HỘI ĐỒng quý chức quý Chức Họ Đạo Ở Việt Nam Tham Gia Vào Thừa Tác Vụ Của Linh Mục



tải về 1.51 Mb.
trang2/22
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích1.51 Mb.
#16972
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22

III. Những họ đạo đầu tiên
1) Công Chúa Mai Hoa và họ đạo tiên khởi
Vì còn quá trẻ nên vua Lê Thái Tôn (1573-1599) phải nhận quyền nhiếp chính của bà chị ruột mà theo dân chúng quen gọi là công chúa Chèm. Công chúa rất tận tụy trong các sinh hoạt tôn giáo và từ thiện. Bà đã xây cất nhiều nhà bác ái, canh tân các tu giới và đời sống của các nhà sư và ni cô. Sống đạo sâu xa, bà rất thiện cảm với đạo Công Giáo. Nhờ ơn Chúa Quan Phòng, bà đã gặp được một thừa sai Tây Ban Nha là cha Pedro Ordones Cevalles vào ngày 24.12.1590. Yêu mến đạo giáo, bà kiên trì học hỏi giáo lý với cha Pedro. Bà cũng xin cha dạy đạo cho các tì nữ trong hoàng cung. Sau cùng, ngày 22.05.1591, bà đưọc rửa tội và mang tên thánh là Maria. Và từ đó, người ta gọi bà là công chúa Mai Hoa. Theo gương bà, 72 tì nữ trong hoàng cung cũng xin chịu phép Rửa Tội. Hay tin công chúa Mai Hoa đã trở lại đạo Công Giáo, vua và bà hoàng hậu rất bất mãn. Để trấn an mọi người trong hoàng gia và hoàng cung, công chúa Mai Hoa đã trả lại cho nhà vua mọi chức tước và quyền bính, bà chỉ xin vua cấp cho bà một khu đất để bà xây một tu viện và bà sống tại đó quãng đời còn lại. Thán phục niềm tin và các nhân đức sáng ngời của người chị, vua đã cho lệnh biến ngôi nhà của bà trong hoàng cung thành một tu viện. Vua còn cho xây một nhà nguyện và một nhà cho cha Pedro cư ngụ. Ngày 26.05.1591, cha đã cử hành Thánh Lễ đầu tiên và nhận lời khấn tạm của 51 nữ tu tiên khởi của Hội dòng Đức Maria Vô Nhiễm. Chả bao lâu số giáo dân tăng lên đông, công chúa Mai Hoa lại xin vua ban cho một khu đất lớn để lập làng Giatô: đây là họ đạo đầu tiên với 400 nhân danh. Và cuối năm 1591, thái hậu ngã bệnh nặng, và bà đã lãnh Bí tích Rửa Tội mấy ngày trước khi chết, tên thánh là Maria (13).
2) Từ họ đạo Hội An cho đến họ đạo Quảng Nam
Với lòng nhiệt thành đáng thán phục và một trí thông minh hiếm có, cha Busomi cập bến Hội An ngày 18.01.1615, và đã khôn khéo dựng lên mọt nhà nguyện không chỉ dành cho những người công giáo Nhật Bản tị nạn (14), nhưng cho cả những người công giáo Việt Nam đầu tiên. Lịch sử kể rằng: ngày khánh thành nhà nguyện, cha Busomi đã rửa tội 10 dự tòng. Những tân tòng này là những bông lúa đầu mùa rao giảng Tin Mừng của cha tại Việt Nam. Vui biết bao !

Để bảo đảm lâu dài cho công cuộc truyền giáo đã bắt đầu, cha Busomi đã khôn khéo liên hệ với ông chúa Sãi Vương và dâng cho chúa nhiều quà quý đem đến từ Tây Phương. Cha tìm cách học hỏi về phong tục và văn hóa Việt Nam, vì cha biết rằng đây là việc làm rất hữu ích cho việc truyền giáo của ngài.


Nhờ phương thức làm việc này, cha Busomi có thể gặp gỡ các quan chức tỉnh Quảng Nam. Quan tỉnh Quảng Nam đã đón tiếp cha cách lịch sự và niềm nở. Chính quan đã cấp cho cha một nhà ở thoải mái và những bữa ăn thịnh soạn. Quan tỉnh là anh của bà Phanxica mà dân chúng quen gọi cách thân mật là ‘bà Gioanna’. Gioanna là tên thánh của con gái bà. Một cha Phanxicô đã rửa tội cho bà trước đó 30 năm, và cô gái của bà lại được rửa tội bởi một linh mục thừa sai dòng thánh Augustinô. Chỉ một năm sau, việc truyền giáo của cha Busomi đã trổ sinh nhiều hoa trái: 300 người được chịu phép rửa tội, và đó là họ đạo thứ hai được thành hình, báo hiệu một tương lai xán lạn cho công trình truyền giáo. (15).
3) Đồng lúa mênh mông
Với những thành công nối tiếp, việc truyền giáo của các cha dòng Tên mở rộng vào các thành phố lớn của miền Nam (Cochinchine), vương quốc của nhà Nguyễn, cách riêng tại Quảng Nam và Quy Nhơn. Công việc truyền giáo giữa các năm 1618 và 1659 đã đem vào Giáo Hội một số đông tân tòng. Trong số đó có người vợ thứ của chúa là hoàng hậu Minh Đức (16) Bà lãnh Bí tích Rửa Tội năm 1625. Tên thánh của bà là Maria Madalêna. Lịch sử còn ghi: chỉ trong năm năm truyền giáo đầu tiên, cha Pina đã rửa tội 275 người, trong số đó có nhiều văn nhân tỉnh Quảng Nam (17).
Rồi đến các hoạt động truyền giáo của các cha thừa sai tại miền Bắc (Tonkin), vương quốc của vua Lê và chúa Trịnh, cũng đem lại nhiều thành công đáng kể, nổi bật là các họ đạo Cửa Bạng (18), An Vực (19). Nhật ký của cha Alexandre de Rhodes cho biết số giáo dân trong vương quốc vua Lê chúa Trịnh là 82.500 người vào năm 1639 (20). Hơn nữa, theo cha Bonifacy, năm 1641, số dân công giáo tại Bắc Việt Nam là 108.000 (21). Chỉ nguyên trong tỉnh Nghệ An bấy giờ đã có 72 họ đạo (22), và năm 1655 đã có 414 nhà thờ trong toàn vương quốc vua Lê chúa Trịnh (23). Những con số này mở ra trước mắt chúng ta những đồng lúa mênh mông, và để chăm sóc và tưới bón, cần thiết phải có nhiều cán bộ truyền giáo được huấn luyện, dấn thân và sẵn sàng hiến dâng mạng sống.
IV. Việc tổ chức các thầy giảng
1) Cha Alexandre de Rhodes, người sáng lập khôn ngoan
Để đáp ứng những nhu cầu khẩn cấp của đồng lúa mỗi ngày thêm mở rộng, các thừa sai và nhất là cha Alexandre de Rhodes đồng thuận về sáng kiến tổ chức các Thầy giảng (catéchistes). Thực tế, từ năm 1615 cha Busomi đã tìm kiếm và đào tạo những cộng tác viên giáo dân, tỉ dụ, người trẻ mang tên Augustinô thuộc họ đạo Hội An (24). Qua năm 1627, cha Alexandre de Rhodes đã tiến xa hơn trong phương án này. Ngài đã muốn rằng tất cả các thầy giảng phải được huấn luyện dưới hình thức một chủng viện với nhiều giai đoạn: tập viện, kinh viện và sư huynh viện (maitres). Cha muốn các thầy giảng cũng khấn giữ đức khó nghèo, vâng lời và khiết tịnh. Tuy nhiên tổ chức các thầy giảng không phải là một hội dòng đúng nghĩa. Nhưng phải nói thật: tổ chức các thầy giảng đã được thiết lập theo hình thức một tu hội đời ngày nay.
Năm 1642, bị trục xuất khỏi Bắc Việt, cha Alexandre de Rhodes xuống thuyền vào Nam (Cochinchine). Tại đây, cha cũng có ý định đào tạo các thầy giảng giống như cha đã làm ở miền Bắc. Ngài dấn thân thực hiện phương án và Thiên Chúa đã ban cho ngài nhiều phần thưởng (25).
2) Một giải đáp trung gian và hiệu lực
Để nhấn mạnh đến sự cần thiết và hiệu lực của việc thành lập hàng giáo sĩ bản xứ, cha A. Launay đã viết : «Các linh mục bản xứ thông thạo tiếng bản xứ, xử dụng từ ngữ và kiểu nói vừa đúng vừa hay, giọng điệu thanh thoát, dễ nghe, dễ hiểu hơn… khi cắt nghĩa các mầu nhiệm trong đạo. Họ lại biết rõ về các phong tục và tập quán của xứ sở và từng địa phương, nắm bắt được các khuynh hướng của đồng bào của họ. Họ có nhiều liên hệ chặt chẽ với dân chúng. Họ có thể đi lại, giao tiếp và len lỏi dễ dàng vào đồng bào, bắt chuyện và gây tình bạn hữu với người bản xứ. Họ cũng am tường đâu là những điểm dị đoan, sai lạc trong tôn giáo của xứ sở. Nhờ đó họ biết cách vạch trần các hình thức tà thần mà khuyên dân trở lại đạo Công Giáo. Với những nhận định lý thuyết và thực tế này, chúng ta còn phải thêm rằng: các linh mục bản xứ chắc chắn có thể phục vụ hiệu lực khi, như thường xẩy ra, có những cuộc bách hại khiến các thừa sai ngoại quốc đã quá ít ỏi lại phải trốn tránh hay bị trục xuất. Thực tế, các thừa sai ‘dễ bị phản bội’ vì tiếng nói và vì hình dáng, không thể dễ dàng chu toàn các thừa tác vụ giống các linh mục bản xứ được» (26). Những nhận xét trên đây có thể nói lên trọn vẹn những lý do vì sao phải tổ chức các thày giảng.
Đó cũng là nguyên tắc hoạt động của Giáo Hội trong mọi thời. Giáo Hội luôn muốn rằng người bản quốc phải lãnh nhận trách nhiệm truyền giảng Tin Mừng cho đồng bào của họ. Như vậy Giáo Hội bản xứ sẽ tiến mạnh, mau trưởng thành và tự trách nhiệm.
Mọi người đều công nhận rằng vào buổi đầu rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam, tổ chức các thầy giảng được coi như một giải pháp trung gian và hiệu lực. Các thầy giảng là những người dọn đường trước cho các thừa sai tới, các thầy cộng tác tích cực với các cha khi các ngài có mặt tại chỗ, các thầy thay thế các cha khi các cha chuyển đi nơi khác. Những hình ảnh sáng ngời của các thầy giảng tiên khởi là thầy Augustinô ở Hội An (27), thầy Phanxicô ở Hà Nội (28), thầy Inhaxiô ở Nghệ An (29), thầy Anrê ở Quy Nhơn (30) và thầy Vixentê ở Quãng Nghĩa (31). Hơn thế, chính từ các thầy giảng đầu tiên mà Giuse Trang và Luca Bền được tuyển chọn để thành những linh mục việt nam tiên khởi vào năm 1668 (32).
Đàng khác, chính nhờ các thầy giảng mà trong thời các thừa sai bị trục xuất, việc rao giảng Tin Mừng không bị gián đoạn và các họ đạo không bị tan rã. Trái lại việc rao giảng Tin Mừng vẫn được tiếp tục và các họ đạo tăng thêm mãi. Đây là một thí dụ: các linh mục Alexandre de Rhodes và Pedro Marquez đã bị trục xuất khỏi Bắc Kỳ năm 1629, để lại địa phương ba thầy giảng Phanxicô, Anrê và Inhaxiô với 5.602 bổn đạo. Vắng mặt hai cha, các thầy phân chia công việc tông đồ: mỗi thầy quán xuyến một số họ đạo lẻ loi, dạy giáo lý cho giáo dân và những người l ương muốn tòng giáo, thăm nom các bệnh nhân. Các thầy làm hết mọi việc với sự cộng tác thân mật của các chức việc trong họ đạo. Một năm sau, 18.02.1631 khi các linh mục bồ đào nha là Gaspar d’Amiral, Antoine và Cadim từ Xiêm La (Siem) tới, các ngài thấy rõ số bổn đạo đã được gia tăng tới con số 9.942 Như vậy các thầy giảng đã rửa tội thêm được 3.340 tân tòng trong thời gian hơn một năm (33) Chính với một lòng tận tụy truyền giáo như vậy mà tổ chức các thầy giảng đã hiến dâng cho Giáo Hội Việt Nam những vị tử đạo đầu tiên.
V. Những vị tử đạo đầu tiên tại Việt Nam
1) Mọi công trình truyền giáo đều có Thánh Giá
Không công trình truyền giáo nào mà không có Thánh Giá. Thánh Giá là dấu chỉ của tình yêu. Chính vì tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với các linh hồn mà các nhà thừa sai đã từ giã gia đình và quê hương của họ để đem Tin Mừng đến cho các dân tộc xa xôi. Tại đó, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần các ngài đã can đảm ra đi, hiến dâng sự sống cho ’phần lợi’ của Phúc Âm và đồng thời đào tạo cho Nước Chúa những tâm hồn thánh thiện chan chứa tình thương sẵn sàng hiến thân vì đức tin. Nếu các Tông Đồ và các tín hữu đầu tiên đã là những chứng nhân của Chúa Giêsu Phục Sinh trong xã hội Do Thái và trong đế quốc Roma, thì các thừa sai và các tín hữu việt nam đầu tiên, họ cũng là những chứng nhân của niềm tin vào Thiên Chúa và vào tình thương của Ngài. Là nhân chứng của đức tin, họ không lùi bước, nhưng luôn tiến lên và can đảm lãnh nhận Thánh Giá mà giá trị lớn lao nhất của Thánh Giá là chết cho tình yêu, là tử đạo nhân danh đức tin.
Vì những lợi nhuận thương mại và vì những liên hệ kinh tế, các chúa Trịnh ở Bắc cũng như các chúa Nguyễn ở miền Nam chưa dám giết hại các thừa sai ngoại quốc, nhưng họ tìm cách giập tắt cái mà họ gọi là ’tà đạo’, họ đuổi ra khỏi lãnh thổ và nhất là tàn sát, những người đứng đầu các cộng đoàn kitô hữu, tức là các thầy giảng và các chức việc.
2) Những vụ trục xuất đầu tiên các thừa sai
Lịch sử kể lại rằng nạn hạn hán năm 1617 ngăn cản mọi công việc đồng áng trong các tỉnh miền Nam. Cơn đói kém đe dọa dân chúng. Các sư sãi cầu nguyện xin trời đổ mưa xuống, nhưng vô hiệu quả! Họ nói với chúa Nguyễn rằng: nạn hạn hán xẩy đến cho dân là vì lỗi phạm của những người đã bỏ đạo của tổ tiên và đi theo đạo của Âu Châu, vì thế các thần minh nổi giận và phạt vạ thần dân bằng cơn hạn hán này. Muốn đền tạ hiệu nghiệm, chúa phải làm điều các thần minh yêu cầu, là trục xuất các thừa sai và ép buộc người công giáo phải từ bỏ tà đạo (34). Cho những ý kiến đó là hợp tình hợp lý, chúa Sãi Vương truyền lệnh cho cha Carvahle và Busomi phải ra khỏi miền Nam (35).
Cha Alexandre de Rhodes cũng ở trong hoàn cảnh khó khăn tương tự, cũng chịu những tố cáo giả dối như vậy, nên đã bị trục xuất khỏi lãnh thổ của vua Lê năm 1628 (36). Ngài trở vào miền Nam, nhưng lại bị trục xuất vào năm 1640 (37). Bó buộc phải đáp tàu về Macao. Ba tháng sau, cha Alexandre de Rhodes lại tìm cách cập bến Hội An, nhưng rồi lại bị đuổi vĩnh viễn khỏi Việt Nam ngày 3.7.1645, sau nhiều tháng bị giam cầm với chín thầy giảng (38). Sau 21 năm lặn lội truyền giáo tại Việt Nam, cha bị bó buộc phải rời bỏ các địa điểm truyền giáo, ôi bao xót xa, bao ngậm ngùi thương mến! Không được phúc đổ máu trên đồng truyền giáo, cha Alexandre de Rhodes đã ra đi mang theo một kỷ vật thật quý giá, là cái đầu của thầy giảng Anrê, vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam.
3) Thầy giảng Anrê, vị tử đạo đầu tiên tại Việt Nam
Cha Alexandrede Rhodes đã viết về vị tử đạo đầu tiên của Việt Nam như sau: “Cho tới nay, Giáo Hội Miền Nam tương đối vẫn được bình an và hạnh phúc, lâu lâu cũng bị tấn công gay gắt nhưng chưa hề phải đổ máu để bênh vực những vụ gièm pha phỉ báng Chúa mình, nên cũng chưa bao giờ xuất hiện trước ngai tòa Con Chiên với chiếc áo hồng thắm, đầu đội triều thiên, và tay cầm cành lá chiến thắng. Nói khác, cho đến nay, Giáo Hội Việt Nam chưa có một vị tử đạo đã hy sinh mạng sống vì bảo vệ đức tin. Thiên Chúa dành vinh quang này cho môt người trẻ mười chín tuổi tròn mà tôi đã rửa tội ba năm trước và tôi đã coi như một người bạn giúp tôi đi dạy giáo lý từ hai năm nay“ (39).
Năm 1644, hoàng hậu Tôn Thị truyền cho quan tỉnh Quảng Nam lùng bắt thầy giảng Inhaxiô và phá vỡ mọi công trình truyền giáo. Thù nghịch với người công giáo từ lâu, quan tỉnh đem quân lính đến bao vây nhà thầy Inhaxiô và các thầy giảng. Lúc đó thầy Inhaxiô đi vắng, lính bắt thầy Anrê đang thay mặt thầy Inhaxiô và chăm sóc bốn thầy giảng khác đau yếu. Hạnh phúc thay, trong nhà tù của tỉnh, thầy Anrê đã gặp một người công giáo trọng tuổi cũng gọi là Anrê. Cả hai khích lệ nhau can đảm chịu mọi hành nhục và sẵn sàng đổ máu vì đức tin. Cả hai cầu nguyện thâu đêm. Hôm sau bị điệu ra tòa do chính quan tỉnh ngồi xử. Quan đã kêu án xử tử cả hai người đồng tên thánh Anrê.
Ngày 16.07.1644, thanh niên Anrê bị điệu ra pháp trường xử trảm. Thầy luôn bình tĩnh và can đảm, cầu nguyện cho đến phút cuối cùng. Cha Alexandre de Rhodes cũng lẩn lút theo người môn đệ của mình ra tận pháp trường, và chứng kiến giây phút thầy Anrê bị chặt đầu. Cha đã nghe rõ tiếng của thầy Anrê tuyên xưng danh thánh Chúa Giêsu cho đến lúc nhát dao làm tắt tiếng thốt ra từ miệng thầy Anrê. Linh hồn bay về trời, thân xác ngã xuống đất... (40).
4) Cuộc bách hại các tín hữu
Tiếp cuộc tử đạo của thầy Anrê là cái chết vì đức tin của các thầy Inhaxiô (41), rồi cơn bách hại tại Quy Nhơn (42). Quân lính của quan tỉnh nhận được lệnh phải phá hủy các nhà thờ, phân tán các cộng đoàn Kitô giáo và bắt giam các chức việc. Trước tiên có 35 giáo dân bị bắt giam rồi dẫn đi nộp cho quan tỉnh. Người quý chức nổi tiếng nhất bấy giờ là ông trùm Ngữ, trùm cả của họ đạo Quy Nhơn. Mấy tháng trước, ông đã chuẩn bị cho giáo dân trong họ đạo sẵn sàng tuyên xưng đức tin và khi bị bắt giam, ông là phát ngôn viên của những người bị bách hại trước mặt quan lớn. Cương quyết trong niềm tin, mọi người đều nhất trí trung thành với Thiên Chúa và với đạo thánh. Ngày đầu tiên, quan tỉnh xúc động vì thấy họ liên đới với nhau và đồng tâm tuyên chứng đức tin, ông cho 29 người về với gia đình, ông chỉ giữ lại 6 người, trong đó đương nhiên có ông trùm Ngữ.
Cảm nghĩ sau đây của cha Alexandre de Rhodes chứng tỏ cho chúng ta thấy sự khác biệt: “Hai mươi chín người được thả ra về không phải chịu một hình nhục nào, thì nét mặt buồn rầu, bước đi chậm chạp; còn sáu người bị giữ lại, thì, tuy vai mang gông nặng nề, lại có nét mặt vui tươi, bước đi nhẹ nhàng dường như họ có đôi cánh“ (43).
Đó là giai đoạn đầu tiên của lịch sử truyền giáo tại Việt Nam. Tuy chỉ là một bản tóm lược, chúng ta cũng nhìn thấy ở đó những khó khăn lớn lao đến từ mọi phía, cho phép chúng ta nhận ra bao công phúc của các các nhà truyền giáo tiên phong và của những người tín hữu ’thơ sinh’ ở Việt Nam. Nhờ ơn lành của Thiên Chúa và nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các ngài đã khởi đầu một cách anh dũng lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Nhưng để củng cố lịch sử này, như chúng ta sẽ đọc thấy trong những trang tiếp theo, Giáo Hội Việt Nam còn phải chịu những cuộc bách hại kinh hoàng, chan chứa máu hồng... mà những khó khăn nhắc đến ở những trang trên, mới chỉ là những dấu hiệu đi trước.

MỤC II
LỚN LÊN TRONG BÁCH HẠI (1580-1885)

I. Những cuộc bách hại đẫm máu
Người ta có thể không sợ quá lời khi nói rằng lịch sử của Giáo Hội Việt Nam là một chuỗi dài những cuộc bách hại chống Kitô giáo. Như chúng ta đã thấy, vào năm 1533 Tin Mừng bắt đầu được rao giảng tại Việt Nam, nghĩa là năm ‘con gái đầu lòng của Giáo Hội tại Viễn Đông chào đời’. Kể từ năm 1580 cuộc bách hại bắt đầu và kéo dài cho tới 1885, nghĩa là trong hơn 300 năm. Các sử gia chia quãng thời gian ảm đạm này thành bốn giai đoạn chính: Dưới triều đại nhà Lê với các chúa Trịnh và Nguyễn (1580-1747); dưới triều đại nhà Tây Sơn (1777-1802); dưới triều đại nhà Nguyễn (1802-1867); dưới thời Văn Thân (1862-1885).
1) Dưới triều đại nhà Lê và các chúa Trịnh và Nguyễn
Giai đoạn đầu (1580-1617). những cuộc bách hại ở cả hai miền Nam và Bắc còn ít nghiêm khắc và ít đổ máu .
Tại miền Nam, những cuộc bách hại khởi đầu từ việc trục xuất các cha dòng Tên năm 1617, rồi từ những tố cáo gian dối đổ xuống trên các thừa sai và các làng công giáo năm 1623. Nhưng những cuộc bách hại trở nên gay gắt và đổ máu kể từ năm 1644 tại Quy Nhơn và Quảng Nam. Đồng thời, chính chúa Thượng đã ra lệnh trục xuất cha Alexandre de Rhodes. Ngài đã phải ngậm ngùi ra đi không ngày trở lại trên đất Việt Nam, sau khi đã chứng kiến cuộc tử đạo của các thầy giảng Anrê, Inhaxiô. Sau cùng sắc lệnh bắt đạo của chúa Minh Vương năm 1698, đã làm tiêu tan nhiều làng công giáo và đã gây nên cái chết rũ tù của cha Langlois và 30 giáo dân (44).
Trong thời đó, tại miền Bắc, tại lãnh thổ của vua Lê chúa Trịnh, các cuộc bách hại chỉ bắt đầu từ năm 1629 với lệnh trục xuất các thừa sai của chúa Trịnh Tráng. Rồi 1712, chúa Trịnh Can cấm người công giáo họp nhau cầu nguyện và đeo ảnh đạo. Các cuộc bách hại trở nên kinh hoàng vào thời chúa Trịnh Cương, năm 1721. Chúa ra lệnh đuổi bắt và chặt đầu các thừa sai. Chính trong vụ bách hại này mà hai cha Massari và Buccharelli đã được phúc tử đạo năm 1723 (45). Mười tám năm sau, dưới triều chúa Trịnh Doanh, cuộc bách hại bỗng nhiên trở nên dữ dằn bởi sự ghen ghét người công giáo của một số quan lại muốn lấy lòng chúa Trịnh và mong được phần thưởng chúa hứa ban. Trong năm năm, bốn cha dòng Đaminh và nhiều giáo dân bị giết chết. Đó là quý cha Francois Gil, Matthieu Leginiana, Hyacinthe Castaneda và Vincent Liêm (46).
2) Dưới triều đại nhà Tây Sơn
Chính vào năm 1763 mà ba anh em Tây Sơn, Nhạc, Huệ và Lữ đã nổi dậy và đem quân chống chúa Nguyễn. Sau khi toàn thắng quân chúa Nguyễn và đánh tan cả đoàn quân Thái Lan qua giúp chúa Nguyễn, năm 1786, anh em Tây Sơn kéo quân trực chỉ miền Bắc và chiếm được Hà Nội, thủ đô của lãnh thổ thuộc vua Lê chúa Trịnh. Hai năm sau, ba anh em còn đánh tan đoàn quân trung hoa qua cứu viện vua Lê chúa Trịnh tại Đống Đa. Sau những chiến thắng oai hùng tiếp nối nhau, Nguyễn Huệ, người thứ hai của ba anh em Tây Sơn đã tự xưng là hoàng đế Việt Nam thống nhất, và mang tước hiệu là vua Quang Trung.Ngay từ buổi đầu, vua Quang Trung đã tỏ ra không ưa thích đạo Công Giáo. Vì thế, 1975 vua đã ra sắc chỉ bắt bớ các kitô hữu. Nhưng cuộc bách hại chỉ kinh hoàng và đẫm máu vào triều đại người kế ngôi vua là hoàng đế Cảnh Thịnh. Ông này bí mật ra lệnh cho các quan giết hết các người công giáo trong tháng 05. 1798. Trong số lớn những Kitô hữu bị sát hại thời Cảnh Thịnh, có hai linh mục Việt Nam là cha Gioan Đạt và Nguyễn Văn Triêu. Cùng bị giam với hai linh mục, có chừng 32 quý chức họ đạo mà 30 đã anh dũng chết vì đức tin (48).
3) Dưới triều đại nhà Nguyễn
Bị anh em Tây Sơn đánh bại, chúa Nguyễn Ánh phải chạy trốn sang Bangkok (Thái Lan). Ông chờ đợi thời thế thuận lợi để trở về Việt Nam. Vậy vào tháng 07.1787, vào lúc anh em Tây Sơn chia rẽ nhau cách trầm trọng, chúa Nguyễn Ánh đã kéo quân trở về miền Nam, chiếm tỉnh Cần Thơ. Nhờ tài binh lược của các tướng Võ Tánh, Ngô Tòng Chu và Lê Văn Duyệt, chúa Nguyễn Ánh đã đánh tan nhà Tây Sơn chiếm lại mau chóng các tỉnh lớn Sàigòn, Huế, Quy Nhơn và Hà Nội. Bấy giờ chúa Nguyễn Ánh lên ngôi vua và lấy danh hiệu là Gia Long, lập nên triều đại nhà Nguyễn năm 1799. Vua Gia Long tạ thế năm 1820 (49).
Thời vua Gia Long, người công giáo tương đối được bình yên. Nhưng những vua kế vị ngài, như Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức đã tỏ ra rất thù nghịch với đạo Công Giáo. Một vài sử gia đã gọi Minh Mạng và Tự Đức là ‘Nêrons Việt Nam’ (des Nérons Vietnamiens) (50). Các sắc chỉ bách hại người công giáo do vua Minh Mạng ban hành liên tiếp vào các năm 1825, 1833, 1836 và 1838. Vua truyền khắc hai chữ ‘tà đạo’ trên má các tín hữu (51). Chính vua ký bản án tử hình ba giám mục: Dominique Renares, Ignace Delgado và Pierre Dumoulin; và chừng 20 linh mục ngoại quốc và linh mục bản xứ, một số đông các thầy giảng, nữ tu, quý chức và giáo dân.

Riêng vua Tự Đức, vua đã ra sáu sắc lệnh chống người công giáo trong các năm 1851, 1855, 1857, 1859 và 1861. Điều rất rõ là dưới thời Tự Đức, Giáo Hội Việt Nam bị bách hại và hủy diệt dữ đội nhất. Chỉ nguyên các cuộc bách hại từ 1858 đến 1862 con số các giáo dân bị giết hại và các họ đaọ bị tàn phá thật đáng kể: 115 linh mục đã đổ máu vì đức tin, 50 tu viện bị phá hủy, 2.000 nữ tu bị phân tán, trong số đó 100 chị đã hiến mạng sống vì vinh danh Thiên Chúa, 10.000 quý chức họ đạo bị bắt giam mà một nửa đã được phúc tử vì đạo. Một số lớn các tín hữu đã chết đói, 2.000 họ đạo bị tàn phá. Sau cùng, tất cả của cải, đất đai nhà cửa của họ đạo và của giáo dân bị dân ngoại chiếm đoạt, cướp phá. Do đó, trên 300.000 dân công giáo phải di tản, trốn tránh khỏi nơi sinh trưởng. Lịch sử còn ghi, chỉ nguyên ‘sắc lệnh phân sáp’ năm 1861 đã gây tử vong cho trên 50.000 tín hữu (52).


4) Dưới thời Văn Thân
Sau lòng thù ghét đạo Công Giáo là sự hiện diện của quân đội Pháp đã thúc đẩy các vua chúa và quan lại bách hại người công giáo không chút thương tâm. Điều đó thật rõ ràng qua vụ việc: do áp lực của chính phủ thuộc địa, vua Tự Đức đã ra một sắc lệnh ân xá cho người công giáo năm 1862 và tuyên bố quyền tự do tôn giáo (53), nhưng phần lớn các quan lại không chấp nhận. Trái lại, sự hiện diện của người Pháp còn kích thích thêm lòng ghen ghét và thù nghịch đạo Công Giáo của họ đến độ họ nổi dậy tàn phá các làng công giáo tại Huế năm 1864 và 1865, tại Nam Định năm 1869, tại Thanh Hóa năm 1874, tại Quảng Ngãi và Quảng Bình năm 1885 (54).
5) Tổng kết của hơn 300 năm bách hại
Chúng ta vừa chiếu lại mau chóng cuốn phim đẫm máu của Giáo Hội Việt Nam. Chúng ta thán phục đức tin của 100.000 người công giáo tử đạo, trong đó có 200 linh mục, 340 thầy giảng và 270 nữ tu mến Thánh Giá. Ngoài ra trên 3.000 họ đạo bị tàn phá hay cướp bóc (55). Chúnng ta còn phải thán phục hơn nữa khi nhận thấy giữa những năm bị bách hại tàn ác và kinh khủng… việc rao giảng Phúc Âm vẫn không bị khoan giãn, ngưng đọng…
Giáo Hội Việt Nam vẫn duy trì sức sống mạnh mẽ, hiên ngang và trung kiên. Phải chăng đó là ơn sủng của Thiên Chúa, là sự phong phú của máu các Thánh Tử đạo. Trong những trang tiếp theo, chúng tôi xin trình bày sơ lược một vài biến cố chính yếu làm chứng cho đời sống liên tục và đầy nghị lực của Giáo Hội Việt Nam trong giai đoạn đẫm máu này.
II. Thành lập giáo phận Bắc Kỳ và giáo phận Nam Kỳ
1) Hai vị Giám Mục (Đại Diện Tông Tòa) đầu tiên
Mục đích của việc thiết lập các địa phận (đại diện tông tòa) là để củng cố và phát triển công trình truyền giáo. Các linh mục của Hội Thừa Sai Paris đã từ Âu châu đến làm việc tại Nam Kỳ và Bắc Kỳ từ năm 1653. Bắc Kỳ và Nam Kỳ được chia ra thành hai giáo phận (hai đại diện tông tòa) do trọng sắc ‘Super Cathedram Principis Apostolorum’ (Từ Ngai Tòa của vị Tông Đồ Cả) của đức giáo hoàng Alexandre VII (56). Ngài đã bổ nhiệm hai linh mục thừa sai Pháp, đức cha Francois Pallu làm giám mục (Đại Diện Tông Tòa) giáo phận Bắc Kỳ (1659-1679) và đức cha Lambert de la Motte làm giám mục (Đại Diện Tông Tòa) giáo phận Nam Kỳ (1659-1679) (57).
2) Giáo phận Bắc Kỳ được chia ra thành nhiều giáo phận mới
Năm 1658 đức cha Fr. Pallu, giám mục hiệu tòa Héliopolis, được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Bắc Kỳ. Quyền tài phán của ngài bao trùm cả miền Bắc Kỳ. Cuộc bách hại ngăn cản không cho phép ngài di chuyển hết miền truyền giáo thuộc quyền. Vì thế, việc phân chia giáo phận mới đã có từ năm 1679. Đức cha Deyduer (1679-1693) được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Hải Phòng (Tonkin Oriental), và đức cha Bourges (1679-1717) làm giám mục giáo phận Hà Nội (Tonkin Occidental). Đến năm 1693, đức cha Deydier qua đời, giáo phận Hải Phòng được giao cho các cha dòng Đaminh thuộc tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi Phi Luật Tân. Và giáo phận Hà Nội vẫn thuộc về Hội Thừa Sai Paris.
Giáo phận Hà Nội lại chia ra: giáo phận Vinh (Tonkin Méridional) năm 184, giáo phận Hưng Hóa (Haut Tonkin) năm 1895, giáo phận Phát Diệm (Tonkin Maritime) năm 1901.

Giáo phận Hải Phòng chia thành: giáo phận Bùi chu (Tonkin Central) năm 1848 và giáo phận Bắc Ninh (Tonkin Septentrional) năm 1883.


Sau cùng, giáo phận Thanh Hóa tách ra khỏi giáo phận Phát Diệm năm 1932, phủ doãn hạt Lạng Sơn tách ra khỏi giáo phận Bùi Chu năm 1913 và giáo phận Thái Bình tách ra từ giáo phận Bùi Chu năm 1936.

tải về 1.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương