ĐẶc san tuyên truyền pháp luật số: 10 chủ ĐỀ CÔng nghiệp quốc phòNG



tải về 323.85 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích323.85 Kb.
#29572
  1   2   3   4
HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP CÔNG TÁC

PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CỦA CHÍNH PHỦ



ĐẶC SAN

TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT

Số: 10


CHỦ ĐỀ

CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG


HÀ NỘI - NĂM 2008

Nhóm tác giả:

1. Phạm Đức Hoài - Vụ Pháp chế , Bộ Quốc phòng


2. Hà Chính Cương - Tổng cục Công nghiệp quôc phòng, Quốc phòng

Phần thứ nhất

CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

I. KHÁI NIỆM, VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG


1. Khái niệm:

Để tiếp cận vị trí, vai trò của công nghiệp quốc phòng, trước hết cần làm rõ khái niệm công nghiệp, công nghiệp quốc phòng, sự giống và khác nhau giữa hai khái niệm này.

Theo Từ điển tiếng Việt năm 1994 do Nhà xuất bản Khoa học xã hội - Trung tâm từ điển học thì khái niệm công nghiệp được hiểu là ngành chủ đạo của nền kinh tế quốc dân hiện đại, bao gồm các xí nghiệp khai thác và chế biến nguyên vật liệu và nhiên liệu, chế tạo công cụ lao động, khai thác rừng, sông, biển, chế biến sản phẩm của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp v.v.

Theo Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam năm 2004 do Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân phát hành thì khái niệm công nghiệp quốc phòng được hiểu là bộ phận của kinh tế quân sự và của nền công nghiệp đất nước, có chức năng sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị và sản xuất các vật tư, trang bị hậu cần cần thiết cho lực lượng vũ trang. Công nghiệp quốc phòng gồm các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng và các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ. Sự phát triển công nghiệp quốc phòng phụ thuộc vào chế độ chính trị, tình hình kinh tế - xã hội, sự phát triển khoa học công nghệ của mỗi nước. Công nghiệp quốc phòng còn sản xuất sản phẩm dân dụng.

Như vậy, công nghiệp quốc phòng là bộ phận quan trọng của tiềm lực quốc phòng, đồng thời là bộ phận của công nghiệp quốc gia, có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, sửa chữa, cải tiến vũ khí - trang bị kỹ thuật (VKTBKT), trang bị hậu cần, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (QP-AN).

2. Vị trí, vai trò của công nghiệp quốc phòng

Là một phần quan trọng của thực lực và tiềm lực quốc phòng, an ninh, là bộ phận của công nghiệp quốc gia, Công nghiệp quốc phòng giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa lớn, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Có thể thấy, công nghiệp quốc phòng Việt Nam có một vị trí, vai trò vô cùng quan trọng không chỉ trong thời chiến mà cả trong thời bình với các nhiệm vụ sau:

- Sản xuất ra vũ khí, thiết bị kỹ thuật (VKTBKT), tạo yếu tố vật chất quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh quân sự của đất nư­ớc để ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh và chuẩn bị sẵn sàng đối phó thắng lợi với chiến tranh xâm lược của địch, đáp ứng yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

- Đóng vai trò nòng cốt trong động viên công nghiệp, huy động năng lực công nghiệp của cả n­ước sản xuất vũ khí, thiết bị kỹ thuật khi có nguy cơ xảy ra chiến tranh.

- Góp phần phát triển nghệ thuật quân sự n­ước ta, chế tạo các loại vũ khí phù hợp với đ­ường lối chiến tranh nhân dân và cách đánh của bộ đội ta trong điều kiện chiến tranh mới.

- Phát triển Công nghiệp quốc phòng sẽ cho phép từng b­ước giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhập ngoại VKTBKT, tăng c­ường khả năng tự lực, tự c­ường và giữ vững độc lập chủ quyền đất n­ước.

- Nghiên cứu, thiết kế công nghệ chế tạo VKTBKT, góp phần thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) chung của cả nư­ớc.

- Trong thời bình, Công nghiệp quốc phòng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội: thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) đất nước; cung cấp nhiều hàng hoá tiêu dùng và xuất khẩu, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ KHCN cho nền kinh tế quốc dân; đóng góp cho ngân sách nhà nư­ớc; bảo đảm đời sống ổn định cho đội ngũ lao động kỹ thuật trong các nhà máy quốc phòng; góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở vùng xa, địa bàn chiến l­ược, xây dựng các địa bàn dân cư­ an toàn vững mạnh.

II. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NỀN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG VIỆT NAM

1. Quá trình hình thành nền công nghiệp quốc phòng

Với nhãn quan chính trị – quân sự sắc bén, chỉ năm ngày sau khi tuyên bố Độc lập, ngày 07 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Bộ Tổng tham mưu để trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang cả nước. Tám ngày sau đó, ngày 15 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng - Cơ quan điều hành cao nhất của ngành Quân giới Việt Nam lúc bấy giờ - với hai nhiệm vụ: thu thập, mua sắm vũ khí và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí(1).

Để có tiền mua sắm vũ khí, chính phủ đã tổ chức tuần lễ vàng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ "Tuần lễ vàng sẽ thu góp số vàng trong nhân dân và nhất là của các nhà giàu có để dùng vào việc cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng"(1). Chính phủ đã giành một phần lớn trong số 370 kg vàng do nhân dân cả nước ủng hộ, giao cho Quân giới mua sắm vũ khí. Lúc này quân Nhật chờ giải giáp về nước và quân Tàu Tưởng ô hợp tham nhũng bán cả vũ khí để tiêu xài… cũng là một hướng quan trọng ta có thể mua vũ khí. Trong các chuyến mua vũ khí, đáng kể nhất là chuyến mua được hàng ngàn súng trường, súng máy của một tên chỉ huy quân Tàu Tưởng ở Hòa Bình đưa về Hà Nội; hoặc chuyến mua ở kho Đình Ấm (Vĩnh Yên) cũng của quân Tàu Tưởng, cả súng, đạn, bom, vật liệu chở đầy hai toa xe lửa đưa về ga Phúc Yên rồi chuyển về kho Quân giới.

Về tổ chức sản xuất vũ khí, lúc này Phòng Quân giới vừa đặt gia công chi tiết - bộ phận thay thế vũ khí - và sản xuất vũ khí thô sơ ngay từ các cơ sở công nghiệp ở Hà Nội như AVIA, STAI, Trường kỹ nghệ thực hành… vừa dần dần quản lý một số cơ sở xung quanh Hà Nội. Một bộ phận của xưởng Làng Chè chuyển về Đông Anh lập xưởng mới, chuyên sửa đạn con và nghiên cứu sản xuất hạt lửa. Xưởng kim khí cũ của hãng STAR (Hà Nội) được trưng dụng (25-10-1945) tổ chức thành "Sở công binh Việt Nam", chuyên sửa chữa các loại súng, cả đại bác, sản xuất vỏ lựu đạn gang và các chi tiết cơ khí của lựu đạn.

Gần 20 ngày sau khi ký Hiệp định sơ bộ (06-3-1946) ngày 25 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tổ chức lại cơ quan Bộ Quốc phòng, trong đó có Chế tạo Quân giới Cục, (tức Phòng Quân giới thành Cục Quân giới) kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng phát triển của ngành Quân giới.

Trong những tháng ngày đầu tiên hình thành và phát triển, ngành Quân giới Việt Nam đã được Bác Hồ kính yêu rất quan tâm chăm lo. Sau khi sớm quyết định tổ chức cơ quan đầu ngành Quân giới Việt Nam, kịp thời tổ chức quyên góp vàng bạc trong nhân dân để mua sắm vũ khí, tháng 9 năm 1946 khi sang Pháp đàm phán, Người đã trực tiếp lựa chọn đồng chí Phạm Quang Lễ, một người có đức, có tài, có nhiệt tình cách mạng và kiến thức khoa học về sản xuất vũ khí đưa về phụ trách ngành Quân giới Việt Nam. Người dặn "chú về phải lo ngay việc chế tạo vũ khí cho sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta. Sớm muộn, thế nào ta cũng phải đánh nhau với Pháp". Ngày 20 tháng 10 năm 1946, khi từ Pháp về đến cảng Hải Phòng, sau khi nghe báo cáo tình hình các công binh xưởng, Bác căn dặn: "cần phải đào tạo thêm nhiều công nhân hơn nữa thì mới sản xuất được nhiều vũ khí kịp cung cấp cho kháng chiến"(1). Tháng 10 năm 1946, Bác và Trung ương còn giao cho đồng chí Nguyễn Duy Thái làm Tổng giám đốc các binh công xưởng. Sau khi cử đồng chí Phạm Quang Lễ (vừa từ Pháp về được 1 tuần) lên Thái Nguyên cùng cán bộ, công nhân xưởng Giang Tiên tiếp tục nghiên cứu chế tạo đạn bazôka - một loại súng đạn hiện đại lúc bấy giờ có tác dụng chủ yếu đánh chiến xa địch, ngày 5 tháng 12 năm 1946, 14 ngày trước ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bác đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Quang Lễ: "Kháng chiến sắp đến nơi rồi, bữa nay tôi gọi chú lại để giao cho chú nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới"(2). Đồng thời, đồng chí Lễ - người đứng đầu ngành Quân giới Việt Nam - được Bác đặt tên mới từ đây là Trần Đại Nghĩa, vừa để nhắc nhở trọng trách của đồng chí vì nghĩa lớn của Đảng, của dân, vừa để giữ an toàn cho bà con thân thích của đồng chí đang sống tại quê hương Vĩnh Long, Nam Bộ.

Với sự quan tâm, chăm lo của Bác và Đảng đối với việc sản xuất vũ khí đánh giặc cứu nước, trong khi cơ quan đầu ngành quân giới ở Trung ương khẩn trương triển khai công việc quản lý, điều hành ngành sản xuất vũ khí thì hầu khắp các đơn vị, địa phương trên cả nước, từ các khu, tỉnh, thành đến các chi đội ở cả miền Nam, miền Trung và miền Bắc đều sôi nổi tổ chức hàng trăm binh công xưởng. Đây là một biểu hiện sinh động của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong những ngày tháng đầu tiên của 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Như vậy, từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ ( tháng 12 năm 1946) - 16 tháng cực kỳ sôi động của đất nước, liên tục chống giặc ngoài thù trong, kháng chiến cục bộ ở miền Nam, chuẩn bị thực lực cách mạng, chuẩn bị kháng chiến toàn quốc… cũng là thời kỳ bắt đầu hình thành và bước đầu phát triển Ngành Quân giới Việt Nam.

Hoạt động quân giới Việt Nam trong thời kỳ này tuy chưa có quy mô lớn và trình độ hiện đại, nhưng lại mang tính nhân dân sâu rộng, thể hiện đúng tính chất của chiến tranh nhân dân Việt Nam trên lĩnh vực sản xuất vũ khí giết giặc cứu nước, đã kịp thời đáp ứng những yêu cầu khẩn thiết về sửa chữa và cung cấp vũ khí trên chiến trường miền Nam và tích cực góp phần tăng cường thực lực, chuẩn bị kháng chiến trên phạm vi cả nước.

Đây là thời kỳ thu hút được đông đảo anh em lao động có kỹ thuật ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, bao gồm cả lực lượng công nhân ở các thành phố, thị xã và đông đảo học sinh trường kỹ nghệ, trí thức yêu nước… thành lực lượng nòng cốt đầu tiên, chủ yếu của Quân giới Việt Nam, ở cả cơ quan Quân giới và cơ sở sản xuất, cả xưởng quân giới và xưởng vũ khí dân quân, vũ khí công an.

Ngay từ thời kỳ hình thành, Ngành Quân giới Việt Nam đã thể hiện ý chí cách mạng rất kiên cường, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, sát cánh cùng chiến sĩ ngoài mặt trận, sửa chữa, sản xuất, cung cấp vũ khí giết giặc. Đã xuất hiện nhiều tấm gương tấm gương tiêu biểu, hi sinh lặng lẽ khi nghiên cứu, thử nghiệm vũ khí "đem máu xương của mình đổi lấy kỹ thuật sản xuất vũ khí".

Điểm nổi bật về kỹ thuật và kết quả sản xuất vũ khí trên cả nước thời kỳ này là có nhiều thành công trong nghiên cứu - sản xuất lựu đạn, mìn (vũ khí phổ biến) và sớm nghiên cứu chế tạo bazôka (vũ khí hiện đại).

Lịch sử Quân giới Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp đã có bước đi ban đầu hết sức quan trọng; tuy chỉ trong một thời gian ngắn - 16 tháng - nhưng đầy thử thách và cho nhiều kinh nghiệm vô cùng quý báu. Và, chính những tháng ngày đầu tiên ấy đã có vai trò rất to lớn đối với những năm tháng tiếp theo của Ngành Quân giới Việt Nam khi toàn quốc bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, hi sinh.

2. Thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

2.1. Thời kỳ tổng di chuyển

Những tháng cuối năm 1946, tình hình đất nước hết sức khẩn trương, sôi sục. Ngày 19 tháng 10, Hội nghị quân sự toàn quốc nhận định: "Nhất định không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình nhất định phải đánh Pháp". Tiếp đó, tháng 11, giặc Pháp đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và khiêu khích nghiêm trọng ở nhiều nơi khác. Khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11, sau khi nghe đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân báo cáo về tình hình sản xuất vũ khí ở cơ sở, Bác Hồ căn dặn: "Có thể giặc Pháp sắp tiến công mình… Về quân giới, phải gấp rút chuyển hết máy móc, nguyên liệu ra khỏi Hà Nội, mang lên rừng núi lập căn cứ chống lại nó"(1). Cùng thời gian, Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy lệnh cho Cục Quân giới bí mật sơ tán, di chuyển một phần kho tàng, xí nghiệp ở các thành phố, nhất là Hà Nội ra các vùng lân cận.

Việc di chuyển ở Ngành Quân giới là bộ phận nặng nhất với khối lượng lớn nhất trong cuộc tổng di chuyển. Trên thực tế, việc di chuyển trong Ngành Quân giới bắt đầu được tiến hành từ tháng 11 năm 1946, nhưng chưa ồ ạt, sâu rộng vì lúc đó ta vẫn cố tranh thủ từng ngày hòa bình và phải giữ bí mật chủ trương chiến lược phát động toàn quốc kháng chiến. Từ 20 giờ đêm 19 tháng 12, khi tiếng súng kháng chiến toàn quốc bắt đầu nổ thì cuộc di chuyển cũng bắt đầu tiến hành đồng loạt, mạnh mẽ, triệt để, thành một cuộc di chuyển rộng lớn nhất.

Với Ngành Quân giới, hàng vạn tấn máy móc, thiết bị vật liệu, nguyên liệu, dụng cụ… bao gồm hàng trăm hàng nghìn chủng loại từ những máy công cụ, máy phát lực, kim loại, sắt, thép, đồng, chì, hóa chất, thuốc nổ, nhiên liệu, đều được cố gắng đưa đi. Lúc đầu, hàng đưa đi bằng mọi phương tiện vận tải cả cơ giới và thô sơ; về sau chủ yếu bằng đôi vai của hàng ngàn, hàng vạn công nhân, nông dân quyết tâm kháng chiến chống Pháp xâm lược theo lời kêu gọi của Bác Hồ vĩ đại.

Từ các cơ sở công nghiệp nhỏ bé ở các thành phố, số máy móc, vật liệu được di chuyển về nông thôn gồm hàng trăm máy tiện, hàng chục máy phay, bào, khoan, dập, nhiều máy phát động lực chạy hơi nước, nhiều tàu lăn đường, nhiều động cơ máy nổ; hàng trăm động cơ điện, máy phát điện, biến thế điện; hàng nghìn tấn kim loại như sắt, thép, đồng, chì, gang, kẽm, thiếc, dưới các dạng thỏi, ống, lá với nhiều kích thước khác nhau; hàng trăm tấn diêm tiêu, diêm sinh, axit, cao su, dầu mỡ, than cốc, than đá. Có cả những thứ rất quí như vỏ đạn và đầu đạn DAM(1) còn mới, thuốc nổ mêlinit, thuốc phóng như nitrôxenlulô, thuốc đen, ống nổ, dây cháy chậm… cùng một số lượng lớn lựu phóng, đạn cối, đầu đạn pháo.

Lực lượng chủ chốt thực hiện cuộc di chuyển lớn này về các khu căn cứ là hàng ngàn công nhân, trong đó có nhiều thợ giỏi của các xí nghiệp, một số thợ trong các xưởng sửa chữa, sản xuất vũ khí của Pháp cũ, cùng với hàng trăm cán bộ kĩ thuật, trong đó phần lớn là học sinh và giáo viên các trường kỹ nghệ với sự hợp lực của đông đảo nhân dân và sự yểm trợ của nhiều đơn vị bộ đội.

Di chuyển hàng vạn tấn máy móc, vật tư từ thành thị về nông thôn trong điều kiện cả nước vừa mới bước vào chiến tranh, cả phía Bắc vừa bắt đầu chuyển từ thời bình sang thời chiến… càng thêm khó khăn, phức tạp, vì không những vận chuyển gian nan vất vả mà còn phải chiến đấu gay go, ác liệt để cản địch, bảo vệ an toàn những thứ cần chuyển ra căn cứ.

Lúc đầu, ta còn sử dụng được một số phương tiện vận tải như xe lửa, xe goòng, ôtô, tàu dắt, thuyền buồm kịp đưa được những máy móc nặng hàng tấn ra khỏi thành phố, nhất là những nơi đang chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch. Về sau, do nhiều đoạn đường bị phá hoại, nhiều khúc sông bị kè ngăn, phải dỡ hàng nhiều lần từ ôtô xuống tàu thuyền hoặc từ tàu thuyền lên ôtô, để kết hợp đường bộ với đường thủy. Càng gần đến căn cứ, càng khó vận chuyển, vì sông nhỏ, đường hẹp, phương tiện chuyên chở chủ yếu là thuyền con, xe trâu, xe bò, rồi con lăn, đòn bẩy, và cuối cùng là đôi vai người lao động.

Cuối năm 1946 đầu năm 1947, thời tiết rất giá rét, vận chuyển nặng nhọc, ăn ngủ thất thường, quần áo thiếu thốn, chăn màn không đủ, lại ăn ở ngoài trời hàng tháng liền, nhiều người bị ốm đau ở dọc đường nhưng hầu hết anh em quân giới đều cố gắng phấn đấu vượt bậc để đưa máy móc, vật liệu đến đích (nơi gần từ 50 đến 100 km, nơi xa từ 300 đến 350 km).

2.2. Hình thành hệ thống xưởng vũ khí trên cả nước

Ngay trong khi cuộc chiến đấu trong các thành phố, thị xã ở phía Bắc đang còn diễn ra quyết liệt, các địa phương đang khẩn trương tiến hành cuộc tổng di chuyển, Ngành Quân giới đã được sự chỉ đạo của Bộ về phương hướng tiếp theo. Đầu tháng 01 năm 1947, tại Thanh Oai (Hà Đông) trong một cuộc họp, có cán bộ phụ trách Ngành Quân giới, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy đã chỉ thị về các khu vực đặt xưởng, phương châm xây dựng và sản xuất của các xưởng vũ khí. Ngày 18 tháng 02 năm 1947, Cục Quân giới đã có chỉ thị hướng dẫn cụ thể việc chấp hành chỉ thị của Bộ trưởng cho các ty quân giới, các xưởng vũ khí.

Các xưởng chế tạo vũ khí của nước Việt Nam kháng chiến lúc này (từ đây gọi là Binh công xưởng - BCX) không giống bất cứ xưởng sản xuất vũ khí nào của các nước có nền công nghiệp phát triển.

Trung bình mỗi xưởng chỉ có khoảng trên dưới 100 công nhân với 10 - 15 cỗ máy công cụ chủ yếu; hạn hữu cũng có xưởng 200 - 300 công nhân, 20 - 30 máy công cụ (tiện, phay, bào, khoan, dập…), phát động lực thường là những máy hơi nước nhỏ (máy lôcômôbin loại vừa, tàu lăn đường kiểu Anbarê, động cơ ôtô kiểu Pơ-giô, Pho, GMC đã cải biên chạy khí than). Do có ít động cơ điện nên điện chỉ dùng để chiếu sáng. Việc rèn các chi tiết lớn lúc đầu thường chỉ dùng búa tay. Lò đúc gang nhỏ, thường gọi là lò chõ (giống như chõ thổi xôi) làm từ thùng phuy, lượng đúc mỗi mẻ 30 - 50 kg, lò chạy bằng động cơ với máy quạt tự tạo, không có động cơ thì dùng guồng quay tay, đạp chân (kiểu guồng nước). Việc đặt máy công cụ thường không đổ móng cố định mà chỉ bắt bu loong trên khung gỗ để có thể tháo lắp, di chuyển được kịp thời khi cần thiết.

Nhà xưởng thường bằng gỗ, tre, nứa, lá. Nếu ở đồng bằng, nhà xưởng làm giống như nhà dân, đặt trong vườn, dưới cụm tre làng hoặc rặng dừa. Có địa phương lại bố trí xưởng ở trong các đình, chùa, đền, miếu. Còn ở rừng núi, nhà xưởng thường làm dưới tán cây cao, máy móc cơ khí đặt trong hang động. Công nhân, cán bộ thường ở nhờ nhà dân, có nơi ở nhà tranh tre tự làm lấy. Nhiều vùng, nhân dân cho mượn những gian nhà tốt nhất để đặt bộ phận sản xuất vũ khí hoặc làm kho chứa vật tư. Ở đồng bằng Nam Bộ, vì có nhiều kênh rạch, nhiều xưởng phải đặt trên ghe, thuyền, chỉ có những bộ phận rèn đúc mới để trên bờ, khi địch càn quét thì đưa cả lên thuyền chuyển đi nơi khác. Riêng Khu 8, nhà xưởng còn làm theo kiểu lắp ghép, dễ tháo lắp, cất giấu, sơ tán, di chuyển...

Những xưởng vũ khí nhỏ, gọn được hình thành trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp như vậy là làm đúng theo phương châm mà Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo "tiểu qui mô, cơ động, linh hoạt, dễ di chuyển khi cần thiết", rất phù hợp với hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh chống lại sự xâm lược của một quân đội nhà nghề hiện đại và cũng phù hợp với khả năng của chiến trường lúc đó. Thời kỳ này, công nhân, cán bộ ngành quân giới có quyết tâm rất cao, nhưng điều kiện vật chất thì vô cùng khó khăn, thiếu thốn mọi thứ. Nhờ xây dựng xưởng theo phương châm đúng đắn đó, nên khi kết thúc tổng di chuyển, hoặc khi địch đánh phải di chuyển, mọi hoạt động sản xuất của xưởng được nhanh chóng bắt đầu hoặc tiếp tục. Chính kẻ địch cũng nói rằng: "Những xưởng binh khí của Việt Minh không biết nên so sánh như thế nào với những xưởng vũ khí của một cường quốc"(1).

Quá trình tổng di chuyển máy móc, thiết bị, nguyên liệu để củng cố xưởng cũ, xây dựng xưởng mới cũng là quá trình hình thành cơ quan quân giới cấp khu. Tên gọi cơ quan quân giới cấp khu lúc này còn chưa thống nhất (Ty Quân giới, Khoa Quân giới, Ban giám đốc Binh công xưởng ( BCX).

2.3. Nghiên cứu, cải tiến kĩ thuật, đẩy mạnh sản xuất

Vào khoảng đầu năm 1947, trong ngành sản xuất vũ khí, nhiều cán bộ, công nhân tranh luận với nhau khá sôi nổi về phương hướng sản xuất vũ khí của ta lúc này nên như thế nào? Có ý kiến chỉ nhấn việc sản xuất vũ khí căn bản như lựu, mìn. Ngược lại, có ý kiến lại chỉ nhấn sản xuất vũ khí hiện đại như bazôka, cối…

Trên thực tế, phần lớn các khu ở phía Bắc, bắt đầu từ tháng 4 năm 1947 đã có 50% số xưởng vũ khí bắt đầu sản xuất và tiến hành sản xuất theo phương hướng mà Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy đã đề ra. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2 (4-1947) xác định chủ trương chế tạo vũ khí chống tăng, chống ca nô như: bazôca, mìn, địa lôi và vũ khí thô sơ như lựu đạn, súng kíp… "Phải chống khuynh hướng coi thường vũ khí thô sơ mà chỉ chú trọng vũ khí tối tân; đồng thời chống khuynh hướng thiên về chế tạo vũ khí thô sơ mà không để ý hay không gắng sức chế tạo và học dùng vũ khí tối tân…".

Hội nghị Trung ương Đảng còn chủ trương động viên nhân dân tham gia sản xuất lựu đạn và súng kíp; giao nhiệm vụ cho Cục Quân giới viết sách hướng dẫn cách chế tạo những vũ khí này và tiến hành hội nghị cán bộ phụ trách quân giới toàn quốc để định chương trình chế tạo, phân phối máy móc nguyên liệu và trao đổi kinh nghiệm.



Ngay trong năm 1947, năm đầu kháng chiến toàn quốc, việc sản xuất vũ khí trên diện rộng cũng vừa mới triển khai, nhưng không chỉ "vũ khí căn bản" như lựu, mìn được chú trọng, sản xuất được nhiều hơn, chất lượng bảo đảm hơn, ngay từ đầu đã phát triển khá cao để đáp ứng yêu cầu chiến tranh nhân dân... mà các loại vũ khí mới, tương đối hiện đại, khó sản xuất như bazôka, AT, mìn lõm, lựu phóng, súng đạn cối 51mm, bom phóng cũng được chú ý, gắng sức làm và lần lượt cung cấp cho mặt trận.

Lựu đạn là loại vũ khí được tổ chức sản xuất sâu rộng nhất trong cả nước. Đâu đâu cũng nghiên cứu - chế tạo lựu đạn để trang bị phổ biến cho hàng triệu chiến sĩ dân quân, du kích và bộ đội. Loại vũ khí này, lúc đầu tưởng như dễ chế tạo, thực tế cho thấy lại là loại vũ khí khó bảo đảm chất lượng, cũng là loại vũ khí trong quá trình nghiên cứu, chế tạo gây ra nhiều sự cố, tai nạn, hi sinh cả người thử nghiệm và người sử dụng.

Mìn cũng là loại vũ khí mà hồi đầu kháng chiến phần lớn các xưởng vũ khí của ta đều nghiên cứu, chế tạo.

Mìn (địa lôi) có nhiều loại tùy theo công dụng như diệt bộ binh, phá cơ giới, máy bay, công sự, cầu đường, do đó chúng thường có hình dạng khác nhau, trọng lượng khác nhau, nguyên liệu làm vỏ khác nhau, ngòi nổ cũng nhiều kiểu khác nhau. Lúc đầu, mìn ta chế tạo thường làm từ đạn pháo, đạn cối, bom lép của địch, chỉ cần tháo ngòi cũ, lắp ngòi mới là thành quả mìn. Từ năm 1947, vỏ mìn của ta được thiết kế chủ yếu theo yêu cầu sử dụng như mìn đĩa, mìn hộp, mìn quả dưa... Vỏ mìn phổ biến làm bằng kim loại, có nơi còn làm bằng sành sứ, bằng gỗ, bằng ống tre bương vừa dễ ngụy trang vừa dễ kiếm nguyên liệu. Thuốc nhồi mìn thường là thuốc nổ mạnh mêlinit, tôlit, dimamit hoặc thuốc đen pha kaliclorát. Trong trận đánh 2 đoàn tàu hỏa của địch cùng một lúc ở Bầu Cá (Sài Gòn - Phan Thiết 14-7-1947) ta đã cho nổ quả mìn lớn bằng bom lép 150kg lắp ngòi nổ điện. Trong trận diệt địch ở Tuyên Quang thu đông 1947, ta cũng cho nổ quả mìn lớn làm từ đạn đại bác 320mm lắp ngòi mới do quân giới ta chế tạo. Trong năm 1947, ngoài mìn nổ phá thông thường, ở Nam Bộ còn sản xuất kiểu mìn lõm (bazômin) do kĩ sư Lê Tâm kịp thời nghiên cứu - chế tạo trên cơ sở vận dụng nguyên lý nổ lõm để đánh hầm ngầm, lô cốt, công sự. Cùng thời gian này, nhiều xưởng còn sáng chế các loại mìn muỗi, mìn nhảy, mìn đạp. Sản xuất mìn so với sản xuất các loại vũ khí khác, công sức bỏ ra ít hơn mà hiệu quả lại rất to lớn, trên thực tế đã gây nhiều thiệt hại và nỗi khủng khiếp cho giặc Pháp. Cũng chỉ già nửa năm 1947, các xưởng vũ khí của ta đã sản xuất được hơn 16.000 quả địa lôi, tăng hơn 100 lần so với năm 1946.

Thủy lôi là mìn để đánh địch ở dưới nước. Thủy lôi do ta chế tạo lúc này, vỏ thường bằng tôn, trong nhồi từ 20 đến 50kg thuốc nổ mạnh, có ngòi giật hoặc ngòi điện, nguồn điện bằng pin, loại máy điện quay tay (ragônô). Chiến sĩ ta còn chữa những quả thủy lôi vớt được của địch, thay ngòi, dùng đánh lại tàu địch. Nam Bộ là chiến trường nhiều sông ngòi kênh rạch, thủy lôi được sử dụng nhiều hơn. Bắc Bộ cũng có trận đạt hiệu suất cao như trận La Hoàng (Việt Bắc, Thu đông 1947) bằng thủy lôi ta làm 1 tàu địch bốc cháy, một đại đội binh đoàn Commynan bị tiêu diệt.

Như vậy, năm 1947, năm đầu toàn quốc kháng chiến, ngành sản xuất vũ khí của ta vừa tổng di chuyển, vừa củng cố - xây dựng hệ thống xưởng, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn mọi mặt, nhưng toàn ngành đã nhanh chóng nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, kịp thời đẩy mạnh sản xuất vũ khí phục vụ kháng chiến. Trên thực tế, ngay từ năm đầu kháng chiến, ngành sản xuất vũ khí của ta đã đồng thời chú trọng nghiên cứu - chế tạo trên cả 2 hướng: "vũ khí căn bản" và vũ khí hiện đại như Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã xác định. Trong "vũ khí căn bản" đã tập trung sản xuất lựu đạn, mìn và trong vũ khí hiện đại cũng chỉ tập trung sản xuất vũ khí chống chiến xa địch như bazôca, AT và súng đạn bắn cầu vồng như cối, lựu phóng... Đây là một phương hướng rất đúng, vừa đáp ứng yêu cầu khẩn thiết của cuộc kháng chiến cứu nước, vừa phù hợp với điều kiện đất nước và khả năng của quân giới ta lúc này. Khối lượng vũ khí ấy đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi chiến lược của ta lúc này là ngăn chặn, tiêu hao lực lượng địch, giữ gìn, phát triển lực lượng ta, đánh bại chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp xâm lược.

Để làm được khối lượng lớn vũ khí trong năm đầu kháng chiến, cùng với những con người dũng cảm và sáng tạo thì nguyên vật liệu và kỹ thuật cũng là yếu tố hàng đầu.

Nhờ thắng lợi của cuộc tổng di chuyển và kết quả các cuộc tìm kiếm nguyên vật liệu từ phía địch, cùng với sự điều hòa giữa các khu vực, việc thực hành tiết kiệm trong sử dụng nên khi sản xuất vũ khí của ta bắt đầu mở rộng, vấn đề nguyên vật liệu trong năm 1947 chưa phải đã gay cấn lắm. Những thứ quí như tôlít, mêlinít, đinamít (năm 1947) còn được khai thác từ những kho vũ khí cũ của địch cùng những bom, đạn pháo cối lép, thủy lôi(1), nhất là thiếc băng ka và nhôm trong các tàu Nhật bị Mỹ đánh chìm ở ven biển miền Trung hoặc nhiều nguyên vật liệu khác, ở những máy bay hỏng của những sân bay cũ của Pháp(2). Ở Công ty Việt Thắng (Khu 5) có người thợ lặn nổi tiếng Lê Phược đã làm việc hàng giờ dưới đáy biển để tìm nguyên vật liệu trong tàu địch. Một nguồn rất quan trọng nữa là nhân dân đóng góp cho kháng chiến hàng trăm tấn đồng, gang, sắt...

Từ cuối năm 1945 đến cả năm 1946, thực dân Pháp liên tiếp đánh phá các binh công xưởng Nam Bộ ở Chiến khu Đ, Đồng Tháp Mười, Bến Tre... Sang năm 1947, chúng lại liên tiếp mở các cuộc hành quân đánh vào các vùng có cơ sở quân giới ở Thừa Thiên, Quảng Trị, Chi Nê (Hà Nam), Mỹ Đức, Chương Mỹ (Hà Đông), Quốc Oai (Sơn Tây). Vì vậy, đi đôi với việc phát triển sản xuất, nhiệm vụ bảo vệ xưởng ở nhiều nơi được đặt lên hàng đầu.

Thu đông 1947, trong kế hoạch tiến công Việt Bắc, địch không chỉ mưu đồ tập trung chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến, tìm diệt một phần chủ lực ta mà còn nhằm đánh phá các cơ quan quốc phòng, cơ sở quân giới của ta, hòng triệt nguồn vũ khí kháng chiến từ tận nơi sản xuất trong điều kiện đất nước đã bị bao vây bốn bề.

Cuộc tổng di chuyển hàng vạn tấn máy móc, vật liệu cùng với hàng ngàn công nhân tự nguyện từ thành phố về nông thôn, lên rừng núi, với sự hỗ trợ to lớn của nhân dân và bộ đội, kịp xây dựng hàng trăm BCX sản xuất vũ khí phục vụ kháng chiến... không chỉ thể hiện lòng yêu nước, ý chí kiên cường, tài năng sáng tạo của cán bộ, công nhân quân giới mà còn là biểu hiện ý chí sắt đá của cả dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng tiên phong kiên quyết giữ vững nền độc lập tự do vừa mới giành được...

Với số máy móc thiết bị già cỗi và những nguyên vật liệu không đồng bộ, phức tạp (nhiều thứ vốn không phải để sản xuất vũ khí), sự hiểu biết có hạn và tay nghề non yếu về sản xuất vũ khí... thì rõ ràng nhiệm vụ Đảng giao cho Ngành Quân giới lúc bấy giờ thật sự vượt quá sức mình, tưởng như không thể nào làm được. Nhưng cũng với lòng yêu nước thiết tha, quyết tâm làm vũ khí, biết vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm, có sự lãnh đạo, chỉ đạo rất sáng suốt của Trung ương Đảng, sự giúp đỡ hết lòng của nhân dân, của bộ đội và các ngành khác, ngành Quân giới Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu về vũ khí mà cuộc kháng chiến cứu nước đòi hỏi. Không chỉ sửa chữa vũ khí mà còn chế tạo vũ khí; không chỉ chế tạo "vũ khí căn bản" mà còn chế tạo được cả một số vũ khí hiện đại; không chỉ đáp ứng tốt yêu cầu khẩn thiết của năm đầu mà còn tạo dựng cơ sở phát triển Ngành Quân giới trong những năm tiếp sau của cuộc kháng chiến.

Đây là một chiến công thầm lặng, một sự tích thần kỳ của Ngành Quân giới Việt Nam, một biểu tượng anh hùng của dân tộc Việt Nam ta trong năm đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Lịch sử hình thành và phát triển Ngành Quân giới Việt Nam gắn liền với sự quan tâm chăm lo và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng quang vinh Bác Hồ vĩ đại . Ngành Quân giới Việt Nam ra đời vào lúc cách mạng vừa mới thành công, chính quyền nhân dân còn rất non trẻ nền kinh tế rất lạc hậu, chưa có ngành công nghiệp như luyện kim, cơ khí chế tạo, hóa chất cơ bản, lại bị chiến tranh tàn phá kiệt quệ, xơ xác, tiêu điều. Có thể nói, đất nước ta lúc này không có cơ sở vật chất cho ngành công nghiệp sản xuất vũ khí.

Quá trình hình thành và phát triển của ngành sản xuất vũ khí, Ngành Quân giới Việt Nam có công sức to lớn của toàn dân. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác hồ kính yêu, nhân dân trên cả nước đã hăng hái tham gia "Tuần lễ vàng", đóng góp cho Tổ quốc gần 4 tạ vàng, phần lớn để mua sắm vũ khí; đã đem biết bao đồ dùng gia đình, đồ thờ tổ tiên bằng kim khí hiến cho kháng chiến để rèn đúc vũ khí. Đông đảo nhân dân thành thị, nông thôn sôi nổi hăng hái thu nhặt vật liệu khắp nơi trên mặt đất, cả dưới lòng sông, đáy biển để cung cấp cho Quân giới. Nhờ vậy chỉ trong thời gian ngắn sau Cách mạng tháng Tám, hầu hết tất cả các địa phương trên cả nước đã thành lập được xưởng sản xuất vũ khí. Bên cạnh các xưởng Quân giới là hệ thống các xưởng vũ khí dân quân của tỉnh, nhiều công trường vũ khí của huyện và tổ vũ khí của xã, giống như 3 thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân. Các xưởng vũ khí dân quân đã từng bước được bổ sung, phát triển. Từ các lò rèn, lò đúc ở nông thôn đến các xưởng cơ khí, xưởng hóa chất ở thành phố lúc này đều tham gia sản xuất vũ khí chống giặc ngoại xâm. Có nhiều chủ xưởng đã đem cả máy móc dụng cụ của mình giao cho các xưởng sản xuất vũ khí và tự nguyện trở thành thành viên của Ngành Quân giới. Lại có cả những người mang tài sản của mình mua sắm máy móc vật liệu để lập xưởng sản xuất vũ khí, rồi sau đó hiến tất cả cho cách mạng, cho kháng chiến...

Nhờ có sự giúp đỡ tận tình của nhân dân mà ngành Quân giới mới có thể tiến hành thắng lợi cuộc tổng di chuyển hàng vạn tấn máy móc, vật liệu từ thành thị về nông thôn, lên rừng núi. Khi đặt xưởng ở đâu anh em Quân giới ở đó lại được nhân dân hết lòng giúp đỡ xây dựng nhà xưởng, nơi ăn ở, chăm lo nuôi dưỡng khi khó khăn, thiếu đói, đau yếu, cùng tự vệ công nhân kiên quyết chiến đấu bảo vệ xưởng, bảo vệ sản xuất.

Chính nhờ có sự chăm lo của nhân dân về nhiều mặt nên Ngành Quân giới Việt Nam mới có sức sống mãnh liệt. Chiến tranh càng ác liệt, xưởng sản xuất vũ khí lại được xây dựng nhiều hơn, khối lượng sản phẩm vũ khí đưa ra tiền tuyến càng lớn hơn.

Để đứng vững và phát triển, đáp ứng yêu cầu sản xuất vũ khí ngày càng cao trong kháng chiến chống Pháp, cán bộ, công nhân Quân giới đã luôn luôn sáng tạo cả trong kỹ thuật và tổ chức, quản lý sản xuất. Từ học tập, tìm hiểu vũ khí đến nghiên cứu thiết kế vũ khí theo mẫu đã có, rồi thiết kế vũ khí mới theo nguyên lý hiện đại là cả một quá trình đầy khó khăn, nguy hiểm. Để ổn định được mẫu một loại vũ khí, bao đồng chí đã hi sinh trong nghiên cứu - thí nghiệm - chế tạo, "phải đổi máu để có kỹ thuật". Khi người này ngã xuống lại có người khác thay thế ngay để tiếp tục nghiên cứu - bổ sung - hoàn thiện. Khi thiết kế, Quân giới ta không chỉ căn cứ vào mẫu có sẵn, mà còn phải căn cứ vào khả năng vật liệu hiện có, trình độ và thiết bị công nghệ có hạn, yêu cầu của cách đánh trên chiến trường từng thời kỳ... để cải tiến sao cho phù hợp. Cùng với những vũ khí thiết kế theo mẫu có sẵn như lựu đạn, mìn, súng, đạn cối, bazôka, AT... Quân giới Việt Nam còn thiết kế sáng tạo được nhiều loại vũ khí mới như súng đạn SKZ, SS, bom phóng, súng đạn cối lớn, nhiều loại mìn... Trong công nghệ chế tạo, anh em Quân giới cũng có nhiều sáng tạo cả về chế tạo vũ khí và chế tạo nguyên vật liệu để sản xuất vũ khí. Một sáng kiến nổi bật là đã chế tạo thành công nòng súng cối các cỡ bằng các đầu đạn đại bác ghép nối lại. Công nghệ dập sâu cũng có những thành công trong chế tạo đạn AT, bazôka. Một sáng tạo lớn là đạn súng trường đã được dập từ đồng thau do tự luyện lấy, một việc tưởng như không thể làm được trong hoàn cảnh chiến tranh. Sản xuất vật liệu để sản xuất vũ khí thường là việc của các ngành công nghiệp khác như luyện kim, hóa chất... nhưng đất nước ta lúc này chưa có các ngành kinh tế kỹ thuật đó, nên Ngành Quân giới phải đảm nhận, phải chủ động khắc phục muôn vàn khó khăn để sản xuất ra vật liệu. Công việc này trong những năm kháng chiến gian khổ, không chỉ đòi hỏi tài năng sáng tạo mà còn phải dũng cảm, bền bỉ như xây dựng lò cao nhỏ trong rừng núi để luyện được hàng trăm tấn gang bằng than củi; vận chuyển gạch chịu lửa từ xa hàng nghìn km; mua xi măng từ vùng địch chiếm Hải Phòng. Hoặc điều chế axít và các hóa chất cơ bản để chế tạo chất nổ, nhất là điều chế fuminát thủy ngân bằng lò thủ công, phương pháp thủ công; sản xuất được hàng trăm tấn diêm tiêu từ phân dơi khai thác trong các hang động trên vùng núi cao kết hợp với tro bếp huy động từ hàng chục ngàn gia đình nhân dân… thật là những kỳ công hiếm có…

Những sáng tạo về tổ chức và quản lý sản xuất cũng góp phần không nhỏ nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Việc chia quy trình công nghệ phức tạp thành các nguyên công đơn giản làm cho công nhân tuy lúc đầu tay nghề còn thấp nhưng lại làm được sản phẩm có kỹ thuật cao. Việc tổ chức chuyên môn hóa từng xưởng và tổ chức sản xuất hàng loạt từ thấp đến cao đã góp phần đẩy nhanh nhịp độ sản xuất vũ khí đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của chiến trường. Việc xây dựng kế hoạch, định mức lao động, vật tư, tổ chức thi đua cải tiến kỹ thuật, tinh giảm biên chế gián tiếp… đều có ý nghĩa tích cực đối với nâng cao năng suất, chất lượng. Tổ chức các BCX cũng rất sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với sự biến động mau lẹ của chiến tranh. Lúc chiến tranh có thể lan tới thì dễ dàng phân tán lực lượng, cất giấu máy móc vật tư hoặc nhanh chóng di chuyển lên rừng sâu, núi cao. Khi vùng tự do được mở rộng, căn cứ đứng chân vững chắc, lại có thể sáp nhập thành xưởng lớn để sản xuất tập trung hơn, có hiệu quả hơn. Tổ chức cơ quan quân giới cấp khu cũng rất linh hoạt tùy theo tổ chức khu, liên khu, đặc khu; khi có điều kiện thì bỏ cơ quan Quân giới một số khu để các BCX trực thuộc Cục Quân giới. Tổ chức Cục Quân giới - cơ quan trung tâm đầu ngành Quân giới cả nước cũng được thay đổi kịp thời tùy theo trình độ quản lý, kinh nghiệm điều hành và sự phát triển của tổ chức quân đội. Lúc đầu, để song song cùng tồn tại và phát triển 2 hệ thống Quân giới và vũ khí dân quân là đúng, phù hợp với trình độ quản lý còn hạn chế của Quân giới lúc này và khả năng to lớn của các địa phương có thể phát huy. Về sau, sát nhập vũ khí dân quân vào quân giới cũng là đúng vì điều kiện đã chín muồi, Quân giới đã trưởng thành, vật tư đã khan hiếm, sản xuất vũ khí cần tập trung hơn, chuyên môn hóa cao hơn, sử dụng nhân tài vật lực hợp lý hơn. Việc tổ chức học tập, bổ túc, đào tạo cán bộ, công nhân Quân giới cũng được thực hiện rất tích cực và linh hoạt trong suốt 9 năm kháng chiến (tổ chức học tập cả chuyên môn và văn hóa, cho cả công nhân và cán bộ, đối với cả công nhân cũ và công nhân mới, ở cả tại chức và tại trường...) góp phần làm cho tay nghề sản xuất và trình độ quản lý sản xuất vũ khí của cán bộ, công nhân viên ngành Quân giới ngày càng tiến bộ, trưởng thành.

Ngành sản xuất vũ khí Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp đã thu hút được đông đảo thanh niên và hầu hết công nhân cơ khí ở trong nước. Phần lớn công nhân kỹ thuật do Pháp đào tạo ở các trường kỹ nghệ, nhiều tri thức được đào tạo ở trong hoặc ngoài nước, làm việc ở nhiều ngành, nhiều tổ chức... trên cả nước ta có lòng yêu nước đều đã tham gia Ngành Quân giới. Chính lực lượng này, được Đảng lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, thử thách trong thực tế chiến tranh, về sau đã trở thành những cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật, cán bộ quản lý chủ chốt của toàn Ngành Quân giới và của cả nhiều ngành kỹ thuật trong quân đội cũng như các ngành kinh tế quốc dân ở nước ta.



3. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến nay

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quân giới Việt Nam đã trải qua 10 năm xây dựng và trưởng thành. Cùng với sự trưởng thành của các lực lượng vũ trang nhân dân, ngành Quân giới đã đạt được những cơ sở rất thuận lợi về hệ thống tổ chức, nhà xưởng, phương tiện, đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật… cho chặng đường phát triển mới. Đặc biệt, các cơ quan, cơ sở sản xuất quân giới trên khắp các chiến trường, các địa phương đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý về nghiên cứu, thiết kế, cải biên, cải tiến và tổ chức sản xuất vũ khí, bảo đảm trang bị cho các lực lượng vũ trang nhân dân xây dựng và chiến đấu theo đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện của Đảng.

Để đối phó với cuộc chiến tranh quy mô lớn, đánh bại đội quân xâm lược được trang bị vũ khí kỹ thuật rất hiện đại, quân và dân ta phải tạo ra sức mạnh mới và không ngừng phát triển sức mạnh đó trong quá trình chiến đấu. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh và phát huy sức mạnh là bảo đảm cho các lực lượng vũ trang các loại trang bị phù hợp với tổ chức và cách đánh, các loại vũ khí vừa tiện sử dụng vừa có hiệu quả cao; đồng thời hạn chế và làm giảm hiệu lực các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại, chính xác cao của địch. Do đó, bên cạnh việc sửa chữa và sản xuất, việc nghiên cứu cải biên, cải tiến nâng cao hiệu quả các loại vũ khí khí tài trang bị trong biên chế của quân đội (gồm vũ khí do các nước bạn viện trợ và vũ khí thu được của địch) có vị trí rất quan trọng. Đây là đặc điểm và là một yêu cầu khách quan, một bước phát triển mới của quân giới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Từ giữa năm 1954, trên cơ sở những thành quả xây dựng và những kinh nghiệm chiến đấu tích lũy được trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tranh thủ thời gian miền Bắc có hòa bình, quân đội ta bước vào xây dựng trong hai kế hoạch dài hạn (1955-1960 và 1961-1965), nâng cao trình độ chính quy, hiện đại, hình thành một quân đội gồm nhiều quân chủng, binh chủng. Việc bảo đảm trang bị cho quân đội xây dựng chính quy hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu và xây dựng ngành theo phương hướng chính quy, hiện đại; việc chi viện máy móc, nguyên vật liệu và cán bộ, công nhân kỹ thuật, góp phần xây dựng lại hệ thống tổ chức quân giới ở miền Nam và chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu ngày càng lớn về bảo đảm vũ khí trang bị của chiến trường là những nhiệm vụ quan trọng nhất của quân giới trong những năm này.

Dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng và Chính phủ, của Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh, trực tiếp là Tổng cục Hậu cần, ngành Quân giới đã khẩn trương sắp xếp lại tổ chức, xây dựng cơ quan và các cơ sở nghiên cứu, sản xuất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của quân đội trong giai đoạn mới. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, quân giới đã kịp thời chuyển hướng từ sản xuất sang sửa chữa là chính, khôi phục một số lượng khá lớn vũ khí bị hư hỏng trong chiến tranh, bảo đảm một phần quan trọng trang bị cho quân đội chấn chỉnh tổ chức, xây dựng các đơn vị mới, bảo đảm cho huấn luyện quân sự, dự trữ sẵn sàng chiến đấu và tăng cường lực lượng, phương tiện xây dựng các cơ sở quân giới trên chiến trường. Chuẩn bị cho bước phát triển mới của quân đội và của ngành Quân giới, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bảo đảm trang bị cho các lực lượng vũ trang trong cuộc chiến tranh quy mô lớn, đánh với kẻ địch có vũ khí kỹ thuật hiện đại, quân giới đã mở trường đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật, đã cử hàng trăm cán bộ và công nhân sang các nước bạn học tập về các ngành sản xuất vũ khí đạn dược. Các viện nghiên cứu, các nhà máy sản xuất vũ khí tương đối hiện đại từng bước được xây dựng và mở rộng. Một số chế độ quy định về quản lý xí nghiệp, về kỹ thuật, nghiệp vụ được nghiên cứu và ban hành.

Có thể nói, 10 năm xây dựng (1955-1964) là một giai đoạn lịch sử quan trọng, một bước trưởng thành mới của quân giới theo phương hướng chính quy, hiện đại. Cơ cấu tổ chức, quy mô sản xuất và các sản phẩm của một nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam hình thành tương đối rõ nét trong những năm này.

Từ năm 1965 đến năm 1975, cùng với toàn quân, toàn dân, ngành Quân giới bước vào thời kỳ hoạt động vô cùng khẩn trương, sôi động. Đế quốc Mỹ sử dụng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc, mục tiêu hàng đầu là phá hoại tiềm lực kinh tế quân sự của hậu phương chiến lược. Các nhà máy quân giới đều trở thành mục tiêu đánh phá hủy diệt của máy bay địch. Vừa sơ tán và phân tán để bảo vệ các cơ sở sản xuất, giữ gìn máy móc, nguyên vật liệu, vừa duy trì và mở rộng sản xuất, cán bộ công nhân quân giới trên miền Bắc đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, ngày đêm bám xưởng, bám máy sản xuất, đáp ứng nhu cầu của chiến trường. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất các loại vũ khí cơ bản (súng và đạn cho bộ binh, mìn, lựu đạn...), các cơ sở nghiên cứu và nhà máy quân giới đã bám sát thực tiễn chiến đấu trên các chiến trường, tích cực nghiên cứu, cải biên, cải tiến và chế tạo được nhiều loại vũ khí có hiệu lực, nâng cao hiệu quả sử dụng một số loại vũ khí hiện đại do các nước bạn sản xuất; đồng thời tích cực nghiên cứu biện pháp chống phá, làm giảm hiệu lực một số loại vũ khí hiện đại của địch, đặc biệt là trong lĩnh vực chiến tranh điện tử... Trong thử thách ác liệt của chiến tranh, hệ thống tổ chức nghiên cứu và sản xuất của quân giới ở các chiến trường miền Nam và trên miền Bắc tiếp tục được củng cố và phát triển. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật trưởng thành nhanh về số lượng, về trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Kết quả sản xuất, cải biên, cải tiến vũ khí của quân giới trong những năm này đã được thực tiễn chiến đấu ở các chiến trường kiểm nghiệm, đã phát huy tác dụng to lớn, góp phần phát triển các cách đánh sáng tạo của chiến tranh nhân dân, làm thất bại hoặc làm giảm hiệu lực các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại của địch.

Đây là giai đoạn phát triển toàn diện và cao nhất của quân giới trong 30 năm chiến tranh giải phóng. Sản phẩm vật chất và sản phẩm trí tuệ của quân giới Việt Nam trong những năm này là những yếu tố rất quan trọng, góp phần tạo nên sức mạnh mới và nhân lên sức mạnh vốn có của tổ chức, con người và cách đánh Việt Nam, đánh bại chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao của chủ nghĩa đế quốc.

Sự trưởng thành và những thành quả nghiên cứu, sản xuất của quân giới Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước hết là nhờ đường lối đúng đắn, sáng tạo, chủ trương và biện pháp sát hợp của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Trung ương Đảng và Chính phủ, trực tiếp là của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Đó là kết quả của tinh thần độc lập tự chủ, dám nghĩ, dám làm; tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, thiếu thốn, hướng về đơn vị, bám sát chiến trường tích cực nghiên cứu và học tập của cán bộ, công nhân quân giới từ các viện nghiên cứu, các cơ quan chỉ đạo đến các nhà máy, trạm sửa chữa ở khắp các địa phương, các chiến trường, các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng... Đó cũng là kết quả của sự chăm lo, chăm sóc của nhân dân các dân tộc, sự giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, sự giúp đỡ có hiệu quả của các nước bạn.

Kế thừa và phát huy những kinh nghiệm đã tích lũy được trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Quân giới Việt Nam đã bổ sung, phát triển và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm mới, rất phong phú trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy "Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận. Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận...". Thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Bác, cán bộ, công nhân quân giới, dù ở hậu phương hay ở chiến trường, ở cơ quan nghiên cứu chỉ đạo hay ở các nhà máy sản xuất đều nắm vững chức năng, nhiệm vụ của ngành, xác định đúng đắn vị trí và vai trò của công tác bảo đảm trang bị cho các lực lượng vũ trang trong xây dựng và trong chiến đấu. Là một bộ phận của các lực lượng vũ trang nhân dân, một ngành trong cơ cấu tổ chức của quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vấn đề trước hết đặt ra với ngành Quân giới là quán triệt đường lối, quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng. Từ phong trào toàn dân đánh giặc, toàn dân tự tìm vũ khí, tự chế tạo lấy vũ khí để đánh giặc, Quân giới Việt Nam đã được xây dựng, phát triển từng bước, từ các xưởng vũ khí dân quân, vũ khí tự tạo đến các nhà máy, công xưởng tương đối hiện đại chế tạo và cải biên, cải tiến nhiều loại vũ khí vừa tiện sử dụng, vừa có hiệu quả cao. Cục Quân giới, các viện nghiên cứu, các nhà máy quân giới là thành phần nòng cốt trong phong trào toàn dân, toàn quân tìm tòi, nghiên cứu, chế tạo, tận dụng và cải biên, cải tiến vũ khí đánh giặc. Mỗi thành quả nghiên cứu không chỉ được thực hiện ở các nhà máy hậu phương mà bản vẽ, máy móc, vật liệu được đưa vào chiến trường để sản xuất tại chỗ. Mỗi sản phẩm do quân giới sản xuất không chỉ có bộ đội chủ lực mà bộ đội địa phương, dân quân tự vệ cũng có thể sử dụng. Những kinh nghiệm phong phú trong phong trào toàn dân tìm tòi, chế tạo vũ khí đánh giặc đều được quân giới tổng kết, vận dụng trong nghiên cứu và sản xuất. Trong thế trận chiến tranh nhân dân xen kẽ với địch, các cơ sở quân giới đều nằm trong dân, được nhân dân các dân tộc chăm lo, bảo vệ. Khu vực có nhà máy, xưởng sản xuất vũ khí trở thành những "Làng Quân giới" gắn bó máu thịt với nhân dân, với cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương. Chỉ có dựa vào dân, quán triệt sâu sắc quan điểm chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân mới có thể xây dựng, trưởng thành, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm trang bị cho các lực lượng vũ trang xây dựng và chiến đấu. Đó là kinh nghiệm sâu sắc của Quân giới Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Trong cuộc chiến đấu này, đối tượng tác chiến của quân và dân ta là quân đội của một nước đế quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật hùng mạnh. Ý chí xâm lược của chúng rất kiên quyết, thủ đoạn cực kỳ xảo quyệt, vũ khí kỹ thuật hiện đại, thay đổi rất nhanh, ngày càng tinh vi, làm cho ta khó chống phá. Chiến tranh kéo dài, chiến sự diễn biến khẩn trương, phức tạp. Tình hình đó đòi hỏi ngành Quân giới không chỉ bảo đảm tốt, đầy đủ và kịp thời nhu cầu về trang bị cho các lực lượng vũ trang đánh địch mà phải thường xuyên bám sát thực tiễn chiến trường, góp phần tìm hiểu, khám phá âm mưu, thủ đoạn, kỹ thuật mới của địch, nghiên cứu, đề xuất các biện pháp đối phó thích hợp, chế tạo và cải biên các vũ khí khí tài có khả năng chống phá và làm giảm hiệu lực các loại vũ khí tinh xảo của địch. Mặt khác, quân giới phải bám sát nhu cầu, nhiệm vụ chiến đấu của các đơn vị, các quân chủng, binh chủng, tích cực tham gia nghiên cứu, cải biên, cải tiến nâng cao hiệu quả các loại vũ khí trong biên chế, nhất là các vũ khí mới được trang bị, góp phần bảo đảm cho các đơn vị những khí tài, những vũ khí có hiệu lực, có khả năng đối phó có hiệu quả với các loại vũ khí mới, kỹ thuật mới, thủ đoạn chiến tranh mới của địch. Những thành công của bộ đội phòng không - không quân trong chống nhiễu điện tử, của bộ đội hải quân, công binh trong chống thủy lôi, mìn từ trường... làm sáng tỏ bài học này.

Thực tiễn lịch sử cho thấy, chỉ có bám sát thực tiễn chiến trường, bám sát nhiệm vụ chiến đấu của quân đội, việc bảo đảm trang bị của quân giới mới có thể góp phần thực hiện và phát huy có hiệu quả cách đánh của lục quân và các quân chủng, của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Những thành công của quân giới về nối tầm bắn cho pháo phản lực ĐKB, để đánh sâu vào hậu cứ địch; về chế tạo mìn cho hải quân đánh tàu địch, chế tạo bộ vũ khí phá rào (FR) cho bộ binh, về một số vũ khí đặc chủng của đặc công... không những đã góp phần nâng cao hiệu suất chiến đấu của quân đội ta trên các chiến trường mà còn là những kinh nghiệm quý về định hướng nghiên cứu, chế tạo và cải biên các loại vũ khí hiện đại phù hợp với đặc điểm chiến trường, với đối tượng tác chiến, với hình thức tổ chức lực lượng và cách đánh Việt Nam. Đây là kinh nghiệm quý báu về vận dụng quan điểm thực tiễn của Quân giới Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Quân giới Việt Nam đã tích lũy được những kinh nghiệm quý về tinh thần tự lực tự cường. Giữa vòng vây bốn phía của kẻ thù, quân giới đã tự lực nghiên cứu, chế tạo được một số loại vũ khí lợi hại trang bị cho các lực lượng vũ trang đánh địch. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, truyền thống tốt đẹp và những kinh nghiệm quý ấy đã được quân giới vận dụng, phát triển lên một trình độ mới. Đó là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong nghiên cứu, cải biên, cải tiến, phát huy cao nhất và có trường hợp phát triển thêm tính năng, hiệu lực các loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại do các nước bạn viện trợ, chống phá có hiệu quả các loại vũ khí kỹ thuật tinh xảo của địch.

Khác với những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vũ khí trang bị trong biên chế của quân đội ta thời kỳ chống Mỹ chủ yếu do các nước bạn viện trợ, trong đó có nhiều loại vũ khí khí tài hiện đại, có một số nhà máy sản xuất và sửa chữa súng, pháo, đạn cho súng bộ binh, khí tài quang học... Nhiều cán bộ, công nhân kỹ thuật quân giới được cử sang các nước bạn học tập kiến thức và kinh nghiệm của bạn. Nhưng do đòi hỏi khách quan của cuộc chiến đấu, trước đối tượng tác chiến là đội quân xâm lược có trang bị kỹ thuật rất hiện đại và trước yêu cầu phải đánh thắng địch, quân đội ta, trong đó có các cơ sở nghiên cứu, các nhà máy quân giới đã phát huy cao độ tinh thần tự lực tự cường, tự chủ và sáng tạo, không chỉ sử dụng tốt các loại vũ khí trang bị do các nước bạn viện trợ mà còn nghiên cứu, cải biên, cải tiến nó cho phù hợp với thực tiễn chiến trường, với tổ chức và cách đánh của ta. Do đó đã phát huy cao hiệu lực các loại vũ khí do bạn viện trợ, giảm trọng lượng mang vác để có thể vượt Trường Sơn đưa vào chiến trường, cải tiến cho thuận tiện trong sử dụng trên các loại địa hình, với các cách đánh và các tình huống khác nhau... Có trường hợp lực lượng kỹ thuật quân giới nghiên cứu, phát triển thêm tính năng và hiệu lực mới của vũ khí không có trong thiết kế của bạn; có trường hợp tách ra một bộ phận để sử dụng như một vũ khí mới (A12); lại có trường hợp sử dụng phối hợp nhiều loại khí tài, phát huy tính năng của từng loại để đạt tới một kết quả chung là làm giảm và vô hiệu hóa thủ đoạn gây nhiễu của địch, phát hiện kịp thời và chính xác mục tiêu cho bộ đội tên lửa, pháo cao xạ chiến đấu...

Tranh thủ sự giúp đỡ, tích cực học tập kỹ thuật tiên tiến và những kinh nghiệm quý của bạn, nhưng quân giới không máy móc, giáo điều, không ỷ lại, không dừng lại ở những vũ khí trang bị do bạn viện trợ mà luôn luôn nêu cao tinh thần độc lập sáng tạo trong nghiên cứu và sử dụng, góp phần hạn chế, làm mất hiệu lực và đánh bại các thủ đoạn, các phương tiện kỹ thuật hiện đại của địch. Đó là nét đặc sắc, cũng là một kinh nghiệm quý của Quân giới Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, một bài học có tính hiện thực trong xây dựng nền Công nghiệp quốc phòng của Nhà nước, của quân đội ta hiện nay.

Quá trình xây dựng và làm nhiệm vụ bảo đảm trang bị cho các lực lượng vũ trang xây dựng và chiến đấu, cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên Ngành Quân giới luôn luôn ý thức được trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của mình, cố gắng tu dưỡng và học tập, dám nghĩ dám làm, vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, đánh thắng đội quân xâm lược có trang bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới về nâng cao khả năng phòng thủ của đất nước.

Coi trọng việc bảo đảm trang bị, nhưng nhân tố quyết định nhất vẫn là tổ chức và con người. Đối với ngành Quân giới, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật, xây dựng hệ thống tổ chức nghiên cứu và sản xuất đồng bộ có ý nghĩa quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng, lại có hại". Thực tiễn lịch sử cũng cho thấy, mọi thành công, kết quả nghiên cứu, sản phẩm sáng tạo của quân giới đều bắt nguồn từ chủ trương đúng đắn và những biện pháp tổ chức thực hiện cụ thể, sát hợp của lãnh đạo, chỉ huy các cấp; là kết quả của công tác giáo dục, quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng, kết quả giáo dục tinh thần độc lập, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, kết quả xây dựng ý chí tự lực tự cường, ham học tập, cầu tiến bộ... đối với từng cán bộ, công nhân quân giới. Do đặc điểm nhiệm vụ, các viện nghiên cứu quân giới thường đặt ở hậu phương, các trạm, xưởng, nhà máy quân giới thường đặt ở căn cứ, vùng rừng núi an toàn. Tình hình đó đòi hỏi công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng trong các cơ quan, cơ sở quân giới phải coi trọng việc động viên, xây dựng lòng yêu ngành, yêu nghề, hướng ra chiến trường, hướng về đơn vị để phục vụ. Mặt khác, thường xuyên giáo dục tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, thiếu thốn, tận tình giúp đỡ nhau trong sản xuất và trong đời sống vật chất và tinh thần; giáo dục tinh thần sẵn sàng vượt qua mọi ác liệt hy sinh, dũng cảm chiến đấu khi địch đánh vào nhà máy, khi mang vũ khí ra chiến trường và ra thao trường thử nghiệm... Được rèn luyện trong thử thách ác liệt của chiến tranh, các chi bộ Đảng ở các nhà máy, phân xưởng sản xuất, viện nghiên cứu quân giới thực sự là hạt nhân vững chắc đoàn kết, thống nhất toàn đơn vị. Cán bộ, công nhân, đảng viên, đoàn viên đều tận tụy với nghề, đồng cam cộng khổ, nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn, vì sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội, của cơ quan và nhà máy mà phấn đấu. Ý thức được trách nhiệm với sự nghiệp xây dựng quân đội, bảo vệ đất nước, yêu ngành và yêu nghề, nhiều gia đình đã có hai - ba thế hệ là công nhân quân giới. Các "Làng Quân giới", Câu lạc bộ Quân giới được thành lập ở Khu 5, Nam Bộ và nhiều địa phương khác thể hiện tình nghĩa thủy chung của những tập thể, những con người đã gắn bó cả cuộc đời với quân giới, đã tận tình truyền nghề cho thế hệ sau tiếp tục phát triển ngành Quân giới Việt Nam.

Tiếp theo những năm tháng xây dựng và trưởng thành trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một chặng đường lịch sử rất vẻ vang của ngành Quân giới. Quán triệt sâu sắc những lời dạy của Bác Hồ, theo gương các anh hùng, liệt sĩ, Quân giới Việt Nam đã trưởng thành nhanh chóng, vững chắc, phát huy và phát triển những truyền thống rất tốt đẹp, góp phần quan trọng bảo đảm vũ khí, trang bị cho quân đội xây dựng, chiến đấu và chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược.

Tiếp nối truyền thống và kinh nghiệm trong 30 năm chiến tranh giải phóng, cán bộ, công nhân Quân giới Việt Nam, nay là Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và kinh tế đang nỗ lực phấn đấu, kế tục xứng đáng các thế hệ cha anh trong sự nghiệp xây dựng nền Công nghiệp quốc phòng Việt Nam theo đường lối đổi mới của Đảng, góp phần xây dựng quân đội, nâng cao tiềm lực quốc phòng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.



Phần thứ hai

GIỚI THIỆU PHÁP LỆNH CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG


tải về 323.85 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương