Huỳnh Vũ Lam nghiên cứu truyện dân gian khmer nam bộ DƯỚi góc nhìn bối cảnh luậN Án tiến sĩ ngôn ngữ VÀ VĂn hóa việt nam


Kiến giải truyện kể trong bối cảnh lễ hội



tải về 1.32 Mb.
trang17/23
Chuyển đổi dữ liệu31.03.2018
Kích1.32 Mb.
#36804
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   23

4. 4. Kiến giải truyện kể trong bối cảnh lễ hội


Trong một năm, người Khmer Nam Bộ có nhiều lễ hội; trong đó, có ba lễ hội tập trung đông đảo người dân đến tham dự là: Chôl ch’năm th’mây (vào năm mới), Đôn ta (cúng ông bà) và Ooc om booc (đút cốm dẹp/ cúng trăng). Ở những lễ hội đó, phần lễ thường là những nghi thức cúng tế thiêng liêng, diễn ra trong chùa (vào năm mới và cúng ông bà) hoặc ở gia đình (đút cốm dẹp). Còn phần hội là lúc tập trung đông người nhất với các trò chơi dân gian, các cuộc đua, các cuộc thi hát. Trong hai phần lễ và hội, truyện kể dân gian thường diễn ra trong phần lễ thông qua hệ thống nghi thức và việc thực hành các nghi thức đó. Để tìm hiểu một câu chuyện được kể trong dịp lễ hội với những mốc thời gian định trước, chúng tôi đã chọn tham dự một buổi lễ cúng mặt trăng Ooc om booc tại một gia đình người Khmer.

4.4.1. Phân tích các yếu tố bối cảnh


A. Truyền thống: Lễ cúng trăng (Ooc om booc) là một lễ nghi nông nghiệp, mang tính chất tạ ơn trời đất đã ban cho mùa màng được tươi tốt, kết quả gặt hái được đủ đầy sung túc. Lễ cúng trăng của người Khmer có đặc trưng là dùng các loại củ quả và những loại cây có thể ăn được ngay (mía) do tự người nông dân trồng cùng với một sản phẩm làm từ nếp là cốm dẹp. Hồn cốt của lễ này là truyện kể về sự hi sinh của con thỏ, vốn là một tiền kiếp của đức Phật Thích Ca. Qua việc đút cốm dẹp cho trẻ con, người lớn mong muốn những ước mơ của con trẻ sau này sẽ thành sự thật. Tuy nhiên, truyện kể về thỏ thường không được người tham gia tự kể ra trong lúc thực hành lễ cúng. Người ta chỉ kể khi có ai đó hỏi đến. Để chứng kiến được việc diễn xướng kể chuyện diễn ra một cách tự nhiên, chúng tôi đã liên hệ với một gia đình người Khmer có tổ chức cúng trăng và có thực hiện việc kể chuyện cho con cháu nghe trong lễ cúng ấy. Đó là gia đình ông Thạch Phum, 82 tuổi, ở ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

Trước khi buổi lễ cúng trăng chính thức diễn ra và việc kể chuyện được thực hiện, trong gia đình đã xảy ra một cuộc tranh luận về việc có nên mời sư chùa Xoài Vọt đến dự lễ hay không. Ông Thạch Molyda, là em của ông Thạch Phum, muốn mời các vị sư lại tụng kinh cho buổi lễ cúng trăng để thêm phần trong trọng. Lí do mà ông Molyda đưa ra là câu chuyện về tiền kiếp của đức Phật thì chắc chắn phải có liên quan đến sư trong chùa, tại sao không mời sư đến. Tuy nhiên, ông Thạch Phum không đồng ý vì ông cho rằng: tục lệ ông bà từ xưa tới giờ là không có mời sư trong lễ cúng trăng, chỉ có gia đình và con cháu mà thôi, với lại nếu sư đến thì đọc kinh và buộc con cháu phải ngồi lạy còn lễ cúng thì cần khấn nguyện và kể chuyện cho mấy đứa trẻ nghe. Một số người trong gia đình cũng tham gia ý kiến nhưng cuối cùng cũng chấp nhận lời của ông Thạch Phum. Ông Thạch Kiên, 50 tuổi, ở cùng với ông Thạch Phum, xin được làm một mâm cháo gà để mời mấy người bà con anh em đến chơi và ca hát. Lúc đầu, ông Phum cũng không đồng ý với lí do là lễ cúng trăng chỉ cúng đồ ngọt, không cúng thức ăn mặn. Nhưng sau đó, nghe lời bà vợ và các con nên ông cũng đồng ý cho gia đình chuẩn bị mâm cháo đãi mọi người.

Qua gia đình ông Thạch Phum, chúng tôi được biết việc kể chuyện trong đêm cúng trăng ngày xưa thì có nhiều, do con cháu không có các phương tiện giải trí khác, đêm trăng tròn xong mùa vụ, trưng bày tất cả thức ăn dưới ánh trăng, đút cốm dẹp và nghe người lớn kể chuyện. Còn bây giờ, nhà nào cũng có truyền hình nên mấy đứa trẻ cũng ít tập trung. Vả lại, những người còn trẻ tuổi cũng ít quan tâm đến chuyện này nên cũng không có ý truyền lại cho con cháu nghe. Còn ở Sóc Trăng, ban dân tộc tỉnh có tổ chức một lễ cúng trăng kiểu mô hình và sân khấu hóa tại bảo tàng văn hóa Khmer tỉnh, có mời các vị sư đến để chứng kiến và tụng kinh. Đối tượng quỳ dưới sân là học sinh trường dân tộc nội trú trong tỉnh được điều động đi dự. Sau đó một số tiết mục văn nghệ do các địa phương biểu diễn và múa tập thể cho tất cả những ai tham dự và yêu thích. Tuy nhiên, thực tế thì những người Khmer tham dự cũng không tham gia múa mà chỉ có học sinh các trường thực hiện mà thôi. Còn lại việc kể chuyện cho con cháu nghe ở các gia đình khác thường cũng rất hiếm gặp.

B. Đặc điểm cá nhân và những người tham gia: Ông Thạch Phum là một người nông dân Khmer có tuổi đời khá lớn và kinh nghiệm sống có bề dày. Trải qua nhiều thăng trầm, những gì người đàn ông hơn 80 tuổi này lưu giữ trong tâm trí là những tập quán và những truyện kể của một dân tộc coi trọng lao động, đánh giá cao đạo đức và lòng tôn sùng Phật giáo. Ông đã từng đi tu thời còn trai trẻ, biết giới luật và được nhiều người coi trọng. Ông có những nhận xét về sự thay đổi của thế hệ con cháu và có những mong muốn họ lưu giữ những truyền thống tốt đẹp. Trong gia đình ông, còn có một số người khác (em trai, vợ, các con và cháu) với những suy nghĩ và hiểu về vốn văn hóa dân tộc khác nhau. Xu hướng đơn giản hóa và chấp nhận sự giao thoa với văn hóa Việt là suy nghĩ phổ biến của những người con và cháu của ông. Tất cả những đứa cháu của ông Phum đều được đi học phổ thông, được hấp thụ nền giáo dục bằng tiếng Việt.

Kể chuyện trong lễ cúng trăng là một trường hợp ít gặp. Do ông Thạch Phum có ý muốn cho con cháu nhớ tới tinh thần của dân tộc mình nên mới thực hiện việc diễn xướng kể lại truyền thuyết về tiền kiếp Phật Thích Ca. Điều quan trọng hơn là ông còn muốn thể hiện quyền uy của bản thân mình qua việc con cháu và anh em ông phải nghe theo sự sắp đặt của ông. Những cuộc thương thảo trước khi lễ cúng trăng diễn ra cũng cho thấy sự chuyển hóa và thay đổi trong nhận thức của người Khmer về truyền thống. Những yếu tố mới và cũ, tiện nghi và rườm rà, tự do và ràng buộc có sự cọ xát với nhau giữa suy nghĩ các thành viên trong gia đình. Những người con và cháu của ông Phum đều ngồi nghe không phải với tư thế háo hức như ông mong đợi. Họ có những suy nghĩ và cảm nhận riêng, dù không thể cãi lời ông cha của mình. Do đó, thái độ thờ ơ của đám trẻ và lời nói của những người phụ nữ làm ông Phum nổi giận chính là biểu hiện của những thay đổi và biến chuyển về nhận thức văn hóa của người Khmer.



C. Cấu trúc cộng đồng: Nơi cuộc kể chuyện diễn ra là một gia đình có ba thế hệ. Ấp Mộc Anh là địa phương có đông đồng bào Khmer, cư trú trên các con đường dẫn về chùa Xoài Vọt. Hầu hết các hộ gia đình đều trồng mía và có một phần làm ruộng lúa nước. Họ tuân thủ những lễ hội cộng đồng và giữ gìn tốt bản sắc văn hóa Khmer. Theo nhà sư trụ trì chùa Xoài Vọt – Thạch Cương – hầu hết những người dân trong phum này đều làm nghề nông và sống bằng việc bán sản phẩm làm ra (lúa, mía) nên thu nhập không cao. Tuy nhiên việc cúng chùa và giữ được các phong tục thì thường xuyên được thực hiện.

Gia đình ông Thạch Phum, có 5 người con trai gái nhưng sống chung với ông chỉ có người con trai là Thạch Kiên, những người khác ra ở riêng cùng xóm. Yếu tố gia đình tạo thành một sự ảnh hưởng rất lớn đối với người nghe kể chuyện dù có một vài người hàng xóm tham gia. Tuy nhiên những đứa bé hàng xóm do được tiếp thu tri thức và niềm tin từ trường học nên cũng đã biết trước được nội dung câu chuyện được kể. Đồng thời, cũng do không phải là cháu ruột ông Phum nên các em có những phản ứng tỏ ý không thích. Điều này cũng làm cho cách kể của ông Phum thay đổi.



D. Bối cảnh tức thời: Lễ hội Ooc om booc là một sự kiện được lên lịch sẵn nên bối cảnh tức thời để làm nảy sinh truyện kể không có. Nhưng trong quá trình kể chuyện, những phản ứng của người nghe làm thay đổi cách kể là một dạng bối cảnh tức thời.

4.4.2. Mô tả diễn ngôn kể chuyện


Đêm 14 tháng mười âm lịch, khi ánh trăng tròn đã lên khỏi rặng dừa phía xa, gia đình tiến hành nghi thức cúng trăng, khấn vái. Tất cả mấy đứa cháu của ông Thạch Phum và vài ba đứa trẻ hàng xóm ngồi trên chiếc đệm trải phía sau bàn bày lễ vật. Sau khi thực hiện xong nghi thức đút cốm dẹp và hỏi mấy đứa trẻ về ước mơ sau này, những người trong gia đình mời chia nhau các vật phẩm cúng trăng và cùng ngồi ăn với đám trẻ con. Ông Thạch Phum bấy giờ mới ngồi xuống và kể chuyện. Câu chuyện này tương đối đơn giản:

Diễn trình câu chuyện được kể

Phần nội dung

Sau khi đút cốm dẹp cho tất cả 8 đứa cháu xong, ông Thạch Phum ngồi xuống chiếc đệm giữa sân, dưới ánh trăng sáng vằng vặc. Mấy đứa cháu của ông ngồi ăn cốm dẹp và mấy loại củ quả, bánh trái do những người phụ nữ phân phát. Mấy đứa trẻ hàng xóm, tay cầm khoai vừa ăn vừa sà vào ngồi chung với bạn.




Ông Thạch Phum kêu mấy đứa cháu ngồi gần lại để nghe chuyện




Ông bắt đầu kể chậm rãi, từ tốn bằng tiếng Khmer.

Mấy đứa trẻ ngồi nghe, đa số chăm chú, nhưng cũng có vài đứa đang đùa giỡn khúc khích.

- Ngày xưa, lúc chưa đắc đạo, ở một kiếp nọ, Phật Thích Ca đầu thai thành con thỏ. Con thỏ này chơi thân với coi rái cá và con chó. Vì nóng lòng muốn cho đức Phật sớm đắc đạo, có một vị tiên hóa thành kẻ ăn mày đói khát đến xin mấy con thú vật thức ăn. Con chó và con rái cá đã cho người ăn mày thức ăn mà bọn nó kiếm được.

Gặp con thỏ, người ăn mày năn nỉ xin thỏ bố thí cho cái xác của thỏ để ăn.



Có một đứa trẻ hàng xóm chợt nói: “Ôi ông kể sai rồi, có ai mà xin cái xác của người khác để ăn đâu”.

Tôi nhìn thấy câu bé này khoảng 13 tuổi gì đó, năng động, hơi đùa cợt




Ông Thạch Phum nổi giận và yêu cầu đứa trẻ giải thích. Lúc này mấy đứa cháu im re, mấy người phụ nữ trong nhà cũng dừng nói chuyện. Có người còn ra hiệu cho đứa bé đừng chọc giận ông




Thằng bé nói giọng cứng rắn và tự tin:

- Con đọc trong sách ở trường nói là đức Phật hóa thành người ăn mày đi xin ăn thôi. Con thỏ không có đồ ăn cho nên mới tự mình nhảy vào lửa để hiến mình cho người ăn mày. Đâu có ai mà xin ăn cái xác của con thỏ đâu.

Ông Phum giận và cắt ngang câu chuyện.

Thằng bé sợ quá bỏ về nhà



Mày hỗn, con nít mà biết gì nói!


Tôi để ý thấy hình như thái độ của ông Phum cũng hơi thay đổi. Có lẽ ông cũng nhận thấy mình kể hơi nhầm. Nhưng vì danh dự nên ông không biểu hiện ra.

Sau đó ông kể tiếp:



Có một số đứa cháu bắt đầu lơ đãng, dùng tay chọc ghẹo nhau trong khi ông kể rồi.

Thỏ bảo rằng: người hãy chụm lửa, khi lửa đang cháy cao lên, con thỏ giũ lông mình cho thật sạch và nhảy vào lửa để nướng mình cho tiên ăn.

Ông kết luận, giọng nghiêm trang

Tiên thấy vậy làm phép tắt lửa và vẽ hình con thỏ lên mặt trăng để tưởng nhớ công lao của đức Phật. Từ đó ngày rằm tháng K’đât (tháng 10 theo âm lịch) người ta tổ chức lễ cúng trăng để nhớ công lao đức Phật. Tụi mày nhớ nghe hông.

Ông Thạch Phum hướng dẫn mấy đứa trẻ nhìn lên mặt trăng.

Mấy đưa trẻ nhìn theo với thái độ háo hức dù có đứa nhìn mãi mà hình như cũng không hiểu lắm.

Bây giờ tụi con nhìn lên mặt trăng coi thấy có hình con thỏ màu đen đang ở trên đó kìa.

Câu chuyện mà ông Thạch Phum kể có chỗ thiếu chính xác so với những tài liệu hiện thời. Và điều đó đã bị một đứa bé phát hiện, phản ứng với thái độ thẳng thắn. Ông Thạch Phum nổi giận và lấy là uy quyền trong “vị thế người lớn” của mình và tiếp tục kể câu chuyện. Sự kiện ấy vừa cho thấy khi kể chuyện, việc tạo ra một bản sắc riêng cho mình là một trong những yếu tố để thu hút người xem. Tuy nhiên, đôi khi, để củng số sức thuyết phục, người ta sẽ cố ý đặt vị thế xã hội của mình vào với bản sắc của người kể chuyện. Khi ấy, không khí của mạch kể chuyện sẽ bị phá vỡ và kéo mọi thứ về thực tại. Sau khi cho đứa bé hàng xóm về nhà, câu chuyện lại tiếp tục nhưng người nghe bắt đầu thiếu chú ý vì dư vị của việc kéo về hiện tại khi nãy. Câu chuyện kết thúc bằng việc ông Thạch Phum lấy ánh trăng có thật để minh chứng cho con cháu về hình tượng con thỏ trong câu chuyện. Sự trực quan của đám trẻ hướng về mặt trăng có tác dụng tạo ấn tượng gấp nhiều lần so với trí tưởng tượng khi đọc văn bản. Tuy nhiên đến lúc này câu chuyện chỉ còn chức năng xã hội mà mờ dần chức năng thẩm mĩ.

Việc hóa thân vào một vai kể mang tính giáo dục của ông Thạch Phum trong trường hợp này không thành công. Nguyên nhân có thể là do nhiều yếu tố: xã hội, cách học tập, môi trường xung quanh, những người thân trong gia đình, và chính bản thân ông. Trong đó, cách mà ông nhập vai và hóa thân thành một bản sắc khác để chuyển tải câu chuyện cho mấy đứa trẻ chưa thật hấp dẫn. Câu chuyện ông kể có lúc thiếu chính xác. Ông không tôn trọng đối tượng nghe truyện, cứ nghĩ rằng mình lớn tuổi là đúng. Đến khi có sự phản ứng từ phía người nghe, thì ông dùng quyền uy để trấn áp. Ngược lại, đứa trẻ từ một tình huống kích thích đã phản ứng lại bằng một cách kể tự tin, mạch lạc đối với thái độ vô tư.


4.4.3. Ý nghĩa của sự kiện kể chuyện


Khi phân tích truyện về con thỏ và lễ cúng trăng, Phạm Tiết Khánh xếp truyện này thuộc cổ tích về loài vật và cho rằng cổ tích Khmer Nam Bộ có mối quan hệ chặt chẽ với phong tục. Đặc biệt, ông khẳng định “sự đan xen đến mức hòa nhập Phật thoại với truyện cổ tích loài vật là hiện tượng không thấy có ở văn học dân gian người Kinh” [68, tr.192]. Chẳng hạn, tục cúng trăng bắt nguồn từ truyện Sự tích con thỏ và mặt trăng với hình tượng đức Phật vẽ hình con thỏ lên mặt trăng để sau này mọi người trông thấy mà noi gương. Mở rộng ra, con thỏ là con vật được ca ngợi là con vật thông minh và có một vị trí cao trong nhiều câu chuyện dân gian Khmer cũng có thể từ câu chuyện này. Như vậy, với hướng tiếp cận ngữ văn dựa trên văn bản, câu chuyện con thỏ và mặt trăng được đánh giá ở chức năng giải thích lễ hội, giáo dục đức hi sinh, xuất hiện tình trạng chuyển thể loại và con thỏ trở thành hình tượng quan trọng trong truyện dân gian.

Ở góc nhìn bối cảnh, mục tiêu giáo dục truyền thống là quan trọng nhất của ông Thạch Phum khi kể chuyện. Mức độ tin tưởng của mấy đứa trẻ tham dự càng tăng cao hơn nữa khi kết thúc câu chuyện ông lấy hình ảnh mặt trăng có thật để chứng minh lời mình nói. Niềm tin còn mãnh liệt và có sức mạnh hơn khi ông sử dụng uy thế trong mối quan hệ thân tộc của mình để gạt bỏ mọi sự tác động, buộc những đứa cháu có một niềm tin tuyệt đối ở người ông của mình. Chỗ chưa hợp lí trong nội dung câu chuyện ông kể không còn quan trọng nữa khi mục tiêu chính là xây dựng niềm tin và lòng tuân phục tuyệt đối. Các chi tiết, motif kể có thể không còn chính xác nhưng không ai quan tâm cả; mọi người có lẽ cũng đã nắm bắt được cốt truyện nhưng họ không phản đối. Vì mục đích của những người trong gia đình cũng muốn tất cả những đứa trẻ tham gia chấp nhận câu chuyện của ông Thạch Phum.

Lễ cúng trăng là một trong những lễ nghi nông nghiệp quan trọng vì nó mang tính chất tạ ơn đất đai và các vị thần đã giúp đỡ, độ trì cho mùa màng tươi tốt. Trong lễ đó, tất cả những sản vật mang lên cúng trong đêm rằm tháng Mười đều do những người nông dân tự làm ra. Việc đút cốm dẹp cho trẻ con là hành động biểu hiện mang tính ma thuật, cầu mong cho đứa trẻ mau lớn, khỏe mạnh và ước gì được nấy. Tất cả những lễ nghi đó được thực hiện và trao truyền từ đời này sang đời khác bằng hành động, bằng lời khấn vái, bằng các thủ tục hỏi đáp khi đút cốm dẹp. Tuy nhiên, cái phần tinh thần và hồn cốt của buổi lễ, cái tạo niềm tin và động lực cho những người tham gia thực hiện một cách tự giác chính là câu chuyện kể. Chức năng của câu chuyện không phải để mua vui, để giải trí, để mơ mộng mà là để xây dựng niềm tin có thật. Từ một câu chuyện giải thích về tiền kiếp của Phật Thích Ca, người dân đã móc nối vào đấy cơ sở giải thích hiện tượng thiên nhiên (vết đen trên mặt trăng), rồi lấy mặt trăng để chứng giám cho một hành động tín ngưỡng đối với trẻ con, rồi lấy trẻ con để gửi gắm niềm tin, quyền uy và khát vọng của cha mẹ, ông bà. Như vậy, câu chuyện được kể như một chiếc cầu bắt qua nhiều bờ sông, mà ở mỗi bờ ấy, tâm thức và niềm tin của người Khmer đều hiện diện.

Trong thực tế, khi kể chuyện trong bối cảnh thực tại có nhiều người tham gia, sự tương tác của người nghe sẽ quyết định quy mô của câu chuyện cũng như ý nghĩa được diễn giải. Mục tiêu trao truyền nét văn hóa và phong tục qua lời kể đầy hào hứng của ông Thạch Phum đã biến câu chuyện kể thành một phương tiện để tác động tới con cháu. Nếu đám cháu của ông nghe lời thì câu chuyện có thể sẽ kéo dài và nhiều chi tiết. Nhưng thực tế thì ngược lại nên dung lượng của truyện kể bị phá vỡ. Sự nhàm chán trong thái độ của mấy đứa trẻ cho thấy hiệu quả câu chuyện không như mong muốn của người kể.

Nhà folklore Hoa Kì R. S. Boggs cho rằng : trong một nền văn hóa truyền miệng, tất cả đều là folklore, trong các xã hội hiện đại thì folklore là những gì được “truyền lại” (handed down) chứ không phải được học ở nhà trường (learned) [dẫn theo 22, tr.44]. Một trong những sự lệch hướng trong suy nghĩ của nhiều người Khmer, đặc biệt là trí thức, là xem giáo dục nhà trường như một cách thức truyền dạy tối thượng. Người ta bỏ tiền ra để viết sách dạy học sinh tiểu học về truyện dân gian. Điều đó không sai. Nhưng nếu chỉ dừng lại đấy và cho là đủ thì là sự lệch lạc. Vốn văn hóa phải được truyền lại chứ không phải dạy dỗ bằng sách vở. Trẻ em phải được nhận thức bằng cách trao gửi trong bối cảnh thực tế chứ không chỉ đọc sách trong nhà trường.

Tiểu kết


1. Với góc nhìn mới trong nghiên cứu truyện dân gian, việc giải thích ý nghĩa của các câu chuyện giờ đây đã trở thành sự kiến giải, sự tự nhận thức của người tham gia. Giá trị của từng câu chuyện không còn ở lời kể, trong từng đơn vị truyện mà đã đi vào lời giao tiếp hằng ngày, đi vào trong nhận thức của người tham gia các sinh hoạt văn hóa. Do đó, nhiều ý nghĩa trong cách phân tích trước đây dựa vào văn bản đã có một chỗ đứng khác trong giới học thuật. Đối với người dân, nó có một vị trí và một vai trò khác: vừa giản đơn vừa cô đọng, vừa thực tế vừa thiêng liêng. Trong hoàn cảnh ấy, đời sống đã xô đẩy nhiều yếu tố đi ra khỏi cộng đồng bổ sung vào các yếu tố mới. Sự cọ xát giữa cái nhìn bên trong (emic) và cái nhìn bên ngoài (etic) của những người đến từ cộng đồng khác đã làm cho nhận thức về truyện dân gian có nhiều thay đổi.

2. Truyện kể dân gian vốn tồn tại một cách vững chắc và lặng lẽ như một vốn chung của cộng đồng. Nó chỉ thật sự được kể ra, được diễn xướng lên, được phơi bày khi có một yếu tố kích thích từ bên ngoài, để đáp lại một yêu cầu trực tiếp nào đó. Trong một số hoàn cảnh, nó là sự đáp ứng cho một lời đề nghị, một sự chất vấn. Khi ấy, câu chuyện được kể một cách có chủ ý và có trọng điểm, tập trung vào một vài chi tiết nào đó, nhằm đáp ứng các yêu cầu từ bên ngoài. Vai trò của bối cảnh làm nảy sinh câu chuyện không thuộc vào yếu tố bên ngoài có mặt ngay lúc ấy mà là một yếu tố trong kí ức của người kể. Câu chuyện được kể chỉ là một phần, một yếu tố tạo cớ cho việc trao đổi về tri thức và niềm tin của người Khmer vào những điều họ được truyền dạy. Bằng quyền uy về quan hệ gia đình, ông Sanh đã khẳng định mạnh mẽ sự lí giải địa danh của người Khmer là hợp lí hơn. Tức là, yếu tố ngoài cốt truyện quyết định hiệu quả của lời kể.

3. Trong nhiều bối cảnh diễn xướng, phần đông dân chúng không hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu chuyện, giống như từ thuở xưa. Điều quan tâm nhất của họ là mục tiêu quan trọng của hiện tại, trong lúc ấy. Điều này cũng là một quy luật rất quan trọng trong sự phổ biến truyện dân gian: người ta truyền lời chứ không thể truyền hết ý, người ta có thể trao ý nhưng nghĩa thì phải tùy thuộc vào hoàn cảnh kể chuyện. Trong sự giản lược nhiều lễ tiết theo đời sống hiện tại, người ta thường phó thác vốn truyện kể (tức phần ý thiêng liêng) cho chùa, cho các vị cao niên, cho những vị à cha; người ta chỉ giữ lại phần thủ tục, phần kĩ thuật thực hiện (phần vật chất).

4. Mô hình kiến giải chuyện kể dân gian trong bối cảnh gồm 03 phần: phân tích yếu tố bối cảnh, mô tả diễn ngôn kể chuyện và phân tích ý nghĩa. Mô hình này được hình thành từ thực tiễn các câu chuyện dân gian Khmer và các lí thuyết nghiên cứu. Mô hình này giúp cho người nghiên cứu “đọc” truyện dân gian từ phía người kể và từ sự tương tác. Với cách đọc đó, truyện kể dân gian được nhìn nhận bằng nhiều trải nghiệm khác với văn bản. Tuy nhiên, trong tư thế ứng dụng bước đầu, người viết vẫn cảm thấy chưa khai thác hết tiềm năng của mô hình, đặc biệt là sự liên hệ với các yếu tố ghi chép. Khả năng vận dụng mô hình kiến giải này trong các tình huống khác cũng tương tự như mô hình ghi chép. Chỉ có điều, mỗi một đối tượng nghiên cứu sẽ có những đặc trưng khác nhau về chất, do vậy, muốn áp dụng mô hình kiến giải, người nghiên cứu cần phải thay đổi một số chi tiết cho phù hợp.



Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.32 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương