uỷ ban về các vấn đề xã hội
Attachments -> QUỐc hội số: CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> 210/bc-btnmt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> KỲ HỌp thứ TÁm quốc hội khoá XII (20/10/2010 26/11/2010) TẬp hợP Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
Attachments -> Ủy ban thưỜng vụ quốc hội số: 365/bc-ubtvqh12

tải về 386.01 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương