Kinh tì-kheo na-tiên càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, trang 706-753 Thiện Nhựt phỏng dịch và tìm hiểu Nguồn


- Nên có thái-độ nào đối với thân-tâm nầy?



tải về 1.4 Mb.
trang55/59
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích1.4 Mb.
#19794
1   ...   51   52   53   54   55   56   57   58   59

157.- Nên có thái-độ nào đối với thân-tâm nầy?


Như đã xét qua các tiểu-mục vừa kể trong Vấn-đề IX nầy: Con người và thuyết Vô-ngã, thân-tâm nầy đã là vô-ngã, chẳng có chủ, thì đối với nó, ta nên có thái-độ như thế nào. Đó là ý-chánh của tiểu-mục số 075, phần Phỏng-dịch. Tiểu-mục nầy cách xa các tiểu-mục vừa cứu-xét, nhưng ý-chánh lại liên-quan đến vấn-đề mà ta đang tìm hiểu.

Vua hỏi Na-Tiên:

- Sa-môn có mến-thương thân-thể của mình chăng? 

- Sa-môn chẳng tự thương-mến thân mình. 

- Sa-môn đã chẳng mến-thương thân mình, cớ sao khi nghỉ-ngơi lại muốn nằm nơi êm-ả, khi ăn uống lại muốn vật ngon của đẹp, tự săn-sóc mình như thế? 

Câu hỏi nầy của Vua, tuy xác-đáng, nhưng có hơi ''mỉa-mai'' một chút, cho nên lời đáp của Na-Tiên cũng khá ''dí-dỏm'' để đối lại. Na-Tiên hỏi ngược lại nhà Vua: Khi nhà Vua ra trận bị thương thì làm sao? Vua đáp, thì băng-bó vết thương lại. Na-Tiên hỏi tiếp:

- Đại-Vương vì mến-thương vết thương mà dùng thuốc, dùng cao và bông gòn băng-bó vết thương chăng? 

- Ta chỉ mong-muốn vết thương mau lành, chớ đâu có mến-thương nó. 

- Sa-môn cũng lại như vậy, chẳng mến-thương thân mình; tuy ăn uống, tâm chẳng vui-khoái... mà chỉ muốn cho thân-thể khoẻ-mạnh để có thể phụng-hành giới-luật, kinh-kệ của Phật... 

Rồi nhân đó, Na-Tiên trích-dẫn một đoạn Kinh: ''Thân người có chín lỗ hổng, tựa như chín vết đâm của mâu-thương; từ nơi chín lỗ đó chảy ra chất dơ hôi-thúi...'' 

Ta đã biết, thân-tâm nầy là vô-thường, sẽ có ngày tan-rả, nhưng nó rất quí-báu vì nhờ nó mà ta mới có thể học đạo giải-thoát. Do đó, thái-độ đứng-đắn đối với thân-tâm vô-ngã nầy là phải giữ-gìn nó cho được khoẻ-mạnh để mà học Đạo, chớ chẳng phải cung-phụng nó để cho nó chạy theo các thú-vui vật-chất. 

*

158.- Thân-tâm nầy, khi phân-tách kỹ ra, là vô-ngã.


Nơi tiểu-mục số 096, câu hỏi cuối cùng của Vua Di-Lan có liên-quan đến thân-phận của con người. Đây là câu hỏi kết-thúc cuộc đàm-luận đầy lý-thú về Phật-Pháp giữa nhà Vua và vị Tì-kheo. Vua hỏi Na-Tiên:

- Được làm người, cái chi làm cho ta đắc được làm người? Mắt thì thấy sắc, tai thì nghe tiếng, mũi thì ngửi mùi, miệng thì nếm vị, thân thì biết chỗ thô, chỗ nhuyễn, trí thì biết phân-biệt điều lành, điều ác, thế thì cái chi làm cho ta đắc được làm người? 

Ta nên tìm hiểu ý-nghĩa của câu hỏi quan-trọng nầy. ''Đắc được làm người'' tức là được làm ''người'', và nơi con người ấy, các căn: ''mắt, tai, mũi, miệng, thân và trí'' khi khởi-động, có phải đó là ''con người'' chăng? Hay là còn có đặc-điểm quan-trọng, chủ-chốt nào khác ở trong thân-tâm đó làm cho ta được thành ''con người''?

Na-Tiên chẳng trả lời ngay, mà hỏi ngược lại Vua:

- Thí dụ như có người khiến cho mắt nhướng lên ra khỏi đồng-tử thì có thấy được rộng xa hơn chăng, khiến cho vểnh tai to lên thì có nghe được tiếng ở thật xa chăng, khiến cho mũi hỉnh lớn lên thì có ngửi được mùi nhiều thêm chăng, khiến cho miệng mở hoác ra thì có nếm được nhiều vị chăng, khiến cho da thịt căng phồng rộng ra thì có biết thêm thô nhuyễn chăng, khiến cho trí vượt nổi lên thì có suy-niệm được nhiều thêm chăng?

- Chẳng được. 

Xét ý-nghĩa của câu vừa qua mà Na-Tiên hỏi ngược lại Vua, ta thấy, Na-Tiên muốn hỏi: giả-dụ các căn có nới rộng giới-hạn thêm ra, thì các cảm-giác ở mắt, tai, mũi, miệng, da và sự suy-niệm ở trí có gia-tăng thêm lên chăng? Tức là, Na-Tiên ngầm cho rằng, các căn đó, dầu cho có nới rộng thêm ra, cũng chẳng phải là các ''cái'' đã làm cho ta ''đắc được làm người''. Dụng-ý đó của Na-Tiên đã được Vua đồng-ý, khi Ngài đáp: ''Chẳng được.''

Đọc tới nữa, ta lấy làm lạ, tại sao Na-Tiên (và tác-giả quyển ''Na-Tiên Tì-kheo Kinh'' nầy) đã bỏ lửng cái dụng-ý trên đây mà lại quay sang nói đến khả-năng siêu-việt của Đức Phật: ''...nơi chỗ làm, Ngài đã làm được việc thật khó; nơi chỗ biết, ngài đã biết rất thâm-diệu...'' khiến cho mạch-lạc đoạn văn nầy trở nên lỏng-lẻo và... lủng-củng! Đây ta thử đọc tiếp theo ngay đó, thì sẽ thấy rõ chỗ thiếu mạch-lạc:

Na-Tiên liền nói:

- Đức Phật tại chỗ làm, Ngài đã làm được việc thật khó; nơi chỗ biết, Ngài đã biết rất thâm-diệu. 

- Chỗ đã làm việc thật khó, chỗ đã biết rất thâm-diệu, ý-nghĩa như thế nào? 

- Đức Phật nói: Ngài có thể biết được các bộ-phận ở trong người, giải-thích được những gì mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, miệng nếm, thân sờ-chạm, cắt nghĩa các điều thành-bại, các việc nghi-ngờ, giảng rõ các tư-tưởng, ý-niệm, các vấn-đề tâm-linh. 

Kế đó, Na-Tiên lại đưa một thí dụ về ngụm nước biển, như sau:

- Như có người ngậm một ngụm nước biển mặn, có thể nào phân-biệt ra được phần nước nào là nước từ suối chảy đến, phần nước nào từ sông chảy đến chăng? 

- Nước hòa chung lại thành một, làm sao biết riêng được. 

- Chỗ Phật đã làm một việc thật khó, là phân-biệt biết rõ hương-vị của mọi thứ nước, như nước biển mà nay Đại-Vương còn chưa phân-biệt được, như thần-trí con người vẫn chưa thấy được trong thân có sáu sự-việc chẳng thể thấy... 

Sau thí dụ ngụm nước biển đó, Na-Tiên mới đi một kết-luận:

- Bởi thế cho nên, Đức Phật đã giải-thích, tòng theo tâm-niệm mà đến với mắt mới thấy vật, tòng theo tâm-niệm mà đến với tai mới nghe tiếng, tòng theo tâm-niệm mà đến với mũi mới ngửi mùi, tòng theo tâm-niệm đến với miệng mới nếm vị, tòng theo tâm-niệm đến với thân mới biết sướng khổ, nóng lạnh, thô cứng, tòng theo tâm-niệm đến với ý mới biết chỗ qui-hướng. Phật tất biết hết cả, phân-biệt giải-thích rõ-ràng hết cả.

Vương khen: Lành thay!

Tiểu-mục số 096 kết-thúc với lời Vua khen: Lành thay. Như thế, khi Vua hỏi, ''cái gì làm cho ta đắc được làm người'', Na-Tiên chẳng trả lời thẳng câu hỏi đó, mà lại nói về trí hiểu-biết siêu-việt của Phật, đã làm và biết hết tất cả. Chính vì thấy chỗ ''trả lời ăn trớt'' đó, nên Thiện-Nhựt mới phạm tội hỗn-hào, nói tiểu-mục nầy hơi ''lủng-củng''. 

Đọc kỹ lại tiểu-mục nầy nhiều lần, Thiện Nhựt thấy rất rõ-ràng: ý-chánh là nói về thuyết vô-ngã, nơi thân-tâm nầy chẳng có cái chi đứng làm chủ-chốt cả, chẳng có cái ''Ngã'' nào ở trong đó đứng ra làm cho Ta ''đắc được làm con người cả.'' Thiện Nhựt lấy làm lạ sao, khi có dụng-ý muốn nói, dầu cho các giác-quan có được mở rộng thêm giới-hạn (như mở bét mí mắt ra, vểnh vành tai lên...) cũng chẳng làm cho kẻ đó thấy-nghe-biết nhiều hơn lên thì, đương-nhiên phải đi đến kết-luận là: các giác-quan chẳng thể làm cho ta đắc được con người. 

Nhưng rất tiếc, Na-Tiên lại quay sang nói về nhứt-thiết-trí (= trí hiểu biết tất cả) của Đức Phật. Hoặc giả, Na-Tiên muốn dựa lên trên nhứt-thiết-trí của Đức Phật để chỉ cho ta thấy rõ rằng ''tòng theo tâm-niệm mà đến với mắt, với tai, ... thì mới thấy được vật, nghe được tiếng'', để chứng minh rằng chính cái''tâm-niệm'' ấy, hoặc cái tiến-trình từ tâm-niệm đến các giác-quan mới khiến ''con người'' thấy, nghe, và biết... được. Nhưng tuyệt-nhiên, ta chẳng thấy trong tràng lý-luận của Na-Tiên có một chỗ nào minh-thị khẳng-định, hoặc phủ-định rằng, cái tâm-niệm đó chính là ''cái'' mà Vua Di-Lan đã muốn hỏi, tức là ''cái chi làm cho ta đắc được làm con người?'' 

Đến đây, ta thấy rõ, muốn trả lời thẳng câu hỏi của vua Di-Lan, thì Na-Tiên chỉ có một giải-pháp duy-nhứt, đúng theo Giáo-lý nhà Phật, là nói: Chẳng có ''cái chi'' trong thân-tâm nầy đã khiến cho ta đắc được làm ''con người''hết. Và đó là lý-thuyết vô-ngã được Đức Phật dạy trong Kinh Vô-ngã-tướng (Tương-Ưng Bộ-Kinh, Q.3, Ph. Tham-luyến, VII, trang 125-129) là bài Kinh thứ nhì của Đức Phật thuyết-giảng tại vườn Lộc-Uyển, sau bài Kinh Chuyển Pháp-Luân, có sự tham-dự nghe của năm anh em ông Kiều-Trần-Như. (Ông Kiều-Trần-Như chứng quả Thánh ngay sau khi nghe bản Kinh thứ nhứt; còn bốn vị kia, nhờ nghe thêm Kinh Vô-ngã-tướng mới chứng được đạo-quả.) 

Nhưng, để trả lời câu Vua hỏi, nếu chỉ có mỗi một việc là cứ đáp, chẳng có ''cái chi'' trong thân-tâm nầy đã khiến cho ta đắc được làm ''con người'' là đủ rồi, thì tại sao Na-Tiên lại dài-dòng trong thí-dụ về ngụm nước biển và nhứt-thiết-trí của Thế-tôn? 

Theo ngu-ý, Thiện Nhựt thấy chẳng phải Na-Tiên đã làm mất thời-giờ của nhà Vua chút nào đâu. Khi nêu lên thí-dụ đó, Na-Tiên muốn chỉ cho nhà Vua thấy rằng, chỉ có sự phân-tách hết sức tỉ-mỉ bằng nhứt-thiết-trí của Thế-tôn mới đưa đến sự ''phân-biệt giải thích rõ-ràng hết tất cả''. Nếu chẳng chịu khó phân-tích thân-tâm tỉ-mỉ như thế, thì làm sao có được một lời giải-thích rõ-ràng và chính-xác? Và khi phân-tách tỉ-mỉ thân-tâm nầy, ta chỉ thấy có nhiều yếu-tố, hoặc vật-lý như sự-vật đối-tượng bên ngoài, hoặc sanh-lý như các giác-quan, hoặc tâm-lý như các tâm-sở, tâm-niệm, cùng phối-hợp nhau, tác-động lên lẫn nhau, mà thành các sự thấy, nghe, hiểu, biết, hành-động của con người, chớ chẳng hề có một yếu-tố nào đứng làm ''con người''' vào nằm trong thân-tâm ấy để riêng tự mình mà đóng vai-trò hoàn-toàn chủ-động được cả. Đó chẳng phải lý-do chứng-tỏ rằng con người là vô-ngã hay sao?

Xin nhắc lại: ngay khi vừa tiếp-kiến Na-Tiên và phái-đoàn Tì-kheo đến hoàng-cung, Vua Di-Lan có hỏi: ''Ai là Na-Tiên? ... Đầu, ... mắt, tai, mũi, miệng là Na-Tiên chăng?'' (tiểu-mục số 013, trang 11). Và Na-Tiên đáp: ''Chẳng phải''. Đến câu hỏi cuối-cùng nầy, (tiểu-mục số 096, trang 76), Vua cũng hỏi lại: ''... mắt, tai, mũi... cái chi làm ta đắc được con người?'' Phải chăng, cả hai câu hỏi, câu hỏi đầu-tiên và câu hỏi cuối cùng của nhà Vua đều qui về chung một vấn-đề duy-nhứt, mà nhà Vua thắc-mắc hơn hết: ''Con người là ai?'' Và hai lời giải-đáp của Tì-kheo Na-Tiên, vào hai lúc trước và sau, cũng đều được nhà Vua tán-thưởng cả. Cho nên, một bực tinh-ý như Tì-kheo Na-Tiên tất nhận thấy rằng, có lẽ giờ đây chính là lúc nên kết-thúc cuộc đàm-luận và xin kiếu-từ ra về.

Cuộc đàm-luận lý-thú giữa bực Vương-giả với vị Tì-kheo lỗi-lạc có thể kết-thúc tại đây, nhưng công-việc Tìm hiểu Nghĩa Ý vẫn chưa thể gọi là xong-xuôi, vì đã bỏ sót vài câu hỏi của vua Di-Lan, còn chưa được xét đến. Các câu hỏi nầy chỉ có tầm quan-trọng thứ-yếu về các kiến-thức tổng-quát tại các tiểu-mục: số 059; số 064; số 079; và số 093. Vậy xin xét nốt tại Vấn-đề X: Các câu hỏi linh-tinh về kiến-thức tổng-quát.

-----*-----




tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   51   52   53   54   55   56   57   58   59




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương