Kinh tì-kheo na-tiên càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, trang 706-753 Thiện Nhựt phỏng dịch và tìm hiểu Nguồn


- Giác-quan và tâm phối-hiệp sanh ra sướng-khổ



tải về 1.4 Mb.
trang52/59
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích1.4 Mb.
#19794
1   ...   48   49   50   51   52   53   54   55   ...   59

152.- Giác-quan và tâm phối-hiệp sanh ra sướng-khổ .


Vua lại hỏi Na-Tiên:

- Mắt người khi nhìn thấy, có cùng với sự sướng-khổ sanh ra một lượt chăng? 

- Mắt thấy và sự sướng-khổ đồng sanh ra, đều theo nhau hiệp lại mà sanh ra. 

- Thế nào là hiệp? 

Câu hỏi của nhà Vua và lời giải-đáp của Na-Tiên đều qui về sự phối-hiệp của nhãn-thức với ý-thức nơi tâm, sanh ra cảm-thọ: sướng hay khổ. Tiểu-mục số 053, trang 48 nầy tiếp-tục khai-triển ý-chánh của vấn-đề: ''Con người và thuyết Vô-ngã''; tiếp-tục và khai-triển ở điểm: các cảm-thọ sướng hay khổ là do sự phối-hiệp của nhãn-thức (hoặc các thức khác) nơi ý-thức ở tâm, chớ chẳng có một ''người'' nào trong thân-tâm nầy đã gây ra và gánh chịu lấy cảm-thọ đó cả. 

Lời đáp của Na-Tiên tiếp theo đã giải-thích, bằng hai thí-dụ, thế nào là hiệp. Điều đáng tiếc là Na-Tiên chẳng nhân cơ-hội nầy để khai-triển thêm thuyết vô-ngã, thêm một lần nữa, để người học Phật thấy cho tường-tận, cảm-thọ chỉ là cảm-thọ (tức là một yếu-tố tâm-lý của thân-tâm), chớ cảm-thọ chẳng phải là ''người'' đang có cảm-thọ đó.

Na-Tiên đưa ra hai thí-dụ về sự phối-hiệp (giống với Xúc trong Lý 12 Nhân-Duyên): (1) hai bàn tay nắm nhau lại, một ví cho mắt, một thế cho hình-sắc, hiệp nhau lại thành phối; (2) hai hòn đá hiệp nhau; một hòn làm tâm, một hòn làm ý-chí, cả hai hiệp nhau thành phối. 

Kế đó, Vua lại hỏi Na-Tiên, nơi tiểu-mục số 054:

- Sướng có mấy loại? 

Na-Tiên chẳng trả lời có mấy loại vui-sướng, chỉ giải-thích thế nào và khi nào, thì sướng. Theo Na-Tiên, vui-sướng là tự-mình giác-tri, tức là tự mình biết mình... sướng.

Rồi Na-Tiên kể ra hai thí-dụ về khi nào sướng: (1) kẻ hiền-lành, tận-tâm phục-vụ Vua, được Vua ban thưởng tiền-bạc. Kẻ ấy đem tiền ra tiêu-phí, tự-nghĩ ta phụng-sự Vua, được Vua thưởng tiền, nên ta vui sướng; (2) người làm điều thiện, nói lời thiện, tâm-niệm thiện được sanh lên cõi Trời, hưởng mọi lạc-thú, tự nghĩ mình nay sung-sướng là nhờ khi còn ở trần-gian lúc nào cũng tuân theo điều thiện. 

Đến Tiểu-mục số 055, Vua hỏi tiếp:

- Giác là như thế nào? 

Câu trả lời của Na-Tiên rất ngắn: Tòng theo sự hiểu-biết là giác. Và Na-Tiên đưa ra thí-dụ người giữ kho vua biết trong kho có bao nhiêu vàng bạc, châu ngọc... đó gọi là giác-tri. Vua Di-Lan khen: ''Lành thay!''.

Nhưng Thiện Nhựt thấy chưa thoả-mãn về thí-dụ và lời giải-thích về giác, giác-tri, của Na-Tiên. Chưa thỏa mãn ở điểm nào?

1.- Chữ Hán-Việt Giác có nghĩa là hiểu-biết, được chánh-thức dùng trong Phật-học để dịch chữ Phạn Bodhi, giác, giác-giả; tức là người đã giác-ngộ và giải-thoát như Đức Phật. Theo ý nầy, (1) Tự-giác là tự mình đã hiểu thấu lẽ sống chết và được giải-thoát khỏi cảnh Khổ của Luân-hồi: đây là người biết tu-hành theo đạo Phật. (2) Giác-tha là đem sự giác-ngộ của mình ra chỉ dạy cho kẻ khác, để họ được giác-ngộ theo: đây là hạng Bồ-tát. (3) Giác-hành viên-mãn là việc tự-giác cùng với công-cuộc giác-tha đã thi-hành xong trọn-vẹn: đây là bực đại-giác, tức là Đức Phật.

2.- Chữ Hán-Việt giác-tri được Vua Di-Lan và Na-Tiên dùng để chỉ sự hiểu-biết, thì trong hai chữ ''giác'' và ''tri'', cả hai đều có nghĩa là hiểu-biết cả; nếu nói cả hai, thì thừa-thãi đi một chữ. Nhưng nếu sắp thứ-tự trước sau lại, để giác-tri thành ra tri-giác thì ý-nghĩa của chữ nầy được dùng trong Phật-học lại khác hẳn. Vì tri-giác là một yếu-tố tâm-lý trỏ vào việc một cảm-giác từ một giác-quan bên ngoài đưa vào bên trong tâm, phối-hiệp với ý-thức, trở thành một tri-giác. Trong năm uẩn của thân-tâm, thọ-uẩn gồm có các cảm-giác; còn tưởng-uẫn chính là sự tập-họp của các tri-giác. Thí-dụ: khi có cảm-giác nóng ở tay, tâm thấy khó chịu mới sanh ra khổ, đó là tri-giác. 

3.- Còn thí-dụ của Na-tiên về người giữ kho vua, người ấy biết trong kho có bao nhiêu vàng bạc, châu báu, v.v. sự hiểu-biết đó, nói cho đúng nghĩa đen của danh-từ nầy thì chẳng phải là tri-giác, hoặc giác-tri được; sự hiểu-biết đó chẳng qua chỉ là một kiến-thức, nằm sẵn trong ý-thức, hoặc trong tiềm-thức của anh ta mà thôi. 

Kế-tiếp là tiểu-mục số 056, Vua hỏi Na-Tiên:

- Con người có sở-niệm của mình. Có bao nhiêu sở-niệm? 

Na-Tiên chẳng trả lời có bao nhiêu sở-niệm? mà chỉ giải-thích nhân khi nào mà có sở-niệm. Na-Tiên bảo, con người có sở-niệm, nhân vì có sở-tác. Rồi đưa ra hai thí-dụ: (1) một người pha thuốc độc rồi uống, hoặc cho kẻ khác uống, thì mình bị khổ, kẻ kia cũng khổ; (2) kẻ làm ác, lại dạy người khác cũng làm ác, khiến cho cả hai phải sa địa-ngục.

Mục-tiêu-mục của tiểu-mục nầy là chỉ cho thấy rõ ảnh-hưởng của ý-định khởi lên trong tâm đưa đến hành-động bên ngoài. Hễ có ý-định ác thì hành-động sẽ ác theo.Ngược lại nếu có ý-định lành, thì sẽ làm hành-động thiện. 

Thiện Nhựt thiển nghĩ: chữ sở-niệm đây, mặc dầu chẳng được Na-Tiên định-nghiã, nhưng nó mang lấy ý-nghĩa của chữ ý-định. (Theo nghĩa gốc, sở-niệm = sở là chỗ; niệm là nghĩ nhớ trong lòng; còn sở-tác = sở là nơi, tác là làm, là có hành-động). Nếu ta xét chữ sở-niệm của Na-Tiên dùng theo khiá-cạnh: ý-định trong lòng, thì tiểu-mục số 056 nầy sẽ dễ hiểu hơn, vì ý-định đưa đến hành-vi thiện hoặc ác.

Đến tiểu-mục số 057: Thế nào là nội-động? phải thú-thật là lời văn trong Bản Phỏng-dịch mù-mờ và hơi khó hiểu. Nhưng cứ xin chép lại đoạn nầy và thử đề-nghị một lối tìm hiểu khác:

Vua hỏi Na-Tiên:

- Thế nào là nội-động? 

- Ý-chí bên trong nổi lên là nội-động. 

- Động và Hành thời ra sao? 

- Thí-dụ như chậu đồng, nồi đồng có người đến đốt nấu lên; các khí-cụ đó phát ra tiếng và có dư-âm, đó là hành. Con người cũng như vậy, ý-chí khởi lên, nhân đó mà có hành-động. 

Vua khen: Lành thay!

1)- Trước hết, xin tìm hiểu nghĩa chữ của các danh-từ quan-trọng:

a.- Nội-động có nghĩa là chuyển-động ở bên trong. Cái gì chuyển động? Câu trả lời của Na-Tiên nói rõ: đó là ý-chí bên trong nổi lên.

b.- Ý-chí là gì? Đó là ý-muốn quyết-tâm hành-động, một yếu-tố tâm-lý ở trong tâm.

c.- Động là gì? Đó phải là ''ý-chí bên trong nổi lên'' vừa nói.

d.- Hành là gì? Hành nghĩa thường là làm; ở đây có lẽ nói đến các hành-động được làm ra bên ngoài.

e.- Dư-âm là gì? Nghĩa đen là âm-thanh vẫn còn kéo dài, tuy nhỏ hơn tiếng nghe lúc ban đầu. Tại đây, chữ dư-âm trỏ vào Hành.

2)- Kế đó, Ý-chánh của tiểu-mục nầy là gì? - Đó là: ''Ý-chí khởi lên trong tâm đưa đến hành-động bên ngoài.'' Ý-chánh nầy có liên-hệ với tiểu-mục trước (số 056) nói về sở-niệm và sở-tác, tức là có chỗ nghĩ ác thì làm ác, có chỗ nghĩ thiện thì làm lành. Vậy mục-tiêu của tiểu-mục nầy là bổ-túc cho tiểu-mục trước: chỉ rõ thêm, sở-niệm (chỗ nghĩ thiện-ác), chịu ảnh-hưởng của ý-chí khởi lên (nội-động) mà có hành-động ra bên ngoài (sở-tác). 

3)- Giờ đây, nếu tóm-tắt hai tiểu-mục liên-tiếp lại, ta thấy tác-giả muốn nói: ''Khi trong tâm khởi lên ý-chí, một yếu-tố tâm-lý như các sở-niệm khác ở trong tâm (lúc đó gọi là nội-động) thì đưa đến các hành-động (sở-tác) thiện hay ác ở bên ngoài.'' Như vậy, chung qui vấn-đề chỉ giản-dị là: ''Vì ý-chí mạnh hơn các sở-niệm khác, khi đang động-tâm, nên đưa đến sở-tác, tức là hành-động thiện-ác bên ngoài.''

4)- Còn lại cái thí-dụ nồi đồng đun sôi có ý-nghĩa gì? - Cái nồi đồng đun nước sôi sùng-sục ví với cái tâm-trạng đang động ở bên trong (nội-động); khi bớt lửa, tiếng nước reo còn văng-vẳng (dư-âm), được ví với các hành-động thiện-ác ở bên ngoài.

5)- Sau khi tìm hiểu nghĩa ý của tiểu-mục số 057 xong như trên, Thiện Nhựt nhân khi thấy nói đến nội-động, xin có vài nhận-xét, liên-quan đến Tâm, nhìn hai dưới khiá-cạnh: (a) giáo-lý Phật-học và (b) Tâm-lý-học hiện-đại. 

a.- Giáo-lý Phật-học chia thân-tâm con người ra làm hai phần: (1) thân, gồm các phần về vật-chất, gọi là sắc, kể chung hết các bộ-phận trên thân là sắc-uẩn; (2)tâm, gồm các yếu-tố tinh-thần, vô-hình, phân ra bốn nhóm: thọ-uẩn (các cảm-giác), tưởng-uẩn (các tri-giác), hành-uẩn (các tâm-sở), và thức-uẩn (các sự hiểu-biết bên trong). Như thế, tâm chẳng phải là một bộ-phận, hay cơ-quan nào riêng-biệt mà do bốn uẩn kia kết-hợp lẫn-lộn lại. Vì lẽ đó, vào bất kỳ một lúc nào, tình-trạng hỗn-hợp của tâm cũng khó giữ cho yên-tịnh được, bởi các yếu-tố tâm-lý cứ thay phiên nhau khởi lên, kéo dài rồi qua đi, khiến cho tâm-trạng (= tình-trạng của tâm ) cứ liên-miên thay đổi mà chính cá-nhơn đó cũng chẳng ngờ và hay-biết rõ đến được. Sự thay-đổi của tâm-trạng đó, được gọi là nội-động, sự biến-động xảy ra bên trong. Thế cho nên, khi Tì-kheo Na-Tiên gọi ý-chí khởi lên là nội-động, có lẽ chẳng chính-xác cho lắm; vì ý-chí chỉ là một yếu-tố tâm-lý cũng như các yếu-tố khác, (trong Phật-học gọi các yếu-tố tâm-lý là các tâm-sở); các tâm-sở nầy cũng có thể khởi lên trong tâm như ý-chí vậy. Trong các yếu-tố tâm-lý, có thứ mạnh, có thứ yếu, có thứ dai-dẳng, có thứ phớt qua; nhưng ý-chi vừa mạnh-mẽ lại vừa bền-bỉ, cho nên mới đưa tới được hành-động ra bên ngoài. 

Nhân nói tới nội-động, sự biến-động trong tâm, ta tự-hỏi, có một tình-trạng tâm nào được hoàn-toàn yên-ổn, vắng-lặng chẳng bị biến-động không, tâm-trạng an-tịnh đó gọi là gì, và có cách nào để tu-tập cho được an-tâm? - Tâm chẳng bị nội-động, an-ổn, vắng-lặng, được gọi là tâm an, khi nào tất cả các ý-niệm dừng lại, và hành-giả sắp bước vào định, nên còn gọi là định-tâm. Khi tu-tập theo ba môn học vô-lậu là Giới-Định-Huệ hết sức chuyên-cần, thì hành-giả chẳng những đắc được định-tâm mà trí-huệ cũng được phát-triển thêm. Bước đầu trong việc tu-tập theo Giới-Định-Huệ là làm sao cho chánh-niệm lúc nào cũng luôn sáng-tỏ trong tâm. Chánh-niệm là một niệm chánh, niệm đó có nhiệm-vụ chiếu soi lên các tâm-sở khác, qui-tụ được tâm-tư vào trong khung-cảnh: ở đây và bây giờ, khiến cho các vọng-niệm phải chìm lặng xuống. Tu-tập là giữ sao cho thân-tâm lúc nào cũng tỉnh-táo, biết rõ-ràng rằng mình ngay bây giờ đang làm gì, đang nghĩ gì ở đây. Chỉ có thế mà thôi! Nhưng nên biết rằng, giữ được chánh-niệm hăm bốn giờ trong ngày, thì chỉ có bực đại-giác như chư Phật, chư Bồ-tát mới làm được. Sao lại khó như vậy? Vì lòng người luôn luôn chuyển-động, ngay cả trong giấc ngủ cũng còn nằm mơ.

b.- Tâm-lý-học hiện-đại chia tình-trạng củaTâm ra làm ba vùng hay là ba bình-diện: (1) vùng ý-thức, sáng-tỏ mà ta có thể hay-biết rõ được các ý-tưởng, kiến-thức, hoặc tình-cảm nào hiện có mặt nơi tâm; (2) vùng tiềm-thức, lờ-mờ, mà các tư-tưởng, tình-cảm, hiểu-biết, tuy chẳng còn nhớ thấy được rõ-ràng, nhưng chúng có thể trồi trở lên, hơi mơ-hồ, tại vùng ý-thức lại; (3) vùng vô-thức, mờ-mịt, tuy các tình-cảm, tư-tưởng, kiến-thức, nay chẳng còn nhớ nghĩ rõ đến được nữa, nhưng chúng có thể gặp lúc bất-thần nào đó có đủ cơ-duyên thì trở lại vùng tiềm-thức hay vùng ý-thức. 

6)- Và trước khi tạm kết-thúc việc tìm hiểu tiểu-mục số 057 nầy, Thiện-Nhựt xin nhắc lại một mẩu chuyện lý-thú trong Pháp-Bảo-Đàn có liên-quan đến vấn-đề nội-động. Nơi Phẩm I, Hành-Do, Kinh Pháp-Bảo-Đàn, có thuật việc Lục-Tổ Huệ-Năng, bấy giờ còn là cư-sĩ, đến chùa Pháp-Tánh. Trước sân chùa, gió thổi ngọn phướn phất-phơ, có hai vị Tăng đang tranh-cãi nhau. Người nói, ''gió động'', kẻ cãi lại, ''phướn động'', tranh-luận nhau mãi chẳng thôi. Huệ-Năng bước ra nói: ''Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, tâm hai ông đang động đấy!'' Mọi người kinh-ngạc nhìn vị cư-sĩ quê-mùa nói một câu chí-lý. Pháp-sư Ấn-Tông, trụ-trì chùa Pháp-Tánh, nghe mọi người bàn-tán, mới ra mời Ngài Huệ-Năng lên ngồi trên chiếu và trọng-đãi. Sau đó, nhà sư nhận ra vị cư-sĩ nầy chính là Lục-Tổ, nên bái nhận Ngài làm ''Thầy'', rồi mới làm lễ thí-phát cho.

Tại sao: ''chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động''? (Phướn, chữ Hán-Việt là phan, hoặc tràng phan, tức là lá cờ dài, hẹp, treo lên cao, đòng-đưa theo ngọn gió). ''Chẳng phải gió động'', vì làm sao mà biết có gió động, nếu chẳng thấy có lá phướn phất-phơ cuốn bay theo cơn gió? ''Chẳng phải phướn động'', vì còn chưa thấy rõ cái gì đã làm cho phướn phải lung-lay? Hóa ra sự chuyển-động ở bên ngoài, mà hai nhà Sư đang tranh-cãi, đúng ra, là do ở nguyên-nhân hỗ-tương giữa gió và phướn; chấp riêng vào gió cũng sai, mà chấp riêng vào phướn cũng lầm. Còn chỗ đúng-đắn nhứt, mà ít người trông thấy ra được, lại chính là sự chuyển-động ở bên trong tâm (sự nội-động) của hai vị Tăng: tâm họ đang ôm chặt ý-kiến riêng của mình để chống-đối lại ý-kiến của kẻ kia. Xét thấu tận đến tâm của những kẻ khác, có lẽ chỉ các bực đã giác-ngộ như Ngài Lục-Tổ, mới nhìn được và thấy ra sự nội-động ở trong cả hai tâm-trạng của hai vị tu-hành còn cố-chấp đó.

*



tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   48   49   50   51   52   53   54   55   ...   59




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương