HỘI ĐỒng quý chức quý Chức Họ Đạo Ở Việt Nam Tham Gia Vào Thừa Tác Vụ Của Linh Mục


) Giáo phận Nam Kỳ được chia ra thành nhiều giáo phận mới



tải về 1.51 Mb.
trang3/22
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích1.51 Mb.
#16972
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22

3) Giáo phận Nam Kỳ được chia ra thành nhiều giáo phận mới
Giáo phận Nam Kỳ (vicariat de Cochinchine) được thiết lập năm 1659 và giao cho Hội Thừa Sai Paris. Giáo phận này không chỉ bao trùm trên lãnh thổ nhà Nguyễn mà còn cả lãnh thổ Cao Miên. Đến năm 1844, giáo phận được chia ra thành hai: giáo phận Quy Nhơn (Vicariat de Cochinchine Orientale) và giáo phận Sài Gòn - Cao Miên (Vicariat de Cochinchine Occidentale).

Lần lượt, giáo phận Sài Gòn - Cao Miên chia ra giáo phận Cao Miên năm 1850 và giáo phận Vĩnh Long 1938.


Còn giáo phận Quy Nhơn chia ra giáo phận Huế (vicariat septentrionale) năm 1850 và giáo phận Kontum năm 1932.
4) Một vài con số của các giáo phận năm 1883


Giáo phận

Linh mục thừa sai

Linh mục việt nam

Dân công giáo

Dân Việt nam

Hà Nội

35 TS Paris

92

155.000

8.000.000

Hải Phòng

10 Daminh

29

30.000

5.000.000

Bùi Chu

07 Daminh

25

155.000

4.000.000

Vinh

20 TS Paris

56

53.000

2.000.000

Sài Gòn

50 TS Paris

30

51.000

0

Quy Nhơn

25 TS Paris

20

37.000

3.000.000

Huế

15 TS Paris

43

21.147

2.000.000

Tổng cộng

162

295

502.147

24.000.000



III. Những Công Nghị Miền
1) Công nghị Nam Định năm 1670

Công nghị Nam Định năm 1670 được cử hành dưới quyền chủ tọa của đức cha Lambert de la Motte (59). Những người tham dự là ba 3 thừa sai và 9 linh mục Việt Nam. Những quyết định quan trọng là: giáo phận được chia ra thành nhiều giáo xứ và họ đạo (quasi-paroisse et chrétienté), đứng đầu mỗi giáo xứ là một linh mục. Nhà ở của ngài nằm trong thành phố. Các thầy giảng làm việc dưới quyền của cha sở. Muốn làm thầy giảng, phải có giấy chứng nhận của đức giám mục. Sau cùng, trong mỗi họ đạo, phải chọn hai giáo dân đạo đức để họ quán xuyến những vấn đề vật chất.

Nhân dịp này, đức cha Lambert de la Motte đã truyền chức linh mục cho 7 thầy giảng và các chức nhỏ cho 40 thầy khác. Ngài cũng lập những nhà đầu tiên cho các chị dòng Mến Thánh Giá (40)
2) Công nghị Hội An (Faifo) năm 1672
Công nghị Hội An năm 1672 do đức cha Lambert de la Motte triệu tập và chủ tọa. Tham dự công nghị có 6 linh mục thừa sai mà thế giá hơn cả là cha Mahot và cha Vachet, cùng 4 linh mục Việt Nam với một số các thầy giảng. Công nghị này đề cập đến nhiều vấn đề tương quan đến đời sống luân lý và bí tích của giáo dân, đến kỷ luật và việc quản trị trong các họ đạo và trong giáo phận (vicariat). Công nghị đã thảo luận kỹ lưỡng và phân định rõ ràng vai trò và nhiệm vụ của các quí chức trong họ đạo. Chúng tôi sẽ đề cập đến điểm quan trọng này trong những chương sau (61).

3) Công Đồng Đông Dương (Concilium Indosinense) năm 1934
Có thể nói cho tới nay, đây là ‘công nghị’ quan trọng nhất được cử hành tại Việt Nam, xét về nội dung phong phú, về bối cảnh lịch sử và về thành phần tham dự, đáng mang tên là ‘công đồng’ (Cocilium). Công đồng này được triệu tập và chủ tọa bởi đức cha Antonius M. Drapier, op, Khâm sứ Tòa Thánh, từ ngày 16.11 đến ngày 06.12.1934, tại Hà Nội (vì thế cha Phan Phát Huồn gọi là ‘Công đồng Hà Nội’). Không kể đức Khâm sứ Tòa thánh, còn có 20 giám mục, 5 bề trên dòng, 21 linh mục cố vấn (10 Pháp, 7 Việt Nam, 3 Tây Ban Nha và 1 Thái Lan). Các thành phần tham dự Công Đồng được chia thành năm ủy ban, mỗi ủy ban lo về một vấn đề:

Ủy ban I, về hoạt động và quy chế của các giám mục, các thừa sai, các tu sĩ và thầy giảng.

Ủy ban II, về quy chế của các linh mục bản xứ, các chủng sinh.

Ủy ban III, về các Bí tích

Ủy ban IV, về quy chế các giáo phận, về việc giảng dạy, nhất là về công giáo tiến hành.

Ủy ban V, về tài chánh của Giáo Hội (61’).

Một thành quả quan trọng khác của Công đồng Dông Dương là từ công đồng này sẽ có nhiều thư chung của các giám mục và nhiều cuốn chỉ nam (directoire) của giáo phận. Tất cả là những tài liệu quý giá liên quan đến tổ chức Hội Đồng Quý Chức chúng tôi nghiên cứu.
4) Các Công nghị ít quan trọng khác
Trước tiên là công nghị Huế năm 1747 được cử hành bởi đức cha Lefebvre, giám mục giáo phận Nam Kỳ (1738-1760) với sự hiện diện của đức cha Hilaire de Jésus op, giám mục giáo phận Hải Phòng. Mục đích của công nghị là giải quyết những bất đồng về nghi lễ, nhưng tiếc là không thành công (62).
Lịch sử còn cho biết các công nghị Thọ Đúc (Huế) năm 1747 (63), công nghị Bắc Kỳ (1753) (64), công nghị Hà Nội năm 1795 (65), công nghị Nam kỳ - Cao miên - Xiêm la (Cochinchine-Cambodge - Ciame năm 1841 (66), công nghị Bùi Chu năm 1854 (67). Chúng tôi tiếc là không tìm ra các bản văn, một vài bản văn chúng tôi đã đọc thì không có điểm nào quan trọng.

Mục đích chính của các công nghị là giải quyết và phân định rõ ràng những điều liên hệ đến đời sống Giáo Hội, đến phần rỗi các linh hồn, và cụ thể là đến việc đào tạo và những hoạt động của những người dấn thân vào sứ mệnh truyền giáo tại Việt Nam. Họ là những người đầy tận tụy của Phúc Âm.


IV. Các tôi tớ của Tin Mừng
1) Các nhà truyền giáo Âu châu
Chúng ta biết rằng, từ năm 1649, cha Alexandre de Rhodes đã trở về Roma xin đức giáo hoàng gửi các giám mục và các nhà truyền giáo đến Việt Nam (68). Hơn thế, chính nhờ cái nhìn sâu sắc của ngài mà bao nhiêu khó khăn và chống đối từ nhiều phía, mà năm 1658 Hội Thừa Sai Paris đã thành hình với chủ yếu là rao giảng Tin Mừng tại các nước Đông Dương (69). Không ai có thể phủ nhận sự nghiệp lớn lao của các linh mục Thừa Sai Paris đối với Giáo Hội Việt Nam, nhất là trong thời Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Nhưng trước khi các ngài tới, thì các cha dòng Tên đã có mặt. Và trong một thế kỷ rưỡi, từ 1614 đến 1774, dòng Tên đã hiến cho Giáo Hội non trẻ Việt Nam những linh mục tài ba và nhân đức. Chính nhờ các ngài mà lịch sử Giáo Hội Việt Nam đã có những trang thật đẹp. Chỉ tiếc một điều là vì vụ tranh cãi về nghi thức mà các linh mục dòng Tên bị bó buộc rời khỏi Việt Nam (70).
Theo lời yêu cầu của đức cha Francois Pallu và Lambert de la Motte, các cha Đaminh đã đến Bắc Kỳ năm 1676, mà trước tiên là hai cha Jean d’Arjona, Jean de la Croix. Cộng tác với các cha dòng Phanxicô, dòng Tên và các cha Thừa Sai Paris, dòng Đaminh đã cống hiến cho Giáo Hội Việt Nam nhiều vị tử đạo, sự nghiệp truyền giáo của các ngài tại Giáo Hội này luôn đáng ghi nhớ (71). Ngoài ra, chúng ta không quên sự hiện diện tận tình và tích cực tại Nam Kỳ, đặc biệt trong những hoạt động giáo dục và từ thiện, của các nữ tu dòng thánh Phaolô thành Charles từ 1866 (72), của các Sư Huynh Trường Công Giáo từ 1867 (73), và của các nữ tu dòng kín Lisieux chuyên chú việc tông đồ cầu nguyện, đã đến Sài Gòn năm 1861 (74).
2) Linh mục Việt Nam giữa các linh mục thừa sai
Mối bận tâm lớn lao của Tòa Thánh và của các giám mục là không những lo mời các thừa sai ngoại quốc đến làm việc tại Việt Nam, nhưng còn lo đào tạo các linh mục bản xứ. Các linh mục đầu tiên được truyền chức tại Thái Lan năm 1668. Đó là cha Giuse Trang, Luca Bền và Bênêditô Niên (75). Lịch sử còn nhắc đến các linh mục dòng Tên Việt Nam tiên khởi là cha Valentinô Sui, Lêonê Huế được chịu chức trước năm 1 694 (76). Trước khi được chịu chức linh mục, các ngài đã là thầy giảng mẫn cán. Chính vì thế, việc chịu chức của các ngài là một hãnh diện, mọi sự khích lệ lớn lao cho tổ chức các thầy giảng. Tổ chức này lớn mạnh không ngừng, cả trong những giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử truyền giáo tại Việt Nam. Số thống kê năm 1855 cho biết con số 413 linh mục việt nam làm việc sát cánh với 216 cha thừa sai ngoại quốc (77). Để bảo đảm việc đào tạo các linh mục và các thầy giảng, việc thiết lập các chủng viện đương nhiên là một đòi hỏi khẩn trương. Vì thế, từ 1665, một chủng viện truyền giáo Đông Dương đã được thiết lâp tại Juthia (Thái Lan) (78). Rồi năm 1765, một chủng viện của giáo phận Nam Kỳ được xây cất tại Hòn Đất trong tỉnh Hà Tiên. Năm 1780, đức cha Pigneau Bahaine chuyển chủng viện này về Lái Thiêu gần Sài Gòn. Tại giáo phận Bắc Kỳ, người ta nói đến chủng viện Vĩnh Trị (80).
3) Giáo dân Việt Nam
Bên cạnh và dưới sự hướng dẫn của các linh mục thừa sai hay linh mục việt nam, giáo dân việt nam rất ý thức và tích cực lãnh trách nhiệm truyền giáo.
Trước hết chúng ta phải nhìn nhận công nghiệp của các thầy giảng: thừa tác vụ chính yếu của họ là trợ tá các linh mục trong việc đem Tin Mừng Cứu Độ đến cho dân ngoại, dạy giáo lý cho trẻ em và dự tòng, là cộng tác với các quý chức trong việc điều khiển họ đạo khi linh mục vắng mặt. Đây là một tổ chức tông đồ giáo dân hiệu lực nhất tại Việt Nam đặc biệt trong thời bách hại (81).

Rồi dòng Mến Thánh Giá được thành lập bởi đức cha Lambert de la Motte tại Bắc Kỳ năm 1669 và tại Nam Kỳ năm 1672 (82). Hoạt động của họ thật khiêm tốn, kín đáo nhưng rất hiệu lực, họ lo đăc biệt việc dạy giáo lý cho các dự tòng và lo rửa tội cho các trẻ em hay người lớn ngoại giáo lâm cơn nguy tử.


Sau cùng chúng ta phải nhắc đến một số lớn các tín hữu thâm niên và đạo đức, quen gọi là quý chức hay chức việc. Ngay từ khi một họ đạo nhỏ được hình thành, thì một số tín hữu đạo đức cũng được tuyển chọn thành Hội Đồng Quí Chức để bảo vệ và phát triển cộng đoàn nằm giữa lương dân, đồng thời cũng để mở rộng sinh hoạt truyền bá Phúc Âm. Trong thời kỳ bách hại, các chức việc ở tại chỗ, lo che giấu các thừa sai, bênh vực và hướng dẫn họ đạo, rồi nếu Thiên Chúa muốn, họ hiến dâng mạng sống cho Ngài. Sự cộng tác chân thành và hăng say mà các quý chức dành cho các linh mục và cho nam nữ tu sĩ trong suốt thời cấm đạo còn được biểu lộ cách tích cực và hiệu lực trong thời tái thiết Giáo Hội Việt Nam mà chúng ta sẽ trình bày trong các trang sau đây.

MỤC III
THỜI KỲ TÁI THIẾT VÀ PHÁT TRIỂN (1885-1953)

I. Nền hòa bình và sự tự do què quặt
Người công giáo việt nam ở vào hai thế kẹt: một bên là sự hiện diện của quân đội Pháp trên lãnh thổ quê hương tạo nên nguyên nhân chính khiến các vua chúa, các văn thân và dân ngoại phản ứng chống lại đạo Công Giáo và bắt bớ linh mục và tín hữu không chút thương tâm; một bên khác là viện lẽ các thừa sai và nhiều kitô hữu bị vua chúa và quan lại giết chết, quân đội Pháp đã chiếm đoạt chủ quyền của Việt Nam. Vì thế nền hòa bình và sự tự do mà Giáo Hội Việt Nam được hưởng nhận sau ba trăm năm bách hại luôn bị què quặt bởi sự kiện Quê Hương bị cướp mất chủ quyền. Vì người công giáo mang trên hai vai bổn phận đối với Thiên Chúa và bổn phận đối với Tổ Quốc.

Sau nhiều lần đe dọa vào các năm 1818 và 1856 (83), thì tháng bảy 1858, vua Pháp đã cho tướng Gigault de Genouilly đổ bộ vào Việt Nam với 3.000 quân và chiếm Cửa Hàn, tức là Đà Nẵng ngày nay (84). Qua năm 1859, Sài Gòn rơi vào tay quân Pháp. Và hòa ước năm 1862 cho phép người pháp chiếm làm thuộc địa ba tỉnh của Nam Kỳ, nghĩa là cả giáo phận Sài Gòn (Vicariat de Cochinchine Occidentale) (85). Nhưng đó mới chỉ là bước đầu trong tham vọng thuộc địa của người Pháp. Bởi vì năm 1867, quân đội Pháp dưới quyền chỉ huy của tướng Dupré đã tiến chiếm nhiều tỉnh khác của Nam Kỳ (86). Sau khi đã chiếm cứ và đặt xong nền hành chánh ở Nam Kỳ, quân đội Pháp lại tiến ra Bắc Kỳ và chiếm đóng Hà Nội năm 1883, rồi đòi vua Việt Nam phải đặt cả Bắc Kỳ và các tỉnh khác của Việt Nam (tức là các tỉnh Trung Kỳ hay giáo phận Huế và giáo phận Quy Nhơn (Le Centre de l’Annam ou deux Vicariats de Cochinchine Septentrionale) (Huế) et Orientale (Quy Nhơn) dưới quyền bảo hộ của Nước Pháp (87). Chế độ thuộc địa – bảo hộ của Pháp tại Việt Nam chỉ chấm dứt vào năm 1954.


II. Hai Công Nghị chỉ đạo
Vừa khi có hòa bình và tự do, các giám mục miền Nam và miền Bắc họp nhau lại để kiểm điểm tình hình và đưa ra những chỉ thị cần phải có cho công trình tái thiết chung. Chúng tôi nghĩ, đó là mục tiêu của hai công nghị miền, công nghị Nam Kỳ năm 1880 và công nghị Bắc Kỳ năm 1900.
1) Công nghị Nam Kỳ
Công nghị Nam Kỳ được tổ chức tại Sài Gòn từ ngày 07 đến 14.08.1880 do các đức cha Isidore Colombert, giám mục giáo phận Sài gòn, đức cha Marie Louis Galibert, giám mục giáo phận Quy Nhơn, và đức cha Gaspard, giám mục giáo phận Huế. Nhiều linh mục và thầy giảng được mời tham dự. Bản văn ghi các quyết định của công nghị gồm bốn chương:

Chương I ‘về giáo sĩ’ gồm 16 khoản: Việc thánh hóa các tín hữu lệ thuộc sự thánh thiện của hàng giáo sĩ (1-5); Chia giáo phận ra thành hạt và xứ hay họ đạo (6-10); Việc quản trị và việc bổ nhiệm (11-16).

Chương II ‘Về trường học và chủng viện’ gồm 21 khoản: Cần thiết phải mở các trường học (17); Vấn đề chủng viện và những nguyên tắc thực tế để tuyển chọn và đào tạo các chủng sinh (18-37).

Chương III ‘Về việc truyền bá đức tin’ gồm 12 khoản: Rao giảng Tin Mừng là mục tiêu thứ nhất của sứ mệnh tông đồ (18); thiết lập các họ đạo mới và tổ chức lại Hội Đồng Quí Chức (39-40); phương pháp truyền giáo (41-50).

Chương IV ‘Về việc coi sóc các linh hồn’ gồm 21 khoản: Việc dạy giáo lý (51-58); thiết lập các hội đoàn (59); huấn luyện các giáo lý viên (60); thái độ của linh mục đối với các tội nhân và đối với các dự tòng (61-65); vấn đề hôn phối (66-72) (88)
2) Công đồng Bắc Kỳ
Công đồng Bắc Kỳ được cử hành tại Kẻ Sặt năm 1900 dưới quyền chủ tọa của đức cha Joseph Torres, giám mục giáo phận Hải Phòng, với sự tham dự của đức cha Louis Pineau, giám mục giáo phận Vinh, đức cha Pierre Marie Gendreau, giám mục giáo phận Hà Nội, đức cha Paul Ramond, giám mục giáo phận Hưng Hóa, đức cha Maximus Fernandes, giám mục giáo phận Bùi Chu và đức cha Maximus Valesco, giám mục giáo phận Bắc Ninh. Ngoài ra còn có 5 cha dòng Đaminh và 3 cha Thừa Sai Paris được mời tham dự với tư cách cố vấn và thần học gia.

Văn kiện đã được các giám mục biểu quyết gồm 4 mục, mỗi mục chia thành nhiều chương và mỗi chương chia thành nhiều tiết. Văn kiện đầu tiên được soạn thảo bằng tiếng latinh, sau được dịch ra tiếng Việt Nam. Chúng tôi nêu lên những ý tưởng chính sau đây:



Mục I ‘Về nhân sự’, chia thành 7 chương: Các giám mục (I); Các thừa sai và linh mục bản quốc (II); Các thầy giảng (III); Học trò nhà Đức Chúa Trời (IV); Các chủng sinh (V); Đời sống chung của những người trong nhà Đức Chúa Trời (VI); Các nữ tu (VII).

Mục II ‘Về tài sản’, gồm 2 chương: Bảo trì tài sản Giáo Hội (I); Việc quản trị và xử dụng tài sản Giáo Hội (II).

Mục III ‘Ban hành các Bí Tích’ gồm 7 chương, mỗi chương đề cập đến một Bí Tích.

Mục IV ‘Về việc điều hành các họ đạo’, gồm 9 chương: Tham dự Thánh Lễ và kiêng việc xác các ngày chủ nhật và lễ trọng (I); Ăn chay và kiêng thịt (II); Các chức việc của họ đạo (III); Các trường giáo lý (IV); Trường tiểu học và các giáo viên (V); Những dị đoan phải xa tránh (VI); Vấn đề an táng (VII); Các dự tòng (VIII); Các cô nhi viện (IX) (89).
III. Thư chung của các giám mục
Sau những năm dài chiến tranh và bắt đạo, công trình tái thiết được bắt đầu bằng mọi phương thức, trong mọi phạm vi. Trong giai đoạn này, các giám mục đã ra nhiều thư mục vụ, quen gọi là thư chung (89). Nội dung của những thư chung có thể tóm lược vào năm chủ đề chính yếu:

Khuyến khích tín hữu sống vững đức tin, thực hành các nhân đức, tham dự thánh lễ, chăm lo việc giáo dục con cái, năng lãnh nhận các bí tích (90).

Kêu gọi giáo dân đóng góp tích cực và quảng đại vào việc tái thiết các nhà thờ, trường học của xứ đạo đã bị phá huỷ trong thời bị bách hại và chiến tranh (91).

Khích lệ giáo dân gia nhập các hội đoàn đạo đức: Hội Thánh Thể, hội Mân Côi, hội Các Đẳng… (92).

Mời gọi tín hữu tích cực cộng tác với các linh mục trong việc truyền bá Tin Mừng cho lương dân bằng những phương thế có thể. Các giám mục nhấn mạnh đến việc cầu nguyện, việc rửa tội cho trẻ em lương dân, việc làm gương sáng cho người chưa có đạo… (93).

Tổ chức lại các Hội Đồng Quí Chức của họ đạo bằng cách xác định các quy luật của Hội Đồng và của họ đạo (94).
IV. Tái thiết các họ đạo
Những biến động hãi hùng của bách hại và chiến tranh đã phá vỡ nhiều địa điểm truyền giáo, nhiều họ đạo mới thành hình… Giờ đây, các vị chủ chăn, giám mục và linh mục mang chung một tâm tưởng giống như lời diễn tả của cha Lelarbousse sau đây: “Tôi tê tái tâm can nhìn thấy gia tài của Chúa đã bị phá hủy tan hoang giữa bao hỗn loạn… Các họ đạo biến mất đến gần một nửa. Giáo dân, người này bị gục ngã dưới lưỡi gươm, người khác chết rũ vì đói rét… Phần lớn tín hữu không được xưng tội rước lễ đã từ mười lăm, hai mươi, ba mươi năm hay lâu hơn nữa…” (95). Chính vì thế, ngay từ khi hòa bình ló rạng và tự do tôn giáo được bảo đảm, các giám mục, linh mục, các thầy giảng và toàn thể Dân Chúa, đã tra tay vào một công việc khẩn trương: Công trình tái thiết!
1) Tái thiết các họ đạo.
Với một nhịp độ mau chóng, người ta bắt đầu tái thiết các họ đạo đã bị phân tán bằng việc dựng lên những mái nhà tranh cho giáo dân trở về có chỗ ở, dựng lên ngôi nhà thờ đơn sơ để cử hành phụng tự, những trường kinh bổn tạm thời cho con em và nhà xứ cho linh mục hay thầy giảng cư ngụ, và tu viện cho các nữ tu Mến Thánh Giá. Tất cả là những điều kiện thiết yếu để đưa giáo dân trở về nề nếp sống đạo đã nhiều năm bị cắt đứt: trau dồi giáo lý, lãnh nhận các bí tích, phát triển sức sống của họ đạo… Đặc biệt là tổ chức lại các Hội Đồng Quý chức hầu có những giáo dân ưu tú cộng tác với linh mục trong mọi phạm vi tạo dựng, duy trì và phát triển họ đạo…Sau 20 năm tái thiết, người ta vui mừng nhìn thấy những thành quả đáng khích lệ. Chẳng hạn ở giáo phận Sài Gòn, năm 1898, đức cha Depierre đã viết: “Sau 10 năm, giáo phận hầu như đã được xây dựng lại, và đó là công trình chính yếu đức cha Colombert (1872-1894) đã thực hiện. Năm 1872, trong giáo phận Sài Gòn chưa có một ngôi nhà thờ nào đáng gọi là nhà thờ, trường học giáo xứ rất hiếm hoi, các nhà xứ chỉ là những mái nhà tranh ẩm ướt và đổ nát…! Bây giờ, nhờ sự thúc đẩy và khích lệ của đức cha Colombert, nhờ sự tận tâm của tất cả các ‘đầy tớ tin mừng’ và lòng quảng đại của giáo dân… giáo phận đã có một bộ mặt khang trang và thịnh vượng với nhiều nhà thờ kiên cố, nhiều ngôi trường tân tiến… Năm 1892, giáo phận Sài Gòn đã đếm được 250 nhà thờ hay nhà nguyện” (96).

Sự kiện làm cho người ta chú ý hơn cả là ngôi nhà thờ chính tòa trang nghiêm, đồ sộ của nhiều giáo phận. Nhưng nổi bật nhất với những nét nghệ thuật Á Châu có một không hai, đó là nhà thờ chính tòa của giáo phận Phát Diệm được xây cất năm 1891 dưới sự hướng dẫn của linh mục Trần Lục. Ông Sohuller đã không quá lời khi quả quyết: “Nhà thờ chính tòa Phát Diệm nghệ thuật nhất trong các xứ truyền giáo” (97).


2) Tổ chức lại các Hội Đồng Quí Chức họ đạo.
Một trong những lo âu lớn của các vị chủ chăn là tổ chức lại Hội Đồng Quí Chức của các họ đạo sau thời chiến tranh và cấm đạo. Bởi vì họ đạo có thể tồn tại khi vắng bóng linh mục, nhưng nó đòi hỏi phải có sự điều hành bởi một số quí chức. Vì thế, việc tổ chức lại Hội Đồng Quí Chức hay Hội Đồng Chức Việc là một điều kiện tất yếu trong việc tái thiết họ đạo. Đàng khác, trong mỗi giáo phận, số Hội Đồng Quí Chức cũng lớn bằng con số nhà thờ hay nhà nguyện. Trong hầu hết các thư chung và các công nghị, các giám mục đều tỏ ra rất lo lắng và nỗ lực hoàn thành công tác mục vụ cơ bản này. Trong chương sau, chúng ta sẽ trình bày chi tiết những bản văn chính thức do các giám mục đã biểu quyết tương quan đến Quí Chức và Hội Đồng Chức Việc, cách riêng cuốn Chức Sở Mục Lệ do đức cha Colombert soạn và ấn hành năm 1884.
3) Tái thiết các trường học của họ đạo.
Sau nhà thờ hay nhà nguyện, thì trường học cũng là mối bận tâm lớn của người công giáo trong họ đạo. Các giám mục, linh mục và quí chức ao ước mỗi họ đạo có một trường dạy kinh bổn. Kể từ khi được hưởng hòa bình và tự do hành đạo, mỗi giáo phận đã hy sinh nhiều tiền của cho công việc xây cất trường học, cốt để các trẻ em có điều kiện học kinh bổn và chữ nghĩa. Công nghị Nam Kỳ năm 1880 bày tỏ rất rõ về ước nguyện này: “Cất trường dạy giáo lý và chữ nghĩa là điều cần thiết tuyệt đối. Vì phải có nhà trường để giáo dục giới trẻ công giáo về đời sống đức tin và đời sống luân lý. Vậy các linh mục phải làm hết sức mình đầu tư vào công tác học đường này” (98).

Sau đây là một vài thành quả đáng chú ý theo những bá cáo của các giám mục: Năm 1891, đức giám mục Hải Phòng đã viết :”Scolae catechisticae fore in unaquaque christianitate habentur” (Hầu như mỗi họ đạo đều có trường dạy kinh bổn) (99). Rồi năm 1892, đức cha Depierre đã báo cáo về tình hình giáo phận của ngài: “Các sư huynh Lasan có trường Tabert tại Sài Gòn với 331 học sinh nội trú và 236 học sinh ngoại trú; các nữ tu dòng Saint Paul de Chartres điều khiển một trường ngay tại Sài Gòn với 190 học sinh, và 10 trường tại các họ đạo với 1039 học sinh; ngoài ra trong cả giáo phận Sài Gòn có 156 trường tiểu học tại các họ đạọ với 8.067 học sinh’ (100). Sau cùng, năm 1907, trong tờ báo cáo gửi sang Tòa Thánh, đức cha Fernandez O.P. đã quả quyết: “Scolae elementaris catholicae habentur in singulis communitatibus christianis” (Trong mỗi cộng đoàn kitô giáo đều có trường giáo lý sơ đẳng) (101).

Chính nhờ những nỗ lực tái thiết các họ đạo như trên, mà tình hình chung của các giáo phận được bình thường hóa mau lẹ, mà giáo dân sớm được hưởng nền giáo dục kitô đầy đủ, nâng cao đời sống đạo, và nhiều luơng dân xin vào đạo Chúa, và Giáo Hội Việt Nam đóng góp tích cực vào công trình tái thiết quốc gia, đặc biệt bằng những công tác giáo dục, văn hóa và từ thiện.
V. Những tổ chức giáo dục và từ thiện.
Song song với công trình tái thiết các họ đạo, là việc xây cất các cơ sở giáo dục và từ thiện ở cấp giáo phận. Các đức giám mục rất bận tâm về các chủng viện, về các trường trung học, về bệnh viện và các chẩn y viện… Dĩ nhiên những cơ sở giáo dục và từ thiện này đều nhằm mục đích củng cố đời sống của Giáo Hội Việt Nam, nhất là sứ vụ truyền giáo cho lương dân.

Kể từ Công nghị Nam Kỳ (1880), rồi Công nghị Bắc Kỳ (1900), các giám mục đã tỏ rõ thiện chí muốn thể hiện những công trình giáo dục và từ thiện. Về chủng viện, Công nghị Nam Kỳ tuyên bố: “Việc thiết lập chủng viện để giáo dục và đào tạo hàng giáo sĩ bản quốc là mục đích chính và chủ yếu của Tòa Thánh khi sai các ‘vị đại diện tông tòa’ (giám mục) qua Đông Phương, chính vì thế chúng tôi phải làm hết sức để thể hiện công trình này”. Tiếp theo lời tuyên bố trên đây, là những quy luật tuyển chọn và huấn luyện các chủng sinh. Thí dụ: các cha sở phải chọn lựa những đứa trẻ nam có hạnh kiểm tốt, đạo đức và thông minh… trong những gia đình đã có đạo lâu năm, họa lắm mới chọn một người trẻ thuộc gia đình mới theo đạo” (102). Công nghị Bắc Kỳ cũng tuyên bố tương tự (103).

Về các cơ sở từ thiện thì các nghị phụ của công nghị Nam Kỳ tuyên bố rằng: “Mọi hoạt động từ thiện kitô giáo là một sự lôi cuốn mãnh lực người lương tìm về với Giáo Hội. Cho đến nay, các nhà thương đã là một nơi lôi cuốn, thúc đẩy và đón nhận nhiều người lương tìm về với Thiên Chúa. Tùy theo khả năng tài chánh, mỗi giáo phận sẽ cố gắng xây cất thêm các cơ sở từ thiện” (104). Các giám mục miền Bắc còn nhấn mạnh nhiều hơn nữa về các công trình từ thiện khi nói về ‘de modiis ad fides propagandam’ (về các phương tiện truyền giáo) (105) và ‘de orphanotrophiis’ (về các cô nhi viện) (106). Trên thực tế, vào năm 1927, tại miền Nam đã có 17 bệnh viện hay chẩn y viện và 44 cô nhi viện. Tại miền Bắc, có 39 bệnh viện hay chẩn y viện và 56 cô nhi viện (107).



tải về 1.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương