HỘI ĐỒng phối hợp phổ biếN, giáo dục pháp luật trung ưƠng đẶc san tuyên truyền pháp luật số: 08 /2013 chủ ĐỀ pháp luậT ĐIỆn lựC



tải về 1.07 Mb.
trang1/9
Chuyển đổi dữ liệu01.05.2018
Kích1.07 Mb.
#37703
  1   2   3   4   5   6   7   8   9
HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN,

GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRUNG ƯƠNG


ĐẶC SAN

TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT

Số: 08 /2013

CHỦ ĐỀ

PHÁP LUẬT ĐIỆN LỰC

HÀ NỘI - NĂM 2013

Phần thứ nhất

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

I. SỰ PHÁT MINH RA ĐIỆN VÀ VAI TRÒ CỦA ĐIỆN NĂNG ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI

1. Sự phát minh ra điện

Có thể nói, điện là quá trình phát hiện và triển khai của nhiều thế hệ. Con người đã biết đến hiện tượng điện và từ rất sớm. Đã nghiên cứu về điện từ hàng nghìn năm, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có một định nghĩa chính xác thế nào là điện. Theo vật lý học thì điện là dòng chuyển động của các electron hay các phân tích điện khác. Từ điện trong tiếng Anh “electricity” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “electron” – nghĩa là hổ phách.

Từ năm 600 trước Công nguyên, những người Hy Lạp cổ đã biết rằng nếu cọ xát hổ phách thì nó có thể hút được những mẩu giấy. Cột mốc có ý nghĩa quan trọng đấu tiên là William Gilbert (1544 – 1603), nhà vật lí người Anh - ông được xem là cha đẻ của kỹ thuật điện, điện và từ tính, ông là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ “dòng điện”. Năm 1600, trong công trình "Luận về nam châm, các vật từ và về nam châm không lồ là Trái Đất" của ông đã tổng kết những hiểu biết của con người về điện từ, từ trước cho đến lúc bấy giờ

Cho đến năm 1672, ông Otto Fon Gerryk khi để tay bên cạnh quả cầu bằng lưu huỳnh đang quay đã nhận được sự tích điện lớn hơn. Vào năm 1729, ông Stefan Grey đã tìm ra rằng có một số chất, trong đó có kim loại, có thể dẫn điện (ngày nay ta gọi là những chất dẫn điện) và ông cũng phát hiện ra những chất khác như thủy tinh, lưu huỳnh, hổ phách và sáp không dẫn điện (ngày nay ta gọi là những chất cách điện).

Vào năm 1733 một người Pháp có tên là Duy Phey tìm ra vật tích điện dương và vật tích điện âm, mặc dù ông cho rằng đó là hai loại điện khác nhau. Bedzamin Franklin là người đầu tiên thử giải thích thế nào là dòng điện. Theo ông tất cả các chất trong tự nhiên đều có chứa "chất lỏng điện". Khi hai chất va chạm vào nhau thì một số "chất lỏng" của chất này sẽ bị lấy sang chất khác.

Năm 1785, Charles Augustin de Coulomb (1736 – 1806), nhà vật lí Pháp đã đưa ra ba nghiên cứu về điện năng và từ trường. Trong các nghiên cứu này, ông diễn giải cách "làm thế nào để tạo ra và sử dụng một chiếc cân xoắn dựa trên đặc tính của sợi dây kim loại có lực xoắn đàn hồi tỉ lệ với góc quay"; "cách áp dụng quy luật về điện năng và từ trường thuận - nghịch (hút và đẩy)”; "điện năng hao hụt theo thời gian vì ảnh hưỡng của không khí ẩm hay vì tính chất ít dẫn điện". Tiếp tục với các thí nghiệm nghiên cứu, cuối cùng ông đã phát biểu định luật tương tác giữa các điện tích điểm. Định luật phát biểu rằng: “Lực tương tác giữa hai điện tích điểm có phương nằm trên một đường thẳng nối hai tích điểm, có chiều là chiều của lực hút nếu hai điện tích điểm cùng dấu và đẩy nếu hai điện tích điểm trái dấu, có độ lớn tỉ lệ thuận với tích các điện tích và tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa chúng”. Cống hiến này của Coulomb1 đã đặt nền tảng quan trọng cho việc phát triển nghiên cứu về điện và từ tính. Coulomb cũng nghiên cứu về từ trường, cách chế tạo kim nam châm, cách khử từ, và đã khám phá ra sự phân bố điện tích ở mặt ngoài vật dẫn, biết hiệu ứng màn tĩnh điện, đề ra khái niệm momen từ, đồng thời xây dựng lý thuyết về hiện tượng phân cực điện môi.

Cũng trong thập niên này, năm 1786, nhà giải phẫu học người Ý - Luigi Galvani (1737 - 1798), làm thí nghiệm cho điện phóng qua đùi ếch bằng cách treo chiếc đùi ếch bằng một sợi dây đồng, chiếc đùi ếch bị co bóp đặc biệt mỗi khi đầu kia sợi dây đồng chạm vào thanh sắt của ban công. Thí nghiệm này như một sự phát hiện ra sự tồn tại của dòng điện và những tác dụng sinh lí của dòng điện. Về sau Luigi Galvani là người phát hiện ra rằng các tế bào thần kinh và tế bào bắp thịt cũng sản sinh ra điện.

Alessandro Volta (1745 – 1827), nhà vật lí người Ý. Ông bắt đầu nghiên cứu đến hiện tượng tĩnh điện từ năm 1765 và phát hành cuốn sách “Về sự hấp dẫn của điện” vào năm 1769, trong đó giải thích một số hiện tượng tĩnh điện. Volta tiếp tục nghiên cứu về các hiện tượng điện sinh lý và thử lại thí nghiệm của Galvani, nhưng theo ông, cơ thể con ếch chỉ là một chất dẫn điện, điện sinh ra trong kim loại đã kích thích các dây thần kinh và làm hoạt động các cơ của con ếch. Để chứng minh sự lầm lẫn của Galvani, Volta đã tạo ra điện bằng các vòng đồng và kẽm xen kẽ nhau và phân cách nhau bằng các lớp vải tẩm dung dịch acid, ông dùng một sợi dây gắn vào vòng kẽm ở trên cùng và một dây gắn vào vòng đồng ở dưới cùng, khi chạm hai đầu dây vào nhau thì một tia lửa điện văng ra. Đây là phát minh quan trọng nhất của ông vào năm 1800 và sản phẩm này được coi là cục Pin2 đầu tiên của loài người, cục pin đó đó có khả năng sinh ra dòng điện liên tục và ổn định. Phát minh này đã mang đến cho loài người nguồn năng lượng thường xuyên và kéo theo nó tất cả những phát minh quan trọng nhất trong lĩnh vực này3.

Năm 1820, Hans Christian Oersted (1777 - 1851), nhà Vật lí người Đan Mạch phát hiện ra mối quan hệ giữa dòng điện và từ trường, và mối quan hệ này được gọi là điện từ. Phát hiện này đã tạo ra một bước ngoặt trong lịch sử nghiên cứu điện từ.

Cũng trong thời gian này, năm 1820 - 1822, Andre - Marie Ampère (1775 – 1836), nhà vật lí người Pháp đã dựa vào phát minh về điện từ của Oersted, ông đã nghiên cứu tìm ra tác dụng của từ trường lên dòng điện và sự tương tác giữa hai dòng điện, gọi là lực điện từ và phát biểu thành định luật (Định luật này được mang tên ông – Định luật Ampere)4.

Năm 1827, Georg Simon Ohm (1789 – 1854), nhà vật lí người Đức dựa trên những thí nghiệm của mình đã nêu ra mối quan hệ giữa cường độ dòng điện, hiệu điện thế và điện trở. Kết quả nghiên cứu này của ông được gọi là định luật mang chính tên ông – Định luật Ohm5. Định luật này của ông đã mở ra những cách phân tích đúng đắn về mạch điện.

Năm 1831, Michael Faraday (1791 - 1867) nhà hóa học và nhà vật lí người Anh, đã phát minh ra hiện tượng cảm ứng điện từ, dòng điện trong chất điện phân. Thành quả nghiên cứu lớn nhất của Faraday là ông đã dùng nam châm để chế tạo một dòng điện liên tục: nếu di chuyển thanh nam châm qua cuộn dây thì sẽ có một dòng điện chạy trong cuộn dây, dòng điện cũng sẽ xuất hiện nếu cuộn dây di chuyển qua thanh nam châm đứng yên. Thí nghiệm của ông cho thấy rằng sự thay đổi từ trường tạo ra dòng điện và đây là nguồn gốc để chế tạo máy phát điện ngày nay.

Năm 1879, Thomas Alva Edison (1847 – 1931), nhà vật lý người Mỹ đã phát minh ra bóng đèn sợi đốt6, có thể nói phát minh này đã làm thay đổi cả thế giới. Ông cũng là người đầu tiên (năm 1880) xây dựng Trạm phát điện7 và mạng lưới điện để cung cấp điện thắp sáng đến từng gia đình, từng công ty. Tuy nhiên, dòng điện mà Edison cung cấp mới chỉ là dòng điện một chiều 110 V (volt).



Năm 1884 Sir Charles Parsons (1854-1931), kỹ sư người Anh và Gustaf de Laval (1845-1913) kỹ sư người Thụy Sĩ đã phát minh ra turbine (tuabin). Charles Parsons đã phát minh ra tuabin phản lực và Gustaf de Laval phát minh ra tuabin xung lực (tuabin dòng phun tự do). Các tuabin hơi hiện đại thường sử dụng cả hai kiểu tuabin phản lực và xung lực. Nhờ phát minh này mà ngày nay 80% sản lượng điện trên thế giới được sản xuất và sử dụng bằng nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau.

Năm 1887, Nikola Tesla (1856 – 1943), nhà vật lý học người Serbia đã phát minh ra dòng điện xoay chiều. Ông cũng đã chế tạo ra một động cơ tạo ra dòng điện xoay chiều bằng cách dựa vào hiện tượng cảm ứng điện từ: cho thỏi nam châm quay trong cuộn dây điện sẽ tạo ra một suất điện động cảm ứng xoay chiều, gọi là dòng điện xoay chiều. Để tạo ra dòng điện xoay chiều hai pha thì đặt hai cuộn dây điện lệch pha góc 900 hoặc ba pha thì đặt ba cuộn dây điện lệch pha góc 1200, khi nam châm quay, trên mỗi cuộn dây điện sẽ xuất hiện một suất điện động, nếu nối hai cuộn dây hoặc ba cuộn dây ra mạch ngoài thì ta thu được dòng điện hai pha, ba pha. Động cơ của Tesla và dòng điện xoay chiều đã trở thành nền tảng cho hệ thống cung cấp điện năng trên thế giới ngày nay.

Việc đưa dòng điện xoay chiều vào sử dụng trong cuộc sống đã gây ra cuộc cạnh tranh gay gắt giữa George Westinghouse (người đã mua phát minh của Tesla) và Edison trong phân phối điện, gọi là "Chiến tranh dòng điện", xung quanh vấn đề lựa chọn phương pháp truyền tải dòng điện. Edison cho rằng dòng điện xoay chiều là quá nguy hiểm để sử dụng vì nó có khả năng gây tử vong lớn hơn so với dòng điện một chiều. Còn George Westinghouse thì cho rằng nên sử dụng điện áp cao dòng điện xoay chiều, vì nó có thể mang điện hàng trăm dặm và mất điện ít. Cuối cùng, vì những tiện ích và ưu việt của dòng điện xoay chiều, nên việc sử dụng dòng điện xoay chiều đã lấn át và thay thế dòng điện một chiều, dòng điện xoay chiều được sử dụng đến ngày nay.

Trong những năm về sau, cuối thế kỷ XIX, bước sang thế kỷ XX, nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu và phát minh ra nhiều thiết bị sử dụng điện, như: Edison phát minh ra đĩa hát (năm 1877); Heinrich Hertz đã truyền và thu được sóng radio năm 1888; Nikola Tesla đã đã tìm ra hiện tượng điện tần số cao vào năm 1895 qua việc thu được tín hiệu phát từ phòng thí nghiệm của ông tại New York với khoảng cách 80,4 km; năm 1920 Albert Hull phát minh ra hốc magnetron đặt cơ sở cho sự ra đời của lò vi sóng; Năm 1941 Konrad Zuse giới thiệu máy tính Z3, chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới với khả năng lập trình được, mở ra một kỷ nguyên cho máy vi tính…. Như vậy, cùng với sự ra đời của dòng điện, các thiết bị sử dụng năng lượng điện cũng lần lượt ra đời và ngày nay hầu hết các thiết bị trong cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất đều vận hành bằng điện (từ đồ gia dụng như bàn là, nồi cơm, máy giặt, máy rửa bát, máy sấy, tivi…đến đồ công nghiệp như máy in khổ lớn, máy cắt, máy hàn, máy uốn… trong các phân xưởng, nhà máy đều vận hành nhờ điện).



Vậy điện được tạo ra như thế nào?

Như trên đã nói năm 1884 Sir Charles Parsons và Gustaf de Laval đã phát minh ra tuabin, khi tuabin này quay sẽ làm quay máy phát điện và tạo ra dòng điện.

Có nhiều phương pháp để làm cho tuabin quay, và mỗi phương pháp sẽ sử dụng một nguồn nguyên liệu khác nhau dẫn đến quy trình sản xuất điện khác nhau.

- Quy trình sản xuất điện ở nhà máy nhiệt điện: Sử dụng nhiệt năng của than, khí đốt → Đun nóng nước thành hơi → Hơi nước làm quay tuabin → Tuabin hơi làm quay máy phát → tạo điện năng.

Việt Nam có rất nhiều Nhà máy nhiệt điện: Phả Lại (Quảng Ninh), Uông Bí (Quảng Ninh), Na Dương (Lạng Sơn), Sơn Động (Bắc Giang), Hải Phòng, Bà Rịa, Nghi Sơn (Thanh Hóa), Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu), Ninh Bình, Duyên Hải (Trả Vinh), Long Phú (Sóc Trăng), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Ô Môn (Cần Thơ), Cao Ngạn (Thái Nguyên), Nông Sơn (Quảng Nam), An Khánh (Thái Nguyên), Thủ Đức (Hồ Chí Minh)…

- Quy trình sản xuất điện ở nhà máy thủy điện: Thủy năng của dòng nước → làm quay tuabin nước → tuabin nước quay → làm quay máy phát điện → tạo ra điện năng.

Ở Việt Nam, điện năng được cung cấp chủ yếu từ các nhà máy thủy điện, tiêu biểu như Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Yaly (Gia Lai), Thác Bà (Yên Bái), Sean 3A (Gia Lai), Trị An (Đồng Nai), Đa Nhim (Lâm Đồng), Sơn La…

- Quy trình sản xuất điện từ gió: Năng lượng gió là quay tuabin trong cối xay gió → tuabin gió quay → làm quay máy phát điện → tạo ra điện năng.

Các máy phát điện lợi dụng sức gió được sử dụng nhiều ở các nước châu Âu, châu Mỹ và các nước công nghiệp phát triển khác. Đến nay, nước ta đã có Nhà máy điện gió Bạc Liêu, Bình Thuận và đang triển khai xây dựng Nhà máy điện gió ở Ninh Thuận.

- Quy trình sản xuất điện ở nhà máy điện nguyên tử (hay nhà máy điện hạt nhân): Lò phản ứng hạt nhân (sử dụng Uranium tạo năng lượng nguyên tử) → Nồi nấu đun nóng hơi nước → hơi nước làm quay tua bin → Tua bin hơi quay làm quay máy phát điện → tạo thành điện năng.

Việc đưa nhà máy điện nguyên tử vào hoạt động đã được nhiều quốc gia phát triển áp dụng, như Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Nga… Ở Việt Nam đang dự kiến xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại tỉnh Ninh Thuận. Một trong những ưu điểm của nhà máy này là giá thành rẻ, ít khí thải, chất thải so với nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, nhà máy điện nguyên tử lại chứa đựng sức tàn phá và mối đe dọa tính mạng con người rất lớn. Thế giới đã từng chứng kiến hai thảm họa do nhà máy điện nguyên tử mang lại đã để lại những hậu quả nặng nề, gây ô nhiễm phóng xạ nghiêm trọng trong một vùng rộng lớn là: nổ Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl xảy ra vào ngày 26/4/1986Ukraina (thuộc Liên Xô cũ) và rò rỉ phóng xạ ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (Nhật Bản) xảy ra vào ngày 11/3/2011 do động đất và sóng thần.

- Các nguồn nguyên liệu để sản xuất điện có hạn lượng nhất định, than, khí đốt ngày càng cạn kệt do bị khai thác quá mức, năng lượng nước và gió thì không ổn định do sự biến đổi của khí hậu, trong khi nhu cầu về năng lượng điện của con người ngày càng tăng (chỉ riêng ở Việt Nam năng lượng điện mới chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu, còn nhiều người dân ở vùng núi, vùng xa chưa có điện, nhiều thời điểm công ty điện lực phải thực hiện cắt điện luân phiên). Do vậy, người ta tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, ma sát trên đường cao tốc, rác thải, khí carbon dioxide (CO2) để sản xuất điện.

Để truyền tải điện năng, người ta sử dụng các dây dẫn có độ dẫn điện cao như bạc, đồng, nhôm. Sự hao hụt điện trong quá trình truyền tải là không thể tránh khỏi (điển hình là hiện tượng nóng lên của dây dẫn). Để giảm bớt sự hao hụt điện năng trong quá trình truyền tải, bảo đảm chất lượng điện cuối nguồn, người ta tăng hiệu điện thế của dòng điện truyền tải. Ví dụ ở Việt Nam có đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam có hiệu điện thế 500 kV; tại một số quốc gia như Canada, Nga hay Nhật,... hiệu điện thế các đường dây truyền tải có hiệu điện thế đến 1500 kV.

2. Vai trò của điện năng trong đời sống con người

Điện được xem là một trong bốn phát minh quan trọng nhất của nhân loại (bên cạnh lửa, bánh xe và năng lượng nguyên tử), có thể nói nhờ phát minh ra điện mà lịch sử nhân loại đã có những bước phát triển vượt bậc. Ngày nay, các máy móc sử dụng động cơ chạy bằng điện có mặt trong tất cả các phân xưởng, nhà máy, công trường, nông trường và từng gia đình, điều này đã giải phóng hàng triệu sức lao động, mang lại hiệu quả và năng suất lao động cao.

Điện được sử dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, nếu như bị mất điện một giờ, một ngày, một tuần hoặc lâu hơn nữa thì chúng ta tưởng như cuộc sống bị chậm lại, mọi việc dường như ngừng lại thậm chí bị xáo trộn. Trong sinh hoạt, điện được sử dụng để chiếu sáng, chạy các thiết bị như quạt điện, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm, bình nước nóng, ti vi, radio,…; trong ngành giao thông, điện được sử dụng cho tàu điện, ô tô điện, xe máy, xe đạp điện, đèn giao thông,…; trong ngành cơ khí, điện được sử dụng để vận hành các máy chuyên dùng; trong ngành y tế, điện được sử dụng vào các thiết bị, dụng cụ y tế để chẩn đoán và chữa bệnh như chụp X-quang, chụp CT, mổ nội soi, điện tim…; trong ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông điện được sử dụng cho các thiết bị truyền dẫn tín hiệu như máy vi tính, mạng internet, các thiết bị đầu – cuối…

3. An toàn khi sử dụng điện

Ngoài những tác động tích cực và lợi ích mà điện mang lại cho cuộc sống con người, thì điện cũng là mối nguy hiểm đối với đời sống con người. Khi tiếp xúc với điện, con người (hoặc động vật) có thể bị điện giật và gây tử vong, nếu xảy ra hiện tượng chập điện (do nước, sấm sét, cường độ dòng điện lên cao hoặc hai nguồn điện tiếp xúc với nhau) sẽ dẫn đến khả năng hỏa hoạn. Nếu xây dựng nhà hoặc công trình quá gần lưới điện cao áp thì điện sẽ phóng từ lưới điện cao áp qua không khí đến người rất nguy hiểm.

Điện có các mức độ ảnh hưởng khác nhau đến cơ thể con người tùy theo cường độ dòng điện, đường đi của dòng điện và thời gian dòng điện chạy qua cơ thể con người. Dòng điện xoay chiều có cường độ lớn hơn 10 mA (mười mili ampe) và dòng điện một chiều có cường độ lớn hơn 50mA (năm mươi mili ampe) là rất nguy hiểm đối với cơ thể con người. Dòng điện đi vào cơ thể con người theo các con đường khác nhau tuỳ thuộc vào tiếp xúc của bộ phận cơ thể con người vào vật mang điện. Nguy hiểm nhất là dòng điện đi qua não, tim, phổi (dòng điện truyền trực tiếp vào đầu, sau đó truyền qua hai tay hoặc dọc theo cơ thể từ tay qua chân). Điện giật tác động tới hệ thần kinh và cơ bắp: khi bị điện giật, hệ thần kinh trung ương sẽ gây rối loạn hoạt động của hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, người bị điện giật nhẹ thường thở hổn hển, tim đập nhanh, người bị điện giật nặng, thì phổi, tim sẽ ngừng hoạt động. Điện áp an toàn phụ thuộc vào môi trường cụ thể, ở điều kiện bình thường với lớp da khô, sạch thì điện áp dưới 40V (bốn mươi vôn) được coi là điện áp an toàn, ở nơi ẩm ướt có nhiều bụi kim loại thì điện áp an toàn không quá 12V.

Để phòng tránh điện giật và những nguy hiểm do điện mang lại, cần áp dụng các biện pháp an toàn, như: thực hiện tốt cách điện; bảo đảm khoảng cách an toàn đối với điện cao áp, trạm biến áp; thực hiện nối đất hoặc nối dây trung tính các thiết bị điện, đồ điện để bảo vệ; bảo đảm đường dây tải điện, các thiết bị điện, đồ điện luôn trong tình trạng an toàn, không hở dây dẫn…



II. LỊCH SỬ NGÀNH ĐIỆN LỰC VIỆT NAM

Nhà máy điện đầu tiên ở Đông Dương do thực dân Pháp xây dựng năm 1892 tại thành phố Hải Phòng (thời điểm đó Việt Nam là thuộc địa của Pháp từ năm 1858 – 1945 và giai đoạn chiến tranh từ năm 1946 – 1954) và chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 2/1894 với mục đích “để cải thiện sinh hoạt cho người Châu Âu ở Bắc Kỳ” – lời của Toàn quyền Đông Dương - Jean Marie Antoine de Lanessan. Đến năm 1954 Quân đội Việt Minh đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ (ngày 07/5/1954) và tiến về giải phóng thủ đô ngày 10/10/1954. Trước khi rút quân khỏi thủ đô, Pháp tuyên bố “sau khi người Pháp rút một tuần, thủ đô Hà Nội sẽ chìm trong bóng tối”. Lúc đó cán bộ tiếp quản ngành điện chỉ có 07 kỹ sư điện, 05 kỹ thuật viên của chính quyền cũ ở lại và công nhân của Nhà máy, tuy nhiên, dù với nhân lực ít nhưng cán bộ và công nhân ngành điện đã không để điều đó xảy ra.

Ngày 21/12/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Nhà máy điện Yên Phụ và Nhà máy đèn Bờ Hồ, Bác nói: “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải giữ gìn nhà máy, làm cho nó phát triển hơn nữa…Bác khen ngợi và cảm ơn các cô, các chú đã cố gắng sản xuất điện đều, làm cho sinh hoạt của đồng bào trong thành phố đều tiếp tục như thường…”. Trên cơ sở này, ngày 12/10/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1594/QĐ-TTg công nhận ngày 21/12 hằng năm là “Ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam”.

1. Thành lập cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực điện

Khi tiếp quản thủ đô, Nhà máy điện được đặt dưới sự quản lý của Bộ Giao thông Công chính (do ông Trần Đăng Khoa làm Bộ trưởng).

Ngày 21/7/1955, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 169-BCT/ND/KB thành lập Cục Điện lực trực thuộc Bộ Công Thương và bổ nhiệm ông Hồ Quý Diện làm Cục trưởng8. Cục điện lực là cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên chuyên trách về lĩnh vực điện).

Đến năm 1960 cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thuỷ lợi và Điện lực theo Lệnh của Chủ tịch nước số 18 - LCT ngày 26/7/1960 về danh sách các Bộ và cơ quan ngang Bộ, gồm: Bộ Thuỷ lợi và Điện lực, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Nội thương, Bộ Ngoại thương. Ngày 21/02/1961, Bộ Thủy lợi và Điện lực ra Quyết định số 86-TLĐL/QĐ về việc chuyển Cục Điện lực thành Tổng cục Điện lực.

Ngày 28/12/1962, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định tách Tổng cục Điện lực ra khỏi Bộ Thủy lợi và Điện lực về trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng và đổi tên là Cục Điện lực.

Tại Quyết nghị số 786/NQ/TVQHK6 ngày 11/8/1969 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chia Bộ Công nghiệp nặng thành hai Bộ và một Tổng cục thuộc Hội đồng Chính phủ là Bộ Điện và Than, Bộ Cơ khí và Luyện kim, Tổng cục Hoá chất.

Ngày 06/10/1969, Bộ Điện và Than ban hành Quyết định số 106/QĐ/TC thành lập Công ty Điện lực (nay là Công ty Điện lực 1) trực thuộc Bộ Điện và Than với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh điện năng và hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế.

Quyết nghị số 1236NQ/TVQHK6 ngày 22/11/1981 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đã chia Bộ Điện và Than thành hai bộ: Bộ Điện lực, Bộ Mỏ và Than.

Sau đó, đến ngày 16/12/1987 Hội đồng Nhà nước ban hành Quyết định số 782NQ/HĐNN7 về việc thành lập Bộ Năng lượng trên cơ sở hợp nhất hai bộ là Bộ Điện lực, Bộ Mỏ và Than.

Nghị quyết của Quốc hội ngày 21/10/1995 về việc điều chỉnh tổ chức một số cơ quan của Chính phủ đã thành lập Bộ Công nghiệp trên cơ sở hợp nhất ba bộ: Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Năng lượng, Bộ Công nghiệp nhẹ. Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công nghiệp được thành lập theo Quyết định số 258/2005/QĐ-TTg ngày 19/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Nghị quyết số 01/2007/NQ-QH12 của Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XII, ngày 31 tháng 7 năm 2007, Quốc hội đã quyết định hợp nhất Bộ Công nghiệp với Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương. Hiện nay cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực điện là Bộ Công thương.

Theo Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, thì Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành và lĩnh vực: cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo…

Ngày 28/11/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 153/2008/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương (Quyết định này thay thế Quyết định số 258/2005/QĐ-TTg ngày 19/10/2005).

2. Xây dựng các Nhà máy sản xuất điện

Quán triệt tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, với chủ trương “Điện phải đi trước một bước”, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện, thủy điện ở miền Bắc.



2.1. Xây dựng ba nhà máy nhiệt điện đầu tiên

Để nâng tổng công suất nguồn điện đáp ứng nhu cầu sản xuất tái thiết đất nước và cung cấp nguồn điện cho tất cả các vùng miền trong nước, trong giai đoạn từ năm 1956 – 1958, song song với việc củng cố, nâng cấp, sửa chữa các nhà máy và đường dây tải điện do Pháp để lại, chúng ta đã tiến hành xây dựng 03 nhà máy nhiệt điện mới là Nhà máy điện Vinh (công suất 08 MW9), Nhà máy điện Thanh Hóa (công suất 06 MW) và Nhà máy điện Lào Cai (công suất 08 MW). Việc đưa vào vận hành ba nhà máy nhiệt điện này đã đưa tổng công suất nguồn điện tăng gấp hai lần so với khi tiếp quản thủ đô năm 1954 (khi tiếp quản, cơ sở vật chất chỉ cung cấp được 31,5 MW, sản lượng điện khoảng 53 triệu kWh10/năm).



2.2. Xây dựng Nhà máy nhiệt điện Uông Bí

Ngày 19/5/1961, Nhà máy nhiệt điện Uông Bí được khởi công xây dựng với công suát 48MW, năm 1963 khánh thành và đi vào hoạt động. Đây là nhà máy nhiệt điện có công suất lớn nhất miền Bắc thời kỳ đó (thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc). Sau này, nhà máy được nâng công suất lên 153 MW và tháng 5/2002 khởi công xây dựng tổ máy 1 với công suất 300 MW, Dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2 được khởi công xây dựng tháng 5/2008 với công suất 330 MW. Tháng 4/2013 dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2 đã chính thức phát điện hòa vào lưới điện quốc gia, đưa tổng công suất của đơn vị nhiệt điện này lên trên 740 MW, chiếm hơn 4,5% công suất toàn hệ thống điện cả nước.



2.3. Xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà

Nhà máy thủy điện Thác bà (Yên Bái) công suất 108 MW được khởi công xây dựng ngày 19/8/1964 là nhà máy thủy điện có công suất lớn đầu tiên của miền Bắc. Ngày 05/10/1971 khánh thành nhà máy và khởi động tổ máy số 1, bắt đầu phát điện lên lưới điện Quốc gia, ngày 10/3/1972 khởi động tổ máy số 2, ngày 19/5/1972 khởi động chạy tổ máy số 3. Nhà máy đi vào vận hành cả 3 tổ máy đạt công suất thiết kế.



2.4. Xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình

Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Ðảng và Nhà nước ta đã quyết định xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình tạo tiền đề quan trọng cho việc kiến thiết nước nhà trong thời kỳ mới. Công trình nhà máy thuỷ điện Hòa Bình được khởi công ngày 06-11-1979 do Liên Xô giúp xây dựng với 8 tổ máy có tổng công suất là 1.920MW. Ðây là công trình trọng điểm lớn của đất nước ta trong thời kỳ đó. Ngày 30/12/1988 tổ máy 1 công suất 240 MW đã phát điện hòa lưới điện quốc gia, ngày 20/12/1994 công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình đã khánh thành, đánh dấu bước phát triển mới của ngành năng lượng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.



2.5. Xây dựng Trung tâm điện lực Phú Mỹ

Trung tâm điện lực Phú Mỹ được xây dựng tại huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được khởi công xây dựng ngày 07/4/1996 và bắt đầu hoà lưới điện quốc gia vào ngày 12 tháng 02 năm 1997. Đến ngày 10/4/2005 chính thức khánh thành với 6 nhà máy điện có tổng công suất 3.859 MW (lớn gấp đôi công suất của Nhà máy thủy điện Hòa Bình). Đây là trung tâm nhiệt điện lớn nhất cả nước với sản lượng điện sản xuất trung bình 20 tỷ kWh điện một năm, chiếm 30% sản lượng điện của hệ thống điện quốc gia (thời điểm năm 2007), thể hiện sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp điện lực Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 21.



2.6. Xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La

Công trình thủy điện Sơn La là công trình thủy điện quan trọng của quốc gia quy mô lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á, được khởi công xây dựng ngày 02/12/2005 với tổng công suất thiết kế 2.400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 400 MW) được xây dựng trên địa bàn xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Sản lượng điện hàng năm dự kiến 10,2 tỷ kWh, chiếm khoảng 12% tổng sản lượng điện cả nước. Dự án xây dựng Thủy điện Sơn La đã phát điện Tổ máy số 1 ngày 17/12/2010, các tổ máy số 2 , 3, 4 lần lượt phát điện trong năm 201111; tổ máy số 5 phát điện tháng 4/2012, tổ máy số 6 phát điện ngày 27/9/2012, tính đến ngày 26/9/2012, sản lượng điện toàn nhà máy đạt trên 11,2 tỷ kWh. Ngày 23/12/2012 công trình thủy điện Sơn La chính thức khánh thành, đã hoàn thành vượt tiến độ 03 năm so với Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển ngành Điện lực Việt Nam.

Tính đến tháng 9/2013, nhà máy thủy điện Sơn La đã cung cấp gần 19 tỷ kWh cho hệ thống điện, góp phần đáp ứng điện năng cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Với thành tích đạt được, nhà máy thủy điện Sơn La đã vinh dự nhận Giải Vàng của Giải thưởng Năng lượng Châu Á năm 2013 (2013 (Asian Power Awards 2013) do Tạp chí Năng lượng châu Á tổ chức.

2.8. Dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu

Dự án thủy điện Lai Châu, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư cuối năm 2009, khởi công xây dựng ngày 05/01/2011 tại xã Nậm Hàng huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu với 3 tổ máy, công suất lắp máy là 1.200 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm là 4,67 tỷ kWh. Dự kiến hoàn thành vào năm 2017.

Cùng với thủy điện Hòa Bình (1.920 MW) và Sơn La (2.400 MW), khi xây dựng xong và đưa nhà máy thủy điện Lai Châu (1.200 MW) vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất các nhà máy thủy điện trên sông Đà đạt 5.500 MW, cung cấp khoảng 25 tỷ kWh điện và đem lại giá trị sản lượng điện khoảng 1,2 - 1,3 tỷ USD mỗi năm.

2.9. Các công trình thủy điện, nhiệt điện khác

Ngoài các công trình thủy điện, nhiệt điện tiêu biểu kể trên, nước ta còn xây dựng nhiều nhà máy thủy điện, nhiệt điện khác như: Nhà máy thủy điện Yali (Gia Lai), công suất 720 MW; Đa Nhim (Lâm Đồng), công suất 160 MW; Đa Mi (Lâm Đồng), công suất 175 MW; Hàm Thuận (Lâm Đồng), công suất 30 MW; Thác Mơ (Bình Phước), công suất 150 MW; Trị An (Đồng Nai), công suất 400 MW… Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng (Hà Tĩnh) với 3 tổ máy, công suất 1.200 MW; Ô Môn (Cần Thơ) 2 tổ máy, công suất 660 MW; Mông Dương (Quảng Ninh) với 2 tổ máy, công suất 1.080MW; An Khánh (Thái Nguyên), công suất 300 MW; Nghi Sơn (Thanh Hóa), công suất 600 MW…



2.10. Các Dự án sử dụng năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời)

Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam, nhu cầu sử dụng điện tại nước ta là rất lớn kể cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Để đáp ứng mức tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp thì trong thời gian tới nhu cầu sử dụng điện năng sẽ tăng lên 15% mỗi năm. Theo Chiến lược phát triển công nghệ điện lực của Tập đoàn điện lực Việt Nam (đến năm 2015 định hướng đến năm 2025), tập 1 – Báo cáo chung thì tiềm năng thủy điện nước ta khoảng 123 tỷ kWh, tương đương công suất lắp đặt khoảng 31.000 MW12. Tuy nhiên dưới tác động của các yếu tố kinh tế - kỹ thuật và môi trường thì tiềm năng thủy điện sẽ giảm xuống còn khoảng 70 – 80 tỷ kWh với công suất tương ứng 18.000 – 20.000 MW. Đồng thời, dự báo nhu cầu than cho sản xuất điện khoảng 26 triệu tấn vào năm 2018, lên đến 40 triệu tấn vào năm 2020 và gần 75 triệu tấn vào năm 2025. Nếu tiếp tục cấp than cho sản xuất điện như hiện nay thì khoảng từ năm 2016 Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than cho nhiệt điện. Nguồn khí nguyên liệu cung cấp cho hoạt động sản xuất điện cũng không được dồi dào, miền Bắc cũng chưa tìm thấy nguồn khí đốt cho điện, còn ở miền Nam khí đốt cho sản xuất điện đạt khoảng 14 tỷ m3/năm, ước tính để tiếp tục vận hành các nhà máy nhiệt điện khí, trong tương lai chúng ta phải nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng. Gió và nhiệt lượng mặt trời là dạng năng lượng tái tạo, sạch, thân thiện với môi trường, khả năng vô tận và ổn định. Vì thế, phương án đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo này tỏ ra có hiệu quả hơi cả đối với nước ta – một quốc gia có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi về địa lý (Việt Nam nằm từ vĩ độ 23o23’ Bắc đến 8o27’ Bắc thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa, đồng thời có ba mặt Đông, Nam và Tây-Nam trông ra biển với bờ biển dài 3.260 km, mỗi năm có hai mùa gió chính là Đông Bắc và Đông Nam). Theo đánh giá của Ủy ban Năng lượng quốc tế (IEA) và Ngân hàng thế giới (World Bank) về năng lượng gió khu vực Đông Nam Á, vùng có tiềm năng gió tốt ở Việt Nam chiếm khoảng hơn 8,6% diện tích lãnh thổ để xây dựng các trạm điện gió cỡ lớn (trong khi đó, số liệu này ở Cămpuchia, Thái Lan là 0,2%, Lào là 2,9%); Việt Nam có tổng tiềm năng điện gió đạt 513.360 MW, gấp 200 lần công suất Nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam vào năm 2020. Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 thì việc sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo sẽ tăng lên khoảng 5% vào năm 2020 và 11% vào năm 2050.

Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn năng lượng tái tạo, từ năm 2000 Việt Nam đã triển khai các dự án về điện gió và điện mặt trời, mặc dù chỉ ở mức sơ khai, như Dự án điện gió 30 kW + 10 diezel tại Hải Hậu – Nam Định13, Dự án tuabin gió và pin mặt trời đặt tại huyện Đắc Hà – Kon Tum và Trạm điện gió đảo Bạch Long Vỹ đã hoạt động từ năm 2005 (nhưng đã phải ngừng hoạt động vì trục trặc kỹ thuật và sự cố).

Phải đến khi triển khai xây dựng Nhà máy Phong điện 1 tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận ngày 21/12/2007 và đã phát điện, hòa vào lưới điện quốc gia vào tháng 9/2009. Đây là dự án điện gió có quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam đã mở ra nguồn năng lượng mới ở Bình Thuận và các tỉnh nam Trung Bộ. Giai đoạn 1 của Dự án đã khánh thành ngày 18/4/2012 gồm 20 trụ tuabin gió có tổng công suất 30 MW, sản lượng điện sản xuất mỗi năm khoảng 100 triệu kWh. Giai đoạn 2 của Dự án sẽ lắp đặt thêm 60 trụ tuabin gió, nâng tổng số trụ tuabin gió của Nhà máy lên 80 tuabin với tổng công suất của toàn bộ Nhà máy là 120 MW.

Tháng 9/2010, Nhà máy điện gió Bạc Liêu được khởi công xây dựng (đặt tại vùng biển Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) và phát điện, hòa lưới điện quốc gia ngày 29/5/2013, Bạc Liêu đã trở thành tỉnh thứ hai ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trên con đường phát triển điện năng tái tạo. Toàn bộ Nhà máy đặt trên mặt biển chiếm tổng diện tích gần 500 ha với 10 trụ tuabin điện gió, công suất tổng cộng 16 MW, sản lượng điện sản xuất khoảng 56 triệu kWh/năm. Giai đoạn 2 của dự án sẽ xây lắp tiếp 52 turbine gió còn lại (dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014). Sau khi hoàn thành, Nhà máy điện gió Bạc Liêu sẽ có tổng số 62 turbine với tổng công suất trên 99 MW, sản lượng điện sản xuất xuất khoảng 320 triệu kWh/năm.

Cũng tại tỉnh Bình Thuận, ngày 26/11/2010 đã khởi công xây dựng Nhà máy phong điện Phú Quý (đặt tại 2 xã Long Hải và Ngũ Phụng, huyện  đảo Phú Quý) ,gồm 3 trụ tuabin với tổng công suất 6MW, sản lượng điện cung cấp hàng năm khoảng 25,4 triệu kWWh. Nhà máy đã khánh thành ngày 24/01/2013, đáp ứng nhu cầu về điện cho sản xuất và đời sống nhân dân trên đảo.

Theo khảo sát, Ninh Thuận là địa phương có năng lượng điện gió tốt nhất trong cả nước, với tổng công suất khai thác đến năm 2020 khoảng 2.000 MW, có khả năng phát triển điện gió với quy mô công nghiệp tại hầu hết các huyện, thành phố. Ngày 23/4/2013 Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 2574/QĐ-BCT phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 05 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh với tổng công suất của 05 dự án này là 344 MW. Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đang khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh.

2.11. Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25/11/2009, gồm 2 nhà máy: Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, công suất khoảng 2.000 MW; Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, công suất khoảng 2.000 MW.

Ngày 31/10/2010 Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga đã ký Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác xây dựng Nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó Liên bang Nga sẽ giúp đỡ Việt Nam xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 với 02 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 1.000 MW. Theo chủ trương, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ khởi công xây dựng vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020.

Với “Tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác vì chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á”, Chính phủ Việt Nam đã quyết định chọn Nhật Bản là đối tác hợp tác xây dựng 02 lò phản ứng hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.




tải về 1.07 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương