Kinh tì-kheo na-tiên càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, trang 706-753 Thiện Nhựt phỏng dịch và tìm hiểu Nguồn


- Cái ''gốc sanh-tử'' của chúng-sanh là gì?



tải về 1.4 Mb.
trang39/59
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích1.4 Mb.
#19794
1   ...   35   36   37   38   39   40   41   42   ...   59

120.- Cái ''gốc sanh-tử'' của chúng-sanh là gì?


Lời kết-luận trên đây đã khiến Vua Di-Lan đưa ra thêm một câu hỏi rất sâu-sắc, liên-quan chẳng những riêng đến việc tái-sanh mà còn đến tận gốc-rễ của việc sống-chết của chúng-sanh. 

Vua hỏi (nơi tiểu-mục số 049, Phần Phỏng-dịch):

- Ta (chỉ) muốn hỏi Na-Tiên, cái gốc sanh-tử của con người là gì?

Na-Tiên đã đáp rất dài (tiểu-mục số 049-a, b và c), nêu lên vừa cái ''gốc sanh-tử'' của con người, vừa giải-thích nguyên-nhân của sự tái-sanh và của sự chứng-đắc được vô-sanh.

Về cái gốc sanh-tử, Na-Tiên nói:

- Cây-cối sanh ra, lấy chồi non làm gốc; ngũ cốc lấy hột lúa làm gốc; thiên-hạ, vạn-vật đều lấy gốc của loài mình mà sanh ra. Con người thì tòng theo sáu tình-cảm, ân-ái, làm gốc. 

Giải-thích thêm về sự khởi-phát của cái gốc sanh-tử đó nơi con người, Na-Tiên nhấn mạnh đến vai-trò của sáu căn: do sáu căn mà có nguyên-nhân gây ra tái-sanh, mà cũng do sáu căn mà chấm-dứt được tái-sanh. Giải-thích như thế nào?

(a) từ sáu căn đến nguyên-nhân phải tái-sanh: Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm-ý) tiếp-xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), và sáu thức (từ nhãn-thức đến ý-thức), phối-hiệp nhau sanh ra sướng-khổ (tình-cảm), rồi sướng sanh ra ham-muốn, ân-ái, làm nguyên-nhân cho sự sanh sanh ra; tòng theo sanh mà có già, có bịnh, có chết, rồi lại có sự tái-sanh tiếp theo chẳng dứt... Lời giải-thích nầy, Na-Tiên đã có nói ở đoạn trước, theo đúng với Lý Mười-hai Nhân-duyên, từ Lục-nhập (căn, trần, thức) duyên Xúc (phối-hiệp lại), Xúc duyên Thọ (tình-cảm), Thọ duyên Ái (ái-ân), Ái duyên Thủ và Thủ duyên Hữu (sự sống). Như thế, do có sự phối-hiệp của sáu căn với sáu trần và sáu thức mà sanh ra sướng và ân-ái (Thọ và Ái) làm nguyên-nhân của sự tái-sanh. 

(b) từ sáu căn đến chứng-đắc vô-sanh: Na-Tiên bảo, ''Nếu chẳng có mắt, thì chẳng thấy hình-sắc, chẳng hay chẳng biết; tòng theo sự chẳng hay chẳng biết nên chẳng có sự phối-hiệp; chẳng có sự phối-hiệp thì chẳng có sướng-khổ; chẳng có sướng-khổ liền chẳng sanh ra ân-ái; chẳng ân-ái thì chẳng sanh ham-muốn, chẳng có ham-muốn thì chẳng có ...sự sanh sanh ra, chẳng gìà, chẳng chết, chẳng sầu, chẳng khóc... Chẳng có các điều khổ đó, liền đắc được đạo Nê-Hoàn (= Niết-Bàn)''. 

Đây là lập-luận theo chiều hoàn-diệt của Lý Mười-hai Nhân-duyên, nhằm phá vở vòng Luân-hồi, để chứng đắc vô-sanh của cõi Niết-bàn. Phá-vở vòng Luân-hồi tại đâu? Các chữ ''Nếu chẳng có mắt'' ám-chỉ Nhân-duyên Lục-nhập, vì mắt là một căn trong Lục-nhập. Các chữ ''chẳng có sự phối-hiệp'' trỏ vào Nhân-duyên Xúc; các chữ ''chẳng có sướng-khổ liền chẳng sanh ân-ái'' chỉ vào hai Nhân-duyên Thọ và Ái; còn các chữ ''chẳng ân-ái thì chẳng sanh ham-muốn'' muốn nói đến Nhân-duyên Thủ... Như thế, việc phá-vở, theo Na-Tiên, phải bắt đầu tại Nhân-duyên Lục-nhập, rồi từ đó theo ảnh-hưởng dây-chuyền đến các Nhân-duyên khác tiếp theo. 

Nhưng, xét kỹ lại, ta thấy lập-luận đó chẳng được ''chỉnh'' mấy, vì nếu bảo ''chẳng có mắt, tai, mũi... '' thì con người hóa thành vật vô-tri ''chẳng hay, chẳng biết'' gì cả mất rồi, còn có Trí đâu để phá các phiền-não, hầu được giải-thoát mà chứng-đắc cõi Niết-bàn vô-sanh? 

Thế cho nên, Thiện-Nhựt xin được nói rõ thêm, để đoạn văn nầy của Na-Tiên, được phù-hợp với lời dạy trong Giáo-lý. Sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm-ý, chẳng thể nào đem ra diệt đi cho được; mà cũng chẳng thể nào ngăn cản được sự ''phối-hiệp'' giữa các căn-trần-thức, sẽ sanh ra sướng-khổ. Điều có thể làm được -- và điều nầy được Đức Phật dạy rõ trong Chánh-Pháp -- là phải biết phòng-vệ các căn, mỗi khi chúng tiếp-xúc với các trần, tức là mắt chỉ nên nhìn vào chỗ đáng nhìn, tai chẳng nghe những chỗ chẳng đáng nghe, mũi ... v.v., như thế, do sự phối-hiệp đứng-đắn giữa căn-trần-thức, các thức chẳng đưa tới chỗ ham-muốn chạy theo các thú-vui vật-chất, để rồi sa-ngã vào các điều ác, mà hậu-quả là vẫn còn bị vòng Luân-hồi ràng-buộc mãi bằng việc tái-sanh. Vậy thì, thay vì nói diệt các căn, phải nói phòng-vệ các căn, hoặc hộ-trì các căn, thì mới đúng.

Thiện-Nhựt xin chịu lỗi với người đọc, vì vừa qua, đã quá dông-dài và rườm-rà khi Tìm hiểu sự triển-chuyển của Danh-Sắc qua thời-gian trong việc tái-sanh, nơi tiểu-mục số 047. Bây giờ, xin tóm-tắt tiểu-mục số 087, nói đến một vấn-đề nhỏ, thuộc loại tò-mò, chẳng mấy quan-trọng. 

*

121.- Hai người chết cùng lúc, có tái-sanh cùng một lúc, ở hai nơi xa gần khác nhau không?


Vua Di-Lan hỏi:

- Nếu như có hai người cùng chết vào một lúc, một người tái-sanh lên cõi Trời Đại-Phạm, còn một người sanh lại tại Kế-tân, cách đây bảy trăm hai mươi dặm, ai là người đến trước? 

Na-Tiên đáp:

- Cả hai đến nơi cùng một lúc. 

Lời giải-đáp nầy khiến cho vua Di-Lan ngạc-nhiên, vì từ nơi nầy đến cõi Trời Đại-Phạm thì xa, còn đến Kế-tân thì gần, sao lại hai kẻ xuất-phát từ một chỗ đến hai nơi xa gần khác nhau mà tới cùng một lúc được. Nhưng câu trả lời của Na-Tiên được giải-thích thêm bằng hai thí-dụ: (1) hễ nghĩ đến hai thành-phố xa gần khác nhau, thì hai sự nghĩ đến mỗi nơi ấy đều lâu bằng nhau; (2) một con chim đậu trên cao, một con đậu dưới thấp, nhưng bóng của chúng cùng rọi lên đất cùng một lúc. Như thế, theo Na-Tiên, thời-gian suy-nghĩ trong đầu, và thời-gian ánh-sáng rọi từ thân chim xuống đất, đều xảy ra một cách tức-khắc, chẳng kéo dài, chẳng có thời-gian-tính. Phải chăng Na-Tiên muốn ám-chỉ: việc tái-sanh xảy ra tức-khắc, ngay vào lúc vừa chết? Điều nầy, khoa-học trong hiện-trạng còn chưa có câu trả lời dứt-khoát. Mặt khác, trong Kinh sách Phật-học, lại thường nói: ở trên cõi trời Dục-giới, một ngày dài bằng một năm dưới trần-thế. 

Như Thiện-Nhựt có thưa trước, vấn-đề nầy thuộc vào loại tò-mò, chẳng đem lại ích-lợi gì rõ-rệt cho việc tu-hành, vì nếu được xảy ra ngay tức-khắc, hay lâu hơn, thì cũng chẳng làm thay đổi chi được kết-quả của việc tái-sanh cả.

Còn một việc khác, quan-trọng hơn việc đến nơi tái-sanh, cần cứu-xét trước khi tạm kết-thúc vấn-đề sống-chết. Đó là:

*

122.- Chẳng hề có việc tự-nhiên mà sanh ra .


Nơi tiểu-mục số 050, Phần Phỏng-dịch, Vua hỏi:

- Thế-gian có vật nào tự-nhiên mà sanh ra chăng? 

Câu trả lời của Na-Tiên rất rõ-ràng: 

- Chẳng hề có vật nào tự-nhiên mà tự-sanh ra lấy cả; phải có nguyên-nhân mới sanh ra.

Rồi Na-Tiên đưa ra nhiều thí-dụ cụ-thể, dễ thấy, để chứng-minh: (1) tòa điện cao phải do gỗ, đất và công thợ xây nên; (2) đồ gốm do đất sét, được thợ nặn nung trong lò rồi mới thành vật-dụng được; (3) cây đờn phải có người khảy mới ra tiếng; (4) có hai khúc gỗ, cũng còn phải có người cọ lâu mới ra lửa; (5) có kiếng, có ánh mặt trời rồi cũng phải có người cầm kiếng rọi nắng, thì bùi-nhùi mới bắt lửa...

Nhưng câu trả lời và các thí-dụ đó hàm-chứa một sự-thật mà con người, vì mê-tín, hoặc thiếu thông-minh, còn chưa chịu nhìn-nhận: chẳng có sự-vật gì ngẫu-nhiên sanh ra cả; phải có nguyên-nhân, thì mới có hậu-quả được.

Hãy cho phép Thiện-Nhựt kể một thí-dụ... vui-vui:

Thằng bé-con hỏi cha nó:

- Ai sanh ra con?

- Cha-mẹ sanh ra con. 

- Ai sanh ra cha-mẹ? 

- Ông bà sanh ra cha-mẹ. 

- Ai sanh ra ông bà? 

- Ông-cố, bà cố sanh ra ông bà. 

- Ai sanh ra ông bà cố? 

- Ông sơ, bà sơ, sanh ra ông bà cố. 

- Ai sanh ra ông bà sơ? 

- Ông bà thủy-tổ sanh ra. 

- Ai sanh ra ông bà thủy-tổ? 

- Ông Bành-tổ sanh ra. 

- Ai sanh ra ông Bành-tổ? 

- Thượng-đế sanh ra ông Bành-tổ. 

- Ai sanh ra Thượng-đế? 

-!!! 


Chẳng thể biết được nguồn-gốc cuối-cùng ở vào đâu cả. Thế cho nên, chỉ biết: hễ cái nầy có, thì cái kia có; hễ cái nầy diệt, thì cái kia diệt. Đó là Luật Nhân-Quả ghi trong Phật-học: hễ có Nhân thì tất có Quả; chẳng hề có Quả mà lại chẳng có Nhân bao giờ. 

Đối với các tôn-giáo cuồng-tín, bảo rằng vạn-vật nầy do một đấng Thượng-Đế toàn-năng nắm quyền thưởng-phạt, sáng-tạo nên, tưởng cần phải suy-gẫm lại.

*



tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   35   36   37   38   39   40   41   42   ...   59




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương