Kinh tì-kheo na-tiên càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, trang 706-753 Thiện Nhựt phỏng dịch và tìm hiểu Nguồn


- Bực đắc Đạo suy-tư đến các điều cao-thâm



tải về 1.4 Mb.
trang48/59
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích1.4 Mb.
#19794
1   ...   44   45   46   47   48   49   50   51   ...   59

145.- Bực đắc Đạo suy-tư đến các điều cao-thâm.


Ngoài các khả-năng siêu-phàm ra, các bực đắc Đạo còn hiểu thấu rành-rẽ các lời nói bí-ẩn cao-xa thâm-diệu trong Kinh-Luận nữa. Đó là điều mà Vua Di-Lan muốn Tì-kheo Na-Tiên khẳng-định:

- Bực đã đắc Đạo có khả-năng suy-nghĩ đến tất cả các sự-việc cao-xa thâm-diệu chăng? 

- Dĩ nhiên, các bực ấy có đủ khả-năng tư-duy mọi việc thâm-ảo. Kinh Phật thật hết sức là thâm-ảo về mọi sự-việc, chẳng thể nào đo-lường nổi, tất cả mọi sự-việc ấy đều phải do trí-huệ đoán-định ra. 

Điều mà Na-Tiên gọi ''chẳng thể đo-lường nổi'', phải chăng nằm trong loại các vấn-đề mà Đức Phật đã xem như bất khả tư-nghì, tức là các vấn-đề xuất-thế-gian mà con người thế-tục chẳng thể dùng lời-lẽ ở thế-gian hiểu cho tường-tận được. Các điều đó, bực đắc Đạo có đủ khả-năng để thông-đạt được. Và đối với chúng ta còn đang học Đạo, tưởng cũng đừng quá thắc-mắc về các vấn-đề siêu-hình, cứ bình-tâm tu-tập mãi, sẽ có ngày bừng sáng lên mà giác-ngộ được.

*

146.- Niết-bàn là gì?


Trước khi trả lời câu hỏi trên, có liên-quan đến các tiểu-mục số 046; số 065; số 066; số 074, bàn đến Niết-bàn, ta hãy tìm hiểu nghĩa gốc của chữ nầy. 

Tiếng Phạn (Sanscrit: Nirvana; Pali: Nibbàna) được phiên-âm ra tiếng Hán-Việt bằng hai cách: (1) Nê-hoàn, hoặc (2) Niết-bàn; nhưng từ-ngữ Niết-bàn được thông-dụng hơn. Chữ Niết-bàn có nghĩa gốc như sau: Nir là ra khỏi; Vana là khu rừng u-tối; như vậy, theo nghĩa đen thì ''đắc Niết-bàn'' là ra khỏi khu rừng âm-u; và theo nghĩa rộng là lià bỏ được nơi đen-tối, phiền-muộn. Nghĩa chuyên-môn trong Phật-học, Niết-bàn là cảnh-giới an-tịch vắng-vẻ, chẳng còn khổ-sở, trỏ vào tâm-trạng của hành-giả đã diệt-trừ xong tất cả các phiền-não và các chướng-ngại, sống trong cảnh an-nhiên, tự-tại. Đừng lầm khi cho rằng Niết-bàn là một nơi chốn xa-xôi nào đó, hết khổ, chỉ có sướng thôi, mà người tu-hành mong đi đến đấy.

Phật-học phân-biệt hai loại Niết-bàn: (1) Hữu-dư Niết-bàn, cảnh-giới của bực đắc quả-vị A-la-hán, chẳng còn tái-sanh nữa, dứt trừ hết phiền-não nơi tâm, còn tấm thân nầy sống an-nhiên và tự-tại; (2) Vô-dư Niết-bàn, cảnh-giới an-tịch của hành-giả đắc A-la-hán, sau khi trút bỏ tấm thân thể-xác đã dứt hết nghiệp-báo. Chữ ''dư,'' trong Hữu-dư, là dư-y, là các nghiệp-báo còn sót lại; vô-dư là vô-dư-y là đã dứt sạch hết các nghiệp-báo.

Giờ đây xin quay lại với tiểu-mục số 074, Phần Phỏng-dịch: Có Niết-bàn chăng? Vua Di-Lan hỏi Na-Tiên:

- Nghĩ cho kỹ, có Niết-bàn chăng? 

- Xét cho kỹ thì có Niết-bàn. 

- Na-Tiên có thể chỉ cho Ta thấy Đức Phật ở tại xứ-sở nào nơi Niết-bàn chăng? 

- Chẳng thể chỉ cho thấy được... Ví như có người đốt lửa to lên, rồi dập tắt... thì ta đâu thể chỉ rõ ánh lửa sáng hiện ở chỗ nào được.

Lời đối-đáp nầy cho thấy rõ: Niết-bàn chẳng phải là nơi chốn, để có thể chỉ bằng tay cho mắt thấy được. (Điều nhận-xét nầy đã có ở một đoạn trước.)

Trở lại tiểu-mục số 046 về Thời-gian, Na-Tiên có nói:

- Đối với bực đã đắc Nê-hoàn (Niết-bàn) thì chẳng có thời-gian dài lâu; đối với kẻ chưa đắc đạo còn phải sống đi chết lại thì có thời-gian lâu dài... 

Đây là đặc-tánh thường-hằng của Niết-bàn, một ý-niệm siêu-thế có tánh-cách phi-thời-gian-tính: Niết-bàn ở đó, còn đó, mãi-mãi như vậy là như vậy.

Đặc-tánh phi thời-gian-tính của Niết-bàn rất gần với ý-nghĩa của ''Đạo Niết-bàn là vượt qua, chẳng trở lại'' được nói tại tiểu-mục số 065, Phần Phỏng-dịch:

Vua hỏi Na-Tiên:

- Đạo Niết-bàn là vượt qua đi mà chẳng còn có chỗ nào trở lại nữa chăng? 

- Đạo Niết-bàn chẳng còn chỗ nào là có trở lại nữa. Người ngu-mê cứ mãi lo cho tấm thân trong ngoài, thích được ngồi êm; cho nên chẳng thể đắc độ-thoát khỏi sanh, già, bịnh, chết. Người hiền-trí học Đạo, trong ngoài thân chẳng vướng-mắc: chẳng ân-ái, chẳng ham-muốn nên chẳng có bào-thai; chẳng có bào-thai thì chẳng sanh, già, bịnh, chết; hễ chẳng sanh, già, bịnh, chết thì chẳng sầu lo, nội-tâm chẳng đau-đớn, tức liền đắc đạo Niết-bàn. 

Nhà Vua lại tò-mò hỏi, nơi tiểu-mục số 066: 

- Các người học Đạo tất đắc được Niết-bàn hết cả chăng? 

- Chẳng đắc được Niết-bàn hết tất cả. Các bực học đạo chơn-chánh, hướng về điều thiện, niệm điều thiện, phụng-hành điều thiện, chỗ chẳng đáng niệm, chẳng đáng phụng-hành thì lìền lià xa, dứt bỏ; người như thế thì đắc Niết-bàn. 

Và nơi tiểu-mục tiếp theo, số 067, Vua cũng tò-mò hỏi thêm Na-Tiên về người chưa đắc Niết-bàn:

- Người chưa đắc được Niết-bàn, có thể biết Niết-bàn là điều sướng-khoái chăng? 

- Dĩ nhiên, người tuy chưa đắc được Niết-bàn cũng biết Niết-bàn là sướng-khoái. 

Vì lý-do nào, chưa chứng thấy mà lại biết chắc? Tại vì, theo lời Na-Tiên, thấy người đi trước đắc Niết-bàn được sung-sướng, kẻ đi sau biết chắc Niết-bàn là an-vui. Và Na-Tiên đưa ra một thí-dụ tương-tự rất xác-đáng: cũng như thấy kẻ bị cắt chơn tay đang la-khóc, thì ta biết ngay rằng, hễ bị chặt tay chơn là có đau-khổ, mặc dầu thân-thể của mình vẫn còn lành-lặn. Vậy, tuy tự mình chưa chứng thấy, chưa có được kinh- nghiệm bản-thân, nhưng thấy kẻ khác đang vui hưởng an-lạc trong cảnh-giới Niết-bàn, thì mình cũng biết chắc Niết-bàn là sướng-khoái.

*

147.- Sống đến bao giờ mới ''nhập Niết-bàn''?


Ngoài ý-kiến sai-lầm cho rằng Niết-bàn là một nơi chốn ra, thường-nhơn lại còn lầm-tưởng ''đắc Niết-bàn'' hoặc ''nhập Niết-bàn'' là chết đi; họ còn chưa hiểu được Niết-bàn ở tại đây và ngay bây giờ. Như đã biết, Phật-học phân-biệt Hữu-dư Niết-bàn với Vô-dư Niết-bàn ở chỗ là người còn sanh-hoạt tại thế-gian, vẫn đắc được Niết-bàn, một khi được giải-thoát khỏi mọi phiền-não ràng-buộc, sống cuộc đời an-nhiên tự-tại. Có lẽ, vì thường thấy khi một vị cao-tăng nào qua đời, người ta bảo vị ấy đã viên-tịch, đã nhập-diệt, đã đi vào cõi Niết-bàn rồi, nên phần đông dân chúng đã đồng-hóa chữ Niết-bàn với cái chết của một bực tu-hành. Đâu phải vậy! Niết-bàn là một cảnh-giới, đúng ra là một tâm-trạng của con người đã hoàn-toàn giải-thoát khỏi các phiền-não, ràng-buộc. Người đắc Đạo vẫn sống, và sống trong cảnh-giới Niết-bàn ngay tại đây và hiện bây giờ!

Tiểu-mục số 041, chấm dứt Quyển Thượng, đã nêu lên thắc-mắc của vua Di-Lan về: tại sao bực đắc-đạo còn sống lại phải chịu khổ?, và được Tì-kheo Na-Tiên phá-giải bằng một lời nói vô-cùng thâm-thúy của Đại-đức Xá-lợi-phất (Pali: Sariputta). Ta nên đọc kỹ tiểu-mục ấy, tóm-tắt lại, rồi sau đó sẽ có vài nhận-xét.

Vua Di-Lan hỏi Na-Tiên:

- Như người đắc đạo, chẳng phải sanh lại ở đời sau, có còn phải chịu cảnh khổ nữa không? 

- Hoặc còn phải chịu khổ nữa, hoặc chẳng còn phải khổ nữa. 

- Thế nào là còn phải chịu khổ, là chẳng phải chịu khổ nữa? 

- Thân còn chịu khổ; tâm-ý hết chịu khổ. Sở dĩ thân còn phải chịu khổ là vì trong hiện-tại thân đó còn là nguồn-gốc của sự khổ. 

Tâm-ý sở dĩ hết khổ là vì đã dứt bỏ tất cả các điều ác, chẳng còn ham-muốn chi, cho nên chẳng phải chịu khổ nữa. 

- Nếu như người đắc đạo chẳng thể lià thân khổ nầy, thì đó là chưa đắc được đạo Nê-hoàn (= Niết-bàn) chăng? Người đắc đạo chẳng còn ân-ái, mà thân còn khổ, dẫu tâm-ý đã an-ổn, thì sự đắc đạo để làm gì? Nếu như người đắc đạo đã thành-công, thì vì cớ gì mà còn lưu lại ở đây? 

- Thí dụ như trên cây, trái còn chưa chín thì chẳng vội hái, nên đợi cho chín muồi. Đại-Vương có biết lời nói của Đại-đức Xá-lợi-phất chăng. Ngài Xá-lợi-phất lúc còn sống có nói: ''Tôi chẳng cầu chết, tôi cũng chẳng cầu sống, tôi chỉ chờ đúng thời ra đi thì ra đi.'' 

Vua khen ngợi: ''Lành thay! Lành thay!'' 

Tóm-tắt:

Vua Di-Lan có hai thắc-mắc: (1) người đang sống đắc đạo có còn phải chịu khổ nữa không?; (2) đã đắc đạo rồi mà thân vẫn còn khổ, sao chẳng lìa thân đi; nếu giữ thân sống thêm, hóa ra đắc-đạo chẳng vô-ích lắm hay sao?

Về thắc-mắc thứ nhứt, Na-Tiên giải-đáp: người đã đắc đạo còn sống thì thân còn khổ mà tâm dứt hết các phiền-não rồi nên hết khổ. 

Để giải-tỏa mối thắc-mắc thứ hai về việc ''tìm cái chết cho hết khổ'', Na-Tiên đưa ra một thí-dụ rất hay: ''trái cây chưa chín, chưa vội hái, nên đợi lúc trái đã chín muồi.'' 

Và Na-Tiên nhắc lại lời nói vô cùng quí-báu của Ngài Xá-lợi-phất: ''Tôi chẳng cầu chết, tôi cũng chẳng cầu sống, tôi chỉ chờ đúng thời ra đi thì ra đi.''



Nhận-xét:

1.- Người đắc đạo đang sống thì thân vẫn còn cảm-xúc nên phải chịu cảnh khổ của già và bịnh; nhưng về phần tinh-thần, tâm-ý đã thoát khỏi các phiền-não, chướng-ngại, nên được an-nhiên, tự-tại. Đây là dịp khiến ta nên suy-gẫm đến hai chữ đau-khổ trong tiếng Việt. Đau khác, Khổ khác. Đau là thân đau; còn Khổ là tâm khổ; như khi có cái răng đau, miệng thì nhức-nhối, sao ta lại còn chồng thêm nỗi khổ lên cho tâm, để khiến lòng phải buồn-bực, bứt-rứt? Đau răng vẫn còn chưa đủ hay sao, mà lại sanh thêm bực-tức, cau-có để gây Khổ cho lòng mình và cho cả các người ở chung quanh?

2.- Thử phân-tách và tìm hiểu thêm về câu nói quí-báu của Ngài Xá-lợi-phất:

a.- Tôi chẳng cầu chết: Tại sao? Vì tấm thân hiện nay còn đây chỉ là tấm thân dư-y; sở dĩ còn sống là để trả nốt các dư-nghiệp còn sót lại. Hơn nữa, cầu chết là thái-độ trốn tránh nợ đời; khi nghiệp-lực vẫn còn mà cầu lấy cái chết, thì theo vòng Luân-hồi phải tái-sanh lại, để rồi lại phải chịu Khổ dài-dài. Lại nữa, mạng-sống con người là điều vô-cùng quí-giá, nhờ nó mà ta mới có đủ cơ-duyên biết đến, và tu-tập theo, con đường giải-thoát vĩnh-viễn.

b.- Tôi cũng chẳng cầu sống: Tại sao? Khi sanh ra, nào phải tự tôi cầu cho tôi được sanh ra đâu, vòng Luân-hồi cứ xoay chuyển mãi theo nghiệp-lực cũ mà tái-sanh. Trong cuộc sống hiện-tại còn lại đây, mọi sự ham-muốn đều chấm dứt nơi tâm tôi, còn có điều chi nữa khiến tôi cố đòi ham sống để hưởng? Tâm tôi an-nhiên xem cả hai sự sống và sự chết đều ngang nhau; sống gởi, thác về, nào có chi mà ngại, mà cầu chớ?

c.- Tôi chỉ chờ đúng thời ra đi thì ra đi: Lúc nào mới đúng thời ra đi? Đó là lúc đã dứt sạch nghiệp, do một cái chết tự-nhiên và thanh-thản mang đến. Tôi ra đi, chẳng chút luyến-tiếc, cũng chẳng chút háo-hức, an-nhiên mà ra đi vào cõi vắng-lặng.

d.- Đây là lời nói của một bực đắc đạo, hoàn-toàn giác-ngộ về lẽ sống chết trong vòng Luân-hồi và con đường giải-thoát về nơi an-lạc vĩnh-cửu. Tưởng nên đóng khung lại câu nói ngàn vàng nầy, để ghi lấy làm điều tâm-niệm: 

* Tôi chẳng cầu chết, tôi cũng chẳng cầu sống,

* Tôi chỉ chờ đúng thời ra đi, thì ra đi.

-----*-----




tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   44   45   46   47   48   49   50   51   ...   59




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương