HỘI ĐỒng quý chức quý Chức Họ Đạo Ở Việt Nam Tham Gia Vào Thừa Tác Vụ Của Linh Mục


) Mục tiêu của hoạt động tông đồ có tổ chức



tải về 1.51 Mb.
trang20/22
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích1.51 Mb.
#16972
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22

3) Mục tiêu của hoạt động tông đồ có tổ chức
Mục đích trực tiếp của việc tông đồ có tổ chức phải là mục đích tông đồ của Giáo Hội, nghĩa là rao truyền Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, và đào tạo cho con người một lương tâm kitô giáo đích thực để họ có thể đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào mọi cộng đoàn cũng như mọi lãnh vực của đời sống. Người giáo dân đảm nhận trách nhiệm và đem kinh nghiệm riêng để điều hành các tổ chức tông đồ, tìm những điều kiện thích hợp cho hoạt động mục vụ của Giáo Hội. Giáo dân hoạt động liên kết với nhau như các cơ quan trong thân thể, điều đó nói lên ý nghĩa cộng đoàn của Giáo Hội và làm cho việc tông đồ được hữu hiệu hơn. Người giáo dân hoạt động tông đồ dưới sự điều khiển của chính hàng giáo phẩm, dù họ tự nguyện dấn thân hay được mời hoạt động và cộng tác trực tiếp vào việc tông đồ của Hàng Giáo Phẩm (107).
4) Công giáo tiến hành là kiểu mẫu mực hoạt động tông đồ có tổ chức
Từ mấy chục năm nay, ở một số lớn các quốc gia, nhất là ở Việt Nam, người giáo dân có lòng nhiệt thành với công việc tông đồ đã quy tụ lại dưới nhiều hình thức hoạt động khác nhau hoặc trong các hội đoàn. Họ liên kết chặt chẽ với hàng giáo phẩm hầu theo đuổi những mục tiêu tông đồ thuần túy, đúng như các đức giáo hoàng và các vị giám mục truyền dạy và cổ húy. Các ngài đã đặt tên cho những hình thức hoạt động tông đồ đó là Công Giáo Tiến Hành. Những hoạt động tông đồ như vậy thường được miêu tả như một sự cộng tác của giáo dân vào sứ vụ tông đồ của hàng giáo phẩm (108).
VIII. Trong phạm vi trần thế
Chúng ta biết rằng trách nhiệm của các quí chức không chỉ giới hạn trên bình diện tinh thần và tôn giáo nhưng còn mở rộng ra trên lãnh vực trần thế: họ trông chừng những điều liên quan đến thuần phong mỹ tục, đến truyền thống cao đẹp và trật tự chung của họ đạo (109); họ hợp tác với các linh mục để phát triển đời sống văn hóa của giáo dân, nhất là việc giáo hóa các con em, để xướng xuất và nuôi dưỡng các phong trào xã hội và từ thiện (110). Nói cho đúng, qua hoạt động tông đồ hoặc qua cách sống đức tin của họ, Giáo Hội được biểu dương giữa lòng đời sống và giữa nền văn hóa của dân tộc Việt Nam; Phúc Âm được bén rễ sâu vào tâm trí người đồng hương của họ. Đồng thời, họ thích ứng những giáo huấn công giáo vào nền văn hóa và vào phong tục của xứ sở, họ đổi mới những thói quen, những lối sống và cả những luật lệ của làng xã Việt Nam cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm. Nhờ có họ, Phúc Âm hoàn thành những trách nhiệm: tinh luyện, nâng cao và biến đổi nền văn hóa của một quốc gia. Đó là ý nghĩa đầy đủ và đúng đắn của cụm từ "Truyền bá Phúc Âm". Tất cả mọi điều đó giúp chúng ta hiểu được tại sao các quí chức được người dân trong làng kính trọng vì đức trung thực, lòng nhiệt thành và vì chí hướng thiện ích chung của họ (111); cũng như tại sao các bề trên trong Giáo Hội mong muốn các chức việc của họ đạo, đồng thời cũng là các chức sắc uy tín trong làng xã dân sự (112).
Vui mừng thay khi nhìn theo góc cạnh của những giá trị trần thế, chúng ta thấy trách nhiệm của quí chức luôn gắn liền với những giáo huấn của Công Đồng Vatican II về 'hoạt động tông đồ giáo dân'.
1) Lãnh vực tông đồ của người giáo dân
Công trình cứu độ của Chúa Kitô. chủ yếu nhằm việc cứu rỗi nhân loại, nhưng cũng bao hàm việc canh tân tất cả trật tự trần thế, Người giáo dân làm việc tông đồ trong Giáo Hội cũng như giữa đời, trong phạm vi thiêng liêng cũng như trong phạm vi trần thế. Tuy khác biệt, hai phạm vi liên kết với nhau trong ý định duy nhất của Thiên Chúa. (113) .
2) Canh tân trật tự trần thế
"Người giáo dân phải đảm nhiệm việc canh tân trật tự trần thế như là nhiệm vụ riêng: Phải canh tân trật tự trần thế cách nào để, vẫn tôn trọng toàn vẹn toàn thể định luật riêng của nó, mà làm cho trật tự đó phù hợp với các nguyên tắc cao cả của đời sống kitô giáo cùng thích nghi với các hoàn cảnh khác nhau của các địa phương, các thời đại và các dân tộc (114). Trong việc chu toàn nhiệm vụ phổ quát đó, người giáo dân đứng hàng đầu (115).
3) Nhân tố thực tế của giá trị trần thế
Người giáo dân nhất trí xây dựng những thực tại trần thế và không ngừng hoàn hảo hóa các thực tại ấy: mọi phúc lợi của đời sống (116), của gia đình (117), của văn hóa xứ sở (118), của những thực tại đạo đức (119), xã hội (120) và kinh tế (121); những thực tại khác với phát triển và tiến bộ của chúng (122).
IX. Những điểm tiêu cực
Trên đây là những điểm tương cận hoặc tương đồng giữa các hoạt động tông đồ của các quí chức trong họ đạo Việt Nam ngày xưa so chiếu với các giáo huấn của Công Đồng về hoạt động tông đồ của người giáo dân hiện naỵ Những điểm đó cho thấy được tính cách liên tục của đời sống Giáo Hội. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tương đồng đó, chúng ta cũng thấy có những điểm dị biệt hay nói khác, có một vài điểm bất toàn trong sứ vụ tông đồ của các chức việc so chiếu với sứ vụ tông đồ do Công Đồng đề ra cho người giáo dân. Chúng tôi trưng dẫn dưới đây năm điểm chính:
1) Quá hạn chế trong mỗi họ đạo
Các họ đạo Việt Nam được tổ chức theo khuôn mẫu các làng dân sự và truyền thống. Các họ đạo có một đời sống tự trị. Nhưng nhiều khi mỗi giáo xứ tự thu hẹp và khép kín mình lại. Và lúc đó Hội Đồng Quí Chức cũng bị hạn chế và đóng khung trong một họ đạo. Ngoại từ dịp tỉnh tâm thường niên được tổ chức (trên lý thuyết) ở cấp giáo phận (123), thì không có một hoạt động nào của các quí chức trên bình diện liên giáo xứ, giáo phận, giáo tỉnh hay quốc gia được dự trù. Ngược lại, Công Đồng mong muốn rằng người giáo dân cần phải được guấn luyện để quy hướng về sinh hoạt của giáo phận mà trong đó giáo xứ được coi là tế bào; họ phải luôn sẵn sàng đáp ứng những lời kêu gọi của các chủ chăn để tham dự những đề xuất của giáo phận. Hơn nữa, để đáp ứng những nhu cầu của các thành thị và các vùng quê, họ không thể chỉ giới hạn sự hợp tác trong phạm vi giáo xứ hay giáo phận của mình mà thôi, nhưng họ còn phải cố gắng mở rộng ra trên bình diện liên giáo xứ, giáo phận, quốc gia và quốc tế. Họ không được phép là thành viên của một xã hội co rút và khép kín (124).
2) Thiếu sự thích ứng và đổi mới
Tuy đồng ý về tính cách bền vững và hiệu lực của Hội Đồng Quí Chức trong họ đạo, chúng ta cũng nhận rằng: cấu trúc tổ chức của họ đạo hay của Hội Đồng Quí Chức đã không được canh tân đủ, không được thích ứng đủ theo nhu cầu mục vụ tân tiến và theo những biến chuyển trong xã hội Việt Nam. Những dự kiện thích ứng của Công đồng Đông Dương chỉ đem lại một sự canh tân hời hợt: Người ta bỏ qua tất cả để tiếp tục nếp sống truyền thống. Cấu trúc khiếm khuyết canh tân bởi vì nó còn nặng trĩu nhiều tục lệ địa phương. Sự kiện ấy trái ngược với những khuyến cáo của Công Đồng Vatican II: "Mọi hình thức và phương pháp của sứ vụ tông đồ phải được thích ứng một cách phù hợp với các hoàn cảnh hiện tại (125); Ngày nay có nhiều phương thế để huấn luyện tông đồ giáo dân: chẳng hạn những khóa học tập, những kỳ đại hội, những cuộc tĩnh tâm, linh thao, những buổi hội họp thường xuyên, những buổi thuyết trình cũng như sách báo và những sách thủ bản… Tất cả đều là những phương thế giúp giáo dân làm việc tông đồ trau giồi thêm kiến thức về Thánh Kinh cũng như về giáo lý công giáo, giúp họ nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng, cũng như giúp họ hiểu biết những hoàn cảnh sống của thế giới để khám phá và xử dụng những phương pháp thích ứng nhất (126) .
3) Thuyết phụ đạo của các cha sở
Chúng ta đã đề cập đến sự hợp tác giữa các chức việc với các cha sở: Sự hợp tác này cần thiết cho thừa tác vụ của linh mục trong họ đạo, hơn nữa, nó nêu bật những khía cạnh tích cực và đáng khích lệ (120'). Nhưng đối lại với những khía cạnh tích cực và đáng khâm phục, lại nổi bật ít ra một điểm tiêu cực, là các linh mục thường nghiêng quá đà về thuyết phụ đạo. Đối xử với quí chức như những người giúp việc trong nhà, xem họ như những dụng cụ làm việc hơn là những người cộng tác, những người giáo dân trợ tá, những người trung gian giữa linh mục và giáo dân. Quả thật, các linh mục quên rằng: "Mặc dù theo ý Chúa Kitô, có những người được chọn đi rao giảng, làm người phân phát các mầu nhiệm hay chủ chăn lo cho kẻ khác, nhưng giữa tất cả mọi người vẫn có bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô (120''); Các linh mục quên rằng: nghĩa vụ và quyền hạn làm tông đồ là chung cho tất cả mọi tín ữu, không phân biệt giáo sĩ hay giáo dân, và trong việc xây dựng Giáo Hội, giáo dân cũng có phần riêng của họ. Vì thế các linh mục phải cùng với giáo dân làm việc trong Giáo Hội và cho Giáo Hội với tinh thần huynh đệ. Các ngài còn phải đặc biệt để tâm lo cho giáo dân trong khi họ làm việc tông đồ (120''').
4) Thái độ quan liêu của quí chức
Rất nhiều trường hợp, các quí chức quá chú tâm về vị thế trọng vọng và áp đặt những ý kiến riêng của mình lên các tín hữu mà không tham khảo gì với họ; nhiều khi các chức việc ngồi chờ người ta đến tìm mình chứ không chịu khổ công đi đến với những người giáo dân hèn mọn hay những lương dân! Tất cả những điều đó là trái ngược với huấn dụ của Công Đồng định rằng: "Nhất là thời nay, người giáo dân có bổn phận khẩn thiết phải trở nên người lân cận của bất cứ người nào và tích cực giúp đỡ khi họ đến với mình (127). Họ phải giúp đỡ những người cùng trong một thời đại với mình (128), họ được các linh mục mời gọi và huấn luyện để không chỉ sống cho mình, nhưng để hoạt động theo những đòi hỏi của luật bác ái, mỗi người phải tuỳ theo ơn đã lãnh nhận mà phục vụ lẫn nhau (129); Vì thế họ cần sống khiêm tốn và dịu dàng khi phục vụ anh chị em mình (130). Chính với lòng khiêm nhu, chí kiên trì và đức nhiệt thành, họ có thể hướng dẫn anh em mình nhất là những kẻ nghèo khó đến với vị Quân Vương mà ai phụng sự Ngài đều là tôi trung (131). Tóm lại, trong mọi phục dịch, người giáo dân phải làm sáng tỏ trước mọi người lòng bác ái của Thiên Chúa (132).
5) Thái độ thụ động của quí chức
Trước tiên là ngay các chức việc cũng thiếu sự tin tưởng và quý mến phẩm giá và vai trò của họ. Họ trở thành những con người thụ động, chỉ ỷ lại vào cha sở và tục lệ, mà không cần có sáng kiến. Từ đó, đời sống của họ đạo trở nên ứ đọng, nếu không nói là bị tê liệt. Đó vẫn còn là một yếu điểm của rất nhiều họ đạo ở Việt Nam. Phương dược cứu chữa là giáo huấn của Công Đồng sau đây: "Phần các chủ chăn phải nhìn nhận và nâng cao phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội. Các ngài nên sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khôn ngoan của họ, tin cẩn giao cho họ những công tác để họ phục vụ Giáo Hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động. Hơn nữa, các ngài còn nên khuyến khích họ tự đảm nhiệm công việc. Với tình cha con, các ngài hãy cẩn thận xem xét những đề nghị, thỉnh cầu và khát vọng của họ. Đàng khác, các chủ chăn phải nhìn nhận cách thận trọng sự tự do chính đáng của mọi người trong lãnh vực trần thế (133).

MỤC II
SO CHIẾU HỘI ĐỒNG QUÍ CHỨC

VỚI HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ HIỆN NAY
Ngày nay, nhiều giáo phận (134) ở Việt Nam đã ấn hành bản Quy Chế Hội Đồng Giáo Xứ (135) phù hợp với tinh thần Công Đồng Vatican II, đặc biệt về với le motu proprio "Ecclesae Sanctae" (Tự sắc 'Giáo Hội') ra ngày 6 tháng 8 năm 1966 (136). Tất cả các bản quy chế đều công bố rằng "Hội Đồng Giáo Xứ thay thế Hội Đồng Quí Chức". Vì thế, trong tiết II nầy, chúng tôi căn cứ trên những quy định của Công Đồng, của các thượng phụ về Hội Đồng Giáo Xứ và những qui chế mới về Hội Đồng này mới được tổ chức ở Việt Nam để đưa ra một cách tóm lược những điểm tương đồng và dị biệt giữa Hội Đồng Quí Chức của các họ đạo ngày trước với Hội Đồng Giáo Xứ ngày naỵ
I. Hội Đồng Giáo Xứ và Hội Đồng Mục Vụ
Sắc lệnh về 'Trách nhiệm mục vụ của các giám mục' (Chritus Dominus) cho rằng cần phải được khuyến khích thành lập trong mỗi giáo phận, một hội đồng mục vụ riêng do chính giám mục chủ tọa và thành viên sẽ là các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân được chọn lựa một cách đặc biệt; nhiệm vụ của hội đồng là thăm dò những gì liên hệ đến công việc mục vụ, cân nhắc và đưa ra những kết luận thực tế về những vấn đề mục vụ' (137)
Rồi trong sắc lệnh 'Tông Đồ Giáo Dân' (Apostolicam Actuositatem) người ta cũng đề cập tới nhiều hội đồng tương tự nhưng không nói rõ về một hội đồng và các chức năng của các hội đồng thì rộng rãi. Nhiệm vụ của những hội đồng này là 'yểm trợ mọi hoạt động tông đồ của Giáo Hội cả trên bình diện truyền giáo và thánh hóa cũng như trên bình diện bác ái, xã hội hay các hoạt động khác… Những hội đồng này sẽ có thể giúp phối hợp hoạt động giữa những hội đoàn khác nhau hay giữa những công việc tông đồ của giáo dân mà vẫn tôn trọng bản chất cá biệt và quyền tự trị của mỗi hội đoàn. Sắc lệnh còn nói thêm rằng 'nếu có thể, nên lập những hội đồng tương tự như vậy ở cấp giáo xứ, liên giáo xứ, giáo phận và cả trên bình diện quốc gia hay quốc tế' (138).
Những quy định của Công Đồng đều được xác định trong tự sắc 'Giáo Hội' của đức giáo hoàng Phaolo VI ban hành năm 1966. Tuy nhiên những qui định này không áp dụng một cách rõ ràng vào Hội Đồng Mục Vụ của giáo phận, trong khi đó thì hội đồng giáo xứ lại mặc nhiên qui về một quyền hạn duy nhất là quyền thích ứng của các giám mục bản quyền.
1) Những quy định căn bản
Sau đây là những qui định căn bản liên hệ trực tiếp đến Hội Đồng Mục Vụ và gián tiếp đến Hội Đồng Giáo Xứ đã được nêu lên trong những văn kiện trên:
a) Ước nguyện của các nghị phụ là Hội Đồng Mục Vụ được thiết lập trong mỗi giáo phận (139) và ngần nào có thể trong các giáo xứ (140).
b) Các thành viên của những hội đồng này đều thuộc về 3 đẳng trật trong Giáo hội: linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân (141).
c) Chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ cấp giáo phận là đức giám mục (142) và cũng tương tự như thế, chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ là cha sở với tư cách người đứng đầu cộng đoàn địa phương và là người đại diện của đức giam mục(143).
d) Nhiệm vụ của những hội đồng này là nghiên cứu và cân nhắc mọi vấn đề liên quan đến các hoạt động mục vụ, phụng vụ, và từ thiện của giáo phận hay của giáo xứ, rồi sau đó đưa ra những đúc kết thực tiễn, đề nghị những chương trình hoạt động thế nào để cho phù hợp với Phúc Âm (144). Mặt khác, những hội đồng đó có thể phụ giúp phối hợp hổ tương những hội đoàn khác nhau hay phối hợp những sáng kiến của người giáo dân (145).
e) Các hội đồng đó chỉ giữ vai trò cố vấn mà thôi (146).
2) Những đặc điểm cụ thể của các Hội Đồng Giáo Xứ ở Việt Nam
Như vậy, không có một quy định nào rõ rệt từ các tài liệu của Công Đồng hoặc từ tự sắc "Giáo Hội" của đức giáo hoàng Phaolo VI, đã đề cập một cách trực tiếp về Hội Đồng Giáo Xứ. Tất cả đều để cho các giám mục và các linh mục tùy nghi xướng xuất. Do đó, khi khảo xét các bản quy chế của các Hội Đồng Giáo Xứ đã có từ trước ở Việt Nam, chúng tôi thấy được một vài đặc điểm của Hội Đồng Giáo Xứ như sau:
a) Cơ quan có tính cách đại diện nhất của giáo xứ không phải là ban mục vụ nhưng là Hội Đồng Giáo Xứ (147). Bởi vì bên trong Hội Đồng Giáo Xứ, sau ban thường vụ gồm có chủ tịch, nhiều phó chủ tịch, thư ký và thủ quỹ, thì còn có những đại diện của các khu, các xóm và các hội đoàn của giáo xứ (148).
b) Thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ chỉ là những tín hữu giáo dân, không phải là người tu trì (nam hoặc nữ) (149).
c) Hội Đồng Giáo Xứ làm việc bằng cách cộng tác với cha sở và dưới sự hướng dẫn của ngài, tuy nhiên chủ tịch hội đồng là một giáo dân được tuyển chọn bởi cộng đoàn giáo dân chứ không phải do cha sở (150).
d) Môi trường hoạt động của Hội Đồng Giáo Xứ có tính cách thực tiễn và sâu rộng hơn là môi trường của Hội Đồng Mục Vụ (151).
e) Thực tế chỉ có một ban mục vụ trong mỗi giáo xứ mà những người trách nhiệm là các thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ.
f) Các Hội Đồng Giáo Xứ địa phương cũng quy tụ lại trong một tổ chức trung ương trên bình diện giáo phận (152).
g) Như vậy, Hội Đồng Giáo Xứ một trật là đầu não hoạch thảo chương trình mục vụ, là trung tâm phối hợp các sinh hoạt và các hội đoàn hiện hữu trong giáo xứ để công việc chung được tiến hành và thăng tiến tốt đẹp hơn; sau hết đó là điểm gặp gỡ và hiệp thông giữa những con người thuộc nhiều giai tầng xã hội, thuộc nhiều văn hóa khác nhau; là nơi mà người ta có thể bày tỏ mọi vấn đề, mọi nhu cầu, mọi mong ước của cộng đoàn; là nơi người ta có thể tham dự vào việc hình thành các dự án và vào bất cứ vụ việc gì tương quan tới đời sống của giáo xứ (153).
h) Về chức năng, phần hành của Hội Đồng Giáo Xứ là hợp tác với cha sở để nghiên cứu và thẩm định tình trạng hiện hữu của giáo xứ, nhất là trình độ hiểu biết về giáo lý, về đời sống đức tin, về sự gắn bó với giáo xứ, giáo phận và Giáo Hội, về đời sống bí tích, đời sống phụng vụ, về hoạt động bác ái từ thiện… đồng thời tìm kiếm và đề nghị các biện pháp thực hành với những hoạt động cụ thể, nêu ra những phương tiện tương xứng để thực hiện cách hiệu quả các dự án mục vụ của giáo xứ hay của giáo phận (154).
II. Hội Đồng Quí Chức và Hội Đồng Giáo Xứ
Sau khi đã trình bày mọi điều về Hội Đồng Quí Chức, và sau khi đã đọc những quy chế mới của Hội Đồng Giáo Xứ khởi hứng từ tinh thần và những qui định của Công Đồng Vatican II, chúng tôi xin nêu bật dưới đây một số điểm đối chiếu giữa hai loại Hội Đồng .
1) Hội Đồng Giáo Xứ thay thế Hội Đồng Quí Chức
Trong thư ban hành qui chế Hội Đồng Giáo Xứ, ngày 29 tháng 6 năm 1969, đức tổng giám mục Philippe Nguyễn Kim Điền đã viết rằng: "Chúng ta đã biết: trải qua hơn 300 năm, hàng Chức Việc các Họ Đạo, chung ở Việt Nam và riêng ở địa phận nhà, đã góp phần rất hữu hiệu bên cạnh các vị giám mục và linh mục, trong việc coi sóc, giữ gìn và phát triển các xứ đạo. Chúng ta cũng đã ghi nhận: đây là một trong những hình thức tông đồ giáo dân tốt đẹp nhất, đã làm cho Giáo Hội Việt Nam vẻ vang vững mạnh, vượt qua nhiều gian lao, nhất là trong các thời kỳ cấm cách, để trường tồn cho đến ngày nay.
Nhưng chúng ta cũng thấy: thế giới luôn luôn biến chuyển các cơ cấu xã hội trong đó chúng ta đang sống, và trong đó Giáo Hội có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng, mỗi ngày một đổi thay; các họ đạo chúng ta cũng không thể để các cơ cấu tổ chức của mình bất di bất dịch, nếu họ đạo muốn tồn tại, muốn chu toàn nhiệm vụ của mình.
Chính trong tự sắc 'Giáo Hội Công Giáo Của Chúa Kitô' (Catholicam Chriti Ecclesiam) ban hành ngày 06.01.1967 về việc thành lập tại Roma Hội Đồng Giáo Dân và Ủy Ban Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, đức giáo hoàng Phaolô VI cũng đã nói: "Giáo Hội cần phải luôn luôn canh tân nội bộ và thích ứng những cơ cấu của mình với thời đại để chu toàn sứ mệnh Cứu Thế".
Do đó, mặc dầu Hội Đồng Quí Chức đã đạt nhiều thành quả tốt đẹp trong quá khứ, ngày nay, xem đã có phần: lỏng lẻo và không đáp ứng được các nhu cầu hiện tại.
Vì thế, cách đây hai năm, tôi đã cử một Ủy ban nghiên cứu và soạn lại một bản QUY CHẾ HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ và cho đem ra áp dụng thử tại một vài nơi, năm nay lại giao cho văn phòng HỘI ĐỒNG MỤC VỤ địa phận san định theo các kinh nghiệm của các nơi đã đem thực hành, cũng như dựa theo Qui Chế của một vài giáo phận bạn, để đưa ra cho các Hội Đồng Hạt và Hội Đồng Mục Vụ Địa Phận thảo luận trong khóa họp tháng tư 1969. Kết quả là việc hoàn thành bản Quy Chế Hội Đồng Giáo Xứ này.
Với nguyện vọng đáp ứng lại nhu cầu của họ đạo trong thế giới hiện đại, với sự tin tưởng mạnh mẽ vào vai trò của anh chị em giáo dân, thành phần quan trọng trong Dân Thiên Chúa, với mục đích canh tân đồng đều các giáo xứ theo tinh thần và mệnh lệnh của Công Đồng Vatican II, tôi, tổng giám mục địa phận Huế, công bố bản QUY CHẾ mới của HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ địa phận Huế (155). Ngày xưa, Hội Đồng Giáo Xứ được gọi là Hội Đồng Quí Chức (156).
Rồi tuy vắn nhưng rõ ràng, một câu viết trong phần nhập đề của Qui chế Hội Đồng Giáo Xứ của địa phận Xuân Lộc: "Mục đích của Qui Chế Hội Đồng Giáo Xứ là dung hòa và đúc kết hai tổ chức 'Hội Đồng Quí Chức' và 'Công Giáo Tiến Hành', hầu thích ứng với hoàn cảnh hiện tại" (157).
2) Mục đích và những chức năng tổng quát
Một cách tổng quát và cốt yếu, Hội Đồng Giáo Xứ có cùng một mục đích và những chức năng giống như của Hội Đồng Quí Chức ngày trước: Hợp tác với cha sở để điều hành giáo xứ và phục vụ cho các tín hữu về mặt đạo đức cũng như về mặt đường đời (158). Vì vậy, các chức việc ngày trước hoặc các thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay, tất cả đều phải trung thành, tiết nghĩa, ưu tú, thông thạo (159), là một người cộng tác với cha sở (160), là những người phục dịch cho giáo xứ, làm trung gian giữa cha sở và giáo dân (161), chăm sóc tài sản chung của giáo xứ (162), nhiệt tâm với việc rao truyền Phúc Am (163) và là những người đại diện có tư cách của tín hữu và của toàn thể giáo xứ (164).
Tuy nhiên với tinh thần của Công Đồng Vatican II, mối liên hệ giữa Hội Đồng Giáo Xứ với cha sở thì rõ ràng cởi mỡ hơn và ít tính cách phụ quyền hơn (165), việc cắt đặt các chức năng cho mỗi thành viên trong Hội Đồng Giáo Xứ hợp lý hơn, chức năng của chủ tịch hội đồng mục vụ không quá bề bộn. Như thế chúng ta có thể nói rằng sự khác biệt về các chức năng của Hội Đồng Quí Chức và Hội Đồng Giáo Xứ chỉ rõ nét trong việc cắt đặt và thi hành các chức năng đó.
3) Các thành viên trong Hội Đồng Quí Chức và Hội Đồng Giáo Xứ
Số thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay có vẻ đông hơn số thành viên của Hội Đồng Quí Chức của một họ đạo ngày trước. Lý do là: ngày trước, một giáo xứ có nhiều họ lẻ; mỗi họ lẻ lại có các đại diện trong Hội Đồng Quí Chức, nhưng không các đại diện của các phong trào chuyên biệt về Công Giáo Tiến Hành. Một giáo xứ ngày nay có ít họ lẻ hơn, tuy nhiên nhu cầu của sứ vụ tông đồ đòi hỏi rằng Hội Đồng Giáo Xứ không phải chỉ có một ban điều hành hay ban thường vụ nhưng còn thêm một số đông những người trách nhiệm các khu xóm và các ban ngành chuyên biệt hoặc các hội đoàn, các phong trào Công Giáo Tiến Hành…
Tất cả những quy chế mà chúng ta đã tìm hiểu, đều xá định tương tự rằng: Hội Đồng Giáo Xứ phải có:
a) Ban Cố Vấn, không Qui chế nào xác định số thành viên.
b) Ban Thường Vụ gồm có một chủ tịch, nhiều phó chủ tịch, một thư ký, một thủ quỹ.
c) Ban Điều Hành (Ban Đại Diện) cho mỗi họ lẻ. Một cách tổng quát, trong mỗi giáo xứ đều có nhiều họ lẻ; mỗi họ lẻ được quán xuyến bởi một ban điều hành gồm có một trưởng ban, một phụ tá, một thư ký và một thủ quỹ.
d) Các ban điều hành của các khu xóm mỗi họ đạo được chia ra nhiều khu xóm. Mỗi khu xóm có một người trách nhiệm cùng với một phụ tá.
e) Những người phụ trách các ban ngành chuyên biệt (phụng vụ, tiếp tân, thánh nhạc v.v…) và những phong trào khác nhau (xã hội, từ thiện, công lý hòa bình v.v…) và các hội đoàn (Đạo Binh Đức Mẹ, Hướng Đạo v.v…) (166).
4) Điều kiện để được ứng cử.
Trước tiên, đây là những khác biệt giữa cuốn Chức Sở Mục Lệ ngày trước của Hội Đồng Quí Chức so với các qui chế ngày nay của Hội Đồng Giáo Xứ; và giữa những quy chế ngày nay cũng có nhiều khác biệt.
a) Cả 3 quy chế Hội Đồng Giáo Xứ của Huế, Xuân Lộc và Đà Lạt đều chấp nhận ứng viên phái nữ (167). Quy định nầy không có trong quy luật của Hội Đồng Quí Chức và trong các qui chế của các giáo phận khác .
b) Theo các quy chế của Xuân Lộc, Đà Lạt và Long Xuyên, những giáo dân nào hiện là cán bộ (cadres) của một đảng phái chính trị thì không được ứng cử (168). Quy định này không có trong quy luật của Hội Đồng Quí Chức ngày xưa và trong qui chế của Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay ở các gíáo phận khác. Tuy nhiên, quy luật của Hội Đồng Quí Chức lại khuyến khích rằng các chức việc công giáo đừng ngại gánh vác những chức vụ dân sự (169), trong khi đó thì các quy chế của Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay giữ yên lặng về điểm nầỵ Chúng tôi nghĩ 'yên lặng tức ở đây có nghĩa là chấp nhận'
c) Cuốn Chức Sở Mục Lệ của Hội Đồng Quí Chức xác định rằng: ứng cử viên vào chức trùm cả (hay chánh trương) và trùm phó (hay phó trương) trong Hội Đồng Quí Chức chỉ dành rêng cho các thành viên đương nhiệm; cũng tương tự như thế, chỉ có những thành viên đã hay đang đảm trách một khu xóm (giáp, biện phái, trưởng khu, trưởng xóm) mới được ứng cử vào các chức vụ cao hơn trong họ đạo và trong giáo xứ (170). Quy định nầy có khi bị từ khước, có khi chỉ được chấp nhận một phần trong các quy chế Hội Đồng Giáo Xứ. Quy chế của giáo phận Xuân Lộc xác định rằng: "Ứng viên phải là thành viên trong một hội đoàn Công Giáo Tiến Hành (171); qui chế của giáo phận Cần Thơ để dành quyền ứng cử chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký và thủ quỹ trong ban chấp hành (Ban Thường Vụ) cho các ứng viên ít nhất đã đảm trách (172) chức vụ trong khu xóm; quy chế của địa phận Long Xuyên cũng quy định như thế, và còn chấp nhận cho tất cả các cựu thành viên có đủ điều kiện được ra ứng cử (173); theo quy chế của địa phận Đà Lạt, thì ứng cử vào các chức vụ chủ tịch hay phó chủ tịch phải đã là thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ hay thành viên của các Hội Đồng tương tự (như Hội Đồng Mục Vụ) hay là thành viên trong ban chấp hành của một hội đoàn công giáo (174). Các qui chế của các giáo phận Huế, Nha Trang, Sài Gòn, Phú Cường không đề cập đến. Và trong trường hợp này, 'yên lặng lại có nghĩa là không chấp nhận'.
Những điều kiện khác thì không đồng nhất: tuổi thấp nhất của ứng viên là 25 tuổi tròn, nhưng ứng cử chủ tịch và phó chủ tịch thì phải từ 40 tuổi trở lên; ứng viên phải là một cá nhân đức hạnh, có uy tín, có khả năng chu toàn trách vụ được giao phó, không bị ngăn trở gì về đời sống dân sự và đời sống tôn giáo v.v…

tải về 1.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương