Kinh tì-kheo na-tiên càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, trang 706-753 Thiện Nhựt phỏng dịch và tìm hiểu Nguồn


- Tứ niệm-xứ: bốn lãnh-vực để giữ chánh-niệm



tải về 1.4 Mb.
trang42/59
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích1.4 Mb.
#19794
1   ...   38   39   40   41   42   43   44   45   ...   59

129.- Tứ niệm-xứ: bốn lãnh-vực để giữ chánh-niệm.


Nơi tiểu-mục số 024, Phần Phỏng-dịch, Vua Di-Lan hỏi Na-Tiên:

- Bốn sự dừng-ý là những gì?

Na-Tiên gọi Tứ niệm-xứ là Bốn sự dừng-ý, và giải-thích:

- Đức Phật dạy: ''Một là quán thân, thì thân dừng lại; hai là quán sự đau-đớn thì sự đau-đớn ngừng lại; ba là quán tâm-ý, thì ý dừng lại; bốn là quán pháp, thì pháp dừng lại. Đó là bốn phép quán dừng-ý.'' 

Lời giải-thích nầy của Na-Tiên đã dựa trên bản Kinh Niệm-xứ, một bản Kinh rất quan-trọng dạy cách giữ gìn chánh-niệm, khi tu-tập thiền-quán (Kinh Satipatthana, Trung-Bộ Kinh, bản kinh số 10; Pali: Satipatthana, Majjhima Nikaya, 10). Bốn lãnh-vực quán-niệm mà ta cần giữ chánh-niệm là: (1) quán thân; (2) quán thọ; (3) quán tâm và (4) quán pháp. Như thế, nơi lãnh-vực thứ hai: quán thọ, Na-Tiên đã dùng chữ ''sự đau-đớn'' để chỉ một loại cảm-thọ, được nói trong Kinh Niệm-xứ. 

Lại nữa, Na-Tiên bảo, (hễ) ''quán thân thì thân dừng lại...'', chữ ''dừng'' nầy có nghĩa là các tư-tưởng, các ý-nghĩ trong tâm, lúc đang quán thân, đều dừng, đều trụ lại, chẳng còn chạy bông-lông, bị xao-lãng về các vấn-đề khác. Đấy là công-năng của việc quán, khiến cho chánh-niệm khởi lên và an-trú ngay trong lãnh-vực đang quán-chiếu; nói cách khác, khi quán thân thì giữ được chánh-niệm an-trụ lại trên ý-niệm thân-thể và vắng bóng các ý-tưởng khác. Đó là phương-pháp đào-luyện sự tập-trung tư-tưởng trong các phép quán-niệm, khiến cho tâm trở nên thanh-tịnh để sớm đi vào thiền-định.

*

130.- Bốn sự đoạn-ý chẳng phải là Tứ Chánh-cần .



Nhóm thứ hai Bốn sự đoạn-ý trong Ba mươi bảy Phẩm Kinh được Na-Tiên nói đến nơi tiểu-mục số 025, chắc chắn chẳng phải là nhóm thứ hai: Tứ Chánh-cần, tức là bốn nỗ-lực làm cho các điều thiện tăng-trưởng thêm lên, được nói trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo. 

Thế nào là đoạn-ý? Na-Tiên giải-thích:

-... khi đã phân-biệt được bốn sự dừng-ý rồi, thì chẳng nhớ nghĩ đến nữa, đó là bốn sự đoạn-ý...

Theo sự giải-thích như vậy, thì đoạn-ý có nghĩa là chẳng nhớ nghĩ đến nữa. Phải chăng Na-Tiên muốn nói, hễ khi tâm-ý đã dừng lại được rồi, thì đừng nhớ nghĩ gì đến các việc khác nữa. Nếu đúng như thế, thì bốn sự đoạn-ý được Na-Tiên nói đến, thật ra, vẫn còn nằm trong lãnh-vực Tứ niệm-xứ của Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo; vì khi ta tu-tập quán-niệm mà giữ được chánh-niệm an-trú, thì mọi tư-tưởng khác đều vắng bóng, chỉ còn lưu lại có đề-tài thiền-quán duy-nhứt nơi tâm-ý đang tập-trung. 

Và ta có thể kết-luận: nhóm thứ nhứt dừng-ý và nhóm thứ hai đoạn-ý, do Na-Tiên nói đến trong Ba mươi bảy Phẩm Kinh, cũng chỉ là một nhóm mà thôi, vì dừng ý rồi đoạn ý chỉ là một hành-vi duy-nhứt của tâm: bỏ các ý khác để chỉ chọn một ý mà quán-niệm. 

Thế nào là Tứ Chánh-cần trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo? Đó là bốn nỗ-lực để khiến các điều ác bị tiêu-diệt và đồng thời làm gia-tăng thêm lên các điều thiện. Tứ Chánh-cần là tên khác của Tinh-tấn.

Bốn nỗ-lực nào?

1.- Điều ác đã sanh, phải cố dứt-trừ;


2.- Điều ác chưa sanh, phải cố ngăn-ngừa đừng cho sanh;
3.- Điều thiện chưa sanh, phải cố làm nẩy-sanh ra;
4.- Điều thiện đã sanh, phải cố làm tăng-trưởng thêm.

Có được như thế thì mới mong có ngày dứt hết các ác-nghiệp và chẳng còn bị nghiệp dẫn-dắt đi tái-sanh trong cõi Luân-hồi lận-đận. 

Nhân đây, xin nhắc đến tiểu-mục số 036, Vua Di-Lan hỏi Na-Tiên:

- Phải chăng các loại Kinh trước sau có dạy nhiều điều khác nhau, nhưng cũng đều chung một hướng là nhằm diệt tất cả các điều ác?

Câu trả lời của Na-Tiên được kèm một thí-dụ cụ-thể:

- Dĩ nhiên, Kinh Phật dạy nhiều loại thiện, nhưng cũng chỉ hướng về nhằm diệt mọi điều ác. Ví như Vương phát bốn đạo binh ra đi chiến-đấu, ý lúc khởi-hành là để công-kích địch-quân, diệt tất cả mọi điều ác vậy. 

Thí-dụ về đánh giặc nầy được nhà Vua tán-thưởng nhiệt-liệt:

- Lành thay! Na-Tiên nói Kinh thật vô cùng thích-thú!

*

131.- Phải chăng Bốn niệm thần-túc là Tứ Như-ý-túc?


Nơi tiểu-mục số 026, Vua Di-Lan hỏi:

- Bốn niệm thần-túc là những gì?

Câu trả lời của Na-Tiên lại liên-quan đến bốn sự thần-thông, mà các bực đắc đạo-quả A-la-hán đã chứng được:

- Thứ nhứt là mắt có thể nhìn thấy thấu-triệt. Hai là tai có thể nghe rõ được thấu-triệt. Ba là cò khả-năng biết rõ tâm-trạng của kẻ khác. Bốn là thân-thể có khả-năng bay cao. 

Bốn khả-năng siêu-phàm đó thường được gọi trong Kinh-sách là bốn thần-thông: (1) thiên-nhãn-thông, (2) thiên-nhĩ thông, (3) tha-tâm-thông, và (4) thần-túc-thông (bay cao). Muốn đắc được bốn thần-thông nầy, theo lời Na-Tiên có nói trước đó ở tiểu-mục số 025, là khi đạt được bốn sự đoạn-ý thì liền đạt được bốn niệm thần-túc.

Thế còn Tứ Như-ý-túc trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo là những gì? Đó là bốn điều tâm-nguyện khi tu-hành mong đạt được sự thành-công đầy-đủ trọn-vẹn:

1.- Dục như-ý-túc: mong muốn được thành-tựu hoàn-toàn chí-nguyện tu-hành của mình;

2.- Tinh-tấn như-ý-túc: nỗ-lực thật dõng-mãnh để đạt trọn-vẹn chí-nguyện tu-hành của mình, dầu phải hy-sanh thân-mạng; 

3.- Nhứt-tâm như-ý-túc: một lòng chuyên-chú đến chí-nguyện tu-hành, chẳng hề để cho tâm tán-loạn, bị cảnh bên ngoài quyến-rủ.

4.- Quán như-ý-túc: dùng trí-huệ quán-sát chí-nguyện tu-hành của mình, thấu rõ sự nguy-hiểm của đường ác và sự lợi-lạc của đường lành.

Như thế, có sự khác-biệt rõ rệt giữa Bốn niệm thần-túc trong sách Tì-kheo Na-Tiên với Tứ Như-ý-túc trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo.

*

132.- Năm căn và năm lực là những gì?


Nơi hai tiểu-mục số 027 và 028, Vua Di-Lan hỏi: 

- Thế nào là năm căn và năm lực? 

Na-Tiên đã dùng năm giác-quan (mắt, tai, mữi, lưỡi, và thân) làm năm căn, và năm sự kềm-chế các giác-quan làm năm lực, để trả lời. Na-Tiên nói:

- Thứ nhứt, mắt thấy sắc đẹp, sắc xấu, ý chẳng dính-mắc.Thứ hai, tai nghe tiếng tốt, lời mắng, ý chẳng dính mắc, v.v... đó là năm căn. Một là kềm-chế mắt; hai là kềm-chế tai, ... để cho ý khỏi bị sa-đoạ, đó là năm lực.

Nhưng trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo, ngũ căn, ngũ lực, lại được kể ra như sau:

1.- Tín-căn, niềm tin nơi Chánh-Pháp, và Tín-lực, sức mạnh của niềm tin đó, có được nhờ sự tu-tập;

2.- Tấn-căn, nỗ-lực diệt-trừ điều ác để gia-tăng điều thiện, và Tấn-lực, sức mạnh của sự cố-gắng bền-bỉ đó;

3.- Niệm-căn, tâm nhớ nghĩ luôn luôn đến lục niệm: (1) niệm Phật, (2) niệm Pháp, (3) niệm Tăng, (4) niệm Giới, (5) niệm Thí, (6) niệm Thiên. Còn Niệm-lực là sức mạnh của niệm-căn được tu-tập thêm vững-bền. 

4.- Định-căn, tâm luôn an-trú trong chánh-niệm. Định-lực là sức mạnh đưa tâm an-tịnh vào các cõi thiền-định.

5.- Huệ-căn, trí sáng phát-giác các phiền-não, vọng-tưởng. Huệ-lực là sức mạnh của trí-huệ quét sạch vọng-tưởng, cắt đứt phiền-não.

So-sánh năm căn, năm lực ở hai nơi, sách ''Tì-kheo Na-Tiên'' nầy với Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo, ta thấy có sự khác-biệt; nhưng nếu xét theo ''nghĩa gốc'' của chữ căn = nguồn-gốc làm phát-sanh, thì cả hai nơi đều hợp-lý cả: (1) năm giác-quan, được gọi là năm căn, vì từ các nơi đó phát-sanh ra sự hay-biết về cảnh bên ngoài; (2) từ tín-căn đến huệ-căn được gọi là năm căn, vì từ các nơi đó phát-sanh ra các điều lành. Hóa ra, chẳng có sự chống-đối giữa hai loại năm căn.

Mặt khác, lời đáp của Na-Tiên nói, năm lực là năm sự kềm-chế các giác-quan, chẳng để cho ý bị dính-mắc và sa-đoạ, khiến ta nhớ lại sự phòng-vệ các căn, sự hộ-trì các căn đã được chúng ta bàn qua về Lý Mười hai Nhân-Duyên, tại hai Nhân-duyên: Xúc và Thọ. Khi các căn (mắt, tai, mũi...) được phòng-vệ, hộ-trì, thì sự tiếp-xúc (Xúc) với cảnh-vật bên ngoài chẳng lôi-kéo cảm-thọ (Thọ) chạy theo con đường ác; điều nầy cho ta thấy rõ sự kềm-chế đó là năm lực ở các giác-quan, tạo nên sức mạnh diệt điều ác và tăng thêm điều lành, cũng giống nhau với tấn-căn trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo. (Xin xem lại tiểu-mục số 120, Phần Tìm hiểu Nghĩa Ý.)

Hơn nữa, xem lại tiểu-mục số 040, ta thấy có một sự trùng-hợp giữa năm điều thiện của Na-Tiên kể ra, rất giống nhau với năm căn và năm lực trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo.

*



tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   38   39   40   41   42   43   44   45   ...   59




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương