HỘI ĐỒng quý chức quý Chức Họ Đạo Ở Việt Nam Tham Gia Vào Thừa Tác Vụ Của Linh Mục



tải về 1.51 Mb.
trang17/22
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích1.51 Mb.
#16972
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22

b) Khoản lệ trừng giới
Nhiều trường hợp có những cá nhân tái phạm đối với trật tự đạo đức và xã hội: những tái phạm này làm băng hoại những tập quán tốt. Vì vậy mỗi họ đạo cần qui định những hình phạt để nghiêm cấm những tội trạng này. Sau đây là một vài nét chính.
Tội phạm về thuần phong mỹ tục:
1- Trai gái có những cuộc chuyện trò phóng đãng, nhất là đêm khuya, khi xảy ra gương mù và có chứng cớ, sẽ bị phạt từ hai hào tới một đồng, và họ phải sửa đổi.

2- Đối với việc chửa hoang phi pháp (grossesse illégale), mỗi bên trai gái bị phạt từ hai đến sáu đồng.

3- Đối với những hôn thú bất thường, dù đó là hôn thú ngoại luật, hay lẽ mọn (concubine) hay trường hợp tương tự, sẽ bị phạt từ năm đến mười đồng. Và họ bắt buộc phải cải đổi lại.

4- Nhân một lễ nào đó, nếu có ai mời một đoàn hát bội hay hát chèo, thì cấm tham dự hội. Ai không tuân lệnh này, sẽ bị phạt: chủ nhà bị phạt năm đồng, những người khác từ hai mươi lăm xu tới năm hào.


Rượu chè quá độ:
1- Nếu say sưa quá độ và có những phát biểu sai lạc trong một phiên họp, hay trước sự có mặt của nhiều người, và nếu có bằng chứng, người đó sẽ bị phạt từ một đồng tới hai đồng.

2 - Nếu say sưa quá độ, người đó đánh vợ, đánh con, đập vỡ vật dụng, và nếu có cớ, họ sẽ bị phạt từ hai mươi su đến năm mươi xu, và phải nhất tâm canh cải lại.


Cờ bạc:
1 - Ai có thời giờ chơi cờ bạc (trừ khi chơi chút ít trong dịp tết), sẽ bị phạt mỗi lần theo luật lệ hiện hành, là từ hai mươi xu cho tới một đồng.

2- Ai chứa những người chơi cờ bạc trong nhà, sẽ bị phạt từ ba đến năm đồng, mỗi lần bị bắt quả tang, bị phạt từ ba đồng đến năm đồng.

3- Ai quy tụ những người từ nơi khác đến chơi cờ bạc trong làng, mỗi lần sẽ bị phạt từ năm tới mười đồng.
Thuốc phiện:
1- Ai chẳng may bị nhiễm thuốc phiện trước khi những hình luật này được phê chuẩn, phải cố chừa dần dần, đúng theo nguyên tắc mà đức giám mục đã đề ra: nghĩa là, phải hút kín áo, không trợ lực người khác hút sách, và phải chừa bớt dần dần.

2- Những ai hút công khai sau khi những hình luật này được công bồ, mỗi lần sẽ bị phạt năm mươi xu.

3- Sau khi những hình luật này được công bố, ai còn cung cấp dụng cụ (ống, bàn điếu), để hút, sẽ bị phạt một đồng, dụng cụ và sẽ bị tịch thu trao cho cha xứ.
4- Nhân một lễ tiết nào đó, ai cung cấp vật dụng để hút thuốc phiện, sẽ bị cấm tham dự lễ tiết. Phạt năm đồng cho chủ nhà, hai mươi đến năm mươi xu cho ai tham dự lễ hội.
Ăn trộm và cướp bóc:
1- Kẻ nào ăn trộm và cướp giật, và nếu bị bắt quả tang: ăn trộm thì từ mười xu đến một đồng, cướp giật thì năm đồng hay hơn nữa.

2- Kẻ tái phạm sẽ bị phạt gấp đôi.

3- Nếu tội hình cướp giật còn vi phạm lần thứ ba, thì sẽ bị giải lên quan để trừng trị.

4- Lần thứ tư mà y còn tái phạm, hội đồng các chức việc sẽ xin cha xứ mở cuộc điều tra với cha quản hạt, nhằm trục xuất y ra khỏi họ đạo.


c) Trình tự thi hành
Trên đây là những nét chính nêu lên các án phạt và có thể dùng như khuôn thước cho các họ đạo. Họ đạo nào không có những biện pháp này hay những biện pháp khác không hợp với án phạt nói trên, thì cố áp dụng những gì quan trọng để lập thành qui tắc hay cải biến. Riêng đối với những xử lý thứ yếu hay chi tiết, thì phải tùy trường hợp riêng của mỗi địa phương để lập thành qui tắc hay không.

Dù sao thì trong những sự việc quan trọng, các án lệnh khác nhau phải theo cùng một khuôn mẫu, một đường hướng như đã liệt kê trên: điều này nói lên sự đồng nhất giữa các xóm đạo và họ đạo vậy. Từ nay, mỗi khi có một tình huống nào, các chức việc phải tham khảo tập sách về những án phạt mà thi hành, hầu bảo vệ trật tự luân lý và đức hạnh trong các họ đạo (54).


VII. Các vị tài phán của tòa hòa giải.
1) Thẩm quyền của các chức việc.
Đời sống tôn giáo của họ đạo được biểu hiện không những do những buổi cầu nguyện và những thực thi lòng đạo, mà còn do gương lành, tuân giữ luật Chúa, luật Hội Thánh, quy luật họ đạo, rồi cẩn thủ trật tự trong các gia đình và đời sống cộng đồng. Đó là lý do tại sao các chức việc phải hoàn tất chung một tòa án hoà bình hay hòa giải và ông chủ tịch của họ đạo giữ một vai trò thật quan trọng. Để mọi người không ngạc nhiên khi thấy các chức việc có vẻ như tiếm quyền đời, chúng tôi xin được lập lại là những xóm đạo nhỏ, nhất là nơi người công giáo Việt Nam, được tổ chức giống như làng xã cổ xưa, mà một trong những điểm đặc thù là tinh thần tự trị. Hơn nữa các làng xóm không những đã thiết lập thành một tòa án để xử những sự việc liên hệ, mà ngay cả những gia tộc cũng xử những tranh chấp trong gia tộc của mình. Như vậy, các họ đạo cũng hành xử như mọi người. Những lời lời sau đây của cha Robert xác quyết ý kiến của chúng tôi: "Mỗi một xứ đạo, lớn hay nhỏ, đều có một vị đứng đầu chức việc mà ta quen gọi là ông trùm. Các ông trùm trong toàn xứ đạo nhóm họp lại, trở thành một đội ngũ đặc biệt, gọi là "hàng phu". Đội ngũ này đại diện cho toàn xứ đạo và có thẩm quyền luật pháp cũng như trừng phạt tùy trường hợp. Quyền này dĩ nhiên không chính thức đối với quan chức, nhưng được tập quán chấp nhận, và mọi tín hữu tiếp nhận trong sự tuân phục" (55)
Chính vì vậy, ngay từ những giai đoạn đầu của các họ đạo Việt Nam, các chức việc đã đóng vai trò xét xử các bổn đạo. Rồi cuốn Chức Sở Mục Lệ đức cha Colombert ấn hành năm 1884, đã dành vai trò này cho ông trùm của họ đạo: "Ông trùm phải chú tâm sao cho mọi việc diễn tiến trong sự an bình và hòa hài của toàn thể xóm đạo. Chú tâm tới tất cả những chức việc và toàn thể bổn đạo sao cho họ chu toàn những bổn phận bình thường, giữ vai trò thẩm xét khi có kiện tụng giữa họ với nhau" (56). Tiếp đó, Công Nghị đầu tiên Bắc Kỳ đã nới rộng quyền hạn này cho mọi chức việc: "Các chức việc xét xử tranh chấp nhỏ giữa các bổn đạo và làm sao cho họ tuân giữ quy phép họ đạo" (57). Các cuốn Chỉ Nam của hai giáo phận Huế và Qui Nhơn cũng chấp nhận gián tiếp quyền hạn này dành cho các chức việc: "Các chức việc phải làm sao cho các bổn đạo tuân hành luật Chúa và luật Hội Thánh" (58). Sau hết cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội cũng đòi hỏi "các chức việc phải cẩn trọng làm sao cho bổn đạo tuân hành đúng theo qui luật của họ đạo" (59).
2) Xác định giới hạn:
Những trường hợp mà các chức việc, đặc biệt là ông chánh trương hay ông trùm họ đạo có thể xét xử, thì thường đã được minh định theo qui luật của họ đạo. Đó là những vụ kiện nhỏ xảy ra trong họ đạo. Bây giờ, chúng tôi xin mượn bản văn của cha Cadière, một vị thừa sai trứ danh và một cha xứ nổi tiếng trên 50 năm tại Việt Nam, để giải thích cụ thể những gì vừa trình bày.

Cha viết: "Khi trong họ đạo xảy ra gương xấu, như hai người đàn ông ẩu đả nhau, hai người đàn bà chửi rủa nhau và cả khu xóm cùng nghe thấy những lời chửi bới tục tằn, hai anh em bất đồng với nhau trong việc kế nghiệp ông bố vừa qua đời, một nông phu xâm lấn đất canh tác của người khác… Tòa án các chức việc phải để tâm về những trường hợp này và còn những trường hợp khác nữa. Khi xảy ra một gương xấu công khai, họ phải nêu lên lý do và nêu đích danh thủ phạm phải xuất hiện. Có khi người thưa kiện đến thẳng với tòa án các chức việc, 'kính cẩn loan báo toàn họ đạo', bởi trong mọi tình huống, các chức việc đại diện cho toàn thể cộng đồng. Trong những phiên nhóm, đôi khi tại nhà ông trùm, thường hơn thì tại hội quán hay tại nhà cha xứ: công chuyện thường phân xử ôn hòa hơn: các chức việc không phải là những quan tòa, mà là những trọng tài. Trường hợp những gương xấu, vi phạm luật Hội Thánh hay qui luật họ đạo, án xử thường kèm theo một hình phạt: đôi khi vài roi, và thường thì phạt tiền. Một vài hình phạt còn bị định giá. Chẳng hạn như chửa hoang bị phạt ba mươi quan tiền (ligatures), hay bốn mươi đồng. Tiền phạt, quan tiền hay đồng bạc, đều chuyển vào trong ngân qũy của họ đạo " (60).


Tuy nhiên, các cuốn Chỉ Nam của giáo phận Qui Nhơn và giáo phận Huế đã minh định quyền tài phán của các chức việc như sau: "Đức giám mục là người thẩm định duy nhất khi xét xử những bất đồng trong các họ đạo, tùy công ích thiêng liêng hay thế tục… Trên thực tế, các yếu nhân thường không liên lạc thẳng với đức giám mục. Họ liên lạc thẳng với các đại diện, trước hết là Hội Đồng Chức Việc, sau đó là cha xứ, sau cùng là cha quản hạt… Nếu sự bất đồng hoàn toàn do những sự việc nhất thời, trong tinh thần hòa ái, các bổn đạo phải nại đến những trọng tài, như Hội Đồng Quý Chức, cha xứ, cha quản hạt, sau cùng mới là đức giám mục" (61).
Thật vậy, trên tòa án các chức việc, còn có tòa thượng tố, tức tòa án thuộc quyền cha xứ. Nhiều khi một bên đương sự, không hài lòng với sự xét xử của các chức việc, xin đến thẳng với cha xứ; đôi khi họ đến thẳng với cha xứ. Các bổn đạo Việt Nam thường tin tưởng nhiều vào các ngài. Ít khi một bổn đạo đến trước cửa quan, vì không tín nhiệm cha xứ. Câu chuyện sau đây củng cố nhận xét của chúng tôi. Cha Bennetat viết: "Các bổn đạo Phú Thượng hốt hoảng chờ tôi, và họ đã đến tìm tôi hai lần, để giải quyết những sự việc gây bất hòa trong nhiều gia đình, tới độ có thể gây án mạng. Đó là việc chia gia tài mà ai cũng đòi phần lớn hơn. Họ làm tôi ưu tư trong ba ngày ròng. Sau khi xét xử công chuyện và quyền lợi của mỗi người, tôi đã chia phần và hài lòng về sự chấp nhận của mỗi người. Ai nấy đều chấp nhận về phần chia của mình và mọi việc diễn tiến trong hòa ái. Giữa họ với nhau, đã ký kết một văn bản, theo đó họ sẽ không nói gì tới gia tài này nữa…(62)
3) Những trường hợp đáng tiếc:
Ở đây chúng tôi muốn nêu lên vài sự kiện về những lạm dụng đáng tiếc của cha xứ và của các chức việc:
a) Những lạm dụng đáng tiếc của các linh mục
Nhiều cha xứ, do thiếu tin tưởng nơi các chức việc hay vì lạm dụng quyền, đã hành xử mọi việc trong họ đạo, và không dành quyền hạn gì cho các chức việc hết. Một số việc, tuy do các chức việc qui xét, nhưng lại tụ họp trong nhà xứ và do cha xứ chủ tọa. Cách hành xử này cũng gây nhiều phiền toái. Cha xứ sẽ lãnh trách nhiệm về mọi phân xử. Nếu có những người bất bình, và bao giờ cũng có, cha xứ sẽ phải nhận lãnh hết. Không chóng thì chày, ngài sẽ thất nhân tâm trong họ đạo, nhất là khi ngài thiếu tinh thần bao dung, quá tỷ mỷ, quá thủ tục và tọc mạch.
Hơn nữa, nếu ngài tước đoạt một phần quyền tài phán của các chức việc, mà thông lệ và qui ước đã dành cho họ, ngài cũng mất uy tín dần dần. Và khi cha xứ vượt quá giới hạn quyền hành của mình: dĩ nhiên, theo giáo luật, ngài không có thẩm quyền gì về việc xét xử ngoài đời, cũng như, ngài chả có quyền chủ tọa bất kỳ tòa án nào trong họ đạo. Ngài phải cẩn trọng, trường hợp nào ngài có thể phân giải, trường hợp nào dành cho các chức việc, trường hợp nào dành cho quan chức thế tục.
b) Những lạm dụng đáng tiếc nơi các chức việc
Chẳng thiếu gì những trường hợp mà các chức việc lạm dụng rõ ràng và đáng tiếc quyền hạn của mình. Nhất là ba hình thức sau đây :
+Thiếu liên hệ và tuân phục cha xứ: Muốn giới hạn sự lạm quyền của quí chức, các Công Hội, Qui Luật và Chỉ Nam đều nhấn mạnh rằng họ phải liên hệ trực tiếp với cha xứ, và hoàn toàn vâng phục ngài (63).
+ Lạm dụng quyền hành: Các giám mục Bắc Kỳ đã lưu ý rằng: "Giáo quyền không áp đặt những hình phạt thuộc quyền hành của quí chức. Vì thế các linh mục phải quan tâm đừng để các chức việc ỷ thế mà lạm quyền thuộc về Giáo Hội. Ngày xưa thì quả có đôi chút lạm dụng, nhưng ngày nay, nếu đôi khi có những hình phạt hay án phạt hành xác, thì những hình phạt đó chỉ áp đạt cho những vi phạm tới quy luật riêng của các họ đạo" (64)
+ Thiếu liêm khiết, tế nhị và công bằng với bổn đạo, nhất là với những người cô thế và nghèo khổ. Về điểm này, đức cha Hồ ngọc Cẩn đã cảnh cáo các chức việc như sau: "Khi tạo xung đột, xung đột sẽ tiếp diễn. Càng tạo kiện tụng, thì càng vướng tội. Từ xưa, các chức việc phải biết rằng: muốn tạo hòa bình, phải tránh kiện tụng. Khi xét xử một vụ kiện tụng, phải dùng sự liêm chính như thước đo, không vi phạm quyền của người nào, tránh mọi vi phạm tới đức công bằng tương xứng. Khi biết một chức việc xử sai, cần phải làm áp lực để chế tài ông ta và không nên nín lặng. Người chức việc thấy ai áp chế một người vô tội, hay xét xử bất minh do thù hằn một gia đình nào, ông phải ngăn chặn ngay. Các chức việc không đe dọa ai để tống tiền hay đòi hỏi gián tiếp" (65)
c) Cảnh cáo nghiêm ngặt
Sau đây là một đoạn văn trong bức thư mục vụ của đức cha Marcou khiển trách nặng lời việc lạm dụng quyền hành của các linh mục và các chức việc trong các họ đạo:"Thường thì các đức giám mục đã cấm các cha xứ không được ra án phạt, nhưng đôi khi xảy ra điều thật đáng tiếc mà cha xứ không nói là đã làm hay ra lệnh, cha đã cho phép các chức việc thi hành và không ngăn cản. Một khi tình trạng hỗn loạn đã xảy ra, và bề trên quở trách, cha xứ lại tránh né và cho là lỗi của các chức việc họ đạo, ngài không ra lệnh gì và không biết gì. Không thể giữ thinh lặng mãi trong những ngộ nhận như vậy" (66).
VIII. Những người đại diện và biện hộ của họ đạo trước dân chính.
1) Đại diện họ đạo
Nhiều họ đạo chỉ là một nửa hay một phần nhỏ của dân làng. Chính vì vậy, hành chính của họ đạo thường khó khăn và phiền tạp. Chỉ dễ dàng hơn khi các chức việc của họ đạo cũng là những chức sắc của làng xã. Khi đó có thể dễ dàng giải quyết nhiều vấn đề, tỷ như ruộng công thuộc về nhà thờ hay chùa chiền, hôn nhân khác đạo… Chính vì vậy, cuốn Chức Sở Mục Lệ mong ước "những người tham gia công việc của họ đạo cũng đồng thời là những người có địa vị trong làng hay dân chính; và ngay trong những làng công giáo, cũng nên chọn một vài chức việc của họ đạo trong số những chức sắc của làng, hầu dễ có sự đồng thuận chung" (67)
Là đại diện của họ đạo trong những làng ngoại giáo, nhất là trong những đại hội làng, các chức việc phải cư xử làm sao cho xứng với tôn giáo, không ai có thể khinh khi. Phải nhớ nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền lợi của một tôn giáo thánh đức, họ đạo, và nhất là nêu gương lành cho các chức sắc ngoài công giáo. Cẩn thận trong lời nói, không nói những gì bất xứng hay nghịch với đức bác ái (68).
Khi một làng công giáo có hội họp (chứ không phải một làng mà một nửa hay quá nửa là ngoại đạo), thì cuốn Chỉ Nam của hai giáo phận Qui Nhơn và Huế xác định vắn tắt về ngôi thứ và chỗ ngồi như sau: "Những người có chứng thư của chính quyền thì được coi đồng hàng với những người có chứng thư của đức giám mục" (69). Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội xác quyết rõ ràng hơn: "Chánh phó tổng và các phẩm hàm ngồi cùng hàng với chánh phó trương. Lý trưởng, chánh hương hội ngồi đồng hàng với thư ký, thủ qũy và trương phiên. Phó lý, phó hội, thư ký, thủ quỹ hàng xã ngồi đồng hàng với trùm và quản giáo" (70).
2) Những người biện hộ cho họ đạo:
Vai trò này của các chức việc đã biểu hiện rõ trong thời gian cấm đạo. Bấy giờ, các họ đạo ít hơn, ít linh mục hơn, và thường xuyên bị những người chống đức tin đe dọa. Ba câu chuyện lịch sử mà chúng tôi trích dẫn dưới đây cho thấy rằng các chức việc là những cột trụ và linh hồn của họ đạo. Họ không phải là những người chỉ huy, mà là những người phục vụ, bảo biện hộ và bảo vệ họ đạo.
Các chức việc của họ đạo Kê Rum: Ngày 13 tháng 3 năm 1684, các nhân vật chính của họ đạo Kê Rum đã trình lên quan trấn thủ Nghệ An một bản điều trần, theo đó, họ tuyên xưng mình là tín hữu, nhưng rất mực trung thành với các quan chức của vua, đóng thuế và tuân thủ mọi hình luật khác, như phép nước đã định; họ xin với quan là làm sao ngăn cản những viên chức và nhiều người chẳng có địa vị gì, đã lợi dụng quyền hành và lệnh quan trên, gây cho họ biết bao phiền nhiễu. Quan đã đọc bản điều trần và nói họ thật chân thành và quả cảm. Quan bảo đảm với họ là ông không ghét các bổn đạo và vừa ra hai sắc chỉ chống đạo Kitô giáo, chỉ để làm hài lòng hai viên chức mà triều đình vừa phái tới, để giúp quan thẩm xét những vụ án tại tỉnh; ít ra quan sẽ ngăn cản để người công giáo không bị ngược đãi trong tương lai…"(71).
Ông trùm họ đạo Vinh Hiêng: Ông Tân, trưởng ấp làng Vinh Hiêng, đã làm mọi cách, để tố cáo những người trong làng theo đạo, nhất là ông trùm họ đạo nhỏ bé Vinh Hiêng. Ông trùm nguyên là quản tượng và rất dũng cảm. Tư gia của ông thành nhà nguyện nhỏ cho các bổn đạo và các thừa sai… Để chống lại âm mưu thâm độc của ông trưởng ấp ngoại đạo và để bảo vệ các giáo dân, ông trùm đã thực hiện một cuộc điều tra chính xác về những lường gạt của ông trưởng ấp, vì ông này đã làm giầu bằng nhiều hình thức gian lận, như chiếm đoạt phần đất trong làng, xóa đi thuế thân của nhiều người, và kín đáo nhận quà hối lộ. Khi làm xong cuộc điều tra, ông trùm đã đọc cho vài người nghe. Nghe biết vụ việc, ông trưởng ấp Tân thất kinh và mua ngay con lợn, để làm lành với các bổn đạo. Ông hứa sẽ thân thiện mãi mãi (72).
Ông Simon Cầm và họ đạo Vân Côi: Các hương chức ngoại đạo làng Vân Côi đã sẵn sàng tố cáo các bổn đạo và các chức việc, đạc biệt ông trùm Simon Cầm lên vua. Vì ông này đã gây dựng họ đạo trong làng, ông đã dám tụ tập bổn đạo trong nhà ông để cử hành những công tác phụng tự. Biết âm mưu của địch thù, người chức việc can trường này đã "chơi ngay màn võ" mà ông trùm họ đạo Vinh Hiêng đã xử dụng với người ngoại đạo. Ông làm danh sách những vụ trộm cắp, các vụ gian lận công thổ và gia bộ mà các hương chức của làng đã âm mưu hay đồng lõa… để trình lên quan tỉnh. Thấy vậy, các hương chức và dân làng ngoại giá chỉ còn cách giảng hòa, ngả một con bò đãi ngộ dân làng, làm hòa với ông Simon, và hứa sẽ không làm cho người đạo Chúa trong làng phải lo lắng (73).
Trên đây là một vài điểm tiêu biểu về việc tham gia của các chức việc trong việc điều hành họ đạo. Chúng ta càng am hiểu hơn vai trò cần thiết của các chức việc giữa lòng họ đạo và sự cộng tác tích cực của quí chức với các linh mục. Phương pháp Phúc Âm hóa và quản trị các họ đạo mới mà các linh mục thừa sai đã theo đuổi, khi lấy lại những nguyên tắc tốt lành đã có sẵn trong việc điều hành một làng ấp, quả thật… tinh tế. Bây giờ, chúng ta phải trình bày về vai trò và bổn phận của các chức việc trong việc quản lý tài sản của họ đạo.

MỤC II
VIỆC QUẢN LÝ TÀI SẢN
I.Các tài sản của họ đạo.
Tài sản của họ đạo bao gồm mọi hiện vật thuộc mọi thể loại, động sản và bất động sản, đồ thánh hay đồ quí giá, mà họ đạo là sở hữu chủ (74). Trên phương diện sở hữu, vẫn có một khác biệt lớn giữa các họ đạo trong cùng một sứ vụ, họ này nghèo, họ kia trung bình, họ khác giàu hơn (75). Tuy vậy, mỗi họ đạo vẫn có những lợi tức từ những thửa ruộng hay đất đai, của việc đóng thuế có danh sách, của việc phạt vạ do tòa án các chức việc xét xử, của các tặng vật cá nhân, tiền lo ma chay và cầu nguyện cho những bổn đạo đã qua đời, tiền quyên góp và cho vay mượn.
1) Ruộng đất.
Họ đạo có ruộng đất do nhiều nguồn khác nhau: do chính họ đạo mua tậu, do bổn đạo hảo tâm dâng cúng để xin họ đạo dâng lễ cầu nguyện cho sau khi lìa trần (76). Ruộng đất này được canh tác theo nhiều cách thức tùy thói quen của mỗi họ đạo: đôi khi được bán đấu giá và dành cho ai có địa tô khá nhất, hay được canh tác chung bởi lớp trai tráng trong họ đạo, hoặc do những nhóm gia đình bà con với nhau, họ chung sức làm từ khi gieo hạt, cấy mạ và gặt hái…
2) Việc đóng góp 'tiền nhân danh'
Việc thu nhận 'tiền nhân danh' là tiền mà mỗi bổn đạo phải đóng góp khi đến tuổi trưởng thành hay mỗi gia đình góp giúp nhiều lần trong năm, mỗi khi họ đạo có một sinh hoạt đặc biệt. Theo văn, thư của đức cha P.M. Gendreau: "Các chức việc thu nhận tiền giáo dân đóng góp phải ghi sổ và công bố vào các dịp lễ lớn (Phục Sinh, Các Thánh…), đầu năm, vào dịp đức giám mục đến kinh lược họ đạo hay bất cứ khi nào bề trên có lý do hỏi đến. Trong mọi trường hợp, khi Hội Đồng Quí Chức gửi giấy xin giáo dân trong họ đạo đóng góp về một việc gì, thì ông trùm phải xin cha xứ ký tên và đóng ấn trên tấm giấy ấy. Lúc đó bổn đạo mới buộc phải đóng góp. Bằng không có chữ ký và dấu ấn của cha xứ, giáo dân không buộc đóng góp, và quí chức sẽ thất vọng về vai trò của mình"
Hơn nữa, đức cha P.M. Gendreau mong ước châm chước sự đóng góp cho những gia đình nghèo khổ. Ngài viết: "Phải miễn trừ sự đóng góp cho những gia đình trong cảnh túng quẫn, còn những gia đình nghèo, thì chỉ buộc đóng một nửa số tiền phân bổ thôi. Lý do chính là sự đóng góp hay chi phí này thường gây nên những bất hòa, ta thán; ai có phận sự, phải thương đến những người nghèo, đừng đe dọa họ và đừng tịch thu hay cầm giữ vật gì họ đang có. Đối với những người mới theo đạo, thì mười lăm năm sau khi lãnh bí tích rửa tội, họ không phải đóng góp gì hết, trừ phi họ tự nguyện đóng góp sớm hơn."
Sau cùng, đức cha cũng mong ước rằng: "Trong mỗi xóm đạo và họ đạo, cần thiết lập dần dần một qũy chung, nhằm trang trải vừa đủ cho những phí tổn thường xuyên trong một năm. Điều này cần thiết và sẽ tránh được nhiều chuyện không hay. Do đó, cha xứ phải có sáng kiến chỉ cho các chức việc con đường phải theo nhằm thiết lập một qũy chung" (77).
3) Cho vay.
Tiền bạc hay lúa thu vào mỗi mùa gặt là tài sản của họ đạo. Tài sản này có thể cho vay lấy lời về cho họ đạo. Cha Cadière đã viết: "Xưa kia, trong xã hội truyền thống Việt Nam, vấn đề cho vay lấy lời luôn uyển chuyển theo tục lệ, nghĩa là đòi 3% một tháng. Nhưng dần dần lãi xuất giảm nhẹ, gây thiệt thòi cho qũy của họ đạo ".(78)
4) Những nguồn thu nhập khác:
Tiền phạt mà tòa án các chức việc bắt vạ, các đóng góp cho tang lễ và cầu nguyện, tiền cưới cheo, phải trả theo luật lệ của họ đạo. Tặng vật riêng cũng ít. Tiền quyên lễ chủ nhật mới đươc du nhập vào trong các họ đạo Việt Nam, nhưng con số cũng không đáng kể. Việc quyên tiền bất thường được tổ chức để sửa nhà thờ, trường học hay một công tác bác ái… của họ đạo, phải được đức giám mục cho phép rõ ràng trên giấy tờ" (79). Sau cùng, nhà thờ, nghĩa trang, và các nhà hội của xứ, cũng là sở hữu của họ đạo. vậy, các chức việc phải lưu tâm tới.
II. Việc quản trị các tài sản của họ đạo
1) Các chức việc và cha xứ
Tài sản của họ đạo, ruộng đất, thóc lúa, tiền bạc, do cha xứ quản nhiệm với sự trợ giúp của Hội Đồng Quí Chức, đặc biệt là ông thủ qũy hay người được ủy nhiệm riêng. Trách nhiệm đã được qui định đầu tiên là do các cuốn Chỉ Nam của các giáo phận.
Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Qui Nhơn tuyên bố: "Bình thường thì cha xứ là người quản trị tài sản của họ đạo. Ngài là người duy nhất có trách nhiệm, nhưng ngài cũng được Hội Đồng Quí Chức trợ giúp" (80). Đó cũng là điều mà Công Nghị Bắc Kỳ năm 1900 mong mỏi: "Kỳ vọng rằng trong mỗi họ đạo hay giáo xứ, đều có một hội đồng để bảo quản, dưới sự chỉ đạo và thẩm quyền của linh mục (ngài chịu trách nhiệm trước giám mục), mọi tài sản của Giáo Hội, tức nhà thờ, nhà xứ, nghĩa trang, và mọi lãnh vực khác, như hoa lợi dành cho nhà thờ". (81)
2) Thiết lập danh sách
Công việc đầu tiên của việc quản trị là thiết lập rõ ràng một danh sách về tất cả tài sản thuộc họ đạo, nhằm phân biệt :
a) Tài sản thuộc Giáo Hội: "Tài sản của Giáo Hội, không những là tất cả những tài sản của sở Truyền Giáo mà mọi nhà thờ thuộc mọi họ đạo, mà còn phải kể tài sản của các tu viện và tài sản dành cho công trình đạo đức, thí dụ, của cải mà các bổn đạo dâng cho nhà nguyện "(82).
b) Tài sản khác của họ đạo: "Họ đạo có những tài sản chung khác, hoặc bất động sản, hoặc động sản, thu được do sự đóng góp hay cách nào khác, được xử dụng không phân biệt, hoặc để tổ chức tiệc tùng vào một vài ngày lễ trong năm, hoặc để cấp dưỡng cho linh mục và các thầy giảng, khi các ngài đến làm việc trong họ đạo hay đi thăm hỏi, hoặc để tổ chức lễ lớn trong nhà thờ (Giáng Sinh, Kiệu Mình Thánh), hay tham dự vào các lễ hội chung của khu vực… Chúng tôi tuyên bố rằng các tài sản thuộc loại này không được coi như thuộc về Giáo Hội bao lâu chúng chưa thích đụng vào nhà thờ, vào việc phượng tự hay vào công trình truyền giáo. Do đó, trước khi được coi là của Giáo Hội, những tài sản ấy mang tính cách trần tục, hoàn toàn thuộc về họ đạo và được xử dụng tùy nghi. Nhưng khi sử dụng những tài sản này, cần tránh những bất công và xử dụng làm sao cho hợp với ý nguyện của người đã dâng cúng, hay dùng theo một mục tiêu rõ ràng" (83).
c) Sau đây là huấn giáo khôn ngoan của Công Nghị: "Trong tương lai, hầu tránh mọi lầm lẫn, chúng tôi nghị quyết rằng mọi linh mục phải đồng thuận với các chức việc của mỗi họ đạo khi quyết định về những tài sản thế tục và phân biệt những tài sản ấy với những tài sản thuộc về Giáo Hội. Từ nay về sau, phải phân cách rõ rệt chứ không lẫn lộn. Nếu có những khó khăn hay nghi ngờ về vấn đề này (tài sản này có thuộc về Giáo Hội hay không?), thì phải tham khảo giám mục trước khi quyết định (84). Như thế, các linh mục và các chức việc, đầu tiên phải thiết lập và bảo trì một danh mục hay thống kê chính xác về những động sản và bất động sản của các nhà thờ, các hội đoàn và các tổ chức đạo đức khác vốn có trong mỗi họ đạo (85).

tải về 1.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương