Kinh tì-kheo na-tiên càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, trang 706-753 Thiện Nhựt phỏng dịch và tìm hiểu Nguồn


X.- Vấn-đề: Các câu hỏi linh-tinh về kiến-thức tổng-quát



tải về 1.4 Mb.
trang56/59
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích1.4 Mb.
#19794
1   ...   51   52   53   54   55   56   57   58   59

X.- Vấn-đề: Các câu hỏi linh-tinh về kiến-thức tổng-quát

159.- Muối, nước biển và biển .


Tại tiểu-mục số 059, nhân thí-dụ của Na-Tiên về món canh có thịt, có muối, có gừng..., Vua Di-Lan nêu lên câu hỏi về vị của muối, như sau:

- Người dùng mắt nhìn vị của muối có thể riêng biết được chăng? 

- Đại-Vương có biết được như thế không? Có thể nào dùng mắt nhìn mà biết được vị của muối hay sao? 

- Mắt chẳng thể biết được vị của muối. 

Ai cũng biết mỗi giác-quan có cơ-năng riêng: mắt thấy vật, tai nghe tiếng, lưỡi nếm vị, thì làm sao mà mắt có thể nếm được vị. Nhưng con người còn có kinh-nghiệm bản-thân về các vật đối-tượng bên ngoài, một khi có đã có kinh-nghiệm lưỡi nếm vị của muối mặn rồi, thì sau đó, mắt nhìn thấy muối, liền nhớ đến kinh-nghiệm cũ, nên biết ngay chất muối đó, vị của nó thì mặn.

Đến câu hỏi: ''Chiếc xe trâu chở muối có riêng biết vị của muối chăng?'', thì quả thiệt là ''ngớ-ngẩn'' quá, vì lẽ chiếc xe là vật vô-tri, có biết được cảm-giác nào đâu, mà hòng riêng biết vị của muối?

Lại đến một câu hỏi nữa: ''Vị của muối có thể cân-lường được chăng? cũng chẳng kém phần ''ngớ-ngẩn''. Vị thì chẳng thể nào đặt lên bàn-cân mà cân cho được, nhưng vị mặn, ít hay nhiều, mằn-mặn, mặn-chát, thì có thể được phân-biệt riêng ra, nhưng chỉ bằng lưỡi mà thôi. Còn cân-lường được, chẳng phải là vị của muối, mà là sức-nặng của muối kia. Mấy điều hiểu-biết thường-thức nầy, có lạ gì với một bực Vương-giả ''văn-võ toàn tài, lảu-thông thao lược'' như Vua Di-Lan.

Tới tiểu-mục số 093, nhà Vua hỏi vị Tì-kheo về biển và nước biển. Câu trả lời của Tì-kheo Na-Tiên về nước biển có chỗ chẳng được chính-xác cho lắm. Na-Tiên nói:

- Sở dĩ người ta gọi là biển, vì trong nước biển có nửa phần nước, nửa phần muối. 

Chỗ thiếu chính-xác đó là nước biển thường chỉ chứa nhiều lắm là một phần trăm chất muối, chớ chẳng phải đến năm mươi phần trăm. Trên thế-giới chỉ có biển-hồ Mer Morte, ở vùng Trung-Đông, có mật-độ muối trong nước lên đến hai mươi sáu phần trăm mà thôi.

*

160.- Tứ-đại là gì?


Nhân đang bàn chuyện lửa ở thế-gian, lửa ở địa-ngục, nhà Vua hỏi Na-Tiên (tiểu-mục số 064):

- Sa-môn các khanh có nói, đất trong thiên-hạ đều ở tại trên nước, nước ở tại trên gió, gió ở tại trên không, Ta chẳng thể tin là đúng như thế.

Thay vì trả lời thẳng câu Vua hỏi, Na-Tiên cầm bầu nước giơ lên và hỏi ngược lại Vua:

- Nước trong bầu nầy có phải do gió trì giữ chăng? 

- Dĩ nhiên, do gió trì giữ. 

- Gió trì giữ nước, cũng lại như vậy. 

Vua khen: ''Lành thay!'' 

Chẳng biết Vua hiểu lời giải-thích của Na-Tiên như thế nào, nhưng Thiện Nhựt thấy cần lợi-dụng cơ-hội nầy để tìm hiểu thêm về Tứ Đại. Thế-giới vật-chất có bốn chất nguyên-tố, có mặt ở khắp nơi, gọi là Tứ Đại (tứ = bốn; đại = lớn). Vì có mặt ở khắp mọi nơi nên được gọi là Đại, là lớn: địa-đại (đất, chất cứng), thủy-đại (nước, chất lỏng), hoả-đại (lửa, hơi nóng) và phong-đại (gió, chất khí). Bốn chất: cứng, lỏng, nóng và hơi nầy nương vào nhau mà tồn-tại. Chỗ nương vào nhau đó chính là chỗ mà Vua Di-Lan và Tì-kheo Na-Tiên gọi là ''trì-giữ''. 

Nương-tựa vào nhau là như thế nào? Trong đất, đã có nước, có nóng, có hơi; cũng như trong nước, cũng có các chất kia vậy. Và trong bốn đại, luôn luôn có sự tương-trì, khi thì hoà-thuận nhau; có sự tương-khắc nhau, khi thì chống-đối nhau, khiến cho có sự biến-chuyển luôn luôn nơi vật-chất, mà thành ra cái lẽ vô-thường của vạn-vật, luôn luôn biến đổi. 

*

161.- Khóc .


Nhân khi nghe nói về Đức Phật tự mình thông-hiểu tất cả Kinh-kệ và Giới-luật, Vua Di-Lan mới hỏi Na-Tiên:

- Có kẻ khi cha mẹ chết thì than-khóc, lệ tràn; lại có người vì nghe Kinh Phật mà ứa lệ, hai lần chảy nước mắt có khác nhau không? 

Lời đáp của Na-Tiên có vẻ hơi ''nghiêm-khắc'' đối với những người con bởi thương cha mẹ chết mà khóc, vì Na-Tiên bảo:

- Kẻ vì cha mẹ chết mà khóc là do thương-cảm, tâm-niệm ưu-sầu, đau-khổ; các sự ưu-sầu đó tức là ưu-sầu của sự ngu-si. Còn người ứa lệ vì nghe được Kinh Phật là do tâm-niệm từ-ái, nghĩ đến thế-gian khổ-nhọc, nên mới khóc, như thế được phước rất to lớn. 

Xin đồng-ý với Na-Tiên là do tâm-niệm từ-ái nghĩ đến cảnh-khổ ở thế-gian mà khóc khi nghe được Kinh Phật, nhưng kẻ khóc vì cha-mẹ chết nào có khóc vì sự ngu-si đâu? Thật ra, cả hai cảnh khóc đều do tâm cảm-động mà ứa lệ. Cảm-động vì người mình thương nay chẳng còn nữa, nên mình mới khóc. Cảm-động vì từ trước đến giờ mình chẳng hiểu rõ thân-phận khốn-khổ của con người nơi thế-gian nầy, nay nghe Kinh Phật giải rõ chỗ ngu-si của mình ra, chỉ cho mình và các đồng-loại của mình thấy con đường thoát khổ, nên mình mới ứa lệ. Và cả hai cái khóc chơn-thành đều mang lại phước lành cả.

*

162.- Tâm-trạng của Vua Di-Lan và Tì-kheo Na-Tiên sau cuộc đàm-luận về đạo-pháp .


Đến đây chỉ còn tóm-tắt vài trang ở đoạn chót nơi Phần III của cuốn ''Na-Tiên Tì-Kheo Kinh'', thì có thể kết-thúc việc Tìm hiểu Nghĩa Ý.

Sau câu hỏi chót về ''cái chi làm cho ta đắc được làm người?'', của nhà Vua, Tì-kheo Na-Tiên cảm thấy đã đến lúc nên kết-thúc cuộc đàm-luận kỳ-thú về Giáo-lý nhà Phật giữa hai người, nên thưa rằng:

- Đã quá nửa đêm rồi, tôi xin ra về... 

Trước khi tiễn-biệt, vua nói lời khen tặng (mà cũng tự-khen nữa):

- Được vị Thầy dạy như Na-Tiên, và có đệ-tử như Ta, chắc là mau đắc Đạo lắm. 

Kế đó, Vua sai mang mười vạn bộ y thật đẹp để cúng-dường, và mời Na-Tiên cùng các Tì-kheo hằng ngày cứ đến vương-cung để dùng cơm; ngoài ra, nếu có cần dùng điều chi Vua sẽ cung-phụng. Trước lời từ-chối khiêm-nhường của Na-Tiên, Vua Di-Lan thành-khẩn bảo, ''Na-Tiên nên nhận để tự giúp mình mà cũng để giúp cho Vua''. Na-Tiên thắc-mắc hỏi sao lại tự-giúp mình mà lại cũng giúp cho Vua nữa. Nhà Vua giải-thích rất khéo-léo:

- Sợ e người ngoài bàn-tán bảo rằng Ta keo-kiệt, Na-Tiên đã vì Vua giải hết các chỗ hồ-nghi mà Vua chẳng ban thưởng gì cả. Hoặc sợ e có kẻ khác bảo, Na-Tiên đã chẳng giải nổi được các chỗ Vua còn hồ-nghi, nên chẳng được Vua ban-thưởng gì cả. Na-Tiên mà nhận, đó là giúp Ta được phước, mà cũng giúp cho Na-Tiên giữ được tròn danh-tiếng...

Na-Tiên mới nhận tặng-phẩm và ra về, dưới ánh đuốc của các quan hầu-cận theo lịnh Vua đưa phái-đoàn Tì-kheo về chùa.

Đêm ấy, Vua nằm thao-thức, nghĩ rằng, ''đã hỏi Na-Tiên biết bao lời, Na-Tiên đều giải-đáp tất cả. Ta tự nhớ lại các chỗ đã hỏi, chẳng có câu nào Na-Tiên chẳng giải rõ ý Ta... '' Với ý-nghĩ ấy, nhà Vua tâm rất hoan-hỉ, nằm an nghỉ cho đến sáng.

Còn phần Na-Tiên, khi về đến chùa, cũng nghĩ, ''Đại-Vương đã hỏi tôi biết bao nhiêu sự-việc, tôi cũng đã vì Đại-Vương giảng-giải bấy nhiêu sự-việc. Tôi lại nghĩ, các chỗ Đại-Vương hỏi tôi, tôi đều phân-tách rõ hết...'' Với ý-nghĩ ấy, vị Tì-kheo lỗi-lạc tâm rất hoan-hỉ suốt đêm cho đến sáng... 


 

--------------------------------------------------------------------------------

Vài lời xin thưa nốt...

Kính thưa Quí-Vị Đạo-hữu,

Được quí vị đọc đến trang chót nầy, Thiện Nhựt xin chơn-thành cảm-tạ quí Vị đã chẳng ngại tốn-phí thời-giờ và đã chịu khó xem qua lời văn vụng-về, ý-kiến thô-thiển của Thiện Nhựt trong khi Tìm hiểu một bản ''Kinh-Luận'' rất nổi tiếng nầy.

Quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'' xuất-hiện trong nền văn-chương Phật-học đã gần hai ngàn năm, dưới nhiều hình-thức từ chữ Phạn, chữ Hán, chữ Miến, chữ Tích-lan, chữ Anh, chữ Pháp, v.v..., với nội-dung khác nhau, tùy nơi xuất-bản. Thiện-Nhựt học giáo-lý nhà Phật qua Kinh-sách xuất-xứ từ Hán-Tạng, cho nên Thiện-Nhựt mới phỏng-dịch bản Kinh-Luận nầy trong Đại-Tạng. Thiện Nhựt chẳng dám dùng các chữ phiên-dịch, hay chuyển-ngữ, vì biết mình sức học còn non kém, phỏng theo cũng đã khó rồi, huống hồ là dám nghĩ mình dịch đúng. Xin chấp tay cúi đầu chờ đợi lời chỉ-giáo của các bực cao-minh.

Trong khi tìm hiểu nghĩa chữ và nghĩa ý của bản kinh-luận nầy, Thiện Nhựt đã hơn một lần có lời vô-lễ, như ngớ-ngẩn, lủng-củng, xin quí Vị Đạo-hữu niệm tình tha cho cái tội ''bốc đồng'' của kẻ vừa mới bước chơn vào đường học Phật. Nhân đây, Thiện Nhựt cũng ngõ lời cam chịu tội với tác-giả và dịch-giả trong Hán-Tạng, vì Thiện Nhựt đã tự-tiện thêm vào các tiêu-đề, số tiểu-mục và các chữ nhỏ in nghiêng trong dấu ngoặc. Đó chẳng qua là vì muốn việc tra-cứu lại cho được dễ-dàng, và giải-thích thêm chỗ khó đã phỏng-dịch ra chẳng nổi. Tuyệt-nhiên Thiện Nhựt chẳng dám xen vào bản Phỏng dịch để có ý-kiến riêng của mình. Theo ý-hướng nầy, chỉ chép lại chỗ Tìm hiểu của mình riêng ra tại một phần ở sau, sau bản Phỏng-dịch.

Việc nghiên-cứu tên tác-giả, tên dịch-giả, bản nào đúng theo gốc chánh-văn, Thiện Nhựt chẳng dám nghĩ đến, xin chờ đợi sự khảo-sát với đầy-đủ bằng cớ của các học-giả khảo-cổ; và nguyện-cầu ý và lời trong Kinh-luận sẽ mang nhiều lợi-lạc cho đường tu của người đọc. 



Trân-trọng, 
Montreal, 2005- 03-28
Thiện Nhựt


tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   51   52   53   54   55   56   57   58   59




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương