HỘI ĐỒng phối hợp phổ biếN, giáo dục pháp luật trung ưƠng đẶc san tuyên truyền pháp luật số: 06/2013 chủ ĐỀ quyền con ngưỜI


Bảo đảm các quyền của phụ nữ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, gia đình, người già, người tàn tật



tải về 0.65 Mb.
trang5/7
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích0.65 Mb.
#13343
1   2   3   4   5   6   7

3. Bảo đảm các quyền của phụ nữ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, gia đình, người già, người tàn tật


Phụ nữ, trẻ em, người già và người tàn tật được xếp vào nhóm những người dễ bị tổn thương (vunerable persons) do vậy cần được xã hội quan tâm, chăm sóc. Không chỉ ở Việt Nam, mà ở bất cứ quốc gia nào, quyền lợi của nhóm người này cũng được xem xét ưu tiên và luôn được đảm bảo thực hiện.

3.1. Bảo đảm các quyền của phụ nữ


Giống như ở hầu hết quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ cao hơn so với nam giới. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tính ở thời điểm năm 2009, phụ nữ chiếm khoảng 50,5% trong tổng số khoảng 86 triệu công dân Việt Nam40. Một số nhà nghiên cứu (cả người Việt Nam và người nước ngoài) nhận định rằng, về bình đẳng giới, Việt Nam có truyền thống tốt đẹp hơn so với nhiều nước khác trong khu vực. Cụ thể, trong lịch sử Việt Nam, phụ nữ chiếm một vị trí đặc biệt và có uy tín trong gia đình và xã hội cao hơn so với phụ nữ ở nhiều nước láng giềng. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà một trong số đó là do suốt quá trình lịch sử, nam giới Việt Nam nhiều lần phải ra trận chống ngoại xâm khiến phụ nữ buộc phải cáng đáng cả công việc gia đình và cộng đồng41.

Dù vậy, cần thấy rằng, trong suốt thời kỳ phong kiến, do ảnh hưởng của Nho giáo và một số tập tục truyền thống khác, phụ nữ Việt Nam bị phân biệt đối xử nặng nề. Họ bị cho là thấp kém hơn nam giới, bị “trói chặt” vào công việc tề gia, nội trợ mà không được tham gia công việc xã hội. Cho đến ngày nay, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn ảnh hưởng khá sâu rộng trong xã hội Việt Nam, tạo ra những trở ngại không nhỏ với sự nghiệp giải phóng và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ. Trong thời kỳ thực dân Pháp cai trị, địa vị của phụ nữ Việt Nam về cơ bản không thay đổi đáng kể so với thời phong kiến. Phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ này hầu hết vẫn bị mù chữ và không được tham gia công tác xã hội42.

Vào đầu thế kỷ XX, do ảnh hưởng từ các tư tưởng tiến bộ của cách mạng tư sản Pháp, ở Việt Nam đã xuất hiện những cải cách theo hướng giải phóng phụ nữ. Một số ít phụ nữ (chủ yếu con nhà giàu có, quan lại Nam triều và công chức làm cho Pháp) đã được đi học. Một vài trường học cho học sinh nữ đã được lập ra ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Phụ nữ đã bắt đầu được tham gia một số hoạt động xã hội... Tuy nhiên, tình trạng phân biệt đối xử, tâm lý coi thường và những nhận thức lạc hậu về vai trò của phụ nữ vẫn rất phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội. Minh chứng là ngay một nhà văn khá nổi tiếng thời kỳ này cũng từng phát biểu: “Phụ nữ càng có khả năng học lên cao, họ càng tiêu phí tiền bạc, họ càng khao khát yêu đương và họ sẽ đi đến kết cục là bị nghèo túng cơ cực hơn43”.

Tuy nhiên, địa vị và thân phận người phụ nữ của Việt Nam, theo thời gian, đã dần được cải thiện. Hiến pháp đầu tiên của nước VNDCCH (Hiến pháp năm 1946) đã khẳng định: “Tất cả quyền lực trong nước là của toàn dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, nam nữ, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo... phụ nữ bình đẳng với nam giới trên về mọi phương diện.”

Bình đẳng nam nữ từ đó là một trong những nguyên tắc hiến định xuyên suốt trong tất cả các Hiến pháp về sau (năm 1959, 1980 và 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2001) của Việt Nam. Việt Nam thuộc vào nhóm quốc gia sớm tham gia vào Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (Convention on the Elimination of all Forms of Discrimination against Women, viết tắt là “CEDAW”) vào ngày 18 tháng 12 năm 1982 và đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện Công ước này. Hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ bao gồm nhiều văn bản ở nhiều cấp độ, liên quan đến nhiều lĩnh vực; tuy nhiên, các văn bản quan trọng nhất là Hiến pháp 1992, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Luật bình đẳng giới năm 2006 và Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.

a) Về lĩnh vực chính trị

Tương ứng với nội dung của các Điều 7, Điều 8 CEDAW, Điều 63 Hiến pháp năm 1992 nêu rõ: “công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”. Điều 11 Luật bình đẳng giới năm 2006 cũng khẳng định, phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong những lĩnh vực và vấn đề cụ thể như:

(i) Tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội;

(ii) Tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức;

(iii) Tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc Hội, đại biểu HĐND, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

(iv) Tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức.

Điều này đồng thời nêu ra hai biện pháp cơ bản nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, đó là:

(i) Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc Hội, đại biểu HĐND;

và (ii) Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, để bảo đảm sự tuân thủ các quy định về quyền bình đẳng về chính trị của phụ nữ trên thực tế, Điều 40 Luật bình đẳng giới năm 2006 đề cập các hành vi bị coi là vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực mà sẽ bị trừng phạt, trong đó, các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:

(i) Cản trở việc nam hoặc nữ tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc Hội, đại biểu HĐND, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới;

(ii) Không thực hiện hoặc cản trở việc bổ nhiệm nam, nữ vào cương vị quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới;

(iii) Đặt ra và thực hiện quy định có sự phân biệt đối xử về giới trong các hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc trong quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức44.



b) Về lĩnh vực kinh tế

Điều 63 Hiến pháp năm 1992 quy định phụ nữ bình đẳng với nam giới về phương diện kinh tế. Cụ thể hóa quy định trên của Hiến pháp 1992, Điều 12 Luật bình đẳng giới năm 2006 nêu rõ, nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động. Điều này cũng nêu ra hai biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế bao gồm:

(i) Ưu đãi về thuế và tài chính cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ;

(ii) Hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho lao động nữ khu vực nông thôn.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, một số quy định pháp luật trước đây gây trở ngại cho việc bảo đảm quyền bình đẳng về kinh tế của phụ nữ nay đã được sửa đổi. Ví dụ, Nghị định số 70/2001/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật hôn nhân gia đình quy định, bắt đầu từ ngày 18 tháng 10 năm 2001, tất cả các tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng kể cả đất canh tác và nhà ở khi đăng ký quyền sở hữu đều phải ghi tên của cả vợ và chồng; còn đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây đã cấp chỉ ghi tên chủ hộ, khi hộ gia đình thực hiện các quyền hoặc hộ gia đình có nhu cầu thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới ghi cả tên vợ và tên chồng. Điều 48 Luật đất đai năm 2003 cũng quy định, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng trong trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng... Những sửa đổi, bổ sung như vậy bảo đảm quyền lợi cho người vợ được đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở – những tài sản có ý nghĩa thiết yếu với hoạt động kinh tế - cùng với người chồng. Ngoài ra, để bảo vệ quyền bình đẳng về kinh tế của phụ nữ, BLDS năm 2005 quy định, các giao dịch dân sự sẽ bị coi là vô hiệu nếu một trong các bên tham gia giao dịch lấy lý do khác biệt về giới tính để cưỡng ép phụ nữ phải ký kết hợp đồng, phải tham gia vào các giao dịch hoặc lợi dụng các trường hợp khó khăn của phụ nữ buộc họ phải tham gia vào giao dịch dân sự.

Để bảo đảm sự tuân thủ trên thực tế, các quy định về quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, Điều 40 Luật bình đẳng giới năm 2006 xác định những hành vi cụ thể bị coi là vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, bao gồm:

(i) Cản trở nam hoặc nữ thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động kinh doanh vì định kiến giới;

(ii) Tiến hành quảng cáo thương mại gây bất lợi cho các chủ doanh nghiệp, thương nhân của một giới nhất định45.



c) Về lĩnh vực lao động, việc làm

Tương ứng với nội dung Điều 11 CEDAW, khoản 3 Điều 63 Hiến pháp năm 1992 quy định: “lao động nữ và nam việc làm như nhau thì tiền lương ngang nhau. Lao động nữ có quyền hưởng chế độ thai sản. Phụ nữ là viên chức nhà nước và người làm công ăn lương có quyền nghỉ trước và sau khi sinh đẻ mà vẫn hưởng lương, phụ cấp theo quy định của pháp luật.” Cụ thể hóa quy định trên của Hiến pháp, Điều 109 BLLĐ quy định “nhà nước bảo đảm quyền làm việc của phụ nữ bình đẳng một mặt với nam giới...”, Điều 13 Luật bình đẳng giới nêu rõ: Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác; bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh. Điều này cũng đề cập đến các biện pháp cụ thể để thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, trong đó bao gồm:

(i) Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động;

(ii) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ;

(iii) Tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.

Liên quan đến các khía cạnh thù lao và bảo hiểm xã hội, Nghị định số 114/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tiền lương khẳng định quyền bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ trong việc trả lương, theo đó, lao động nữ nếu cùng làm công việc như lao động nam thì được trả lương như nhau. Nghị định số 33/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định không được xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ có thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi và cả với lao động nam đang phải nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Nghị định số 39/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định về những chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho các đối tượng là lao động nữ. Ngoài ra, các quy định pháp luật về dạy nghề còn quy định học viên nữ không phải bồi thường phí dạy nghề khi chấm dứt hợp đồng học nghề trong trường hợp có giấy chứng nhận của y tế cấp huyện trở lên về việc thực hiện hợp đồng học nghề sẽ bị ảnh hưởng xấu tới thai nhi và sau thời gian nghỉ thai sản nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện thì được tiếp tục theo học. Về độ tuổi nghỉ hưu, mặc dù Ủy ban CEDAW đã khuyến nghị Việt Nam xoá bỏ sự chênh lệch về tuổi nghỉ hưu của lao động nam và lao động nữ nhưng trong lần sửa đổi, bổ sung BLLĐ vừa qua vẫn giữ nguyên quy định tuổi nghỉ hưu của nữ là 55 và nam là 60. Điều này là bởi qua nghiên cứu, khảo sát, có trên 70% số người được hỏi tán thành quy định như vậy. Tuy nhiên, để phù hợp với độ tuổi về hưu của lao động nữ, pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã quy định giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính tuổi nghỉ hưu xuống 25 năm đối với nữ (trước đây quy định là 30 năm)46.

Để bảo đảm sự tuân thủ trên thực tế các quy định về quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm, Điều 40 Luật bình đẳng giới năm 2006 xác định những hành vi cụ thể bị coi là vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực này, bao gồm:

(i) Áp dụng các điều kiện khác nhau trong tuyển dụng lao động nam và lao động nữ đối với cùng một công việc mà nam, nữ đều có trình độ và khả năng thực hiện như nhau, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới;

(ii) Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế lao động, sa thải hoặc cho thôi việc người lao động vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ;

(iii) Phân công công việc mang tính phân biệt đối xử giữa nam và nữ dẫn đến chênh lệch về thu nhập hoặc áp dụng mức trả lương khác nhau cho những người lao động có cùng trình độ, năng lực vì lý do giới tính;

(iv) Không thực hiện các quy định của pháp luật lao động quy định riêng đối với lao động nữ47.

Ngoài việc đảm bảo quyền của phụ nữ trong các lĩnh vực kể trên, pháp luật Việt Nam cũng không ngừng hoàn thiện các chế định để đảm bảo mở rộng và phát huy hơn nữa quyền lợi của phụ nữ trên các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chăm sóc y tế, trong các quan hệ hôn nhân, gia đình, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao và các lĩnh vực thiết yếu khác của đời sống xã hội.




tải về 0.65 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương