Kinh tì-kheo na-tiên càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, trang 706-753 Thiện Nhựt phỏng dịch và tìm hiểu Nguồn


IX.- Vấn-đề: Con người và thuyết Vô-ngã



tải về 1.4 Mb.
trang50/59
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích1.4 Mb.
#19794
1   ...   46   47   48   49   50   51   52   53   ...   59

IX.- Vấn-đề: Con người và thuyết Vô-ngã


Thắc-mắc to lớn nhứt trong đời người là: Con người là ai? Phật-giáo trả lời rất cương-quyết: Chẳng có gì là con người cả. Một trong ba đặc-tướng của vũ-trụ là vô-ngã. 

Trong phần Tìm hiểu về vấn-đề nầy đã được cuốn sách ''Tì-kheo Na-Tiên'' nêu ra và giải-quyết như thế nào, xin xét qua các tiểu-mục: 

số 051: ''Cái gì'' là Người?
số 052: Mắt và tâm cùng thấy;
số 053: Giác-quan và tâm phối-hiệp nhau;
số 054: Vui-sướng nghĩa là gì?
số 055: Giác-tri là gì?
số 056: Sở-niệm là gì?
số 057: Thế nào là nội-động?
số 058: Các tâm-niệm phối-hiệp nhau rồi chẳng tách ra riêng từ món được; 
số 060: Năm giác-quan;
số 061: Tại sao có sự bất-bình-đẳng giữa loài người?
số 063: ''Lộc riêng'' phải chăng là Nghiệp-lực?
số 075: Sa-môn giữ-gìn thân, chớ chẳng mến thân;
số 096: Phân-tách kỹ thân-tâm ra, đó là vô-ngã chăng?

Xem các tiểu-mục nêu trên theo thứ-tự trước sau, ta thấy có được sự may-mắn là trọn vấn-đề được xét thẳng một mạch, liên-tục, từ trang 43 cho đến trang 51; một sự may-mắn mà ta rất ít gặp nơi quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'' nầy, vì các câu hỏi tùy-hứng của vua Di-Lan, gặp đâu hỏi đó, nên toàn-bộ cuộc vấn-đáp giữa hai người có vẻ hơi thiếu mạch-lạc phần nào.

Thế thì, trong 13 tiểu-mục vừa nêu trên, ý-nghĩa chánh-yếu của cuộc đàm-luận giữa vua Di-Lan và Tì-kheo Na-Tiên là gì? Khi giải-đáp các thắc-mắc của nhà Vua, vị Tì-kheo đặt trọng-tâm vào việc chứng minh rằng, nơi thân-tâm con người chẳng hề có một chút gì, vật-chất hay tinh-thần, mà thường-hằng và tự-lập, chẳng thay-đổi trong thời-gian con người đó còn sanh-hoạt.

Muốn chứng-minh điều ấy, Na-Tiên đã phân-tách thân-tâm con người ra các bộ-phận, và chỉ cho thấy rõ: (1) chẳng có yếu-tố nào làm chủ cả; (2) các hoạt-động của con người đều do sự phối-hiệp giữa các yếu-tố vật-chất và tâm-linh, chẳng thấy có ai hoặc cái gì đứng ra làm chủ-chốt để ta có thể gọi ai đó hoặc cái gì đó là một con người đang có các hành-động ấy. 

Kết-luận tất-nhiên của lập-luận chứng-minh nầy phải là sự Vô-ngã, chẳng có ''cái Ta'' của con người, mặc dầu thuyết vô-ngã nầy chẳng được Tì-kheo Na-Tiên minh-thị nói rõ thêm ra trong sách. 

*

150.- Thế-gian chẳng có ''người''.


Bắt đầu bằng câu hỏi của Vua Di-Lan, nơi tiểu-mục số 051:

- Người ở thế-gian là có ''người'' hay là chẳng có ''người''? 

Câu trả lời của Na-Tiên rất là quả-quyết, phủ-nhận hoàn-toàn:

- Xét nghĩ cho kỹ, thế-gian chẳng thể nào có ''người'', thì gọi ''ai'' hay ''cái gì'' là ''người'' cho thích-hợp được. 

Câu trả lời phủ-định của vị Tì-kheo chẳng giải-tỏa được thắc-mắc của nhà Vua, nên Vua hỏi tiếp:

- Mạng sống trong thân là ''người'' chăng? 

Có lẽ, nhà Vua nhìn thấy các sanh-vật chung quanh đây, sở dĩ khác với các vật vô-tri như sỏi, đá, là ở chỗ có ''cái gì đó'' bên trong các sanh-vật ấy đã làm cho chúng hoạt-động được, chớ chẳng như các thi-thể nằm chết bất-động. ''Cái gì đó'' đã thúc-đẩy hành-động của sanh-vật, nên nhà Vua mới gọi là mạng sống, và nơi loài người, mạng sống ấy nằm trong thân người. Vì thế, nhà Vua mới nghĩ ra và hỏi Na-Tiên: ''Mạng-sống trong thân đó là người chớ gì? 

Na-Tiên bác-bỏ ý phỏng-đoán đó của Vua Di-Lan về mạng sống trong thân là con ''người'', bằng một tràng lý-luận rất dài-dòng, mà ta có thể tóm-tắt lại như vầy: Nếu mạng sống nằm ngay tại mắt, hay tại giác-quan khác, cớ sao một giác-quan như mắt, hoặc tai, hoặc mũi,.. chẳng thể vừa nghe, ngửi, nếm, sờ... Rồi Na-Tiên đi đến kết-luận: 

- Người theo mắt thấy hình-sắc, tâm-thần chuyển-động, tâm-thần chuyển-động tức sanh sướng-khổ, cùng với ý-niệm hiệp lại; tai, mũi, miệng, ý cũng cùng hiệp nhau lại làm cho tâm-ý có ý-niệm là tâm-thần chuyển-động. Tâm-thần chuyển-động tức sanh sướng-khổ, tòng theo sướng-khổ mà sanh ra ý, ra niệm, cứ triển-chuyển cùng nhau mà thành, ắt chẳng hề có một vị chủ thường-hằng nào cả. 

Xin hãy tìm hiểu ý-nghĩa của lời kết-luận trên của Na-Tiên, và sẽ đưa ra nhận-xét có liên-quan đến lý-thuyết vô-ngã tiếp theo đó.

Khi Na-Tiên bảo ''Tâm-thần chuyển-động'', tức là nói đến cái ''mạng sống'', mà Vua Di-Lan muốn nói đến, đang thúc-đẩy các hành-động trên thân-thể. Sự chuyển-động của tâm-thần đó đã được Na-Tiên vạch rõ là do sự ''phối-hiệp giữa các gíác-quan: mắt, tai, mũi, miệng, ý, cùng hiệp nhau lại làm cho tâm-ý có ý-niệm là tâm-thần chuyển-động''. Vậy thì, khiến cho tâm-thần phải chuyển-động chính là sự phối-hiệp giữa tất cả giác-quan, chớ đâu phải là mạng sống tại một giác-quan. 

Khi Na-Tiên bảo, ''Tâm-thần chuyển-động tức sanh sướng-khổ; tòng theo sướng-khổ mà sanh ra ý, ra niệm, cứ triển-chuyển cùng nhau mà thành, ắt chẳng hề có một vị chủ thường-hằng nào cả.'', ta nên chia câu nầy ra bốn đoạn ngắn, để tìm hiểu:

a.- ''Tâm-thần chuyển-động tức sanh sướng-khổ'': đây là lúc các cảm-giác tại các giác-quan được chuyển vào ý-thức nơi tâm, để trở thành tri-giác, tức là sự ''sướng-khổ'' đó;

b.- ''tòng theo sướng-khổ mà sanh ra ý, ra niệm'': đây là lúc có sự phối-hiệp tại tâm, ảnh-hưởng của mỗi tri-giác, hoặc sướng, hoặc khổ, chịu thêm ảnh-hưởng của các tri-giác khác, hoà-hiệp nhau lại mà tạo thành một tâm-trạng chung, gọi đó là ý, là niệm. 

c.- ''cứ triển-chuyển cùng nhau mà thành'': đây là lúc tâm-trạng chung được phát-triển và biến-đổi theo ảnh-hưởng của mỗi tri-giác mà thúc-đẩy thành ra hành-động; '' cùng nhau mà thành'' tức là cái tâm-trạng chung của các tri-giác phối-hiệp lại cùng nhau mà thành ra hành-động''.

d.- ''ắt chẳng hề có một vị chủ thường-hằng nào cả'': đây chính là kết-luận tất-nhiên phải đi đến: chẳng hề có một ''ai'' hoặc một ''cái gì'' chẳng bị biến-đổi, còn hoài ở đó (=thường-hằng) đứng ra làm ''chủ'' điều-khiển mọi việc, từ cảm-giác ở các giác-quan, qua sự phối-hợp thành tâm-trạng chung, cho đến khi sanh ra hành-động. Nơi mỗi giai-đoạn tâm-sanh-lý nầy, chỉ thấy các yếu-tố từ bên ngoài (cảm-giác) và các yếu-tố bên trong (tri-giác, tâm-trạng) hoạt-động phối-hợp nhau mà thôi. 

Đã chẳng có ''ai'' làm vị chủ thường-hằng nơi thân-tâm nầy, thì gọi thân-tâm nầy là vô-chủ, là vô-ngã, chẳng đúng hay sao? 

Sau đây là phần nhận-xét về tiểu-mục số 051, về: ''Cái gì'' là ''Người''?:

1) Để bác-bỏ câu nói của vua Di-Lan: Mạng sống trong thân là con ''người'', Na-Tiên đã dùng sáu giả-thiết: nếu mạng sống ở mắt, ở tai, ở mũi, ở miệng, ở thân và ở thức, để chứng-minh rằng ở mỗi một trong sáu căn đó, mạng-sống chẳng hoàn-toàn làm chủ được, hoặc chỉ thấy ở mắt, hoặc chỉ nghe ở tai, mà chẳng thể dùng mắt để nghe, để ngửi, nếm,.. và như thế, đáng lý ra Na-Tiên phải nên đi đến kết-luận là ''mạng-sống nếu nằm ở một trong các căn thì đâu thể nào là một ''con người'' cho đầy-đủ trọn-vẹn được'', nhưng rất tiếc là Na-Tiên lại chỉ trách nhà Vua rằng: ''Lời nói của Đại-Vương trước sau chẳng tương-ứng nhau'' mà thôi, khiến cho người nghe, bị chìm ngập trong sáu giả-thiết quá dài-dòng, chẳng thấy ra được cái kết-luận tất-nhiên vừa kể đó.

2) Na-Tiên lại đưa ra ba thí-dụ: (1) Ngồi trong tòa điện nầy, nếu phá rộng các cửa, vách ra, mắt có thể nhìn thấy xa được; nhưng nếu mở bét mắt lớn ra, vểnh tai rộng thêm ra, nghểnh mũi to ra, lè lưỡi dài ra, banh da cho rộng ra, khai ý cho bao-quát ra, thì cũng chẳng thể nào thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ, nghĩ, được thêm ra chút nào. Khi kể xong thí-dụ nầy, đáng lý Na-Tiên đi đến kết-luận, nếu ''mạng sống'' ở các căn, thì sao con ''người'' có ''mạng sống'' đó vẫn còn bị giới-hạn khi các căn được mở rộng?; đằng nầy Na-Tiên chỉ biết trách nhà Vua ''lời nói của Đại-Vương trước sau chẳng tương-ứng nhau'' mà thôi.- (2) Nhìn thấy người giữ kho vua đứng trước mặt, rồi khi anh ta quay đi, nhà Vua cũng biết rõ lúc anh còn trước mặt, lúc anh đi khỏi. Kể xong thí-dụ nầy, Na-Tiên chẳng thấy có kết-luận nào về thí-dụ đó (và lần nầy chẳng thấy trách Vua hai lời nói chẳng được tương-ứng). Đúng ra, thí-dụ nầy cho ta thấy, khi mắt nhìn đối-tượng bên ngoài, cảm-giác được truyền vào tâm, phối-hiệp với thức mà trở thành tri-giác, bấy giờ sẽ tạo nên một tâm-trạng bên trong. Đây là một thí-dụ chỉ cho thấy rõ sự phối-hiệp nơi tâm, giữa ba yếu-tố có tánh-cách tâm-sanh-lý: trần (= người giữ kho), căn (= mắt vua nhìn) và thức (= tâm vua nhận-thức), tạo thành một tâm-trạng; và chính tâm-trạng đó đưa đến hành-động của ý ( là biết) tiếp theo.- (3)Thí-dụ thứ ba lại khá ''buồn cười'': có thùng rượu ngon, đè cổ một người rồi nhận đầu y vào thùng, và hỏi kẻ bị đè cổ đã ''thưởng-thức'' rượu ra sao! Kẻ ấy làm sao mà biết vị rượu ngon hay dở được, đã bị sặc muốn chết mà còn hỏi? Nhưng thí-dụ nầy chỉ cho ta thấy sự triển-chuyển của tâm-trạng do sự phối-hiệp, của ba yếu-tố tâm-sanh-lý, ở bên trong: bị đè cổ, lại sặc rượu là yếu-tố sanh-lý, làm khởi lên cảm-giác khó thở, khiến cho việc lưỡi nếm được vị của rượu, bị che-mờ khuất mất nơi thức, nên chẳng thể ''thưởng-thức'' nổi rượu ngon hay dở (yếu-tố tâm-lý). Nhưng Na-Tiên lại chẳng nêu ra cho ta thấy rõ sự phối-hợp của các yếu-tố và sự triển-chuyển bên trong tâm-thần, mà chỉ tiếp-tục trách nhà Vua trước sau nói chẳng tương-ứng. 

3) Thiện Nhựt thấy có hai thí-dụ giản-dị, dễ hiểu, có thể giúp ta hé thấy được phần nào chơn-lý vô-ngã nơi thân-tâm năm uẩn nầy. Đó là hai câu chuyện, một thuộc về địa-hạt nhơn-sanh, một thuộc về thời-tiết:

a.- Vua muốn chọn người làm quan giữ kho-tàng, truyền lịnh cho các ứng-viên mặc quần-áo nhẹ, mỏng, đi ngang qua một hành-lang hẹp, có ánh-sáng lờ-mờ, hai bên vách để rất nhiều vật kim-châu bảo- ngọc. Khi ra khỏi đường hầm, ai bước đi nhẹ-nhàng thoăn-thoắt là người ngay-thẳng. Còn ứng-viên nào bước nặng-nề vì sợ các vật quí-giá lấy trộm dấu trong mình rơi xuống, là những kẻ có tham-tâm. Những gì đã xảy ra trong khoảng hành-lang lờ-mờ ánh-sáng? Mắt nhìn thấy bảo-vật (căn và trần phối-hiệp) bụng khởi lòng tham (thức làm khởi lên tâm-sở tham) tay đớp lấy, dấu kín vào người (gây thành hành-vi bất-thiện). Thời-gian họ đi ngang qua hành-lang, chính là lúc mà sự phối-hợp của các yếu-tố tâm-sanh-lý đang triển-chuyển để biến thành hành-vi bất-thiện. Chỉ có các yếu-tố tâm-sanh-lý đang hoạt-động, chớ chẳng thấy ''con người'' nào nằm bên trong thân-tâm các ứng-viên đã thúc-dục họ vì tham-tâm mà hành-động bất-chánh. 

(Thú-tội: Thiện Nhựt đã lén ăn cắp mẩu chuyện trên đây trong nền văn-chương Pháp-quốc, tại một tác-phẩm của văn-hào Voltaire)

b.- Trời vần-vũ sắp mưa. Gió to, sét chớp nhoáng, sấm nổ ầm-ầm. Rồi mưa ào ào đổ xuống. Người bình-dân ít học thì bảo: óng Trời giận đánh bà Trời, bà Trời khóc! nên mưa to. Kẻ mê-tín, ghiền truyện Tàu bảo: Bắc-hải Long-vương (vua Rồng) đang huy-động Vân-đồng (thần mây), Điển-mẫu (bà sấm-sét) và Thủy-thần (thần nước) hóa ra một trận mưa to! Một hiện-tượng thời-tiết, có gió, có sấm-sét, có mây mưa, ngày nay khoa-học giải-thích: khí trời nóng, hơi nóng bốc lên gặp khí lạnh thành gió chuyển, hơi nước gặp nắng bốc lên không, gặp khí lạnh rơi xuống thành mưa. Nào có đâu ông Trời với bà Trời đánh nhau, nào có thấy bóng-dáng của chú Vân-đồng, bà Điển-mẫu, Thủy-thần với Ngài Long-vương?

c.- Hai thí-dụ cho thấy: (a) ở địa-hạt tâm-sanh-lý, chỉ có sự phối-hợp giữa các yếu-tố bên ngoài và bên trong, sanh ra tâm-trạng, rồi triển-chuyển đưa đến hành-động, chớ nào có một ''con người'' ẩn-núp trong thân-tâm năm-uẩn nầy để chủ-xướng ra hành-động. - (b) ở địa-hạt thời-tiết, chỉ có sự chênh-lệch giữa áp-suất không-khí mới gây nên gió, mưa, bão-tố, chớ nào có vai-trò nào của thần-thánh. 

4) Một điểm quan-trọng trong giáo-lý nhà Phật là Lý Duyên-sanh theo đó, bất cứ một sự-việc nào xảy ra cũng phải có nguyên-nhân: ''cái nầy có, nên cái kia có; cái nầy diệt, nên cái kia diệt''. Vì chẳng thấu-triệt được mối liên-hệ chặt-chẽ giữa nguyên-nhân và hậu-quả cho rõ ràng, nên ta thường có những lối giải-thích các hiện-tượng một cách sai-lạc, rời xa sự-thật. Một trong những ý-kiến sai-lạc nầy là ngã-kiến, cho rằng trong thân-tâm nầy có ẩn-tàng một ''con người'', một cái ''Ta'', một cái ''Ngã'', đứng làm chủ mọi hành-động, rồi lại chính cái ''Ngã'' ấy lại được đi đầu-thai để tiếp-tục cuộc sống mãi mãi mà hưởng-thọ. Sự sai-lầm của ngã-kiến là chẳng xét trong thân-tâm nầy, mọi hành-động, từ vật-chất đến tinh-thần, cũng đều có nguyên-nhân cả, hoặc do yếu-tố vật-chất, hoặc do yếu-tố tâm-linh, chớ thật chẳng hề do một người nào ở trong thân-tâm nầy chủ-xướng. Nói lên sự vắng-bóng của ''con người'' trong thân-tâm nầy, chính là lý-thuyết vô-ngã. Bao giờ người học Phật bỏ đi được sự chấp-thủ vào cái ngã, cũng như người trí-thức đã bỏ được lối giải-thích sai-lầm của kẻ ngu như ''khi trời mưa, cho là ông Trời đánh bà Trời'', thì bấy giờ mới thấy được, rõ-ràng và thênh-thang, con đường giác-ngộ và giải-thoát do đạo Phật chủ-trương.

*



tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   46   47   48   49   50   51   52   53   ...   59




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương