HỘI ĐỒng quý chức quý Chức Họ Đạo Ở Việt Nam Tham Gia Vào Thừa Tác Vụ Của Linh Mục



tải về 1.51 Mb.
trang11/22
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích1.51 Mb.
#16972
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   22

I. Bí tích Rửa Tội
Rửa tội là bí tích tối cần thiết. Bởi vậy, các nhà truyền giáo thời trước, không những yêu cầu sự tiếp tay của các quí chức, mà còn cần sự trợ giúp của các y sĩ, 'bà mụ', 'cô mụ' vào công việc của các vị. Trong những trang kế tiếp, chúng tôi dựa vào các tài liệu chính thức, trình bày về những người ban phép Rửa Tội trong xứ đạo, bổn phận của quí chức trong việc rửa tội và của linh mục đối với việc đào tạo những người cộng tác trong việc thánh thiện này .
1) Những người ban bí tích Rửa Tội trong họ đạo.
Tất cả các Công Nghị, hội đồng và rất nhiều thư chung nhấn mạnh cho các xứ đạo hay các họ lẻ rằng: luôn phải có những người ban phép Rửa Tội, những người này phải là những người mà nhiều người biết đến, để cạy tới khi cần thiết. Sau các thầy giảng và các nữ tu dòng Mến Thánh Giá, quí chức là những người đầu tiên trong họ có bổn phận ban phép Rửa Tội, rồi đến các y sĩ, và các bà mụ. Thí dụ trong thư chung của đức cha Puginier (Phước) năm 1869, ngài viết: "Từ lâu nay mỗi khi có một em bé chào đời, người ta có thói quen tìm tới người ban phép Rửa Tội trong họ đạo hay kiếm các nữ tu để rửa tội cho em nhỏ ở tư gia, rồi sau đó mới mang em đến nhà thờ rửa tội. Còn ở những họ đạo hẻo lánh, cha mẹ em nhỏ cần tìm tới những người đã được linh mục hoặc các quí chức chỉ định để làm công việc này" (3).
2) Chức việc là người ban phép Rửa Tội
Một trong những bổn phận chính của quí chức là rửa tội cho các em nhỏ công giáo khi không có linh mục hay thầy giảng, hay những em nhỏ ngoại giáo đang hấp hối, hoặc cho những người lớn đang học giáo lý nhưng gặp tình trạng nguy kịch. Bổn phận này được coi như mục đích chính yếu của việc huấn luyện người quí chức. Điều IV trong Công Nghị Faifo năm 1672 ghi rõ: "Ở họ đạo đông giáo dân, phải chọn một người có khả năng và đạo đức, để trong trường hợp linh mục hoặc thầy giảng vắng mặt, sẽ giúp đỡ, thăm người bệnh, rửa tội cho các em nhỏ và cho những người hấp hối" (4).
Cũng như mọi người, người công giáo trước tiên phải được sinh ra, sinh ra nhờ việc lãnh nhận bí tích Rửa Tội để trở thành kitô hữu. Kể từ lúc đứa bé đi vào đời sống kitô hữu, người quí chức luôn sẵn sàng giúp đỡ cha sở và cha mẹ của em. Vì thế, nếu trong họ đạo có một em bé chào đời, thì trong hạn một tuần, cha mẹ em phải tới báo cho quí chức gần gũi nhất trong khu xóm, hay cho quí chức bạn hữu của gia đình. Không có quy luật nào về điểm này, nhưng công việc diễn tiến tùy từng trường hợp. Vậy sau khi hay tin, quí chức tới báo với cha sở và xin ngài ấn định ngày giờ để rửa tội cho em nhỏ. Đồng thời, quí chức phải sắp đặt: Nếu cha sở ở xa xứ đạo của em nhỏ, quí chức phải đi cùng với cha sở, thường là ngay sau đó, mang theo trên vai một rương nhỏ đựng những đồ cần thiết để cử hành bí tích Rửa Tội.
Trước đây, trải qua thời gian dài, số linh mục rất ít, hầu hết những trẻ em đã được rửa tội bởi các quí chức .
Các tài liệu liên quan đến Hội Đồng Quí Chức đều ấn định rõ ràng về phận vụ rửa tội của quí chức, đặc biệt của ông trùm họ và ông bà quản giáo. Sau đây là những quy luật chính yếu:
+ Quí chức phải học biết tường tận về những việc phải làm khi cử hành bí tích Rửa Tội cho một em nhỏ hay cho một người lương trong trường hợp nguy cấp, hoặc cho các em sơ sinh trong gia đình công giáo khi vắng linh mục và thầy giảng.
+ Khi có em nhỏ sơ sinh trong khu xóm, quí chức phải báo cho cha sở và xin ngài ấn định ngày, giờ để cử hành nghi thức rửa tội.
+ Quí chức phải chỉ dẫn cho những người đỡ đầu (vú, bõ) biết những câu họ phải thưa trong nghi thức rửa tội, nhất là những bổn phận thiêng liêng họ phải chu toàn về sau đối với 'con đỡ đầu', lúc em còn nhỏ cũng như khi em đã trưởng thành.
+ Khi có người mang em nhỏ đến rửa tội, quí chức phải để ý cho em ăn mặc tươm tất, không đươc trần truồng, dơ bẩn, bất xứng với nghi lễ.
+ Ông trùm họ phải quan tâm xem các bà mụ biết đầy đủ nghi thức ban hành bí tích Rửa Tội hay không (5).
+ Khi quí chức hay một giáo dân khác cử hành việc rửa tội cho em nhỏ mà cha mẹ của em là công giáo, họ có bổn phận ghi giữ kỹ càng tên thánh, tên họ, tên gọi của em nhỏ, cũng như tên đầy đủ của cha mẹ, của vú bõ đỡ đầu, của những người chứng. Cũng phải ghi rõ nơi và ngày rửa tội, để sau này linh mục 'rửa tội bổ túc' nếu cần, rồi chính ngài phải cho ghi tất cả vào sổ rửa tội.
+ Việc rửa tội cho những em mà cha mẹ không phải công giáo hay người lớn trong lúc lâm nguy, thì phải ghi rõ tất cả từng chi tiết về tình trạng em bé hay của người đã được rửa tội, chẳng hạn như: người đó con ai, con thứ mấy trong gia đình, ở làng nào v.v... (6).
+ Tóm lại, hai cuốn Chỉ Nam của giáo phận Quy Nhơn và giáo phận Huế đã dựa trên Luật Giáo Hội khoản 759 ấn định: trong tình trạng hiểm nghèo, các quí chức hay người nào khác được quyền rửa tội (baptiseur, baptiseuse) chỉ được cử hành bí tích Rửa Tội: a) Khi linh mục vắng mặt, không thể trở về trong một tuần lễ sau khi em nhỏ ra đời; b) Khi em nhỏ không thể mang tới nhà thờ và vị linh mục không thể di chuyển để rửa tội cho em trong vòng tuần lễ sau khi em được sanh ra, vì lý do ở quá xa xôi, đau yếu hay vì thời tiết v.v… (7).
3) Bổn phận của linh mục.
Phần việc của linh mục gồm có:
+ Chọn và lập những người nam, nữ ban phép rửa tội trong xứ đạo, nghĩa là theo đức cha Puginier "đào tạo những quí chức, những y sĩ, những bà mụ, và tất cả những người có thói quen rửa tội trong họ đạo, để họ biết cử hành bí tích Rửa Tội cho đúng nghi thức" (8).
+ Khảo sát ít nhất mỗi năm một lần, chẳng hạn vào dịp xưng tội thường niên, xem các người nam, nữ ban phép rửa tội có cử hành đúng nghi thức không (9).
+ Kiểm soát lại sổ ghi và tờ khai rửa tội mà các quí chức hay những người ban phép rửa tội đã ghi (10).
+ Mỗi năm trao lại cho bề trên bản báo cáo trong đó khai rõ số người được rửa tội trong giáo xứ và tên tuổi... của họ (11).
II. Bí tíchThêm Sức
Các quí chức không quên những em nhỏ sau khi đã rửa tội. Dưới sự điều khiển của linh mục, họ giữ việc dạy các em kinh nguyện, những điều chính yếu trong đạo; ngay từ lúc các em đến tuổi có trí khôn, nhất là thời kỳ các em chuẩn bị nhận phép bí tích Thêm Sức, Rước Lễ lần đầu, Rước Lễ bao đồng. Trong họ đạo. các quí chức đảm nhiệm chức vụ 'quản giáo' hoặc 'cai sĩ' hay 'biện động nhi', phải thay cha mẹ và linh mục dạy giáo lý cho các em. Lớp giáo lý thường được tổ chức từ nhiều tháng trước ngày lễ thêm sức. Được quí chức chỉ dẫn kỹ lưỡng và khảo hạch nghiêm chỉnh bởi linh mục, các em từ 7 tuổi trở lên còn phải qua một cuộc khảo sát bởi giám mục hay vị đại diện trong lúc viếng thăm mục vụ, thường cứ ba hoặc bốn năm một lần (13).
Vai trò của quí chức không thể thiếu nơi họ đạo chính cũng như họ đạo lẻ: Họ chuyển lại cho cha sở danh sách những ứng viên đủ khả năng nhận bí tích Thêm Sức, họ dạy và khảo hạch giáo lý, sửa soạn cho những người đỡ đầu và sau hết dẫn các em và những người liên hệ tới nhà thờ họ, trình diện với đức giám mục vào ngày lễ thêm sức.
Trong thời bách đạo, nhiều khi giám mục phải ban bí tích Thêm Sức bí mật cho các em tại ngay nhà của các quí chức. Như trường hợp ông Lưu, một quí chức họ đạo Chợ Quán, vào năm 1862, sau khi kết thúc lớp giáo lý cho giáo dân, ông đã mời đức cha Dominique Lefèbre (đức cha Ngải) tới nhà để ban phép Thêm Sức cho họ (14).
III. Bí tích Giải Tội.
Trong thực tế, quí chức và nhất là các nam, nữ giáo lý viên có nhiều bổn phận liên quan đến bí tích Giải Tội:
+ Họ lo việc dạy giáo lý cho các em tới tuổi rước lễ lần đầu: họ trao cho cha sở danh sách các em đã được dạy giáo lý, chỉ dẫn cho các em biết cách xưng tội với cha sở.
+ Họ nhắc nhở các bậc phụ huynh bổn phận thúc dục con cái học giáo lý, chuẩn bị cho các em xưng tội, rước lễ.
+ Họ nhắc nhở các vú, bõ đỡ đầu rửa tội của các em đừng quên bổn phận thiêng liêng dìu dắt các em (15).
+ Thông thường, khi linh mục đến ban phép Giải Tội, phải có ít nhất một quí chức túc trực tại nhà thờ, để giúp các em và cả người lớn, giữ trật tự và thinh lặng lúc cha ngồi tòa.
+ Ở họ đạo không có linh mục, các quí chức kêu gọi giáo dân chu toàn việc xưng tội trong mùa Phục Sinh; đưa dẫn những người từ lâu không xưng tội đến tòa giải tội.
+ Cuốn Chức Sở Mục Lệ còn xác định rằng: quí chức và nhất là ông trùm họ, phải nắm biết tình trạng phần hồn của họ đạo như: người nào đã xưng tội và rước lễ trong mùa Phục Sinh, người nào đã rước lễ lần đầu nhưng chưa chịu phép Thêm Sức, những em đã được 12 tuổi vẫn chưa rước lễ lần đầu (16).
Theo cha Cadière, phương pháp ngài đã thấy và chính ngài đã áp dụng để biết số người không chu toàn bổn phận trong mùa Phục Sinh, như sau: "Trong mùa Chay lúc thi hành nghi thức, hai quí chức ngồi cuối nhà thờ, đánh dấu trên danh sách, tên những người đến tuổi xưng tội, và họ phát cho mỗi người một tấm thẻ tre có ghi tên người đó. Lúc xưng tội người đó trao thẻ lại cho cha giải tội, khi chấm dứt mùa chay, người ta sẽ đếm được số thẻ không hoàn lại. Tôi phải nói thêm, như ở họ Di Loan, có 2.500 giáo dân, số người bê bối không đếm quá mấy đầu ngón tay" (17).
IV. Bí tích Mình Thánh
Sự góp phần của quí chức trong thừa tác vụ linh mục liên hệ đến bí tích Mình Thánh, cụ thể là việc rước lễ, được thực hiện dưới nhiều hình thức thực tế:
+ Dạy giáo lý để các em nhỏ chuẩn bị rước lễ lần đầu hay rước lễ bao đồng. Đặc biệt ở họ đạo không có linh mục, không có thầy giảng hay nữ tu, thì quí chức phải đảm nhiệm việc này. Họ dạy giáo lý cho các em nhỏ, rồi đưa các em tới gặp linh mục. Sau khi khảo thí các em kỹ càng, nghe các em xưng tội, linh mục sẽ cho các em rước lễ lần đầu (18).
+ Họ bắt buộc để ý đến giáo dân trong họ đạo xem người ta có rước lễ thường xuyên hay không, nhất là trong mùa Phục Sinh (19).
+ Họ có bổn phận lo trật tự trong nhà thờ khi cha cho giáo dân rước lễ: "Giáo dân kính cẩn tiến lên bàn thánh, trong trật tự, không được chen lấn. Tốt nhất là có một hay hai quí chức lo giữ trật tự... (20).
+ Để lo giữ nhà thờ, bàn thờ được sạch sẽ, để trang hoàng và chuẩn bị trong những ngày lễ lớn (21), đặc biệt ngày có chầu Thánh Thể, đức cha J.M. Gendreau (đức cha Đông) trong thư chung năm 1903 đã viết: "Khi đến ngày họ đạo nào có chầu Thánh Thể, nhà thờ, và nhất là bàn thờ phải được trang hoàng trịnh trọng; nếu thiếu đồ trang hoàng, hay bình xông hương, chân nến... thì phải mượn ở họ đạo bên cạnh... Bởi vậy cha sở phải báo cho các quí chức biết, ít nhất hai tuần trước ngày chầu (20).
+ Sau hết, quí chức còn phải tậm tâm giúp linh mục mỗi khi ngài đi cho bệnh nhân rước lễ và khuyến khích giáo dân, nhất là các thành viên của hội Thánh Thể, theo cha sở đến tận nhà người bệnh (23).
V.Bí tích Hôn Phối .
Khi em nhỏ trưởng thành, tới tuổi thành hôn, người quí chức luôn phải sẵn sàng giúp đỡ họ trong dịp quan trọng này. Việc giúp đỡ lúc này trở nên thân mật hơn và có thể diễn tả như sau:
+ Khi hai gia đình đồng ý cho đôi trẻ kết hôn, họ báo tin cho một quí chức gần gũi hay quí chức ở khu xóm hoặc một quí chức quen biết gia đình. Quí chức này ghi tên tuổi của đôi trẻ rồi tới thảo luận cùng cha mẹ hai bên để xem có điều gì ngăn trở với luật Giáo Hội hay không.
+ Nếu nơi họ cư ngụ không có linh mục, đây là trường hợp thường có trong thời cấm đạo, hôn lễ sẽ được ký kết và tổ chức trong vòng thân mật trước mặt các quí chức họ đạo .
+ Nếu nơi đó có linh mục, quí chức đến gặp cha sở, cha sẽ kiểm soát lại sổ ghi của họ đạo, xét xem đôi bạn có bị ngăn trở gì không. Nếu mọi sự đúng luật đời và luật Giáo Hội, cha cho đôi bạn ấn định ngày cưới. Ngày cử hành hôn lễ, người quí chức đã lo hồ sơ từ đầu phải có mặt cùng với một đồng nghiệp khác để làm chứng (24)
Tất cả sự việc này được ghi rõ trong cuốn Chức Sở Mục Lệ do đức cha Colombert soạn thảo
1) Trước hôn lễ: Trước hết, ông trùm họ phải trông chừng người ta có giữ ba nghi lễ: lễ bỏ trầu cau, lễ hỏi và lễ cưới. Lễ bỏ trầu cau không quan trọng lắm, nhưng lễ hỏi phải tổ chức đàng hoàng, thời gian cách nhau giữa hai lễ không lâu, vì lý do này lễ hỏi quan trọng gần giống như lễ cưới. - Khi ông trùm nhận thấy một trong hai bên yêu sách quá đáng, không đúng lệ, hoặc cha mẹ gây áp lực trên con cái hay làm những điều trái ngược, ông phải báo cùng cha sở với tất cả mọi chi tiết cần thiết .
2) Trường hợp bình thường: Khi đôi bên cùng thật sự đồng ý và làm lễ bỏ trầu cau, quí chức đưa cha mẹ và con cái đôi bên đến gặp cha sở để xin rao ba lần ở nhà thờ; nếu như cặp này ở nơi xa xôi, hẻo lánh thì cũng phải rao tại nơi đó. - Ngoài ra, ông cũng báo cho đôi bạn biết, sau lần rao thứ nhất, phải xưng tội theo luật của giám mục trong giáo phận (26). Sau ba lần rao, không chờ đợi lâu, đôi này phải tiến hành ngày làm phép cưới. - Dù có làm chứng cho đôi vợ chồng mới hay không, ông trùm họ cũng phải hiện diện trong lễ cưới tại nhà thờ, ông cũng phải kêu gọi tất cả những người được mời đến nhà thờ dự lễ. - Ông nhắc nhở và chuẩn bị tất cả những gì cần thiết cho lễ cưới như: nhẫn cưới, một cặp nến, tiền bổng lễ của đôi tân hôn. Cặp nến sẽ dâng lên bàn thờ Đức Mẹ sau nghi lễ. Cuối cùng, họ sẽ nộp giấy chứng nhận kết hôn ở nhà làng khi xong nghi lễ. - Người trùm họ còn phải để ý tới những điều sau đây: theo phong tục, các giáo dân thường làm phép cưới ở nhà thờ và tiệc cưới cùng ngày ở nhà gái rồi đưa dâu về đàng trai. Điều nên tránh: không nên tổ chức trọng thể, linh đình tại tư gia hơn là lúc nhận bí tich hôn phối ở nhà thờ. - Theo thông lệ, ông trùm luôn được mời dự tiệc cưới, ông phải ngăn ngừa những thủ tục rườm rà, hoặc những gì có tính cách mê tín dị đoan.
3) Sau ngày cưới: Ông trùm phải chú ý tới thái độ của gia đình nhà chồng đối với cô gái mới về làm dâu, để tránh xảy ra những chuyện đáng tiếc; ông hướng dẫn cha mẹ hai bên sớm cho đôi trẻ ở riêng. Vì nếu cô dâu phải chịu đựng cảnh chung đụng quá lâu, có thể xảy ra chuyện làm cho đôi trẻ chia tay. Có thể, ông phải dặn dò những điều này trước ngày lễ cưới (27).
4) Trường hợp bất bình thường: Lúc loạn lạc tìm được linh mục để làm đám cưới rất khó khăn, nếu tình trạng này xảy ra cho đôi trẻ, đã chờ linh mục quá một tháng, thì họ có thể tổ chức lễ cưới trước sự hiện diện của hai quí chức hay hai người chứng, lễ cướí này vẫn có giá trị với Giáo Hội (28). Sau đó đôi tân hôn phải nộp giấy hôn thú cùng chữ ký của hai người chứng trình lên cha sở để xin làm phép cưới ở nhà thờ. Trong trường hợp này điều cần nhớ trước khi cử hành hôn lễ, người quí chức đứng đầu họ đạo phải cẩn thận xem coi cả đôi bên không có sự gì ngăn trở, ép buộc, thì mới tiến hành việc cưới hỏi. Nếu như ngược lại với sự việc kể trên, các quí chức sẽ mang lỗi nặng trước Chúa và Giáo Hội (29).
5) Trường hợp những gia đình bị rối: Đây là những trường hợp rối ren, gây tai tiếng mà ông trùm họ cố tránh để khỏi xảy ra trong họ đạo. Bởi vậy ông luôn tìm cách giải quyết những gia đình còn sống trong tình trạng bất hợp lệ, những cặp sống chung không cưới hỏi; ông cố gắng hòa giải những người có mối bất hòa, ông còn để ý đến những người cho vay lãi nặng, người cờ bạc, nghiện ngập, những người làm việc ngày chủ nhật không dạy dỗ và làm gương cho con cái biết bổn phận của người có đạo. Như vậy ông trùm họ phải có những lời khuyên để chuyển mọi việc từ xấu xa nên tốt lành. Nếu không có kết quả thì phải nhờ tới cha sở xét lại (30).
Lưu ý riêng các linh mục: các linh mục phải giữ nghiêm chỉnh những quy định của Công Đồng Indochine liên quan đến việc chuẩn bị hôn phối (31). Theo thông lệ, Hội Đồng Quí Chúc đảm nhiệm việc điều tra những cản trở, nhưng chính linh mục phải đích thân hỏi xét lại cả hai bên. Phải khôn khéo hỏi riêng từng bên xem có thật lòng muốn kết hôn không: "voluntate spontanea nupturientium, etiam seorsum et caute" (32)
VI. Bí tích xức dầu bệnh nhân
1) Cuốn Tử Hầu.
Khi một giáo dân trong họ sắp lìa đời, người ta thấy các quí chức túc trực bên cạnh người bệnh để giúp đỡ họ. Điểm chính yếu trong sự tham dự của quí chức vào thừa tác vụ linh mục trong bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân là việc trợ giúp tận tình các bệnh nhân và người hấp hối. Đây là một trong những trách nhiệm lớn của quí chức được vạch rõ trong một tập sách nhỏ có tên là Tử Hầu (Trợ giúp người hấp hối). Gần như trong tủ sách của các quí chức đều có cuốn sách này, trong đó chứa đựng tất cả những điều chỉ dẫn cần thiết cũng như các kinh nguyện có thể đọc khi thăm bệnh nhân và người hấp hối. Cuốn sách được soạn và phát hành do đức cha Mosard (Mão) giám mục giáo phận Sài Gòn (1899-1920) năm 1907. Trong lời mở đầu ngài viết: "Chúng tôi được biết rất nhiều quí chức ở các họ đạo mong muốn bề trên cho in một tập sách kinh nhỏ, gọn, để giúp cầu nguyện cho người hấp hối vì thế chúng tôi thực hiện việc này".
Sau lời mở đầu, cuốn sách được chia theo hai phần thứ tự: Phần một "Trợ giúp người hấp hối", Phần hai "Những việc cần làm cho người qua đời". Ở đây chúng tôi xin trình bày tổng quát phần thứ nhất: 1. Báo cho biết có người hấp hối (trang 9-11) 2. Cách giúp những người hấp hối (tr 11-15) 3. Cách giúp bệnh nhân giữ vững đức tin (tr 15-20 ) 4. Cách khuyến khích và làm cho bệnh nhân vững lòng cậy trông (tr 20-25) 5. Cách giúp bệnh nhân tin tưởng vào tình yêu của Chúa ( tr 25-33 ) 6. Cách giúp bệnh nhân ăn năn tội (tr 33-41) 7. Cách giúp bệnh nhân can đảm vượt qua đớn đau thể xác ( tr 41-49 ) 8. Cầu nguyện cho người hấp hối (tr 50-117) ( 33 )
2) Điều tối buộc
Trước và sau khi có cuốn Tử Hầu, tất cả những văn bản của các Công Nghị và các cuốn Chỉ Nam, trong chương về "Bí tích Xức Dầu" đều đòi hỏi tại mỗi họ đạo cần chỉ định vài người đạo đức để thăm viếng người bệnh và nhất là những người đang hấp hối, vì có nhiều giáo dân qua đời mà không có linh mục hiện diện (34). Dĩ nhiên bổn phận lo cho người bệnh trong họ đạo, trước tiên là phần việc của các quí chức, như cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế và Quy nhơn tuyên bố "Trong họ đạo, người quí chức có thông lệ thăm viếng người bệnh, khuyến khích họ nghĩ tới việc đọc kinh cầu nguyện. Nếu không có các quí chức thì phải giao việc này cho một người khác, đảm nhận một cách thận trọng". Theo cuốn Chỉ Nam giáo phận Sài Gòn đối với người bệnh, các quí chức phải sốt sáng chăm lo cho những giáo dân và đặc biệt những người bỏ đạo hoặc sống trong tội lỗi lâu năm, báo cho linh mục biết nếu có một trong những người này đau ốm mà không dám hay không nghĩ tới việc tìm gặp linh mục vì khô khan nguội lạnh (36). Những người này cần đến các thừa tác viên nhiều hơn vì họ đã xa Chúa.
3) Quan tâm đến phần rỗi linh hồn của bệnh nhân.
Một lý do khác đòi buộc các quí chức trợ giúp bệnh nhân là để lo việc rỗi các linh hồn. Bởi vì khi chấp nhận công việc thay thế linh mục, quí chức phải quan tâm đến người hấp hối và những ai đơn độc không kém gì như chính các linh mục phải quan tâm. Nếu thiếu sót bổn phận quan trọng này, thì ngày phán xét, quí chức sẽ bị Chúa Giêsu quở trách: "Lúc Ta đau, các ngươi không thăm viếng. Vậy giờ đây hãy tránh xa Ta....." (Mt 25,43). Còn những quí chức nhiệt tình, tận tâm giúp các bệnh nhân, thì ngày sẽ được phần thưởng trên nước trời, và ngày phán xét Chúa Giêsu sẽ khen rằng: "Lúc Ta đau ốm, các ngươi đã thăm viếng và trợ giúp Ta hết lòng, hãy về trời hưởng phúc lộc và thánh nhan Ta đời đời" (37).
4) Phải trợ giúp cách tự nhiên và tận tình.
Như vậy, tất cả những quí chức một khi biết có ai đau ốm trong họ đạo, phải ngưng việc riêng của mình mà chạy thật mau đến với họ như đến với chính Chúa Giêsu bị đau yếu và cần sự trợ giúp khẩn cấp. Sau đó, nếu quí chức thấy người bệnh ở trong tình trạng nguy kịch, quí chức phải cho người đi tìm cha sở ngay để kịp thời ban phép Xức Dầu cho bệnh nhân lúc họ còn tỉnh táo. Nếu vì chậm trễ mà người bệnh bất tỉnh và ra đi bất ngờ không nhận được bí tích Xức Dầu, hay vì quá yếu mệt không còn đủ sức lãnh nhận bí tích Xức Dầu cách xứng đáng, thì trách nhiệm và sai lỗi của quí chức có thể bị coi như phạm tội nặng (38). Nhiều khi, chính quí chức phải đi theo linh mục ngay tức thì, vai đeo rương nhỏ đựng vật dụng cần thiết để cử hành bí tích Xức Dầu.
5) Giúp bệnh nhân xét mình và ăn năn tội thực lòng.
Sau khi cho người đi rước linh mục, quí chức phải hỏi bệnh nhân xem họ có sống đúng luật đạo không? Chẳng hạn, vợ chồng sống chung có hợp thức không; có cho vay ăn lời quá mức; có giữ của người một cách bất công không; nợ của ai chưa trả; có làm thiệt hại ai mà chưa đền bù; đã chia gia tài cho con cái đồng đều để tránh sự tranh dành chưa; còn ganh ghét ai hay còn điều ấm ức chưa muốn giải hòa chăng v.v… Quí chức phải khuyến khích và giúp bệnh nhân giải quyết những khó khăn kịp thời đừng chần chờ viện cớ chờ linh mục đến. Tóm lại, quí chức phải báo cho bệnh nhân biết để kịp xét mình, thường thì người bệnh làm việc này rất khó, vì vậy phải đọc cuốn sách Tử Hầu cho người bệnh nghe, giúp họ xét mình và nhớ lại những tội đã phạm .
Ngoài ra, còn phải giúp người bệnh ăn năn tội cho trọn bằng cách trích theo thứ tự trong sách, hay giảng ít lời về việc ăn năn tội v.v… Cần đọc chậm rãi, rõ ràng, không dài quá, làm người bệnh mệt mỏi, không hiểu được gì. Phải dịu dàng khéo léo khuyến khích bệnh nhân can đảm chịu mọi đau đớn để đền bù những tội đã phạm (39).
6) Những việc cần chuẩn bị.
Trước khi linh mục ban phép xức dầu cho bệnh nhân, quí chức phải sắp một chiếc bàn nhỏ trải khăn trắng sạch sẽ, trên bàn đặt hai cây nến có sẵn nước thánh và một cành lá để rảy.
Khi linh mục mang Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, phải đặt thêm trên bàn một tách nước, một khăn lau tay. Dưới đất trải một hoặc hai chiếc chiếu với một ngọn đèn thắp sáng (40).
7) Khích lệ bệnh nhân phần thiêng liêng.
Việc ưu tiên phải làm là giúp bệnh nhân giữ vững đức tin, vững lòng trông cậy vào tình thương của Chúa mà ăn năn tội. Vì vậy, sau khi nhờ người đi rước linh mục, nếu bệnh nhân trở bệnh nặng, mê man bất tỉnh, mà linh mục chưa kịp tới ban phép Giải Tội, thì quí chức phải mau mắn giúp bệnh nhân ăn năn tội cách trọn vì đây là việc rất quan trọng để được rỗi linh hồn (41).
8) Tiếp tục giúp bệnh nhân.
Hơn nữa, sau khi đã nhận đủ các bí tích mà bệnh nhân không thuyên giảm, quí chức phải có mặt mỗi ngày hai hay ba lần cạnh người bệnh, nhưng đừng làm họ lo sợ. Bởi thế, quí chức luôn để ý thích ứng tùy hoàn cảnh, nếu bệnh tình thuyên giảm, quí chức vẫn nên đến thăm họ, dù trong chốc lát, và nếu họ trở bệnh nặng hơn, quí chứ cđến thăm nhiều hơn (42).
Như chúng ta đã thấy, trong một họ đạo, hoạt động của Hội Đồng Quí Chức về đời sống bí tích của giáo dân rất quan trọng. Từ bí tích Rửa Tội, Thêm Xức, Rước Lễ, Xưng Tội, Hôn Phối cho đến bí tích Xức Dầu, họ luôn sẵn sàng, nhanh nhẹn và nhiệt tình tông đồ, phụ tá các linh mục và phục vụ giáo dân trong họ đạo. Hoạt động như vậy, quí chức làm nổi bật đời sống đạo trong cộng đoàn dân Chúa. Đời sống đạo của cộng đoàn giáo xứ là điều chúng tôi sẽ trình bày trong chương kế tiếp.

Mục II
ĐỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC
I. Chủ tọa những buổi cầu nguyện.
1) Bổn phận và vinh dự của các quí chức.
Nói chung, sinh hoạt đạo đức trong họ đạo biểu hiện rõ rệt vào những buổi hội họp ở giáo đường. Có rất nhiều buổi hội họp, có buổi chỉ có vài người, trái lại nhiều lần có mặt một phần lớn số người trong họ đạo. Tất cả những buổi họp được chủ tọa bởi một quí chức hiện diện từ đầu đến cuối. Chính ra thì đây là bổn phận của ông chánh trương hay của ông trùm họ, nhưng thực tế, trong nhiều giáo phận, các quí chức chia nhau, mỗi người trách nhiệm một tuần, nếu quí chức nào bị ngăn trở có thể nhờ người khác thay thế. Cuốn Chức Sở Mục Lệ cho biết: "Khi đọc kinh ở nhà thờ, ông trùm cả (chánh trương) hay ông trùm họ là người chủ tọa, nếu ông vắng mặt vì một lý do nào đó, thì phó chánh trương hay ông trùm họ sẽ thay thế" ( 44 ).
Chủ tọa buổi cầu nguyện chung là bổn phận mà cũng là vinh dự của các quí chức, vì tất cả các cuốn Chỉ Nam của giáo phận đều công nhận (45). Hơn nữa từ năm 1672, công nghị Faif nói rõ: "Nơi giáo dân đông đảo, điều cần thiết là chọn một quí chức đạo đức và cẩn thận. Nhiệm vụ của họ trong khi linh mục và các thầy giảng vắng mặt là lo những buổi cầu nguyện, những ngày lễ buộc, lo dạy giáo lý và thăm viếng các bệnh nhân v.v… (46)
Năm 1884, cuốn Chức Sở Mục Lệ nói thêm: "Nếu không có cha sở, các quí chức phải rao lịch phụng vụ trong nhà thờ để mọi người đều nghe, họ cũng lo soạn lời rao, đọc sách thánh, xướng kinh nguyện" (47). Điều quy định này còn được nhấn mạnh bởi công nghị Tokin 1900: "Các quí chức hướng dẫn những bưổi cầu nguyện chung ở nhà thờ, ít ra là những ngày lễ và những khi thầy giảng vắng mặt, họ thông báo những ngày lễ, ngày kiêng thịt, giữ chay ghi trong lịch. ( 48 )
Chủ tọa là làm dấu thánh giá trịnh trọng mở đầu buổi cầu nguyện cũng như lúc kết thúc; xướng những kinh, thí dụ như kinh cám ơn vào lúc chót, kinh cầu, đọc Kinh Thánh, khi ngắm chặng đàng Thánh Giá hay khi lần chuỗi Mân Côi. Có nhiều phần luôn được đọc bởi nhiều hay một quí chức, có thể nói, là những người chuyên môn, thí dụ như trong mùa Chay những bài ca vãn, những bài ngắm sự thương khó, với giọng buồn rầu, khóc than Chúa Giêsu trong cuộc tử nạn.

tải về 1.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương