Kinh tì-kheo na-tiên càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, trang 706-753 Thiện Nhựt phỏng dịch và tìm hiểu Nguồn


- Trí-huệ với Bản-năng, và với Nghiệp-lực



tải về 1.4 Mb.
trang45/59
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích1.4 Mb.
#19794
1   ...   41   42   43   44   45   46   47   48   ...   59

138.- Trí-huệ với Bản-năng, và với Nghiệp-lực .


Nơi cuối tiểu-mục số 019, Vua Di-Lan hỏi:

- Trâu, ngựa, thú-vật nuôi trong nhà có trí hay chẳng có trí? 


- Trâu, ngựa, thú-vật nhà đều có trí cả, nhưng tâm chẳng đồng.

Xin đồng-ý với Na-Tiên về điểm thú-vật cũng có trí-huệ, nhưng trí-huệ ấy chẳng phát-triển được như trường-hợp của loài người. Thú-vật có tâm hay không, thì ta chẳng thể có câu trả lời nầy chung cho mọi loài; đối với các loài thú-vật nuôi trong nhà, nhứt là những con vật như khỉ, chó, voi, két, rất khó mà quả-quyết chúng chẳng có tâm. Điều chắc-chắn là nơi các hạng chúng-sanh thấp-kém nầy, cuộc sống tùy theo bản-năng nhiều hơn là nương vào trí-năng.

Tiểu-mục số 090: Người trí, kẻ ngu cùng làm ác, ai nặng tội hơn? đã được xét qua rồi, nhưng nay tại đây xin có thêm một cái nhìn khác về phương-diện hành-nghiệp (hành-động cố-ý, đã tạo nên nghiệp). 

Cả hai người làm lỗi đều có gây ra ý-nghiệp, nhưng người trí biết thành-tâm sám-hối, nên ngày qua ngày, ý-nghiệp sẽ nhẹ đi, bớt được ảnh-hưởng của nghiệp-lực; còn kẻ ngu kia vì cố-tâm hành-động nên ý-nghiệp vẫn còn nguyên đó, chỉ chờ đủ cơ-duyên đưa đến nghiệp-quả nặng-nề. Chung qui, nhờ trí-huệ biết sám-hối, tâm mới trở nên thanh-tịnh hơn, và do đó mà có cơ chịu tai-ương nhẹ bớt đi được.

Lẽ ra, bàn về Trí-huệ được nói trong quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'' đến đây cũng tạm đủ; nhưng có một đoạn văn trong sách, rất dài-dòng, nói về Trí nhớ, tuy không liên-quan đến Trí-huệ nhiều, nhưng nội-dung lại thuộc về Trí-năng, tưởng nên nhân đây đem ra xét luôn: đó là hai tiểu-mục số 081 và số 082.

*

139.- Trí nhớ và các cách nhớ lại của con người.


Một trong những khả-năng quan-trọng của Tâm-trí con người là nhớ lại các việc đã xảy ra trong quá-khứ. Khả-năng nầy trong khoa Tâm-lý hiện-đại gọi là Ký-ức (ký= ghi chép; ức= nhớ nghĩ). Cùng với tuổi già, trí-óc lu mờ đi khiến cho ký-ức trở nên yếu-ớt và có người già-cả lại bị bịnh mất trí nhớ, trở nên lú-lẫn.

Vua Di-Lan hỏi Tì-kheo Na-Tiên nơi tiểu-mục số 081:

- Con người có khả-năng nào để nhớ lại được các sự-việc đã xảy ra thật lâu-xa chăng? 

Câu trả lời của Na-Tiên lại trỏ vào một trường-hợp đặc-biệt:

- Người ta lúc ưu-sầu hay nhớ đến các sự-việc xảy từ lâu-xa. 

Nếu sự ưu-sầu khiến ta nhớ lại, thì sự mừng-rỡ, háo-hức cũng có thể gợi lại trong đầu hình-ảnh cũ. Nhưng xét cho cùng kỳ lý, dĩ-vãng đã qua rồi, chẳng có cách chi mà diễn-tả lại đúng trăm phần trăm cho được, vì lẽ hình-ảnh cũ được nhắc lại thật-sự chỉ là sự tái-tạo, với nhiều thêm bớt, tô bóng hoặc bôi đen, và thái-độ cùng tình-cảm của người nói lẫn người nghe lại chính là tình-cảm và thái-độ đương-thời, chớ chẳng thể nào phù-hợp hoàn-toàn với khung-cảnh ngày trước. Đó là điều mà Vua Di-Lan và Tì-kheo Na-Tiên đã nhận-định tiếp theo:

- Ngay bây giờ, Ta có nhớ lại, nhưng chẳng giống đúng hẳn. 

- Có thể là chẳng giống đúng, bởi vì Đại-Vương đã tưởng-tượng thêm ra. 

Kế đó, sang qua tiểu-mục tiếp theo, số 082, Tì-kheo Na-Tiên đã vì vua Di-Lan mà kể ra 16 cách để nhớ lại việc cũ. Rất khó sắp-xếp cho có thứ-tự cả 16 cách nhớ nầy: nào là vì việc cũ là một đại-sự nên được nhớ dai, nào là vì khổ-sở, vì nghĩ đến điều lành mà hồi-tưởng lại cảnh cũ, nào là vì được nhắc lại, vì có tính-toán, có ghi chép, có chỉ-dạy cho kẻ khác, có mắc nợ-nần, v.v... mà chẳng quên việc xưa. Xét cho kỹ 16 ''cách nhớ'' đó, hầu hết chẳng phải thật-sự là những ''cách'' đã làm cho ta nhớ lại được, mà chỉ là những ''dịp'', những ''lúc'', nào mình được nhắc-nhở để nhớ ra lại. Trong khoa Tâm-lý-học ứng-dụng vào việc giáo-dục, có vài cách để dạy học-sinh nhớ dai. Xin tạm kể ra ba bốn điều, để phụ vào 16 ''cách'' của Na-Tiên:

1.- Cách để nhớ dai đầu-tiên là phải chịu khó ôn lại. Điều đã học, dầu được ghi chép cẩn-thận, nếu lâu lâu chẳng giở ra xem lại, thì có thể quên đi mất. Vì thế, phương-châm của giáo-dục là sự lập-lại thật nhiều lần, sự thường ôn lại cho nhuần.

2.- Muốn nhớ kỹ một từ-ngữ lạ, thì phải vận-dụng các giác-quan cùng một lúc: tai nghe tiếng Thầy dạy, miệng lẩm-bẩm nhắc lại tiếng đó, tay viết lên giấy chữ đó, và mắt nhìn vào cho kỹ. Như thế, sau nầy rủi có quên, thì cả mấy giác-quan đó sẽ giúp cho việc cố nhớ lại. 

3.- Khi muốn nhớ dai nhiều điều cùng một lúc, nên sắp-xếp các điều ấy thành một hay hai ''câu thiệu'', rồi học thuộc lòng, sau nầy sẽ nhớ lại được đủ hết. Thí-dụ, 21 tỉnh miền Nam Việt-Nam ngày xưa được ghi trong hai câu thiệu nầy: 

Gia, Châu, Hà, Rạch, Trà, Sa, Bến, Long, Tân, Sóc; 
Thủ, Tây, Biên, Mỹ, Bà, Chợ, Vĩnh, Gò, Cần, Bạc, Cấp.

Sau khi học thuộc lòng nhiều lần, hễ phải kể lại 21 tỉnh ấy, chỉ cần nhớ lại hai câu thiệu và thêm vào:

Gia-định, Châu-đốc, Hà-tiên, Rạch-giá, Trà-vinh, Sa-đéc, 
Bến-tre, Long-xuyên, Tân-an, Sóc-trăng; 
Thủ-dầu-một, Tây-ninh, Biên-hoà, Mỹ-tho, Bà-rịa, Chợ-lớn, 
Vĩnh-long, Gò-công, Cần-thơ, Bạc-liêu và Cấp (Vũng-Tàu).

Đó là cách nhớ nhiều việc trong một lần.

4.- ''Trí nhớ ở đầu ngón tay'': học chữ Nho, một chữ có nhiều nét ngoằn-ngoèo, khi học chữ mới, đưa ngón tay trỏ vẽ chữ ấy lên trên không-khí nhiều lần, sau nầy muốn nhớ lại, lấy ngón tay cứ vẽ lại, sẽ dễ nhớ. Ap-dụng lối nhớ nầy tại các tủ đựng áo ở nhà trường dành cho mỗi học-sanh, mỗi trò có một ống khoá-số, mà bí-số (số bí-mật) dành riêng chỉ người xử-dụng biết mà thôi: dùng ngón tay mở tới mở lui nhiều lần, hằng ngày thì quen tay. Bỏ lâu chẳng dùng, như trong thời-gian nghỉ hè, đi học trở lại, quên mất bí-số, thì cứ lấy ngón tay xoay tới xoay lui một lát, may ra sẽ nhớ lại bí-số của mình...

Còn nhiều ''thuật'' khác nữa, tùy theo sự tưởng-tượng phong-phú của từ cá-nhơn, nhưng với 16 cách nhớ của Na-Tiên đã quá nhiều rồi, Thiện-Nhựt chỉ dám kể thêm 4 cách nữa cho chẵn ... hai chục!

Trước khi chấm dứt Phần Tìm hiểu về vấn-đề Trí-Huệ, lại một lần nữa, Thiện-Nhựt xin nhắc lại:

1.- Giáo-lý nhà Phật tuy rất bao-quát nhưng có thể thu-gọn lại về mặt thực-hành vào ba môn: Giới-Định-Huệ. Nhờ giữ giới thanh-tịnh mà hành-nghiệp được trong-sáng, khiến thân-tâm an-tịnh, tâm sớm vào định-lực. Nhờ có định-lực mạnh-mẽ mà Trí-huệ phát-triển, diệt-trừ các phiền-não, chướng-ngại, sớm đến nơi giác-ngộ và giải-thoát.

2.- Việc giác-ngộ và giải-thoát phải tự-mình thực-hiện lấy, chẳng thể nào trông-chờ vào sự cứu-rỗi của bất cứ ai. Và trong nỗ-lực nầy, hành-giả phải nhờ vào Trí-huệ sẵn-có nơi mình, được tăng-trưởng thêm dọc theo con đường tu-tập. Vì lẽ đó, vấn-đề Trí-huệ là vấn-đề hàng đầu mà người học Phật phải lưu-tâm đến.

3.- Phật-học có rất nhiều pháp-môn, từ niệm Phật vãng-sanh, giữ giới đầu-đà, tu-tập các cấp thiền-định, trì-chú theo mật-tông, v.v... có pháp-môn Bát-nhã (Trí-huệ) chủ-trương dùng các khả-năng của Trí-huệ tu-tập hầu sớm đắc Đạo. Nhưng việc đi sâu vào các chi-tiết của pháp-môn nầy lại nằm ngoài lãnh-vực Tìm hiểu quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'', vì thế, Thiện-Nhựt chỉ nói lướt qua; người đọc muốn biết thêm, xin chịu phiền tìm đọc bản Kinh căn-bản của pháp-môn đó là bản Tâm-Kinh Bát-nhã Ba-la-mật, chỉ có võn-vẹn 260 chữ mà thôi.

-----*-----



tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   41   42   43   44   45   46   47   48   ...   59




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương