HỘI ĐỒng phối hợp phổ biếN, giáo dục pháp luật trung ưƠng đẶc san tuyên truyền pháp luật số: 06/2013 chủ ĐỀ quyền con ngưỜI


PHẦN THỨ HAI QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VỀ QUYỀN CON NGƯỜI VÀ CƠ CHẾ PHÁP LÝ BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI



tải về 0.65 Mb.
trang2/7
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích0.65 Mb.
#13343
1   2   3   4   5   6   7

PHẦN THỨ HAI

QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VỀ QUYỀN CON NGƯỜI VÀ CƠ CHẾ PHÁP LÝ BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI

Ở VIỆT NAM

I. QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VỀ QUYỀN CON NGƯỜI


Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn xác định quyền con người là một giá trị tích đặc biệt có tầm quan trọng trong việc đảm bảo nhân cách, các giá trị sống và quyền lợi của công dân đồng thời thể hiện bản chất xã hội chủ nghĩa và là kim chỉ nam cho việc định hướng xây dựng hiến pháp và pháp luật. Việc Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và phát triển tư tưởng về quyền con người được thể hiện khá rõ nét qua các bản hiến pháp từ sau khi lập nước cho đến khi hòa bình lập lại, chiến tranh chấm dứt và đất nước thống nhất.

Ngoài việc ban hành hiến pháp khẳng định vị thế của quyền con người trong đạo luật gốc của cả nước, Đảng và Nhà nước cũng quan tâm đến việc hoạch định chính sách, đề xuất và chỉ đạo ban hành các văn bản luật để cụ thể hóa và tạo ra cơ chế thực thi và đảm bảo quyền con người một cách có hiệu quả. Ở góc độ khái quát nhất, quan điểm và chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền con người được hình thành, đúc rút từ các yếu tố:

(i) lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc;

(ii) truyền thống, văn hóa, bản sắc của Việt Nam;

(iii) nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh;

(iv) những nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người được hầu hết các dân tộc trên thế giới thừa nhận

và (v) thực tiễn và những yêu cầu đặt ra trong công cuộc Đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân8.

1. Quyền con người là giá trị chung của nhân loại


Theo chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12 tháng 7 năm 1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng: “Quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên; qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại9”. Về vấn đề này, trong bài phát biểu tại Hội nghị Thế giới về quyền con người lần thứ hai tổ chức tại Viên (Áo) năm 1993, đại diện của Việt Nam cũng khẳng định: Quyền con người là một phạm trù tổng hợp, vừa là “chuẩn mực tuyệt đối” mang tính phổ biến, vừa là “sản phẩm tổng hợp của một quá trình lịch sử lâu dài.10Quan điểm coi quyền con người là giá trị chung của toàn nhân loại về cơ bản cũng là quan điểm chung của cộng đồng quốc tế.

Cựu Tổng thư ký LHQ Gali đã từng khẳng định: quyền con người là ngôn ngữ chung của nhân loại. Quan điểm này cũng được gián tiếp phản ánh trong hệ thống văn kiện pháp lý về quyền con người do LHQ và các tổ chức liên chính phủ khác thông qua từ trước tới nay, thể hiện ở việc xác định tính phổ biến của quyền con người, theo đó, quyền con người là những gì bẩm sinh, vốn có của con người và được áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi thành viên trong gia đình nhân loại, không có sự phân biệt đối xử vì bất cứ lý do gì như về chủng tộc, dân tộc, giới tính, tôn giáo, độ tuổi, thành phần xuất thân...


2. Quyền con người mang tính giai cấp


Rõ ràng, ở một xã hội có giai cấp, quyền con người được thể hiện khá rõ nét qua các cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt va dai dẳng, nhằm đòi hỏi và được đáp ứng các nhu cầu về tư tưởng, tình cảm, tự do hay các nhu cầu vật chất thiết yếu khác được mặc định cho con người. Chính vì lẽ đó, Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12 tháng 7 năm 1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ rõ: "Trong xã hội có phân chia giai cấp đối kháng, khái niệm quyền con người mang tính giai cấp sâu sắc11". Cũng liên quan đến vấn đề này, Chỉ thị số 41/2004/CT-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “…cuộc đấu tranh trên vấn đề quyền con người là cuộc đấu tranh mang tính giai cấp sâu sắc, sẽ diễn ra liên tục, lâu dài và quyết liệt12.”

Liên quan đến vấn đề trên, nhiều nhà nghiên cứu về quyền con người trên thế giới cho rằng, mặc dù xét về bản chất, quyền con người là những giá trị chung của toàn nhân loại, là sự kết tinh của những giá trị văn hóa tốt đẹp nhất của tất cả các dân tộc sau một quá trình phát triển lịch sử lâu dài, song vấn đề quyền con người đã luôn mang tính chính trị và bị chính trị hóa. Do đó, việc giải thích và áp dụng quyền con người thường thể hiện rất rõ sự khác biệt về ý thức hệ. Cụ thể, các nước tư bản thường nhấn mạnh và đôi khi cực đoan hóa các quyền dân sự, chính trị của cá nhân, trong khi khối các nước xã hội chủ nghĩa trước đây thường đề cao các quyền tập thể và các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, trong khi có lúc coi nhẹ các quyền cá nhân và các quyền dân sự, chính trị.


3. Quyền con người mang tính phổ biến và tính đặc thù


Tính phổ biến và tính đặc thù của quyền con người phụ thuộc rất nhiều vào truyền thống văn hóa, đặc điểm và trình độ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội tại mỗi quốc gia. Theo Chỉ thị số 12 của Ban Bí thư Trung ương Đảng: “quyền con người luôn luôn gắn liền với lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, văn hoá của đất nước. Do vậy, không thể áp đặt hoặc sao chép máy móc các tiêu chuẩn, mô thức của nước này cho nước khác.13

Sách trắng về thành tựu quyền con người của Việt Nam cũng khẳng định: “…quyền con người vừa mang tính phổ biến, thể hiện khát vọng chung của nhân loại, được ghi trong Hiến chương của LHQ, vừa có tính đặc thù đối với từng xã hội và cộng đồng14, do đó: “…khi tiếp cận và xử lý vấn đề quyền con người cần kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội, các giá trị văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán của mỗi quốc gia và khu vực. Không một nước nào có quyền áp đặt mô hình chính trị, kinh tế, văn hoá của mình cho một quốc gia khác15.

Karl Marx – người sáng lập phong trào cộng sản quốc tế đã từng viết: "Quyền không bao giờ có thể ở mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hoá của xã hội do chế độ kinh tế quyết định16.” Ở phạm vi khu vực, một số nhà chính trị của các nước châu Á như Lý Quang Diệu (cựu Thủ tướng Singapore), Ali Alatas (cựu bộ trưởng ngoại giao Indonesia), Mahathir Mohamad (cựu Thủ tướng Malaysia)… cũng từng cổ vũ cho quan điểm về tính đặc thù của quyền con người qua việc đề xướng lý luận về những giá trị châu Á mà nội dung chủ yếu cho rằng, do những đặc thù về văn hóa và lịch sử, Châu Á cần có những cách thức và tiêu chuẩn riêng trong vấn đề quyền con người chứ không thể và không nên theo những giá trị dân chủ, nhân quyền được cổ vũ bởi các nước phương Tây.

4. Quyền con người về cơ bản thống nhất với quyền dân tộc


Sách trắng về thành tựu quyền con người của Việt Nam khẳng định: “...quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong độc lập, tự do, quyền được tự quyết định vận mệnh của mình17. Quan điểm kể trên xuất phát từ thực tế là trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, dân tộc Việt Nam đã nhiều lần bị các thế lực nước ngoài đô hộ và phải gánh chịu những hy sinh to lớn trong những cuộc đấu tranh bất khuất, kiên cường qua nhiều thế kỷ để giành độc lập dân tộc và tự do. Chính vì vậy, người dân Việt Nam tin rằng, nước mất độc lập thì không thể có cá nhân tự do, hay những "vong quốc nô" thì không thể có quyền con người. Để giành quyền con người cho mỗi cá nhân thì phải giải phóng dân tộc khỏi áp bức ngoại bang và bảo vệ quyền tự quyết của dân tộc. Thực tế cho thấy, trước năm 1945, trong bối cảnh một nước thuộc địa, nửa phong kiến, người dân Việt Nam không được hưởng các quyền con người, quyền công dân. Chỉ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam ra đời, địa vị của người dân Việt Nam mới được thay đổi từ người nô lệ trở thành chủ nhân của một quốc gia độc lập, các quyền công dân của người Việt Nam lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Như thế, quyền con người của người dân Việt Nam gắn liền với các quyền dân tộc cơ bản của dân tộc Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề trên, ở cấp độ quốc tế, quyền tự quyết dân tộc đã được khẳng định trong Hiến chương LHQ và tại Điều 1 của cả hai Công ước quốc tế cơ bản nhất của LHQ về quyền con người là Công ước quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị và Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Văn hóa, Xã hội. Năm 1960, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa, trong đó khẳng định quyền tự quyết dân tộc là một trong những quyền con người cơ bản.


5. Quyền con người là tự nhiên nhưng được pháp luật quy định


Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội năm 1991 của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: "Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người18…" Điều này có nghĩa là để được hiện thực hóa trên thực tế, quyền con người, quyền công dân phải được quy định trong pháp luật. Ở đây, pháp luật vừa là phương tiện để ghi nhận, vừa là công cụ để hiện thực hóa và bảo vệ các quyền tự nhiên của con người. Thông qua pháp luật, không chỉ các quyền con người, quyền công dân mà cả những nghĩa vụ của những chủ thể có liên quan được xác lập, tạo thành khuôn khổ pháp lý cho việc tôn trọng, thực hiện và bảo vệ các quyền con người, quyền công dân trên thực tế. Trên thế giới, việc pháp điển hóa các quyền tự nhiên thành các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về quyền con người diễn ra một cách có hệ thống kể từ khi LHQ ra đời. Cho đến ngày nay, hệ thống các văn kiện pháp lý quốc tế về quyền con người đã bao gồm hàng trăm văn kiện, kể cả các văn kiện có hiệu lực toàn cầu và các văn kiện có hiệu lực ở các khu vực. Quá trình pháp điển hóa như vậy cũng diễn ra ở hầu hết các quốc gia. Ở góc độ nhất định, việc pháp điển hóa các quyền con người vào pháp luật quốc tế và quốc gia cho thấy sự thống nhất về nhận thức của cộng đồng quốc tế về vai trò và tầm quan trọng của pháp luật với việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người.

6. Quyền con người không tách khỏi nghĩa vụ


Theo Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12 tháng 7 năm 1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng: “Quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, pháp luật. Mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích Tổ quốc, của nhân dân.” Sách trắng về thành tựu về quyền con người của Việt Nam cũng khẳng định: “…các quyền và tự do của mỗi cá nhân chỉ có thể được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ đối với xã hội.”

Về vấn đề trên, trong “Điều lệ tạm thời của Hội liên hiệp công nhân quốc tế năm 1864”, K. Marx đã chỉ rõ sự thống nhất biện chứng giữa quyền và nghĩa vụ của con người: “Không có quyền lợi nào mà không có nghĩa vụ, không có nghĩa vụ nào mà không có quyền lợi.19 Trong luật nhân quyền quốc tế, khoản 1 Điều 29 Tuyên ngôn nhân quyền của LHQ nêu rõ rằng: “Tất cả mọi người đều có những nghĩa vụ với cộng đồng mà ở đó nhân cách của bản thân họ có thể phát triển một cách tự do và đầy đủ”. Theo khoản 2 Điều này: “Khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Tuyên ngôn về quyền và trách nhiệm của các cá nhân, các nhóm và các tổ chức xã hội được Đại hội đồng LHQ thông qua năm 1998 (Điều 17) cũng nêu rằng: “Trong khi thực hiện các quyền và tự do trong Tuyên ngôn này, mọi người phải chịu những giới hạn nhất định theo nghĩa vụ quốc tế và do pháp luật quy định vì mục đích bảo đảm việc công nhận và tôn trọng các quyền và tự do của người khác và đáp ứng những đòi hỏi của đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”.


7. Quyền con người được tôn trọng và bình đẳng


Sách trắng về thành tựu quyền con người của Việt Nam khẳng định: “…cần tiếp cận một cách toàn diện tất cả các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá trong một tổng thể hài hoà, không được xem nhẹ bất cứ quyền nào. Đồng thời, các quyền và tự do của mỗi cá nhân chỉ có thể được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng…Việc chỉ ưu tiên hoặc tuyệt đối hóa các quyền dân sự, chính trị và một số quyền tự do cá nhân, không quan tâm thích đáng đến quyền phát triển, các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá của cả cộng đồng là cách đề cập phiến diện, không phản ánh đầy đủ bức tranh toàn cảnh về quyền con người.20Về vấn đề trên, quan điểm chung trên thế giới cho rằng, một trong những tính chất cơ bản của quyền con người là tính không thể phân chia (đã đề cập ở Chương II), thể hiện ở chỗ các quyền con người đều có tầm quan trọng như nhau, về nguyên tắc không có quyền nào được coi là có giá trị cao hơn quyền nào. Việc tước bỏ hay hạn chế bất kỳ quyền con người nào đều tác động tiêu cực đến nhân phẩm, giá trị và sự phát triển của con người.

Ngoài các quan điểm cốt lõi ở trên về quyền con người, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng thể hiện sự tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và coi đó là trách nhiệm của quốc gia. Điều này không khó nhận ra qua các chế định về quyền con người trong các bản hiến pháp của Việt Nam từ 1945 đến nay. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng chủ trương bảo vệ và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, bình đẳng và cuộc sống phồn vinh của nhân dân. Đây cũng chính là mục tiêu lâu dài mà Việt Nam hướng đến, để thông qua các chế định về nhân quyền và cơ chế thực thi, bảo đảm nhân quyền, Đảng và Nhà nước hướng tới xây dựng một nhà nước Việt Nam giàu mạnh, hạnh phúc xứng đáng “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.”

Một nội dung nữa không thể không nhắc đến trong việc nghiên cứu quan điểm của Đảng và Nhà nước về quyền con người đó là việc Việt Nam chú trọng đối thoại và hợp tác quốc tế để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đây là việc làm hết sức cần thiết, để một mặt Việt Nam kiểm tra, rà soát, đánh giá các quy định về nhân quyền trong nước, mặt khác giúp bạn bè quốc tế hiểu biết thêm về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, cũng là cơ hội rất tốt để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trên thế giới trong xu thế toàn cầu hóa, các nước trên thế giới đang sát lại gần nhau về các mặt văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội. Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quyền con người là một mục tiêu tối cơ bản mà nhà nước hướng tới để phản ánh bản chất chế độ, phản ánh tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội trong thời kì thế giới có nhiều biến động. Về vấn đề này, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã từng nhấn mạnh: “Chúng ta phải nhận thức cho thật rõ quyền con người, nói một cách cụ thể hơn, việc bảo vệ và tăng cường sự hưởng thụ quyền con người ở nước ta, là sự nghiệp của Đảng ta, của Nhà nước và nhân dân ta. Chúng ta theo đuổi sự nghiệp này vì nó không thể tách rời với mục tiêu của sự nghiệp cách mạng của chúng ta là làm cho mỗi người và mọi người phát triển tự do và toàn diện. Sự nghiệp này phục vụ cho lợi ích của bản thân chúng ta, không phải vì sức ép của bên ngoài. Không nhận thức được điều này sẽ dễ có tư tưởng đối phó, cách làm chiếu lệ và thái độ bao biện.21



tải về 0.65 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương