Chương Bốn Các tác giả thời thơ Man yô phát triển và hưng thịnh


Chim cát (Shigi) (Nguồn Wikipedia)



tải về 0.86 Mb.
trang2/10
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích0.86 Mb.
#18739
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

Chim cát (Shigi) (Nguồn Wikipedia)

19-4143

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

物部<> <>D嬬等之 は乱 寺井之於乃 堅香子之花

Dạng huấn độc (đã chua âm):

もののふの八十娘子らが汲み乱ふ寺井の上の堅香子の花

Phiên âm:

Mono no fu no / yaso otomera ga / kumimagau / terai no ue no / katakago no hana /



Diễn ý:

Bao nhiêu nàng thiếu nữ đang chen chúc, trò chuyện ríu ra ríu rít như đàn chim, cho tay gàu múc nước ở giếng trong khuôn viên nhà chùa nằm giữa đám hoa katakago. Hoa và người cũng đẹp như nhau nhỉ!.

Katakago là tên cổ để gọi katakuri (dogtooth violet), một loại cây thân thảo có hoa màu đỏ tím, nở vào đầu xuân. Các từ điển xem như một loại cỏ gà hoa tím giống như hoa bách hợp (huệ tím), có thể hiểu là một loài hoa đồng cỏ dại.

Tạm dịch thơ:

Bao nhiêu nàng con gái / Ríu rít tiếng cười đùa / Giữa một vùng hoa dại / Tranh nước giếng nhà chùa / Thử hỏi bao hoa tím / Đã đẹp bằng em chưa ?



19-4149

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

足引之 八峯之雉 鳴響 朝開之霞 見者可奈之母

Dạng huấn độc (đã chua âm):

あしひきの八つ峰の雉鳴き響む朝明の霞見れば悲しも

Phiên âm:

Ashihiki no / yasuo no kigishi / nakitoyomu / asake no kasumi / mireba kanashi mo /



Diễn ý:

Trời vừa hừng sáng, trong khi núi non đang yên tĩnh bỗng nghe tiếng chim trĩ gáy cất cao. Khi nhìn suốt một vùng sương lam che phủ, nghe trong lòng tự dưng dậy lên một nỗi buồn.

Thêm một mối xuân sầu như thấy trong bài trước.

Tạm dịch thơ:

Lác đác tiếng trĩ gáy / Đâu đây trên núi đồi / Ngày mới vừa rựng sáng / Sương lam còn chơi vơi / Bỗng dưng lòng khó nén / Một nỗi buồn khôn nguôi /



Chim trĩ (Nguồn Wikipedia)

19-4150

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

朝床尓 聞者遥之 射水河 朝己藝思都追 唱船人

Dạng huấn độc (đã chua âm):

朝床に聞けば遥けし射水川朝漕ぎしつつ唄ふ舟人

Phiên âm:

Asatoko ni / kikeba harukeshi / Imizukawa / asa ni gishitsutsu / utau funabito /



Diễn ý:

Buổi sáng nằm ở trong giường, ta lắng tai nghe thì thấy có tiếng hát của người phu trạo chèo thuyền trên dòng sông Izumikawa xa xa và nhỏ dần.

Quan trấn thủ ở nơi lữ thứ nghe tiếng hát của người chèo thuyền sáng sớm trên sông về phía xa vời khi ông vừa thức giấc và chạnh lòng hoài cảm.

Tạm dịch thơ:

Sáng mùa xuân yên tĩnh / Nằm lắng nghe trong chăn / Chèo ai đang khuấy nước / Lướt về phía xa xăm / Khúc hát người phu trạo / Bên tai tiếng nhỏ dần /

Đây là một giai tác của Yakamochi. Nó toát ra một tâm tình hoài hương, không nói buồn mà cũng thấy buồn man mác.



19-4226

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

此雪之 消遺時尓 去来歸奈 山橘之 實光毛将見

Dạng huấn độc (đã chua âm):

この雪の消残る時にいざ行かな山橘の実の照るも見む

Phiên âm:

Kono yuki no / kenokoru toki ni / iza yukana / yamatachibana no / mi no teru mo mimu /



Diễn ý:

Khi đám tuyết đọng này chưa tan đi thì mình hãy đi thôi! Bởi vì lúc này màu những quả quất dại trong bụi cây thấp (yabukôji) vừa chín tới. Màu đỏ của quả quất núi tương phản với màu trắng tinh khôi của tuyết mới thực là một cảnh sắc tuyệt đẹp.



Tạm dịch thơ:

Giờ tuyết hãy còn đọng / Mau lên đường đi thôi ! / (Khi đi ngang qua núi / Sẽ thấy cảnh tuyệt vời) / Đỏ một màu quất chín / Giữa tuyết trắng tinh khôi /



Quất dại (Nguồn Wikipedia)

19-4290

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

春野尓 霞多奈i伎 宇良悲 許能暮影尓 鴬奈久母

Dạng huấn độc (đã chua âm):

春の野に霞たなびきうら悲しこの夕影に鴬鳴くも

Phiên âm:

Haru no no ni / kasumi tanabiki / uraganashi / kono yuukage ni /uguisu naku mo /



Diễn ý:

Ngắm sương lam giăng mắc trên cánh đồng xuân, không hiểu tại sao mình lại cảm thấy buồn buồn.Nhất là khi trong những tia nắng yếu ớt cuối ngày vẳng đâu đây tiếng cuốc kêu.



Tạm dịch thơ:

Nhìn sương lam mờ phủ / Trên cánh đồng mùa xuân / Tâm hồn mình man mác / Nỗi buồn đâu ghé thăm / Huống chi trong nắng xế / Tiếng cuốc vọng bâng khuâng /

Bài thơ này nói lên dược nỗi buồn tịch liêu và phức tạp, khó nói nên lời của tác giả. Cho đến thời Yakamochi, không thấy có bài thơ nào tinh tế đến vậy. Dó là tâm sự chán chường mệt mỏi, nỗi buồn toát ra từ nội tâm của một người trí thức thời xưa (spleen kiểu Baudelaire chăng?), như tình cảnh của Yoshida Kenkô trong tập tùy bút Buồn Buồn Phóng bút (Tsurezuregusa) nhưng nhiều thế kỷ về sau.



19-4291

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

和我屋度能 伊佐左村竹 布久風能 於等能可蘇氣伎 許能由布敝可母

Dạng huấn độc (đã chua âm):

我が宿のい笹群竹吹く風の音のかそけきこの夕かも

Phiên âm:

Wa ga yado no / isasa muratake / fuku kaze no / oto no kasokeki / kono yuube kamo /



Diễn ý:

Nghe tiếng xạc xào nhè nhẹ nhưng không biết gì đây. Phải rồi! Đấy chẳng qua là tiếng gió thổi bâng quơ qua bụi trúc con trồng trong sân nhà ta. Ôi, buổi chiều tịch mịch làm sao!



Tạm dịch thơ:

Nghe rì rào nhè nhẹ / Thầm hỏi tiếng gì đây / Chỉ là làn gió thoảng / Làm khóm trúc lay lay / Bên hiên nhà ta ở / Hoang liêu cảnh cuối ngày /

Tưởng tượng được cảnh Yakamochi một mình ngồi bên hiên nhìn buổi chiều đến ngoài vườn nhà. Tiếng gió thoảng khẽ lay chòm lá trúc , tiếng xào xạc chỉ làm tăng thêm sự trống vắng, tịch mịch trong lòng ông.

Bài thơ tinh tế, trong trẻo và cô quạnh.

19-4292

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

宇良々々尓 照流春日尓 比婆理安我里 情悲毛 比<>里志於母倍婆

Dạng huấn độc (đã chua âm):

うらうらに照れる春日にひばり上がり心悲しも独し思へば

Phiên âm:

Uraura ni / tereru haru hi ni / hibari agari / kokoro kanashi mo / hitori shi omoeba /



Diễn ý:

Ánh nắng mùa xuân nhẹ nhàng lấp lánh, con chim sơn ca (hibari, Japanese skylark) đang hót và lượn trên từng không cao vút. Người nghe tiếng chim thì chỉ lẻ loi, một mình trầm tư, và cảm thấy có một nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn.



Tạm dịch thơ:

Ngày xuân nắng thắm nồng / Sơn ca trên cánh đồng / Tiếng hót lên cao vút / Bay lượn giữa từng không / Riêng mình ta lẻ bạn / Sầu chất mãi đầy lòng /

Hibari (Nguồn Wikipedia)

Ngày xuân chim hót mà lòng lại u sầu. Nói ra để có thể giải tỏa.Tình cảm khó hiểu thay! Thế nhưng cái xuân sầu nơi thi nhân Trung Quốc Nhật Bản đó cũng là cái mà người Tây phương gọi là ennui hay spleen nơi con người hiện đại?

Ngoài ra, thời thơ ấu, cha mẹ mất sớm, tuy được cô nuôi dạy nhưng thiếu niên Yakamochi sau đó cũng phải sống bà cô, xa vợ, và mất đi một người bạn thân nên có lẽ ông già trước tuổi, đâm ra dễ thương cảm, xúc động trước mọi việc.

19-4021

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

乎加未河<> 久礼奈為尓保布 乎等賣良之 葦附[水松之類]等流登 湍尓多々須良之

Dạng huấn độc (đã chua âm):

雄神川紅にほふ娘子らし葦付[水松之類]取ると瀬に立たすらし

Phiên âm:

Okamigawa / kurenaru niou / otomerashi / ashitsuki toru to / se ni tatasu rashi /



Diễn ý:

Nhìn suốt một vùng sông Okami thì đã thấy một màu đỏ thật đẹp bao trùm lên rồi. Mình thấy dòng nước ánh lên sao mà giống những cái váy màu đỏ của các nàng con gái đi cắt ashitsuki, (một loại rong ven bờ nước dùng làm thức ăn), đang đứng ở chỗ lội.



Tạm dịch thơ:

Nhìn suốt một vùng sông / Okami thắm hồng / Tưởng bao tấm váy đỏ / Những cô em chưa chồng / Cắt rong bên bờ nước / Đang lội ở trên dòng /

            Lá rừng thu bên sông (Nguồn Wikipedia)



19-4024

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

多知夜麻乃 由吉之久良之毛 波比都奇能 可波能和多理瀬 安夫美都加須毛

Dạng huấn độc (đã chua âm):

立山の雪し消らしも延槻の川の渡り瀬鐙漬かすも

Phiên âm:

Tachiyama no / yuki shi kurashi mo / Haitsuki no / kawa no watarise / abumi tsukasu mo /



Diễn ý:

Hình như tuyết trên núi Tachi đã bắt đầu tan.Bởi vì khi ta vượt qua chỗ lội trên sông Haitsuki thì thấy nước dâng cao và chảy xiết hơn. Nước ngập đến cả bàn đạp ngựa của ta.



Tạm dịch thơ:

Phải chăng núi Tachi / Băng tan, chính là khi / Vì nước sông dâng gấp / Khi vượt Haitsuki / Ướt tận đến bàn đạp / (Người thúc, ngựa khôn đi) /.

Không có một chữ xuân nào trong bài mà ai nấy đều biết xuân về vì băng trên núi tan làm cho nước dâng cao trên mặt sông. Cảnh tượng hết sức hùng tráng và lời thơ thật sảng khoái, linh động.



19-4114

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

奈泥之故我 花見流其等尓 乎登女良我 恵末比能尓保比 於母保由流可母

Dạng huấn độc (đã chua âm):

なでしこが花見るごとに娘子らが笑まひのにほひ思ほゆるかも

Phiên âm:

Nadeshiko ga / hanamirugoto ni / otomera ga / emai no nioi / omouyuru kamo /



Diễn ý:

Mỗi lần ngắm nhìn vẻ đẹp khả ái của những đóa hoa nadeshiko, ta đều liên tưởng đến khuôn mặt rạng rỡ của các nàng thiếu nữ.

Nadeshiko (pink, hoa cẩm chướng, một loài hoa tầm thường trong vườn hay ngoài đồng nội thường có màu hồng) còn mang tên là nữ lang hoa nên ví với khuôn mặt những nàng thiếu nữ (otome) thì cũng không lạ gì. Emai là khuôn mặt tươi cười và nioi có nghĩa là xinh đẹp (thị giác, xin đừng hiểu theo nghĩa hiện đại là hương thơm, khứu giác).

Tuy có người giải thích otomera là vợ tác giả (Sakanoue no Ôiratsume) nhưng như thế thì quá tầm thường. Có lẽ nên hiểu tác giả muốn nói chung đến những người con gái quê xinh đẹp và đơn sơ như hoa trong vườn nhà hay ngoài đồng nội như cái nghĩa cận đại thì thi vị hơn chăng?



Tạm dịch thơ:

Mỗi lần nhìn cẩm chướng / (Đang khoe sắc thắm hồng) / Lòng tự nhiên nhớ đến / Cô gái quê chưa chồng / Mặt tươi cười rạng rỡ / (Như hoa cỏ trên đồng) /



Hoa cẩm chướng tím (Nguồn Wikipedia)

4-741

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

夢之相者 苦有家里 覺而 掻探友 手二毛不所觸者

Dạng huấn độc (đã chua âm):

夢の逢ひは苦しかりけりおどろきて掻き探れども手にも触れねば

Phiên âm:

Ime no ai wa / kurushi karikeri / odorokite / kaki saguretomo / te ni mo fureneba /



Diễn ý:

Những khi ta gặp vợ ta trong giấc mộng thì không có gì làm ta đau khổ hơn.Bởi vì khi tỉnh giấc quờ quạng chung quanh thì cũng không sao tìm ra được bàn tay của nàng để nắm lấy.

Bài này có kèm lời chú thích là Yakamochi làm ra để tặng người vợ và cũng là cô em họ ông (Sakanoue no Ôiratsume).

Tạm dịch thơ:

Gặp được mình trong mộng / Mà xót xa vô cùng / Vì khi anh tỉnh giấc / Dù cố gắng đi tìm / Cũng không sao nắm được / Bàn tay người nhớ mong /

Nhà chú thích Keichuu (Khế Trùng, 1640-1701) tự hỏi có phải Yakamochi đã lấy cảm hứng từ câu nói của Trương Văn Thành đời Đường trong tác phẩm Du Tiên Quật (cuốn tiểu thuyết diễm tình đã truyền đến Nhật vào thời Nara nhưng lạì thất truyền ở Trung Quốc) để viết ra bài thơ này chăng. Câu đó là: “Thiểu thì tọa thụy tắc mộng kiến Thập Nương, kinh giác quặc chi hốt nhiên không thủ” (Có lúc ngồi ngủ gục mộng thấy nàng Thôi Thập Nương, giật mình ôm lấy thì trong tay không có gì cả). Nó cũng giống như tình cảnh của Goethe đối với người đẹp mà chàng vẫn gặp trong giấc mộng (xem Những nỗi khổ tâm của chàng trai trẻ Werther). Tuy nhiên chàng Werther sau đó tự sát, khác với Yakamochi và Ôiratsume thì đi đến kết hôn, một kết cuộc có hậu hơn.

Sau khi cưới nhau rồi, Ôiratsume vẫn còn viết những vần “khuê oán” như sau:

4-735

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

春日山 霞多奈引 情具久 照月夜尓 獨鴨念

Dạng huấn độc (đã chua âm):

春日山霞たなびき心ぐく照れる月夜にひとりかも寝む

Phiên âm:

Kasugayama / kasumi tanabiki / kokoroguku / tereru tsukuyo ni / hitori kamo nemu /



Diễn ý:

Trên núi Kasuga, sương mùa xuân giăng mắc và ánh trăng chiếu lạnh lùng. Đêm nay trong lòng em bất an, có điều phiền muộn tiêu tao vì anh đi đâu mà không đến, làm cho em phải ngủ một mình. Buồn quá đi thôi! Hãy đến bên em với.



Tạm dịch thơ:

Núi xuân sương giăng mắc / Trăng xuân chiếu bẽ bàng / Cho lòng em buồn bã / Người chẳng đến, thêm càng / Đêm nay ôm gối chiếc / Trong mộng nhớ mong chàng!

Và sau đây là bài thơ con người đa tình đa cảm Yakamochi đã họa lại:



4-736

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

月夜尓波 門尓出立 夕占問 足卜乎曽為之 行乎欲焉

Dạng huấn độc (đã chua âm):

月夜には門に出で立ち夕占問ひ足占をぞせし行かまくを欲り

Phiên âm:

Tsukuyo ni wa / kado ni idetachi / yuuketoi / ashiura wo zo seshi / yukamaku wo hori



Diễn ý:

Không phải đợi đến khi đọc nhưng lời em viết trong thơ, một đêm xuân như đêm nay, lòng anh cũng nặng trĩu nhớ nhung, chỉ muốn chóng đi gặp em. Anh dã chuẩn bị ra cửa và hồi chiều anh đã gieo quẻ bói xem hôm nay hướng nhà em tốt hay xấu. Hãy chờ nhé, nếu có điềm tốt, anh sẽ đến ngay.



Tạm dịch thơ:

Đâu phải chờ thư nhắn / Mới hiểu lòng nhớ nhung / Đêm xuân anh cũng muốn / Tìm đến chỗ em thương/ Chiều nay vừa giũ quẻ / Mong tốt hướng thuận đường /

Khỏi phái nói những chàng trai ngoại tình thường lấy cớ cát hung tốt xấu để tránh không đến nhà vợ nhưng người đứng đắn cũng có khi là nạn nhân của sự mê tín. Quẻ bói định hướng xuất hành gọi là a.ura (ashi = chân, uranai占い = bói), một phong tục khá phổ biến thời cổ.



4-728

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

人毛無 國母有粳 吾妹子与 携行而 副而将座

Dạng huấn độc (đã chua âm):

人もなき国もあらぬか我妹子とたづさはり行きて副ひて居らむ

Phiên âm:

Hito mo naki / kuni mo aranu ka / wagimo koto / tazusawari yukite / taguite oramu /



Diễn ý:

Hỏi có nơi nào mà chẳng thấy một bóng người không nhỉ ? Nếu có thì anh muốn đem em theo anh đến đó sống chứ ở đây tiếng đời phiền nhiễu làm anh chắc phải chết sớm mất!

Như thế chuyện tiếng đời phiền nhiễu không chịu cho thấu đã có tự thời xưa chứ đâu phải mới bắt đầu trong xã hội hiện đạivới những anh paparazzi. Con người hào hoa và đào hoa Yakamochi nay đã cập bến với cô em họ Ôiratsume (Đại nương) không thể nào tránh lời bàn ra tán vào. Nếu ông muốn cùng vợ đi đến một hoang đảo để sống thì cũng không có gì lạ.

Tạm dịch thơ:

Nếu như có chỗ nào / Giống như nơi hoang đảo / Anh muốn đưa em đi / Không tin cho ai biết / Ở đây chịu tiếng đời / Chắc là anh phải chết ! .

Yakamochi thực ra có nhiều đặc điểm lôi cuốn được các bà các cô cho nên có bị họ hành cho cũng đáng. Thời trẻ chưa có danh vọng bằng ai nhưng ông là con nhà gia thế, Tuy mang tiếng võ biền nhưng gia đình ông có truyền thống văn chương qua phụ thân Tabito và cô ruột Sakanoue no Iratsume (Lang nữ). Đừng đầu một gia đình danh giá, văn hay chữ tốt, tướng mạo đường đường, lại đang độ trẻ trung, làm gì ông không là đích ngắm của các nàng. Đó là chưa kể ông có tương lai rạng rỡ của một vị quan trong nội cung (kunaikan) và còn rành rẽ những thứ “thể thao” đương thời như đi săn bằng chim ưng (takagari), thơ hay và dĩ nhiên là có một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế nữa.


Trong Man.yôshuu, ông có nhiều thơ tặng đáp. Ngoài cô em họ và cũng là người vợ chính là Ôiratsume (Đại nương), ông còn trao đổi thơ với quận chúa Yamaguchi (Yamaguchi no Ôkimi), các tiểu thư Nakatomi no Iratsume, Kannagibe no Maso Otome, Kasa no Iratsume, Ômiwa no Iratsume, Kôno no Momoe no Otome, Awatame no Otome, Ki no Iratsume, Heki no Nagae no Otome, Abe no Iratsume, Heguriji no Iratsume vv...Sau đây, ta thử trích dẫn một số thơ của các nàng ấy. Dù sao,kiểm điểm lại thì người mà Yakamochi đem tâm hồn trao gữi chỉ có thể là chính thê Ôiratsume mà thôi.
Tiết V: Thơ những người đàn bà có liên hệ đến Yakamochi:
Ôtomo no Sakanoue no Ôiratsume 大伴坂上大嬢:
Con gái cả của Ôtomo no Sakanoue no Iratsume, liên hệ trước tiên với Yakamochi là vai cô em họ nhưng sau đó trở thành người vợ yêu của ông. Có một ông chồng được nhiều cô gái trẻ mến mộ như Yakamochi, bà Ôiratsume là cái đích của mọi sự thèm thuồng của họ. Chồng và mẹ vẫn thường tặng bà những bài thơ âu yếm nồng nàn.
Có thể Ôiratsume là người được hưởng đầy đủ tinh cảm nên thơ bà thật thà, tròn trịa chứ không có những khúc mắc sâu xa. Nội dung hơi hạn hẹp, thiêu thiếu một cái gì. Trong quyển 4, bà có 10 bài, quyển 8 bà có 1 bài, tổng cộng là 11.
Sau đây là bài thơ bà làm ra để tặng chồng kèm theo món quà, một cái vòng tết bằng gié lúa để cài đầu (inekazura):
8-1624
Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

吾之蒔有 早田之穂立 造有 蘰曽見乍 師弩波世吾背

Dạng huấn độc (đã chua âm):

我が蒔ける早稲田の穂立作りたるかづらぞ見つつ偲はせ我が背

Phiên âm:

Wa ga makeru / wasada no hotachi / tsukuritaru / kazura zo mitsutsu / shinowase wa ga se /



Diễn ý:

Món quà gửi đến anh đây là cái vòng cài đầu tết bằng gié lúa mà em đã gieo mạ, chăm sóc từ lúc còn non, nghĩa là vật mà tự tay em làm ra. Hãy nhìn lấy nó mà nhớ về em, anh nhé.

Chuyện một tiểu thư khuê các như Ôiratsume nhúng tay vào việc đồng áng là điều cần xét lại. Có thể bà hơi khoa trương đôi chút. Sau khi nhận được thơ và quà, Yakamochi đã nhanh nhẹn trả lời ngay nhìn nhận món quà là do công khó của vợ mình làm ra và đã “ ngắm mãi không biết chán” (miredo akanu, bài 8-1625):

吾妹子が業と作れる秋の田の早稲穂のかづら見れど飽かぬかも

Wagimoko ga / nari to tsukureru / aki no ta no / wasaho no kazura / miredo akanu kamo

Người đời xưa thường lấy dây leo có hoa, gié lúa có bông kết thành vật trang sức. Trong bài 18-4086, Yakamochi có nhắc đến một vòng hoa bách hợp (yuri) dùng để cài đầu.

Tạm dịch thơ:

Em gửi anh món quà / Vòng cài đầu bằng lúa / Tự tay em gieo mạ / Chăm sóc lúc còn non / Mỗi lần nhìn thấy nó / Xin hãy nhớ em hơn /

Thơ Kasa no Iratsume 笠郎女

Ước tính có đến 124 nữ thi nhân trong Man.yôshuu. Trong đó có một nhóm qui tụ chung quanh Ôtomo no Yakamochi và liên hệ mật thiết với ông. Vì ông là nhà biên tập nên việc ông đem thơ họ vào thi tập nhiều cũng dễ hiểu.

Từ đời Nara trở đi, vận nhà Ôtomo cũng đã hưng vượng trở lại. Đó là một danh gia vọng tộc có nhiều nhân tài chứ không chỉ hai anh em trí thức Tabito và Sakanoue no Iratsume. Đến khi một người trẻ tuổi có mọi đức tính (thông minh, nhạy cảm, đẹp trai, hào hoa phong nhã) … như Yakamochi đã sinh ra đời để đứng ra lèo lái gia đình thì vận hội của dòng họ Ôtomo đã đạt tới một đỉnh cao. Với vai trò ấy, nếu Yakamochi có lôi cuốn sự để ý của giới nữ lưu nghệ sĩ đương thời là điều không ai làm lạ!

Thơ tặng đáp trong Man.yôshuu khá nhiều. Trong trường hợp của Yakamochi thì thơ của nữ giới tặng ông nhiều hơn. Thơ Yakamochi họa lại đếm được trên đầu ngón tay. Tác giả những bài thơ gửi đến ông là các cô gái trẻ sống dưới thời Tenpyô (729-749) nhưng người viết nhiều và còn để lại những bài có giá trị hơn cả chính là Kasa no Iratsume. Người ta thường ví chùm thơ tình của bà gửi ông Yakamochi như những hạt ngọc xâu thành một chuỗi, tất cả đều khả ái, nồng nhiệt và chân thành đến tự đáy lòng.

Tuy truyện ký về bà không mấy rõ ràng nhưng có thuyết cho rằng cái tên Kasa có thể đến từ mối liên hệ họ hàng với nhà thơ Kasa no Kanamura 笠金村. Trong quyển 3 có chép 3 bài của bà, quyển 4 có đến 24, riêng quyển 8 chỉ có 2, tổng cộng 29.Tất cả đều theo thể tanka nhưng toàn là thơ bà làm ra để tặng cho Yakamochi. Ông ta trả lời bà mỗi hai lần mà không mấy thắm thiết.Có thể bà nằm trong đội ngũ nhưng người đàn bà thất tình vì ông.

            



           Trang phục phụ nữ thời Nara (Nguồn Internet)

4-593

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

君尓戀 痛毛為便無見 楢山之 小松之下尓 立嘆鴨

Dạng huấn độc (đã chua âm):

君に恋ひいたもすべなみ奈良山の小松が下に立ち嘆くかも

Phiên âm:

Kimi ni koi / ita mo subenami / Narayama no / komatsu ga shita ni / tachinageku kamo /



Diễn ý:

Nghĩ về anh mà thương ơi là thương, đứng ngồi không phút nào yên.Em muốn lén ra khỏi nhà, lên hòn núi Narayama bên cạnh, đứng dưới gốc tùng con mà buông tiếng thở dài cho vơi tâm sự.

Tâm sự của một cô cái trẻ trắng trẻo, tuổi độ 15, 16, tóc còn rẽ đường ngôi, với chiếc váy đỏ đứng bên cạnh gốc tùng con (để tương xứng với cô, không thể là một cây tùng già hay tùng lớn được). Mắt cô nhìn về xa xôi và đẫm lệ. Đó là hình ảnh phảng phất qua bài thơ này. Narayama là một vùng có nhiều lăng mộ.

Tạm dịch thơ:

Thương anh và nhớ anh / Đứng ngồi đâu có yên / Em lén nhà lên núi / Nara ở kề bên / Dưới bóng tùng, đứng khóc / Cho vợi nỗi niềm riêng? /.

4-594

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

吾屋戸之 暮陰草乃 白露之 消蟹本名 所念鴨

Dạng huấn độc (đã chua âm):

我がやどの夕蔭草の白露の消ぬがにもとな思ほゆるかも

Phiên âm:

Wa ga yado no / yuukagekusa no / shiratsuyu no / kenu gani mo to na / omohoyuru kamo /



Diễn ý:

Trong vườn nhà của em, vừa khi buổi chiều còn buông vài tia nắng nhạt, có những giọt sương còn đong đưa dưới chòm lá những cây hoa nở thật dễ thương. Những giọt sương ấy sắp sửa tan đi, bản thân em cũng như mối tình của em đối với anh cũng nhạt nhòa dần trước anh và biến mất mà không làm sao giữ lại được.

Từ gốc tùng trên núi trở về phòng, nàng chắc đang chống cằm nhìn ra vườn mà nghĩ về cái mong manh của mối tình đơn phương mình mang trong lòng.

Tạm dịch thơ:

Vườn em chiều nhạt nắng / Sương đong đưa cành hoa / Tình em như sương ấy / Bám được anh chăng là / Theo tháng ngày tàn tạ / Giữ hỏi đến bao giờ?

4-596

Nguyên văn (dạng Man.yôgana):

八百日徃 濱之沙毛 吾戀二 豈不益歟 奥嶋守

Dạng huấn độc (đã chua âm):

八百日行く浜の真砂も我が恋にあにまさらじか沖つ島守

Phiên âm:

Yahokayuku / hama no manago mo / a ga koi ni/ani masarajika / okitsu shimamori /



Diễn ý:

Bao nhiêu ngày, bao nhiêu ngày rồi đi suốt qua những bờ cát trắng bên biển. Cát trắng nhiều vô kể nhưng số lượng hạt cát lấm tấm ấy nếu đem so sánh với tình em không biết có thể gọi là nhiều không. Không đâu, làm thế nào mà ví với mối tình vô hạn của em được, hỡi người giữ đảo ngoài khơi (okitsu shimamori)!

Cát thường được đem ví với số nhiều là chuyện ai cũng biết nhưng đem so sánh với tình yêu như Kasa no Iratsume thì cũng có thể gọi là mới mẽ. Lời nhắn nhủ đến người giữ đảo rất là thi vị.

Tạm dịch thơ:

Suốt mấy ngày dạo biển / Nhìn cát trắng mông mênh / Cát dẫu bao nhiêu hạt / Nhiều sao bằng tình em, Biết chăng, người giữ đảo / Lòng em thương vô biên /




tải về 0.86 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương