Kinh tì-kheo na-tiên càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, trang 706-753 Thiện Nhựt phỏng dịch và tìm hiểu Nguồn


- Vấn-đề tái-sanh Luân-hồi: tin hay chẳng tin?



tải về 1.4 Mb.
trang40/59
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích1.4 Mb.
#19794
1   ...   36   37   38   39   40   41   42   43   ...   59

123.- Vấn-đề tái-sanh Luân-hồi: tin hay chẳng tin?


Vấn-đề tái-sanh trong vòng Luân-hồi đã được sách ''Tì-kheo Na-Tiên'' nầy bàn rất dài-dòng, mà Phần Tìm hiểu về Nghĩa Ý do Thiện-Nhựt viết lại càng thêm rườm-rà; nhưng Thiện-Nhựt vẫn còn thấy cần nên nói thêm một tiểu-đoạn nữa, để riêng tặng các bạn trẻ mà niềm tin chỉ đặt trọn-vẹn vào Khoa-học thực-nghiệm. 

Như có thưa trước (nơi tiểu-mục số 111, Phần Tìm hiểu Nghĩa Ý ), việc tái-sanh, nếu thật-sự có, phải xảy ra vào ba giai-đoạn: (1) khi chết ở thế-gian nầy, (2) có sự biến-đổi ở một cảnh-giới khác, (3) khi sanh trở lại ở đời nầy; trong ba giai-đoạn ấy, con người chỉ biết chắc có hai: giai-đoạn (1) và giai-đoạn (3), còn thời-gian ở cảnh-giới khác có sự thay đổi thế nào thì chẳng thể nào biết chắc được. Giai-đoạn (2) nầy vượt khỏi tầm nghe-thấy và hiểu-biết của con người ở thế-gian, và khoa-học thực-nghiệm trong hiện-trạng vẫn còn chưa thấy có khám-phá rõ-rệt nào. Chỉ có hai trường-hợp nầy mà thôi: (a) hoặc có tái-sanh; (b) hoặc chẳng có tái-sanh, chẳng thể còn có một trường-hợp thứ ba nào khác nữa. Và cũng chỉ có thể có hai thái-độ: (a) hoặc tin; (b) hoặc chẳng tin. Vậy thì, tại sao ta lại chẳng cân-phân lợi-hại của hai trường-hợp, bên nào ít, bên nào nhiều, để chọn một thái-độ cho đứng-đắn và hợp lý: tin hay chẳng tin? 

Người tin, tạm gọi là ông A, có thái-độ của kẻ tu-hành, tuân theo Chánh-Pháp, giữ gìn giới-luật, siêng làm điều thiện. Còn người kia chẳng tin, tạm gọi là ông B, có thái-độ của người chẳng biết gì đến Chánh-Pháp, tự cho mình có đủ tự-do hành-động điều thiện, điều ác, và mục-đích ở đời là theo đuổi các thú-vui vật-chất để hưởng-thụ.

Những gì xảy ra cho A và B, khi chẳng có tái-sanh thật-sự?

Bất-lợi: 

- A sẽ bị bất-lợi: 


= uổng mất công tu-hành, 
= bỏ qua dịp để hưởng-thụ các thú-vui vật-chất của đời; 

- B chẳng bị bất-lợi nào cả. 

Lợi: 

- A đang có lợi:


= được đời kính-nễ vì đức-hạnh;
= tránh được các tội-ác có thể gây hại cho mình và gia-đình

- B đang có lợi ''lớn'': 


= hưởng các thú-vui vật-chất cho thỏa-thích một đời.

Những gì xảy ra cho A và B, khi thật-sự có việc tái-sanh?

Lợi: 

- A sẽ được lợi: 


= được hưởng phước-báu vì hành-động thiện của mình; 
= có cơ-duyên được giải-thoát vĩnh-viễn khỏi cảnh Khổ; 

- B đang có lợi: 


= chẳng uổng-phí một đời vì hiện hưởng thú-vui vật-chất; 

Bất-lợi: 

- A chẳng bị bất-lợi nào cả. 

- B đang và sẽ bị bất-lợi: 


= hậu-quả hiện nay của hành-vi xấu-ác để giành danh-lợi; 
= quả-báo, kéo dài nhiều đời, của các hành-động xấu; 
= chẳng bao giờ có cơ-hội để được giải-thoát vĩnh-viễn.

Cân-phân lợi-hại để quyết-định thái-độ tin hay chẳng tin, ta thấy rõ: cán cân nghiêng hẳn về phiá A: tin có tái-sanh. 

Dầu có tái-sanh hay chẳng có, A cũng vẫn có lợi: lợi vì giới-đức thanh-tịnh của mình trong hiện-đời, chẳng những tránh gây ra tội-ác mà còn đem lại sự kính-nể của người khác. 

Còn về phần B, mối lợi khi chẳng có tái-sanh, là hưởng-thụ các thú vui vật-chất, nhưng chỉ trong một đời mà thôi, chưa kể vì tranh giành danh-lợi có thể gây ra tội-ác và chịu hình-phạt trong hiện-đời. Nhưng khi có tái-sanh thật-sự thì mối bất-lợi vô-cùng to-tát của B, là phải chịu quả-báo trải qua nhiều đời nơi các ác-đạo; đó là chưa nói đến sự khiếm-khuyết mọi cơ-hội để được giải-thoát khỏi thân-phận khổ nhiều sướng ít của chúng-sanh cứ phải trầm-luân triền-miên trong cõi Luân-hồi.

Đối với các bạn trẻ chẳng chịu tin vào việc tái-sanh, Thiện-Nhựt xin mời xét qua hai điểm nầy: (1) lỗ-lã gì khi tin có tái-sanh, chẳng qua chỉ thiếu dịp hưởng-thụ bừa-bãi các thú-vui vật-chất; (2) còn mất-mát nào lớn hơn nữa, khi thật-sự có tái-sanh, là bỏ qua đi cơ-duyên được giải-thoát vĩnh-viễn mọi Khổ-sở, để hiện-hữu mãi mãi trong sự tự-do, tự-tại hoàn-toàn?

Về vấn-đề nầy, Thiện-Nhựt xin thưa nốt một điều tâm-sự, trước khi chấm dứt: Thiện-Nhựt tự xem mình là một Phật-tử, gọi Đức Phật là đấng Từ-phụ, có lẽ nào mình chẳng chịu tin lời của đấng Cha lành, khi Ngài bảo, chính Ngài đã nhìn thấy chúng-sanh chết nơi đây, sanh lại nơi kia. 

Làm con mà chẳng chịu tin Cha, thì còn tin ai đây?
 

III.- Vấn-đề: Phân-biệt các điều thiện, ác .

124.- Năm điều thiện và năm điều ác là những gì?


Đề-mục quan-trọng thứ ba là vấn-đề phân-biệt các điều thiện ác, tiếp theo các đề-tài: (I) tại sao đi tu làm sa-môn và (II) tái-sanh Luân-hồi, vừa xét qua. Nhắc lại: cuối tiểu-mục số 019, Phần Phỏng-dịch, khi Vua Di-Lan hỏi, ''người một lòng niệm Chánh-Pháp, ... siêng làm các điều thiện, phải chăng sẽ khỏi tái-sanh?'', Na-Tiên đáp, ''Phải '', rồi trong hai tiểu-mục số 020 và 021, có kể ra năm điều thiện và năm điều ác như sau:

a.- Năm điều thiện là: (1) thành-tín, (2) hiếu-thuận, (3) tinh-tấn, (4) nhứt-tâm và (5) trí-huệ;


b.- Năm điều ác là: (1) tham-dâm, (2) giận-hờn, (3) mê ngủ, (4) vui-đùa, (5) nghi-ngờ. 

Năm điều thiện vừa kể, khi ta xét qua nội-dung và tìm hiểu về Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo, thì thấy cũng tương-tợ với Ngũ căn, tức là năm nguồn-gốc làm phát-sanh ra các điều thiện. Còn năm điều ác thì dường như Na-Tiên nhắc đến Ngũ cái, tức là năm sự ngăn-che, năm cái nắp úp lên che đậy (Pali: Nivarana). Cái gì bị che-đậy? Đó là Trí-Huệ bị ngũ-cái che-mờ. Ngũ cái gồm có: (1) Tham-lam, (2) Giận-hờn, (3) Thụy-miên, Hôn-trầm (=mê ngủ), (4) Trạo, Hối (vọng-động và hối-tiếc), và (5) Nghi; năm cái nắp đó úp lên khiến Trí-huệ bị mờ.

Về ảnh-hưởng của năm điều thiện có thể phá tan được năm điều ác, nơi cuối tiểu-mục số 021, trang 18, Na-Tiên đưa ra một thí-dụ cụ-thể về viên ngọc thanh-thủy-châu của nhà Vua, có thể lọc sạch được nước bùn làm cho nước trở nên tinh-khiết để uống.

Thế nào là thiện, ác?, ta chẳng tìm thấy một định-nghĩa tổng-quát của hai chữ đối-nghịch nầy trong sách ''Tì-kheo Na-Tiên''. Thông-thường, điều thiện, còn gọi là điều lành, là điều có lợi cho kẻ khác và cũng lợi cho đường tu của mình. Những gì gây tổn-hại cho người, dầu có lợi về vật-chất cho mình, đều được xem là điều ác, còn được gọi là điều bất-thiện, chắc-chắn có hại cho đường tu của mình.

Trở lại với tiểu-mục số 020, Phần Phỏng-dịch, trả lời câu hỏi: Các điều thiện là những gì?, Na-Tiên có kể tới cả sáu điều: (1) thành-tín, (2) hiếu-thuận, (3) tinh-tấn, (4) niệm thiện, (5) nhứt-tâm, (6) trí-huệ. Nhưng điều (4) về ''niệm thiện'' có lẽ hơi dư-thừa, vậy nên xin tạm giữ lại năm điều thôi. Tiếp theo, Na-Tiên định-nghĩa và cho thí-dụ về mỗi điều thiện vừa kể, như sau:

1.- Thành-tín: là tin có Phật, có Kinh-Pháp, có Tăng-Ni, có A-la-hán; tin có đời nầy, đời sau; tin làm lành gặp lành, làm ác gặp ác. Như thế, đó là niềm tin, chẳng còn vướng chút nghi-ngờ nào, vào ngôi Tam-Bảo, vào sự tái-sanh Luân-hồi, và vào Luật Nhân-Quả. 

2.- Hiếu-thuận (tiểu-mục số 023): là tuân theo Ba mươi bảy Phẩm Kinh (Trợ Đạo), vì 37 phẩm Kinh nầy đều đặt căn-bản nơi sự hiếu-thuận. Khoan bàn về 37 Phẩm Trợ Đạo, ta thấy ngay có sự ''chẳng chỉnh'' trong lời Na-Tiên, hay đúng hơn, trong cách phiên-dịch lời nói của Na-Tiên ra chữ Hán. ''Chẳng chỉnh'' ở điểm nào? Chữ Hiếu-thuận vốn là một danh-từ trong Nho-giáo, chỉ các bổn-phận của con đối với cha-mẹ. Mặc dầu các bổn-phận nầy đều đặt căn-bản trên các điều thiện, nhưng chẳng vì thế, nếu dùng ở đây, danh-từ Hiếu-thuận sẽ gây hiểu-lầm là các điều thiện chỉ qui gọn vào các bổn -phận làm con trong gia-đình. Vả lại, khi xét đến nội-dung, ta thấy 37 Phẩm Trợ-Đạo bàn về các vấn-đề khác, đâu phải chỉ có hiếu và thuận.

So với bản dịch của N.K.G. Mendis, trong quyển The Questions of King Milinda, ấn bản BPS, Tích-Lan, năm 1993, điều thiện thứ hai nầy được ghi là Morality, tương-đương với danh-từ Hán-Việt là Đạo-đức, (tức là Giới-đức, Giới-luật, Đức-hạnh) thì có phần hợp-lý hơn. 

3.- Tinh-tấn: Nơi tiểu-mục số 022, Na-Tiên chẳng định-nghĩa thế nào là tinh-tấn mà liền đưa ra hai thí-dụ: (1) các vị tu-hành thấy người đi trước chứng-đắc các đạo-quả thì noi gương để nỗ-lực tu-hành theo; (2) nước sông tràn ngập hai bên bờ, dân-chúng chẳng dám lội qua; nhưng khi thấy một người khác từ xa đến, biết cách vượt qua, nên dân ở đó bắt chước lội qua theo. Sự bắt chước để noi gương các người đi trước đã thành-công, còn cần có một sự cố-gắng gia-công hơn lên; nỗ-lực đó mới chính là nghĩa của sự tinh-tấn.

Mãi đến tiểu-mục số 032, Na-Tiên mới đưa ra một định-nghĩa rất rõ-ràng và đầy-đủ về tinh-tấn: giữ điều lành, giúp cho điều lành thêm lớn, đó là tinh-tấn. Na-Tiên lấy thí-dụ đưa thêm quân tiếp-viện giúp binh-đội đang yếu-thế ở mặt trận, để thắng được; thí-dụ nầy rất phù-hợp với Vua Di-Lan, vì Vua cũng là vị tướng tài-giỏi.

4.- Nhứt-tâm (tiểu-mục số 034): cũng chẳng thấy Na-Tiên đưa ra định-nghĩa của chữ nhứt-tâm, mà chỉ nói đến tầm quan-trọng của sự-việc nầy làm nơi nương-tựa cho việc phát-sanh các điều thiện, thí-dụ như (1) tòa lâu-đài cần có nền-móng để dựng lên; như (2) ba quân dàn ra để bảo-vệ đức Vua khi ra trận. Và Na-Tiên kết-luận: Trong các đìều thiện, nhứt-tâm làm căn-bản; các người học Đạo trước nhứt nên qui về nhứt-tâm...

Nhơn dịp nầy, xin thêm vào đây định-nghĩa của sự nhứt-tâm: sự tập-trung tâm-ý, gom vào một điểm duy-nhứt. Nói cách khác, có sự nhứt-tâm, khi tâm an-định, chú-ý thật cao-độ vào một việc duy-nhứt, chẳng lảng-xao vì các việc khác; chẳng nghe, chẳng thấy gì ở bên ngoài. Thí-dụ: đang đọc Kinh, chú-ý vào lời Kinh, hiểu nghĩa Kinh, nghĩ đến việc áp-dụng lời Kinh vào sự tu-hành. Còn nếu ''miệng đang đọc-tụng mà cái bụng lại đi chợ'' thì chẳng hề có sự nhứt-tâm.

5.- Trí-huệ (tiểu-mục số 035): Na-Tiên nhắc lại lời mình đã nói khi trước về Trí-huệ ở tiểu-mục số 019, trí-huệ cắt-đứt được sự tham-ái, cũng như ta gặt lúa, cắt các cọng lúa vậy. Đây là khả-năng của Trí-huệ đoạn-trừ được tất cả các phiền não. Tận-trừ các phiền-não tức là dẹp hết các điều bất-thiện, khiến cho các điều thiện có cơ-hội để nẩy sanh và phát-triển, đó là công-năng lớn của Trí-huệ trong công-cuộc tu-hành.

Sau khi kể năm điều thiện, từ Thành-tín cho đến Trí-huệ ở tiểu-mục số 020, trang 18, thì nơi tiểu-mục số 040, Na-Tiên lại kể năm điều thiện một lần nữa, gồm có: (1)tin-tưởng, (2) giới-luật, (3) tinh-tấn, (4) trí-huệ, (5) nhứt-tâm niệm Đạo.

So-sánh hai tiểu-mục kể trên, ta thấy trong hai lần, lời nói của Na-Tiên có sự lập-lại, nhưng chẳng giống hẳn nhau. Nay, nếu sắp-xếp lại có thứ-tự, để cho dễ hiểu, ta có thể kể năm điều thiện đó là: (1) niềm tin; (2) giới-luật; (3) tinh-tấn; (4) nhứt-tâm; (5)Trí-huệ, mà vẫn tôn-trọng được ý-tưởng của tác-giả quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'', trong hai lần phát-biểu ở hai tiểu-mục trước và sau. 

Và có lẽ nhờ đó mà lời văn được ''chỉnh'' hơn, khi chữ Giới-luật thay thế cho chữ Hiếu-thuận, như đã được ghi trong Hán-tạng.

Năm điều thiện vừa nói, được Tì-kheo Na-Tiên ví như năm vị thuốc dùng để chữa bịnh. Bịnh gì? Na-Tiên nói: Căn bịnh cũng như các điều ác. Ta thấy rõ, với thí-dụ nầy nơi tiểu-mục số 040, công-năng và hiệu-quả của năm điều thiện là diệt trừ các điều ác, để chấm dứt vĩnh-viễn các nỗi Khổ trong thân-phận của chúng-sanh. Nhắc lại, nơi tiểu-mục số 021, Na-Tiên ví năm điều thiện với viên thanh-thủy-châu lọc nước và năm điều ác như nước bùn.

*



tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   36   37   38   39   40   41   42   43   ...   59




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương