Kinh tì-kheo na-tiên càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, trang 706-753 Thiện Nhựt phỏng dịch và tìm hiểu Nguồn



tải về 1.4 Mb.
trang51/59
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích1.4 Mb.
#19794
1   ...   47   48   49   50   51   52   53   54   ...   59

151.- Từ nhãn-thức đến ý-thức .


Sau tiểu-mục dài và khó vừa qua, ta lại đến một tiểu-mục kế, số 052, chẳng kém rắc-rối, mặc dầu vấn-đề, nếu xét kỹ ra, chẳng quá phức-tạp. Tiểu-mục kế nầy bàn về Mắt và Tâm cùng thấy.

Nhắc lại: sau khi được Na-Tiên giải-tỏa thắc-mắc ''chẳng có cái gì gọi là con người trong thân-tâm nầy cả'', Vua Di-Lan lại hỏi:

- Khi con người mắt thấy, thì mắt và tâm có cùng nhau phát-sanh hay không? 

- Dĩ nhiên, cả hai đồng thời cùng phát-sanh. 

- Mắt thấy trước hay là tâm thấy trước? 

- Mắt thấy trước, tâm thấy sau. 

(Thiện-Nhựt xin mở một dấu ngoặc: Vua và Na-Tiên đang nói đến nhãn-thức và ý-thức. Phật-học, theo Nam-tông, phân-biệt sáu sự hiểu-biết gọi là sáu thức: (1) nhãn-thức (thấy ở mắt), (2) nhĩ-thức (nghe ở tai), (3) tĩ-thức (ngửi ở mũi), (4) thiệt-thức (nếm ở lưỡi), (5) thân-thức (xúc-chạm trên thân) và (6) ý-thức (sự hiểu-biết nơi tâm-ý). Năm thức trước, Bắc-tông gọi là tiền ngũ thức (tiền= trước; ngũ= năm; thức= biết), xảy ra tại năm giác-quan ở bên ngoài; còn ý-thức, là thức thứ sáu, ở bên trong tâm, thường có tánh-cách phối-hiệp.)

Câu hỏi kế-tiếp của Di-Lan có vẻ hơi ''ngớ-ngẩn'':

- Cả hai có nói với nhau như vầy chăng? Mắt nói với Tâm, chỗ tôi thấy trước, anh nên theo sau mà thấy. Tâm nói với Mắt, chỗ anh đã thấy, tôi nên theo đó mà thấy sau. 

- Cả hai chẳng nói với nhau gì hết. 

Nếu ta cho câu hỏi của vua Di-Lan là ''ngớ-ngẩn'', thì câu trả lời vắn-tắt của Tì-kheo Na-Tiên như trên cũng quá đủ rồi. Nhưng thắc-mắc của nhà Vua chẳng phải ''ngớ-ngẩn'' đâu, khi Ngài hỏi tiếp:

- Khanh há chẳng có nói, ''đồng thời cùng nhau phát-sanh'' hay sao? Vì cớ gì mà cả hai lại chẳng nói với nhau như vậy?

Chỗ thắc-mắc của nhà Vua chẳng ''ngớ-ngẩn'' chút nào, vì nhà Vua nghĩ rằng, nếu chẳng có ''nói với nhau'' trước, thì tại sao Tâm lại biết nhìn thấy đúng vào chỗ mà Mắt đã thấy? Nhưng phải chăng lời-lẽ của nhà Vua còn quá đơn-sơ, khi Ngài bảo, Mắt nói với Tâm, và Tâm nói với Mắt; làm sao mà hai cơ-quan vật-lý (mắt) và tâm-lý (tâm) lại có khả-năng biết nói cho được? Lẽ ra, nhà Vua nên hỏi như vầy: ''Khanh nói cả hai, Mắt và Tâm, đồng-thời cùng nhau phát-sanh, thì có phải chăng là đã có một sự liên-lạc, một sự cảm-ứng, giữa hai nơi Mắt và Tâm? Nếu vấn-đề được đặt ra như thế, thì có lẽ bốn thí-dụ dài-dòng, rắc-rối về (1) nước chảy theo xuống dưới; (2) hai người cùng đi theo hướng cửa; (3) đi theo vết xe trước; (4) tính-đếm theo số, của Na-Tiên chẳng còn cần-thiết nữa vì quá rườm-rà.

Sao lại hỗn-hào dám bảo bốn thí-dụ của Na-Tiên là chẳng còn cần-thiết và rườm-rà? Trước, hãy xét qua bốn thí-dụ Na-Tiên đưa ra nhằm chứng-minh rằng, Mắt và Tâm chẳng nói với nhau gì hết.

1.- Trên núi cao có mưa lớn. Sau trận mưa đầu, nước theo triền núi chảy xuống. Đến trận mưa sau, nước cũng chảy xuống, theo con đường mà nước trước đã chảy. Nước trước, nước sau có nói gì với nhau đâu, mà cùng chảy xuống theo phiá dưới. Rồi Na-tiên kết-luận: ''Mắt và Tâm cũng lại như thế, chẳng nói gì với nhau. Đó gọi là đi theo xuống dưới.''

2.- Thành-trì chỉ có một cửa ra vào. Một người ra trước, đi theo hướng cửa mà ra khỏi thành. Kẻ khác, đi sau, cũng đúng theo lối hướng cửa mà ra. Cả hai chẳng có dặn bảo gì với nhau, mà cùng theo hướng cửa. Rồi Na-Tiên kết-luận: ''Mắt và Tâm cũng lại như thế, chẳng có nói với nhau gì cả. Đó gọi là đi theo hướng cửa. Tai, mũi, miệng, thân và ý, cũng lại như thế.''

3.- Trên một con đường, xe đi trước, bánh lăn để lại vết trên mặt đường. Xe đi sau lăn bánh theo vết xe trước. Hai xe đâu có nói gì với nhau. Rồi Na-Tiên cũng kết-luận: ''Cũng vậy, Mắt chẳng nói với Tâm, ... tai, mũi, miệng, thân và tâm, cũng chẳng nói gì với nhau.

4.- Thí-dụ thứ tư: ''đi theo số'' rất khó hiểu. Na-Tiên bảo: ''Theo số là tính đếm. Sách vở, học vấn là số. Tai, mắt, mũi, miệng, thân, tâm từ từ biết rõ, rồi cùng hiệp lại sáu sự-việc đó cho đến khi thành chỗ hay-biết, mà chỗ hay-biết nầy chẳng phải chỉ tòng theo sự hay-biết của mỗi một nơi nào cả.'' Nghe xong, vua khen: ''Lành thay!'' Chẳng biết Vua đã hiểu thí-dụ nầy như thế nào mà lại khen, chớ riêng Thiện Nhựt còn ngu-dốt lại thấy khó hiểu quá. Nơi bản dịch Anh-văn của N.K.G. Mendis, thí dụ thứ tư nầy được dịch như sau: 

''As, sire, a beginner is clumsy in the crafts of reckoning on the fingers, calculation, reckoning and writing, but after a time by practice in careful working he becomes deft, even so, sire, it is through practice that where eye-consciousness arises there too mind-consciousness arises. There is no conversation between them. They arise because of practice.''

''Tâu Bệ-hạ, như kẻ mới học nghề còn vụng-về trong các kỹ-xảo về ước-tính trên đầu ngón tay, sự tính-toán, ước-lượng, và viết-lách, nhưng sau một thời-gian bằng sự thực-tập làm việc cẩn-thận, người ấy trở nên khéo-léo; mặc dầu vậy, tâu Bệ-hạ, chính nhờ sự thực-tập mà nơi nào nhãn-thức phát-khởi thì ý-thức cũng phát-khởi theo. Chẳng hề có cuộc nói chuyện nào giữa chúng cả. Cả hai phát-khởi do sự thực-tập.''

Bây giờ, giả-dụ như ta quên phứt đi năm hàng chữ Việt ở đầu trang 196 nầy, và lấy ý và lời của bản Anh-văn, thì ta có thể hiểu được thí-dụ thứ tư nầy, một cách dễ-dàng: Mắt và Tâm chẳng nói gì với nhau cả; chính do sự thực-tập mà nhãn-thức và ý-thức cùng nhau phát-khởi lên đồng-thời.

Nhưng mà chẳng lẽ tác-giả quyển ''Na-Tiên Tì-kheo Kinh'' lại chẳng thấy chỗ ''dài-dòng và rườm-rà'' của bốn thí-dụ đó mà lại viết ra tiểu-mục số 052, dài như thế. Tác-giả có thâm-ý muốn chứng tỏ một điều gì đây mà ta chưa kịp nhìn thấy để hiểu chăng? Tiểu-mục 052 tiếp theo Tiểu-mục số 051 nói về ''Cái gì là ''người''?'', trong đó tác-giả chứng-minh nơi thân-tâm nầy chẳng có ''ai'' hoặc ''cái gì'' đã làm, đã nói, như ''con người'' cả, mà chỉ có các yếu-tố tâm-sanh-lý phối-hiệp nhau mà đưa đến các hành-vi của thân, miệng, và ý thôi. Chính tại nơi Tiểu-mục số 052 nầy, lại một lần nữa, tác-giả muốn chứng-minh: khi mắt thấy, chẳng có ''ai'' hoặc ''cái gì'' đã nói, từ mắt đến tâm, cả; chỉ có nhãn-thức khởi lên gây thành một cảm-ứng đến tâm, khiến cho ý-thức cùng phát-khởi theo. Mấy yếu-tố vật-lý, sanh-lý, và tâm-lý (mắt thấy vật đối-tượng, nhãn-thức, ý-thức, tâm) đó phối-hợp nhau ở tâm, khiến cho ý-thức khởi lên, rồi mới có sự hay-biết là đang thấy vật. Chỉ có thế, chớ chẳng có ''người'' nào nói lên điều gì cả. Nếu vấn-đề chỉ là như thế, thì tại sao ta chẳng chọn một vài thí-dụ khác, để chỉ rõ mối liên-lạc giữa mắt (nhãn-thức) với tâm (ý-thức), và sở dĩ mắt đã thấy và rồi tâm cũng hay-biết rằng đang thấy theo, đó là do sự phối-hiệp ở bên trong tâm giữa nhãn-thức với ý-thức mà thành ra tri-giác: thấy? 

Trí thô-thiển của Thiện Nhựt nghĩ ra được một thí-dụ, chẳng biết có thích-hợp cho vấn-đề nêu trên hay không:

- Một nút bấm-điện có dây điện nối liền với một động-cơ. Gần nút bấm-điện có một bóng đèn nhỏ, phát cháy lên khi có luồng điện chạy qua dây. Bật nút bấm-điện, đèn cháy và động-cơ quay. Khi thấy đèn cháy, có ''ai'' đã đứng đó quát lên bảo với động-cơ phải chạy chăng? Nguyên-nhân làm động-cơ quay chính là luồng điện đã chạy qua dây rồi đến động-cơ làm cho máy nầy phát-động lên. Nếu chẳng có dây điện, nếu chẳng có luồng điện, làm gì máy chạy được. Cùng thế ấy, mắt nhìn vật, cảm-giác nầy được truyền vào trong, do hệ-thống thần-kinh từ mắt đến não, khiến cho tâm bên trong nhận-biết là mắt đang thấy vật: mắt như bóng đèn ở nút bấm-điện; sợi dây truyền điện cũng như hệ-thống thần-kinh, động-cơ cũng tựa như não và tâm bên trong. Như thế, ta thấy rõ, nhãn-thức được truyền vào trong tâm, nơi đây ý-thức liền phối-hiệp với cảm-giác mà thành ra một tri-giác: hay-biết rằng đang thấy vật được mắt nhìn đến.

Độc-giả khó tánh sẽ bảo, quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'' được soạn cách đây gần hai ngàn năm, làm gì nhơn-loại đã biết đến điện-khí mà đưa ra một thí-dụ như thế. Thế thì, Thiện Nhựt xin nói lại, để phù-hợp với sức hiểu-biết của người ít học ngày xa-xưa: Ngoài cổng chùa có sợi dây chuyền vào cửa chùa bên trong, đầu dây nầy buộc vào một cái chuông. Hễ có ai giựt-giựt đầu dây ngoài cổng, thì chuông bên trong chùa kêu bon-bon, sẽ có người ra mở cửa. Kẻ muốn vào chùa, người ra mở cổng, hai người đâu có nói gì với nhau, sao lại cùng biết là có khách muốn vào chùa? Chẳng qua, có cái chuông. Nhưng mà, giá mà dây chuông bị cắt đứt, giá mà chẳng giựt-giựt đầu dây, chú tiểu trong chùa có biết mà ra mở cổng chăng? 

Thiện-Nhựt thấy hai thí-dụ '''vô-duyên'' của mình cũng đã quá dài, và quá rườm-rà lắm rồi, nên chỉ biết chắp tay lại sám-hối và nguyện- cầu cho người đọc nhìn thấy ra được lẽ vô-ngã nằm ẩn-sâu trong bốn thí-dụ của Na-Tiên: chẳng có ''ai''trong thân-tâm nầy cả! 

*



tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   47   48   49   50   51   52   53   54   ...   59




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương