Ảnh hưỞng của sữa bổ sung pre-probiotic lên tình trạng dinh dưỠNG, nhiễm khuẩN


Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu trước can thiệp



tải về 1.05 Mb.
trang9/11
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích1.05 Mb.
#30969
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

4.2. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu trước can thiệp:

Kết quả ở bảng 3.9 cho thấy, tất cả các đặc điểm chung của trẻ như giới, tháng tuổi, tuần thai khi sinh, cân nặng sơ sinh, số anh chị em, nơi sinh… là tương đối đồng đều, tỷ lệ trẻ trai và trẻ gái đều tương đương nhau ở cả 4 nhóm, không có sự khác biệt nào giữa 4 nhóm nghiên cứu (p>0,05). Các đặc điểm khác như thời điểm trẻ được ăn bổ sung từ rất sớm so với khuyến cáo của WHO, trung bình từ 3,0 - 3,5 tháng tuổi, cũng tương tự như nhau giữa các nhóm nghiên cứu (bảng 3.10).

Về một số đặc điểm chung của các bà mẹ của trẻ như tuổi trung bình của các bà mẹ là 27 – 28 tuổi, trình độ văn hóa chủ yếu là cấp 2 (35,5 – 56,3%), trình độ đại học và trung cấp tương đối thấp (6,3 – 12,9%). Nghề nghiệp chính của các bà mẹ chủ yếu là nông dân (59,7 – 68,3%), chỉ có 7,8 – 17,7% là cán bộ. Các đặc điểm này cũng tương đối đồng đều giữa các nhóm nghiên cứu, không có sự khác biệt với p>0,05 (bảng 3.10).

Về tình trạng dinh dưỡng của trẻ ở thời điểm nghiên cứu ban đầu cũng không có sự khác biệt giữa 4 nhóm nghiên cứu. Cân nặng ban đầu ở các nhóm trẻ tương tự nhau, thậm chí cân nặng trung bình còn cao nhất ở nhóm chứng, tuy nhiên không có sự khác biệt có ý‎ nghĩa thống kê giữa các nhóm nghiên cứu (bảng 3.11). Cũng như cân nặng, chiều dài nằm ban đầu ở các nhóm trẻ cũng tương tự như nhau. Trẻ ở nhóm chứng và nhóm prebiotic có cao hơn không đáng kể so với nhóm synbiotic 1 và 2, tuy nhiên không có sự khác biệt có ý‎ nghĩa thống kê giữa các nhóm nghiên cứu (bảng 3.12).


4.3. Mức độ ảnh hưởng của sữa bổ sung prebiotic và synbiotic đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ trong 6 tháng can thiệp:

Ảnh hưởng của sữa bổ sung prebiotic hoặc synbiotic 1 và synbiotic 2 đến sự tăng trưởng của trẻ nhỏ, đặc biệt là ở trẻ <12 tháng tuổi, đang được quan tâm nhiều trong những năm gần đây cả ở trong nước và quốc tế. Kết quả của một số nghiên cứu trên đối tượng trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi cho thấy probiotic và prebiotic có tác dụng cải thiện các chỉ số nhân trắc của trẻ. Nghiên cứu của chúng tôi đánh giá hiệu quả của bổ sung sữa có chứa prebiotic hoặc synbiotic 1 và synbiotic 2 -probiotic kết hợp với prebiotic với liều lượng thấp và cao (0,8g/ngày và 1,6g/ngày) trên đối tượng trẻ dưới 12 tháng tuổi trong 6 tháng. Kết quả nghiên cứu cho thấy:



4.3.1. Về cân nặng:

Với cân nặng ban đầu tương tự như nhau ở cả 4 nhóm trẻ, thậm chí còn cao nhất ở nhóm chứng (nhóm chứng). Sau 6 tháng can thiệp, mức tăng cân nặng ở cả 3 nhóm trẻ được uống sữa bổ sung đều cao hơn so với nhóm chứng (2,6 kg, 2,4kg, 2,3kg so với 2,2 kg), đặc biệt trẻ ở nhóm prebiotic và nhóm synbiotic 1 có mức tăng cân cao hơn hẳn ở tất cả các thời điểm nghiên cứu so với nhóm chứng (2,6kg; 2,4kg so với 2,2 kg), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Mức tăng cân nặng của trẻ ở nhóm synbiotic 2 cũng cao hơn so với nhóm chứng, nhưng sự khác biệt chỉ ở 4 tháng đầu can thiệp, những tháng còn lại mức tăng cân cao hơn nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (bảng 3.11; biểu đồ 3.1; 3.2).

Một nghiên cứu bổ sung sữa có chứa synbiotic lên trẻ 18-36 tháng tuổi ở Việt Nam cũng cho kết quả như nghiên cứu của chúng tôi sau 5 tháng can thiệp mức tăng cân nặng ở nhóm can thiệp cao hơn một cách có ý nghĩa so với nhóm chứng (1,02 kg so với 0,6 kg) [15]. Nghiên cứu của Nguyễn Xuân Ninh trên trẻ 18-36 tháng tuổi và trẻ từ 24-26 tháng tuổi cũng cho kết quả tương tự như nghiên cứu của chúng tôi, mức tăng cân nặng của trẻ được uống sữa có chứa probiotic và

prebiotic đều cao hơn một cách có ý nghĩa so với nhóm đối chứng [12], [13]. Kết quả của một số nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự như nghiên cứu của chúng tôi [52], [133], [162]. Tuy nhiên, các nghiên cứu này sử dụng các loại probiotic khác nhau với các đặc tính sinh học khác nhau, nên việc so sánh cũng chỉ có tính tương đối. Nhưng điều có thể chắc chắn là việc bổ sung sữa có chứa synbiotic không ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng của trẻ nhỏ.

Một nghiên cứu khác được tiến hành ở trẻ 14 ngày tuổi nhưng không được bú sữa mẹ, với việc cho trẻ uống sữa công thức có chứa 2 x 107 CFU Bifidobacterium longum BL999 và 4g/L hỗn hợp chứa 90% galacto-oligosaccharides và 10% fructo-oligosaccharides trong vòng 112 ngày lại cho thấy kết quả là không có sự khác biệt về mức tăng cân giữa nhóm can thiệp và nhóm đối chứng với mức tăng trung bình khoảng 1,01 kg [122].

4.3.2. Về chiều dài nằm:

Cũng như cân nặng, chiều dài nằm ban đầu ở 4 nhóm trẻ được nghiên cứu là tương tự như nhau, nhóm chứng và nhóm prebiotic có thấp hơn nhưng không đáng kể so với nhóm synbiotic 1 và 2. Trong 6 tháng can thiệp, nhìn chung trẻ ở 3 nhóm can thiệp có mức tăng chiều dài nằm cao hơn so với nhóm đối chứng, tuy nhiên chỉ có trẻ ở nhóm synbiotic 1, nhóm được bổ sung probiotic kết hợp với prebiotic liều lượng thấp, có mức tăng chiều dài nằm cao hơn hẳn so với nhóm chứng từ tháng can thiệp thứ hai trở đi cho đến khi kết thúc nghiên cứu với p<0,05 (Anova test). Còn mức tăng chiều dài nằm của trẻ ở nhóm prebiotic và synbiotic 2 có cao hơn so với nhóm chứng, nhưng mức tăng này chưa có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (bảng 3.12; và biểu đồ 3.3; 3.4).

Kết quả của chúng tôi cũng tương tự như của một số nghiên cứu khác khi bổ sung probiotic kết hợp với prebiotic liều thấp (0,8g/ngày) cho thấy nhóm trẻ can thiệp đều có mức tăng chiều dài nằm cao hơn một cách rõ rệt so với nhóm chứng với p<0,05 [12], [13]. Một nghiên cứu khác trên trẻ 18-36 tháng tuổi với việc bổ sung synbiotic cũng cho kết quả là sau 3 tháng can thiệp, mức tăng chiều cao ở nhóm can thiệp là cao hơn một cách có ý nghĩa so với nhóm chứng (4,93 cm so với 3,89 cm) [15]. Tuy nhiên kết quả của một số nghiên cứu của các tác giả khác lại cho thấy không có sự khác biệt về mức tăng chiều dài nằm/chiều cao ở nhóm có bổ sung synbiotic so với nhóm đối chứng và nghiên cứu này cũng chỉ cho thấy việc bổ sung synbiotic không ảnh hưởng đến mức tăng cân nặng và chiều cao của trẻ [122].

4.3.3. Về các chỉ số WAZ, HAZ và WHZ:

Bên cạnh sự cải thiện về chiều cao và cân nặng, nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy sự cải thiện các chỉ số Z-Score giữa 4 nhóm nghiên cứu:

- Kết quả đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ theo chỉ số Z-Score cân nặng/tuổi cho thấy, Tình trạng dinh dưỡng ở cả 4 nhóm trẻ là như nhau tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu. Sau 6 tháng can thiệp, Tình trạng dinh dưỡng của trẻ đều có sự cải thiện ở cả 4 nhóm trẻ. Sự cải thiện tốt nhất là ở nhóm prebiotic và nhóm synbiotic 1 (Z-Score tăng từ -0,61/ -0,48 lên -0,05 và -0,08), sau đó là nhóm synbiotic 2 (Z-Score tăng từ -0,58 lên -0,24). Nhóm chứng cũng có sự cải thiện nhưng ở mức độ thấp hơn (Z-Score tăng từ -0,43 lên -0,25). Tuy nhiên chưa có sự khác biệt giữa các nhóm nghiên cứu (p>0,05). Nhìn chung các nhóm nghiên cứu đều có xu hướng cải thiện chỉ số WAZ và tiến gần hơn đến mức phát triển của quần thể tham khảo (Bảng 3.13 và biểu đồ 3.5).

- Đánh giá tình trạng dinh dưỡng theo chỉ số Z-score chiều dài nằm/tuổi cũng cho thấy tình trạng dinh dưỡng ở cả 4 nhóm trẻ là tương tự nhau tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu và đều ở mức độ bình thường. Sau thời gian 6 tháng can thiệp, Tình trạng dinh dưỡng của trẻ theo chỉ tiêu này gần như không có sự cải thiện ở cả 4 nhóm trẻ (bảng 3.14).

- Tình trạng dinh dưỡng của trẻ theo chỉ số Z-score cân nặng/ chiều dài nằm cũng cho thấy ở cả 4 nhóm trẻ tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu đều ở mức độ bình thường, nhưng chỉ số Z-Score đều có giá trị “+” ở nhóm chứng, nhóm synbiotic 1 và synbiotic 2. Chỉ có nhóm prebiotic là có giá trị “-”. Khác với các kết quả trên, sau 6 tháng can thiệp, Tình trạng dinh dưỡng của trẻ đều có sự cải thiện ở cả 4 nhóm trẻ. Sự cải thiện tốt nhất lại ở nhóm prebiotic (Z-Score tăng từ -0,07 lên 0,49), sau đó là nhóm synbiotic 1 và 2 (Z-Score tăng từ 0,24/ 0,05 lên 0,42 và 0,26). Nhóm chứng cũng có sự cải thiện nhưng ở mức độ thấp nhất (Z-Score tăng từ 0,17 lên 0,26), tuy nhiên không có sự khác biệt giữa các nhóm nghiên cứu với p>0,05 (ANOVA test) (bảng 3.15; biểu đồ 3.6).

Trong nghiên cứu của chúng tôi hiệu quả lên tăng trưởng chưa thực sự rõ rệt ở một số chỉ tiêu so với các nghiên cứu khác [12], [13], [15], có lẽ là do độ tuổi của trẻ ở các nghiên cứu là khác nhau, do chủng loại probiotic sử dụng trong các nghiên cứu cũng khác nhau và trong nghiên cứu của chúng tôi trong thời gian nghiên cứu có đến hơn 70% số trẻ bị tiêu chảy, là một trong những nguyên nhân làm giảm tăng trưởng của trẻ.



Một nghiên cứu mù kép trên trẻ từ 6-36 tháng tuổi ở Thái Lan về tác động lên tăng trưởng của việc bổ sung B. lactis BB 12 đơn lẻ vào sữa công thức cho trẻ sơ sinh (n = 36 trẻ) hoặc kết hợp với S. thermophilus (n = 23 trẻ) so với nhóm chứng, nhóm không bổ sung (n = 25 trẻ). Trẻ được cho uống sữa hằng ngày trong thời gian 6 tháng. Liều bổ sung là 3 x 107 CFU /gam sữa. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc kết hợp các probiotic làm gia tăng đáng kể tốc độ đuổi kịp tăng trưởng của trẻ [118]. 

Một nghiên cứu khác trên 105 trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi; trong nghiên cứu này trẻ của nhóm can thiệp (51 trẻ) được bổ sung sữa công thức chứa Lactobacillus rhamnosus GG và trẻ nhóm chứng được bổ sung sữa công thức cho đến khi trẻ được 6 tháng tuổi. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm trẻ can thiệp có sự tăng trưởng tốt hơn so với nhóm chứng, sự thay đổi cân nặng và chiều cao của nhóm can thiệp cao hơn một cách có ý nghĩa so với nhóm chứng (0,44 ± 0,37 so với 0,07 ± 0,06, P<0,01 và 0,44 ± 0,19 so với 0,07 ± 0,06, P<0,005 ) [157].

Một nghiên cứu trên 624 trẻ từ 1-4 tuổi. Nhóm trẻ can thiệp (312 trẻ) được uống sữa có chứa prebiotic (2,4 g/ngày prebiotic oligosaccharides) và probiotic (1,9 x10 CFU/ngày Bifidobacteria HN019); nhóm chứng (n= 312 trẻ) được uống sữa công thức trong vòng 1 năm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, so với sữa công thức không tăng cường, trẻ được uống sữa tăng cường trong thời gian 1 năm, cân nặng của trẻ đã tăng 0,13 kg/năm (95% CI 0,03; 0,23; p=0,02) [150]. Kết quả phân tích tổng hợp của 3 nghiên cứu [67], [115], [170], sử dụng sữa công thức cho trẻ đủ tháng, cũng chỉ ra rằng trẻ được bổ sung sữa có chứa prebiotic có mức tăng cân nặng cao hơn một cách có ý nghĩa [119].

Các nghiên cứu được tiến hành tại một số nước khác trên thế giới, lại đưa ra kết quả khác với kết quả nghiên cứu của chúng tôi và một số nghiên cứu khác tại Việt Nam. Một nghiên cứu được tiến hành tại Hà Lan, trên 126 trẻ sơ sinh đủ tháng, dưới 7 ngày tuổi, với việc bổ sung prebiotic và probiotic, 0,24g prebiotic galacto-oligosaccharides/100 ml sữa và 1 x 107 CFU B.animalis ssp. lactis/g (còn gọi là Bifidobacterium BB12) và 1 x 107 CFU L. paracasei ssp. paracasei/g (còn gọi là L. casei CRL-431), trong vòng 6 tháng cho thấy chỉ số WAZ và HAZ không có sự khác biệt giữa nhóm nghiên cứu so với nhóm chứng (0,1 so với 0,17), (0,51 so với 0,50), mức tăng cân nặng và chiều cao của trẻ ở nhóm synbiotic sau 3 tháng can thiệp là 2507g và 10,3 cm so với 2661g và 10,6 cm của trẻ ở nhóm chứng. Sau 6 tháng can thiệp, tổng mức tăng cân nặng và chiều cao ở nhóm can thiệp là 4152 g và 17,7 cm so với 4282 g và 17,3 cm ở trẻ của nhóm chứng và sự khác nhau giữa các nhóm là không có ý nghĩa thống kê [158].

Một nghiên cứu khác tại Italia, được tiến hành trên 138 trẻ sơ sinh 14 ngày sau sinh không bú sữa mẹ với việc cho trẻ uống sữa có chứa 2 x 107 CFU Bifidobacterium longum BL999 và 4g/L hỗn hợp chứa 90% galacto-oligosaccharides và 10% fructo-oligosaccharides trong vòng 112 ngày cũng cho thấy không có sự khác biệt về mức tăng chiều cao và cân nặng giữa nhóm can thiệp và nhóm chứng và mức tăng cân trung bình là khoảng 1,01kg. Mức tăng chiều cao/tháng ở trẻ trai của nhóm chứng và nhóm can thiệp là 3,51cm và 3,51 cm, còn đối với trẻ gái là 3,22 cm và 3,22 cm [122].

Mt nghiên cứu trên 795 trẻ ở Malawi, có độ tuổi từ 5 đến 168 tháng (trung bình 22 tháng), bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng với việc bổ sung probiotic và prebiotic (synbiotic 2000 Forte), với thời gian trung bình là 33 ngày, sau khi trẻ được điều trị ổn định tình trạng suy dinh dưỡng cấp. Kết quả nghiên cứu cho thấy tác dụng điều trị suy dinh dưỡng là như nhau ở hai nhóm synbiotic và nhóm chứng (53,9% và 51,3%; p= 0) [97].

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cùng với các tác giả khác có thể thấy rằng tác động của prebiotic và synbiotic lên tăng trưởng cân nặng và chiều cao của trẻ còn chưa thống nhất. Khi tham khảo kết quả của các nghiên cứu trong nước và ngoài nước, chúng tôi nhận thấy rằng các nghiên cứu tuy đều bổ sung synbiotic vào sữa công thức, nhưng trên trẻ với các độ tuổi khác nhau, chủng loại probiotic, liều lượng sử dụng và thời gian can thiệp khác nhau nên tác động đến tăng trưởng cũng khác nhau. Ngoài ra, một số tài liệu còn cho thấy tình trạng dinh dưỡng, bệnh tật của trẻ cũng ảnh hưởng đến tác dụng của probiotic và prebiotic.

Như vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sau 6 tháng can thiệp thì nhóm synbiotic 1 là nhóm có ưu thế trong cải thiện cả cân nặng và chiều cao của trẻ, nhóm synbiotic 2 cải thiện tốt cả 2 chỉ tiêu này ở 4 tháng đầu, trong khi đó nhóm prebiotic chỉ cải thiện được cân nặng của trẻ. Có được kết quả này là do trẻ hằng ngày được uống bổ sung 200 ml sữa và hầu hết các trẻ đã uống được trên 95% số bữa được bổ sung hằng ngày và > 90% trẻ uống hết số sữa cho từng bữa. Sữa là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng tốt cho trẻ về cả năng lượng và các chất dinh dưỡng như lipit, protit và đặc biệt là các khoáng chất. Bên cạnh đó , ngoài việc được uống bổ sung các chất dinh dưỡng trong sữa như ở nhóm đối chứng, trẻ ở các nhóm này còn được bổ sung thêm một hỗn hợp gồm probiotic (2,6 x 109 CFU/ngày gồm hỗn hợp 2 probiotic (CRL431/BB12) và prebiotic (0,8g hoặc 1,6g/ngày GOS/FOS). Đây là những vi khuẩn có ích khi vào trong đường ruột sẽ giúp cân bằng hệ vi khuẩn chí đường ruột, phân hủy và hấp thu nốt các thức ăn chưa được tiêu hóa, synbiotic cũng làm tăng hấp thu calci và magie và giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, tăng cường miễn dịch của cơ thể góp phần làm giảm tiêu chảy, táo bón cũng như bệnh tật của trẻ [97]. Cần tiếp tục có các nghiên cứu sâu hơn về hiệu quả lên tăng trưởng của trẻ của synbiotic với các liều lượng khác nhau của prebiotic.



4.4. Mức độ ảnh hưởng của sữa bổ sung prebiotic và synbiotic đến nhiễm khuẩn tiêu hóa và hô hấp ở trẻ trong 6 tháng can thiệp:

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, tình hình mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và đường hô hấp ở trẻ sau 6 tháng can thiệp như sau:



4.4.1. Tình hình mắc nhiễm khuẩn đường tiêu hóa:

- Kết quả nghiên cứu cho thấy trong 6 tháng can thiệp có tới trên 70% số trẻ bị tiêu chảy. Tỷ lệ mắc tiêu chảy không có sự khác biệt giữa nhóm chứng và các nhóm can thiệp, dao động từ 72,7% đến 83,6%. Tỷ lệ trẻ bị đầy hơi thấp hơn so với các triệu chứng khác. Trong đó, trẻ ở nhóm prebiotic có tỷ lệ bị đầy hơi thấp nhất (1,7%), rồi đến trẻ ở nhóm synbiotic 2 (9,1%), cao nhất là trẻ ở nhóm chứng là 23,6%. Tỷ lệ này có sự khác biệt có ý nghĩa giữa nhóm prebiotic và nhóm synbiotic 2 so với nhóm chứng với p<0,05. Tỷ lệ trẻ bị nôn dao động từ 36,7% – 52,7%, cao nhất là ở nhóm đối chứng (52,7%), (Bảng 3.16).

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy (Bảng 3.17):

- Số đợt mắc tiêu chảy giữa nhóm chứng và các nhóm can thiệp không có sự khác biệt, số ngày mắc tiêu chảy ở các nhóm synbiotic 2 và prebiotic có xu hướng thấp hơn so với nhóm chứng (tương ứng là 4 ngày; 4 ngày so với 5 ngày), nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) .

- Số ngày bị nôn/trớ và số đợt bị nôn/trớ của trẻ ở nhóm chứng cao hơn so với 3

nhóm can thiệp. Tuy nhiên cũng chưa có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm (p>0,05).

Về tổng số lần đại tiện và đặc điểm của phân, kết quả nghiên cứu cho thấy:

- Tổng số lần đại tiện của trẻ trong thời gian 6 tháng nghiên cứu có xu hướng tăng ở cả 3 nhóm can thiệp so với nhóm chứng (tương ứng là 205 lần, 206 lần, 212 lần so với 201 lần). Tuy nhiên sự khác biệt này chưa có ‎nghĩa thống kê (biểu đồ 3.7).

- Nhóm synbiotic 1 có số lần đi phân cứng thấp hơn so với các nhóm còn lại một cách có ý nghĩa thống kê (p<0,01). Nhìn chung thì các nhóm trẻ được can thiệp bằng sữa bổ sung synbiotic có xu hướng đi phân bình thường mềm, màu vàng nhiều hơn là phân bất thường như phân cứng, phân lỏng, phân nâu, phân xanh. Tuy nhiên, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Các đặc điểm khác của phân không có sự khác biệt giữa các nhóm nghiên cứu (Bảng 3.18).

Một nghiên cứu tại Thái Lan cho thấy BB 12 có thể phòng ngừa tiêu chảy liên quan đến Rotavirus trên trẻ từ 6-36 tháng [121]. Nghiên cứu của Gonzales và cộng sự cho thấy việc bổ sung CRL431 kết hợp với L. acidophilus trên trẻ 5-29 tháng tuổi làm giảm tần suất mắc mới tiêu chảy từ 52% xuống 17% [82].



Trong khi đó nghiên cứu của Vlierger và cộng sự trên 126 trẻ sơ sinh ở Hà Lan cũng như trong nghiên cứu của chúng tôi; không thấy có sự thay đổi về tỷ lệ mắc các triệu chứng nhiễm khuẩn, mặc dù nghiên cứu này thiết kế nhằm tìm hiểu sự dung nạp và an toàn khi bổ sung synbiotic (BB12/CRL341) cho trẻ. Nghiên cứu này còn cho thấy trong 6 tháng can thiệp trẻ ở nhóm được bổ sung synbiotic có số lần đại tiện nhiều hơn so với nhóm chứng trong 3 tháng đầu (1,52 lần/ngày so với 1,29 lần/ngày; P= 0,04), tuy nhiên sự khác nhau này không có ý nghĩa thống kê trong 3 tháng sau (1,6 lần/ngày so với 1,4 lần/ngày; p=0,13) và trẻ ở nhóm được bổ sung synbiotic có số lần đi phân mềm cao hơn so với nhóm chứng, tuy nhiên sự khác biệt này cũng chỉ xảy ra trong 3 tháng đầu [158].

Một số nghiên cứu lại đưa ra kết quả khác với nghiên cứu của chúng tôi. Phân tích tổng hợp của 4 nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng L.Rhamnosus (GG) có hiệu quả khi bổ sung sớm trong điều trị tiêu chảy do Rotavirus, và tác dụng chính là làm giảm thời gian kéo dài của tiêu chảy từ 0,5 đến 1,5 ngày [152]. Một số nghiên cứu với các ý nghĩa thống kê khác nhau đã chỉ ra rằng việc sử dụng Bifidobacteria, chủ yếu là B.Lactis [53], [131], Lactobacilli, chủ yếu là L.Rhamnosus (GG) [151] làm giảm tần suất mắc mới và mức độ nặng của tiêu chảy cấp. Nghiên cứu của Weizman và cộng sự tại 14 nhà trẻ của Israel trên trẻ từ 4-10 tháng tuổi không bú mẹ, trẻ được chia thành 3 nhóm, hai nhóm trẻ được uống sữa bổ sung 1,2x109 CFU/ngày BB12 hoặc Lactobacillus reuteri và trẻ nhóm chứng được uống sữa công thức trong vòng 12 tuần. Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ ở nhóm chứng có số đợt tiêu chảy nhiều hơn một cách có ý nghĩa so với nhóm can thiệp BB12 hoặc Lactobacillus reuteri (tương ứng là 0,31 [0,22– 0,40] so với 0,13 [0,05– 0,21] và 0,02 [0,01– 0,05]) và thời gian kéo dài của từng đợt cũng dài hơn so với hai nhóm can thiệp (tương ứng là 0,59 [0,34–0,84] so với 0,37 [0,08–0,66] và 0,15 [0,12– 0,18] ngày) [163]. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng việc sử dụng probiotic có tác dụng tương tự như nghiên cứu của Weizman 2005, đặc biệt là tiêu chảy do virus [93], [111]. Tuy nhiên khi nghiên cứu này được tiến hành trên trẻ 0-3 tháng tuổi với liều lượng 8,5 x 108 CFU BB12/ngày trong thời gian 1 tháng thì không thấy có tác dụng lên tiêu chảy của trẻ [162]. Nghiên cứu phân tích tổng hợp của Allen với 46 nghiên cứu về tác động của probiotic lên điều trị tiêu chảy ở trẻ em và người trưởng thành cho thấy probiotic giảm tiêu chảy kéo dài trên 3 hoặc 4 ngày và giảm thời gian kéo dài của tiêu chảy khoảng 30 giờ [26]. Phân tích tổng hợp một số nghiên cứu về tác động của Lactobacillus trong việc điều trị tiêu chảy cho thấy, thời gian kéo dài tiêu chảy giảm khoảng 0,7 ngày (95% CI: 0,3–1,2), số lần đại tiện giảm 1,6 lần vào ngày điều trị thứ 2 (95% CI: 0,7–2,6) ở nhóm can thiệp so với nhóm chứng. Một nghiên cứu trên 571 trẻ từ 3-36 tháng tuổi nhập viện do tiêu chảy với việc cho trẻ sử dụng các loại probiotic đơn lẻ hoặc hỗn hợp các loại probiotícs: Lactobacillus rhamnosus strain GG; Saccharomyces boulardii; Bacillus clausii; hỗn hợp L. delbrueckii var bulgaricus, Streptococcus thermophilus, L acidophilus Bifidobacterium bifidum; hoặc Enterococcus faecium SF68. Kết quả nghiên cứu này cho thấy, tổng số thời gian bị tiêu chảy ở nhóm trẻ uống Lactobacillus rhamnosus GG và nhóm trẻ uống hỗn hợp các probiotic là thấp hơn một cách rõ rệt so với nhóm chứng (p<0,01), các nhóm can thiệp khác không có tác dụng lên tiêu chảy và thời gian kéo dài tiêu chảy [125]. Như vậy tác dụng lên tiêu chảy còn phụ thuộc vào chủng probiotic sử dụng. Kết quả một nghiên cứu trên trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi bằng điều trị L. casei 431 cho thấy số lần đại tiện trong ngày tăng lên, thời gian kéo dài tiêu chảy và nôn/trớ của trẻ được giảm đi [76]. Kết quả của chúng tôi cũng tương tự như trong nghiên cứu của Giuseppe Puccio ở nhóm trẻ được bổ sung Bifidobacterium longum BL999 và 4g/L GOS/FOS ít bị đầy hơi so với nhóm chứng (p=0,05) và số lần đại tiện trẻ ở nhóm được uống sữa có probiotic kết hợp với prebiotic cao hơn so với trẻ ở nhóm chứng (2,2 ± 0,7 so với 1,8 ± 0,9 lần/ngày; t test, p=0,018). Kết quả của nghiên cứu này cũng cho thấy không có mối liên quan giữa số lần đại tiện và tăng trưởng của trẻ (tương ứng p=0,28 và 0,17) [122].

Một nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá hiệu quả của Lactobacillus GG và sữa mẹ trong phòng ngừa nhiễm khuẩn do Rotavirus ở 220 trẻ từ 1-18 tháng tuổi, nằm viện từ tháng 12 năm 1999 đến tháng 5 năm 2000 cho thấy, tỷ lệ mắc mới ở nhóm bổ sung Lactobacillus GG là 25,4% và nhóm chứng là 30,2% và sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p=0,42. Trong số này tỷ lệ mắc mới ở nhóm được nuôi bằng sữa mẹ là 10,6% và 32,4% ở nhóm không được nuôi bằng sữa mẹ và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p=0,003. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy Lactobacillus GG không có hiệu quả trong phòng ngừa Rotavirus

như sữa mẹ [110].

Báo cáo của một nghiên cứu khác trên trẻ từ 1 đến 3 tuổi chỉ ra rằng, việc bổ sung synbiotic 2,5g GOS /ngày và 1x107-8 CFU BB12/ngày làm giảm tỷ lệ mắc mới bệnh lị ở trẻ [137] Một nghiên cứu trên trẻ từ 4-16 tuổi bị táo bón cho thấy, trẻ được bổ sung hằng ngày 4 x 109 CFU hỗn hợp chứa Bifidobacteria (B.) bifidum, B. infantis, B. longum, Lactobacilli (L.) casei, L. plantarum and L. Rhamnosus trong vòng 4 tuần cho thấy, việc bổ sung hỗn hợp probiotic có tác dụng làm giảm táo bón ở trẻ [35]. Một nghiên cứu trên người trưởng thành khỏe mạnh với việc bổ sung hỗn hợp BB12 và CRL-431 như trong nghiên cứu của chúng tôi với các liều khác nhau 108, 109, 1010 và 1011 CFU/ngày cho thấy tác động lên hệ miễn dịch là như nhau ở các liều bổ sung, thậm chí với liều cao 1011 CFU/ngày [54].

Nhìn chung trong nghiên cứu của chúng tôi, một số triệu chứng của nhiễm khuẩn tiêu hóa có xu hướng được cải thiện ở các nhóm can thiệp. Tỷ lệ trẻ bị đầy hơi thấp hơn rõ rệt ở các nhóm prebiotic và synbiotic 2 (p<0,05) và số lần đi phân cứng thấp nhất ở nhóm synbiotic 1 so với các nhóm khác. Ở các nhóm can thiệp, trẻ có xu hướng đại tiện phân bình thường nhiều hơn, số lần đại tiện của trẻ cũng cao hơn ở các nhóm can thiệp, nhất là trẻ ở nhóm uống sữa bổ sung synbiotic và qua tham khảo kết quả của các nghiên khác về tác động của prebiotic và synbiotic lên nhiễm khuẩn đường tiêu hóa cho thấy, đa số các kết quả là có tác động tích cực, nhất là trong điều trị nhiễm khuẩn tiêu hóa, tác dụng phòng ngừa của probiotic của một số nghiên cứu chưa cho kết quả thống nhất. Có thể là do các nghiên cứu này được tiến hành trên các đối tượng có độ tuổi khác nhau, chủng loại và liều lượng probiotic được sử dụng khác nhau, thời gian kéo dài của các can thiệp cũng khác nhau, cần tiếp tục có các nghiên cứu sâu hơn về tác dụng của synbiotic với các liều khác nhau của prebiotic lên nhiễm khuẩn đường tiêu hóa ở trẻ.

4.4.2. Các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp:

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ trẻ bị mắc các triệu chứng ho và chảy nước mũi rất cao, từ 81,7% - 92,7% trẻ bị ho và 73,3% - 85,5% trẻ bị chảy nước mũi trong 6 tháng nghiên cứu. Trẻ ở nhóm chứng có tỷ lệ mắc cao nhất so với các nhóm khác. Tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa 4 nhóm nghiên cứu (p>0,05). Tỷ lệ trẻ bị sốt và nghẹt mũi có thấp hơn, tuy nhiên vẫn ở mức tương đối cao, từ 70% đến 78,2% số trẻ bị sốt và 53,3% - 69,1% trẻ bị nghẹt mũi và cao nhất vẫn là các trẻ ở nhóm chứng. Tuy nhiên chưa có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.Tỷ lệ trẻ bị thở khò khè là thấp nhất, tuy nhiên vẫn có tới 36,4% đến 41,7% số trẻ bị thở khò khè (Bảng 3.19).

Nhìn chung tỷ lệ mắc một số triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn hô hấp ở nhóm trẻ can thiệp có xu hướng thấp hơn so với nhóm chứng, tuy sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, trung bình số ngày bị sốt là tương tự như nhau ở cả 4 nhóm, nhưng có xu hướng thấp hơn ở nhóm synbiotic 2 là nhóm được uống sữa bổ sung synbiotic với prebiotic liều cao và số đợt bị sốt ở trẻ của nhóm đối chứng cao hơn so với trẻ ở nhóm synbiotic 1 và synbiotic 2, mặc dù sự khác biệt này cũng không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

Trung bình số ngày phải uống kháng sinh và số đợt uống kháng sinh cũng thấp hơn ở trẻ thuộc nhóm synbiotic 2 so với 3 nhóm còn lại. Tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Trung bình số ngày/ số đợt bị thở khò khè ở trẻ các nhóm là như nhau. Trung bình số ngày bị ho ở nhóm chứng có xu hướng cao hơn so với các nhóm can thiệp và thấp nhất ở nhóm synbiotic 2 (11 ngày so với 7,5 ngày, 8 ngày và 7 ngày) và tương tự như vậy số đợt bị ho cũng thấp nhất ở nhóm synbiotic 2, là nhóm được uống sữa bổ sung synbiotic với prebiotic liều cao. Tuy nhiên, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê. Trung bình số ngày bị nghẹt mũi cũng thấp nhất ở nhóm synbiotic 2, nhưng sự khác biệt

cũng không có ý nghĩa thống kê (Bảng 3.20; 3.21 và biểu đồ 3.8).

Nhìn chung, kết quả nghiên cứu cho thấy, trẻ ở nhóm synbiotic 2 có xu hướng giảm cả tỷ lệ mắc, số ngày mắc và số đợt mắc các triệu chứng của nhiễm khuẩn hô hấp như ho, sốt, chảy nước mũi, nghẹt mũi... so với nhóm đối chứng, mặc dù sự khác biệt này chưa thực sự rõ ràng. Điều này, có thể là do trong nghiên cứu này, trẻ ở các nhóm nghiên cứu, kể cả nhóm chứng vẫn đang được bú mẹ, sữa mẹ có chứa các yếu tố chống nhiễm khuẩn nên tác động của prebiotic và probiotic chưa thực sự rõ nét. Khác với kết quả trong nghiên cứu của chúng tôi, một số nghiên cứu đã đưa ra kết luận là GOS/FOS có khả năng làm giảm tỷ lệ mắc mới của các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp và giảm việc sử dụng kháng sinh của trẻ [28], [45].

Nghiên cứu của Weizman 2005 cho thấy, nhóm trẻ nhóm đối chứng có số đợt bị sốt cao hơn so với nhóm trẻ được bổ sung B. lactis hoặc L.reuteri và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (tương ứng là 0,41 [0,28–0,54] so với 0,27 [0,17– 0,37] và 0,11 [0,04–0,18]) [163].

Trong một nghiên cứu khác trên trẻ từ 1-3 tuổi, được chia thành hai nhóm: nhóm chứng (n= 312) được uống sữa công thức và nhóm can thiệp (n= 312) uống sữa công thức có bổ sung 2,4 g/ngày prebiotic oligosaccharide và 1,9×107 CFU/ngày Bifidobacterium lactis HN019 trong vòng một năm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sữa bổ sung prebiotic và probiotic làm giảm tỷ lệ mắc mới của viêm phổi khoảng 24% (95% CI: 0 - 42%; p=0,05) và nhiễm khuẩn hô hấp cấp dưới thể nặng giảm khoảng 35% (95% CI: 0- 58%; p=0,05). So với nhóm chứng thì trẻ ở nhóm can thiệp giảm khoảng 5% (95% CI: 0 - 10%; p=0,05) số ngày bị sốt cao [138]. Kết quả nghiên cứu bổ sung 0,8g GOS/ngày cùng với 8-9 x109 CFU/ngày của hỗn hợp probiotic L.rhamnosus GG, L. LC705, B. breve Bb99, propionibacterium freudenreichii spp shermanii, trong vòng 6 tháng cho trẻ có nguy cơ bị dị ứng cho thấy, số lượng nhiễm khuẩn đường hô hấp giảm đi [137]. Một nghiên cứu khác đã được tiến hành gần đây, với việc bổ sung probiotic đơn lẻ với 1x109 CFU BB12/ngày cho thấy các triệu chứng nhiễm khuẩn hô hấp có giảm đi ở trẻ nhỏ [153].

Trong khi đó, một nghiên cứu khác lại cho thấy khi bổ sung L. rhamnosus 1x109 CFU/ngày cho trẻ từ 6 đến 24 tháng, có nguy cơ bị dị ứng và hen, thì không có ảnh hưởng lên thời gian kéo dài và số đợt của triệu chứng thở khò khè [126]. Nghiên cứu của Vliergy và cộng sự với việc bổ sung synbiotic chủng loại như trong nghiên cứu của chúng tôi tuy liều có thấp hơn cho thấy việc bổ sung synbiotic không có tác dụng lên nhiễm khuẫn hô hấp trong 6 tháng can thiệp (số đợt nhiễm khuẩn/tháng là 1,1 lần ở nhóm can thiệp so với 1,0 lần ở nhóm chứng với p> 0,05) [158].

Kết quả của các nghiên cứu khác cho thấy việc bổ sung prebiotic và probiotic nhìn chung có ảnh hưởng tích cực lên nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ. Tác dụng của probiotic lên nhiễm khuẩn là do các vi khuẩn có ích (probiotic) ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh, ức chế sự phát triển làm cho số lượng các vi khuẩn có hại trong đường ruột giảm đi, các vi khuẩn có ích sản xuất ra bacteriocin có thể tiêu diệt vi khuẩn có hại và số lượng của chúng được điều khiển bởi các enzyme của chủ thể [143]. Quá trình lên men và tạo ra các acid béo cũng làm giảm độ pH trong ruột già, làm giảm sự tăng sinh của vi khuẩn có hại và tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có ích [155]. Bên cạnh đó các vi khuẩn có ích cũng cạnh tranh chất dinh dưỡng và điểm bám vào niêm mạc ruột với các vi khuẩn có hại và làm cho số lượng của chúng giảm đi. Bên cạnh đó nhiều nghiên cứu người ta thấy rằng probiotic có tác dụng lên tăng sản suất mucin, giảm độ thẩm thấu của ruột, tăng hoạt động tiêu diệt tế bào tự nhiên, đại thực bào, thực bào và tác dụng của probiotic lên miễn dịch đặc hiệu như tăng tế bào sản sinh IgA, IgG, IgM, tăng IgA tổng thể và đặc hiệu trong huyết thanh và thành ruột và thay đổi các đáp ứng viêm

Prebiotic là thành phần thực phẩm không tiêu hóa được, có ảnh hưởng tích cực tới cơ thể vật chủ bằng cách kích thích sự phát triển và tăng cường hoạt động của một số loài vi sinh vật có lợi trong ruột của vật chủ [78]. Các prebiotic thường được sử dụng là FOS và GOS và Inulin. Hiện nay người ta thường kết hợp prebiotic với probiotic (được gọi là synbiotic) để tăng tác dụng có ích của probiotic lên cơ thể. FOS có khả năng kích thích sự phát triển của chủng BifidobacteriaLactobacilli ở ruột già, các loài vi khuẩn này kích thích sự gia tăng các kháng thể IgA, IgM, IgG đồng thời cũng tạo ra chất kháng khuẩn như acid lactic, bacterioxin, H2O2

Nhìn chung, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy synbiotic tuy có tác động lên nhiễm khuẩn hô hấp của trẻ nhưng hiệu quả chưa thực sự rõ ràng và cần có các nghiên cứu tiếp theo để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này.



Каталог: FileUpload -> Documents
Documents -> BỘ khoa học và CÔng nghệ
Documents -> HÀ NỘI – 2013 BỘ giáo dụC ĐÀo tạo bộ y tế viện dinh dưỠNG
Documents -> Phụ lục về cấp hạng khách quốc tế
Documents -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam qcvn 01 78: 2011/bnnptnt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thứC Ăn chăn nuôi các chỉ tiêu vệ sinh an toàn và MỨc giới hạn tốI Đa cho phép trong thứC Ăn chăn nuôI
Documents -> TỔng cục dạy nghề
Documents -> BỘ giáo dụC ĐÀo tạo bộ y tế viện dinh dưỠng nguyễn thị thanh hưƠng thực trạng và giải pháP
Documents -> Bé gi¸o dôc vµ ®µo t¹o bé y tÕ ViÖn dinh d­ìng Ph¹m hoµng h­ng HiÖu qu¶ cña truyÒn th ng tÝch cùc ®Õn ®a d¹ng ho¸ b÷a ¨n vµ
Documents -> TỜ khai xác nhận viện trợ HÀng hóA, DỊch vụ trong nưỚC
Documents -> Phụ lục I mẫU ĐƠN ĐỀ nghị ĐĂng ký LƯu hàNH

tải về 1.05 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương