Phụ lục số I nội dung đề án đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của Tokyo mou vào năm 2014


Công tác thực hiện PSC tại Nhật Bản



tải về 0.93 Mb.
trang8/9
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích0.93 Mb.
#14076
1   2   3   4   5   6   7   8   9

5. Công tác thực hiện PSC tại Nhật Bản


Công tác PSC của Nhật do Tổng cục Biển - Bộ đất đai, Giao thông vận tải và du lịch thực hiện. Hiện nay, Nhật có khoảng 140 Sỹ quan An ninh cảng biển đóng tại 44 cơ sở trên cả nước, trong đó Phòng hàng hải có 10 cơ sở, các chi nhánh về giao thông có 23 cơ sở và Tổng cục giao thông trung tâm có 11 cơ sở, trải dài trên 11 khu vực cảng biển của Nhật Bản bao gồm: Hokkaido, Tohoku, Kantou, Okinawa, Hokurikusinetsu, Koube, Chubu, Chugoku, Kinki, Kyusyu, Shikoku.

Công tác PSC của Nhật được thực hiện từ đầu những năm 1980s, thời gian đầu, công tác kiểm tra tàu chỉ áp dụng đối với tàu treo cờ Nhật Bản, hoạt động trong vùng nước cảng biển. Thời gian này, mỗi năm có khoảng 650 PSC hoạt động. Tuy nhiên, một số tai nạn lớn và những thảm hoạ môi trường đã bắt đầu xuất hiện trong khu vực vùng nước cảng biển của Nhật Bản. Do đó, năm 1997, cơ quan phụ trách về công tác PSC đã được thành lập.

Sau khi cơ quan phụ trách được thành lập, số lượng PSCO tăng lên hàng năm và hiện nay Nhật Bản có 134 Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển. Yêu cầu đối với những sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển của Nhật cũng như hoạt động PSC của Nhật tuân thủ chính xác những hướng dẫn, yêu cầu của Tokyo MOU đã được nêu chi tiết trong Sổ tay hướng dẫn thực hiện công tác kiểm tra nhà nước cảng biển.

6. Công tác thực hiện PSC tại Philippines.


Đặc điểm chung của công tác này tại một số nước Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Indonesia đó là hoạt động PSC được thực hiện bởi lực lượng phòng vệ bờ biển.

Đối với lực lượng phòng vệ bờ biển Philippines, công tác kiểm tra nhà nước cảng biển đã được luật hoá, thể hiện trong Biên bản ghi nhớ số 01-00 - Port State Control. Biên bản này đã nêu rất rõ ràng về cơ quan chịu trách nhiệm chính, tránh hoạt động chồng lấn, lực lượng thực hiện, những yêu cầu đối với lực lượng thực hiện công tác PSC cũng như mô tả chi tiết những yêu cầu công việc cần thực hiện bởi PSCO. Biên bản này cũng đưa ra quy trình chi tiết để thực hiện công tác kiểm tra tàu.

Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển của Philippines tốt nghiệp từ trường Phòng vệ bờ biển, sau đó lên tàu của lực lượng Phòng vệ bờ biển để thực hành và nhận được các khoá đào tạo để tiến hành kiểm tra tàu theo cách thức vừa học vừa làm. Do đó, khi bắt đầu nhận nhiệm vụ, các PSCO của Philippine đều có trình độ máy trưởng, kỹ sư trưởng hoặc tương đương.

V. CÁC GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Nâng cao chất lượng kỹ thuật đóng mới, sửa chữa tàu biển

1.1. Đánh giá năng lực cơ sở sản xuất (Nhà máy đóng tàu) góp phần làm nâng cao chất lượng kỹ thuật đóng mới, sửa chữa tàu biển

Công tác đánh giá năng lực các nhà máy đóng tàu căn cứ theo yêu cầu Qui phạm QVCN 21:2010/BGTVT, thông tư số 32/2011/TT-BGTVT ngày 19 tháng 04 năm 2011 của Bộ giao thông vận tải, và công văn số 728/ĐKVN của Cục đăng kiểm Việt nam ngày 25 tháng 05 năm 2011 về việc đánh giá chứng nhận công nhận năng lực trạm thử, phòng thí nghiệm và cơ sở chế tạo liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tàu biển. Cục đăng kiểm Việt nam đã và đang thực hiện công tác này và hiện đã đánh giá công nhận được khoảng 30 đơn vị , tuy nhiên số lượng các nhà máy, cơ sở không đạt yêu cầu, không được công nhận vẫn còn nhiều, mặc dù vậy công tác này cũng giúp cho các xưởng và nhà máy từng bước trang bị thêm thiết bị, đào tạo nhân lực.. để năng cao năng lực hiện có so với trước đây.

Công tác kiểm tra vật liệu, máy móc, trang thiết bị lắp đặt trên tàu cũng được cải thiện đáng kể, đã bước đầu kiểm tra chứng nhận tại nguồn sản phẩm, kiểm tra, chứng nhận vật liệu đóng tàu được sản xuất trong nước như các loại thép tấm, thép hình, que hàn.., uỷ quyền cho đăng kiểm nước ngoài kiểm tra , chứng nhận các thiết bị quan trọng trong đóng mới tàu tại nước ngoài như các hệ thống máy tàu, hệ trục chân vịt, thiết bị nâng..v.v, đồng thời ngăn chặn việc lắp thiết bị đã qua sử dụng lên các tàu đóng mới. Công tác này đã và mang lại chất lượng tốt hơn của các tàu biển đóng mới.

Duy trì công tác thanh tra, tổng kiểm tra tàu biển chạy tuyến Quốc tế sau đóng mới, trong năm 2009 nhóm thanh tra hỗn hợp đã thực hiện hơn 40 lượt thanh tra tàu sau đóng mới, vẫn còn nhiều các khiểm khuyết được phát hiện sau thanh tra, đã kiên quyết chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị, đăng kiểm viên phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong giám sát kỹ thuật tàu đóng mới.



1.2. Nâng cao chất lượng công tác giám sát kỹ thuật tàu biển

VR đã thực hiện các biện pháp mạnh và cương quyết để nâng cao chất lượng công tác giám sát kỹ thuật tàu biển ở tất cả các khâu: thẩm định thiết kế, chứng nhận vật liệu và thiết bị đóng tàu, kiểm tra tàu trong đóng mới và khai thác, đánh giá và chứng nhận hệ thống quản lý an toàn và an ninh; tăng cường vai trò kiểm tra, kiểm soát và trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị và các phòng tham mưu với từng công việc cụ thể.



1.3. Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp đóng tàu

Cục Đăng kiểm Việt Nam thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo cho cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, nhân viên nghiệp vụ... của các đơn vị thiết kế, nhà máy đóng tàu, cơ sở sản xuất công nghiệp phụ trợ, đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật hàng hải,... về công nghệ đóng tàu; việc triển khai áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quốc gia, quốc tế về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển.

Trong năm 2012, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tổ chức các nhóm chuyên gia làm việc trực tiếp với 12 cơ sở đóng tàu có quy mô vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ việc nâng cao năng lực đóng tàu, tập trung vào các nội dung: tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng và áp dụng quy trình đóng tàu, cải tiến công tác kiểm soát chất lượng trong quá trình đóng tàu, áp dụng các quy định và tiêu chuẩn đóng tàu của quốc gia và quốc tế. Hoạt động này của Cục Đăng kiểm Việt Nam góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao năng lực đóng tàu của các cơ sở đóng tàu còn hạn chế.

1.4. Công tác phát triển nguồn nhân lực

Thực hiện Thông tư số 65/2011/TT-BGTVT ngày 27 tháng 12 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng kiểm viên tàu biển, trong Quý I năm 2012, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tập trung rà soát, đánh giá lại năng lực của toàn bộ đội ngũ đăng kiểm viên tàu biển; lập và thực hiện kế hoạch đào tạo bổ sung để có thể tổ chức sát hạch, chuyển đổi các đăng kiểm viên này theo đúng tiêu chuẩn nêu trong Thông tư. Toàn bộ công việc này sẽ được hoàn thành trong Quý IV năm 2012, để đảm bảo Cục Đăng kiểm Việt Nam có đủ các đăng kiểm viên tàu biển với trình độ phù hợp theo các quy định mới nhất của IMO.



1.5. Tổ chức hội nghị khách hàng, đăng kiểm viên

Cục Đăng kiểm Việt Nam thường xuyên tổ chức hội nghị khách hàng, hội nghị đăng kiểm viên qua đó trao đổi nghiệp vụ; thông báo, giải thích, hướng dẫn kịp thời các quy định mới trong tương lai gần phải thực hiện; góp phần làm nâng cao chất lượng kỹ thuật đóng mới, sửa chữa tàu biển.

Ngày 30 tháng 03 năm 2012, tại Hà Nội, VR đã phối hợp với Tổ chức Đăng kiểm Hàn Quốc (KR) tổ chức hội thảo kỹ thuật tàu biển nhằm cập nhật và hướng dẫn áp dụng các quy định mới nhất của quốc gia và quốc tế về an toàn hàng hải, điều kiện lao động hàng hải và bảo vệ môi trường biển cho các đơn vị thiết kế tàu, nhà máy đóng tàu, công ty vận tải biển và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

1.6. Hướng dẫn áp dụng các quy định mới

Cục Đăng kiểm Việt Nam luôn đưa ra hướng dẫn áp dụng các quy định mới của Quy chuẩn, Công ước kịp thời thông qua các thông báo kỹ thuật nhằm đảm bảo quá trình đóng mới, sửa chữa tàu biển Việt Nam luôn phù hợp với các điều khoản liên quan.

Trong năm 2012, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ban hành 32 thông báo kỹ thuật tàu biển để cập nhật các quy định mới về an toàn tàu biển của quốc gia, khu vực và quốc tế, gửi cho các tổ chức, cá nhân liên quan và đưa lên website.

Các quy định của IMO được thông qua tại khóa họp Đại hội đồng lần thứ 27 (tháng 11 năm 2011) và khóa họp thứ 63 của Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) (tháng 03 năm 2012) liên quan đến an toàn, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường biển đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam thông báo và hướng dẫn áp dụng chi tiết cho các bên liên quan.

VR đẩy mạnh việc nghiên cứu, dự thảo quy định, biên soạn hướng dẫn, quy trình và biểu mẫu để chuẩn bị cho việc triển khai áp dụng các quy định mới liên quan đến an toàn tàu biển, bảo vệ môi trường biển và điều kiện lao động hàng hải, bao gồm: tiêu chuẩn đào tạo, huấn luyện và chứng nhận sỹ quan an ninh tàu; quản lý và xử lý nước dằn tàu; kiểm soát khí gây hiệu ứng nhà kính; tiêu chuẩn thiết bị hạ và thu hồi xuồng cứu sinh trang bị cho tàu biển; tiêu chuẩn đóng tàu dựa trên mục tiêu; tiêu chuẩn về điều kiện sống và làm việc của thuyền viên trên tàu.

1.7. Công tác xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn tàu biển

Năm 2012, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng lại toàn bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang bị an toàn tàu biển, trình Bộ Khoa học - Công nghệ thẩm định, chuẩn bị để Bộ Giao thông vận tải ký ban hành. Đồng thời, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã hoàn thành dự thảo lần I Sửa đổi, bổ sung đối với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép (QCVN 21: 2010/BGTVT), chuẩn bị trình Bộ Giao thông vận tải xem xét phê duyệt.

Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nêu trên đã cập nhật đầy đủ các quy định mới của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) liên quan đến an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và điều kiện sống, làm việc của thuyền viên trên tàu biển, phù hợp với điều kiện thực tế của công nghiệp đóng tàu và vận tải biển Việt Nam.

1.8. Một số đề xuất

Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra sản phẩm công nghiệp, đây là một trong những khâu then chốt để nâng cao chất lượng tàu đóng mới.

Đẩy mạnh công tác đánh giá năng lực Nhà máy, cơ sở đóng tàu để nâng cao chất lượng đóng mới và sửa chữa phương tiện.
2. Nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm tàu biển

Chất lượng của tàu biển được hiểu là mức độ đáp ứng của tàu biển đối với các quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, an toàn , bảo vệ môi trường (của quốc gia và quốc tế) và các yêu cầu hoặc mong đợi khác của người sử dụng (chủ tàu) như hiệu quả kinh tế trong khai thác, sự tiện lợi, tiên nghi v.v…Trong đó, việc thỏa mãn các yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, an toàn , bảo vệ môi trường là quan trọng nhất và phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng giám sát của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thiết kế, chế tạo đóng mới, vận hành khai thác, được gọi chung là công tác đăng kiểm tàu biển.

Để triển khai Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) với chức năng được Bộ Giao thông vận tải giao là quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm tàu biển, đang đóng vai trò là người "gác cửa" về mặt kỹ thuật để ngăn chặn các tàu biển không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn, an ninh và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đưa vào hoạt động; đồng thời là người bạn, là đối tác thân thiết của các nhà máy chế tạo và chủ phương tiện, góp phần vào việc duy trì trạng thái kỹ thuật, tăng cường khả năng hoạt động an toàn, an ninh, bảo vệ môi trường của các phương tiện, bảo đảm an toàn sinh mạng, hàng hoá, tài sản và giữ gìn môi trường trong sạch. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã xác định mục tiêu tổng quát trong lĩnh vực đăng kiểm tàu biển từ nay đến năm 2015 là: thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong công tác đăng kiểm về chất lượng an toàn kỹ thuật, an ninh và bảo vệ môi trường đối với tàu biển; trở thành tổ chức phân cấp được quốc tế công nhận rộng rãi; là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo khả năng hoạt động an toàn, an ninh của đội tàu biển; hỗ trợ tích cực và thúc đẩy công nghiệp đóng tàu, vận tải biển và công nghiệp dầu khí biển Việt Nam phát triển; góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm tàu biển, VR đã và đang tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt và mạnh mẽ các giải pháp sau đây:



2.1. Công tác xây dựng văn bản pháp luật

Tích cực và chủ động tham gia vào công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung, cập nhật Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005 (theo kế hoạch xây dựng luật, dự thảo sửa đổi, bổ sung đối với Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005 sẽ được trình lên Quốc hội khóa XIII thông qua trong năm 2015) và các văn bản dưới luật liên quan về chất lượng, an toàn kỹ thuật, an ninh, bảo vệ môi trường và đăng kiểm đối với tàu biển. Đảm bảo các văn bản pháp luật quy định về công tác đăng kiểm tàu biển mang tính hiện đại, khả thi, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế Việt Nam, đáp ứng sự phát triển của công nghiệp đóng tàu, vận tải biển.



2.2. Công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và giám sát kỹ thuật tàu biển

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học để không ngừng hoàn thiện các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và giám sát kỹ thuật tàu biển. Đảm bảo các quy chuẩn và tiêu chuẩn này tương đương với quy phạm của các quốc gia và các tổ chức đăng kiểm tiên tiên trên thế giới, cập nhật đầy đủ các tiến bộ của khoa học, công nghệ thế giới và các quy định mới nhất về an toàn, an ninh, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Hiệp hội các tổ chức phân cấp tàu quốc tế (IACS), đồng thời phù hợp với thực tiễn của công nghiệp đóng tàu, vận tải biển Việt Nam.

Các vấn đề phải được tập trung ưu tiên nghiên cứu và xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn từ nay đến năm 2015 bao gồm: tiêu chuẩn đóng tàu dựa trên mục tiêu (Goal Based Standard), tiêu chuẩn giám sát kỹ thuật và phân cấp tàu biển dựa trên quản lý rủi ro (Risk Based Inspection and Classification), tái sinh tàu an toàn và thân thiện với môi trường, quản lý nước dằn tàu, kiểm soát khí gây hiệu ứng nhà kính từ hoạt động hàng hải và thăm dò, khai thác dầu khí biển, sử dụng tiết kiệm năng lượng trong vận tải biển, tiêu chuẩn điều kiện sinh hoạt trên tàu biển theo Công ước lao động hàng hải MLC 2006.

2.3. Công tác nghiên cứu đề xuất tham gia và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, tập trung nghiên cứu và đề xuất Việt Nam tham gia các điều ước quốc tế về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của IMO và ILO, bao gồm: Phụ lục III, IV, V và VI của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL 73/78); Công ước quốc tế về quản lý nước dằn và cặn nước dằn tàu (BWM 2004); Công ước quốc tế về container an toàn (CSC 72); Công ước quốc tế về quản lý và kiểm soát các hệ thống chống hà độc hại của tàu (AFS 2001); Công ước quốc tế về tái sinh tàu an toàn và thân thiện với môi trường (SR 2009); và Công ước Lao động hàng hải (MLC 2006). Đồng thời, đẩy mạnh viện nghiên cứu nhằm hướng dẫn triển khai thực hiện các điều ước quốc tế này đối với công nghiệp đóng tàu, vận tải biển Việt Nam.

Tích cực và chủ động trong việc tham gia ý kiến xây dựng dự thảo “Luật các tổ chức đăng kiểm” (RO Code) của IMO và hoàn thiện bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, hệ thống văn bản pháp quy, hướng dẫn công việc, mạng lưới phục vụ của VR để có thể đáp ứng thỏa mãn các tiêu chuẩn của luật này.

2.4. Phát triển nguồn nhân lực

Trong năm 2012, hoàn thành việc đào tạo lại, đánh giá, sát hạch và công nhận đội ngũ đăng kiểm viên tàu biển theo đúng các tiêu chuẩn được quy định tại Thông tư số 65/2011/TT-BGTVT ngày 27 tháng 12 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải “Quy định về đăng kiểm viên tàu biển”, đảm bảo có đủ nguồn nhân lực với chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công việc trong lĩnh vực đăng kiểm tàu biển và công trình dầu khí biển. Thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo cập nhật nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ phù hợp với các quy định của IMO, ILO và IACS.

Tiếp tục tuyển dụng và lựa chọn các đăng kiểm viên có đủ năng lực để cử đi đào tạo tại Trường Đại học Hàng hải thế giới và các tổ chức đăng kiểm quốc tế. Đẩy mạnh công tác đào tạo đăng kiểm viên lao động hàng hải để có đủ nguồn lực triển khai thực hiện công việc liên quan khi Công ước Lao động hàng hải của ILO có hiệu lực vào cuối năm 2013

2.5. Xây dựng cơ sở vật chất và trang bị phương tiện làm việc

Tiếp tục triển khai kế hoạch trang bị cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc thích hợp cho các đơn vị đăng kiểm nói chung, trang thiết bị làm việc và bảo hộ lao động cá nhân cho các đăng kiểm viên, đảm bảo tất cả các đơn vị đều có trụ sở làm việc khang trang với đầy đủ các trang thiết bị kiểm tra, thử nghiệm và phương tiện, thiết bị văn phòng tiên tiến.

Đầu tư nâng cấp và tăng cường năng lực của các trung tâm thử nghiệm, đáp ứng nhu cầu thử nghiệm vật liệu, máy và trang thiết bị sử dụng trong việc chế tạo và sửa chữa các phương tiện giao thông vận tải và dầu khí biển. Nâng cấp hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu điện tử hóa và số hóa toàn bộ công tác đăng kiểm tàu biển.

2.6. Ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác đăng kiểm

Tiếp tục tự xây dựng và mua các phần mềm phục vụ cho công tác đăng kiểm tàu biển. Cụ thể là: toàn bộ các nội dung quan trọng của công tác thẩm định thiết kế phải được thực hiện bằng các chương trình máy tính hiện đại; mở rộng chương trình quản lý giám sát kỹ thuật tàu biển, tích hợp toàn bộ các nội dung: thẩm định thiết kế, đánh giá năng lực cơ sở sản xuất và thử nghiệm, kiểm tra sản phẩm công nghiệp, giám sát trong quá trình chế tạo, kiểm tra trong quá trình khai thác, đánh giá an toàn, an ninh, lao động hàng hải trong suốt cuộc đời phương tiện thành một chương trình thống nhất; thực hiện toàn bộ việc kiểm soát quá trình và chuyển báo cáo giám sát kỹ thuật giữa Văn phòng trung ương và các đơn vị đăng kiểm qua mạng máy tính; đến năm 2015 xóa bỏ lưu trữ giấy (hard copy), chỉ còn sử dụng lưu trữ điện tử, kể cả việc lưu trữ các bản vẽ và hồ sơ thiết kế tàu biển; cuối năm 2013, đưa Trung tâm hỗ trợ ứng phó sự cố tàu biển với các phần mềm tính toán sức bền và ổn định mạnh vào hoạt động.



2.7. Nâng cao chất lượng giám sát kỹ thuật tàu biển

Không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng công tác giám sát kỹ thuật tàu biển ở tất cả các khâu: thẩm định thiết kế; đánh giá và chứng nhận năng lực các cơ sở sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng và thử nghiệm liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật tàu biển và công trình dầu khí biển; kiểm tra và chứng nhận máy, vật liệu, trang thiết bị dung trong đóng mới, sửa chữa phương tiện; giám sát trong quá trình chế tạo, kiểm tra trong quá trình khai thác phương tiện, đánh giá an toàn, an ninh và lao động hàng hải trong quá trình quản lý khai thác tàu biển; góp phần quan trọng tăng cường khả năng hoạt động an toàn, an ninh của phương tiện, cải thiện điều kiện lao động hàng hải, làm giảm thiểu sự cố an toàn, an ninh hàng hải, ô nhiễm môi trường và tàu bị lưu giữ ở nước ngoài do có các khiếm khuyết về kỹ thuật và quản lý an toàn, an ninh, lao động hàng hải. Phấn đấn hết năm 2014 đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của các Chính quyền cảng trên thế giới.



2.8. Hợp tác và hội nhập quốc tế

Tiếp tục duy trì quan hệ chặt chẽ, là thành viên có trách nhiệm và chủ động tham gia các hoạt động trong các tổ chức quốc tế về đăng kiểm tàu biển: IMO, TSCI (Hiệp hội các tổ chức giám sát kỹ thuật tàu quốc tế), ACS (Hiệp hội các tổ chức đăng kiểm tàu châu Á). Hợp tác tích cực hơn nữa với các tổ chức đăng kiểm hàng đầu thế giới là thành viên của IACS để học tập kinh nghiệm, phát triển nguồn lực, mở rộng lĩnh vực hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội tàu biển và công trình dầu khí biển tại các vùng biển quốc tế. Hoàn thành tốt vai trò chủ tịch ACS trong năm 2013. Phấn đấu trở thành thành viên đầy đủ của IACS vào năm 2015. Đề xuất để Bộ Giao thông vận tải quyết định việc mở văn phòng đại diện của VR tại Trung Quốc và Singapore.

Đẩy mạnh việc tiếp xúc và hợp tác với các Chính quyền Hàng hải nước ngoài để VR nhận được nhiều hơn sự uỷ quyền thực hiện công tác đăng kiểm cho các tàu biển và công trình biển mang cờ quốc tịch của họ.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam để hoàn thành chương trình đánh giá tự nguyện của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), và phấn đấu để Việt Nam là thành viên của nhóm C - Hội đồng IMO nhiệm kỳ 2015-2017. Hoàn thành việc đệ trình quy phạm đóng tàu dựa trên mục tiêu để IMO đánh giá và phê chuẩn trong năm 2014. Tích cực tham gia vào các hoạt động liên quan đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của IMO và ILO; phát huy vai trò của VR trong Ban Thư ký IMO Việt Nam.



2.9. Tăng cường sự phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam và các cảng vụ hàng hải trong việc kiểm soát tình trạng kỹ thuật đội tàu

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại Chỉ thị số 09/CT-BGTV ngày 24 tháng 10 năm 2011 về việc tăng cường các biện pháp nhằm làm giảm thiểu tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC ở nước ngoài, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Hàng hải Việt Nam đẩy mạnh việc trao đổi và chia sẻ thông tin về tình trạng kỹ thuật và công tác quản lý đội tàu Việt Nam, thiết lập cơ chế hợp tác cần thiết giữa hai cục; các chi cục đăng kiểm phối hợp chặt chẽ với các cảng vụ hàng hải trong việc kiểm tra, thanh tra các tàu biển có nguy cơ cao về lưu giữ PSC và có khả năng mất an toàn; cương quyết yêu cầu các tàu liên quan khắc phục triệt để các khiếm khuyết trước khi rời cảng.

Tích cực hợp tác có trách nhiệm với Cục Hàng hải Việt Nam và các cảng vụ hàng hải trong công tác điều tra tai nạn, sự cố tàu biển; đặc biệt là việc cung cấp thông tin về trạng thái tàu, sử dụng đội ngũ chuyên gia và các phần mềm chuyên dụng trong việc phân tích, đánh giá nguyên nhân của các tai nạn, sự cố; từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm tăng cường khả năng hoạt động an toàn của đội tàu.

2.10. Cải tiến hệ thống quản lý chất lượng công việc, thực hiện cải cách hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng

Không ngừng cải tiến hệ thống quản lý chất lượng công việc, coi đây là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong toàn ngành đăng kiểm. Riêng đối với lĩnh vực đăng kiểm tàu biển, từ nay đến hết năm 2014, hoàn thành việc chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng theo têu chuẩn ISO 9001 sang tiêu chuẩn QSCS của IACS, là tiêu chuẩn quản lý công việc tiên tiến nhất hiện nay trong lĩnh vực đăng kiểm.

Tiếp tục rà soát và cải tiến tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến công tác đăng kiểm tàu biển và công trình dầu khí biển; nhằm đơn giản hóa, giảm thiểu phiền hà và phục vụ khách hàng một cách chính xác, nhanh chóng và thuận tiện; đảm bảo tính công khai, minh bạch, rõ ràng trong tất cả các khâu của công tác đăng kiểm.

3. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra tàu biển

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hàng hải và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập tới các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng hải;

- Tăng cường các khóa tập huấn cho các đơn vị quản lý tại khu vực đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đầu ra của hoạt động đào tạo;

- Thông báo kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, các chiến dịch kiểm tra tập trung của các khu vực tới chủ tàu, thuyền viên… Hàng tháng cập nhật danh sách các tàu bị lưu giữ tại nước ngoài, các khiếm khuyết nghiêm trọng, cảnh báo những khu vực thường xuyên lưu giữ tàu Việt Nam.

- Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường; yêu cầu các tàu khắc phục tất cả các khiếm khuyết nghiêm trọng trước khi rời cảng.

4. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo thuyền viên

4.1. Giải pháp tăng số lượng đào tạo


- Tăng cường quy mô đào tạo, các trường Đại học, cao đẳng, Cao đẳng nghề hiện nay, cần quy hoạch ngay một mạng lưới đào tạo khắp toàn quốc chú trọng đặc biệt các vùng duyên hải miền trung, miến đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu long, đồng bằng Bắc bộ …, thu hút con em lao động, đặc biệt con em ngư dân trượt đại học hoặc chưa tốt nghiệp phổ thông, không có việc làm. Mở rộng diện đào tạo ở các vùng xa thành thị để hạn chế việc học sinh bỏ nghề sau khi tốt nghiệp. Mở rộng diện xét tuyển ở các trường cao đẳng, trường nghề. Xây dựng chế độ liên thông lên đại học cho thuyền viên sau khi có thâm niên đi biển từ 1 - 2 năm để mang lại sức hấp dẫn cho học sinh các trường cao đẳng.

- Chú ý đến việc đào tạo nghề hàng hải cho quân nhân giải ngũ, đặc biệt quan tâm quân nhân giải ngũ trong lực lượng hải quân, có chế độ đào tạo thích hợp cho họ với lợi thế họ đã được thử thách trên biển cả trong quân ngũ.

- Chấp nhận đổi mới đào tạo, huấn luyện thuyền viên hướng tới khách hàng. Nghề đi biển là một nghề đặc biệt. Công tác đào tạo, huấn luyện thuyền viên của Việt Nam vừa phải đáp ứng yêu cầu của Công ước quốc tế STCW và các quy định hiện hành của quốc gia vừa phải thỏa mãn yêu cầu của các chủ tàu (khách hàng trong và ngoài nước). Lấy sự chấp nhận của khách hàng, đặc biệt là khách hàng nước ngoài, làm thước đo chất lượng đào tạo.

- Cơ quan quản lý nhà nước, chính phủ, các bộ có liên quan coi đầu tư cho đào tạo, huấn luyện thuyền viên là nguồn nhân lực vận tải biển là một quốc sách của quốc gia. Cần tính toán cân nhắc, đầu tư thích đáng cho việc mở rộng quy mô đào tạo, cơ sở vật chất trang thiết bị, đào tạo thầy giáo.

- Các cơ quan quản lý chuyên ngành, các cơ sở đào tạo, huấn luyện và các doanh nghiệp phát động phong trào tôn vinh nghề hàng hải trên các phương tiện truyền thông. Lấy ngày tôn vinh Thuyền viên 25 tháng 6 của IMO làm khởi điểm và đưa ra các chính sách ưu đãi cho nghề đi biển như:

+ Miễn giảm thuế thu nhập cho nghề đi biển;

+ Miễn nghĩa vụ quân sự sau khi tốt nghiệp cho nghề đi biển;

+ Nghiên cứu chế độ bảo hiểm đặc biệt cho nghề đi biển;

+ Cơ quan quản lý chuyên ngành cần ban hành quy chế đặc biệt về viêc quản lý và chế độ ưu đãi cho thuyền viên lao động trên tàu nước ngoài;

+ Quy định và kiểm soát chặt chẽ khoản khấu trừ trong hợp động lao động xuất khẩu thuyền viên của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thuyền viên.

- Tăng cường các nội dung quản lý, lãnh đạo, làm việc nhóm trong chương trình giảng dạy. Điều đó không những giúp ích cho công tác quản lý tàu mà còn nhắm tới việc đào tạo những nhà quản lý vận tải biển giỏi trong tương lai. Các vị trí quản lý, điều hành các ngành nghề trên bờ có liên quan đến vận tải biển, kể cả công việc quản lý nhà nước chuyên ngành, thì lý tưởng nhất vẫn là sử dụng những thuyền viên có thâm niên đi biển.

- Chính phủ (hoặc Quốc hội) nên đưa ra một Bộ luật về thuyền viên.

- Trên cơ sở 5 đơn vị đào tạo, huấn luyện hiện nay, xem xét quy hoạch lại và mở rộng quy mô đào tạo nhắm tới các mục tiêu số lượng, để đạt chỉ tiêu đầu ra từ 1.500 thuyền viên lên 2.000 thuyền viên vào năm 2015 và 3.000 thuyền viên vào năm 2020.

- Xây dựng lộ trình đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, chương trình, tài liệu học tập, giảng dạy, xây dựng các trung tâm thực hành, mô phỏng, tàu thực tập, đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi.

- Xem xét việc xã hội hóa công tác đào tạo huấn luyện thuyền viên.

4.2 Giải pháp nâng cao chất lượng


- Tham gia Công ước STCW là công việc của một quốc gia, không phải việc riêng của Bộ Giao thông vận tải. Ngoài Bộ GTVT có sự tham gia Bộ Giáo dục đào tạo, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ tài chính, … đều phải hiểu biết và nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của Công ước, có trách nhiệm cùng Bộ Giao thông vận tải trong việc triển khai thực thi Công ước. Cần phổ biến và tuyên truyền rộng rãi về Công ước STCW.

- Khi mở rộng quy mô đào tạo cần bám lấy địa bàn các thành phố ven biển, cơ sở đào tạo phải đặt ngay ở vùng ven biển, vừa thuận lợi cho đối tượng thanh niên vùng ven biển, vừa tận dụng môi trường sông nước để kết hợp đào tạo nghề nghiệp và phẩm chất của người đi biển.

- Đầu tư đồng bộ cơ cở vật chất trang thiết bị theo quy định của Công ước cho các cơ sở đào tạo. Phải có những đột phá đầu tư mạnh thì mới có được thuyền viên đảm bảo chất lượng.

- Các cơ sở đào tạo hàng hải phải tách biệt với việc đào tạo các ngành nghề khác. Các cơ sở phải được quản lý theo hình thức bán quân sự với chế độ sinh hoạt đặc biệt để rèn luyện thể chất và phẩm chất thuyền viên.

- Đổi mới cách dạy và học ngoại ngữ sao cho thực tế và hiệu quả. Yêu cầu về ngoại ngữ có tầm quan trọng tương đương với yêu cầu thực hành nghề nghiệp. Ngoại ngữ tốt thì mới cạnh tranh trên thị trường lao động hàng hải quốc tế.

- Lực lượng thầy giáo phải có lý thuyết và có tay nghề giỏi thì thầy giáo trước hết phải là những người giỏi nghề nghiệp, đã có kinh nghiệm đi biển. Quy định tiêu chuẩn thầy giáo đứng lớp các môn chuyên môn phải có kinh nghiêm đi biển ít nhất 2 -3 năm hoặc hơn, tối thiểu đã đảm nhiệm chức danh Thuyền phó 3, Máy tư ít nhất một năm trước khi trở thành thầy giáo chuyên môn. Có chế độ đãi ngộ thích đáng cho thầy giáo dạy các môn chuyên môn để thu hút những người có kinh nghiệm đi biển tham gia giảng dạy, đặc biệt là giáo viên hướng dẫn thực hành.

- Cần chuẩn bị một đội ngũ thầy giáo đông đảo và có chất lượng. Cần có chính sách đào tạo thầy giáo giỏi bằng cách mở riêng một hoặc hai trung tâm đào tạo Huấn luyện viên chính (Instrustor), thuê chuyên gia nước ngoài, mời chuyên viên IMO trực tiếp tham gia giảng dạy một số khóa, sau đó thầy giáo trong nước sẽ dần dần thay thế. Có chế độ cử người đi thực tập, nghiên cứu ở các trung tâm giáo dục đào tạo nước ngoài theo chương trình đào tạo chung của nhà nước, đối tượng tuyển chọn là những người có thâm niên đi biển.

- Quản lý chất lượng đào tạo thuyền viên là Cục Hàng hải Việt Nam với tư cách cơ quan quan lý chuyên ngành. Xây dựng các quy chế quản lý, kiểm soát, kiểm định chất lượng độc lập để Cục thực hiện các chức năng quản lý chất lượng đào tạo chuyên môn đối với tất cả các cơ sở đào tạo, huấn luyện.

- Xây dựng chế độ “ Cấp phép đào tạo, huấn luyện”, sau khi kiểm tra đánh giá, chỉ có cơ sở đào tạo, huấn luyện nào có đầy đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thầy giáo đủ tiêu chuẩn, thì mới chấp nhận cho phép tiến hành đào tạo, huấn luyện.

- Quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam, cần xây dựng và công bố đề cương các môn thi cho tất cả các cấp sĩ quan quản lý và vận hành. Xây dựng quy chế thi và quản lý thi cử ở tất cả các hạng chức danh, nghiên cứu tiến tới chế độ thi cử trên mạng thống nhất toàn quốc, thiết lập ngân hàng câu hỏi và giải đáp công bố công khai cho thí sinh ôn tập, kiểm soát chặt chẽ đầu ra nhằm nâng cao chất lượng thuyền viên.

- Thành lập Ban biên soạn giáo trình, bám sát chương trình mẫu của IMO để sử dụng chung cho các cơ sở đào tạo, huấn luyện có chế độ thích đáng khuyến khích những người có năng lực tham gia. Dịch bộ Chương trình mẫu của IMO (Model courses IMO) làm cơ sở cho việc biên soạn tài liệu giảng dạy.

- Trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải biển cùng đóng góp vào công tác đào tạo, huấn luyện thuyền viên, nghiên cứu các chế tài và chế độ đãi ngộ riêng để các doanh nghiệp tham gia tiếp nhận và quản lý sinh viên, thuyền viên thực tập.



5. Hoàn thiện cơ chế chính sách đối với việc lưu giữ tàu:

+ Trách nhiệm của Chủ tàu/ Tổ chức cung cấp thuyền viên

- Thực thi nghiêm túc các quy định của Bộ luật ISM và duy trì tốt hệ thống quản lý an toàn đã xây dựng và được công nhận;

- Trang bị đầy đủ các trang, thiết bị và ấn phẩm hàng hải cho tàu, cung cấp phụ tùng, vật tư để sửa chữa và bảo dưỡng cho tàu.

- Lập kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ hàng năm, hàng quý và chi tiết cho từng tháng để thuyền viên thực hiện.

- Thường xuyên giữ mối liên hệ với Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam để kịp thời nắm bắt thông tin về kiểm tra PSC tại khu vực mà tàu mình hoạt động để có biện pháp chủ động khắc phục.

- Có kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, bổ sung đội ngũ thuyền viên phù hợp với sự tăng trưởng của đội tàu. Tuyển dụng và huấn luyện, đào tạo thường xuyên đội ngũ sỹ quan thuyền viên để nâng cao trình độ tay nghề. Thuyền viên phải nắm vững hệ thống quản lý của Công ty và tàu trước khi được bố trí làm việc dưới tàu.

- Trường hợp tàu bị lưu giữ ở nước ngoài qua kiểm tra PSC thì ngay khi tàu về đến Việt Nam phải tổ chức rút kinh nghiệm và quy trách nhiệm cá nhân đối với các khiếm khuyết dẫn đến việc giữ tàu.

- Có biện pháp phân loại, đánh giá thuyền viên như ghi sổ Thuyền viên để có chế độ đãi ngộ phù hợp.

- Chủ động phối hợp với Cục Hàng hải và Cục Đăng kiểm để cập nhật nội dung, chương trình đào tạo, cần chú ý đến các quy định mới bổ sung, sửa đổi;

- Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh cho đội ngũ sỹ quan ở cả hai cấp quản lý và vận hành, xem đây là điều kiện cần để cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn. Tránh tình trạng có Chứng chỉ Anh văn nhưng không giao tiếp được với các PSCO.



+ Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm

Каталог: Uploads -> Articles03
Uploads -> Tác giả phạm hồng thái bài giảng ngôn ngữ LẬp trình c/C++
Uploads -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
Uploads -> TRƯỜng đẠi học ngân hàng tp. Hcm markerting cơ BẢn lớP: mk001-1-111-T01
Uploads -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
Uploads -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1
Articles03 -> BỘ TÀi chính nưỚc cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Articles03 -> Phụ lục 1 danh sách các nhân vật lịch sử, ĐỊa danh bổ sung Quỹ tên đường tại Thành phố Hồ Chí Minh
Articles03 -> Các doanh nghiệp trong nước; hộ gia đình, cá nhân, trang trại (sau đây gọi chung là nông dân); hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

tải về 0.93 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương