ĐẶc san tuyên truyền pháp luật số: 09/2013 chủ ĐỀ



tải về 0.54 Mb.
trang1/6
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích0.54 Mb.
#20442
  1   2   3   4   5   6


HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP CÔNG TÁC

PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRUNG ƯƠNG

________________________



ĐẶC SAN

TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT

Số: 09/2013


CHỦ ĐỀ

SƠ LƯỢC PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG TẠI VIỆT NAM

HÀ NỘI - 2013

CHỦ ĐỀ

SƠ LƯỢC PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG Ở VIỆT NAM

Biên soạn và chịu trách nhiệm nội dung: Thạc sỹ Trần Sĩ Vỹ - Luật sư thành viên - Văn phòng Luật sư Leadco (Leadco Legal Counsel)

DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT


CHỮ VIẾT TẮT

TÊN ĐẦY DỦ

BLDS

Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005

PLHĐKT

Pháp luật Hợp đồng kinh tế số 24/LCT/HĐNN8 được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 29 tháng 9 năm 1989

BLLĐ

Bộ luật Lao động số 20/2012/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012

LTM

Luật Thương mại số 36/2005/QH11 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14 tháng 06 năm 2005

CHXHCN

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa

UBND

Ủy ban nhân dân

TCN

Trước công nguyên

LDN

Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2005

TNHH

Trách nhiệm hữu hạn

HĐDS

Hợp đồng dân sự

HĐTM

Hợp đồng thương mại

HĐLĐ

Hợp đồng lao động

Nghị định 44

Nghị định số 44/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về HĐLĐ ngày 09 tháng 05 năm 2013

CHƯƠNG I

KHÁI QUÁT VỀ HỢP ĐỒNG

THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM
I. KHÁI NIỆM HỢP ĐỒNG

Trong xã hội loài người, để thỏa mãn các nhu cầu và lợi ích của mình thì các cá nhân, tổ chức phải xác lập các mối quan hệ với nhau, các mối quan hệ này được thể hiện thông qua sự trao đổi, thỏa thuận hay thực hiện một số công việc cụ thể và từ đó làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Đây chính là những cơ sở đầu tiên để phát sinh hợp đồng.

Khi các mối quan hệ về tài sản, các mối quan hệ về nhân thân càng ngày càng phát triển trong xã hội dân sự, một sự nhu cầu về trao đổi tài sản, hàng hóa cũng như vấn đề thuê nhân lực để phục vụ cho việc phát triển tài sản của mình cũng ngày càng phát triển theo. Một khi ý chí của các bên trong việc trao đổi đó gặp nhau ở một số điểm nhất định, một lẽ tự nhiên họ muốn tiến tới thực hiện ý chí của nhau ở những điểm trùng lặp đó. Tuy nhiên, việc đơn thuần để tiến hành những điểm chung đó là chưa đủ, điều quan trọng hơn là cần phải có một cơ chế nhằm giúp đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ với nhau khi các bên thực hiện ý chí của mình, và từ đó hợp đồng ra đời.

Ngày nay, hợp đồng là công cụ pháp lý quan trọng và phổ biến để con người thực hiện các giao dịch nhằm thỏa mãn hầu hết mọi nhu cầu trong đời sống xã hội. Tuy vậy, trong lịch sử lập pháp của nhân loại, để tìm ra được một thuật ngữ chính xác, như thuật ngữ “hợp đồng” đang được sử dụng trong pháp luật nhiều quốc gia ngày nay, là việc không mấy dễ dàng. Nhiều luật gia cho rằng thuật ngữ “hợp đồng” (contractus) được hình thành từ động từ “contrahere” trong tiếng La-tinh, có nghĩa là “ràng buộc”, và xuất hiện lần đầu tiên ở La Mã vào khoảng thế kỷ V – IV trước công nguyên (“TCN”)1. Ban đầu, người La Mã cũng không có khái niệm chung “contractus” mà sử dụng các thuật ngữ riêng biệt để chỉ các hợp đồng cụ thể phổ biến như mua bán (sponsio), vay mượn (mutuum), gửi giữ (depositum), ủy thác (mandatum) … Mãi đến thời của luật gia La-be-ôn (thế kỷ 1 sau công nguyên), người La Mã mới chính thức sử dụng thuật ngữ “contractus” trong luật, và quan hệ hợp đồng được pháp luật công nhận và bảo vệ dưới thời Justinnian2. Sau này, pháp luật các nước phương Tây đã kế thừa và phát triển quan niệm pháp lý từ thời La Mã và đã sử dụng chính thức thuật ngữ “hợp đồng”, mà trong tiếng Anh được viết là “contract”, và trong tiếng Pháp là “contrat”.

Ở Việt Nam, trong thực tế đời sống, có nhiều thuật ngữ khác nhau được sử dụng để chỉ về hợp đồng như: khế ước, giao kèo, văn tự, văn khế, cam kết, tờ giao ước, tờ ưng thuận, chấp thuận… Trong cổ luật, dựa vào các cứ liệu lịch sử còn lại cho đến ngày nay, thuật ngữ “văn tự” hay “văn khế”3, hay “mua”, “bán”, “cho”, “cầm” (trong nghĩa “cầm cố”) đã được sử dụng khá sớm, trong Bộ Quốc triều Hình luật4. Sau này, thuật ngữ “khế ước” mới được sử dụng chính thức trong Sắc lệnh ngày 21/7/1925 (được sửa đổi bởi Sắc lệnh ngày 23/11/1926 và Sắc lệnh ngày 06/9/1927) ở Nam phần thuộc Pháp, trong Bộ Dân luật Bắc 1931, và trong Bộ Dân luật Trung 1936 – 1939. Thuật ngữ “khế ước” cũng được sử dụng trong Sắc lệnh 97/SL của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Hồ Chủ tịch ký ban hành ngày 22/5/1950 (Điều 13). Ngoài ra, thuật ngữ “khế ước” cũng được sử dụng trong Bộ Dân luật 1972 của chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam nước ta trước 30/4/1975 (Điều 653). Không chỉ có vậy, trong Bộ Dân luật Bắc 1931, Bộ Dân luật Trung 1936 - 1939 và Bộ Dân luật Sài Gòn 1972 còn sử dụng thuật ngữ “hiệp ước”, trong đó nhà làm luật xem “khế ước” là một “hiệp ước”5 hoặc đồng nhất giữa “khế ước” với “hiệp ước”6.

Các văn bản pháp luật hiện hành của nhà nước ta không còn sử dụng thuật ngữ “khế ước” hay “hiệp ước” như trước đây mà sử dụng các thuật ngữ có tính “chức năng”, “công cụ”7 như hợp đồng dân sự (“HĐDS”), hợp đồng lao động (“HĐLĐ”), hợp đồng thương mại (“HĐTM”). Đây là điểm cá biệt bởi trong pháp luật của nhiều nước, người ta chỉ sử dụng thuật ngữ “hợp đồng” nói chung, chứ không sử dụng các thuật ngữ HĐDS, HĐTM, HĐLĐ… một cách cụ thể như pháp luật Việt Nam.

Ngoài việc chọn “hợp đồng” làm thuật ngữ pháp lý chính thức trong các văn bản pháp luật, các luật gia cũng quan tâm tới việc làm rõ nội hàm của khái niệm “hợp đồng”. Về mặt học thuật và pháp lý, các chuyên gia pháp lý đã gặp nhiều khó khăn trong việc đưa ra một định nghĩa thống nhất về hợp đồng. Đúng như một chuyên gia đã nhận xét, hợp đồng “dường như là một trong những hiện tượng có thể nhận thức được rất dễ dàng nhưng thật khó khăn để có thể đưa ra được một định nghĩa về nó.8

Trong phạm vi các mối quan hệ về dân sự, kinh tế, lao động thì sự trao đổi, thỏa thuận của các bên về một vấn đề cụ thể nào đó còn được coi là “giao dịch”. Dưới góc độ pháp lý thì giao dịch nói trên luôn được thể hiện bằng hình thức “hợp đồng”. Như vậy, về mặt bản chất, hợp đồng trước tiên là sự thỏa thuận của các bên liên quan nhằm để thực hiện một công việc nhất định hay làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ nhất định của các bên tham gia để từ thỏa mãn mục đích mà mỗi bên hướng đến. Nói cách khác, hợp đồng là một “giao kèo” giữa các chủ thể (hai bên hay nhiều bên) để làm hay không làm một công việc nào đó trong khuôn khổ của pháp luật.

Pháp luật hiện hành của Việt Nam không có một định nghĩa thống nhất về hợp đồng mà tùy vào từng loại hợp đồng, pháp luật có các khái niệm tương ứng, bao gồm HĐDS, HĐLĐ, HĐTM hay hợp đồng kinh tế. Ở góc độc dân sự, Điều 388, Bộ luật Dân sự năm 2005 của Việt Nam (“BLDS”) nêu ra một khái niệm khá súc tích về HĐDS, theo đó “HĐDS là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”

Theo quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh Hợp đồng Kinh tế năm 19899 (“PLHĐKT”) thì “hợp đồng kinh tế là sự thoả thuận bằng văn bản, tài liệu giao dịch giữa các bên ký kết về việc thực hiện công việc sản xuất, trao đổi hàng hoá, dịch vụ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và các thoả thuận khác có mục đích kinh doanh với sự quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình.”



Còn tại Bộ luật Lao động năm 2012 (“BLLĐ”), HĐLĐ được xem là “sự thỏa thuận giữa người lao động và sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động” (Điều 15 của BLLĐ).

Luật Thương mại năm 2005 (“LTM”) mặc dù không đưa ra khái niệm về HĐTM mà chỉ có các quy định áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng dịch vụ khuyến mại, hợp đồng dịch vụ quảng cáo khuyến mại…Tuy nhiên đặc trưng dễ nhận thấy trong các quy định về HĐTM trong LTM là những quy định này cũng gần giống những quy định áp dụng trong các hợp đồng kinh tế (theo PLHĐKT), HĐDS (theo BLDS) và HĐLĐ (theo BLLĐ), đó là:

(i) có sự thỏa thuận giữa các chủ thể với nhau,

(ii) nhằm thực hiện các hoạt động thương mại,

(iii) làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng.

Nói tóm lại, dù được quy định trong các văn bản pháp lý khác nhau, dù từng loại hợp đồng có bản chất và đặc trưng khác nhau, nhưng ở góc độ khái quát nhất thì: Hợp đồng được xem là sự thỏa thuận giữa các chủ thể nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ trong những quan hệ xã hội cụ thể. Các chủ thể tham gia hợp đồng cùng các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đều được pháp luật ghi nhận và điều chỉnh.

II. ĐẶC ĐIỂM CỦA HỢP ĐỒNG

Dù được hình thành trong lĩnh vực hay quan hệ xã hội nào thì hợp đồng luôn có những điểm chung, cụ thể như sau:

(1) Hợp đồng là sự thỏa thuận trên cơ sở tự nguyện của các bên tham gia giao kết;

(2) Hợp đồng làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao kết;

và (3) Các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng chủ yếu gắn với lợi ích vật chất của các bên giao kết.

1. Hợp đồng là sự thỏa thuận trên cơ sở tự nguyện của các bên tham gia giao kết

Trong hợp đồng, yếu tố cơ bản nhất là sự thỏa hiệp ý chí của các bên tham gia, tức là có sự ưng thuận giữa các bên với nhau về một vấn đề nào đó mà cả hai hay tất cả các bên cùng quan tâm hay cùng hướng đến. Nói cách khác, nếu không có sự “thỏa hiệp ý chí” đó thì không thể có hợp đồng. Người ta thường gọi nguyên tắc này là “nguyên tắc hiệp ý.”

Nguyên tắc hiệp ý là kết quả tất yếu của tự do hợp đồng: khi giao kết hợp đồng các bên được tự do quy định nội dung hợp đồng, tự do xác định phạm vi quyền và nghĩa vụ của các bên, tự do phân bổ rủi ro, phân chia lợi nhuận, thỏa thuận luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp... Tuy nhiên cần phải thấy rằng tự do hợp đồng không phải là tự do tuyệt đối, tức là các bên trong quan hệ hợp đồng không thể tùy ý định đoạt hay quy định về bất cứ vấn đề gì đi ngược lại các giá trị chung hay làm tổn hại đến các mối quan hệ xã hội hay lợi ích công cộng khác.

Ví dụ: các bên không thể thỏa thuận về việc thành lập và điều hành một công ty khi bản thân mỗi bên đều thuộc đối tượng không được phép thành lập doanh nghiệp. Tương tự, các bên cũng không thể thỏa thuận về việc tiêu thụ tài sản do trộm cắp có được do việc tiêu thụ tài sản trộm cắp là hành vi vi phạm pháp luật.

Chính vì vậy, Nhà nước buộc các bên khi giao kết hợp đồng phải tôn trọng đạo đức, trật tự xã hội, trật tự công cộng. Trong những trường hợp thật cần thiết, nhân danh tổ chức quyền lực công, Nhà nước có thể can thiệp vào việc ký kết hợp đồng và do đó giới hạn quyền tự do giao kết hợp đồng của các bên. Tuy nhiên sự can thiệp này phải là sự can thiệp hợp lý và được pháp luật quy định chặt chẽ để tránh sự lạm dụng, vi phạm quyền tự do giao kết hợp đồng.

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay yếu tố thỏa thuận trong giao kết hợp đồng đang được đề cao bởi như đã phân tích, tất cả cả các hợp đồng đều đơn thuần là sự thỏa thuận. Tuy nhiên không thể suy luận ngược lại: mọi sự thỏa thuận của các bên đều là hợp đồng bởi pháp luật vẫn có ý nghĩa chi phối nhất định tới tự do của các bên giao kết. Theo đó, chỉ được coi là hợp đồng những thỏa thuận thực sự phù hợp với ý chí của các bên và có sự phù hợp với pháp luật của Nhà nước và không trái với trật tự xã hội.

Hợp đồng phải là giao dịch hợp pháp do vậy sự ưng thuận ở đây phải là sự ưng thuận hợp lẽ công bằng, hợp pháp luật, hợp đạo đức. Các hợp đồng được giao kết dưới tác động của sự lừa dối, cưỡng bức hoặc mua chuộc là không có sự ưng thuận đích thực. Những trường hợp có sự lừa dối, đe dọa, cưỡng bức thì dù có sự ưng thuận (hoặc bị ép phải ưng thuận) cũng không được coi là hợp đồng. Trong các trường hợp này, hợp đồng thường bị xem như vô hiệu và không có giá trị pháp luật. Như vậy, một sự thỏa thuận không thể hiện ý chí thực của các bên và không thể hiện sự tự nguyện giao kết của các bên thì không phát sinh các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên.

Sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng trên cơ sở tự do ý chí được cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật Việt Nam và được quy định thành các nguyên tắc cơ bản trong giao kết hợp đồng. Điều 389 BLDS quy định về việc tuân thủ các nguyên tắc giao kết hợp đồng, trong đó có nguyên tắc “tự do khi giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội” và việc giao kết hợp đồng được thực hiện “tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng.” Điều 3 PLHĐKT cũng có quy định tương tự: “hợp đồng kinh tế được ký kết theo nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, trực tiếp chịu trách nhiệm tài sản và không trái pháp luật.” Đặc điểm “giao kết trên cơ sở tự nguyện” của các bên trong hợp đồng còn thể hiện tại Điều 17 của BLLĐ, theo đó nguyên tắc giao kết HĐLĐ là “tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực” “tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.”

2. Hợp đồng làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao kết

Xét ở góc độ bản chất là một thỏa thuận, hợp đồng bao giờ cũng làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ nhất định của các bên tham gia vì thỏa thuận của các bên bao giờ cũng hướng đến những mục đích nhất định, những mục đích này đặt từng bên vào các vị trí khác nhau, do đó, họ có các quyền và nghĩa vụ cũng khác nhau.

Ví dụ: trong hợp đồng mượn tài sản, đối tượng của hợp đồng mượn tài sản là một tài sản cụ thể được các bên thỏa thuận mượn hay cho mượn. Mục đích của bên mượn tài sản có thể để thực hiện đầu tư, kinh doanh sinh lời dựa vào tài sản mình mượn còn của bên cho mượn tài sản là để thu lãi phát sinh từ giao dịch cho mượn tài sản. Chính vì thế, bên đi mượn tài sản có nghĩa vụ phải giữ gìn, bảo quản tài sản và trả lại tài sản khi hết thời gian mượn, còn bên cho mượn tài sản được quyền đòi lại tài sản khi hết thời hạn hoặc yêu cầu sửa chữa, bồi thường nếu tài sản bị hư hỏng do lỗi của bên đi mượn.

Ngay ở về khái niệm HĐDS, BLDS đã quy định rằng HĐDS là thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo khái niệm này, đặc điểm “làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao kết” của hợp đồng được thể hiện khá rõ trong pháp luật dân sự. Còn theo pháp luật về lao động, Điều 15 của BLLĐ khi quy định về HĐLĐ cũng chỉ rõ HĐLĐ phải thể hiện “quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động.” Đặc điểm này cũng được thể hiện trong PLHĐKT, khi Điều 1 của Pháp lệnh này yêu cầu hợp đồng kinh tế phải“quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình.”

Các quy định trong BLDS về một số HĐDS thông dụng như hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng vay tài sản đều có các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch. Tương tự như vậy, các quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ sử dụng lao động và người lao động cũng không thể thiếu trong các HĐLĐ, theo đó người lao động có quyền yêu cầu trả lương, bố trí công việc đúng khả năng, chuyên môn, được hưởng các chế độ và phúc lợi xã hội, có nghĩa vụ tuân thủ quy định về công việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tuân thủ nội quy lao động của chủ sử dụng lao động. Về phần mình, chủ sử dụng lao động có quyền điều động và phân công lao động, quyết định các vấn đề về việc làm đồng thời có nghĩa vụ trả lương, thưởng, trợ cấp cho người lao động, tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động…Như vậy, khi giao kết hợp đồng, các quyền và nghĩa vụ của các bên đều phát sinh một cách rõ rệt.

3. Các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng chủ yếu gắn với lợi ích vật chất của các bên giao kết

Khi giao kết hợp đồng, các bên liên quan bao giờ cũng hướng đến các mục đích nhất định. Những mục đích này phù hợp ý chí, nguyện vọng và lợi ích của các bên và thông thường được gắn với các lợi ích vật chất. Chẳng hạn trong một hợp đồng mua bán hàng hóa, bên mua quan tâm đến hàng hóa mà mình được nhận để phục vụ các công việc sản xuất kinh doanh, bên bán quan tâm đến số tiền bán được hàng sẽ thu về để tăng doanh thu. Cả hai bên khi giao kết và thực hiện hợp đồng thành công, đều có thể thu được các lợi ích vật chất nhất định trong giao dịch.

Do các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng chủ yếu gắn với lợi ích vật chất của các bên giao kết, pháp luật đã cụ thể hóa nguyên tắc giao kết hợp đồng để đảm bảo các bên “cùng có lợi.” Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, mỗi bên tham gia vào quan hệ hợp đồng phần lớn đều xuất phát từ lợi ích riêng của mình. Khi ký kết hợp đồng, các bên cùng nhau thoả thuận những điều khoản hợp đồng có lợi nhất cho mỗi bên hoặc cả hai bên, tuy nhiên, tựu chung lại, các lợi ích về mặt vật chất của các bên đều phần lớn được đảm bảo, hiếm có trường hợp nào hợp đồng chỉ đảm bảo lợi ích cho một bên, trong khi bên còn lại không được các lợi ích nào cả. Hợp đồng “một chiều” như vậy rất ít khi xảy ra và nếu có thì việc thực thi cũng rất khó khăn do một bên không đạt được các lợi ích vật chất từ việc giao kết và thực hiện hợp đồng. Xuất phát từ lợi ích mà các bên tham gia giao kết hợp đồng hướng tới, nên một khi xảy ra hành vi vi phạm, bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường và bên vi phạm cũng phải thực hiện các trách nhiệm vật chất để đảm bảo quyền lợi của bên vi phạm. Điều này làm nổi bật đặc điểm “lợi ích vật chất” khi giao kết và thực hiện hợp đồng của các bên giao kết.

III. PHÂN LOẠI HỢP ĐỒNG

Có rất nhiều quan điểm về phân loại hợp đồng do đặc điểm, tính chất của các hợp đồng không giống nhau. Trên thế giới, ví dụ tại Pháp, Bộ luật dân sự của Cộng hòa Pháp phân chia hợp đồng thành tám loại khác nhau, gồm: hợp đồng song vụ, hợp đồng đơn vụ, hợp đồng ngang giá, hợp đồng không có đền bù, hợp đồng có đền bù, hợp đồng có tên, hợp đồng không có tên.

Ngoài cách phân chia hợp đồng theo quy định tại bộ luật dân sự của Pháp, hợp đồng còn có thể được phân loại theo quan điểm khoa học khi nghiên cứu hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa. Theo quan điểm của nhà luật học người Pháp Corinne Renault-Brahinsky thì hợp đồng được phân thành các loại sau: Hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm thoả thuận và hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm thoả thuận. Trong đó, loại hợp đồng chưa có hiệu lực từ thời điểm thoả thuận lại được chia thành hai nhóm là nhóm các hợp đồng chỉ có hiệu lực khi các bên phải tuân thủ những thủ tục chặt chẽ được quy định từ trước và nhóm các hợp đồng thực tế, hợp đồng thực hiện ngay và hợp đồng thực hiện theo định kỳ, hợp đồng cá thể và hợp đồng tập thể, hợp đồng chủ thể đơn và hợp đồng chủ thể kép10. Ngoài ra, nếu xét ở góc độ hình thức của hợp đồng thì hợp đồng có thể được chia ra làm hợp đồng được thực hiện bằng văn bản (bao gồm cả bản fax, email… ví dụ: hợp đồng tặng cho bất động sản), hợp đồng miệng (xác lập cho các giao dịch nhỏ có tính thuận tiện, nhanh chóng…ví dụ: các hợp đồng dịch vụ có giá trị thấp như mua bán quần áo, sinh hoạt phẩm), hợp đồng cần công chứng (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất), hợp đồng theo mẫu (như HĐLĐ).

Ở nước ta, chế định hợp đồng trong BLDS cũ (tức BLDS năm 1995) chỉ tập trung điều chỉnh các vấn đề về HĐDS với cách hiểu là hợp đồng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Do đó, HĐDS theo BLDS cũ năm 1995 có phạm vi khá hạn hẹp. Đến năm 2005, với cách tiếp cận mới, phạm vi áp dụng của BLDS 2005 mở rộng ra cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, lao động thì chế định về HĐDS cũng được mở rộng tương ứng và được áp dụng rộng rãi không chỉ đối với các quan hệ dân sự thông thường mà còn với các quan hệ lao động hay thương mại.

Trở lại với các quy định pháp lý trước thời điểm ra đời của BLDS năm 2005, có thể thấy căn cứ vào mục đích, chủ thể, nội dung và một số yếu tố khác, pháp luật phân biệt hợp đồng thành ba loại chủ yếu là HĐDS (do BLDS điều chỉnh), hợp đồng kinh tế (do PLHĐKT trước đây và LTM hiện hành điều chỉnh) và HĐLĐ (do pháp luật về lao động điều chỉnh) nhằm xác định chính xác việc áp dụng văn bản pháp luật có liên quan, cũng như cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, sự phân biệt trên đã dẫn đến nhiều khó khăn trong việc áp dụng pháp luật và gây chậm trễ trong quá trình giải quyết các tranh chấp về hợp đồng, không bảo vệ được tuyệt đối quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng. Khắc phục nhược điểm trên, đồng thời học hỏi kinh nghiệm, tinh hoa của các nước trên thế giới để có thể tham khảo có chọn lọc phù hợp với điều kiện kinh tế – văn hoá – xã hội của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và đáp ứng được các yêu cầu trong quá trình hội nhập với các nước, BLDS năm 2005 (từ Điều 388 đến Điều 427) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh trên tinh thần quán triệt quan điểm xây dựng các quy định về HĐDS thành nền tảng cho pháp luật về hợp đồng, thành các quy định gốc về hợp đồng, thống nhất pháp luật về vấn đề này. Từ đây, tạo cơ sở cho các loại hợp đồng nói chung, không phân biệt HĐDS, hợp đồng kinh tế hay HĐTM; các văn bản pháp luật khác chỉ quy định các đặc thù trong các hợp đồng chuyên biệt, nếu có hay nói cách khác trong trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể về hợp đồng thì ưu tiên áp dụng các quy định riêng về hợp đồng đó. Còn không, BLDS phải được coi là luật chung điều chỉnh về hợp đồng.

Ở góc độ chung nhất, việc phân loại hợp đồng được căn cứ vào các yếu tố sau: (1) căn cứ vào tính chất và nghĩa vụ trong hợp đồng; (2) căn cứ vào nội dung của hợp đồng và (3) căn cứ vào mục đích của hợp đồng.



1. Căn cứ vào tính chất nghĩa vụ trong hợp đồng, hợp đồng bao gồm:

  1. Hợp đồng đơn vụ

Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ. Cụ thể hơn, trong hợp đồng đơn vụ, chỉ có một hay nhiều chủ thể có nghĩa vụ mà không có quyền gì đối với chủ thể kia, còn một hay nhiều chủ thể kia là người có quyền nhưng không phải thực hiện nghĩa vụ nào. Ví dụ điển hình của hợp đồng đơn vụ là “hợp đồng tặng, cho tài sản”. Trong hợp đồng này, bên có nghĩa vụ chính là bên tặng, cho tài sản. Nghĩa vụ duy nhất của bên này là tặng hay cho tài sản cho bên còn lại trong hợp đồng. Ở chiều ngược lại, bên nhận tài sản có quyền đối với tài sản mà mình được tặng, cho mà không bị ràng buộc một nghĩa vụ nào với bên còn lại của hợp đồng. Vì đặc điểm như vậy, nếu hợp đồng tặng, cho được giao kết dưới hình thức viết thì chỉ cần lập thành văn bản và giao cho bên có quyền giữ hợp đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn như đã thoả thuận; chỉ được thực hiện trước hoặc sau thời hạn nếu được bên có quyền đồng ý. Theo quy định tại Điều 465 BLDS, “hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận.”

b) Hợp đồng song vụ

Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau, hay nói cách khác mỗi bên chủ thể tham gia hợp đồng vừa là người có quyền lại vừa có nghĩa vụ. Do vậy, trong nội dung của hợp đồng này, quyền dân sự của chủ thể tham gia này đối lập tương ứng với nghĩa vụ của chủ thể tham gia hợp đồng kia và ngược lại. Ví dụ: trong hợp đồng mua bán tài sản, bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán. Còn trong hợp đồng vận chuyển tài sản thì bên vận chuyển có nghĩa vụ vận chuyển hàng hóa đến đúng nơi quy định hoặc được thỏa thuận, còn bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ thanh toán cước phí cho bên vận chuyển. Điều 535 BLDS quy định: “hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, còn bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.”



Mặc dù trong BLDS không quy định việc bắt buộc hợp đồng mua bán phải được thể hiện dưới hình thức cụ thể nào, song trong trường hợp hợp đồng được giao kết theo hình thức văn bản thì thông thường các bên lập hợp đồng thành nhiều bản để mỗi bên giữ một bản khi thực hiện. Khi các bên đã thoả thuận thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì mỗi bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn; không được hoãn thực hiện với lý do bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình, trừ trường hợp tài sản của bên kia đã bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết cho đến khi bên kia có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hoặc có người bảo lãnh; hoặc nếu bên thực hiện nghĩa vụ trước chưa thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn. Trong trường hợp các bên không thoả thuận bên nào thực hiện nghĩa vụ trước thì các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ đối với nhau; nếu nghĩa vụ không thể thực hiện đồng thời thì nghĩa vụ nào khi thực hiện mất nhiều thời gian hơn thì nghĩa vụ đó phải được thực hiện trước.

  1. Hợp đồng chính

Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ. Theo đó, khi hợp đồng chính đã tuân thủ đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định, thì đương nhiên phát sinh hiệu lực, nghĩa là có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên kể từ thời điểm giao kết. Các hợp đồng chính thông thường là các hợp đồng có giá trị lớn, các thỏa thuận trong hợp đồng này có thể làm phát sinh một số giao dịch phụ thuộc và có liên quan, đồng thời hợp đồng này cũng là một giao dịch độc lập, việc giao kết hợp đồng này không phụ thuộc vào giao dịch khác. Ví dụ, khi các bên thỏa thuận về việc vay tài sản, nếu các điều khoản trong hợp đồng đã tuân thủ và đáp ứng các quy định của pháp luật thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng phát sinh kể từ ngày các bên ký vào hợp đồng trừ khi có thỏa thuận khác.

  1. Hợp đồng phụ

Hợp đồng phụ là hợp đồng có hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính. Để một hợp đồng phụ có hiệu lực thì phải tuân thủ các điều kiện sau đây: Trước hết, hợp đồng phụ phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của một hợp đồng như điều kiện về chủ thể giao kết hợp đồng, nội dung, hình thức… Thứ hai, hợp đồng chính của hợp đồng phụ đó phải có hiệu lực. Sau khi tuân thủ các điều kiện có hiệu lực nói trên thì hợp đồng phụ còn phải tùy thuộc vào hiệu lực của hợp đồng chính. Ví dụ: đối với hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản gắn liền với hợp đồng vay tài sản với tư cách là các hợp đồng phụ thì các hợp đồng này chỉ có hiệu lực khi hợp đồng cho vay tài sản tức là hợp đồng chính có hiệu lực.

  1. Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba

Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó. Khi thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì người thứ ba có quyền trực tiếp yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình; nếu các bên có tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng thì người thứ ba không có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cho đến khi tranh chấp được giải quyết. Bên có quyền cũng có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Trong trường hợp người thứ ba từ chối lợi ích của mình trước khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ, nhưng phải báo cho bên có quyền và hợp đồng được coi là bị huỷ bỏ, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu người thứ ba từ chối lợi ích của mình sau khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ được xem là đã hoàn thành và bên có quyền vẫn phải thực hiện cam kết đối với bên có nghĩa vụ. Khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng, trừ trường hợp được người thứ ba đồng ý.

Ví dụ: A mua nguyên vật liệu xây dựng (gạch, xi măng…) tại cửa hàng của B để sửa chữa nhà ở cho bố mẹ (là bên thứ ba). A thông báo việc mua bán đã giao kết với B cho bố mẹ biết đồng thời báo cho B việc mình mua nguyên vật liệu để sửa chữa nhà cho bố mẹ. Bố mẹ A có quyền yêu cầu cửa hàng B chuyển nguyên vật liệu đến nhà của mình. Nếu giữa A và cửa hàng còn đang tranh chấp về giá tiền, thì bố mẹ A không có quyền yêu cầu cửa hàng chuyển nguyên vật liệu đến nhà khi còn tranh chấp. Nếu bố mẹ A từ chối sự giúp đỡ của con trước khi cửa hàng chuyển nguyên vật liệu xây dựng đến thì hợp đồng mua bán coi như bị hủy bỏ, cửa hàng thông báo việc này cho A biết. Trường hợp cửa hàng B đã chở nguyên vật liệu xây dựng đến nhà bố mẹ A rồi thì nghĩa vụ được xem như đã hoàn thành, A phải trả tiền mua. Nếu bố mẹ A đồng ý, thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, A và cửa hàng B không được hủy bỏ hợp đồng.



  1. Hợp đồng có điều kiện

Theo quy định tại Điều 406.6 của BLDS thì “Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.” Về mặt lý luận, khái niệm hợp đồng có điều kiện còn được hiểu là “những hợp đồng mà khi giao kết, bên cạnh việc thỏa thuận về nội dung của hợp đồng các bên còn thỏa thuận để xác định về một sự kiện để khi sự kiện đó xảy ra thì hợp đồng mới được thực hiện hoặc phải chấm dứt”; hoặc “những hợp đồng trong đó các bên thỏa thuận về một hay nhiều sự kiện là điều kiện mà chỉ khi điều kiện đó xảy ra hoặc không xảy ra thì hợp đồng mới được coi là phát sinh hay chấm dứt hiệu lực”. 

Ví dụ: trong hợp đồng chuyển nhượng khu công nghiệp, bên cạnh việc quy định các nội dung của hợp đồng, nếu bên mua đặt ra một số điều kiện tiên quyết buộc bên bán phải thực hiện đầy đủ (chẳng hạn phải thanh toán đầy đủ tiền thuê đất của cả khu công nghiệp, sửa lại các tiện ích trong khu công nghiệp để đạt tiêu chuẩn, lắp đặt đầy đủ điện nước sinh hoạt và sản xuất, sửa lại hệ thống xử lý nước thải…) trước khi thực hiện thanh toán tiền mua (cùng thời điểm thanh toán đó hợp đồng mới có hiệu lực) thì hợp đồng chuyển nhượng khu công nghiệp sẽ là hợp đồng có điều kiện bởi chỉ đến khi các điều tiên quyết vừa nêu được hoàn thành thì bên mua mới trả tiền, khu công nghiệp mới được chuyển giao và giao dịch chuyển nhượng mới được thực hiện. Nếu các điều kiện tiên quyết mà bên mua đưa ra không được đáp ứng thì việc mua bán không diễn ra và hợp đồng không có hiệu lực.



Каталог: tl-pbgdpl -> Lists -> DacSan -> Attachments
Attachments -> HỘI ĐỒng phối hợp phổ biếN, giáo dục pháp luật trung ưƠng đẶc san tuyên truyền pháp luật số: 06/2013 chủ ĐỀ quyền con ngưỜI
Attachments -> Công ưỚc liên hợp quốc về chống tham nhũng và VẤN ĐỀ hoàn thiện pháp luật việt nam
Attachments -> ChuyêN ĐỀ thông tin về diễN ĐÀn hợp tác kinh tế châU Á-thái bình dưƠng (apec)
Attachments -> ĐẶc san tuyên truyền pháp luật số: 10 chủ ĐỀ CÔng nghiệp quốc phòNG
Attachments -> HỘI ĐỒng phối hợP
Attachments -> HỘI ĐỒng phối hợp phổ biếN, giáo dục pháp luật trung ưƠng đẶc san tuyên truyền pháp luật số: 08 /2013 chủ ĐỀ pháp luậT ĐIỆn lựC

tải về 0.54 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương