Chương Bốn Các tác giả thời thơ Man yô phát triển và hưng thịnh


Đồi cát ở Tottori (Nguồn Wikipedia)



tải về 0.86 Mb.
trang3/10
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích0.86 Mb.
#18739
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

Đồi cát ở Tottori (Nguồn Wikipedia)

4-599

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

朝霧之 欝相見之 人故尓 命可死 戀渡鴨

Dạng huấn độc (đã chua âm):

朝霧のおほに相見し人故に命死ぬべく恋ひわたるかも

Phiên âm:

Asagiri no / ô ni aimi shi / hito yue ni / inochi shinu beku / koi wataru kamo /



Diễn ý:

Dù chỉ có một lần duy nhất thoáng gặp anh, đáng lý ra làm sao nhớ mặt được, thế mà vì anh mà em khô héo cả tâm can. Yêu anh nồng nàn, không còn kể gì đến tính mạng.

Asagiri (suơng sớm mùa thu) ở đầu câu thơ là một từ hoa để bổ nghĩa cho ô (oho) ý nói bâng quơ hay mơ hồ, không rõ ràng. Từ gặp gỡ bâng quơ đến yêu thắm thiết không kể đến mạng sống, sự tương phản này có tác dụng nhấn mạnh cường độ của tình yêu.

Tạm dịch thơ:

Chỉ một lần thoáng gặp / Lẽ ra nào nhớ mặt / Nhưng tình đâu xui khiến / Héo úa cả tâm can / Yêu anh lòng bỏng cháy / Sống chết em không màng /

4-600

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

伊勢海之 礒毛動尓 因流波 恐人尓 戀渡鴨

Dạng huấn độc (đã chua âm):

伊勢の海の礒もとどろに寄する波畏き人に恋ひわたるかも

Phiên âm:

Ise no umi no / iso mo todoro ni / yosuru nami / kashikoki hito ni / koi wataru kamo /



Diễn ý:

Như ngọn sóng vỗ vào bờ đầy ghềnh đá của bãi biển Ise, em đã làm một chuyện khó khăn là đi yêu anh, một người có địa vị cao cả. Nhưng em (cũng như ngọn sóng vỗ không ngừng nghỉ vào bờ) sẽ tiếp tục yêu anh mãi mãi.

Có lẽ Kasa làm bài thơ này lúc mới bắt đầu gặp gỡ Yakamochi. Tuy nhiên nàng đã thấy trước những khó khăn vì nhiều lý do, trong đó có sự cách biệt về giai cấp. Bày tỏ tình yêu bền bĩ đấy nhưng nghe như là nàng đang tự thương thân.

Tạm dịch thơ:

Như sóng vỗ bờ đá / Phận mình quá chon von / Nhưng yêu người tha thiết / Lòng em nào đâu sờn / Tình như con sóng vỗ / Đến muôn thuở không ngừng /

Giáo sư Uemura Etsuko tự hỏi có phải nhà thơ thiên tài và Shôgun bất hạnh của mạc phủ Kamakura, Minamoto no Sanetomo (Nguyên, Thực Triều, 1192-1219) cũng là người hâm mộ Man.yôshuu, chẳng đã lấy cảm hứng từ câu thơ này để viết bài tanka 5/7/5/7/7 vẫn được đời truyền tụng của ông là:



大海の磯もとどろに寄する波割れて砕けて散るかも

Ôumi no / kiso mo todoro ni / yosuru nami / warete kudakete / sakete chiru kamo



(Biển khơi, sóng muốn xô ghềnh / Đánh ầm, vỡ khắp, rồi im tan tành )

4-602

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

暮去者 物念益 見之人乃 言問為形 面景尓而

Dạng huấn độc (đã chua âm):

夕されば物思ひまさる見し人の言とふ姿面影にして

Phiên âm:

Yuu sareba / monomoi masaru / mishi hito no / kototou sugata / omokage ni shite



Diễn ý:

Mỗi khi chiều xuống, tình yêu của em càng chất chứa đầy lòng. Bây gờ lòng em tràn ngập hình dáng anh lúc anh ngỏ lời cùng em trong lúc gặp gỡ mới hồi nãy đây thôi.

Kototou sugata là hình ảnh của người đàn ông vừa nói chuyện với mình. Kasa ghi nhớ mỗi lời nói, mỗi cử chỉ và lập đi lập lại trong đầu cảnh tượng đó. “Hôm nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm…Em nhớ tiếng, em nhớ hình, nhớ ảnh (mono omoi / sugata / omokage), em nhớ anh, em nhớ quá, anh ơi” như ý một câu thơ Việt của Xuân Diệu trên một nghìn hai trăm năm sau và trong một chiều ngược lại vậy.

Tạm dịch thơ:

Chiều xuống tình càng dâng / Ôi dáng ai ân cần / Mỗi lời, mỗi cử chỉ / Nhớ ơi, nhớ vô ngần / Dẫu mới vừa gặp đó / Lòng lại đã bâng khuâng /

4-603

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

念西 死為物尓 有麻世波 千遍曽吾者 死變益

Dạng huấn độc (đã chua âm):

思ふにし死にするものにあらませば千たびぞ我れは死にかへらまし

Phiên âm

Omou ni shi / shini suru mono ni / aramaseba / chitabi zo ware wa / shinikaeramashi /



Diễn ý:

Giả sử có một định mệnh dành cho người khổ vì tình là phải ôm nỗi niềm riêng mà chết đi thì em sẽ vì tình yêu của mình mà chết rồi tái sinh cả nghìn lần để tiếp tục yêu anh, cho anh thấy tình yêu đó sâu đậm và vượt thời gian như thế nào



Tạm dịch thơ:

Ví bằng tương tư khổ / Phải chết trong héo hon / Em nguyện vì anh chết / Và sống lại nghìn lần / Để yêu anh mãi mãi / (Vĩnh viễn vượt thời gian)/

4-605

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

天地之 神理 無者社 吾念君尓 不相死為目

Dạng huấn độc (đã chua âm):

天地の神の理なくはこそ我が思ふ君に逢はず死にせめ

Phiên âm:

Ametsuchi no / kami no kotowari / naku wa koso / a ga omou kimi ni / awazu shiniseme /



Diễn ý:

Em vẫn ngày đêm cầu thiên thần thổ địa sao cho em có dịp gặp anh. Nếu các ngài ấy mà không biết điều (thường thì làm gì có chuyện đó nhưng nếu lỡ ra), em sẽ không thể đạt được điều mình mong mỏi và như thế em sẽ chết trong đau khổ. Nhưng trời đất quỷ thần là kẻ biết điều, chắc em sẽ toại nguyện đó anh.

Vì tình yêu mãnh liệt của mình vượt khỏi giới hạn của thế giới này, Kasa phải trông đợi vào sự trợ giúp của thần linh. Thế thì tại sao Yakamochi không đáp lại lòng thành khẩn ấy? Có thể là mối tình của Kasa đã đến không nhằm lúc, vào ngay thời điểm ông đang tràn ngập hạnh phúc với Ôiratsume chăng?

Tạm dịch thơ:

Luôn luôn khấn đất trời / Sao cho em gặp người / Nếu quỷ thần chẳng thấu /Đành chết cô đơn thôi / Nhưng trời cao có mắt / Xin ngóng đợi một ngày /

4-607

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

皆人乎 宿与殿金者 打礼杼 君乎之念者 寐不勝鴨

Dạng huấn độc (đã chua âm):

皆人を寝よとの鐘は打つなれど君をし思へば寐ねかてぬかも

Phiên âm:

Minahito wo / neyo to no kane wa / utsu naredo / kimi wo shiomoeba / inekatenu kamo /



Diễn ý:

Này mọi người ơi, đã đến giờ ngủ, chúng ta đi ngủ thôi. Tiếng chuông làm hiệu đã đổ từ nãy rồi.Thế mà đầu óc em đang đầy ắp hình ảnh của anh, không tài nào nhắm mắt. Ôi, biết làm sao?

Người xưa đi ngủ khoảng giờ Hợi, nghĩa là từ 9 đến 11 giờ tối. Từ đời Nữ thiên hoàng Saimei có lệ đánh chuông báo giờ (tokigane). Công việc này do các quan bác sĩ về thời khắc ( rokoku hakase, 2 người) và kẻ giúp việc đo thời giờ (shushinchô, 20 người) bằng nước và cát trong Viện Âm Dương (Ônmoryô) phụ trách. Đem tiếng chuông báo giờ đi ngủ vào thơ cũng là một chuyện hiếm có nhưng nó vẽ ra được cảnh tượng cuộc sống rất thực của cung đình.

Tạm dịch thơ:

Chuông báo giờ đã điểm / Ai nấy đều đi nằm / Em không sao nhắm mắt / Trằn trọc đến canh năm / Chỉ vì trong tâm trí / Đầy hình ảnh của anh /.

Qua những bài thơ nói trên, ta thấy tình cảm của Kasa là tình cảm khả ái, thuần khiết, yêu đơn phương và không toan tính của một cô gái mới lớn đứng trước mối tình đầu đời. Không bày tỏ được cho ai, nó chỉ chất chứa trong lòng. May là có thi ca đã mở cho nàng một lối thoát duy nhất.

Phản ứng của Yakamochi trên thực tế thế nào không rõ nhưng trong Man.yôshuu thì chẳng thấy có một bài henka ( phản ca, 返歌nào để trả lời (xin chớ nhầm với hanka, phản ca, 反歌 vốn có một ý nghĩa khác mà ta đã biết). Hai bài 4-811 và 4-612 ông họa cho 2 bài 4-609 và 4-610 mà bà tặng ông chỉ là thơ làm ra sau khi đã xa nhau và nhân một lần tái ngộ (tương biệt cánh lai). Lúc đó, bà còn làm những bài thơ 4-608 như sau đây để tặng ông nhưng xem ra thì tình xưa không còn để lại dấu vết gì, nếu không nói còn đượm chút màu cay đắng nữa.

4-608

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

不相念 人乎思者 大寺之 餓鬼之後尓 額衝如

Dạng huấn độc (đã chua âm):

相思はぬ人を思ふは大寺の餓鬼の後方に額つくごとし

Phiên âm:

Ai omowanu / hito wo omou wa / ôtera no / aki noshirie ni / nuka tsuku gotoshi /



Diễn ý:

Nếu ta yêu và người ấy cũng nghĩ đến ta, tương tư tương ái như thế thì tình yêu mới thích thú. Chứ đây chỉ có mỗi mình ta là nồng nhiệt - chả khác nào con bào ngư chỉ có một lớp vỏ (người Nhật thường xem con bào ngư(abalone, ear shell) một mặt áp vào đá, không có vỏ bọc bên kia, là con vật yêu một chiều (片思いkataomoi) ! Cứ xem những người chẳng biết mô tê, nhè con ngạ quỷ ở góc chùa lớn kia mà đứng sau lưng nó sì sụp cúi đầu xuống sàn làm lễ! Nào được lợi ích gì đâu, hỏi có ngu không?

Tạm dịch thơ:

Yêu người không yêu mình / Nồng nàn, đáp lạnh tanh / Có khác gì những kẻ / Gặp ngạ quỷ cúi mình / Dập đầu xuống làm lễ / Trong chùa, ai thấu tình /

Ngạ quỷ là hình thù tướng mạo mà những ai đã phạm ác nghiệp trong cuộc đời này khi đến khi chết đi phải mang lấy. Lúc nào ngạ quỷ cũng đói, cũng thèm ăn nhưng khi miếng ăn đưa lên miệng thì thức ăn biến thành lửa ngọn không thể nào nuốt được. Kẻ lọt vào ngạ quỷ đạo ốm chỉ còn da bọc xương, tháng ngày than khóc vì thèm ăn. Để khuyến thiện trừng ác, các chùa lớn thường dựng tượng ngạ quỷ ở một góc chùa.

Những kẻ sớn sát, khi đi cúng Phật thì lại đến ngay bên tượng ngạ quỷ khấn khứa huyên thiên, lạy lấy lạy để, xong rồi về và như thế làm thành trò cười cho thiên hạ. Kasa lúc ấy có ý trách thái độ vô tình của Yakamochi (như ngạ quỷ) và tự trào một cách lạnh lùng về mối tình đơn phương dại dột của mình giống như anh chàng đi chùa sớn sát, lạy lục kẻ không đáng phải lạy.

Trước bài thơ như vậy, chắc Yakamochi chỉ biết cười ngao ngán nhưng không khỏi khen thầm tài thơ văn của Kasa. Bằng cớ là ông đã đem nó vào tuyển tập ! Chịu mang tiếng xấu chẳng qua là cái nghiệp của ông đối với các nàng mà thôi. Còn về phần Kasa, bà quả thực là một nữ thi nhân tài trí có vị trí hàng đầu trong lãnh vực sômonka thời Vạn Diệp.



Abe no Iratsume 安部郎女

Truyện ký về bà này không mấy rõ.Qua thi văn mới biết bà có mối liên hệ với một quí tộc là ông Nakatomi no Asomi Azumahito 中臣朝臣東人. Ngoài ra cũng thấy Yakamochi có tặng bà một bài thơ (bài 8-1631) than thở cảnh một mình khổ sở vì cô đơn trong đêm thu dài nên cũng phỏng đoán được là ông có quan hệ luyến ái với bà. Thế nhưng không thấy thơ bà đáp lại.

Thơ các bà các cô có liên hệ với Yakamochi phần lớn được đang trong hai quyển 4 và 8 nhưng thơ Abe no Iratsume không thấy trong quyển 8. Hình như bà quê vùng cố đô Fujiwara (kinh đô thời Nữ thiên hoàng Jitô và thiên hoàng Mommu). Trong quyển 3 bà có 1 bài, quyển 4 được 4, đều là tanka. Tên bà có khi viết là 阿部thay vì 安部, không hiểu có phải là một nhân vật khác không?

4-505

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

今更 何乎可将念 打靡 情者君尓 縁尓之物乎

Dạng huấn độc (đã chua âm):

今さらに何をか思はむうち靡き心は君に寄りにしものを

Phiên âm:

Imasara ni / nani wo ka omowamu (wan) / uchinabiki / kokoro wa kimi ni / yori ni shi mono wo /



Diễn ý:

Đã đến lúc này rồi mà vẫn còn lưu luyến, vướng bận những gì đâu đâu nữa sao! Trong lòng em bây giờ chuyện của anh là cái em đã dẹp qua một bên (yori ni shi mono) rồi.

Giọng điệu cứng cõi, quyết tâm rõ ràng. Quả là khi người đàn bà đã quyết định một điều gì rồi, thật khó lay chuyển. Có phải vì người trong thơ đã đối mặt với cảnh khổ do cha mẹ, bạn bè chung quanh hay người đời mà phải đi đến quyết định chia tay? Nhưng dù là chồng hay người yêu, người ấy đều có đủ can đảm để dẹp ra khỏi cuộc đời của mình.

Ngược lại, khi công chúa Tajima đem lòng yêu hoàng tử Hozumi, người anh khác mẹ của bà, bà cũng ăn nói mạnh mẽ như thế (Như bông lúa đồng thu / Chỉ nghiêng về một phía / Lòng em anh biết rõ / Chỉ tựa vào anh thôi / Dù cho ai cười cợt / Em cũng mặc tiếng đời) ( xem bài 2-114 của công chúa trong Chương II) ta thấy người con gái ấy cũng có một quyết tâm tương tự. Mới nhìn qua thì tưởng là ủy mị, nhưng đọc đến câu cuối mới thấy cái sắt đá. Như thể bà đang tuyên cáo với chồng hay đang thề nguyền với chính mình!



Tạm dịch thơ:

Bây giờ có lưu luyến / Chuyện cũ đã xa xôi / (Dầu rắp tâm níu kéo / Chỉ bằng thừa mà thôi ) / Trong cõi lòng em đó / Anh khuất bóng lâu rồi /

4-506

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

吾背子波 物莫念 事之有者 火尓毛水尓<> 吾莫七國

Dạng huấn độc (đã chua âm):

我が背子は物な思ひそ事しあらば火にも水にも我れなけなくに

Phiên âm

Wa ga seko wa / mono na omôi so / kotoshi araba / hi ni mo mizu ni mo / ware nakenaku ni /



Diễn ý:

Anh ơi, đừng suy nghĩ vẫn vơ nữa! Vạn nhất nếu có điều gì thì hãy còn có em đây, người dám nhảy vào nước lửa không một chút chần chờ.

Nhà thơ thổ lộ rõ ràng nhiệt tình của mình, không từ nan trước cả nước lửa. Mới đọc, thấy như muốn nói cho kêu nhưng hình như nếu không dùng cách diễn đạt rạch ròi như thế thì tác giả không bộc lộ hết cõi lòng. Nó giống tâm tình của một người vợ khi thấy chồng đang đối đầu với nghịch cảnh nên khuyến khích, nâng đỡ chồng vượt qua. Nhìn toàn bài, ta thấy khí thế lên cao dần.

Thơ tương tự (ruika類歌) như bài này thì có thơ của công chúa Minabe (Minabe no Himemiko御名部皇女), người chị cùng mẹ của Thiên hoàng Gemmei 元明天皇khi bà họa thơ ông (bài 1-77). Bài thơ ấy cũng ngụ ý khích lệ nhà vua khi ông đang gặp khó khăn chính trị:



吾が大君ものな思ほし皇神の継ぎて賜へる我なけなくに

Wa ga ôkimi / mono na omôshi / sumekami no / tsugite tamaeru / ware nakenaku ni /



Tạm dịch thơ:

Chàng ơi, đừng rối trí / Hãy tin vào thiếp đi / (Sự thể dù sao nữa / Em vẫn bên chàng đây) / Phải nhảy vào nước lửa / Không ngần ngại phút giây /

Bài thứ ba trích thơ Abe no Iratsume cũng nói lên sự chung thủy và tận tâm của người đàn bà:



4-514

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

吾背子之 盖世流衣之 針目不落 入尓家良之 我情副

Dạng huấn độc (đã chua âm):

我が背子が着せる衣の針目おちず入りにけらしも我が心さへ

Phiên âm :

Wa ga seko ga / keseru koromo no / harime ochizu / irini kerashi mo / a ga kokoro sae /



Diễn ý:

Vì là tấm áo của anh yêu mặc lên người nên em dồn hết tình thương vào mỗi đường kim mũi chỉ. Mỗi mũi kim khâu đều chứa đựng tâm tình em trong đó, cho nên tình yêu của em lúc nào cũng sát cạnh bên anh.

Qua bài thơ, ta thấy hiện lên hình ảnh một cô gái sau khi đã chăm chú khâu áo cho chồng nay hoàn thành tác phẩm của mình và tỏ ra thỏa mãn, hạnh phúc vì mình sẽ theo chàng trên suốt đoạn đường cho dù chàng có phải đi xa khỏi kinh đô. Người đi xa có khi là nhận việc quan đi trấn nhậm hay bị lưu đày. Theo sách Kogi (Cổ Nghĩa古義) của học giả đời Edo là Kamochi Masazumi 鹿持雅澄thì “anh yêu” trong tác phẩm này có lẽ là Nakatomi no Asomi no Azumahito.

Tạm dịch thơ:

Vì áo anh yêu mặc / Nên từng mỗi đường kim / Em đăm đăm khâu lấy / Dồn hết cả tâm tình / Mai dù anh đi vắng / Vẫn mang em bên mình /

Yamaguchi no Ôkimi 山口女王

Truyện ký về bà cũng không rõ. Sáu bài thơ của bà đều là thơ đem tặng Yakamochi nhưng không có lấy một bài do ông họa lại. Chắc là một phụ nữ ái mộ ông thôi.



4-613

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

物念跡 人尓不<>見常 奈麻強<> 常念弊利 在曽金津流

Dạng huấn độc (đã chua âm):

もの思ふと人に見えじとなまじひに常に思へりありぞかねつる

Phiên âm:

Mono omou to / hito ni mieji to / namajihi ni / tsune ni omoeri / ari zo kanetsuru /



Diễn ý:

Biết rằng đã yêu thì chớ nên để cho ai thấy. Thế mà mấy ai thực hiện nổi điều đó.Nhưng bộc lộ, để vỡ lỡ ra thì lại e mình khó sống.

Trong Hyakunin Isshuu (Bách nhân nhất thủ) có chép hai bài thơ của Taira no Kanemori và Mibu no Tadami về cùng một chủ đề và một tâm trạng.
Thơ Taira no Kanemori như sau:
しのぶれど色に出でにけりわが恋いはものや思うとひとの問うまで
Shinoburedo / Iro ni ide ni keri /Wa ga koi wa / Mono ya omou to / Hito no tou made
Dẫu nén tận đáy lòng, / Trên mặt khó che cùng. / Người chung quanh dọ hỏi, / Tương tư hay là không?
Còn thơ Mibu no Tadami:
恋すてふわが名はまだき立ちにけり人知れずこそ思ひそめしか
Koi suchô / Wa ga na wa madaki / Tachi ni keri / Hito shirezu koso / Omoi some shika
Chưa chi ai đã vội, / Rêu rao tình của tôi. / Dù âm thầm chôn dấu, / Mình hiểu lòng mình thôi.
Như thế thì tình yêu thường là cái gì phải ẩn dấu. Nếu tình yêu để lộ trước mặt mọi người là đi ngược với thế tình. Làm như thế chỉ đem đến sự khổ đau và đôi khi còn có hại cho mạng sống vì sẽ chịu tiếng đời nếu là trường hợp một mối tình ngang trái. Yamaguchi no Ôkimi không phóng đại, bà có vẻ nói thực lòng. Ta có thể thông cảm cho bà. Đối với người con gái khác thì còn công ăn việc làm và những mối lo cấp thiết khác chứ khuê các như bà (một công chúa) thì tình yêu là tất cả.

Tạm dịch thơ:

Tình yêu thường phong kín / Ấp ủ giữa con tim / Nghĩ thế nhưng đâu dễ / Chôn chặt nỗi niềm riêng / Còn như cho người biết / Lòng sẽ héo hon thêm /.

8-1617

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

秋芽子尓 置有露乃 風吹而 落涙者 留不勝都毛

Dạng huấn độc (đã chua âm):

秋萩に置きたる露の風吹きて落つる涙は留めかねつも

Phiên âm:

Akihagi ni / okitaru tsuyu no / kaze fukite / otsuru namida wa / todomekanetsu mo



Diễn ý:

Những giọt sương đọng trên cánh hoa thưu (hagi) mùa thu tan tác bay trong làn gió như cánh bướm. Nước mắt của em vì tình yêu của em đối với anh cũng tuôn ra lã chã như thế đấy.

Đem giọt sương tan tác trong gió ví với nước mắt của người con gái quí phái khóc cho tình cũng khá thi vị. Đây là bài thơ khá nhất trong 6 bài thơ công chúa để lại.

Tạm dịch thơ:

Sương trên cành hoa thắm / Tan tác vì gió thu / Khác nào dòng lệ thảm / Tuôn ra vì tình yêu / Có bao giờ đọng lại / (Vì anh, khóc đã nhiều!)

              Hoa thưu dại (yamahagi) (Nguồn Wikipedia) 



Heguriuji no Iratsume平群氏郎女

Thêm một nhân vật nữa mà cuộc đời không để lại nhiều chi tiết.Hẵn là một người hâm mộ Yakamochi. Bà có 12 bài thơ, toàn là thơ làm để tặng ông.



17-3940

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

餘呂豆代尓 許己呂波刀氣C 和我世古我 都美之<>見都追 志乃備加祢都母

Dạng huấn độc (đã chua âm):

万代に心は解けて我が背子が捻みし手見つつ忍びかねつも

Phiên âm

Yorozuyo ni / kokoro wa tokete / wa ga seko ga / tsumishi temitsutsu / shinobikanetsu mo.



Diễn ý:

Đã giao kết là lòng chúng ta hoà quyện với nhau cho đến muôn đời, cánh tay này ngày xưa anh có lần bấu mạnh làm em đau, bây giờ khi mình đã phải chia ly, mỗi lần ngắm chỗ đó, em thấy thương nhớ anh thật nhiều, thật nhiều.

Hai người đã thề nguyền đinh ninh như thế nên khi nhìn vết ngắt để lại trên da thịt, người con gái không sao quên được những tháng ngày âu yếm cũ, hình ảnh cũng như cử chỉ cuồng nhiệt của chàng (bấu chí, sadism) như hiển hiện trước mắt.Một bài thơ đầy tính nhục cảm cụ thể như thế rất hiếm có trong thế giới cung đình và đây là đặc điểm của nó.

Tạm dịch thơ:

Thề thốt mình như một / Yêu nhau đến trọn đời / Trên tay nhìn vết ngắt / Lòng em chợt nhớ người / Và ngày âu yếm cũ / Từ một thuở chia phôi /

17-3942

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

麻都能波奈 花可受尓之毛 和我勢故我 於母敝良奈久尓 母登奈佐吉都追

Dạng huấn độc (đã chua âm):

松の花花数にしも我が背子が思へらなくにもとな咲きつつ

Phiên âm :

Matsu no hana / hana kazu ni shite mo / wa ga seko ga / omoeranaku ni / moto na sakitsutsu /



Diễn ý:

Hoa tùng không đập vào mắt ai và cũng chẳng đẹp đẽ gì cho cam. Cũng chẳng ai đem sắp nó vào loài hoa. Thế mà đến mùa, nó cũng ra hoa như mọi loài hoa khác.Cững vậy, tuy anh như mọi người chẳng để ý gì đến em nhưng em giống như mọi người (có lẽ vì đến tuổi dậy thì như hoa đến mùa) vẫn cứ thầm kín yêu anh.

Trong 12 bài thơ của Heguriuji no Iratsume, đây cò lẽ là bài xuất sắc nhất. Yakamochi là công tử nên chỉ yêu đàn bà đẹp như thói thường người ta yêu hoa đẹp. Nghĩ rằng là một người con gái tầm thường như mình thì chàng nào có đoái hoài nhưng cũng cho chàng biết mình là một người đàn bà, và đã là bàn bà, tất biết rung cảm trước tình yêu như bất cứ ai. Đây là một vần thơ chất chứa oán hận (uramigoto) dù muốn giữ vẻ bình tĩnh.

Một bài thơ thông minh. Tỏ ra khiêm tốn đến mức tự hạ nhưng sắc bén trong ý tưởng, đáng được nể trọng vì tư cách.



Tạm dịch thơ:

Hoa tùng nào có đẹp / Đâu lọt được mắt ai! / Nhưng mùa sang lại nở / Khoe sắc như muôn loài / Phận hèn không kẻ đoái / Tình vẫn hứa trao người. /

Ômiwa no Iratsume 大神郎女

Về bà, vẫn chưa rõ truyện ký. Hai bài thơ đều để tặng Yakamochi cả.Phải chăng hai bên vốn có một quan hệ luyến ái?



8-1505

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

霍公鳥 鳴之登時 君之家尓 徃跡追者 将至鴨

Dạng huấn độc (đã chua âm):

霍公鳥鳴きしすなはち君が家に行けと追ひしは至りけむかも

Phiên âm:

Hototogisu / nakishi sunawachi / kimi ga ie ni / yuketo oishi wa / itarikemu kamo /



Diễn ý:

Anh có lần nói với em rằng anh thích nghe chim cuốc (hototogisu) hót, phải không nào! Có con chim cuốc vừa hót cạnh em đây, em đã bảo nó đi đến chỗ anh mà hót đi. Thế anh đã nhìn thấy nó chưa?

Tuy là một câu nói đùa nhưng chứng tỏ mình đã không quên một lời nào của người yêu cả. Một bài thơ chứa chan tình ý của tác giả đối với Yakamochi.

Tạm dịch thơ:

Có lần anh bảo em / Anh thích nghe tiếng cuốc / Khi chim cao tiếng hót / Em bảo nó tìm anh / Giờ chim đến nơi chưa ? / (Con chim làm sứ giả).



Chim cuốc (Nguồn Wikipedia)          

Kôchi no Momoe no Otome河内百枝娘子

Truyện ký không rõ. Đã viết ba bài tặng Yakamochi.



4-701

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

波都波都尓 人乎相見而 何将有 何日二箇 又外二将見

Dạng huấn độc (đã chua âm):

はつはつに人を相見ていかにあらむいづれの日にかまた外に見む

Phiên âm

Hatsuhatsu ni / hito wo aimite / ika ni aramu (naran) / izure no hi ni ka / mata yoso ni mimu /



Diễn ý:

Tuy chỉ gặp nhau thoáng chốc rồi chia tay nhưng đã yêu anh rồi. Không biết một cơ hội nào đây, mình có thể nhìn thấy lại nhau dù chỉ trong tư thế người dung kẻ lạ. Ôi chao, em mong mỏi ngài tái ngộ ấy xiết bao!

Yakamochi quả là người nặng nợ, đã có bao nhiêu cô gái yêu thầm nhớ trộm ông như vậy. Đến đổi phải bộc lộ qua lời thơ như thế, chứng tỏ nàng không thể cầm lòng được nữa rồi!

Tạm dịch thơ:

Gặp nhau trong thoáng chốc / Xa rồi còn vấn vương / Biết bao giờ thấy lại / Dù như khách qua đường / Ôi dẫu là khoảnh khắc / Mong tái ngộ người thương /

Kannakibe no Maso Otome 巫部麻蘇娘子

Truyện ký không rõ. Cả thảy 4 bài thơ bà làm ra hình như đều để tặng Yakamochi. Thơ bình thường , không có gì độc đáo nên xin miễn đưa ra.   



Awata Me no Otome 粟田女娘子

Không rõ về cuộc đời của bà.Thơ có hai bài cũng để tặng Yakamochi.



4-707

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

思遣 為便乃不知者 片h之 底曽吾者 戀成尓家類 <[注土h之中]>

Dạng huấn độc (đã chua âm):

思ひ遣るすべの知らねば片もひの底にぞ我れは恋ひ成りにける <[注土h之中]>

Phiên âm:

Omoiyaru / sube no shiraneba / katamoi no / soko ni zo ware wa / koi nari ni keru /



Diễn ý:

Vì không biết phương pháp quét sạch tình yêu nên càng ngày nó càng thêm đầy. Mấy lúc này thì đã lún xuống đáy vực tình yêu (đáy bát) rồi. Khổ sở không sao thấu.

Katamoi còn có nghĩa là bát uống nước không có nắp đậy. Một lối diễn tả hiếm có vậy!

Tạm dịch thơ:

Bởi vì không biết cách / Đuổi được tình đi xa / Tình mỗi ngày tràn ngập / Khổ sở một thân ta / Lún sâu trong thương nhớ / Đâu còn biết lối ra /



tải về 0.86 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương