ĐẶc san tuyên truyền pháp luật số: 09/2013 chủ ĐỀ


Căn cứ vào nội dung hợp đồng, hợp đồng gồm



tải về 0.54 Mb.
trang2/6
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích0.54 Mb.
#20442
1   2   3   4   5   6

2. Căn cứ vào nội dung hợp đồng, hợp đồng gồm:

  1. HĐDS

HĐDS là “bản giao kèo” để ghi nhận những quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các bên. HĐDS có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể khi pháp luật không quy định đối với loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định. Khi các bên thoả thuận giao kết hợp đồng bằng hình thức nhất định, thì hợp đồng được coi là đã giao kết khi đã tuân theo hình thức đó. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản, phải được chứng nhận của công chứng nhà nước, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép, thì các bên trong hợp đồng phải tuân theo các quy định này.

HĐDS được giao kết hợp pháp có hiệu lực bắt buộc đối với các bên. HĐDS chỉ có thể bị sửa đổi hoặc huỷ bỏ, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. HĐDS có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.



  1. HĐTM

Như trên đã phân tích, hợp đồng nói chung là một hành vi pháp lý, là sự thể hiện ý chí của các bên để làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ nhất định. Do đó, hợp đồng là loại hành vi pháp lý cơ bản và thông dụng nhất. Trong giao thương, hợp đồng thường xuyên được sử dụng như một công cụ hữu ích để ghi nhận các quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết đồng thời là một trong các biện pháp để đảm bảo quyền lợi của họ trong các hoạt động kinh doanh. Đôi lúc, hợp đồng trong hoạt động thương mại đóng vai trò là bằng chứng cho giao dịch thương mại của các bên.

LTM Việt Nam không có khái niệm về HĐTM, nhưng có thể hiểu HĐTM là hình thức pháp lý của hành vi thương mại, là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên (ít nhất một trong các bên phải là thương nhân hoặc các chủ thể có tư cách thương nhân) nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện hoạt động thương mại.

Các hoạt động thương mại ở đây được xác định theo LTM 2005, cụ thể tại Điều 1 của LTM 2005, bao gồm: hoạt động thương mại thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (“CHXHCN”) Việt Nam; hoạt động thương mại thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam trong trường hợp các bên thỏa thuận chọn áp dụng Luật này hoặc Luật nước ngoài, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó áp dụng luật này.”


  1. HĐLĐ

HĐLĐ là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. HĐLĐ phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

(i) HĐLĐ không xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

(ii) HĐLĐ xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng;

(iii) HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng: là các hợp đồng ngắn hạn, dưới 12 tháng và thường giao kết cho những công việc tạm thời hay theo mùa vụ.

HĐLĐ có hiệu lực từ ngày giao kết hoặc từ ngày do hai bên thoả thuận hoặc từ ngày người lao động bắt đầu làm việc. Trong quá trình thực hiện HĐLĐ, nếu bên nào có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất ba ngày. Việc thay đổi nội dung HĐLĐ được tiến hành bằng cách sửa đổi, bổ sung HĐLĐ đã giao kết hoặc giao kết HĐLĐ mới. Trường hợp hai bên không thoả thuận được việc sửa đổi, bổ sung hoặc giao kết HĐLĐ mới thì tiếp tục thực hiện HĐLĐ đã giao kết hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

3. Căn cứ vào mục đích của hợp đồng, hợp đồng gồm:


  1. Hợp đồng không có mục đích kinh doanh

Hợp đồng không có mục đích kinh doanh thực chất là HĐDS theo nghĩa hẹp. Các hợp đồng này thường có giá trị giao dịch nhỏ, thể hiện tính thuận tiện và linh động trong giao kết hay thực hiện, xuất phát chủ yếu từ các nhu cầu sinh hoạt. Ví dụ điển hình về loại hợp đồng không có mục đích kinh doanh là hợp đồng tặng cho. Tuy nhiên việc phân loại hợp đồng với “hợp đồng không có mục đích kinh doanh” chỉ mang tính tương đối và cũng chưa hẳn đã chính xác bởi thực tế cho thấy hầu hết các hợp đồng được thực hiện vì một lợi ích vật chất nào đó, kể cả đó là HĐDS do các cá nhân thỏa thuận thiết lập. Chẳng hạn, nhiều người cho rằng các thỏa thuận mua bán phục vụ sinh hoạt hàng ngày của cá nhân (như mua gạo, thịt, rau…) là loại hợp đồng không phục vụ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên cũng không ít người cho rằng các giao dịch kiểu như vậy làm phát sinh lợi nhuận cho bên bán. Ngoài ra, vì bên bán thu lợi thì hoạt động kinh doanh của mình nên khó có thể coi đây là hợp đồng phục vụ mục đích sinh hoạt mà không có yếu tố “kinh doanh.” Do vậy, việc phân loại hợp đồng trong tình huống này chỉ có ý nghĩa tương đối và người ta còn phải căn cứ vào chủ thể giao kết hợp đồng để xác định hay phân loại cho chính xác (xin xem các ví dụ ở phần (b) dưới đây).

  1. Hợp đồng có mục đích kinh doanh, thương mại

Quan hệ kinh doanh thương mại được xác lập và thực hiện thông qua hình thức pháp lý chủ yếu là hợp đồng. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hợp đồng kinh doanh, thương mại có bản chất của hợp đồng nói chung, đó là sự thỏa thuận nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ thương mại. Luật Doanh nghiệp năm 2005 (“LDN”),  LTM không đưa ra định nghĩa về hợp đồng trong kinh doanh, thương mại, song có thể xác định bản chất pháp lý của hợp đồng trong kinh doanh, thương mại trên cơ sở quy định của BLDS về hợp đồng. Từ đó cho thấy, hợp đồng trong kinh doanh, thương mại là một dạng cụ thể của HĐDS.

Có thể thấy HĐDS là một dạng hợp đồng bao quát chung nhất, bao trùm các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, trao đổi, mua bán... còn HĐTM chỉ là một phần nhỏ trong HĐDS. Tức là HĐTM là một dạng của HĐDS, một dạng hợp đồng chuyên ngành mà LTM trực tiếp điều chỉnh. 

HĐTM chỉ cho những hoạt động thương mại nhằm mục đích sinh lợi đó có thể là hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, xúc tiến thương mại, đầu tư. Còn HĐDS chỉ các hoạt động của dân sự trong đó có thể có mục đích sinh lợi hoặc không có mục đích sinh lợi (hợp đồng tặng cho). Điểm khác cơ bản về chủ thể thì HĐTM đòi hỏi ít nhất là một trong các bên tham gia phải có tư cách thương nhân. Tư cách thương nhân này được hiểu đó là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, có đămg ký kinh doanh, còn nếu là cá nhân hoạt động thường xuyên thì phải đăng ký kinh doanh. 

Ví dụ thứ nhất: A mua của B một con bò để về giết thịt làm giỗ nhà thờ họ, trong khi đó thì B là một người chăn nuôi bình thường không có đăng ký kinh doanh chăn nuôi gia súc thì trong trường hợp này có hợp đồng mua bán hàng hóa và đối tượng điểu chỉnh của nó là luật dân sự. Quan hệ giữa A và B là quan hệ dân sự.

Ví dụ thứ hai: công ty C và D mua bán hàng hóa vật liệu xây dựng để bán lại, hoặc C bán cho F trong đó F là một người dân mua về để là nhà thì cả hai trường hợp, hợp đồng mua bán giữa C và D hay C và F đều là HĐTM. Trường hợp đầu, C bán cho D thì cả hai cùng được đăng ký kinh doanh và việc mua bán để kiếm lời, do đó giao dịch giữa hai bên tạo nên một HĐTM. Còn ở trường hợp C bán cho F thì do C có chức năng kinh doanh và bán cho F với mục đích thu lời thì mặc dù F là cá nhân mua hàng hóa phục vụ nhu cầu cuộc sống thì hợp đồng giữa hai bên cũng vẫn là HĐTM. Trong các trường hợp này, đặc điểm về “chủ thể giao kết hợp đồng là thương nhân” và mục đích “kiếm lời” đã quyết định đến tính chất của hợp đồng mà các bên giao kết. 

IV. HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU

1. Khái niệm hợp đồng vô hiệu

Khi giao kết hợp đồng, các bên có thể tự do ràng buộc nghĩa vụ lẫn nhau. Nhưng trong chừng mực nào đó, pháp luật vẫn có quy định về những thoả thuận mà nếu vượt quá giới hạn sẽ dẫn đến vô hiệu, tức là sẽ không còn hiệu lực pháp lý. Khi đó các bên trong giao dịch buộc phải dừng lại trong việc thực hiện hợp đồng. Hợp đồng bị vô hiệu sẽ đương nhiên không làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt nghĩa vụ của các bên giao kết. Tại thời điểm hợp đồng bị tuyên vô hiệu, việc thực hiện hợp đồng có thể bị chấm dứt (trong trường hợp vô hiệu toàn bộ) và có thể phải bị tạm ngưng để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp (trong trường hợp vô hiệu từng phần).

Ở góc độ khái quát, hợp đồng vô hiệu là hợp đồng khi tham gia ký kết và thực hiện đã không đáp ứng được các điều kiện như sau: người tham gia giao dịch không có năng lực hành vi dân sự; mục đích và nội dung của giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật và trái đạo đức xã hội; người tham gia giao dịch bị ép buộc và bị lừa dối, các bên không tuân thủ quy định về hình thức của hợp đồng. 

Tùy thuộc vào tính chất và mức độ của sự vô hiệu, hợp đồng vô hiệu có thể được chia thành: (1) Hợp đồng vô hiệu toàn bộ (Hợp đồng vô hiệu tuyệt đối) và (2) Hợp đồng vô hiệu từng phần (Hợp đồng vô hiệu tương đối).



2. Các trường hợp vô hiệu của hợp đồng

Trên thực tế, các trường hợp vô hiệu của hợp đồng phát sinh khá đa dạng, tùy thuộc vào nhiều yếu tố: năng lực của chủ thể giao kết, mục đích và nội dung của hợp đồng, tính chất mối quan hệ của các bên giao kết. Ở góc độ khái quát, hợp đồng thường vô hiệu trong các trường hợp sau đây:



Hợp đồng có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật và trái đạo đức xã hội. Ví dụ: các bên giao kết hợp đồng để đi ăn trộm xe máy bán kiếm lời. Do mục đích và nội dung của thỏa thuận vừa nêu vi phạm điều cấm của xã hội, do vậy hợp đồng được các bên giao kết đương nhiên vô hiệu.

Hợp đồng vô hiệu do giả tạo: khi các bên xác lập hợp đồng một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu có thể vẫn có hiệu lực. Trong trường hợp xác lập hợp đồng giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch đó vô hiệu. Ví dụ: bà A mua căn nhà của ông B nhưng e ngại vấn đề thủ tục nên đã nhờ C đứng tên mua hộ căn nhà từ B. Sau đó A chuyển về căn nhà này ở ổn định. Được một thời gian, C trở mặt đòi quyền sở hữu căn nhà do căn nhà đứng tên mình, A khởi kiện. Trong trường hợp này, giao dịch mà C thực hiện với B là giao dịch giả tạo để che giấu một giao dịch khác (giao dịch giữa người mua thực sự là giao dịch mua bán giữa A với B). Chính vì vậy, tòa án có thể tuyên bố hợp đồng giữa C và B là vô hiệu do giả tạo đồng thời công nhận việc mua bán căn nhà vừa nêu giữa bà A và ông B.

Hợp đồng vô hiệu do là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập và thực hiện. Khi hợp đồng do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Toà án tuyên bố hợp đồng đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật hợp đồng đó phải do người đại diện của họ xác lập và thực hiện. Ví dụ: A mới 15 tuổi nhưng do bố cho nhiều tiền nên nảy sinh việc sở hữu xe máy và đã mua xe máy từ B. Hợp đồng mua bán này vô hiệu do A chưa đủ điều kiện (chưa thành niên) để giao kết hợp đồng với B.

Hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn: khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của hợp đồng mà xác lập hợp đồng thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của hợp đồng đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Ví dụ: một trong các bên giao kết do nhầm lẫn xe máy Dream II lắp ráp tại Thái Lan với xe Dream II lắp ráp tại Việt Nam nên đã mua xe này. Do vậy khi phát hiện ra, bên nhầm lẫn hoàn toàn có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu.

Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa: Lừa dối trong hợp đồng là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của hợp đồng \ nên đã xác lập giao dịch đó. Ví dụ: A bán co B một chiếc Ti Vi lắp ráp ở Nhật Bản do người thân ở Nhật Bàn gửi về, với điều kiện B phải đặt trước 1/2 giá tiền. Ít ngày sau B đến nhận, A lại giao cho B chiếc tivi lắp ráp tại Việt Nam. Trong trường hợp này A đã lừa dối B. Chính vì thế mà hợp đồng giữa A và B có thể bị tòa tuyên vô hiệu do lừa dối.

Đe dọa trong hợp đồng là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình. Ví dụ: A bắt được B quan hệ bất chính với vợ mình. Ngoài việc đánh B tàn nhẫn, A còn bắt B ký hợp đồng vay nợ của A với số tiền 500 triệu đồng, nếu không ký hợp đồng với nội dung như vậy, A đe dọa sẽ cắt gân của B. Trong trường hợp này, rõ ràng B buộc phải ký hợp đồng dưới sức ep đe dọa của A và do vậy hợp đồng đương nhiên vô hiệu.



Hợp đồng vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình: Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập hợp đồng vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Ví dụ: A và B đi uống rượu về. A say còn B vẫn tỉnh táo. Trong lúc say rượu A thỏa thuận bán nhà cho B. Khi tỉnh rượu A hốt hoảng từ chối việc bán nhà. Trong trường hợp này hợp đồng bán nhà bị coi là vô hiệu vì A đã không làm chủ được hành vi của mình.

Hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức: Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu. Ví dụ: hợp đồng thuê nhà giữa A và B có thời hạn 2 năm, theo quy định hợp đồng này phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký. A và B phải tuân thủ hợp đồng thì mới được coi là có hiệu lực. Ngoài ra, nếu sau thời hạn được tòa án hay cơ quan có thẩm quyền yêu cầu hợp đồng phải công chứng hay chứng thức hợp lệ mà các bên vẫn không thực hiện, thì hợp đồng có thể bị tuyên vô hiệu.

3. Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu

Hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm xác lập.

Khi hợp đồng vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Trong trường hợp hợp đồng vô hiệu nhưng tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ quyền lối đi qua bất động sản liền kề.

Trong trường hợp tài sản là bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một hợp đồng khác cho người thứ ba ngay tình thì hợp đồng với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa. 

 

CHƯƠNG II



CÁC CHẾ ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG DÂN SỰ

TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM
I. KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM HỢP ĐỒNG DÂN SỰ

Hợp đồng dân sự là một giao dịch dân sự mà trong đó các bên tự trao đổi ý chí với nhau nhằm đi đến sự thỏa thuận cùng nhau làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ nhất định. Dưới góc độ pháp lý thì hợp đồng dân sự được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (theo Điều 388 Bộ luật Dân sự). Hợp đồng dân sự là một bộ phận các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình dịch chuyển các lợi ích vật chất giữa các chủ thể với nhau.

Cần phân biệt thuật ngữ hợp đồng dân sự với thuật ngữ pháp luật về hợp đồng dân sự. Đây là hai khái niệm không đồng nhất với nhau. Hợp đồng dân sự theo nghĩa chủ quan là quan hệ xã hội được hình thành từ sự thỏa thuận của các bên để thỏa mãn nhu cầu trao đổi trong giao lưu dân sự. Còn pháp luật về hợp đồng dân sự (nghĩa khách quan) là sự thừa nhận và là yêu cầu của Nhà nước đối với các giao lưu dân sự đó.

Khái niệm về hợp đồng dân sự cần phải được xem xét ở nhiều phương diện khác nhau. Theo phương diện khách quan thì hợp đồng dân sự là do các quy phạm pháp luật của Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình dịch chuyển các lợi ích vật chất giữa các chủ thể với nhau.

Theo phương diện chủ quan, hợp đồng dân sự là một giao dịch dân sự mà trong đó các bên tự trao đổi ý chí với nhau nhằm đi đến sự thoả thuận để cùng nhau làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ dân sự nhất định. Theo phương diện này, hợp đồng dân sự vừa được xem xét ở dạng cụ thể vừa được xem xét ở dạng khái quát. Nếu định nghĩa dưới dạng cụ thể thì "hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các bên trong mua bán, thuê, vay, mượn, tặng, cho tài sản, làm một việc hoặc không làm một việc, dịch vụ hoặc các thoả thuận khác mà trong đó một hoặc các bên nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng" (Điều 1 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991). Sự liệt kê cụ thể bao giờ cũng rơi vào tình trạng không đầy đủ và để quy định của pháp luật có thể bao trùm được toàn bộ các hợp đồng dân sự xảy ra trong thực tế, Bộ luật dân sự đã định nghĩa nó ở dạng khái quát hơn: “Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi và chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự" (Điều 388 Bộ luật Dân sự).

Như vậy, hợp đồng dân sự không chỉ là sự thoả thuận để một bên chuyển giao tài sản, thực hiện một công việc cho bên kia mà có thể còn là sự thoả thuận để thay đổi hay chấm dứt các nghĩa vụ đó. Quay ngược về quá khứ, có thể thấy các bộ cổ luật đã từng tồn tại ở Việt Nam (như Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long) đều không có quy định riêng về hợp đồng, chưa nói đến hợp đồng dân sự. Nghĩa là, trong các thời kì đó, ở Việt Nam chưa có “luật riêng” về hợp đồng dân sự, mặc dù trong thực tế hình thành rất nhiều quan hệ hợp đồng giữa các chủ thể với nhau. Các quy định của hợp đồng không nhiều, chủ yếu quy định về mua bán, cho vay, ngoài ra, các nguyên tắc chung về giao kết thực hiện hợp đồng được quy định xen kẽ trong các quy định dân sự. Hành vi phạm hợp đồng là hành vi vi phạm pháp luật, cho nên người vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, cần phải nói thêm rằng xét về nội dung kinh tế sẽ khó phân biệt giữa một hợp đồng dân sự với một hợp đồng kinh tế nếu nội dung của chúng đều là sự mua bán và trao đổi các lợi ích vật chất. Ở nước ta hiện nay, cùng với sự phát triển chung của xã hội, các thành phần kinh tế ngày một đa dạng và phong phú làm cho các quan hệ kinh tế cũng thay đổi theo. Hợp đồng thương mại trở thành phương tiện phục vụ cho mục đích kinh doanh trên nguyên tắc các chủ thể tự nguyện, bình đẳng với nhau càng làm mờ nhạt ranh giới giữa nó với hợp đồng dân sự. Có những quy định của pháp luật là cơ sở pháp lí để áp dụng chung cho cả hai loại hợp đồng này mặc dù chúng thuộc đối tượng điều chỉnh của hai ngành luật khác nhau.

Tuy nhiên, yêu cầu của quá trình tiến hành tố tụng trong việc giải quyết các tranh chấp từ hợp đồng, đòi hỏi cần phải có sự phân biệt rạch ròi giữa một hợp đồng thương mại với một hợp đồng dân sự vì hiện nay cặp hợp đồng này có rất nhiều điểm tương đồng, rất khó để khó phân biệt. Có thể nói rằng hợp đồng thương mại với một hợp đồng dân sự như một cặp song sinh. Vì vậy, trong thực tế có rất nhiều hợp đồng không thể phân biệt được là hợp đồng thương mại hay hợp đồng dân sự.

Để có thể cái nhìn chính xác về khái niệm hợp đồng dân sự nhằm giải quyết câu hỏi hợp đồng dân sự là gì cần phải phân biệt được hai loại hợp đồng: dân sự và kinh tế và phải xác định được cụ thể mục đích của từng loại hợp đồng. Nếu các bên chủ thể (hoặc ít nhất có một bên) tham gia hợp đồng với mục đích thoả mãn nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng thì hợp đồng đó được xác định là hợp đồng dân sự. Vì vậy, chỉ được coi là hợp đồng thương mại khi các bên chủ thể tham gia đều nhằm mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, mục đích tham gia cũng chỉ là một cơ sở mang tính tương đối trong việc phân biệt giữa hai loại hợp đồng vì rằng có những hợp đồng cả hai bên đều mang mục đích kinh doanh nhưng không thể coi đó là hợp đồng thương mại được nếu có một bên chủ thể là cá nhân không có đăng kí kinh doanh.

Theo Điều 388 Bộ luật Dân sự định nghĩa về hợp đồng dân sự thì hợp đồng dân sự có hai nét cơ bản đó là: (1) sự thỏa thuận giữa các bên và (2) làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý. Để làm rõ khái niệm hợp đồng dân sự, có thể nhìn nhận rằng hợp đồng dân sự trước hết phải là một thỏa thuận có nghĩa là hợp đồng phải chứa đựng yếu tố tự nguyện khi giao kết và nó phải có sự trùng hợp ý chí của các bên. Việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân theo các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng, tự do giao kết hợp đồng, nhưng không được trái với pháp luật và đạo đức xã hội. Tuy nhiên, khái niệm hợp đồng dân sự theo quy định tại Điều 388 khó có thể làm hài lòng những ai đang cố gắng phân biệt hợp đồng dân sự với hợp đồng thương mại bởi hợp đồng thương mại cũng có những đặc điểm tương tự, tức là cũng thể hiện sự thỏa thuận của các bên và cũng làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ nhất định. Do vậy, để làm rõ khái niệm hợp đồng dân sự, cần phải có cái nhìn bao quát hơn về các đặc điểm của hợp đồng dân sự trên nhiều góc độ, gồm: đặc điểm về chủ thể giao kết, về mục đích giao kết, về nội dung và hình thức của hợp đồng dân sự.



Về chủ thể tham gia hợp đồng dân sự: Chủ thể giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự phải có ít nhất từ hai bên trở lên. Các chủ thể khi giao kết, thực hiện hợp đồng đều phải có tư cách chủ thể tức là phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật đối với một chủ thể của quan hệ dân sự (ví dụ: nếu chủ thể là cá nhân thì phải đáp ứng được các yêu cầu về năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự…).

Về mục đích, trong hợp đồng dân sự thì một bên hoặc các bên ký kết phải nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng. Tuy nhiên, pháp luật không bắt buộc cả hai bên trong hợp đồng dân sự phải ký kết hợp đồng nhằm mục đích sinh hoạt.

Về nội dung, hợp đồng dân sự có nội dung rất rộng, có thể là mua bán tài sản, thuê tài sản, vận chuyển khách và tài sản, hợp đồng gia công, hợp đồng gửi giữ. Tuỳ thuộc vào nội dung, tính chất của hợp đồng cũng như tuỳ thuộc vào độ tin tưởng lẫn nhau mà các bên có thể lựa chọn một hình thức nhất định trong công việc giao kết hợp đồng cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Về hình thức (sẽ đề cập kỹ hơn ở phần dưới), hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Khi pháp luật không quy định đối với loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định hay khi các bên thoả thuận giao kết bằng hình thức nhất định thì hợp đồng được coi là đã giao kết khi đã thoả thuận theo từng hình thức đó. Nếu trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng được thể hiện bằng văn bản phải được chứng nhận của công chứng Nhà nước, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó. Như vậy, hình thức của hợp đồng dân sự rất phong phú đa dạng.

II. HÌNH THỨC HỢP ĐỒNG DÂN SỰ

Vì hợp đồng cũng là một loại giao dịch dân sự, nên từ các quy định nêu trên có thể thấy rằng, hình thức của hợp đồng bao gồm các loại sau: bằng lời nói, bằng văn bản và bằng hành vi cụ thể. Hình thức của hợp đồng dân sự tương đối đa dạng, nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể ký kết có được sự thuận tiện cần thiết để thực hiện những gì giao kết. Đối với những hợp đồng dân sự mà pháp luật đã quy định buộc phải giao kết theo một hình thức nhất định, thì các bên phải tuân theo các hình thức đó. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng các hình thức sau đây:



a) Hình thức lời nói (miệng)

Thông qua hình thức bằng lời nói, các bên chỉ cần thỏa thuận “miệng” với nhau về nội dung cơ bản của hợp đồng. Hình thức miệng được coi là có độ xác thực thấp nhất. Khi có tranh chấp giữa các bên về một hợp đồng đã được giao kết miệng với nhau, bất cứ bên nào cũng có thể phủ nhận tất cả những cam kết trước đây của mình. Các trường hợp cơ bản phổ biến áp dụng hình thức miệng là:



Thứ nhất, hình thức miệng được áp dụng trong những trường hợp các bên tham gia giao kết hợp đồng đã có độ tin cậy lẫn nhau. Độ tin cậy giữa các chủ thể thường được xác lập thông qua các quan hệ ruột thịt, quan hệ hàng xóm láng giềng, quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, đồng liêu, đồng ngũ, đồng hương… Sự tin tưởng giữa các chủ thể ở đây đóng vai trò như là một nhân tố chủ quan bổ sung thêm cho sự xác thực của hình thức miệng. Trong nhiều trường hợp do thiếu độ tin cậy nên các chủ thể không thể áp dụng được hình thức miệng. Nhiều người khi tham gia giao dịch miệng hoặc xác lập hợp đồng thường gọi các hợp đồng này là “thỏa thuận quân tử” với lý do một phần là những thỏa thuận này được thực hiện một cách “quân tử” thông qua lời nói (“quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy”) do các bên không cần “giấy trắng mực đen” để làm bằng.

Thứ hai, hình thức miệng được áp dụng với những hợp đồng có giá trị nhỏ. Đối với những hợp đồng có giá trị quá nhỏ (ví dụ: mua mớ rau, bao diêm, mượn cái bút chì,…) thì các bên không có cách nào khác ngoài cách áp dụng hình thức miệng, nếu áp dụng các hình thức khác sẽ có thể tạo nên những chi phí quá lớn, mà giá trị hợp đồng quá nhỏ nên các chi phí đó làm cho việc ký kết hợp đồng trở nên vô nghĩa. Những giao dịch nhỏ, lẻ có giá trị vật chất không cao thường được thiết lập trên cơ sở thỏa thuận “miệng” để những người tham gia giao dịch có thể thực hiện hợp đồng một cách linh hoạt và tiện lợi. Chẳng hạn, hai người bạn thân trao đổi “miệng”, cho nhau vay số tiền khoảng 1 triệu Đồng thì thỏa thuận vay và trả nợ vay giữa hai bên đã hình thành một hợp đồng với quyền lợi và nghĩa vụ phát sinh cho cả hai bên nhưng được xác lập bằng hình thức lời nói (miệng).

Thứ ba, hình thức miệng được áp dụng đối với những hợp đồng có thể được thực hiện và chấm dứt ngay sau khi giao kết. Ví dụ như đa số các hợp đồng bán lẻ và phục vụ mục đích sinh hoạt hàng ngày đều được thực hiện dưới hình thức miệng. Sau khi thỏa thuận miệng xong về giá cả, số lượng và chất lượng …thì hai bên thực hiện ngay thỏa thuận đó. Ví dụ: đối với thỏa thuận mua bán thực phẩm, ngay khi bên bán cân đong và bàn giao thực phẩm cho bên mua, bên mua nhận lấy hàng và trả tiền thì giao dịch coi như đã được hoàn tất.

b) Hình thức văn bản

Các bên có thể ký kết hợp đồng dưới hình thức cùng nhau lập một văn bản viết. Hình thức hợp đồng bằng văn bản mang tính xác thực cao hơn nhiều so với hình thức hợp đồng miệng. Trong văn bản đó các bên ghi đầy đủ những nội dung đã thỏa thuận, cùng ký tên xác nhận vào văn bản. Đối với các chủ thể là tổ chức, công ty có tư cách pháp nhân, ngoài việc người đại diện hợp pháp ký vào, hợp đồng còn được đóng dấu của tổ chức hay công ty đó. Văn bản hợp đồng thường được soạn thành hai hay nhiều bản gốc giống nhau, đều phải có chữ ký của các bên, mỗi bên được giữ một bản. Căn cứ vào văn bản của hợp đồng, các bên dễ dàng thực hiện quyền yêu cầu của mình đối với bên kia. Các trường hợp cơ bản áp dụng hình thức văn bản này là:



Thứ nhất, hình thức hợp đồng bằng văn bản được áp dụng đối với các giao dịch có giá trị lớn. Ví dụ: khi mua ô tô, các bên trong giao dịch thường thỏa thuận các vấn đề liên quan trong một văn bản tại đó nêu rõ giá trị xe ô tô, đặc điểm chủng loại xe ô tô (số khung, số máy…), quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng, trách nhiệm giao và nhận xe ô tô, trách nhiệm đăng ký giấy tờ sở hữu, các trách nhiệm bảo hành, hẫu mãi…

Thứ hai, hình thức hợp đồng văn bản được thiết lập đối với những giao dịch mà việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các bên có thể diễn ra trong một thời gian dài không cùng lúc với việc giao kết. Ví dụ: trong hợp đồng góp vốn và mua bán căn hộ hình thành trong tương lai, bên bán sẽ thực hiện huy động vốn từ bên mua để đầu tư xây dựng nhà ở theo một tiến độ nhất định, sau khi hoàn tất việc xây dựng sẽ bàn giao cho bên mua, còn bên mua thực hiện góp vốn đầu tư, mua bán tài sản hình thành trong tương lai cho bên bán theo từng giai đoạn mà các bên quy định để đợi được bàn giao căn nhà khi hoàn tất.

Thứ ba, trái ngược với hợp đồng “miệng”, hợp đồng văn bản được lập khi giữa các bên chưa đạt được sự tin cậy nhất định. Ví dụ, trong quản lý và điều hành một công ty, giám đốc có thể phải đi công tác hoặc vắng mặt tại công ty trong một số thời gian nhất định. Trong quãng thời gian vắng mặt này, giám đốc có thể ủy quyền cho phó giám đốc thay mình thực hiện một số công việc cụ thể như tiếp khách hàng, trao đổi về giá cả sản phẩm dịch vụ mà công ty đang kinh doanh, thậm chí đại diện ký kết các hợp đồng thương mại. Vì giám đốc có thể chưa tin tưởng tuyệt đối ở người phó của mình và để yên tâm hơn trong việc xác định rõ thẩm quyền của phó giám đốc theo phạm vi các công việc được giao, giám đốc có thể ký văn bản ủy quyền trong đó nêu rõ phạm vi ủy quyền mà mình muốn phó giám đốc thực hiện. Với văn bản đó, phó giám đốc khó lòng có thể vượt quá phạm vi ủy quyền hoặc làm trái các chỉ đạo của giám đốc trong thời gian vắng mặt.

Ngoài ra, đối với riêng dạng hợp đồng bằng văn bản thì Điều 401.2 Bộ luật Dân sự quy định: “Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó”. Thông qua chỉ dẫn này ta thấy rằng hợp đồng bằng văn bản được chia tiếp ra làm hai loại nữa là : (1) hợp đồng bằng văn bản thông thường và (2) hợp đồng bằng văn bản có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân (“UBND”) cấp có thẩm quyền.

Hợp đồng bằng văn bản có chứng nhận, chứng thực được coi là hình thức mang tính xác thực cao nhất và thường được pháp luật quy định đối với các hợp đồng có tính chất phức tạp, dễ xảy ra tranh chấp hoặc với hợp đồng có đối tượng là những tài sản phải đăng ký sở hữu hay nhà nước cần phải quản lý, kiểm soát. Chẳng hạn đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Điều 689 Bộ luật Dân sự quy định: “hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.” Như vậy, để đảm bảo về mặt pháp lý và đáp ứng yêu cầu về hình thức của hợp đồng, các bên nhất thiết phải thực hiện công chứng hợp đồng sau khi lập xong.

Tuy nhiên cũng theo quy định của pháp luật, hợp đồng vi phạm hình thức không đương nhiên bị vô hiệu, nó chỉ vô hiệu khi theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch mới bị vô hiệu.

Hình thức văn bản của hợp đồng có hai giá trị rất rõ rệt là giá trị chứng cứ và giá trị pháp lý. Do vậy pháp luật khuyến nghị nên giao kết hợp đồng bằng văn bản. Về mặt chứng cứ, thì khi có tranh chấp phát sinh từ hay liên quan đến hợp đồng, bất cứ bên nào đều có thể khởi kiện bên còn lại tại tòa án có thẩm quyền hay cơ quan giải quyết tranh chấp mà các bên lựa chọn (ví dụ: trọng tài) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong trường hợp đó, hợp đồng là một trong những bằng chứng để xác định vi phạm, xác định tranh chấp hay để giải quyết mâu thuẫn. Về mặt pháp lý, một khi hợp đồng được xác lập và có hiệu lực, các bên trong hợp đồng bị ràng buộc quyền và trách nhiệm với nhau, mỗi bên có thể phải thực hiện một số công việc nhất định và phải tuân theo quy định của pháp luật.

c) Hình thức hành vi cụ thể

Ngoài các hình thức “miệng”, lập thành văn bản, hợp đồng còn có hình thức thể hiện, đó là thông qua “một hành vi cụ thể”. Các hành vi này khi xảy ra sẽ đương nhiên tạo ra quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Ví dụ: khi người tiêu dùng mua nước tại các máy bán nước tự động, hợp đồng được coi là ký kết khi người tiêu dùng thả tiền vào máy tự động và thực hiện một số các động tác cần thiết để nhận chai nước. Đối với hình thức này thì chỉ cần các bên thực hiện một hoặc một vài (không bắt buộc phải tất cả) hành vi là nghĩa vụ của hợp đồng thì hợp đồng đã được coi là giao kết. Ở một ví dụ khác, trong quan hệ tặng cho, nhà chùa có một số thùng công đức đặt tại cổng chùa, khi người tham quan hay phật tử đến thăm bỏ tiền vào hòm công đức, một giao dịch tặng cho đã được xác lập và thực hiện. Khi đó, chỉ cần một bên thực hiện một hành vi cụ thể thì hợp đồng cũng được xác lập.



d) Hình thức bằng thông điệp dữ liệu (hợp đồng điện tử)

Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc giao kết hợp đồng dưới hình thức văn bản giấy không còn là hình thức thích hợp khi các bên có khoảng cách xa về mặt địa lý. Chủ thể ở một quốc gia này có thể ký kết hợp đồng với chủ thể của một quốc gia khác mà không phải đi đến tận nơi gặp nhau trực tiếp để thương thảo hợp đồng. Thông qua mạng Internet, các doanh nghiệp ở các địa phương khác nhau, ở các quốc gia khác nhau có thể nhanh chóng tìm kiếm được bạn hàng để thiết lập mối quan hệ làm ăn, mở rộng thị trường. Với chiếc máy tính nối mạng Internet, ngồi ở nhà chúng ta có thể dạo quanh thị trường một cách thoải mái vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Khi cần mua một món hàng, chúng ta chỉ cần liên lạc với cửa hàng qua hệ thống mạng, sau đó sẽ có người mang món hàng đó đến tận nơi theo yêu cầu. Sự phát triển mạnh mẽ của giao dịch điện tử kéo theo sự ra đời một hình thức hợp đồng mới: hợp đồng điện tử - hợp đồng được giao kết thông qua phương tiện điện tử. Ví dụ: khi mua sắm hàng hóa trực tuyến, bên bán đưa ra sẵn các điều khoản mua bán hàng hóa trên mạng, bên mua chỉ cần xác nhận mua, thực hiện trả tiền trực tuyến, điền thông tin cần thiết là hợp đồng đã được xác lập đầy đủ.



Каталог: tl-pbgdpl -> Lists -> DacSan -> Attachments
Attachments -> HỘI ĐỒng phối hợp phổ biếN, giáo dục pháp luật trung ưƠng đẶc san tuyên truyền pháp luật số: 06/2013 chủ ĐỀ quyền con ngưỜI
Attachments -> Công ưỚc liên hợp quốc về chống tham nhũng và VẤN ĐỀ hoàn thiện pháp luật việt nam
Attachments -> ChuyêN ĐỀ thông tin về diễN ĐÀn hợp tác kinh tế châU Á-thái bình dưƠng (apec)
Attachments -> ĐẶc san tuyên truyền pháp luật số: 10 chủ ĐỀ CÔng nghiệp quốc phòNG
Attachments -> HỘI ĐỒng phối hợP
Attachments -> HỘI ĐỒng phối hợp phổ biếN, giáo dục pháp luật trung ưƠng đẶc san tuyên truyền pháp luật số: 08 /2013 chủ ĐỀ pháp luậT ĐIỆn lựC

tải về 0.54 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương