ĐẶc san tuyên truyền pháp luật số: 09/2013 chủ ĐỀ


VII. THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG DÂN SỰ



tải về 0.54 Mb.
trang4/6
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích0.54 Mb.
#20442
1   2   3   4   5   6

VII. THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG DÂN SỰ

Thực hiện hợp đồng dân sự là việc tiến hành các hành vi mà mỗi bên tham gia hợp đồng phải thực hiện nhằm đáp ứng những quyền dân sự tương ứng của bên kia. Theo quy định tại Điều 409 Bộ luật Lao động về nguyên tắc thực hiện hợp đồng dân sự thì các bên phải tuân theo các nguyên tắc như thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác; thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau; không được xâm phạm đến công cộng, lợi ích hợp pháp của người khác.



1. Nội dung thực hiện hợp đồng dân sự

Khi thực hiện hợp đồng dân sự ngoài việc tuân thủ các quy tắc đã được quy định thì việc thực hiện hợp đồng còn phải tuân thủ theo những quy tắc nhất định đối với từng loại hợp đồng cụ thể như sau:



Đối với hợp đồng đơn vụ (Điều 413 Bộ luật Dân sự)

Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đó đúng thời hạn đã thoả thuận. Việc thực hiện trước hoặc sau thời hạn mà không được sự đồng ý của người có quyền sẽ bị coi là vi phạm hợp đồng dân sự.



Đối với hợp đồng song vụ (Điều 414 Bộ luật Dân sự)

Trong hợp đồng song vụ, mỗi bên đều phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến thời hạn. Các bên đều không được lấy lí do bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình mà hoãn việc thực hiện nghĩa vụ (trừ trường hợp việc không thực hiện nghĩa vụ của bên kia làm cho bên này không thể thực hiện được nghĩa vụ).

Nếu trong hợp đồng song vụ không xác định bên nào phải thực hiện nghĩa vụ trước thì cùng một lúc, các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ đối với nhau. Mặt khác, để bảo đảm tính công bằng và quyền lợi của các bên trong hợp đồng, pháp luật còn quy định cho bên phải thực hiện nghĩa vụ trước có quyền hoãn việc thực hiện nghĩa vụ đó nếu tài sản của bên kia giảm sút nghiêm trọng đến mức không có khả năng để thực hiện hợp đồng. Khi nào bên kia khôi phục được khả năng để có thể thực hiện được hợp đồng hoặc đã có người bảo lãnh thì người phải thực hiện nghĩa vụ trước tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Đối với hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba (Điều 419 BLDS)

Trong các hợp đồng này, bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đó trước người thứ ba khi đến thời hạn. Bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Nếu giữa các bên tham gia hợp đồng đang có tranh chấp về việc thực hiện thì người thứ ba phải tạm dừng quyền yêu cầu cho đến khi tranh chấp được giải quyết.

Nếu người thứ ba từ chối lợi ích của mình trước khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đó thì bên có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ nhưng phải thông báo cho bên có quyền biết và hợp đồng được coi là huỷ bỏ. Nếu sau khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ mà người thứ ba mới từ chối lợi ích của mình thì nghĩa vụ được xem là đã hoàn thành. Vì vậy, bên có quyền vẫn phải thực hiện các vấn đề đã cam kết với bên có nghĩa vụ. Mặt khác, bên có quyền trong giao kết hợp đồng phải bồi thường thiệt hại cho bên đã thực hiện nghĩa vụ nếu có thiệt hại xảy ra. Ví dụ: Hợp đồng mua bán cho người thứ ba hưởng tài sản mua bán. Sau khi kí hợp đồng mà người bán đã chuyển vật đến nơi cư trú của người thứ ba nhưng họ không nhận, trường hợp này người bán đã hoàn thành nghĩa vụ nhưng vì người thứ ba từ chối tiếp nhận nghĩa vụ và gây thiệt hại cho bên có nghĩa vụ, họ phải vận chuyển hàng hoá trở lại và bảo quản tài sản đã bán đó. Trường hợp này, người có quyền phải bồi thường thiệt hại cho bên có nghĩa vụ.

2. Sửa đổi hợp đồng dân sự

Sửa đổi hợp đồng dân sự là việc các bên đã tham gia giao kết hợp đồng bằng ý chí tự nguyện của mình thỏa thuận với nhau để phủ nhận (hoặc làm thay đổi) một số điều khoản trong nội dung của hợp đồng mà mình đã giao kết trước đó. Sau khi hợp đồng đã được sửa đổi, các bên thực hiện hợp đồng theo những phần không bị sửa đổi trong nội dung của hợp đồng trước đó cùng với những nội dung mới được sửa đổi đồng thời cùng nhau giải quyết những hậu quả khác của việc sửa đổi hợp đồng.

Điều 423 BLDS quy định về việc sửa đổi hợp đồng dân sự như sau:

1. Các bên có thể thoả thuận sửa đổi hợp đồng và giải quyết hậu quả của việc sửa đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.



2. Trong trường hợp hợp đồng được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc cho phép thì việc sửa đổi hợp đồng cũng phải tuân theo hình thức đó.”

Như vậy, việc sửa đổi hợp đồng dân sự bắt nguồn từ thực tiễn thực hiện hợp đồng đã giao kết. Cụ thể, trong quá trình thực hiện hợp đồng, một trong hai bên hoặc cả hai bên nhận thấy việc tiếp tục thực hiện hợp đồng với các điều khoản đã giao kết có thể không đáp ứng được kỳ vọng của các bên hoặc không đảm bảo được yêu cầu của các bên đặt ra khi giao kết hợp đồng, hoặc đơn giản hơn, hợp đồng cần phải thiết thực hơn so với thực tế, hay các điều khoản đã giao kết không phù hợp, không thực hiện được thì việc sửa đổi hợp đồng là một lối thoát để các bên lựa chọn cho việc tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Khi các bên tiến hành sửa đổi hợp đồng thì những phần sửa đổi của hợp đồng được các bên xác nhận sẽ có hiệu lực, các nội dung bị sửa đổi sẽ hết hiệu lực và bị thay thế. Tuy nhiên, những nội dung khác trong hợp đồng không bị sửa đổi thì vẫn có hiệu lực pháp luật, phải được tôn trọng và nghiêm túc thực hiện.

3. Chấm dứt hợp đồng dân sự

Hợp đồng dân sự chấm dứt theo một số trường hợp nhất định nhưng phổ biến nhất bởi các lý do:

(i) các bên đã hoàn thành hợp đồng,

(ii) các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng,

(iii) chủ thể giao kết hợp đồng không tồn tại,

và (iv) một trong các bên đơn phương chấm dứt hợp đồng hay hủy hợp đồng.

Ngoài ra, hợp đồng dân sự còn có thể bị chấm dứt trong các trường hợp đặc biệt như bất khả kháng (bão, lũ, thiên tai…) mà khi các sự kiện đó xảy ra, một trong hai bên hoặc cả hai đều không thể thực hiện được hợp đồng dân sự.

Hợp đồng dân sự chấm dứt khi các bên đã hoàn thành hợp đồng: Khi các bên tham gia hợp đồng đã thực hiện toàn bộ nội dung hợp đồng và do vậy mỗi bên đều đã đáp ứng được quyền dân sự của mình (mục đích khi giao kết hợp đồng dân sự đã đạt được) thì hợp đồng coi như đã hoàn thành

Chấm dứt theo thoả thuận của các bên: Trong những trường hợp bên có nghĩa vụ không có khả năng thực hiện hợp đồng hoặc nếu hợp đồng được thực hiện sẽ gây ra tổn thất lớn về vật chất của một hoặc hai bên thì các bên có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng. Hợp đồng đã giao kết được coi là chấm dứt tại thời điểm các bên đạt được sự thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng đó.

Chủ thể giao kết hợp đồng không tồn tại: Trường hợp này hợp đồng không có một bên hoặc nhiều bên để thực hiện. Ví dụ: người giao kết hợp đồng chết, tổ chức giải tán, chấm dứt hoạt động…

Hợp đồng bị hủy bỏ hay bị đơn phương chấm dứt thực hiện: một trong các căn cứ để chấm dứt hợp đồng dân sự là khi hợp đồng đó bị hủy bỏ dựa theo các điều khoản mà các bên đã thỏa thuận ghi nhận trong hợp đồng. Ví dụ: trong hợp đồng thuê nhà xưởng, các bên thỏa thuận rằng đến một thời điểm nhất định, bên cho thuê sẽ xây dựng nhà xưởng theo đúng tiêu chuẩn và yêu cầu của bên đi thuê thì việc thuê nhà xưởng sẽ được thực hiện, bên đi thuê đặt trước tiền để bên cho thuê thực hiện xây dựng và hoàn thiện nhà xưởng tiêu chuẩn theo yêu cầu của bên đi thuê. Các bên cũng thỏa thuận rằng đến thời điểm ghi nhận trong hợp đồng mà nhà xưởng chưa hoàn tất thì hợp đồng sẽ bị hủy bỏ và bên cho thuê phải trả lại chi phí ứng trước của bên đi thuê. Như vậy, khi đến thời điểm mà các bên thỏa thuận, nếu nhà xưởng chưa được xây xong, hợp đồng có thể bị hủy bỏ dựa trên các điều khoản mà các bên đã giao kết trước đó. Khi hợp đồng bị hủy bỏ, thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật, thì phải trả bằng tiền. Bên có lỗi trong việc họp đồng bị hủy bỏ phải bồi thường thiệt hại.

Đối với trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng về một số trường hợp, theo đó, một trong các bên được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng (mà không cần quan tâm đến phản ứng của bên còn lại) thì hợp đồng sẽ bị chấm dứt kể từ thời điểm một bên thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đó. Ví dụ: đối với một hợp đồng vay tiền nhiều kỳ, các bên thỏa thuận rằng khi bên đi vay lâm vào tình trạng kinh doanh kém (doanh thu giảm ở một mức độ nhất định do các bên thỏa thuận) thì bên cho vay có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng vay và đòi lại số tiền đã cho vay ngay lập tức cùng với lãi tính đến thời điểm đó. Như vậy, khi bên đi vay có doanh thu sụt giảm (đến mức mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng) thì bên cho vay có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng vay và đòi lại tiền gốc cho vay cùng lãi kèm theo đến thời điểm chấm dứt hợp đồng.



VIII. PHẠT VI PHẠM VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG HỢP ĐỒNG DÂN SỰ

Hợp đồng là sự thỏa thuận mang tính bắt buộc giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền hay nghĩa vụ dân sự. Tuy vậy, nhằm đảm bảo các thỏa thuận được thực hiện nghiêm chỉnh, bảo vệ lợi ích hợp pháp của bên có quyền, pháp luật có quy định thỏa thuận phạt vi phạm là một biện pháp phòng ngừa, xử lý vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Bên cạnh đó, pháp luật cũng có quy định về bồi thường thiệt hại để đảm bảo người có quyền và lợi ích bị xâm phạm có thể yêu cầu bồi hoàn cho các tổn thất mà mình phải gánh chịu và bên gây ra tổn thất phải có nghĩa vụ bù đắp cho các tổn thất đó.



1. Phạt vi phạm

Theo quy định tại Điều 422 BLDS, “phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận.” Như vậy việc phạt vi phạm chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận của các bên về điều khoản phạt và mức phạt trong hợp đồng. Nếu các bên không có thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự thì khi xảy ra vi phạm, bên bị vi phạm không thể áp dụng chế tài phạt vi phạm đối với bên thực hiện hành vi vi phạm.

Về mức phạt vi phạm, BLDS cho phép các bên trong hợp đồng tự do thỏa thuận về mức phạt mà không bị khống chế ở mức cao nhất hay thấp nhất. Do đó, tùy vào thỏa thuận của các bên mà mức phạt vi phạm được ấn định.

2. Bồi thường thiệt hại

Riêng đối với chế định về bồi thường thiệt hại theo pháp luật về dân sự, có một việc rất quan trọng là cần làm rõ, đó là: thế nào là bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và thế nào là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Ở góc độ khái quát, sự khác nhau cơ bản nhất giữa hai chế định này là việc bồi thường thiệt hại trong hợp đồng phải phát sinh từ thỏa thuận của các bên được ghi rõ trong hợp đồng dân sự trong khi việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh không phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên, thậm chí không xuất phát từ bất cứ hợp đồng nào.

Ví dụ: ông A cãi nhau và bất đồng ý kiến với ông B, do nóng giận, A đánh B gây thương tích. Rõ ràng giữa A và B không tồn tại bất cứ hợp đồng nào, tuy nhiên, A vẫn phải chịu trách nhiệm do tổn thất về mặt thể chất, sức khỏe đã gây ra cho B từ hành vi đánh người gây thương tích của mình. Mặc dù vậy, ở bối cảnh khác, nếu giữa A và B tồn tại một hợp đồng mua bán máy móc theo đó A phải bàn giao máy móc cho B để B tiến hành sản xuất kinh doanh tại một thời điểm nhất định. Các bên có thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại cho việc A không thể giao hàng cho B đúng tiến độ gây thiệt hại về mặt vật chất cho B. Đến thời điểm quy định mà A vi phạm nghĩa vụ bàn giao máy cho B làm cho B bị không thể sản xuất kinh doanh dẫn đến thiệt hại về kinh tế thì rõ ràng A phải bồi thường cho B cho những tổn thất đó. Trong trường hợp này, việc bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng và thỏa thuận giữa A và B.

Điều 422.3 BLDS quy định: “Các bên có thể thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải nộp phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại; nếu không có thoả thuận trước về mức bồi thường thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Trong trường hợp các bên không có thoả thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm.”

Như vậy, cũng giống như chế định về phạt vi phạm, BLDS quy định việc bồi thường thiệt hại chỉ được thực hiện khi các bên có thỏa thuận cụ thể với nhau trong hợp đồng. Nếu các bên không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm không có nghĩa vụ phải chi trả các khoản bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm. Để đảm bảo được thực hiện, các bên cũng phải làm rõ mức bồi thường thực tế trong hợp đồng dân sự, nếu không, bên vi phạm được mặc định là sẽ bồi thường cho toàn bộ thiệt hại đã xảy ra đối với bên bị vi phạm.

IX. HỢP ĐỒNG DÂN SỰ VÔ HIỆU

Do hợp đồng dân sự là một dạng của giao dịch dân sự vì vậy các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại Điều 127 BLDS sẽ được áp dụng để xem xét các trường hợp vô hiệu của hợp đồng dân sự. Điều 127 BLDS không làm rõ giao dịch dân sự thế nào được coi là giao dịch dân sự vô hiệu mà dẫn chiếu trở lại quy định tại Điều 122 BLDS để khẳng định “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 của Bộ luật này thì vô hiệu.” Đến lượt mình, Điều 122 BLDS quy định về các điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự, trong đó bao gồm:



  • Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;

  • Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;

  • Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

1. Các trường hợp vô hiệu của hợp đồng dân sự

Theo quy định của Điều 410 BLDS thì “các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 127 đến Điều 138 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.” Lý do cũng khá đơn giản vì hợp đồng, theo Điều 121 BLDS, cũng là một dạng giao dịch dân sự (cụ thể, Điều 121 quy định như sau “giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự”).



a) Hợp đồng dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội

Điều 128 BLDS quy định: “Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.”

Ví dụ thứ nhất, theo quy định của pháp luật, bảo lãnh phát hành trái phiếu là một nghiệp vụ kinh doanh của ngân hàng đòi hỏi bên nhận bảo lãnh phải đáp ứng các điều kiện của pháp luật để có thể thực hiện bảo lãnh và phải có giấy phép. Nếu ngân hàng nào giao kết hợp đồng với các công ty cổ phần để thực hiện bảo lãnh phát hành trái phiếu trong khi không có giấy phép và đủ điều kiện để thực hiện bảo lãnh phát hành trái phiếu thì hợp đồng đó vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật.

Ví dụ thứ hai, A đã thuê thiết kế sửa nhà mình để có cửa nhà vệ sinh hướng thẳng vào cửa chính, nơi đặt bàn thờ của gia đình hàng xóm vì muốn gia đình hàng xóm mở cửa chính sang hướng khác cho nhà A đẹp hơn. Hợp đồng thuê thiết kế sửa nhà sẽ không có hiệu lực vì mục đích của hợp đồng vi phạm đạo đức xã hội.



b) Hợp đồng dân sự vô hiệu do giả tạo

Điều 129 BLDS quy định “Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này. Trong trường hợp xác lập giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch đó vô hiệu.”’

Ví dụ thứ nhất, A bán nhà cho B nhưng A chưa có sổ đỏ cho căn nhà được bán mà theo quy định của pháp luật căn nhà chỉ có thể được bán và sang tên cho B khi A có sổ đỏ đứng tên mình hợp pháp. Để che dấu giao dịch mua bán nhà, các bên thay vì ký hợp đồng chuyển nhượng nhà, lại ký hợp đồng ủy quyền theo đó A ủy quyền cho B để B quản lý căn nhà, đồng thời thực hiện các thủ tục xin sổ đỏ cho A sau đó thay mặt A theo ủy quyền bán lại căn nhà cho B. Mặc dù hiện nay quan điểm của từng tòa án đối với vụ việc vừa nêu có khác nhau, tuy nhiên, quan điểm chủ đạo vẫn cho rằng hợp đồng ủy quyền để che dấu giao dịch mua bán nhà giữa hai bên trong câu chuyện vừa rồi là vô hiệu. Ngoài ra, giao dịch thực tế là mua bán nhà giữa hai bên cũng vô hiệu do căn nhà chưa đủ điều kiện về mặt pháp lý để chuyển nhượng (chưa có sổ đỏ).

Ví dụ thứ hai, A và B giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, theo đó A bán cho B mảnh đất 100 m2 có giá là 1 tỉ đồng. Để giảm mức thuế thu nhập cá nhân phải nộp cho A vì A có thu nhập phát sinh từ việc chuyển nhượng đất và giảm lệ phí trước bạ cho B do B phải đăng ký lại quyền sử dụng đất, các bên thỏa thuận mức giá chuyển nhượng mảnh đất là 500 triệu đồng. Như vậy, số thuế và phí của cả hai bên sẽ giảm đi một nửa. Đây rõ ràng là giao dịch nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp đầy đủ thuế và phí cho Nhà nước của các bên và vì thế vô hiệu với lý do nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba.



c) Hợp đồng dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện

Điều 130 BLDS quy định “Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Toà án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện.”

Ví dụ, một người bị bệnh tâm thần đã được tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự nhưng lại ký hợp đồng dân sự với người khác thì hợp đồng đó bị vô hiệu do bên giao kết hợp đồng bị mất năng lực hành vi dân sự.

d) Hợp đồng dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn

Điều 131 BLDS quy định “Khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu.”

Ví dụ, A và B giao kết hợp đồng mua bán đồ cổ theo đó A bán cho B một chiếc bình cổ 500 năm tuổi. Tuy nhiên do A vô ý không thực hiện giám định kỹ lưỡng về tuổi thọ của chiếc bình trong khi B vì tin tưởng A nên đã thực hiện giao kết hợp đồng. Như vậy, khi phát hiện ra nhầm lẫn, B có thể yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng mua bán chiếc bình cổ vô hiệu do bị nhầm lẫn.

e) Hợp đồng dân sự bị vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa

Điều 132 BLDS quy định “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó. Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình.”

Ví dụ thứ về trường hợp hợp đồng dân sự vô hiệu do lừa dối: A làm hợp đồng bán cho B 500 kg cà phê bột. Tuy nhiên trong tổng số 500 kg cà phê bột, B đã trộn vào đó 100 kg bột đỗ tương nhằm thu lợi nhuận từ giao dịch. Theo quy định tại Điều 132 BLDS nêu trên, hợp đồng này bị vô hiệu do A đã lừa dối B để thu lợi bất chính.

Ví dụ về trường hợp hợp đồng dân sự vô hiệu do đe dọa: A do nắm bắt được một số thông tin về đời tư của B mà nếu tiết lộ sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm của B. Trong quan hệ hợp đồng, A lợi dụng việc nắm bắt thông tin đó để buộc B phải bán hàng cho mình với giá thấp hơn giá của cùng loại hàng hóa trên thị trường trong cùng một điều kiện. Trường hợp này do B bị A đe dọa sẽ tiết lộ các thông tin cá nhân nên phải chấp nhận yêu cầu của A trong giao kết và thực hiện hợp đồng, do vậy hợp đồng mà các bên giao kết sẽ bị vô hiệu.



f) Hợp đồng dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình

Điều 133 BLDS quy định “Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.”

Ví dụ, các hợp đồng mà người ký thực hiện giao kết khi say rượu không làm chủ được hành vi của mình có thể bị tuyên vô hiệu.

g) Hợp đồng dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

Theo Điều 134 BLDS “Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.”

Ví dụ, hợp đồng thế chấp nhà ở có thể bị coi là vô hiệu nếu các bên giao kết không thực hiện công chứng hoặc chứng thực hợp đồng theo quy định tại khoản 3, Điều 93 của Luật Nhà ở năm 2005.

h) Hợp đồng dân sự vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được

Điều 411 BLDS quy định “Trong trường hợp ngay từ khi ký kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được vì lý do khách quan thì hợp đồng này bị vô hiệu. Trong trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được, nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được.”

Ví dụ, A ký hợp đồng thuê B xây dựng mảnh đất mà A có quyền sử dụng đất. Tuy nhiên khi chưa triển khai xây, Nhà nước đã thu hồi đất của A để cấp cho người khác, Trong trường hợp này, do mảnh đất không còn nên B không thể triển khai xây nhà được và do đó hợp đồng bị vô hiệu.

2. Hậu quả pháp lý của hợp đồng dân sự vô hiệu

Theo quy định tại BLDS, hợp đồng bị vô hiệu sẽ làm nảy sinh hậu quả pháp lý như sau:



a) Thứ nhất, quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng

Hợp đồng dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập hay nói cách khác pháp luật dân sự không công nhận và bảo vệ quyền và nghĩa vụ của các bên khi hợp đồng vô hiệu ngay cả khi các bên đã thực hiện xong hợp đồng. Do đó, nếu hợp đồng mới xác lập chưa thực hiện thì các bên không thực hiện, nếu các bên đang thực hiện thì không tiếp tục thực hiện hợp đồng. Vấn đề cần lưu ý ở đây là thời điểm xác lập hợp đồng bởi xác định đúng thời điểm này không chỉ có ý nghĩa trong việc giải quyết chính xác hậu quả của hợp đồng vô hiệu mà còn nhằm xác định pháp luật áp dụng.



b) Thứ hai, hoàn trả lại tài sản

Theo thứ tự quy định tại Điều 146 BLDS năm 1995 và Điều 137 BLDS năm 2005, “khôi phục lại tình trạng ban đầu” được đặt trước “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”, nhưng nếu theo lôgic về mặt trình tự thì chỉ có thể khôi phục lại tình trạng ban đầu sau khi đã hoàn trả lại tài sản đã nhận. Đồng thời, nhiều trường hợp “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận” không đủ để “khôi phục lại tình trạng ban đầu” như khi tài sản hoàn trả bị hư hỏng, hủy hoại hay được khai thác, xây dựng, sửa chữa…

     Hậu quả pháp lý thứ hai của hợp đồng vô hiệu chỉ đặt ra khi các bên đang thực hiện hoặc đã thực hiện xong hợp đồng mà không áp dụng trong trường hợp hợp đồng mới xác lập và chưa được thực hiện hay khi đối tượng của hợp đồng là tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Về nguyên tắc, các bên phải trả lại chính tài sản đã giao cho bên kia nhưng nếu không thể trả được bằng hiện vật thì sẽ thanh toán bằng tiền. Khi hoàn trả lại tài sản, các bên phải chứng minh được những tài sản mà mình đã giao nhận khi thực hiện hợp đồng.

c) Thứ ba, khôi phục lại tình trạng ban đầu

Trong thực tiễn áp dụng pháp luật thì “khôi phục lại tình trạng ban đầu”  thường được đồng nhất với “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”, song như đã trình bày ở trên thì đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Tòa án buộc các bên trong hợp đồng vô hiệu phải khôi phục lại tình trạng ban đầu khi tài sản được hoàn trả không đúng với hiện trạng tại thời điểm xác lập hợp đồng:



  • Tài sản đã bị hư hỏng, giảm giá trị;

  • Tài sản đã được tu sửa, xây dựng, cải tạo làm tăng giá trị.

     Trong trường hợp thứ nhất, bên đã làm hư hỏng, giảm giá trị tài sản phải sửa chữa, phục hồi lại tài sản nhưng đối với trường hợp thứ hai, vấn đề đặt ra ở đây là có cần thiết phải khôi phục tài sản trở về trạng thái ban đầu khi tài sản đó đã được làm tăng giá trị? Thực tiễn cho thấy, nhiều trường hợp bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã xây dựng nhà ở hoặc công trình kiên cố nên khi hợp đồng bị vô hiệu tòa án buộc bên nhận chuyển nhượng phải tháo dỡ công trình trên đất để trả lại hiện trạng đất ban đầu cho bên chuyển nhượng. Mặc dù việc khôi phục lại hiện trạng ban đầu trong trường hợp này là có thể thực hiện được song không phát huy được hiệu quả về mặt kinh tế, đặc biệt khi tài sản tăng thêm có giá trị rất lớn. Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tòa án có thể lựa chọn giải pháp theo hướng buộc một bên nhận lại tài sản đã được làm tăng giá trị và thanh toán thành tiền tương ứng với phần giá trị tài sản tăng thêm cho bên kia. Tuy nhiên, xu hướng chung hiện nay là tòa án tiếp cận xử lý vụ việc khá bảo thủ, do vậy trong hầu hết vụ việc tòa án thường yêu cầu các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản trong xét xử hợp đồng dân sự vô hiệu.

d) Thứ tư, bồi thường thiệt hại

Theo Điều 146 BLDS năm 1995 và Điều 137 BLDS năm 2005 thì bên có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu mà gây thiệt hại phải bồi thường. Cần lưu ý rằng, hợp đồng vô hiệu có thể chỉ do lỗi một bên mà cũng có thể do lỗi của hai bên và vấn đề bồi thường thiệt hại được đặt ra cả trong trường hợp mức độ lỗi của hai bên là tương đương nhau. Do đó, tòa án phải xác định mức độ lỗi của từng bên trong việc làm cho hợp đồng vô hiệu để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại: nếu mỗi bên đều có lỗi tương đương nhau thì mỗi bên phải chịu ½ giá trị thiệt hại; nếu mức độ lỗi của họ không tương đương nhau thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định theo mức độ lỗi của mỗi bên.

Hiện nay, vấn đề xác định thiệt hại của hợp đồng dân sự vô hiệu nói chung chưa được hướng dẫn cụ thể nhưng nếu dựa trên các quy định tại điểm c tiểu mục 2.3 mục 2 phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/04/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về xác định thiệt hại của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và điểm c tiểu mục 2.4 mục 2 phần I Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/04/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về xác định thiệt hại của hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu thì có thể xác định thiệt hại trong hợp đồng vô hiệu nói chung bao gồm:


  • Khoản tiền mà các bên bỏ ra để khôi phục lại tình trạng ban đầu khi tài sản là đối tượng của hợp đồng bị vô hiệu bị hư hỏng;

  • Khoản tiền mà các bên bỏ ra để làm tăng giá trị của tài sản là đối tượng của hợp đồng bị vô hiệu;

  • Khoản tiền chênh lệch giá do các bên thỏa thuận với giá trị tài sản tại thời điểm xét xử sơ thẩm;

  • Các thiệt hại khác (nếu có).

Như vậy, hợp đồng dân sự vô hiệu sẽ dẫn tới nhiều hậu quả pháp lý bất lợi, do đó ngay khi xác lập hợp đồng các bên cần tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của một hợp đồng nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại phát sinh trong quá trình thực hiện. 

CHƯƠNG III

CHẾ ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI

TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM
Trong thực tiễn đời sống xã hội, hợp đồng thương mại là một công cụ cần thiết và quan trọng để các bên cụ thể hóa nguyện vọng của mình trong các giao dịch có tính chất kinh doanh, đầu tư hay thương mại. Ở Việt Nam, pháp luật về kinh doanh, thương mại được thể hiện ở rất nhiều văn bản khác nhau chẳng hạn LTM, Luật Xây dựng, Luật Dầu khí, LDN, Luật Đầu tư…. Do vậy, chế định về hợp đồng trong pháp luật kinhd doanh và thương mại ở Việt Nam khá phong phú nhưng cũng thể hiện tính tản mát và không đồng nhất. Trong phạm vi của chuyên đề này, người viết chủ yếu tập trung phân tích các chế định về hợp đồng trong pháp luật thương mại, chủ yếu là trong LTM.

I. KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI

Như trên đã trình bày, trong LTM hiện hành của Việt Nam không có khái niệm hợp đồng thương mại, nhưng có thể hiểu hợp đồng thương mại là hình thức pháp lý của hành vi thương mại, là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên (ít nhất một trong các bên phải là thương nhân hoặc các chủ thể có tư cách thương nhân) nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện hoạt động thương mại.

Các hoạt động thương mại ở đây được xác định theo LTM, cụ thể tại Điều 1 LTM, theo đó bao gồm : hoạt động thương mại thực hiện trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam; hoạt động thương mại thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam trong trường hợp các bên thỏa thuận chọn áp dụng Luật này hoặc Luật nước ngoài, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó áp dụng luật này.

Hợp đồng thương mại mang những đặc điểm cố hữu của hợp đồng nói chung, đồng thời mang những nét đặc trưng nhất định, trong đó có nổi bật các yếu tố cơ bản như sau:

 Thứ nhất, về chủ thể: hợp đồng thương mại được thiết lập giữa các chủ thể là thương nhân. Theo quy định của LTM, thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Điểm mấu chốt là tất cả chủ thể của quan hệ hợp đồng thương mại (thương nhân) đều phải có đăng ký kinh doanh. Thương nhân là chủ thể của hợp đồng kinh doanh, thương mại có thể là thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài. LTM quy định về thương nhân nói chung và thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam.

Thứ hai, về hình thức: hợp đồng thương mại có thể được thiết lập dưới hình thức văn bản, lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể của các bên giao kết. Trong những trường hợp nhất định, pháp luật bắt buộc các bên phải thiết lập hợp đồng thương mại bằng hình thức văn bản (Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, hợp đồng dịch vụ khuyến mại, quảng cáo, hội chợ, triển lãm thương mại...). LTM cho phép các bên hợp đồng có thể thay thế hình thức thức văn bản bằng các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu.

Thứ ba, về nội dung và mục đích của hợp đồng kinh doanh thương mại: mục đích của các bên trong hợp đồng kinh doanh, thương mại là lợi nhuận. Trường hợp có chủ thể hợp đồng không nhằm mục đích lợi nhuận giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam, thì hợp đồng được áp dụng LTM khi bên không nhằm mục đích lợi nhuận lựa chọn áp dụng LTM.

II. PHÂN LOẠI HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI

Trên thực tế có nhiều cách để phân loại hợp đồng thương mại dựa vào các đặc điểm của loại hợp đồng này. Tuy nhiên, ở góc độ khái quát, hợp đồng thương mại có thể chia thành những nhóm chủ yếu như sau:



Một là, hợp đồng mua bán hàng hóa: Hợp đồng mua bán hàng hóa là một loại hợp đồng thương mại rất phổ biến và khá điển hình. Trong quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa, các bên liên quan thường có nhu cầu thỏa thuận về giá cả, hàng hóa, phương thức giao hàng, phương thức thanh toán… Khi các bên cụ thể hóa các điều khoản cần thiết và ghi nhận các điều khoản đó một cách cụ thể để giao kết, hợp đồng mua bán được hình thành. Hợp đồng mua bán hàng hóa khá đa dạng trên thực tế, bao gồm hợp đồng mua bán hàng hóa không có yếu tố quốc tế (diễn ra giữa các tổ chức, cá nhân trong nước); hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (thực hiện thông qua các giao dịch xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu) và hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa (hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn).

Hai là, hợp đồng dịch vụ: Khác với hợp đồng mua bán hàng hóa có đối tượng chính là hàng hóa, hợp đồng dịch vụ có đối tượng là dịch vụ cụ thể được bên cung cấp dịch vụ cấp cho bên yêu cầu dịch vụ. Hợp đồng dịch vụ cũng có nhiều loại, chủ yếu bao gồm: Hợp đồng cung ứng dịch vụ liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (hợp đồng trong các hoạt động xúc tiến thương mại, trung gian thương mại, các hoạt động thương mại cụ thể khác); các hợp đồng cung ứng dịch vụ chuyên ngành (hợp đồng dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, đào tạo, du lịch...).

Ba là, những hợp đồng trong các hoạt động đầu tư, thương mại đặc thù khác: Như đã trình bày ở trên, các mối quan hệ xã hội diễn ra khá đa dạng, phức tạp và cũng rất phong phú. Do vậy, hợp đồng để cụ thể hóa các giao dịch hay các mối quan hệ xã hội đó cũng rất đa dạng. Các hợp đồng trong hoạt động đầu tư, thương mại mang những nét đặc thù riêng phụ thuộc vào bản chất mối quan hệ, mục đích giao kết hợp đồng của các bên liên quan hay quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết. Các hợp đồng này cũng được điều chỉnh bởi một số luật chuyên ngành. Ví dụ, hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (còn gọi là Hợp đồng BOT) được điều chỉnh bởi pháp luật về đầu tư, hay Hợp đồng chuyển nhượng dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp được điều chỉnh bởi pháp luật về đất đai và kinh doanh bất động sản.

III. GIAO KẾT HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI

Hợp đồng thương mại được giao kết bằng việc chấp nhận một đề nghị hoặc bằng thái độ thể hiện đầy đủ sự thống nhất ý chí của các bên. Theo nguyên tắc chung, hợp đồng được giao kết khi các bên có sự thống nhất về ý chí, được thể hiện bằng việc chấp thuận các điều, khoản mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.



1. Nguyên tắc giao kết hợp đồng thương mại

Về cơ bản, các nguyên tắc giao kết hợp đồng thương mại cũng giống như các nguyên tắc giao kết hợp đồng thông thường. Các nguyên tắc này tôn trọng quyền tự do thỏa thuận, các quyền bình đẳng của các chủ thể trong giao kết hợp đồng thương mại. Mặc dù pháp luật về thương mại nói chung và LTM năm 2005 nói riêng không có các điều khoản quy định trực tiếp về các nguyên tắc giao kết hợp đồng thương mại một cách cụ thể; tuy nhiên LTM cũng khái quát hóa các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại để từ đó các bên giao kết hợp đồng thương mại có thể xem xét việc dẫn. Cụ thể, Điều 11 LTM quy định: “Các bên có quyền tự do thoả thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó.”

Như vậy cũng giống như nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự, pháp luật thừa nhận sự tự do thỏa thuận của các bên giao kết hợp đồng thương mại miễn là các thỏa thuận đó không trái với quy định của pháp luật, không đi ngược thuần phong mỹ tục hay các nguyên tắc đạo đức cơ bản của xã hội. Bên cạnh đó, trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào.

2. Chủ thể và người đại diện giao kết hợp đồng

Như đã phân tích ở trên, một trong những đặc điểm của hợp đồng thương mại là nó được ký kết giữa các thương nhân mà theo quy định của Điều 6 LTM, “bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.” Chính vì đặc điểm này mà khi thương nhân thực hiện giao kết hợp đồng thương mại thì lại đặt ra vấn đề ai là người đại diện cho thương nhân tiến hành thực hiện giao kết hợp đồng.

Trong một doanh nghiệp thì việc ký hợp đồng sẽ được giao cho người đại diện thực hiện. Theo quy định của pháp luật thì có hai loại đại diện: đại diện đương nhiên theo pháp luật và đại diện theo uỷ quyền. Theo quy định của LDN thì người đại diện đương nhiên theo pháp luật của các doanh nghiệp được xác định như sau:



  • Đối với doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại điện theo pháp luật.

  • Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn (“TNHH”) một thành viên, Công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên, công ty cổ phần thì người đại diên theo pháp luật là Tổng giám đốc (Giám đốc), trừ trường hợp điều lệ công ty quy định chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật.

  • Đối với công ty hợp danh thì người đại diện theo pháp luật là các thành viên hợp danh.

Như vậy, người đại diện theo pháp luật họ có quyền nhân danh doanh nghiệp để ký kết hợp đồng. Điều đó cũng có nghĩa là tất cả những người khác trong doanh nghiệp dù giữ bất cứ chức vụ gì đều không có quyền tự mình ký hợp đồng nhân danh doanh nghiệp mà họ chỉ có quyền ký hợp đồng theo sự uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật và chỉ được ký hợp đồng trong phạm vi uỷ quyền.

Tuy nhiên trên thực tế không phải tất cả các doanh nghiệp đều thực hiện theo đúng những quy định của pháp luật, có rất nhiều trường hợp Phó giám đốc, trưởng phòng, trưởng chi nhánh, trưởng các bộ phận ký hợp đồng không được sự uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật. Cũng có trường hợp có giấy uỷ quyền nhưng người ký hợp đồng đã ký vượt quá phạm uy uỷ quyền, hay giấy uỷ quyền không còn thời hạn uỷ quyền. Tất cả những trường hợp trên, nếu căn cứ vào quy định của pháp luật thì hợp đồng có nhiều khả năng bị tuyên bố vô hiệu, mà hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu sẽ gây ra thiệt hại cho một bên hoặc cả hai bên. Nguyên nhân xã ra tình trạng này là do trong quá trình hợp tác các bên thường tin tưởng và không quan tâm nhiều đến khía cạnh pháp lý khi giao kết hợp đồng. Do vậy, để đảm bảo tránh rủi ro, các bên cần xem xét kỹ thẩm quyền đại diện của người ký kết hợp đồng thương mại trong từng giao dịch cụ thể.



3. Phương thức giao kết hợp đồng thương mại

Một hợp đồng thương mại có thể được hình thành theo bất cứ cách thức nào, theo đó chứng tỏ giữa các bên đã đạt được sự thỏa thuận. Thời điểm giao kết hợp đồng thương mại là thời điểm mà các bên đã đạt được sự thỏa thuận. Trong quá trình xác lập hợp đồng trong kinh doanh, thương mại, các vấn đề pháp lý cơ bản cần được làm rõ là:

(i) Đề nghị giao kết hợp đồng;

(ii) Chấp nhận đề nghị hợp đồng;

iii) Thời điểm giao kết và hiệu lực của hợp đồng.

Những vấn đề này không được LTM quy định cụ thể, vì vậy các quy định của BLDS sẽ được áp dụng đối với việc giao kết hợp đồng trong kinh doanh, thương mại.



a) Đề nghị giao kết hợp đồng trong kinh doanh, thương mại

Đề nghị giao kết hợp đồng nói chung có bản chất là hành vi pháp lý đơn phương của một chủ thể, có nội dung bày tỏ ý định giao kết hợp đồng với chủ thể khác theo những điều kiện xác định. Từ quy định của Điều 390 BLDS, có thể định nghĩa đề nghị giao kết hợp đồng kinh doanh, thương mại là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể.

BLDS cũng như LTM không quy định về hình thức của đề nghị giao kết hợp đồng trong kinh doanh, thương mại, song có thể dựa vào quy định về hình thức của hợp đồng (Điều 24 LTM) để xác định hình thức của đề nghị giao kết hợp đồng, theo đó đề nghị giao kết hợp đồng có thể được thể hiện bằng văn bản, lời nói hoặc hành vi cụ thể hoặc kết hợp giữa các hình thức này.

Đề nghị giao kết hợp đồng được gửi đến cho một hay nhiều chủ thể đã xác định. Hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng thông thường được bên đề nghị ấn định. Trường hợp bên đề nghị không ấn định thời điểm có hiệu lực của đề nghị hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó. Căn cứ xác định bên được đề nghị đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng là:

(i) Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú (bên được đề nghị là cá nhân) hoặc trụ sở của bên được đề nghị (trường hợp bên được đề nghị là pháp nhân);

(ii) Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị;

(iii) Bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức  khác.

Bên đề nghị phải chịu trách nhiệm về đề nghị của mình. Trong thời hạn đề nghị hợp đồng có hiệu lực, nếu bên được đề nghị thông báo chấp nhận vô điều kiện đề nghị hợp đồng thì hợp đồng trong kinh doanh, thương mại hình thành và ràng buộc các bên. Nếu các bên không thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng thì phải chịu các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng.

Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi hoặc rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong các trường hợp:

(i) Bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;

(ii) Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.

Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng thực hiện quyền huỷ bỏ đề nghị do đã nêu rõ quyền này trong đề nghị thì phải thông báo cho bên được đề nghị và thông báo này chỉ có hiệu lực khi bên được đề nghị nhận được thông báo trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp:

(i) Bên nhận được đề nghị trả lời không chấp nhận;

(ii) Hết thời hạn trả lời chấp nhận;

(iii) Thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;

(iv) Thông báo về việc huỷ bỏ đề nghị có hiệu lực;

(v) Theo thoả thuận của bên đề nghị và bên nhận được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời.



b) Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng trong kinh doanh, thương mại

Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị. Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng được xác định khác nhau trong các trường hợp sau:



  • Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; Nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời. Trong trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị.

  • Khi các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả trong trường hợp qua điện thoại hoặc qua các phương tiện khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp có thoả thuận về thời hạn trả lời.

Bên được đề nghị giao kết hợp đồng có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng, nếu thông báo này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng.

c) Thời điểm giao kết hợp đồng trong kinh doanh, thương mại

Về nguyên tắc chung, hợp đồng trong kinh doanh, thương mại được giao kết vào thời điểm các bên đạt được sự thỏa thuận. Thời điểm giao kết hợp đồng được quy định khác nhau phụ thuộc vào cách thức giao kết và hình thức của hợp đồng. Theo Điều 404 BLDS, có thể xác định thời điểm giao kết hợp đồng kinh doanh, thương mại theo các trường hợp sau:



  • Hợp đồng được giao kết trực tiếp bằng văn bản: thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản;

  • Hợp đồng được giao kết gián tiếp bằng văn bản (thông qua các tài liệu giao dịch): thời điểm đạt được sự thỏa thuận được xác định theo thuyết "tiếp nhận", theo đó, hợp đồng được giao kết khi bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng;

  • Hợp đồng được giao kết hợp đồng bằng lời nói: thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng. Các bên có thể sử dụng những biện pháp, chứng cứ hợp pháp để chứng minh việc "các bên đã thỏa thuận" về nội dung của hợp đồng trong kinh doanh, thương mại bằng lời nói.

Ngoài ra, sự im lặng của bên được đề nghị cho đến khi hết thời hạn trả lời cũng có thể là căn xác định hợp đồng thương mại đã được giao kết, nếu có thoả thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng. Hợp đồng thương mại có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác

IV. NỘI DUNG HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI

Nội dung của hợp đồng nói chung và hợp đồng thương mại nói riêng là tổng hợp các điều khoản mà các bên tham gia giao kết hợp đồng đã thỏa thuận, các điều khoản này xác định những quyền và nghĩa vụ dân sự cụ thể của các bên giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, sự khác biệt cơ bản của hợp đồng thương mại với HĐDS là nội dung của hợp đồng thương mại luôn luôn đề cập hoặc liên quan đến các hoạt động thương mại. Mặc dù vậy, mỗi loại hợp đồng thương mại lại có những quy định riêng về các điều khoản cơ bản. Ví dụ: Đối với hợp đồng mua bán thì điều khoản cơ bản bao gồm đối tượng và giá cả.

Pháp luật đề cao sự thỏa thuận giữa các bên giao kết, tuy nhiên nội dung của hợp đồng phải tuân theo những quy định của pháp luật hợp đồng nói chung, được quy định tại BLDS. Loại trừ những điều khoản của pháp luật có nội dung mang tính bắt buộc, các bên có thể thỏa thuận với nhau những nội dung khác với nội dung quy định trong pháp luật. Nội dung của hợp đồng thương mại là các điều khoản do các bên thoả thuận, thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng. Trong thực tiễn, các bên thoả thuận nội dung hợp đồng càng chi tiết thì càng thuận lợi cho việc thực hiện hợp đồng.

Việc pháp luật quy dịnh nội dung của hợp đồng thương mại có ý nghĩa hướng các bên tập trung vào thoả thuận những nội dung quan trọng của hợp đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện, đồng thời phòng ngừa những tranh chấp xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. LTM hiện hành không quy định các bên phải thoả thuận những nội dung cụ thể nào trong hợp đồng kinh doanh, thương mại có thể xác định dựa trên những quy định mang tính “khuyến nghị”, “định hướng” của pháp luật, thói quen và tập quán thương mại, nhưng trong điều kiện nhận thức của nhà kinh doanh còn nhiều hạn chế, thì điều này tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những rủi ro pháp lý, những tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, thương mại.

Trên cơ sở các quy định của BLDS và LTM, xuất phát từ tính chất của quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, có thể thấy những điều khoản quan trọng của hợp đồng thương mại bao gồm: Đối tượng, chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán, thời hạn và địa điểm thực hiện hợp đồng. Cũng cần lưu ý rằng, đối với từng loại hợp đồng cụ thể, pháp luật có thể quy định về những nội dung bắt buộc phải có (nội dung chủ yếu) của hợp đồng.

V. HÌNH THỨC HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI

Tùy theo từng loại kinh doanh mà luật qui định những hợp đồng thương mại tương ứng với những hình thức khác nhau như:



  • Đối với hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa và hình thức của hợp đồng dịch vụ (đây là hai loại hoạt động thương mại chủ yếu, quan trọng nhất của xã hội và có nhiều tranh chấp nhất) thì nó được thể hiện đa dạng: bằng văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể, trừ những trường hợp cụ thể pháp luật qui định phải được thành lập bằng văn bản.

  • Hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động trung gian thương mại; Hợp đồng dịch vụ khuyến mãi; Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại; Hợp đồng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hóa dịch vụ; Hợp đồng dich vụ tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại; Hợp đồng đại diện cho thương nhân; Hợp đồng ủy thác; Hợp đồng đại lý; Hợp đồng gia công; Hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hóa; Hợp đồng dich vụ quá cảnh; Hợp đồng nhượng quyền thương mại đều bắt buộc phải được thể hiện bằng hình thức văn bản hoặc hình thức khác có giá trị tương đương (thông điệp dữ liệu, điện báo, telex, fax…).

Mặc dù pháp luật về thương mại cho phép hợp đồng thương mại được lập bằng nhiều hình thức khác nhau tùy theo tính chất và mục đích của hợp đồng (miệng, văn bản, tele, fax…) nhưng các hợp đồng thương mại phần lớn là hợp đồng có giá trị lớn, có nội dung phức tạp, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng đi đôi với nhau… và do vậy phần lớn các hợp đồng thương mại, trên thực tế, được thiết lập theo hình thức văn bản.

VII. ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI

LTM không quy định cụ thể các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực. Vì vậy, khi xem xét hiệu lực của hợp đồng trong kinh doanh, thương mại, cần dựa trên các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự quy định trong BLDS. Căn cứ vào quy định của BLDS (Điều 122) và các quy định có liên quan, có thể xác định một hợp đồng trong kinh doanh, thương mại có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:



Thứ nhất, người tham gia giao kết hợp đồng thương mại phải có năng lực giao kết (năng lực hành vi dân sự). Hành vi giao kết hợp đồng sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý cho các bên, do vậy để hợp đồng có hiệu lực pháp lý và có khả năng thực hiện, người giao kết hợp đồng phải có khả năng nhận thức hành vi giao kết hợp đồng cũng như hậu quả của việc giao kết hợp đồng. Đối với cá nhân, tổ chức giao kết hợp đồng phải đúng thẩm quyền.

Thứ hai, mục đích và nội dung của hợp đồng thương mại không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Mục đích của hợp đồng là những lợi ích hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi giao kết hợp đồng. Nội dung của hợp đồng bao gồm các điều khoản mà các bên đã thỏa thuận, thống nhất. Để hợp đồng có hiệu lực và có khả năng thực hiện, pháp luật quy định mục đích, nội dung của hợp đồng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Ví dụ: Hàng hóa, dịch vụ là đối tượng của hợp đồng không bị cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tùy thuộc vào từng giai đoạn của nền kinh tế, xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước mà những hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh được pháp luật quy định một cách phù hợp. Hiện nay, hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện được quy định tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 quy định chi tiết thi hành LTM11.



Thứ ba, hợp đồng thương mại được giao kết đảm bảo các nguyên tắc của hợp đồng theo quy định của pháp luật. Việc quy định nguyên tắc giao kết hợp đồng nhằm đảm bảo sự thỏa thuận của các bên phù hợp với ý chí thực của họ, hướng đến những lợi ích chính đáng của các bên, đồng thời không xâm hại đến những lợi ích mà pháp luật cần bảo vệ. Theo quy định của BLDS, việc giao kết hợp đồng nói chung và hợp đồng thương mại nói riêng phải tuân theo các nguyên tắc: tự do giao kết những không trái pháp luật và đạo đức xã hội: tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng. Những hành vi cưỡng ép, đe dọa, lừa dối để giao kết hợp đồng... là lý do dẫn đến hợp đồng bị coi là vô hiệu.

Thứ tư, nếu pháp luật có quy định về hình thức của hợp đồng thương mại thì phải tuân theo quy định này. Thông thường đó là quy định hợp đồng phải được lập thành văn bản và/hoặc văn bản hợp đồng phải được đăng ký, chứng thực. Trong trường hợp này, hình thức của hợp đồng là điều kiện có hiệu lực, khi giao kết các bên phải tuân theo hình thức được pháp luật quy định. Để hợp đồng thương mại có hiệu lực, các bên phải xác lập hợp đồng theo những hình thức được pháp luật thừa nhận. Theo Điều 24 LTM, hợp đồng thương mại được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó. Như vậy, trường hợp các bên không tuân thủ hình thức hợp đồng khi pháp luật bắt buộc phải thỏa thuận bằng văn bản (ví dụ: hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng mua bán nhà ở nhằm mục đích kinh doanh..., sẽ là lý do dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu).

VIII. PHẠT VI PHẠM VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI

1. Phạt vi phạm

Đây là điều khoản rất quan trọng nhằm bảo vệ lợi ích cho bên bị vi phạm trong trường hợp xảy ra vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên theo Điều 300 và Điều 301 LTM, biện pháp phạt vi phạm hợp đồng chỉ được áp dụng khi các bên có thoả thuận trong hợp đồng và tổng mức phạt do các bên thoả thuận trong hợp đồng không vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm trừ trường hợp vi phạm do kết quả giám định sai.

Điều khoản này xem chừng đơn giản nhưng thực chất lại rất quan trọng trong việc giao kết, thực hiện hợp đồng và giải quyết tranh chấp khi phát sinh. Mặc dù vậy khi ký kết hợp đồng rất nhiều chủ thể giao kết lại không quan tâm hoặc quan tâm không đúng mức điều khoản này. Do đó khi có những vấn đề phát sinh, một bên có thể vô ý hoặc cố ý vi phạm hợp đồng nhưng bên kia lại không thể có biện pháp bảo vệ lợi ích cho mình. Và trên thực tế có rất nhiều hợp đồng khi đi vào thực hiện, khi có những sự thay đổi về giá cả, nguyên vật liệu, biến động của thị trường, có thể một bên biết chắc rằng họ vi phạm hợp đồng nhưng vẫn cố tình vi phạm, bởi vì khi xem xét về hợp đồng thì điều khoản phạt vi phạm lại không được các bên đưa vào hợp đồng hoặc có đưa vào nhưng mức phạt lại rất thấp mà nếu mức phạt rất thấp thì dù cho họ vi phạm nhưng có thể vẫn kiếm được lợi nhuận rất lớn từ hợp đồng này.

Ví dụ : Công ty A ký một hợp đồng mua bán với Công ty B, theo đó Công ty A đồng ý mua của Công ty B 10.000 tấn gạo giá 500 Đô-la Mỹ 1 tấn và hợp đồng được ký ngày 10/07/2007 với thời gian thực hiện hợp đồng này là ngày 28/03/2008. Tuy nhiên đến thời gian thực hiện hợp đồng thì giá gạo lại tăng đến 800 USD 1 tấn. Và lúc này bên A đề nghị bên B ký phụ lục hợp đồng tăng mức giá lên 800 USD 1 tấn nhưng bên B không đồng ý, vì vậy, bên A không thực hiện hợp đồng với bên B mà chuyển qua ký hợp đồng với bên C với mức giá là 800 USD. Tuy nhiên, nếu trong hợp đồng giữa công ty A và Công ty B không có điều khoản phạt vi phạm hợp đồng thì trong trường hợp này bên A không phải chịu bất cứ một mức phạt nào đối với bên B.

Với quy định về mức độ phạt, một điểm đáng lưu ý là nếu pháp luật về dân sự không khống chế mức phạt và các bên giao kết HĐDS được tự do thỏa thuận về mức phạt thì LTM lại khống chế mức phạt ở 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Như vậy, một khi vi phạm hợp đồng thương mại diễn ra, các bên giao kết nhất thiết phải xem xét đến “giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm” để xác định một cách chính xác giá trị khoản phạt. Một điều đáng lưu ý là mức vi phạm không phải là 8% giá trị của hợp đồng (mà chỉ là 8% phần giá trị hợp đồng bị vi phạm) trừ khi hợp đồng đó bị vi phạm toàn bộ thì 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm chính là 8% giá trị của hợp đồng. Có thể xem xét hai ví dụ sau đây:

Ví dụ 1: Công ty A ký kết hợp đồng mua bán máy móc thiết bị với công ty B trị giá 100 triệu đồng, theo đó, A có nghĩa vụ bán máy móc thiết bị và bàn giao các máy móc và thiết bị này cho B vào ngày 1/1/2011. Sau khi nhận được máy móc thiết bị của A, các bên thỏa thuận B có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng cho A vào ngày 5/1/2011, nếu có bên nào vi phạm nghĩa vụ của mình theo hợp đồng thị bị phạt theo mức 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm. Hết ngày 5/1/2011, B không thực hiện thanh toán, như vậy, B vi phạm thỏa thuận thanh toán trong hợp đồng. Trong trường hợp này B vi phạm “toàn bộ” thỏa thuận về thanh toán giá trị hợp đồng và do vậy có thể bị áp dụng chế tài phạt vi phạm mà hai bên đã thỏa thuận. Cụ thể, B phải thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng cho A kèm khoản phạt bằng 8% giá trị của hợp đồng bị vi phạm (toàn bộ giá trị hợp đồng), tức là 8 triệu đồng.

Ví dụ 2: cũng với bối cảnh ở Ví dụ 1 ngay trên, nếu đến ngày 5/1/2011, B chỉ trả cho A 50 triệu đồng mà không thực hiện thanh toán phần giá trị hợp đồng còn lại cho A. Trong trường hợp này, phần “nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm” không phải là toàn bộ giá trị hợp đồng mà là khoản tiền còn lại mà B không thực hiện thanh toán (vi phạm), tức là 50 triệu đồng. Theo thỏa thuận trong hợp đồng, B rõ ràng vi phạm nghĩa vụ thanh toán do vậy B phải trả khoản tiền còn lại (50 triệu) cho A kèm với khoản phạt bằng 8% của 50 triệu, tức là 4 triệu đồng.

2. Bồi thường thiệt hại

Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại được quy định tại điều 302 LTM: “Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm”.

LTM có đưa quy định về điều khoản bồi thường thiệt hại, theo đó thì điều khoản này không nhất thiết phải thoả thuận trong hợp đồng để có thể được áp dụng khi có vi phạm và có thiệt hại. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, bên bị vi phạm phải chứng minh được thiệt hại, đồng thời thiệt hại này phải là nguyên nhân trực tiếp từ hành vi vi phạm của bên vi phạm. Thực chất thì việc chứng minh này gặp rất nhiều khó khăn và bên phải chứng minh là bên bị vi phạm. Có ba điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường hợp đồng thương mại (Điều 303 LTM) như sau:


  • Có hành vi vi phạm hợp đồng

  • Có thiệt hại thực tế

  • Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

Vi phạm hợp đồng là việc không thực hiện hợp đồng hoặc thực hiện không đúng hợp đồng. Vấn đề khá đơn giản để xác định thế nào là một vi phạm hợp đồng, nếu các thỏa thuận trong hợp đồng đều rõ ràng và các bên hiểu giống nhau về từng điều khoản trong hợp đồng. Vấn đề trở nên phức tạp khi thỏa thuận của hợp đồng không rõ ràng. Đến lúc đó, các bên có thể xảy ra tranh cãi xem thế nào là vi phạm hợp đồng hoặc hành vi nào cấu thành vi phạm hợp đồng và có thể áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại.

Về vấn đề lỗi, pháp luật nhiều nước không cho rằng yếu tố lỗi là yếu tố đề xác định bồi thường thiệt hại. Song trong pháp luật Việt Nam có một điểm bất cập rằng: điều 303 LTM 2005 không coi yếu tố lỗi để quy kết trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trong khi đó theo khoản 1 điều 308 BLDS 2005 thì người không thưc hiện nghĩa vụ dân sự chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi, tức là ngoài 3 điều kiện kể trên thì cần thêm 1 điều kiện nữa mới làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là “có lỗi của bên vi phạm.” Như vậy đây là sự thiếu đồng bộ to lớn trong các quy định liên quan đến chế tài giữa BLDS 2005 và LTM 2005 là 2 đạo luật trụ cột điều chỉnh các quan hệ dân sự thương mại của xã hội.

Thiệt hại là những gì một bên mất đi và những gì đáng lẽ ra họ nhận được nhưng do vi phạm hợp đồng của phía bên kia nên họ đã không thể nhận được. Thiệt hại bao gồm thiệt hại thực tế và thiệt hại phát sinh. Về cách tính thiệt hại, nếu các bên không có thỏa thuận, pháp luật Việt Nam quy định khá chi tiết cách tính. (Cần lưu ý rằng LTM không quy định về cách tính thiệt hại nên có thể tham khảo từ Điều 608 đến Điều 612 BLDS).

Cũng có trường hợp ngoại lệ là khi có vi phạm hợp đồng, có thiệt hại xảy ra nhưng không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường. Đó là việc vi phạm hợp đồng do sự kiện bất khả kháng. Bất khả kháng là sự kiện mà các bên không thể lường trước được, tức là nằm ngoài hoàn toàn khả năng tính toán của các bên. Thường có 3 loại sự kiện bất khả kháng:



  • Thiên tai: ví dụ: gió, bão, động đất, núi lửa tuôn trào...nên A không thể giao hàng cho B đúng thời hạn như đã thỏa thuận.

  • Chiến tranh: Ví dụ: vì chiến tranh Iraq năm 2003, doanh nghiệp Việt Nam không thể giao hàng tại Iraq như đã thỏa thuận.

  • Quyết định chính trị, thay đổi pháp luật: Ví dụ: B không thể nhận hàng nhập khẩu vào Việt Nam, vì Nhà nước Việt Nam đã cấm nhập khẩu loại hàng hóa mà khi A và B thỏa thuận mua bán chưa bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam.

Khi có sự kiện bất khả kháng, nếu muốn được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bên có trách nhiệm bồi thường phải yêu cầu một cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận về sự kiện bất khả kháng. Pháp luật các nước quy định khác nhau về vấn đề này, nhưng nói chung quyền xác nhận sự kiện bất khả kháng thường do Phòng thương mại và công nghiệp thực hiện.

IX. HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI VÔ HIỆU

LTM hiện hành không có quy định về các trường hợp hợp đồng thương mại vô hiệu và hậu quả pháp lý đối với hợp đồng thương mại bị vô hiệu. Tuy nhiên, có thể áp dụng các quy định của BLDS về trường hợp HĐDS vô hiệu và xử lý HĐDS vô hiệu trong BLDS để xử lý các trường hợp vô hiệu của hợp đồng thương mại (xem thêm tại Mục IX – HĐDS vô hiệu – Chương II – Chế định về hợp đồng dân sự trong pháp luật Việt Nam)



CHƯƠNG IV

CHẾ ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Ngoài quy định về hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại được cụ thể hóa khá chi tiết tại Bộ luật Dân sự và Luật thương mại, một dạng hợp đồng cũng rất quan trọng và phổ biến trong đời sống xã hội là hợp đồng lao động. Đây là thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc làm có trả công, quyền và nghĩa vụ của các bên, điều kiện làm việc, nghỉ ngơi, các chế độ phúc lợi xã hội…Do tầm quan trọng của mình, hợp đồng lao động được bố trí thành một chương riêng (Chương III) trong Bộ luật Lao động năm 2012, Gồm 48 Điều (từ Điều 15 đến Điều 58), chia thành 5 mục: Mục 1 quy định về giao kết hợp đồng lao động, Mục 2 quy định về thực hiện hợp đồng lao động, Mục 3 quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động, Mục 4 quy định về hợp đồng lao động vô hiệu và Mục 5 quy định về cho thuê lại lao động. Ngoài các chế định về hợp đồng lao động được ghi nhận trong Bộ luật Lao động hiện hành, Chính phủ còn ban hành nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động và đi kèm là một số thông tư hướng dẫn về một số chế định lao động cụ thể của của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.



I. KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Каталог: tl-pbgdpl -> Lists -> DacSan -> Attachments
Attachments -> HỘI ĐỒng phối hợp phổ biếN, giáo dục pháp luật trung ưƠng đẶc san tuyên truyền pháp luật số: 06/2013 chủ ĐỀ quyền con ngưỜI
Attachments -> Công ưỚc liên hợp quốc về chống tham nhũng và VẤN ĐỀ hoàn thiện pháp luật việt nam
Attachments -> ChuyêN ĐỀ thông tin về diễN ĐÀn hợp tác kinh tế châU Á-thái bình dưƠng (apec)
Attachments -> ĐẶc san tuyên truyền pháp luật số: 10 chủ ĐỀ CÔng nghiệp quốc phòNG
Attachments -> HỘI ĐỒng phối hợP
Attachments -> HỘI ĐỒng phối hợp phổ biếN, giáo dục pháp luật trung ưƠng đẶc san tuyên truyền pháp luật số: 08 /2013 chủ ĐỀ pháp luậT ĐIỆn lựC

tải về 0.54 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương