HỘI ĐỒng quý chức quý Chức Họ Đạo Ở Việt Nam Tham Gia Vào Thừa Tác Vụ Của Linh Mục


c) Các thành viên của hội đồng chức việc



tải về 1.51 Mb.
trang9/22
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích1.51 Mb.
#16972
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   22

c) Các thành viên của hội đồng chức việc: Số các chức việc tùy theo sự quan trọng và cần thiết của họ đạo. Thường người công giáo Việt Nam rất quý hàng chức việc. Bởi vậy có rất đông chức việc. Thí dụ, giáo xứ Tân Định ở thời cha Eveillar (1874) đã bầu lại các chức việc gồm hai ông trùm cả, hai ông câu, 12 ông biện và 14 ông giáp (53). Ngoài ra, năm 1882, cha Girod, đã lập một Hội Đồng Quí Chức gồm từ 40 đến 50 người, chọn trong tất cả những họ đạo phụ thuộc (54). Năm 1884, trong cuốn Chức Sở Mục Lệ, đức cha Colombert đã xác định một số chức việc như sau:
• Ở họ đạo có 1.000 giáo dân trở lên, nên có hai ông trùm, hai ông câu và 12 ông biện tùy theo số họ đạo lẻ. Trong họ đạo có số giáo dân không quá 1.000 người và là nơi cha sở cư ngụ, phải có một ông trùm, hai ông câu và 9 ông biện. Nếu họ đạo nào không có cha sở, có thể đặt một ông câu và 4 hay 6 ông biện, tùy theo số giáo dân. Cha sở lập những truởng khu nhiều hay ít theo nhu cầu. Những họ đạo muốn tăng thêm số chức việc phải xin phép giám mục. Họ đạo nào đã có số chức việc quá đông có thể giữ tình trạng y nguyên, nhưng khi có một chức việc qua đời hay từ chức, không được bầu thêm để thay thế và phải theo như số chức việc đã được ấn định (55)
• Vào năm 1953, đức cha Ngô Đình Thục lần đầu tiên sửa lại điều lệ như sau: trong họ đạo có 2.000 giáo dân trở lên, nên có hai ông trùm, hai ông câu, ít ra có một số ông biện tùy theo số họ đạo của giáo xứ, nhưng không được quá 20 người (56). Cũng nên nói thêm, sau thời kỳ bách đạo, số các linh mục gia tăng, các họ đạo được cải tổ, các hội đồng chức việc cũng được tổ chức lại và bớt số thành viên. Hơn nữa, theo cha Cadière: "Chỉ những họ đạo quan trọng mới có số chức việc vào khoảng 12 người, đôi khi có thể hơn. Ở họ đạo trung bình, không có ông trùm, có khi không có cả ông câu. những họ đạo nhỏ chỉ có một vài ông giáp. Thường ông giáp nào trổi trang hơn sẽ làm trùm họ" (57)
d) Điều kiện bầu cử một ứng viên: Một người công giáo muốn đắc cử trở nên thành viên của hội đồng chức việc, trước hết phải là chức việc đã hoạt động trong giáo xứ hay trong họ. Đi vào chi tiết, chúng ta thấy:
Những điều kiện phải có:

1) Đã làm giáp vài năm, nếu không thì phải xin phép đặc biệt của đức giám mục

2) Muốn trở thành trùm, ít nhất ứng viên phải đủ 25 tuổi.

3) Không đặc cử một chức vụ cao hơn nếu người đó chưa làm việc với chức thấp trước .

4) Phải là người đứng đắn, có hạnh kiểm tốt. nên chọn lựa những người đã lập gia đình. (58)

5) Phải hiểu biết đạo để có thể chỉ dẫn những điểm căn bản của đạo Chúa.

6) Phải là người tốt đạo thật sự.

7) Ít nhất phải biết đọc và viết chữ quốc ngữ.

8) Càng tốt hơn nếu có chức vụ trong phạm vi dân sự.

9) Ngoài những điều kiện trên điều cần nhất phải có là lòng sùng đạo.


Những điều kiện không được có: Tuyệt đối không được chọn ứng viên sau đây:

1) Người thích chia rẽ và coi thường người khác.

2) Người tính tình khó khăn, thiếu nhã nhặn khó dung hòa với người khác.

3) Người có đời sống hôn nhân bất hợp lệ.

4) Người có tiếng không tốt, nghiện ngập hay dâm đãng.

5) Người đã nhiều năm không xưng tội rước lễ.

6) Người thưa kiện trước toà dân sự về vấn đề tôn giáo.

7) Người không tuân phục cha sở, trùm họ trong vấn đề quan trọng hay ẩu đả với một trong những chức việc.

8) Người cho vay ăn lời quá đáng hay thông đồng với trộm cướp, lấy của cải của người khác.
Tóm lại, để chọn lựa một người chức việc, trước hết, phải chọn người đạo đức, hăng hái, thông minh và học thức, tuyển chọn được những người có nhiều khả năng (59)
e) Phương cách bầu cử các chức việc.
Theo nguyên tắc: Như những nguời có phẩm tước trong làng, các chức việc luôn được lựa chọn bởi giáo dân, nhất là ở những họ đạo không có linh mục, sau đó giám mục hay cha sở chuẩn y cuộc bầu cử. Quyết định của các công nghị Faifo (1672) và Tonkin (1900) đều xác nhận.
Công nghị Faifo tán thành: "Những họ đạo không có Thầy giảng (Catéchiste) có thể lựa chọn một giáo dân có khả năng, đức hạnh nhất để giúp đỡ cộng đoàn; ngay sau đó, tên tuổi người được chọn, phải đưa lên đức cha de Bérithe (đức cha Lambert de la Motte) hay đức giám mục phó để các ngài xác nhận, nếu vì nhu cầu cần thiết, người được chọn có thể làm việc ngay trước khi được chứng nhận" (60)
Công nghị Tonkin đã xác định vắn tắt rằng: "Ở mỗi họ đạo, sẽ ấn định hai chức việc (ông trùm và người phụ tá) được giáo dân chọn và cha sở xác nhận (61).
Những quy định rõ ràng nhất đã được đức cha Colombert sọan trong cuốn Chức Sở Mục Lệ. Những quy luật này đức cha P.M.Gendreau và các cuốn Chỉ Nam Giáo phận Huế, Quy Nhơn và Hà Nội đã lập thành văn bản như sau: "Cuộc bầu cử các chức việc là vấn đề rất quan trọng của họ đạo, vì vậy phải theo những thủ tục được xác định rõ ràng:

1) Việc bầu cử những ứng viên phải qua một cuộc bỏ phiếu của tất cả giáo dân từ 20 tuổi trở lên hay ít nhất bởi các thành viên của Hội Đồng Quí Chức.

2) Ứng viên phải được ít nhất 2/3 số biểu quyết, rồi sau đó mới được lập tên trên danh sách bầu cử.

3) Các chức chánh trương (trùm cả), phó trương (câu 1) hay trùm họ chỉ được đắc cử thực thụ sau khi cha sở đã ký giấy, và gửi xin đức giám mục phê chuẩn và cấp bằng.

4) Việc bầu các chức việc khác như: thư ký, thủ quỹ, tuần kiểm, giáo lý viên, chỉ cần chấp thuận của cha sở hay người kỳ cựu nhất tùy theo tập quán của mỗi miền.

5) Các chức việc một khi nhận được bằng chứng nhận của đức giám mục, thì chỉ có ngài mới có quyền cho ngưng việc hay từ chức. Những chức vụ khác nếu có lý do chính đáng muốn ngưng việc, chỉ cần xin cha sở (62).


Trên thực tế: Những điều lệ của Giáo quyền không được áp dụng hoàn toàn trên thực tế. Như những làng dân sự, nhiều họ đạo thích theo những điều lệ đã có từ trước hơn là theo luật của hàng giáo phẩm. Mặt khác, các cha sở thường ít tỏ ra dân chủ hoặc ít để ý tới nhiệm vụ. Chúng tôi xin nêu vài trường hợp lịch sử:
Bầu cử nghiêm chỉnh ở họ đạo Tân Quy: Được thực hiện theo như điều lệ: "Với một ngàn giáo dân, Tân Quy được kể là một trong những họ đạo lớn của giáo phận. Nhưng khi cha André Diên làm cha sở, ngài tổ chức những cuộc bầu cử các chức việc giữa giáo dân để có những người đáng tin cậy giúp trông coi linh hồn giáo hữu, và làm phát triển công việc ở họ đạo. Đúng theo luật, thì họ đạo Tân Quy phải có một ông trùm cả, hai ông câu và nhiều chức việc khác. Lần này cha Diên muốn chọn lựa một ông trùm cả và hai ông câu, nhưng làm sao để chọn được một cách thực dụng và hợp lý ? Thường thì có ba cách thức: - bề trên tùy ý chỉ định, - đề cử người đã làm việc lâu năm - hoặc tổ chức cuộc bầu cử. Cha Diên và các chức việc cùng toàn thể giáo dân đã lựa cách bầu cử. Thế là buổi chiều ngày 21 tháng 7 năm 1932 tại phòng hội, dưới sự chủ tọa của cha chính địa phận, với sự hiện diện của cha hạt trưởng, họ đạo Tân Quy đã bầu ra một ông trùm cả và hai ông câu. Cuộc bầu chức trùm cả đã gây sôn sao ngay ở vòng đầu: người này không được 2/3 số phiếu và cha chính giáo phận đã tuyên bố phải bầu lại lần thứ hai. lần sau này ông trùm cả đạt được đa số phiếu (63).
Cảnh cáo các cha sở lạm 'quyền chỉ định': Là những cha sở tự quyền chỉ định các chức việc.Cuốn Chỉ Nam giáo phận Hà Nội đã nhấn mạnh: "Tất cả những chức việc được bầu ra bởi cuộc đầu phiếu, phải được chọn trong số những người lớn tuổi nhất ở họ đạo, chứ không do cha xứ chỉ định độc đoán" (64). Tế nhị hơn, Chỉ Nam giáo phận Huế và giáo phận Quy Nhơn nhắc nhở các cha sở: "Đề cử bất cứ ứng viên nào qua lá phiếu đều làm cho họ trở thành đại diện cho giáo dân trong hội đồng chức việc, chứ không phải là người nhận chỉ thị của cha sở " (65).
Cảnh cáo các cha sở không để ý bổn phận: Trái với trường hợp trên, có những cha sở để mặc giáo dân tự lo cuộc bầu cử. Với các cha sở này, đức cha Marcou giám mục ở Phát Diệm đã nhắc nhở :"Việc chọn những người đứng đầu hay phụ tá của họ đạo là việc rất quan trọng, các cha sở không nên coi thường, đừng để mặc cho giáo dân tự do, muốn tổ chức cuộc bầu như thế nào cũng được. Làm thế sẽ xảy ra sự thiệt hại lớn cho tất cả và gay tai tiếng cho đạo giáo" (66).
Sau hết, chúng tôi có thể chấm dứt nói về việc bầu cử các chức việc bằng lời sau của cha Cadière: "Chọn lựa các chức việc ở họ đạo là việc rắc rối và khó khăn. Do đó ở một giáo xứ lớn hay ở một họ đạo nhỏ, việc chọn lựa chức việc phải được quan tâm tối đa, mới tạo được sự hợp tác toàn hảo giữa những giáo dân với cha sở" (67)
f) Bổn phận của chức việc hay quí chức.
Cha Cadière rất có lý khi ngài đề nghị gọi "Hội Đồng Quí Chức" là "Ban Chức Việc", bởi lẽ 'danh xưng này vừa rất đẹp, vừa rất cụ thể': Từ 'Chức' có nghĩa là 'danh dự', 'chức vụ', 'tước vị', 'thế giá'; từ 'việc' có nghĩa 'trách nhiệm', là 'hành động', là 'làm việc', 'công việc', 'bổn phận', 'đòi buộc'. Như vậy các chức việc (quí chức) của họ đạo là những người có trách nhiệm trong các công việc, xây đắp cho họ đạo. Đó là bổn phận của họ (68). Chúng tôi sẽ nói rõ về điểm này trong những chương kế tiếp, ở đây chúng tôi chỉ nêu ra vài nét chính.
Nhìn tổng quát :

Đối với cha sở: Tùy theo những hoàn cảnh và nhu cầu của mỗi họ đạo, các chức việc đảm nhận là trung gian giữa cha sở và giáo dân trong lễ cưới, rửa tội, thăm viếng người bệnh, tang lễ... Các chức việc là những người hợp tác chín chắn của cha sở; tùy từng trường hợp, họ có thể thay thế cha trong những việc đặc biệt. Bởi thế họ luôn tùy thuộc cha sở, họ phải tôn kính, vâng lời, phục tùng và giúp đỡ ngài.
Đối với giáo dân: các chức việc phải là gương mẫu cho tất cả giáo dân noi theo; họ phải lo cho giáo dân tuân giữ luật Chúa và Giáo Hội, đặc biệt ở họ đạo không có cha sở, lo cho các em nhỏ học kinh bổn đầy đủ. Họ giữ trật tự trong nhà thờ và giữa họ đạo. Họ quản lý tài chánh của họ đạo với sự đồng ý của cha sở.
Đối với lương dân: Ngay từ đầu, các chức việc cần phải cố gắng làm gương mẫu, dùng lời nói việc làm đưa lương dân về với Chúa… Sự cộng tác của họ với cha sở không chỉ giới hạn về hành chính của họ đạo mà còn đến cả việc rao giảng Phúc Âm.
Như thế, bổn phận của chức việc là tham gia tích cực vào thừa tác vụ linh mục dưới mọi hình tức phục vụ, thiêng liêng hay vật chất. Chúng tôi sẽ giới thiệu việc tham gia đăc biệt của họ trong thừa tác vụ thánh hóa, giáo dục, và trông coi họ đạo của linh mục.
Nhìn riêng từng chức việc.

Ông chánh trương hay ông trùm cả: Là người tùng phục cha sở, đứng đầu họ đạo, phải phối hợp công việc với các chức việc khác cũng như mọi giáo dân của họ đạo. Ông chủ tọa những buổi họp của hội đồng chức việc khi cha sở vắng mặt. Ông đại diện cha sở, các chức việc, và toàn thể họ lẻ, ông cũng chủ tọa những buổi cầu nguyện của giáo dân.
Ông phó trương hay ông câu: Phụ tá của chánh trương hay ông trùm, không có chức vụ đặc biệt. Ông hợp tác với ông chánh trương hay ông ông trùm, trông chừng cho mọi công việc của họ đạo được trôi chảy.
Thư ký: Lập và giữ các biên bản cho họ đạo.
Thủ quỹ hay thủ quản: Dưới quyền cha sở, trông coi động sản và bất động sản của họ đạo. Đây là thành viên quan trọng của Hội Đồng Quí Chức. Chúng ta sẽ nói rõ hơn ở chương VI.
Tuần kiểm: Người giữ an ninh, lo trật tự trong họ đạo, ông quan sát và báo cáo với người có thẩm quyền
Trùm họ: Là người đại diện cho cha sở và chánh trương hay trùm cả ở một họ lẻ hay một họ nhánh. Ông cũng đại diện cho cha sở và cho họ đạo của ông trong Hội Đồng Chức Việc. Ông đứng đầu họ đạo của ông. Tất cả những tài liệu liên quan đến Hội Đồng Chức Việc đều nói rõ vai trò và những công việc của ông. Trong thời cấm đạo và ngay những năm gần đây, để đơn giản hóa cách tổ chức các chức việc, người ta đã bỏ không lập các chức chánh phó trương hay trùm cả, ông câu, nhưng chưa bao giờ bãi bỏ chức vụ và công việc của trùm họ. Tất cả những điều này cho phép chúng ta không ngần ngại nói rằng: trong Hội Đồng Quí Chức hay Hội Đồng Chức Việc, chánh trương hay trùm cả là chức vụ danh dự nhất, nhưng người trùm gánh vác nhiều việc nhất. Vì thế không ai ngạc nhiên khi thấy chúng tôi nhắc đến ông trùm họ nhiều hơn là ông chánh trương hay ông trùm cả của giáo xứ.
Nam nữ quản giáo: là những người trách nhiệm các hội đoàn, nhất là dạy dỗ các trẻ em, dạy giáo lý và kinh nguyện, cũng như giữ trật tự trong nhà thờ.
Trưởng xóm, biện phái hay ông giáp: là phụ tá của người trùm.
g) Quyền lợi của chức việc hay quí chức.
Các chức việc có rất nhiều quyền lợi về tinh thần đi đôi với bổn phận của họ: Họ được giáo dân tôn trọng và nghe lời, họ có bằng cấp đức giám mục ban. Mỗi khi đọc kinh hay có nghi lễ ở nhà thờ, các chức việc được sắp theo thứ tự ngôi vị ở hàng ghế đầu, rao lịch phụng vụ; họ cũng đảm nhận đọc thông báo, đọc sách thánh, xướng kinh, điều động công việc ở họ lẻ và họ đạo, giữ sổ sách, thu xếp, xử lý những tranh chấp giữa các giáo dân. Hàng năm họ có buổi tĩnh tâm do cha sở hay đức giám mục tổ chức. Khi một chức việc qua đời, họ đạo xin một, hai hay ba lễ cho họ, tùy theo phẩm trật họ đảm nhiệm.
Như chúng ta đã thấy, các chức việc không hưởng quyền lợi nào về vật chất. Thực tế và những điều luật chính thức đã xác nhận. Nhưng thường vì quý trọng, nên có những quyền hạn về mặt thiêng liêng làm tăng thêm phẩm cách cho chức việc. Điều 3 đoạn thứ nhứt trong cuốn Chức Sở Mục Lệ, in năm 1884, của đức cha Colombert, cho chúng ta thấy: "Tuy các chức việc của họ đạo không hưởng quyền lợi nào về vật chất, nhưng tầm quan trọng về thiêng liêng còn cao trọng hơn tất cả tước vị của thế gian. Các chức việc luôn phải coi bổn phận của họ dưới ánh sáng đức tin và chấp nhận giá trị danh vị của mình. Người nào nhìn công việc bằng cặp mắt người đời thì không thể biết sự cao quý và do đó không xứng đáng với chức vụ. Không phải bất cứ ai đều được kêu gọi để đảm nhiệm công việc, nhưng chỉ có những người được Chúa ban cho hiểu biết, có tâm tình nồng nhiệt và cảm phục tất cả mọi khía cạnh của công việc mình làm. Những ai được mời gọi đảm nhiệm công việc cao quý này cũng đừng coi thường những chức vụ hay ông việc ngoài đời, vì chính Chúa an bài mọi sự, như có lời Thánh Kinh: "Mọi việc có đều do Chúa xếp đặt" (Tv 15,5 ; Tl 2,24-26) (69).
4) Giáo dân.
Dựa vào số người ghi danh trong sổ nhân danh của họ đạo. Ngay từ ngày được Rủa Tội, mỗi giáo dân được chính thức ghi tên vào trong sổ này. Mỗi người phải thực sự hội nhập vào họ đạo ít nhất 7 năm và chỉ được bầu hội đồng chức việc khi đủ 18 tuổi. Ngoài ra, như trong một ngôi làng dân sự, ở họ đạo và họ lẻ, giáo dân chia làm 3 hạng, tùy theo nam, nữ và tuổi tác: mỗi giới được tổ chức rõ ràng, sau hàng các chức việc:
a) Giới cao niên.
Các lão ông hay những người nam cao niên: Không phải là một cấp bậc, nhưng là lớp người từ 60 tuổi trở lên. Họ chiếm một chỗ danh dự trong những buổi họp giáo xứ hay họ đạo. Họ được mễn việc nặng nhọc (miễn dịch), trừ trong những trường hợp như cha Cadière ghi lại: "Khi tất cả mọi người bị động viên làm việc chung trong họ, những người cao niên này cũng có mặt. Họ đến với lưỡi liềm lớn trong tay, ý thức sự lớn tuổi của mình. Họ được dành cho những công việc nhẹ: như phát quang một bụi rậm làm cản trở những người làm việc, chặt một khúc tre làm giây buộc, bện những sợi dây mây để làm giỏ đựng…" (70).
Các lão bà hay những bà trọng tuổi, từ 50 tuổi trở lên, được chú tâm riêng vào đời sống tôn giáo và những hoạt động từ thiện của họ đạo. Vì thế, chúng tôi nghĩ: "Không thể nói rằng giới nữ không đáng kể trong tổ chức những họ đạo Việt Nam" (71). Chức vụ các bà quản và những bà giúp rửa tội ở mỗi họ đạo đã chứng minh điều này.
b) Giới tráng niên.
Lớp trung niên: từ 31 đến 60 tuổi và những thanh niên từ 18 đến 30 tuổi là hai nhóm hoạt động nhất của giáo dân, chu toàn mọi việc nặng nhọc trong họ đạo. Cha Cadière gọi họ là 'những người lao động' (72).
Những tráng nữ: Các thanh nữ tuy phục vụ ít hơn phái nam nhưng cũng là những thành phần tích cực của họ đạo. Đặc biệt họ tham dự sốt sáng trong các nghi lễ phụng vụ.
c) Giới trẻ:
Gồm thiếu niên và thiếu nữ từ 12 đến 18 tuổi, lớp trẻ hơn là nhi nam, nhi nữ từ 7 đến 12 tuổi. Các em thay phiên nhau giữ việc đọc kinh và hát trong ca đoàn ở nhà thờ.
Việc tổ chức các giáo dân thành từng lớp, hay nhóm hoặc đoàn nhằm phát triển, nâng đỡ cùng nhau sống đức tin trong họ đạo, thí dụ như: những cuộc thi giáo lý. Hơn nữa, nhiều giáo dân gia nhập hội đoàn hay phong trào mang sắc thái tôn giáo hoặc xã hội mà chúng tôi sẽ nói tới sau.
V. Đời sống của họ đạo
1) Đời sống đạo
Tại Việt Nam, cho tới nay, rất ít giáo dân không giữ đạo. Một khi đã vào đạo, người ta quyết tâm sống đạo. Dưới đây, chúng tôi nói đến sự cầu nguyện ở nhà thờ, trong gia đình và đời sống thánh hóa của giáo dân Việt Nam.
a) Cầu nguyện tập thể ở nhà thờ
Ở họ đạo, dù có mặt linh mục hay không, giáo dân luôn hợp thành như 'một cộng đồng tôn giáo' với những giờ cầu nguyện chính yếu trong ngày (73). Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế và giáo phận Quy Nhơn ấn định rõ ràng về "Những bổn phận của giáo dân trong họ đạo". Đặc biệt về đời sống thiêng liêng của giáo dân hai cuốn Chỉ Nam đều ghi: "Giáo dân ở họ đạo không giữ đạo riêng rẽ một mình, nhưng công khai và chung với nguời khác: vào ngày chúa nhật và ngày lễ lớn, họ cùng nhau dâng lễ, cùng nhau đọc kinh ban sáng, ban chiều, có khi cả ban trưa. Mỗi ngày trong tuần, cả họ đến nhà thờ đọc kinh chung sáng, tối Kinh nguyện thay đổi:
1) Theo mùa phụng vụ: mùa Giáng Sinh, mùa Chay, tháng Mân Côi, tháng Kính thánh Giuse, tháng kính Đức Mẹ, tháng Thánh Tâm, tháng các Linh Hồn.

2) Theo ngày trong tuần: thứ hai, cầu cho người qua đời; thứ ba kính thánh Antôn; thứ tư kính thánh Giuse, thứ năm kính Chúa Giêsu Thánh Thể; thứ sáu kính Sự Thương khó Chúa Giêsu, đi đàng Thánh Giá; thứ bảy tôn kính Đức Mẹ.



3) Nếu trong họ có người qua đời, cả họ dành nhiều ngày đặc biệt cầu cho linh hồn người quá cố v.v… (74).
Cha Louvet viết: "Từ 5 giờ sáng, tiếng trống vang dội mời gọi từ trẻ đến già tới nhà thờ hay nhà nguyện. Mọi người mau thức giấc làm dấu thánh giá và bước ra khỏi giường… đi đến nhà thờ, mỗi cử chỉ hầu như là tự động. Trong nhà thờ, trẻ em được đặt ngồi phía trước, bên cạnh các ông quản bà quản, vừa xem chừng các em, vừa xướng kinh. Mọi người mở đầu bằng kinh Truyền Tin, chia làm hai bè, nam nữ riêng biệt, tiếp theo là kinh cầu Chúa Thánh Thần, để biểu lộ đức tin, lòng cậy trông và lòng mến Chúa, rồi những kinh cầu. Ngày chủ nhật, còn có giờ học 'giáo lý hỏi thưa'. Khi có linh mục đến thăm họ đạo, toàn thể mọi người đều dự lễ, nghe giảng và hầu như tất cả đều rước lễ. Nơi có linh mục cư ngụ, nhiều người rước lễ hàng ngày. Và không ai quên đọc kinh cám ơn chung.
Buổi chiều, lại nổi hồi trống khác, đó giờ giáo lý cho các em hay tân tòng. Và một hồi trống nữa báo hiệu giờ kinh chiều, những ai có thì giờ hay ở gần nhà thờ, đều tụ họp lại để cầu nguyện. Tùy theo phiên, một chức việc chủ tọa buổi kinh nguyện. Cùng với ông, các cô thanh nữ thay phiên nhau thưa kinh với cộng đoàn mỗi tuần (76). Giáo dân đến đọc kinh đông hay ít tùy theo ngày: nếu trời mưa thì không đông lắm; ngày chủ nhật có chầu Thánh Thể, nhà thờ luôn đầy người".
b) Cầu nguyện trong gia đình
Khi người ta không thể đến cầu nguyện chung với mọi người ở nhà thờ, thì cầu nguyện trong gia đình với sự hướng dẫn của ông bố hay bà mẹ. Tất cả gia đình đều quỳ trước bàn thờ mà mỗi gia đình công giáo đều có. Cha Louvet cho chúng ta biết cảm tưởng của ngài: Thật là một khung cảnh tuyệt vời, làm tôi rất cảm động khi đến nhận việc, mỗi khi chiều xuống, lúc đi dạo trong một ngôi làng công giáo: giữa thinh lặng của ban đêm, tai nghe trổi lên ở mỗi nhà một điệu ngân nga, chậm rãi và hơi buồn; đó là lời kinh cầu của người Việt Nam, của từng gia đình ở họ đạo dâng lên tòa Chúa, cầu xin ơn trên ban xuống cho cả họ và gia đình. Buổi sáng, vào lúc hừng đông, lời cầu kinh sốt sáng lại bắt đầu, có nhiều khi, những người ngoại đạo chèo thuyền dọc theo một họ đạo, đã ngạc nhiên và xúc động khi nghe thấy một nhịp điệu rất mới đối với họ, những lời kinh mà họ được nghe lần đầu tiên, là tiếng kêu xin huyền bi đánh động nhiều người và làm cho họ trở về trong nôi của vị chủ chiên" (77).
Và đây là một nhận xét khác của cha Girod, cha viết "Nhiều lần trong đêm, khi đi qua những ngôi làng để đến thăm người bệnh, thử hỏi người truyền giáo nào mà không cảm thấy được an ủi, cảm hóa và thêm sức mạnh khi nghe một gia đình nghèo nàn, chen chúc trong mái lều tối tăm, cùng nhau cầu xin Cha trên trời ban cho lương thực hàng ngày" (78).
Cũng cần nói thêm rằng: Các giám mục rất quan tâm đến việc cầu nguyện trong các gia đình công giáo: Các ngài khuyến khích các gia đình nên trung thành với tục lệ sùng kính này, đồng thời, đưa ra những hình thức đơn sơ và thực tế cho việc cầu nguyện trong gia đình, là nên đọc hàng ngày và đừng làm ai chán nản. Chúng tôi hân hạnh trình bày một văn bản trích trong thư chung của đức cha Victoire Charles Quinton:
"Anh em thân mến, ngày trước cha ông anh em thích đọc kinh chung với nhau trong gia đình và xem đó là bổn phận thiết yếu cho từng thành phần của một gia đình công giáo, sống đạo theo đúng nghĩa; như trong thời kỳ cấm đạo, người công giáo không bao giờ bỏ đọc kinh sáng, tối, và với sự kiên trì họ luôn giữ được thói quen tốt lành đó cho tới lúc chấm dứt việc cấm đạo…
Thời nay, không còn bị sợ hãi như ngày trước, nhưng tiếc thay, thói tốt lành này mỗi ngày một kém đi. Rất nhiều gia đình công giáo không còn đọc kinh chung ở nhà, Vì vậy, chúng tôi tha thiết kêu gọi anh em hãy đọc kinh chung sáng, tối trong gia đình…
Có nhiều gia đình đọc kinh quá lâu: lúc đầu đọc thích thú và vui vẻ, nhưng dần dần đi đến lúc không còn đọc được với sự sốt sáng mà còn cảm thấy chán ngán, xem việc đạo như một gánh nặng, và như thế người ta bỏ việc đọc kinh sáng, tối. Ít đọc kinh vì không đủ khả năng của mình, hay dành ít thì giờ đọc, nhưng đọc với sự nhiệt tình phải có, cần nhất là đọc hàng ngày không bỏ ngày nào, còn hơn là muốn đọc nhiều rồi sau đó chán nản không muốn đọc nữa hay tiếp tục đọc nhiều nhưng vội vàng, không để ý, tâm trí lơ đễnh bởi những ý nghĩ chu du…" (79)
c) Đời sống bí tích
Cầu nguyện giúp thánh hóa đời sống. Qua hai văn kiện khác nhau, cha Cadière cho chúng ta thấy đời sống bí tích của giáo dân Việt Nam như thế nào. Ngài viết: "Hàng năm vào lễ thánh Phêrô và Phaolô, các chức việc họp lại tính sổ thiêng liêng của họ đạo xem đã có bao nhiêu giáo dân chu toàn bổn phận mùa Phục Sinh bao nhiêu người không làm…Tôi cần nói thêm như ở họ đạo Di Loan có khoảng 2.500 giáo dân, số người bê trễ chỉ đếm không đầy năm ngón tay" (80)
Chỗ khác cha viết: "Tại Huế có 341 họ đạo. Họ lớn nhất được 2.811 giáo dân, nhiều họ chỉ có vài chục gia đình. Trong số các họ đạo, có những họ sốt sáng hơn họ khác. Nhưng tôi phải nói rằng tất cả giáo dân đều giữ đạo: Tính số các bí tích trong năm 1909-1910, tôi ghi nhận, số giáo dân tổng quát là 42.489 giáo dân, trong mùa Phục Sinh có 26.814 người xưng tội và 25.267 người rước lễ, và chỉ có 672 người không xưng tội. Trong họ đạo của tôi, chỉ có ba người vì những lý do riêng, không thể giữ luật mùa Phục Sinh, so với 680 người xưng tội" (81).
2) Những nơi sinh hoạt chính
a) Nhà thờ hay nhà nguyện
Ngôi chùa là trung tâm của một làng truyền thống, nhà thờ cũng vậy đối với một họ đạo. Đó là nơi riêng biểu lộ đời sống tôn giáo. Một họ đạo không thể thành hình nếu thiếu nhà thờ hay nhà nguyện. Vì lý do này trong lịch sử cấm đạo, để tiêu diệt một cộng đoàn công giáo, trước tiên kẻ thù của đức tin phải phá hủy nhà thờ hay nhà nguyện. Trái lại, một trong những việc chính để lập họ đạo mới là xây ngôi nhà thờ hay nhà nguyện.
Để đánh dấu sự tiến bộ lớn của việc truyền giáo, trong bản tường trình gửi đến cha giám tỉnh năm 1645-1646, cha Jean Gâbal dòng Tên đã ghi số 24.000 người rửa tội, 200 nhà thờ chưa kể số nhà thờ nhỏ và nhà nguyện. Gần cạnh nhà thờ hay nhà nguyện, có một ngôi nhà khang trang dùng làm chỗ cư ngụ cho linh mục (82).
Và cũng theo cha Marini, cha phó duy nhất ở miền Bắc, vào năm 1657 đã có 414 nhà thờ. Những nhà thờ này không được xây đẹp đẽ bằng đá cẩm thạch như những nhà thờ ở Âu Châu, mà chỉ làm bằng gỗ, sơ sài theo kiểu Việt Nam, nhưng sạch sẽ và thích hợp cho việc thờ phượng. Những vùng có nhiều nhà thờ là: Hà Nội, với 4 nhà thờ ở thành phố và 12 ở ngoại ô; Nghệ An có 112 nhà thờ; Thanh Hóa với 74 nhà thờ và nhà nguyện (82). Vào năm 1884, đã có 622 nhà thờ hay nhà nguyện trong bốn giáo phận ở miền Nam (84)
Tất cả sự kiện trên cho chúng ta hiểu dễ dàng những công việc đòi hỏi các giám mục cố sức thực hiện sau thời cấm đạo. Cha L. Louvet viết: "Công tác chính trong những năm sau này là xây dựng nhà thờ, trường học và nhà cha sở ngụ. Cùng với những nhà thờ chính, lòng sùng đạo của giáo dân, hợp với sự hăng hái của vị truyền giáo đã gây dựng được nhiều nhà nguyện nhỏ khang trang nơi những họ đạo xa xôi… (85) Hơn nữa, hầu hết các cuốn Chỉ Nam giáo phận đều nhấn mạnh đến việc xây cất nhà thờ và nhà nguyện (86). Đặc biệt, cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội khuyến khích các giáo dân theo khả năng của mình, ít nhất xây được một giáo đường đàng hoàng ở mỗi họ chính và một nhà nguyện thích hợp cho từng họ lẻ (87).

tải về 1.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương