HỘI ĐỒng quý chức quý Chức Họ Đạo Ở Việt Nam Tham Gia Vào Thừa Tác Vụ Của Linh Mục



tải về 1.51 Mb.
trang6/22
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích1.51 Mb.
#16972
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22

ĐOẠN THỨ BỐN: “Nói về những quyền lợi riêng trong hàng chức sở”: Danh tánh và ngày được thăng cấp của một quí chức phải được ghi chú trong một sổ bộ đặc biệt (Đ.57); Tại nhà thờ, quí chức được ngồi ở hàng ghế giữa, người làm giáp quỳ trên hết và ông trùm quỳ sau hết (Đ.58): khi không có cha sở, các chức sở được quyền rao lịch, đọc thông báo và chủ xướng kinh hạt (Đ.59). Các chức sở hội chung với cha sở để bàn tính mọi công việc trong họ (Đ.60). Các chức sở thay phiên nhau đi dự cấm phòng do đức giám mục tổ chức (Đ.61). Khi chức sở qua đời, họ đạo sẽ lo việc mai táng (Đ.62), riêng ông trùm sẽ được họ đạo xin cho ba lễ và ông giáp được một lễ (Đ.63). Hàng năm vào tháng các Đẳng, họ đạo xin một lễ cầu cho các chức sở đã qua đời (Đ.64).
ĐOẠN THỨ NĂM: “Nói về những người xin thôi làm chức sở cùng những người phải cất chức”: Khi một chức sở muốn xin thôi làm việc, phải thưa mọi lẽ với cha sở để ngài trình lên đức giám mục và tìm người thay thế. Chỉ khi được đức giám mục chấp nhận và nộp bằng lại cho ngài, lúc ấy mới chính thức thôi việc. Trường hợp một chức sở đi qua họ đạo khác thì không còn là chức sở nữa, trừ khi được đức giám mục nhận cho làm chức sở trong họ đạo mới tới (Đ.65). Chỉ các chức sở xin thôi làm việc cách chính đáng mới có thể được phục nhiệm bởi đức giám mục (Đ.66).
Những người kể sau đây không được làm việc họ đạo: - Người hám quyền chức mà không lo bổn phận – Người bỏ Mùa Phục Sinh – Người rối vợ hay mê đắm dục tình – Người kiện việc đạo ra tòa đời – Người không vâng lời cha sở hay ông trùm trong vụ việc quan trọng – người làm nhục cách nặng hay đánh đập một chức sở – Người nghiện rượu, cờ bạc, thuốc phiện – Người kiện tụng trái lẽ công bằng - Người cho vay ăn lãi quá đáng, hay đồng lõa với đảng cướp (Đ.67). Một chức sở vấp phải những lỗi lầm trên đây, cha sở và hàng chức sở phải khuyên nhủ và cảnh cáo đôi ba lần trước, nếu chức sở đó không nghe và sửa mình, thì cha sở và hàng chức sở phải cách chức họ (Đ.68). Nếu chức sở làm điều lỗi nặng và công khai, thì sau khi đã hối cải, còn phải xin lỗi công khai là tùy tiện, nghĩa là phải lạy tạ lỗi họ đạo và hàng chức sở (Đ.69).
Sau cùng, mỗi năm một lần, vào dịp lễ thánh Phêrô và Phao lô, các quí chức phải được học tập về cuốn Chức Sở Mục Lệ này (Đ.70).
Như chúng ta đã nói ở trên, cuốn Chức Sở Mục Lệ được soạn thảo và ban hành bởi đức cha Colombert là một văn bản rất quan trọng. Chúng ta có thể thêm rằng những thư chung của các vị giám mục kế vị, về căn bản, không đem thêm điều gì mới vào những điều đã được đức cha Colombert trình bày. Tỷ dụ, trong một thư chung năm 1954 về Công Giáo Tiến Hành, đức cha Isidore Dumortier đã chép lại nguyên văn những điều 3 và điều 38 của cuốn Chức Sở Mục Lệ để nêu lên mục đích của Công Giáo Tiến Hành và mối tương quan của tổ chức này với thừa tác vụ của linh mục. Sau cùng ngài kết luận: “những điều khoản của cuốn Chức Sở Mục Lệ được soạn ra đã 50 năm nay cho quí chức, hầu như cũng được soạn cho cả những thành viên của Công Giáo Tiến Hành. Vậy, để thiết lập trong mỗi họ đạo những cơ cấu Công Giáo Tiến Hành theo nguyện vọng của đức giáo hoàng, các linh mục chỉ cần nhấn mạnh cho quí chức về lòng nhiệt thành lớn lao đối với phần rỗi của các linh hồn, nhắc nhủ họ tuân giữ những điều được ghi trong cuốn Chức Sở Mục Lệ. Việc đọc lại vài điều của cuốn Chức Sở Mục Lệ trong mỗi buổi họp các quí chức là điều rất ích lợi” (29).
II. THƯ CHUNG NĂM 1899 CỦA ĐỨC CHA P. M. GENDREAU
1) Cảm hứng từ cuốn Chức Sở Mục Lệ của đức cha Colombert
Tầm quan trọng của cuốn Chức Sở Mục Lệ do đức cha Colombert soạn thảo, còn giữ một chỗ ngồi rất độc đáo trong thư chung nói riêng về việc tổ chức các Hội Đồng Quí Chức trong họ đạo của đức cha Pierre Marie Gendreau (đức cha Đông), giám mục giáo phận Hà Nội. Trong cùng một đường hướng tái tổ chức những cộng đoàn tín hữu sau thời kỳ bách hại, vào năm 1899, tức là 15 năm sau khi phát hành cuốn Chức Sở Mục Lệ tại Nam Kỳ, đức cha P.M. Gendreau đã gửi đến các cha xứ một thư chung quan trọng. Trong thư chung này, ngài vạch ra những qui luật chính cho sự tái tổ chức Hội đồng Quí Chức. Đem so sánh thư chung của đức cha P.M. Gendreau với cuốn Chức Sở Mục Lệ do đức cha Colombert soạn, chúng ta thấy rõ rằng :
Cơ cấu tổ chức: Toàn bộ phương thức tổ chức Hội Đồng Quí Chức là đồng nhất cho giáo phận Bắc Kỳ cũng như cho giáo phận Nam Kỳ.
Mấy khác biệt: Chỉ có sự khác biệt về sĩ số và danh xưng của mỗi thành viên Hội đồng Quí chức. Tỷ dụ, người đứng đầu của họ đạo ở Bắc Kỳ được gọi là «Chánh trương», ở Nam Kỳ là «Trùm nhất». Người đứng đầu họ đạo nhỏ (họ nhánh, họ lẻ) ở Bắc Kỳ được gọi là «Trùm họ», ở Nam Kỳ là «Biện sở» v.v…
Lược tóm thư chung: Cấu trúc trình bày trong thư chung không được hợp lý và chi tiết bằng trong cuốn Chức Sở Mục Lệ của đức cha Colombert. Với tựa đề là «bản Qui Luật của Hội Đồng Quí Chức», thư chung của đức cha P.M. Gendreau, sau phần dẫn nhập ngắn, gồm có 15 số, được lược tóm như sau:
+ Phần dẫn nhập: Tất cả các họ đạo đều phải có những quí chức để giúp đỡ linh mục trong việc phụng tự, ban bí tích, lo cho phần rỗi các linh hồn để có thể hy vọng một trật tự bền bỉ và vững chắc trong sinh hoạt cộng đoàn tín hữu vì vinh danh của đạo giáo và vì phần ích thiêng liêng của giáo dân. Vì thế, luôn luôn theo truyền thống có sự đặt định các người phụ trách những họ đạo chính, họ đạo nhỏ hay khu xóm. Một truyền thống đầy lợi ích cần được các họ đạo thực hiện.
+ Số 1 : Những thành viên hội đồng quí chức

+ Số 2 : Nhiệm vụ của mỗi thành viên

+ Số 3 : Sự chọn lựa quí chức

+ Số 4 : Phương thức bầu cử quí chức

+ Số 5 : Quyền hưởng tuần phòng

+ Số 6 : Quyền tiên chỉ

+ Số 7 : Cuộc đầu phiếu và những đặc quyền

+ Số 8 : Sự đóng góp nêu danh

+ Số 9 : Những qui định về sự đóng góp

+ Số 10 : Tài sản của họ đạo

+ Số 11 : Những khoản chi của họ đạo

+ Số 12 : Những việc đạo đức, cấm phòng

+ Số 13 : Mời linh mục viếng kẻ liệt

+ Số 14 : Những lễ tang



+ Số 15 : khi có linh mục lưu trú ở cộng đoàn tín hữu
2) Một vài điểm mới
Mặc dù chịu ảnh hưởng rõ rệt bản văn của đức cha Colombert, thư chung của đức cha P.M. Gendreau cũng có vài điểm mới, tỷ như sự đóng góp nêu danh, sự luân phiên phụ trách những bữa ăn v.v... Đó là vì ở Bắc Kỳ có những tập quán mà ở Nam Kỳ không có. Đàng khác, thư chung của đức cha P.M. Gendreau đã đánh dấu một bước tiến lớn trong diễn tiến lịch sử của Hội Đồng Quí Chức ở Bắc Kỳ, giống như bước tiến quan trọng mà bản văn của đức cha Colombert đã chứng tỏ ở Nam Kỳ. Hơn nữa, thư chung của đức giám mục Hà Nội sẽ được bổ túc bởi những nghị quyết của Công Nghị đầu tiên giáo phận Bắc Kỳ vào năm 1900 (30).
III. CÔNG NGHỊ MIỀN ĐẦU TIÊN GIÁO PHẬN BẮC KỲ
Công nghị này được tiến hành từ ngày 10.2.1900 đến ngày 6.3.1900 tại giáo phận Hải Phòng (Tonkin Oriental), dưới sự chủ tọa của đức cha Joseph Terres (Hiên), cùng với sự tham dự của sáu vị giám mục miền Bắc Kỳ và bảy cha chính của bảy giáo phận (31). Công nghị đã đưa ra nhiều nghị quyết liên quan đến sự cộng tác của giáo dân, nhất là sự cộng tác của quí chức đối với linh mục như được diễn thuật dưới đây.
«Trong mỗi họ đạo phải có hai quí chức, được bầu ra bởi chính giáo dân trong họ đạo và được cha xứ tán thành. Họ là những người có danh thơm và hạnh kiểm tốt để nhân danh và thay thế linh mục chăm sóc họ đạo, bảo tồn và quản trị nhà thờ và những tài sản: Họ chăm lo mọi sinh hoạt của họ đạo cho tốt đẹp: quán xuyến các lớp giáo lý, phân xử những tranh tụng nhỏ giữa các giáo dân, nhắc nhủ giáo dân tuân giữ luật lệ trong họ đạo, điều khiển những buổi cầu nguyện chung trong nhà thờ ít ra là vào những ngày chủ nhật và lễ trọng, đọc thông báo và rao lịch phụng vụ, nhắc nhở ngày giữ chay và kiêng thịt… nhất là khi các thày giảng vắng mặt,ân cần viếng thăm các bệnh nhân trong họ đạo và kịp báo cho linh mục trường hợp có người bệnh nặng để ngài đến ban các bí tích cho bệnh nhân. Về phía cha xứ, ngài phải yểm trợ tối đa những quí chức thuộc quyền. Quí chức có bổn phận báo cho linh mục biết những sự lạm dụng nếu có trong cộng đoàn, thông tin về những đôi bạn sắp thành hôn, những tranh tụng và cãi lộn giữa các gia đình tín hữu, tắt một lời, về tất cả những gì phải làm cho đời sống của họ đạo được tốt đẹp mọi bề» (32).
Đàng khác, Công Nghị muốn các cha xứ bổ nhiệm một vài quí chức (nam hay nữ, đạo đức, học thức) làm phận sự người quản giáo chuyên lo cho các trẻ em nghiêm trang và sốt sắng trong nhà thờ, dạy chúng về giáo lý và cách cầu nguyện (33); một vài quí chức khác lo việc quản trị tài sản của cộng đoàn tín hữu và của nhà thờ (34); chọn lựa và huấn luyện người (nam hay nữ) lo việc rửa tội khi khẩn cấp (35). Tuyệt đối, cha xứ không được đánh phạt giáo dân bằng roi hay xử phạt họ theo kiểu cách ngoài đời (36).
IV. CÔNG NGHỊ MIỀN LẦN THỨ HAI GIÁO PHẬN BẮC KỲ
Vào năm 1912, dưới sự chủ tọa của cha P.M. Gendreau, giám mục Hà Nội (Tonkin occidental), công nghị miền lần thứ hai tụ họp tại Kẻ Sơ. Hầu như tất cả các vị giám mục những giáo phận Bắc Kỳ đều tham dự. Công nghị này không có mục đích đặc biệt nào khác là bổ túc những nghị quyết của công nghị năm 1900. Bản văn chính thức cho thấy không có điều gì mới, cũng một cấu trúc và cũng những đề mục như trong bản văn của công nghị đầu tiên (37). Và trong đề mục sau cùng «De cura christianorum» mới nói một chút về các Quí Chức. Cấm các cha xứ không được bãi nhiệm ông chánh trương của giáo xứ (38), không được thành lập những họ đạo mới, không được phân chia giáo xứ thành những họ lẻ khi không có giấy phép của đức giám mục (39).
Không ai có thể phủ nhận những cố gắng đáng kể của các giám mục ở Việt Nam trong sự tổ chức lại những cộng đoàn tín hữu sau thời kỳ bách hại. Nhờ những cố gắng này mà vai trò, sự tuyển chọn, những nhiệm vụ cũng như quyền lợi của các quí chức được qui định rõ rệt và được định chế hóa. Tuy nhiên, những cố gắng này còn hạn định trong mỗi giáo phận hay đúng hơn là trong mỗi miền, Bắc Kỳ hoặc Nam Kỳ. Trong khi tôn trọng những sáng kiến riêng của mỗi miền, người ta chờ đợi một chỉ thị chung thực thi trên toàn quốc, hay đúng hơn, áp dụng cho toàn thể Giáo Hội Việt Nam, liên quan đến mọi phương diện đời sống Giáo Hội và cách riêng, cho việc tổ chức Hội Đồng Quí Chức trong các họ đạo. Nguyện vọng này sẽ được thực hiện bởi Công đồng Đông Dương (Indochine) năm 1934, dự kiến thích nghi sự tổ chức Hội Đồng Quí Chức trong họ đạo theo cơ cấu của Công Giáo Tiến Hành.

MỤC IV
ĐƯỢC THÍCH ỨNG THEO

ĐỊNH CHẾ CÔNG GIÁO TIẾN HÀNH

(1934 - 1953 )
I. CÔNG ĐỒNG ĐÔNG DƯƠNG
1) Công nghị quan trọng nhất tại Việt Nam
Công đồng Đông Dương năm 1934 là công nghị quan trọng nhất được cử hành tại Việt Nam. Công đồng hội tại Hà Nội, thủ đô của Bắc Kỳ, từ ngày 17.11.1934 đến ngày 6.12.1934. Công đồng được triệu tập và chủ tọa bởi đức tổng giám mục Columban M. Dreyer O.P., Khâm sứ Tòa Thánh. Tất cả các giám mục Việt Nam, Cao Miên và Lào hiện diện cùng một số đông linh mục. Công đồng hoạt động qua 5 ủy ban chuyên đề. Liên quan mật thiết đến công việc khảo cứu của chúng ta là ủy ban thứ tư, vốn đã nghiên cứu về tình trạng các giáo phận, công việc thuyết giảng, công việc dạy giáo lý, các trường học và Công Giáo Tiến Hành.
Bản văn Công đồng cho thấy nhiều nghị quyết liên quan đến Hội Đồng Quí Chức của họ đạo. Cần thiết phải nhận ra rằng chủ đích của Công đồng là thích ứng việc tổ chức Hội Đồng Quí Chức vào định chế Công Giáo Tiến Hành được gợi ý bởi đức giáo hoàng Piô XI (40). Lẽ tự nhiên, đó là một sáng kiến mục vụ lớn, vừa hữu lý vừa lợi ích; và là một sự canh tân thích đáng trong đường hướng làm cho sự cộng tác của giáo dân vào sứ vụ của linh mục được hữu hiệu hơn trong một xã hội tân tiến. Nhưng các nghị phụ công đồng đã tỏ ra thận trọng bằng cách giữ lại cấu trúc căn bản và truyền thống của các họ đạo. Chính vì thế, chúng ta không ngạc nhiên nhận thấy rằng những bản văn của Công đồng Đông Dương cũng như những thư chung của các giám mục hay những cuốn Chỉ Nam của mấy giáo phận luôn ăn khớp với nhau, tất cả đều lặp đi lặp lại những gì đã hiện hữu từ lâu trong đời sống họ đạo ở Việt Nam. Sự thực là chỉ có một vài thay đổi trong những điều chi tiết, ngoài ra toàn bộ cơ cấu của họ đạo và của Hội Đồng Quí Chức được giữ nguyên. Và đó lại thêm một lý do cho phép công việc khảo cứu của chúng tôi mở rộng đến năm 1953, năm mà cuốn Chức Sở Mục Lệ, được soạn thảo vào năm 1884 bởi cha Colombert, được nhuận sắc và ấn hành lại bởi đức cha Ngô đình Thục, giám mục giáo phận Vĩnh Long.
2) Những nghị quyết Công đồng Đông Dương
Công đồng dành chương VII của tập IV (41) để trình bày về đề tài «Hội đoàn Công Giáo Tiến Hành và những Hiệp hội giáo dân». Với tựa đề đó, chương này được chia làm 4 mục :
Mục I: «De natura Actionis Catholicae et de obligatione eam instituendi» (Bản chất Công Giáo Tiến Hành và bổn phận phải thiết lập), gồm 11 điều (Đ.356-366) với những điểm chính sau đây:
Mục đích của Công Giáo Tiến Hành : Qua hoạt động của Công Giáo Tiến Hành, những tín hữu nam cũng như nữ, nhất là giới trẻ, bằng cầu nguyện cũnh như bằng lời nói và việc làm, góp phần vào sự thăng tiến xã hội, sự thịnh vượng của tổ quốc, quan tâm quảng bá những huấn thị thánh thiện và lành mạnh của Phúc Âm, cộng tác với các giám mục và linh mục trong việc loan truyền đức tin và phát huy những điều thiện hảo của đức bác ái Kitô giáo dành cho tha nhân và cho xã hội (Đ.358).
Thích ứng cơ cấu của Hội Đồng Quí Chức vào việc tổ chức Công Giáo Tiến Hành. Tại các nước của chúng ta, thể chế cũ của Hội Đồng Quí Chức trong họ đạo có thể được vận dụng vào việc tổ chức Công Giáo Tiến Hành (Đ.363). Thực vậy, những thể chế cũ đó rất hiệu lực trong việc giúp các thừa sai quản trị họ đạo về phương diện thiêng liêng cũng như thế tục, chúng có thể cũng lợi ích cho công trình củng cố đức tin người tín hữu và truyền bá đức tin cho lương dân, vốn là hai mục tiêu của Công Giáo Tiến Hành (Đ.364). Nếu những quí chức được tuyển chọn kỹ lưỡng, nghĩa là được huấn luyện, sống cương trực, công chính, đức hạnh và đạo đức, họ sẽ là thành phần ưu tú của cộng đoàn tín hữu, là hạt nhân cho sự hình thành Công Giáo Tiến Hành (Đ.365).
Mục II : « De Consociationibus Fidelium auxiliaribus Actionis Catholicae» (Những hiệp hội giáo dân trợ giúp Công Giáo Tiến Hành gồm 10 điều (Đ.367-376), những điểm mà chúng ta chú ý nhất là:
Mời gọi giáo dân tham gia những hiệp hội được Giáo Hội chấp nhận: «Để chuẩn bị cho các nước của chúng ta có 684) khi gia nhập hoạt động trong những hiệp hội được Giáo Hội thành lập hay chấp nhận (Đ.367). Vậy thì, Giáo Hội không nhìn nhận bất cứ một hiệp hội tín hữu nào mà một định chế Công Giáo Tiến Hành hùng mạnh, chúng ta phấn khích trước tiên mọi tín hữu, với điều kiện họ là những tín hữu công giáo đích thực như tên gọi, gia nhập các hiệp hội khác nhau tùy theo tuổi tác và hoàn cảnh xã hội của họ. Thực vậy, họ xứng đáng được khen ngợi (theo khoản không được thành lập hay ít ra được công nhận bởi giáo quyền hợp pháp, sau khi qui chế của hiệp hội được cứu xét bởi Tòa Thánh hay bởi bản quyền địa phương (Đ.368).
Những hiệp hội chính: Tông đồ cầu nguyện (Đ.371), Nghĩa binh Thánh Thể (Đ.372), hội Con Đức Mẹ, hội Thánh Anna (Đ.373), hội Kinh Mân Côi, hội Thánh Thể, hội Thánh Tâm (Đ.374), Dòng ba Phan Sinh, Dòng ba Đa Minh (Đ.375).
Mục III : «De Actione Catholica proprie dicta ejusque organisatione» (Về sự tổ chức Công Giáo Tiến Hành đích thực) có 20 khoản (Đ.377-396), sau đây là những điều chính:
Thành lập các trung tâm giáo phận và xứ đạo «…Sau khi soạn thảo những qui chế, mỗi giáo phận phải lập nên và chỉ đạo một ủy ban giáo phận đặc trách cổ võ cho Công Giáo Tiến Hành trong khắp giáo phận. Cũng vậy, trong mỗi xứ đạo, một ủy ban giáo xứ được tuyển mộ từ những tín hữu xứng đáng nhất để phối hợp với cha xứ phụ trách những hoạt động của Công Giáo Tiến Hành trong xứ đạo. Tất cả những ủy ban vừa nói trên sẽ được hướng dẫn bởi một linh mục do giáo quyền liên hệ chỉ định (Đ.377)».
Chú trọng đặc biệt đến giới trẻ: «Phải thành lập một hiệp hội thanh thiếu niên công giáo trong các vùng công giáo, rất cần thiết và ích lợi cho đạo giáo và đất nước (Đ.378)».
Những tiêu chuẩn thu nạp: Trong các hội đoàn công giáo, nhất là các hội đoàn của giới trẻ, có thể thu nạp như là hội viên thường cả những người trẻ ngoài công giáo, nhưng phải khôn ngoan chọn lựa giữa những học sinh có hạnh kiểm tốt trong các trường học công giáo (Đ.379).
Mục tiêu sinh hoạt: Phải có những buổi hội hàng tháng để các hội viên học hỏi giáo lý, đào sâu đức tin, hun đúc lòng nhiệt thành tông đồ và thấm nhuần về mục đích của hội đoàn (Đ.380). Cần có linh mục hướng dẫn về đời sống đạo đức của hội viên (Đ.381), Nên tổ chức đại hội theo khuôn khổ từng hạt hay cả giáo phận, như đại hội Thánh Thể, đại hội Thánh Mẫu (Đ.382). Đặc biệt trong thành phố nên tổ chức các câu lạc bộ cho người trẻ để giúp họ hiểu và dấn thân vào hoạt động Công Giáo Tiến Hành (Đ.383). Lại cần có những hội Công Giáo Tiến Hành dành riêng cho nữ giới (Đ.384). Kêu gọi giáo dân nam nữ đoàn viên Công Giáo Tiến Hành tình nguyện dạy giáo lý phụ tá các linh mục và thày giảng (Đ.385), nhất là lấy lời cầu nguyện, lời nói và việc làm giúp việc truyền giáo (Đ.386).
Những hiệp hội truyền giáo: Hội Thánh Phêrô (c.387), Hội cầu nguyện cho các nước Đông Phương trở lại đạo (c.388), Hội thánh Vinh Sơn, Hội Từ Thiện (c.392).
Dưới sự chỉ đạo của hàng giáo phẩm: Nói vắn tắt, trong tất cả lãnh vực tôn giáo, dân sự và xã hội, Công Giáo Tiến Hành hoạt động cộng tác với và dưới sự chỉ đạo của hàng giáo phẩm (c.394).
Công Giáo Tiến Hành và vấn đề chính trị: Phải tuyệt đối tách rời khỏi Công Giáo Tiến Hành những vấn đề chính trị và đảng phái chính trị. Tuy nhiên, với tư cách riêng là người công dân, tín hữu công giáo được tự do gia nhập đảng phái chính trị nào có bản chất lương thiện và chính đáng, không có xu hướng lật đổ trật tự xã hội (c.395).
Soạn thảo quy chế: Một ủy ban sẽ được thiết lập để soạn thảo các quy chế Công Giáo Tiến Hành thích ứng cho từng quốc gia (Đ. 396).
Điều IV : «De libris et diaris etc» (Về sách báo và tài liệu… ) gồm 6 điều (Đ.397-402) trình bày cho chúng ta sự cần thiết và hiệu lực của việc phát hành sách báo công giáo (Đ.397-400), nhất là sách Kinh Thánh (Đ.401); nguyện vọng lập những thư viện (Đ.401), và một ủy ban đặc biệt phụ trách thẩm định giá trị sách báo đời và quảng bá nền văn hóa lành mạnh (Đ.402) .
Trước khi xác định phần này, chúng ta phải nói thêm rằng, do tình hình chính trị và kinh tế của xứ sở đương thời gặp vô vàn khó khăn, những nghị quyết của Công Đồng Đông Dương (Indochine) không được thực hiện một cách có hiệu quả, mặc dù được lặp đi lặp lại trong những cuốn Chỉ Nam ấn hành tại Việt Nam từ sau Công Đồng. Điều này có nghĩa là dù được thích ứng theo Công Giáo Tiến Hành, định chế của xứ đạo và của Hội Đồng Quí Chức vẫn được giữ nguyên vẹn.
II. NHỮNG CUỐN CHỈ NAM CỦA CÁC GIÁO PHẬN
Để thể hiện những quyết nghị của Công Đồng Đông Dương (1934), bốn giáo phận đã cho ấn hành cuốn Chỉ Nam (Directoire): Sài Gòn, Quy Nhơn, Hà Nội và Huế (DSG, DQN…) (42). Nhưng chỉ trong ba cuốn Chỉ Nam của ba giáo phận Quy Nhơn, Huế và Hà Nội việc tổ chức họ đạo và Hội Đồng Quí Chức được đề cập đến một cách kỹ lưỡng. Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Sài Gòn vẫn theo sát cuốn Chức Sở Mục Lệ ấn hành bởi cha Colombert năm 1884 (43). Vả lại, Những cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế (1940) và giáo phận Quy Nhơn (1942) hầu như có chung một bố cục, chung một văn từ, và chung những danh mục, ngoại trừ sự khác biệt về các số ghi (44). Chính vì thế, chúng ta sẽ trình bày chung cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế và cuốn Chỉ Nam của giáo phận Quy Nhơn, sau đó mới trình bày cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội.
1) Hai cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế và Quy Nhơn
Trước tiên, cả hai cuốn xác định rằng «Đời sống công giáo trong mỗi một họ đạo hay trong mỗi giáo xứ được diễn tiến dưới sự điều khiển của cha xứ và những quí chức cùng với sự tình nguyện cộng tác của mọi thành viên họ đạo» (45). Chung chung, việc tổ chức hàng quí chức lấy lại bản văn trong cuốn Chức Sở Mục Lệ của giáo phận Sài Gòn, như lời tuyên bố rõ ràng sau đây: Những nghĩa vụ chính yếu của giáo dân và của quí chức được ghi tóm trong hai cuốn «Giáo Hữu Mục Lệ và Chức Sở Mục Lệ» phải được đọc lên trong họ đạo hai lần mỗi năm, vào dịp lễ Giáng Sinh và lễ các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô» (46). Hai cuốn Chỉ Nam này dành mục VI để qui định «Việc tổ chức các họ đạo». Mục này gồm 5 phần. Phần 1: «Quí chức của họ đạo» (Les Notables des Chrétientés), đề cập đến:
a) Mục đích và danh xưng các quí chức: Cha xứ là người trách nhiệm về sự vận hành tốt của xứ đạo. Ngài được giúp đỡ bởi Hội Đồng Quí Chức gồm những chức năng trùm cả, câu I, II, III…, biện sở, biện I, II, III… biện phái hay giáp. Sĩ số quí chức thay đổi tùy theo tầm quan trọng và những nhu cầu của xứ đạo và họ đạo (47).
b) Việc bổ nhiệm các quí chức: Cha xứ có thể đề cử những ứng viên trùm cả, câu I…; Ban chức sở (Ban chức việc) có thể đề cử những ứng viên ‘biện phái hay giáp’. Nhưng tốt hơn là tất cả những ứng viên được bầu lên qua cuộc đầu phiếu của giáo dân (48).
c) Những điều kiện cần thiết: Nếu không thực thi tốt những nhiệm vụ thuộc phẩm tước thấp, không ai có thể được bổ nhiệm vào một phẩm tước cao hơn. Phải chú trọng đến đời sống đạo đức, lòng nhiệt thành, trí thông minh và khả năng của những người nhắm chừng có thể bổ nhiệm (49).
d) Nghĩa vụ chính của quí chức: Quí chức là những người trung gian giữa cha xứ và giáo dân trong các dịp hôn phối, rửa tội, giúp bệnh nhân, tang lễ. v.v… Họ điều khiển kinh nguyện cộng đoàn, đôn đốc giáo dân giữ giới răn Chúa, luật Giáo Hội. Cách riêng, trong những họ đạo không có linh mục, họ dạy kinh nguyện và giáo lý cho trẻ em, giữ trật tự trong nhà thờ và xứ đạo, quản trị tài sản của giáo sở, của họ đạo… tất cả những việc trên được chu toàn trong sự đồng thuận hoàn toàn với cha xứ (50).
e) Nghĩa vụ truyền giáo: Bằng gương sáng hoặc bằng lời khuyên, quí chức phải ra sức đem những người đồng hương lương dân trở về sum họp với cộng đoàn tin vào Thiên Chúa thật (51).
g) Chỗ ngồi danh dự của quí chức: Trong nhà thờ và trong những buổi hội của họ đạo, quí chức được xếp ngồi vào hàng ghế danh dự. Những chỗ danh dự cũng dành cho những người đã được đức giám mục cấp bằng, và cả những người, tùy theo địa phương, được bằng khen của chính quyền dân sự (52).
Sau cùng, chúng ta phải ghi nhận rằng, để trung thành áp dụng những nghị quyết của Công Đồng Đông Dương, hai cuốn Chỉ Nam đã thích ứng việc tổ chức Ban Chức Sở hay Hội Đồng Quí Chức vào định chế Công Giáo Tiến Hành qua lời tuyên nhận: Mọi quí chức có thể làm cán bộ cho Công Giáo Tiến Hành, bởi lẽ, định chế mới không hủy bỏ các thể chế cũ của quí chức, nhưng thích ứng chúng theo mục đích đề ra bởi đức giáo hoàng: mỗi người hoạt động tông đồ trong môi trường của mình bằng cầu nguyện, bằng gương sáng, bằng hành động tế nhị và khôn ngoan đối với những người xung quanh mình và đối với bạn bè không công giáo (53).
2) Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội
Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội (54) dành Điều IV của Đoạn I phần II, nói «Về luật phép hàng xứ và các họ cùng khoán lệ», nghĩa là nói về những gì liên quan đến Ban Hàng Xứ (Ban Chức Việc hay Hội Đồng Quí Chức) và xứ đạo hay họ đạo. Vậy có ba điểm sau đây cần trình bày:
a) Hội đồng quí chức của xứ đạo đạo
Mỗi xứ đạo được coi như một hiệp hội lớn, một đại gia đình. Chính vì thế, xứ đạo cần có những qui luật phù hợp theo luật đạo và luật đời mà mọi giáo hữu đều phải tuân giữ. Vậy từ lâu nay, lý do thúc đẩy các Bề Trên trong Giáo Hội thiết lập trong mỗi xứ đạo một cơ cấu nền tảng gọi là «Hội Hàng Phủ» (Ban hàng phủ, Ban phủ xứ, Ban hàng xứ, Ban chức việc) chính là để hội này ‘làm tay chân cha xứ’, giúp đỡ cha xứ trong công việc quản trị xứ đạo ‘cùng chăm riêng việc truyền giáo, việc Tiến hành Công giáo’. Vậy ‘xứ nào chưa có Hội Hàng Phủ, dù xứ đạo mới ở miền thượng du hay dưới đồng bằng, thì cha xứ phải thu xếp dần mà tổ chức theo lề lối chung của địa phận’ (Đ.149).

tải về 1.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương